Trang chủ Lịch sử - Triết học Đóng góp của Hòa thượng Thiện Hoa trong việc tiếp nhận, truyền bá Duy thức học ở Việt Nam

Đóng góp của Hòa thượng Thiện Hoa trong việc tiếp nhận, truyền bá Duy thức học ở Việt Nam

Hòa thượng Thiện Hoa là một trong những Danh tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo và là một trong những ngọn đuốc khơi gợi, khuyến khích tinh thần học Phật lang rộng không những với tăng ni mà còn với tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hòa thượng Thiện Hoa là một trong những Danh tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo và là một trong những ngọn đuốc khơi gợi, khuyến khích tinh thần học Phật lang rộng không những với tăng ni mà còn với tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam.

TT. TS.Thích Hạnh Tuệ
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam
SC.Thích Nữ Trung Hiếu
Cao cấp Giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư – GHPGVN

Tóm tắt

Việt Nam với bề dày lịch sử mấy ngàn năm, từ xưa đến nay thời nào cũng có các vị  cao tăng đại sư lỗi lạc xuất hiện để hoằng pháp độ sinh. Như thời Ngô Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… đã có các vị thiền sư uyên thâm, thông suốt Phật pháp và thế học đem tài đức cố vấn triều đình giúp dân giúp nước.

Đến thời cận hiện đại – nhất là giai đoạn loạn lý của đất nước (nữa đầu thế kỷ XX) cũng có nhiều danh tăng xuất hiện nhập thế hoằng pháp lợi sinh. Một trong những vị ấy chính là tổ Thích Thiện Hoa trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Với tiêu chí đào tạo tăng tài và hoằng pháp lợi sinh, bên cạnh các công tác giáo hội tổ dịch kinh viết sách và có những phong trào, phương pháp cụ thể để khuyến khích tinh thần giáo dục và hiếu học cho tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam giai đoạn này.

Trong tinh thần học hỏi nghiên cứu đó học thuyết Duy thức cũng dần được nhiều học giả từ tăng ni đến cư sĩ quan tâm nghiên cứu. Nhất là dịch phẩm Duy thức học của Hòa thượng Thiện Hoa đã giúp người đọc, người học có thể tiếp cận học thuyết Duy thức uyên áo dễ dàng hơn.

Từ những năm cuối nửa đầu thế kỷ XX, sau tác phẩm Duy thức học của Hòa thượng Thiện Hoa rất nhiều tác phẩm về duy thức có giá trị ra đời. Duy thức học ở Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay đã có những bước tiến đáng kể,  một bức tranh phong phú sinh động cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đại sư tác giả, học giả đối với học thuyết Duy thức . Tham luận này tập trung làm rõ vai trò quan trọng của Hòa thượng Thiện Hoa trong quá trình tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam ta

Từ khóa: Duy thức, tiếp nhận, Phật giáo, lịch sử.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thien Hoa voi viec truyen ba Duy Thuc Hoc o Viet Nam 4

1. Dẫn nhập

Duy thức học hay gọi là Tâm lý học Phật giáo được hệ thống hóa khi Duy thức trở thành một tông phái tại Ấn Độ. Duy thức là sự kết hợp của ba từ: Cittamàtra; Yogacàra; Vijnanaptivàda. Trong đó: Cittamàtra (duy tâm) tất cả mọi pháp đều do tâm tạo ra; Yogacàra nghĩa là tu tập thiền định và thực hành Bồ tát đạo; Vijnanaptivàda (duy thức) là từ thức mà hiện khởi tất cả các pháp.  Sau này, các bộ luận duy thức của Ngài Thế Thân được phổ biến nên thường gọi là Duy thức tông.

Học thuyết Duy thức được hình thành trên nền tảng những lời dạy của Thế Tôn trong gần 50 năm thuyết pháp độ sinh. Trong bài kinh Chuyển pháp luân, khi khái niệm về khổ Thánh đế đức Phật dạy: “….. tóm lại năm thủ uẩn là khổ”[1] khi đó khổ được khái niệm là trạng thái chấp thủ của tâm vào sắc, thọ, tưởng, hành và thức; Phần Diệt thánh đế Ngài dạy chính là trạng thái tâm thức “đoạn diệt, ly tham,…. và không còn chấp trước bất cứ điều gì nữa”[2].

Như vậy, giải thoát cũng chính là trạng thái tâm thức không còn chấp trước; Nên trong kinh Pháp cú có nói: “tâm đi trước các pháp, tâm làm chủ tâm duy tác”[3]… (PC 1).  Chuyển hóa tâm thức là việc làm cần yếu trên con đường tu tập của hành giả. Mỗi hành giả nếu muốn chuyển hóa trước hết phải hiểu rõ lộ trình tâm, Duy thức học dựa trên cơ sở nền tảng những lời Thế Tôn dạy để chỉ rõ lộ trình tâm lý ấy và phương pháp tu tập chuyển hóa hướng đến trạng thái tâm thức ly tham, không còn dư tàn khát ái.

Duy thức tông dần được hình thành và phát triển khi trải qua thời gian nhiều thế kỷ cùng với chư vị tổ sư, cao tăng, thiền sư,… ở nhiều quốc gia đã trích lục, sắp xếp có hệ thống, tiếp nối, diễn dịch, triển khai cả chiều rộng và chiều sâu những lời Phật dạy về sự vận hành của tâm thức.

Ở  Việt Nam từ xưa đến này, các bậc cao Tăng, nhà lãnh đạo Phật giáo cũng rất quan tâm lý Duy thức này. Hòa thượng Thiện Hoa là một trong những danh tăng vào giữa thế kỷ XX đã nghiên cứu, tu tập, dịch thuật, giảng giải học thuyết Duy thức một cách cụ thể, rõ ràng, thứ lớp làm cơ sở tài liệu khả tín cho học giả giai đoạn loạn ly ấy và thế hệ sau.

Do đó, khi nói về quá trình tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam từ thế kỷ XX đến này, Hòa thượng Thiện Hoa là một trong những vị có công lao rất lớn trong việc đặt nền móng, duy trì và phát triển Duy thức học trong những giai đoạn đầu chấn hưng Phật giáo nước nhà đến nay.

2. Hòa thượng Thiện Hoa – tác giả, tác phẩm

Hóa thượng Thích Thiện Hoa có tên là Trần Thiện Hoa, có thể nói rằng gia đình của HT là gia đình có nhiều người xuất gia nhất trong vùng. Trần Thiện Hoa sinh ngày 7 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là con út (thứ chín) trong gia đình tám anh chị em. Ngài xuất gia khi lên 7 tuổi tại chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.

Sau đó Hòa thượng được gởi tới chùa Đông Phước tỉnh Cần Thơ theo tu học với Tổ Khánh Anh và được Tổ đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên. Hòa thượng được cơ hội tham học các trường gia giáo do Tổ Khánh Anh giảng dạy ở nhiều nơi sau đó tham học Phật ở học đường Lưỡng Xuyên khi Ngài 17 tuổi.

Năm 1938, Hòa thượng ra Huế tu học cùng một sáu vị khác, lúc đó Ngài 20 tuổi. Sau khi ra Huế, các vị Hòa thượng cùng học tại Phật học đường Tây Thiên hai năm, sau đó tham học Phật tại học đường Báo Quốc. Năm 1945, Hội An Nam Phật học ủy thác cho quý Hòa thượng Thiện Hoa và HT Trí Tịnh… mang một số học Tăng vào Nam để “hoằng pháp lợi sinh”.

Năm 1945, Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang ở tỉnh Cần Thơ. Đến năm 1953 do sức ép của thời thế, Hòa thượng cùng hàng đệ tử lên Sài Gòn đến Phật học đường Nam Việt Ấn Quang (trong số đó có thầy Thích Thanh Từ).

Cũng trong năm này, Hòa thượng được Giáo hội Tăng Già Nam Việt đề cử Ngài giữ chức vụ Trưởng ban Giáo dục và Trưởng ban Hoằng pháp kim Đốc giáo Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Trên cương vị này Hòa thượng đã khuyến khích mở trường Phật học như: Trường Phật Học tại chùa Bình An, Long Xuyên (1956), Trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, Trường Giác Sanh ở Phú Thọ, Chợ Lớn, Trường Phật Học ở Biên Hòa và Trường Phật Ân ở Mỹ Tho…

Song song đó Ngài đã dấn thân giảng dạy khắp nơi để động viên các trường. Hòa thượng còn chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả.

Tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang gồm có những Tăng ni sinh tài đức sau đây tuần tự ra trường: HT Bửu Huệ, HT Thiền Tâm, HT Tắc Phước, HT Tịnh Đức và HT Đạt Bửu, HT Thiền Định, HT Huyền Vi, HT Thanh Từ, HT Từ Thông, HT Chánh Tiến, HT Quảng Long, HT Hoàn Quan, HT Thắng Hoan, HT Đức Niệm, HT Liễu Minh, HT Như Huệ, HT Chơn Phát, HT Trí Quảng, HT Đồng Quy, HT Long Nguyệt, HT Nhựt Quang, HT Huệ Thới, HT Minh Thành;

Tại Ni Trường Dược Sư, các Ni Chúng ra trường gồm có: Ni trưởng Như Huyền, Ni trưởng Hải Triều Âm, Ni trưởng Diệu Hoa, Ni trưởng Minh Ngọc, Ni trưởng Giác Nhẫn, Ni trưởng Trí Hòa, Ni trưởng Trí Định, Ni trưởng Tịnh Thường,…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thien Hoa voi viec truyen ba Duy Thuc Hoc o Viet Nam 3

Năm 1956, Hòa thượng Thiện Hoa được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đề cử với chức vụ Ủy Viên Hoằng Pháp của Tổng Hội. HT đã thực hiện những dự án sau đây do chính Ngài chủ trương: hợp tác với HT Nhất Hạnh xuất bản nguyệt san “Phật Giáo Việt Nam”; tổ chức phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn để phổ biến giáo lý; lập nên nhà xuất bản Phật Giáo lấy tên là “Hương Đạo”; Chủ trương một “Phật Học Tùng Thư” để phổ biến những tác phẩm của Hòa thượng.

Thời kỳ Pháp nạn năm 1963, chống lại sự áp bức của chế độ Ngô Đình Diệm, Hòa thượng đã tích cực đấu tranh để bảo vệ đạo pháp với vai trò là Phó Chủ Tịch Ủy ban Liên Phái bảo vệ Phật Giáo. Cuộc tranh đấu được thành công, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Nhiệm kỳ I của Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng nhận chức Đệ Nhất Phó Viện Trưởng, kế đến đảm trách trụ trì Việt Nam Quốc Tự (đến nhiệm kỳ 2 và 3 cố HT vẫn nhận được toàn thể đại biểu bỏ thăm lưu nhiệm chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo).

Bên cạnh đó, phương diện công tác từ thiện cũng được Hòa thượng quan tâm như: cố vấn cho Ban Từ Thiện Ấn Quang; thúc đẩy thành lập cô nhi viện Diệu Quang; thành lập Niệm Phật Đường trong khám Chí Hòa;.vv…

Cả cuộc đời HT Thiện Hoa hy sinh trọn vẹn cho đạo Pháp với tấm lòng bao dung hòa ái nhưng rất kiên nghị trong đường lối đã vạch ra. HT Thích Thiện Bảo từng nhận định “HT Thiền Hoa là một trong những vị góp phần rất lớn tạo tiền đề cho giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này trên con đường hoằng Pháp” [4].

Có thể nói, mọi Phật sự miền Nam đều được Hòa thượng trợ giúp, hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Cố HT đã an nhiên viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý, nhằm ngày 23 tháng Giêng năm 1973, thọ 55 tuổi đời và 26 tuổi hạ.

Ngoài công tác Phật sự của giáo hội cố HT còn dành thời gian viết sách, dịch kinh để lại rất nhiều tác phẩm giá trị. HT Trí Quảng từng nói “HT (Thiện Hoa) dành trọn cuộc đời mình cho vấn đề biên tập giáo án để giảng dạy cho Tăng ni. Hòa thượng đã biên soạn được cây thang giáo lý 12 bậc từ thấp lên cao để cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay tự thấy mình đang ở chỗ nào và từng bước để bước lên”[5].

Các tác phẩm giá trị của cố HT.Thiện Hoa như:

Về phần trước tác có những tác phẩm như: Phật Học phổ thông (12 quyển); Bản đồ tu Phật (10 quyển); Bài học ngàn vàng (8 quyển); Nghi thức tụng niệm; Đại cương kinh Lăng nghiêm; Lược giải kinh Viên giác; Phật học giáo khoa các trường Bồ Đề; Giáo lý dạy gia đình Phật tử; 50 năm chấn hưng Phật giáo; Phật giáo Việt Nam ngày nay, vv…

Về Phần Phiên Dịch: Duy thức học (6 quyển); kinh Kim cang; Tâm kinh; luận Đại thừa khởi tín; luận Nhân minh.vv…

3. Duy thức tông và dịch phẩm Duy thức học của Hòa thượng Thiện Hoa

Duy thức tông (vijñaptimâtravâdin, yogâcârin, cittamâtravâdin) còn gọi là Du-già hành tông hay Pháp tướng tông. “Tông này thuộc Đại thừa, phân tích vũ trụ vạn hữu đều do thức biến hiện”[6]. Theo HT Thiện Hoa tông này “cũng đều để gọi là pháp môn mà tôn chỉ là nghiên cứu, quán sát hành tướng và nguyên nhân sinh khởi của vạn pháp. Nguyên nhân sinh khởi ấy là thức”[7].

Các khái niệm về danh từ tâm, ý, thức trong các kinh điển đức Thế Gian Giải đã đề cập rất nhiều. Sau này được các bậc tổ sư diễn giải, trình bày rõ nét hơn có thể vào khoảng thế kỷ thứ II với bộ Đại thừa khởi tín luận của Bồ tát Mã Minh (và các bộ luận liên quan khác).

Vào thế kỷ thứ IV, tông Duy thức mới dần được hình thành với hai đại luận sư lỗi lạc là ngài Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (vasubandhu). Ngài Thế Thân (vasubandhu) là em của Ngài Vô Trước (Asaṅga) lúc đầu không tin và có phần phỉ bán hệ thống Đại thừa, nhưng sau này nhờ sự khuyên nhủ của người anh là Vô Trước (Asaṅga) nên Ngài đã quay về kính tin tư tưởng Đại thừa.

Ngài Vô Trước (Asaṅga) đã có công trong việc hệ thống, kết hợp khéo léo trọn vẹn hệ tư tưởng các kinh luận trước đó và hình thành các bộ luận như: Hiển dương thánh giáo luận, Đại thừa A-tì-đạt-ma luận, đặc biệt là Nhiếp đại thừa luận, có thể nói đây là kiệt tác trong đời Ngài. Ngài Thế Thân đã tiếp bước phát triển và chú giải các tác phẩm của ngài Vô Trước và viết nhiều bộ luận.

Tác phẩm Duy thức tam thập tụng luận được viết khi Ngài Thế Thân gần cuối đời nên chưa kịp giải thích chú sớ cụ thể. Sở dĩ có được sự giải thích chi tiết cụ thể như ngày nay là do mười vị Ðại luận sư nối tiếp nhau chú giải. Mười đại luận sư ra sức chú giải và xiển dương các quyển luận ấy làm cho tông Duy thức phát huy cực điểm.

Tác phẩm Duy thức tam thập tụng luận gồm ba mươi bài tụng tuy ngắn gọn nhưng nội dung phong phú và trở thành bảo điển trong hệ thống Duy thức. Các kinh luận lập cước cho tông Duy thức gồm có sáu bộ kinh và mười bộ luận.

Sáu bộ kinh là: Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Giải thâm mật kinh, Như Lai xuất hiện công đức kinh, Đại thừa a-tì-đạt-ma, Nhập Lăng-già kinh, Hậu nghiêm kinh; Mười bộ luận là: Du-già sư địa luận, Đại thừa bách pháp minh môn luận, Đại thừa ngũ uẩn luận, Hiển dương thánh giáo luận, Nhiếp đại thừa luận, Đại thừa a-tì-đạt-ma (tạp) tập luận, Biện trung biên luận, Nhị thập duy thức tụng, Duy thức tam thập tụng, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Phân biệt du-già luận.

Ở Trung Hoa Duy thức trở thành tông phái biệt lập và phát triển mạnh bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ VII mặc dù trước đó Duy thức học đã có từ thời Lục Triều nhưng chưa phát triển mạnh. Vào đời nhà Đường có ngài Huyền Trang sau khi du học Ấn Độ về bên cạnh phiên dịch rất nhiều kinh sách, Ngài cũng rất chú trọng đến học thuyết Duy thức nên cùng với các đệ tử đã xiển dương tư tưởng này và khiến Duy thức tông trở thành một trong những tông phái lớn mạnh ở Trung Hoa gọi là Duy thức tông hày Pháp tướng tông.

Tông này lấy Thành Duy thức luận (Vijnịapti-màtratà-siddhi) làm căn bản triết thuyết. Thành Duy thức luận do Ngài Huyền Trang viết, bộ luận là sự kết hợp khéo léo những tinh hoa tư tưởng của tất cả mười bản luận giải của các luận sư Ấn Độ về Duy thức tam thập tụng. Ngài Khuy Cơ và Đại Thừa Đăng (một đại sư người Việt Nam) là hai đại đệ tử đã cộng tác với Huyền Trang trong công trình dịch thuật các bộ luận về Duy thức này.

Sau khi Pháp tướng tông được hình thành và phát triển thì những tác phẩm phân tích, chú sớ, giảng giải về Duy thức của các bậc tổ sư kế thừa, những đại sư, luận sư….. ra đời rất nhiều. Duy thức là một trong hai hệ tư tưởng lớn của Phật giáo Đại thừa nên sự quan tâm xâu sắc của các bậc cao tăng Trung Quốc về học thuyết Duy thức là điều tất yếu đối với quốc gia này.

Ở Việt Nam học thuyết Duy thức từ xưa đến nay luôn được chư vị cao Tăng tiền bối quan tâm. Như thiền sư Thường Chiếu (?- 1203); HT Huyền Cơ, HT Trí Độ (1894-1979), Hòa thượng Thiện Hoa (1918-1973)… Từ giữ thế kỷ XX, một trong những tài liệu đi đầu uy tính, đầy đủ và có hệ thống nhất về học thuyết Duy Thức có thể nói đến là tác phẩm của Hòa thượng Thiện Hoa.

Tác phẩm mang tựa đề là “Duy thức học” và được in trong bộ Phật học phổ thông (quyển 3). Trong tác phẩm Duy thức học những bản dịch về Duy thức như sau: Duy thức nhập môn dịch từ Đại thừa bá pháp minh môn luận; Duy thức phương tiện đàm của Đường Đại Viên (Trung Hoa); Bản Việt dịch từ Luận A-đà-na thức do Ngài Thái Hư giảng; Duy thức tam thập tụng dị giải của ngài Thế Thân tạo luận (Huyền Trang dịch hán ngữ). Hiện nay dù trải qua hơn 50 năm, tác phẩm Duy thức học của Hòa thượng vẫn còn nguyên giá trị.

Bằng phương pháp khoa học được diễn đạt với lời văn bình dị hàm chứa triết lý cao siêu của Duy thức học Hòa thượng Thiện Hoa đã giúp người đọc, người học từng bước lãnh hội nền triết lý quan trong nhất nhì của hệ thống Phật giáo Đại thừa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thien Hoa voi viec truyen ba Duy Thuc Hoc o Viet Nam 6

4. Vấn đề tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay

Học thuyết Duy thức ở Việt Nam ta tuy chưa chính thức phát triển và tách biệt thành một tông phái như ở Ấn Độ hay Trung Quốc. Nhưng Duy thức học lại được sự quan tâm xâu sắc của chư vị cao tăng tiền bối, các nhà lãnh đạo Phật giáo nước nhà… chính vì thế học thuyết này luôn được kế thừa, ứng dụng trong nhiều pháp môn tu hành của người Việt.

Theo nhận xét Giáo sư Lê Mạnh Thát “tư tưởng Duy thức xuất hiện tương đối sớm, có thể từ thời thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) chúng ta đã thấy thiền sư đề cập đến vấn đề Duy thức”[8].

Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc nước nhà với bao cuộc chiến tranh tàng phá và sự đô hộ ngoại ban những kinh sách thuộc phạm trù Duy thức trước kia của chư vị tiền bối không còn nhiều. Từ giữ thế kỷ XX đến nay những tài liệu về Duy thức mới dần được chư vị tổ sư, cao tăng,… phiên dịch, giảng dạy và ghi chép.

Chư vị tiền bối giai đoạn đầu trong công cuộc Việt dịch, giảng dạy và truyền bá học thuyết Duy thức như: HT Huyền Cơ tại chùa Hưng Ký Hà Nội Ngài mở trường dạy Duy thức học; Hòa Thượng Trí Độ (1894-1979) sư phụ của HT Trí Quang và HT Trí Quang dịch bộ Thành Duy Thức luận của Ngài Huyền Trang từ Hán ngữ qua Việt ngữ; Tác phẩm về Duy thức học của Hòa thượng Thiện Hoa – một tác phẩm đầy đủ, chi tiết và hệ thống có thể làm giáo án giảng dạy và tài liệu uy tính trong khoảng 50 trở lại đây (từ lúc tác phẩm ra đời đến ngày nay).

Về sau, có các vị đại sư, cao tăng và học giả đã dịch thuật, chú sớ, giảng giải, ghi chép, truyền bá học thuyết Duy thức góp phần làm cho ngọn nến Duy thức tiếp nối và lưu truyền đến hôm nay và mai sau. Một số công trình tác phẩm tiêu biểu về phạm trù Duy thức mà người viết có thể cập nhật, tiếp cận và có sức ảnh hưởng hiện nay như sau:

Năm 1949 xuất bản tác phẩm mang tựa đề  Duy thức (Tam thập luận tụng). đây là bản dịch của HT Tuệ Nhuận, tác phẩm có 194 trang tương đối chi tiết. Trong những giai đoạn đầu thì đây là một trong những tác phẩm về Duy thức quý hiếm và nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả.

Năm 1953 bản dịch của Giáo sư Thạc Đức ra đời, tên tác phẩm là Duy thức học (một trong những hệ thống triết học của Đại thừa Phật giáo). Tác phẩm được nhà xuất bản Phật học đường Nam Việt xuất bản với 124 trang.

Tập sách này tóm tắt những bài giảng về Duy thức học mà thầy Thạc Đức đã giảng tại lớp Tam niên trung học của Phật học đường Nam Việt. Nội dụng tác phẩm gồm có 3 phần: Đối tượng và phương pháp Duy thức học; Nhu yếu thành lập Duy thức học; Những giải quyết của Duy thức học. Cuối sách là phần Phụ lục-Lợi ích của Duy thức học.

Hòa Thượng Khánh Anh (1859-1961) với tựa đề Ba mươi bài tụng duy thức, đây là bản dịch về Duy thức học của HT. Bản dịch gồm chữ Hán, âm Hán Việt, dịch nghĩa và giảng giải.

Phần dịch nghĩa tác giả dịch bằng văn xuôi, trong nội dung bài giảng có những từ mang chất liệu ngôn từ xưa như “hột giống, uôn đúc, A-lại-da còn gọi là thức dễ chứa (Tạng thức) lại có 3 nghĩa là: Biết chứa, Bị chứa và Chấp chứa”. Nhưng không vì vậy mà là tác phẩm trở nên khó hiểu mà trái lại tác phẩm này rất được tiếp nhận ở giai đoạn ấy và hiện nay.

Hòa thượng Thiện Hoa, sau nhiều năm nghiên cứu giảng dạy về Duy thức học đã dịch giảng tác phẩm mang tựa đề là Duy thức học (tái bản nhiều lần có chỉnh sửa) và được in trong bộ Phật học phổ thông (quyển 3). Trong sách Duy thức học có các bản liên quan phạm trù Duy thức được tác giả lựa chọn thứ lớp kỹ lưỡng và trình bày một cách rành mạch, khoa học với văn phong dễ tiếp cận với nội dung trọn vẹn triết lý học thuyết Duy thức. Tác phẩm Duy thức học của Hòa thượng Thiện Hoa gồm có các bản dịch sau:

Duy thức nhập môn, hoàn thành vào ngày rằm tháng 6 năm kỷ hợi (1959). HT dịch từ Đại thừa bá pháp minh môn luận từ Hán ngữ sang Việt ngữ. Nội dung bản Duy thức nhập môn Hòa thượng Thiện Hoa được chia thành mười bài cụ thể, mỗi bài giải thích rõ từng chi pháp trong 100 pháp, nội dụng mỗi bài gồm có nguyên văn Hán Việt, dịch nghĩa và lược giải. HT nhấn mạnh tác phẩm Duy thức nhập môn sẽ “hướng dẫn quý vị đọc giả đi đúng vào của của tòa nha Duy thức”[9].

Năm 1955, Hòa thượng Thiện Hoa dịch xong tác phẩm Duy thức phương tiện đàm của tác giả Đường Đại Viên-một học giả lỗi lạc ở Trung Hoa. Bản dịch này rất dễ hiểu với người mới học, với lối văn chương bình dị và ví dụ thông thường gần gũi. Hòa thượng Thiện Hoa dịch xong, ở Phật học đường Nam Việt.

Bản Việt dịch tác phẩm Luận A-đà-na của Hòa thượng Thiện Hoa hoàn thành năm 1960, tác phẩm này là kết quả quá trình giảng dạy của Ngài Thái Hư giảng. Nội dung quyển A-đà-na thức này chia làm tám phần như: nêu cái tên, định giới nghĩa, giải thích và chọn lựa, …và cuối cùng là chỉ cái dụng. Trong mỗi phần Hòa thượng trình bày theo thứ tự là chữ Hán, dịch nghĩa và lược giải.

Duy thức tam thập tụng dị giải của ngài Thế Thân tạo luận, ngài Huyền Trang dịch Hán ngữ, Ông Đường Đại Viên giải gọn được HT lựa chọn Việt dịch và giảng dạy. Tác phẩm được chia làm bảy bài khoá, trong mỗi bài gồm có phần Hán Việt, dịch nghĩa và lược giải ngắn gọn.

Cuối sách có ân Hán Việt và nghĩa (do Hòa thượng Thiện Hoa dịch) tác phẩm Duy thức tam thập chính văn và hai biểu đồ tổng kết giúp cho học giả dễ hệ thống lại Duy thức học. Trong những năm nữa đầu thế kỷ XX, đây là một trong những tác phẩm về Duy thức học trần quý gói đầu giường của học giả.

Năm 1964, HT Tuệ Quang dịch tác phẩm có tựa đề là Duy thức học. Tác giả chia sẻ đây là bản dịch được kế thừa từ HT Trí Độ và HT Huyền Cơ kết hợp sự nghiên cứu thực nghiệm của bản thân. Tác phẩm Duy thức học của HT Tuệ Quang là quyển sách trình bày về Thành duy thức luận một cách tổng thể. Để phân tích và giải thích cụ thể Thành duy thức luận nên tác giả chia nội dung tác phẩm gồm có mười bốn phần, mỗi phần lại có nhiều đoạn nhỏ trong Thành duy thức.

Tác phẩm này là sự kế thừa của những vị Hòa thượng có uy tín đức độ và được tác giả trình bày rõ ràng nên được nhiều sự quan tâm của đọc giả, học giả.

Năm 1965, Thích Tâm Giác hoàn thành tác phẩm Duy thức học. Tác phẩm Duy thức học này có hai quyển: thứ nhất là giảng nghĩa quyển Duy thức sơ học; thứ hai là giảng nghĩa quyển Duy thức phương tiện đàm.

Năm 1969  thiền sư Nhất Hạnh với công trình mang tên là Vấn đề nhận thức trong duy thức, in tại nhà xuất bản Lá Bốivà được tái bản nhiều lần cả trong và ngoài nước vào thời điểm đó. Nội dung tác phẩm gồm có ba phần lớn và phần phụ lục: Phần khái quát bàn về từ tướng nhập tính, các tác phẩm căn bản và sơ lược lịch sử Duy thức; Phần hai là hành tướng nhận thức, phần ba có tên là con đường thể hiện, Phần phụ lục có bản Tam thập tụng bằng chữ Phạn và chữ Hán để đọc giả dễ đối chiếu so sánh.

Đây là một tác phẩm tương đối ngắn gọn nhưng ý vị cao xa giúp cho học giả đã tường có cơ hội tìm hiểu Duy thức có thể thông suốt những phần nghi vấn về lý Duy thức này.

HT Thích Thuyền Ấn dịch và soạn giảng lớp Cao học triết của Đại học Văn khoa viện đại học Vạn Hạnh, niên khóa: 1972-1973. Sau được in thành sách tên tác phẩm là Duy thứ tam thập tụng. Nội dung tác phẩm gồm bốn bản với bốn ngôn ngữ khác nhau để tiện việc đối chiếu cho sinh viên.

Thứ nhất: bản Việt dịch do chính tác giả dịch từ bản dịch Hán văn của Ngài Huyền Trang; Thứ hai: bản chữ Hán Duy thức tam thập tụng của Ngài Huyền Trang; Thứ ba: bản tiếng Anh do Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn dịch thẳng từ nguyên bản Sanskrit của Bồ tát Vasubandhu; Thứ tư: tác giả đã phiên âm lại bằng phiên âm mẫu tự quốc tế, từ nguyên bản chữ Sanskrit của Trimsika do Sylvain Lévi ấn hành tại Paris năm 1925.

Năm 1972 xuất bản tác phẩm mang tựa đề Duy thức học, đây là bản dịch về Duy thức của HT Thích Quảng Liên, tác phẩm có 164 trang, được xuất bản bởi nhà xuất bản Tu viện Quảng Đức. Tác phẩm Duy thức học này là một trong những tác phẩm có giá trị với lối trình bày rõ ràng, thứ lớp và nội dung đầy đủ dễ hiểu làm cho đọc giả trong những năm 70 dễ dàng tiếp cận học thuyết Duy Thức. Vào thời điểm đó thì đây cũng là một trong những bản dịch đầy đủ đáp ứng nhu cầu học thuật giai đoạn tác phẩm ra đời.

Năm 1987 cư sĩ Quảng Minh dịch hoàn thành tác phẩm với tựa đề Bát thức quy củ tụng trang chú. Cư sĩ Quảng Minh dịch từ tác phẩm Bát thức quy củ tụng trang chú của ngài Huyền Trang do Đại sư Thái Hư hiệu đính. Bản dịch này được tác giả hoàn thành năm 1987, đến 2002 chỉnh sửa lần thứ nhất, đến năm 2016 hiệu đính lần hai có thêm một số chú thích và chính sửa sai lầm.

Nội dung tác phẩm có chữ Hán, âm Hán Việt, dịch và giải thích từ giảng nghĩa rộng và chú thích những từ ngữ rất kỹ. Đây cũng là một trong những tác phẩm về Duy thức học tương đối tỉ mỉ và có giá trị làm tư liệu cho học giả sau này.

Năm 1990, Thích Thiện Ngôn biên soạn Giáo trình Duy thức học cương yếu. Nội dung giáo trình này có ba phần là: Phần thứ nhất, giới thiệu tổng quan về sự truyền thừa của Duy thức; Phần thứ hai có nhiều vấn đề như: gợi ý khi học môn Duy thức, giới thiệu tâm vương tâm sở, ba tự tánh, năm lớp quán Duy thức, hạnh vị của bồ tát đạo và thập địa bồ tát… và nhiều vấn đề khác.

Cuối cùng là phần kết và phụ lục. Trong tác phẩm này, tác giả không đi sâu vào phân tích quá kỹ và chi tiết về các học thuyết Duy thức mà tác giả muốn cho người đọc có cái nhìn tống quan về duy thức học trên nhiều phương diện.

Mùa đông năm 1990 HT Thích Nguyên Ngôn hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Duy thức học cương yếu. Tác phẩm có ba phần: Phầm một là giới thiệu tổng quát truyền thừa duy thức học; Phần hai là gợi ý khi học môn duy thức; Phần ba là giới thiệu tâm vương và tâm sở. Trong đó phần ba được chia làm 15 bài cụ thể và chi tiết.

Xuất bản năm 1991 Tỳ kheo ni Như Thanh hoàn thành tác phẩm với tựa đề là Duy thức học. Nội dung tác phẩm gồm bốn chương: chương một là nguồn gốc Duy thức, chương hai là nhận thức tư tưởng của duy thức học, chương ba là việc giáo dục của Duy thức học, chương bốn là giảng luận bổ túc và kết luận.

Tác phẩm này cho đọc giả có nhiều góc nhìn khác nhau về Duy thức học. Tác phẩm Duy thức học của Như Thanh là một tác phẩm tương đối chi tiết và đầy đủ với các phạm trù liên quan khác.

Năm 1993 cho ấn hành tác phẩm Bát thức quy củ tụng trang chú của Tỳ kheo ni Huyền Huệ, tác phẩm có 242 trang. Trong quyển sách này gồm có ba bản dịch là Bát thức quy củ tụng trang chú do Ngài Huyền Trang tao luận; Luận đại thừa bách pháp minh môn chuế ngôn do ngài Khuy Cơ chú giải và Sa môn Minh Dục chuế ngôn; Luận quán sở duyên duyên trực giải của ngài Trần Na.

Nội dung mỗi phần có chính văn âm, chính văn nghĩa, trực giải và cuối mỗi phần có chú thích tỉ mỉ. Tác phẩm này với nhiều bản dịch giúp người đọc có nhiều góc nhìn khác nhau về lý Duy thức này.

Mùa An cư P.L. 2539 – 1995 HT Thích Thiện Siêu dịch xong tác phẩm Thành duy thức luận. Sở dĩ tác giả chọn bộ luận này là vì đây là bộ luận cương yếu của môn Duy thức học, Duy thức học được trình bày theo luận pháp nhân minh với những từ ngữ giản ước, nghĩa lý khúc chiết.

Nội dung tác phẩm Thành duy thức luận này được chia thành 5 phần với 560 trang, phân tích tỉ mỉ, đầy đủ từng chi tiết nhỏ, dễ hiểu. Trong phần phụ lục có các bản Duy thức tam thập tụng Phạn ngữ, Hán ngữ và Việt dịch. Những ai muốn đi sâu nghiên cứu lãnh vực Duy thức học thì đây là bản dịch cần nên tham khảo.

Năm 1996 thiền sư Nhất Hạnh cho xuất bản một tác phẩm đáng chú ý với tựa đề Duy biểu học giảng luận. Tác phẩm gồm năm mươi bài tụng do chính Thiền sư Nhất Hạnh viết. Nội dung của 50 bài tụng tuy không ra ngoài những vấn đề phạm trù Duy thức trước kia nhưng lại được Thiền sư Nhất Hạnh trình bày với ngôn ngữ mới gần gũi và đễ hiểu.

Đây là kết quả của sự kế thừa Duy thức học có sự nghiên cứu và thực nghiệm của tác giả. Tác phẩm này là sự kết hợp khéo léo từ những tư tưởng của Duy thức tam thập tụng, Thành duy thức luận, Nhiếp đại thừa luận, Tam thập tụng chú (của Huệ An), Bát thức quy cũ tụng và một ít Hoa nghiêm huyền nghĩa của ngài Pháp Tạng không dừng lại ở đó tcas phẩm còn mang tinh thần Hoa nghiêm kinh với triết lý “một là tất cả tất cả là một”.

Đến hiện nay đây là tác phẩm Duy thức gần như duy nhất được sáng tác chứ không phải dịch từ những tác phẩm luận giải khác. Tác phẩm này là một trong những cánh cửa giúp học giả tiếp cận lý Duy thức dễ dàng, song song đó đây lại là con đường giúp học giả đi sâu vào nghiên cứu triết lý Duy thức, đồng thời tác phẩm này cũng chính là phương pháp giúp hành giả quán chiếu lộ trình tâm lý chính mình cùng những phương pháp chuyển hóa các tâm ý bất thiện.

Năm 1996 tác phẩm là Bát thức quy củ tụng được hoàn thành. Quyển Bát thức quy củ tụng của HT Thích Thắng Hoan được dịch theo lối thoát văn – lấy ý để diễn giải bằng cách cô đọng. Nơi bản dịch này, tác giả chủ yếu giải thích cẩn thận những chỗ tối nghĩa, đồng thời sắp xếp lại theo chiều diễn tiến để cho ý tưởng Duy thức được dễ hiểu hơn.

HT Thích Thắng Hoan còn có tác phẩm Khảo nghiệm duy thức học (tâm lý học thực nghiệm) hoàn thành năm 1998. Tác phẩm này dựa theo sự phân loại của Duy Thức Phương Tiện Đàm, còn phần nội dung biên soạn tác giả căn cứ theo quyển Duy thức học của ngài Thạc Đức và quyển Nhận thức duy thức học của ngài Nhất Hạnh để diễn giải.

Ngoài ra, còn nương theo tinh thần của Ni sư Phật Oánh trong quyển Bát thức quy củ tụng và quyển Duy thức tam thập tụng của Tuệ Nhuận để phát huy tư tưởng theo đường hướng nhận thức mới. Nội dung tác phẩm chia làm hai phần là: Phần phân tích là phần mổ xẻ chi ly từng loại một của các pháp; Phần tổng hợp là phần giải thích sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng duyên sinh của vạn pháp hiện khởi.

Năm kỷ mão (1999) HT Từ Thông soạn dịch xong tác phẩm Duy thức học yếu luận, tác phẩm này được Việt dịch từ tác phẩm bằng chữ Hán của ngài Thế Thân. Duy thức học yếu luận được HT Từ Thông soạn theo lối giáo án để triển khai, với nội dung có phần phiên dịch, giải thích thuật ngữ, yếu luận. Phần yếu luận tác giả không luận rộng mà chỉ viết súc tích. Trong phần giải thích thuật ngữ tuy không có đối chiếu các ngôn ngữ khác nhưng tương đối dễ hiểu và chi tiết.

Năm 2002, Tỳ kheo ni Huyền Huệ có bản Việt dịch với tựa đề là Luận duy thức tam thập tụng thích lược. Bộ luận này chú trọng hai viêc: thứ nhất việc xúc tích làm cho người đọc không bị sự rườm rà văn tự làm trở ngại ý chính; thứ hai tác giả cố gắng dịch sát nghĩa bản gốc để tiện làm tư liện nghiên cứu.

Năm 2002 xuất bản tác phẩm mang tựa đề  Thức Biến, tác phẩm ra đời do Viện nghiên cứu Phật học sưu tập những bài viết, các bài giảng của HT Thích Thiện Siêu. Trong tác phẩm, có bài được viết và đăng trên các tạp chí Phật học (bốn, năm chục năm trước); có bài được giảng cách đây năm bảy năm…với nội dung phong phú nhưng chỉ có những phần đầu là đề cập đến duy thức.

Nội dung tác phẩm gồm ba phần: Các bài nghiên cứu giới thiệu về duy thức học, các bài thuyết giảng Phật Pháp và các bài tưởng niệm của chư Tôn giáo phẩm và niệm vãng của Phật tử. Một tác phẩm khác của HT Thích Thiện Siêu ra đời rất sớm là Đại cương luận câu xá, hoàn thành năm 1991. Câu Xá luận là một trong mười bộ luận nền tảng cho hệ thống Duy thức hình thành.

Năm mùa Phật Đản năm 2003, bản lược giải của Thích Trí Châu có tên Duy thức tam thập tụng lược giải. Nội dung tác phầm thầy Trí Châu trình bày theo thứ tự phiên âm tam thập tụng sau đến phần giới thiệu các thức biến trong Duy thức học. Sau đó, tác giả mới đi vào phân tích chi tiết từng bài kệ và phân chia thứ lớp rất cụ thể và dễ hiểu.

Ví dụ chương hai là đại cương A lại da thức: trước tiên tác giả giảng giải tổng thể về thức A lại da sau đó là nêu bài tụng thứ ba trong Duy thức tam thập tụng có phiên âm, dịch nghĩa và cuối cùng là giải thích bài tụng.. vv. tương tự với các chương khác. Lối phân chia thứ tự trong tác phẩm này giúp người đọc dễ tiếp cận nội dung.

Năm 2003 xuất bản tác phẩm Những dòng sữa pháp, đây là sự tập hợp những bài giảng của HT Thích Huyền Vi. Tập III của tác phẩm Những dòng sữa pháp HT giảng về Duy thức với tựa đề Giảng giải duy thức tam thập tụng. Những phạm trù Duy thức học này HT đã giảng dạy năm 1984 nhưng đến 2003 mới cho biện tập và xuất bản.

Đây là một tác phẩm tương đối dài với trên 750 trang, khá chi tiết và tỉ mỉ, các thức (a lại da, mạt na, ý thức và năm thức đầu) được giải thích tường tận dễ hiểu bằng lối hành văn bình dị cùng với cách phối hợp linh động tinh vi đưa người đọc từ duy thức môn sang giáo lý kinh điển.

Mùa an cư năm 2005 tại tổ đình Từ Hiếu, Tỳ kheo Thiện Hạnh hoàn thành tác phẩm  Duy thức học (gồm Bát thức quy củ tụng và Tam thập tụng). Nội dùng tác phẩm gồm có khái quát đại cương về Duy thức học với lịch sử khởi nguyên và sự phát triển truyền thừa của Duy thức; Bát thức quy củ tụng với phần chứ Hán, phiên âm, việt dịch và giải thích; Duy thức tam thập tụng với phần chứ Hán, phiên âm, việt dịch và giải thích. Tác phẩm này cũng là mototj trong những tư liêu cần tham khảo khi muốn tìm hiểu về Duy thức học.

Tác phẩm với tựa đề Phương pháp khoa học của duy thức (Duy thức khoa học đích phương pháp) của HT Thích Phước Sơn ra đời năm 2007 và được xuất bản bởi nhà xuất bản Phương Đông. HT Thích Phước Sơn dịch từ tác phẩm Duy thức đích khoa học phương pháp của tác giả Đường Đại Viên (Trung Hoa). Nội dung bản dich có ba chương. Trong đó, chương một là do tác giả soạn và chương hai và ba là bản dịch từ tác phẩm của ông Đường Đại Viên. Tác phẩm này rất phù hợp nền văn minh khoa học hiện đại và có tính thực tiển, khúc chiết.

Năm Mậu Tí (2008) tại Am Thị ngạn HT Tuệ Sĩ dịch xong tác phẩm Luận thành duy thức của ngài Huyền Trang. Đến thời buổi hiện tại bản dịch này của HT Tuệ Sĩ là bản dịch về Luận thành duy thức tương đối tỉ mỉ đến từng câu chữ, đầy đủ, chuyên sâu và sát nghĩa với bản gốc nhất.

Tuy vậy, vì quá chi tiết và chuyên sâu với nhiều thuật ngữ mới lạ nên những học giả mới giai đoạn đầu tiếp cận Duy thức học sẽ rất khó hiểu với bản dịch này. Hiện nay, bản dịch này vẫn là một trong những bản dịch đang kính trọng vì sự uyên thâm thể hiện qua từng câu từ trong tác phẩm.

Năm 2008, tác phẩm được Thích Long Vân soạn dịch hoàn thành tại Vĩnh Long với tựa đề là Luận đại thừa bách pháp. Lúc đầu đây là giáo trình giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học, nội dung tác phẩm chia làm 21 bài giải thích chi tiết 100 pháp và các thuật ngữ khó hiểu liên quan Duy thức. Thích Long Vân tham khảo tác phẩm Duy thức nhập môn của Hòa thượng Thiện Hoa để giải thích Đại thừa bách pháp của Ngài Thế Thân.

Năm 2009, Giải Minh (soạn dịch) tác phẩm thuộc phạm trù Duy thức với tựa đề là Tân duy thức luận. Nội dung tác phẩm có phần duyên khởi; Hán ngữ bản Tam thập tụng, âm Hán Việt, dịch nghĩa, giảng giải. Bản dịch này dịch giả bám sát vào nguyên tác để diễn dịch đồng thời chú thích được những từ khó là sáng nghĩa một số vấn đề liên quan.

Mùa đông năm tân mão 2011, Giải Minh soạn dịch tiếp tục tác phẩm khác về Duy thức học là Duy thức triết học. tác giả dùng bản của ngài Chân Đế (Paramartha) trước tác để soạn dịch. Nội dung tác phẩm ngoài lời tựa và tác giả bộ luận thì trong phần nội dung tác phẩn của Giải Minh gồm năm phần như sau: khái quát về duy thức học, nhận xét giữa duy thức triết học và triết học hiện thời (TK XIX), duy thức triết học quan, các loại triết học và nguyên tác Duy thức nhị thập tụng. Những phần trên tương đối đầy đủ và dễ hiểu.

Trong phần năm nguyên tác Duy thức nhị thập tụng tác giả có đề cập chữ Hán, âm, nghĩa, luận giải và lược giảng đầy đủ. Ngoài ra, Giải minh còn có những bản dịch liên quan duy thức nữa như là: Tân duy thức luận, Duy thức dị giản và Duy thức tam thập tụng…

Năm 2011, xuất bản tác phẩm của Thích Phổ Huân với tựa đề là Thức biển hiện (Một trăm pháp duy thức). Nội dung tác phẩm Thức biển hiện được chia làm hai phần: phần đầu với nội dung tìm hiểu về trăm pháp học duy thức từ chương một đến chương tám; phần cuối là những bài luận chia xẻ về cách nhìn, cách tư duy trong hoàn cảnh đời sống thế gian và con người, đối với môn Duy thức học từ chương chín đến hết.

Bản dịch của Lê Hồng Sơn dịch xong 2/9/ 2013, tên tác phẩm là Luận đại thừa 100 pháp. Biết rõ 100 pháp là bước đầu biết cách tu tâm vì nó cho ta biết nguyên nhân, hành tướng và kết quả của bất cứ tâm sở nào đang vận hành trong ta. Tác phẩm được chia là 22 chương, trong mỗi chương có phần chữ Hán, âm, nghĩa và giải thích đầy đủ.

Năm 2013, Lê Hồng Sơn Việt dịch tác phẩm từ Vu Lăng Ba giảng giả, tên tác phẩm là Pháp tướng tông (Duy Thức tam thập tụng). Nội dung tác phẩm chia làm 12 chương với  237 trang khá tỉ mỉ và chi tiết. Nội dung gồm có chữ hán, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa cũng như giảng giải lồng ghép giải thích một số từ quan trọng.

Năm 2014, HT.Thích Thắng Hoan còn có tác phẩm Duy thức đơn giản (Duy thức giản giới). Tác phẩm có phần giải thích và đặc biệt có những biểu đồ về duy thức. Đây cũng là một trong những hướng tiếp cần mới về duy thức.

Năm 2018, HT.Thích Thắng Hoan tiếp tục biên soạn hoàn thành tác phẩm Vạn pháp qua cái nhìn của duy thức. Tác phẩm dựa trên những điểm đặc thù nơi tư tưởng siêu phàm của Duy thức tông và Pháp tướng tông gom góp và sắp xếp theo tiến trình khoa học tạo thành tác phẩm.

Tác giả dùng phương pháp nhân minh luận để làm sáng tỏ vấn đề kết hợp việc thí dụ để giải thích từng loại chủ đề giúp người đọc dễ dàng hiểu rõ vấn đề hơn. Tác phẩm này cũng cho người đọc góc nhìn mới về Duy thức học, góp phầm làm phong phu thêm hệ tư tưởng này.

Năm 2018, xuất bản tác phẩm của HT.Thích Thiện Toàn với tựa đề Nghiên cứu về duy thức học. Mục đích của tác giả là dùng làm giáo án giảng dạy Cao đẳng và Trung cấp Phật học Quảng Nam và Đà Nẵng. Quyển sách này là tổng hợp những giáo án của tác gồm bốn phần: Duy thức nhập môn, Bát thức quy củ tụng, Duy thức hai mươi bài tụng, Duy thức ba mươi bài tụng.

Năm 2018, tác phẩm thực giải của Thích Hạnh Tuệ ra đời với tên là Duy thức tam thập tụng thực giải. Tác phẩm gồm 30 bài, mỗi bài tương ứng một bài kệ trong Duy thức tam thập tụng. Nội dung mỗi bài có âm Hán Việt, dịch nghĩa và thực giải. Tác phẩm Duy thức tam thập tụng thực giải có cách giải thích chân thực, đơn giản dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thực hành trong cuộc sống giống như tên gọi “thực giải” của tác phẩm.

Việc diễn dịch một phạm trù triết học khó hiểu thành dễ hiểu và cô đọng là một việc làm vô cùng khó khăn nhưng tác giả đã làm được điều đó. Trong xã hội ngày nay, với nhịp sống ngày càng nhanh thì việc đọc những tác phẩm ngắn gọn là sự lựa chọn của phần lớn đọc giả muốn có khái niệm cơ bản đầu tiên về duy thức.

Tác phẩm Duy thức tam thập tụng thực giải là một trong những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thời đại đó. Tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng dễ hiểu và dễ thực hành giúp cho hành giả có khái niệm về tư tưởng Duy thức học đồng thời có thể áp dụng trong cuộc sống chính mình.

Năm 2019, HT Thích Thắng Hoan dịch tác phẩm Duy thức tam thập tụng của Bồ tát Thế Thân. Nội dung tác phẩm gồm âm hán Việt, giải thích từng từ trong bài tụng, nghĩa bài tụng và cuối cùng là giải thích mỗi đoạn một cách ngắn gọn đồng thời phân tích kỹ một số từ đặc thù khó hiểu như tâm sở thiện, tâm sở biến hành, tùy phiền não..v.v. Bản dịch này phù hợp với những ai mới tiếp cận học thuyết Duy thức.

Năm 2019, tác phẩm Duy thức tam thập tụng được xuất bản bởi Nhà xuất bản Hồng Đức. Tác phẩm này là bản dịch của Thuận Bạch dịch từ bản Anh ngữ của tác giả Ben Connelly. Đây là một trong những tác phẩm gồm có hai tập với 30 phần mục khác nhau, gồm có Anh ngữ, Việt ngữ và có cả Hán ngữ và âm Hán Việt Việt để người đọc dễ đối chiếu. Tác phẩm này giúp cho người đọc có góc nhìn mới về sự tu tập và ứng dụng Duy thức trong cuộc sống.

Năm 2020 Khánh Hoàng hoàn thành tác phẩm có tựa đề Vài nét về thiền định trong tam giới qua duy thức học. Tác phẩm này dựa trên một số kinh luận như Du già sư địa luận, Duy thức tam thập tụng, kinh Thủ lăng nghiêm. Đồng thời bài viết chỉ mang tính cách tham khảo do đây là kết quả của quá trình học thuật, lý thuyết, tổng hợp, cảm nhận, suy luận chủ quan của tác giả.

Năm 2021 sư cô Đoan Nghiêm (đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh) xuất bản tác phẩm về Duy biểu học với tên sách là Sự vận hành của tâm. Tác giả cố gắng sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi, phối hợp với hình ảnh và những ví dụ thực tế, để ai cũng có thể chạm được vào tư tưởng Duy thức mầu nhiệm này.

Bản Việt dịch và chú thích của Tỳ kheo Thích Thiện Nhơn, tên tác phẩm là Luận duy thức tam thập tụng lược giảng. Đây là tác phẩm sử dụng ngôn ngữ hiện đại để diễn tả về Duy thức và sự phân chia các phần có thứ lớp nên cũng tương đối dễ hiểu. Ở phần tổng quát người đọc sẽ có cái nhìn tổng quan về lịch sử truyền thừa của duy thức từ Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

Đồng thời trong phần này tác giả giới thiệu sơ lược về Duy thức với định nghĩa, chỗ y cứ, nội dung tư tưởng Pháp tướng tông….và kết quả tu tập theo Duy thức. Trong phần nội dung giảng giải Duy thức Tam thập tụng cũng theo thứ tự chính văn đến dịch nghĩa, lược giảng và đại ý mỗi bài kệ. Phần phụ lục cuối sách có Duy thức tam thập tụng bằng Anh ngữ, Hán ngữ và Việt ngữ tiện cho việc đối chiếu nghiên cứu.

Ngoài ra, còn rất nhiều bậc Đại sư, nhà nghiên cứu, dịch giả, giảng luận, về duy thức học như: HT Thiện Tâm, HT Kim Cương Tử, HT Thiên Ân, HT Thanh Kiểm, HT Chơn Thiện, TT Giác Trí, HT Thiện Toàn, NT Hải Triều Âm Huyền Huệ, NT Như Thanh, TT Tâm Thiện, Cư sĩ Lê Sơn Phương Ngọc,  Minh Thiện Trịnh Chỉnh, Dương Đình Tùng, Nguyên Hồng, Quảng Minh, Thích Thiện Minh, Thích Nguyên Pháp, Thích Quảng Đại…

Một số bản Việt dịch về Duy thức của Linh sơn pháp bảo đại tạng kinh do hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản; Hiện nay Duy thức học đang được giảng dạy phổ biến tại các trường Phật học từ trung cấp Phật học, cao đẳng Phật học đến Học viện và sau Đại học ở các tỉnh thành của Việt Nam; ngoài ra còn có luận án Tiến sĩ, các bài tiểu luận của sinh viên Học viện, cao đẳng, lớp Cao cấp giảng sư phía Nam… các bài viết liên quan Duy thức trên các trang mạng điện tử…

Đối với các bộ kinh luận lập cước cho Duy thức học cũng được một số bậc cao Tăng, các nhà học Phật, nhà nghiên cứu cũng đã Việt dịch lại như: Kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm có bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Minh Định, Nguyễn Hồng Dũng.vv..; Kinh Giải thâm mật có bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, TT Thích Pháp Quang,.vv. và một số bộ kinh khác.

Luận Câu xá có bản dịch của Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Tuệ Sĩ, Hòa thượng Minh Châu, Đạo Sinh, Phước Nguyên,.vv..; Luận Du già sư địa có bản dịch của Sa môn Thích Phổ Giác và cư sĩ Trần Phá Nhạc, Nguyễn Huệ, Thích Tâm Châu, Thích Pháp Chánh, .vv.. ; Luận nhiếp đại thừa có bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, Thiền Sư Nhất Hạnh, Nguyên Hồng,.vv..; Luận đại thừa trang nghiêm kinh có bản dịch của Quảng mình và một số vị khác; và một số bộ luận khác lập cước Duy thức học cũng được Việt dịch.

Như vậy, Duy thức học được trở thành một hệ thống riêng biệt như hôm nay đã phải trải qua thời gian hàng nhiều thế kỷ với sự tiếp nối trí tuệ, tu tập, thực nghiệm của chư vị tổ sư, tiền bối như đã trình bày ở trên. Duy thức là một giáo lý như bao nhiêu giáo lý khác được đức Phật tuyên thuyết và được hòa hợp trong Tam tạng kinh điển.

Về sau, chư vị tổ sư như Ngài Di Lặc, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang,… đã phát triển tư tưởng Duy thức tạo thành hệ thông tông phái riêng. Sau đó, học thuyết này được truyền bá đến nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam,…

Ở Việt Nam ta, Duy Thức học rất được các bậc Đại sư, Tăng già, nhà nghiên cứu, cư sĩ, học giả quan tâm. Các tác phẩm dịch thuật, chú giải, giảng luận, giáo án giảng dạy, tiểu luận, bài viết liên quan đến Duy thức xuất hiện rất sớm và càng lúc càng nhiều về sau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Xay dung Dao duc Phat tu nguoi Hoa qua Ngu Gioi 7

5. Vai trò của Hòa thượng Thiện Hoa trong quá trình tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam

Dù rằng Duy thức học là một trong hai hệ tư tưởng lớn quan trọng của Đại thừa Phật giáo và luôn nhận được sự quan tâm của các bậc Danh tăng tiền bối, nhưng đến nữa đầu thế kỷ XX dưới sự tác động của xã hội loạn ly do chiến tranh tàn phá học thuyết này gần như ít được quan tâm đến. Đến nữa sau thế kỷ XX Duy thức học mới dần được các bậc Đại sư, cao tăng lãnh đạo Phật giáo… chú ý dịch thuật, giảng dạy, ghi chép…

Một trong những vị Danh tăng tiêu biểu khơi gợi tư tưởng duy thức và thúc đẩy sự tìm hiểu học tập và nghiêm cứu học thuyết này chính là Hòa thượng Thiện Hoa.

Trong giai đoạn này, Phật giáo Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, bên ngoài với sức ép từ chính quyền đàn áp song song đó lại bị lấn áp bởi các tôn giáo khác, xã hội loạn ly, chư vị xuất gia và hàng Phật tử tại gia cũng không yên ổn tu hành do ảnh hưởng chiến tranh và sự đô hộ phương Tây; bên trong Phật giáo Việt Nam cũng có chiều hướng suy thoái.

Trong bối cảnh đó, phong trào chấn hưng Phật giáo là nhu cầu thời đại tất yếu phải được diễn ra. “HT Thích Thiện Hoa đã tiếp thu tư tưởng chấn hưng từ các trường Phật học Lưỡng Xuyên, Báo Quốc tại Huế, đồng thời kế thừa sự nghiệp chấn hưng của các tổ Phi Lai (Chí Thiền) Khánh Anh. Khi trở về Nam (1950-1972)  HT tiếp tục triển khai tưởng chấn hưng đó vào công tác hoằng pháp, giáo dục và tổ chức giáo hội Phật giáo Việt Nam”[10].

Phật giáo muốn được cũng cố, ổn định, vững vàng và phát triển trước hết phải có nguồn nhân lực tài trí vẹn toàn do vậy bên cạnh những công tác giáo hội và yêu cầu thời đại, vấn đề cần yếu quan tâm của HT Thiện Hoa chính là lập các trường Phật học đào tạo Tăng tài và phiên dịch trước tác các kinh điển Phật giáo để người tu học có thể tham cứu dễ dàng.

Hòa thượng Thiện Hoa từng nói “…các nước Phật giáo trên thế giới, phần nhiều đã dịch hết Tam tạng kinh của Phật giáo ra tiếng nước họ. Duy chỉ có Phật giáo Việt Nam về phiên dịch rất nghèo nàn và tủi thẹn”[11].

Hòa thượng Thiện Hoa là một trong những Danh tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo và là một trong những ngọn đuốc khơi gợi, khuyến khích tinh thần học Phật lang rộng không những với tăng ni mà còn với tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam.

Dưới sự khuyến kích động viện bằng những phong trào cụ thể của HT các trường Phật học liên tiếp được hình thành và tinh thần học Phật len lỏi trong tâm hôn người con Phật khắp nơi, số lượng tăng ni, tín đồ Phật giáo với tâm yêu thích tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu giáo lý Phật Đà cũng càng lúc càng tăng.

Các tác phẩm giá trị xuất hiện của Hòa thượng luôn nhận được sự quan tâm và tín nhiệm của phần lớn mọi tần lớp học giả. Vì Hòa thượng “nhằm vào tiêu chuẩn: khoa học (rõ ràng thứ lớp), đại chúng (phổ thông bình dân), Dân tộc (sắc thái Việt Nam) nên những kinh sách mặc dù khó đến đâu, qua sự phiên dịch sáng tác, cũng đều làm cho người đọc dễ hiểu và rõ ràng” [12]. Những tác phẩm giá trị xuất hiện góp phần vào việc nối lửa tiếp đèn của lịch đại tổ sư để lại.

Trong những tác phẩn đó, đáng chú ý nhất là tác phẩm Duy thức học, tác phẩm này là tài liệu quý hiếu gối đầu giường của biết bao thế hệ tăng ni Phật tử trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về học thuyết Duy thức này. Cái hay xây dựng nên giá trị của tác phẩm là việc chọn lọc có khoa học các tác phẩm thuộc phạm trù Duy thức học để giảng dịch có thứ lớp với ngôn từ bình dị mà hàm xúc chân nghĩa cao xa.

Tác phẩm Duy thức học như tập sách giáo khoa thông dụng về lý Duy thức của HT ra đời kết hợp phong trào chấn hưng Phật giáo trong đó nhấn mạnh và khuyến khích đào tạo tăng ni tài đức.

Như vậy, dưới góc nhìn của quá trình tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam vào thế kỷ XX vai trò của HT Thiện Hoa là rất quan trọng. Vì HT không những thúc đẩy khích lệ tạo thành phong trào học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu, giáo lý nói chung và Duy thức học nói riêng mà còn hệ thống, dịch thuật, giảng dạy Duy thức một cách rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu và có chiều sâu.

Có thể trong khoảng giai đoạn ấy cũng có một vài bậc cao tăng, nhà dịch thuật đã có những tác phẩm về Duy thức nhưng nếu có tư liệu nhưng không thúc đẩy được tinh thần muốn học hỏi, nghiên cứu, phụng sự… của tăng ni tín đồ Phật giáo thì hệ thống kinh sách về duy thức sẽ không thể phát triển được.

Trong lịch sử tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam vào thế kỷ XX HT Thiện Hoa tuy không phải là vị danh tăng đầu tiên dịch thuật và quan tâm đến phạm trù này, nhưng Ngài là một trong những vị thúc đẩy tinh thần hiếu học và phụng sự cống hiến của tăng ni tín đồ Phật Giáo Việt Nam. Đó là nền tảng cho sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đó và đến này nay về mọi mặt.

6. Thay lời kết

Bối cảnh đất nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX có nhiều biến động bất ổn. Đạo Phật lúc này “cũng như các nước ở Đông Nam Á chỉ còn lại hình thức lễ bái cổ truyền, còn lại phần tinh hoa quý báu của tôn giáo thì bị chôn sâu trong lớp bụi quên lãng của thời gian”[13].

Trước bối cảnh ấy, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra khắp nơi trên thế giới tác động đến phong tào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Vào giữa thế kỷ XX phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã được lan rộng, đạt được một số thành tựu góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển Phật Giáo Việt Nam sau này. Tổ Thiện Hoa là một trong những vị danh Tăng thạc đức đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự tồn vong của Phật giáo ở Việt Nam.

Công tác giáo dục đào tạo tăng tài, hoằng pháp và tổ chức giáo hội đều có sự đóng góp to lớn của ngài. Tổ còn là một trong những vị lãnh đạo Phật giáo uy tín bấy giờ đã nỗ lực xây dựng tinh thần hiếu học tạo thành phong trào học hỏi nghiên cứu và tu tập giáo pháp Thế Tôn cho tăng ni và Phật tử Việt Nam.

Song song đó tổ còn có nhiều dịch phẩm, tác phẩm giá trị làm tài liệu nghiên cứu quan trọng cho tăng ni Phật tử Việt Nam trong giai đoạn khó khăn ấy và đến hôm nay. Riêng về Duy thức học tổ đã lựa chọn một số bản dịch tiêu biểu giúp học giả dễ tiếp cận triết lý Duy thức và được giảng giải, dịch thuật một cách khoa học và có hệ thống.

Những bản dịch ấy được tổng hợp lại thành tác phẩm mang tựa đề Duy thức học – giá trị tinh thần to lớn này trở thành sách gối đầu giường quý giá cho tất cả học giả nghiên cứu Duy thức học trong giai đoạn ấy và đến hôm nay – dù trải qua hơn 50 năm tác phẩm ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Với góc nhìn về quá trình tiếp nhận Duy thức học ở Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay, tổ Thiện Hoa là một trong những danh tăng thạc đức ảnh hưởng tích cực trực tiếp trong quá trình tiếp thu, nghiên cứu, tiếp biến và giảng dạy  Duy thức làm cơ sở tài liệu nền tảng cho hệ thống Duy thức học nước nhà.

Trên nền tảng những danh tăng tiền bối quan tâm đến Duy thức học đã kế thừa tiếp nối, sau này chư vị tổ sư, cao tăng, nhà nghiên cứu dịch thuật… đã nối lửa tiếp đèn làm cho học thuyết Duy thức ở Việt Nam càng lúc càng thêm sâu rộng.

TT.TS.Thích Hạnh Tuệ
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam
SC.Thích Nữ Trung Hiếu
Cao cấp Giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư – GHPGVN

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thien Hoa voi viec truyen ba Duy Thuc Hoc o Viet Nam 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường