Trang chủ Danh tăng Đại lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt bậc tùng lâm thạch trụ (1911-1987)

Đại lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt bậc tùng lâm thạch trụ (1911-1987)

Đại lão Hòa thượng họ Khổng (sau khi hoạt động Phật giáo Cứu quốc, do hoàn cảnh mới đổi thành họ Nguyễn) húy Hồng Hạnh, hiệu Vĩnh Đạt, thuộc dòng Lâm Tế chính tông thứ 40, sinh năm Tân Hợi (1911), niên hiệu Duy Tân năm thứ 11, tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình làm nghề nông sùng mộ đạo Phật.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Đại lão Hòa thượng họ Khổng (sau khi hoạt động Phật giáo Cứu quốc, do hoàn cảnh mới đổi thành họ Nguyễn) húy Hồng Hạnh, hiệu Vĩnh Đạt, thuộc dòng Lâm Tế chính tông thứ 40, sinh năm Tân Hợi (1911), niên hiệu Duy Tân năm thứ 11, tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình làm nghề nông, sùng mộ đạo Phật.

Hạt giống bồ đề khơi mầm, vườn hoa Bát nhã nở hoa, ấu niên 9 tuổi, những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo, ngài trở thành chú tiểu đệ tử của đại lão Thiền sư Khánh Thông (1870-1953), Tổ đình Bửu Sơn, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri. Hòa thượng Bổn sư cho ngài thọ giới sa di vào ngày mùng Một tháng 07 năm Tân Dậu (thứ Năm, 4/8/1921) tại Tổ đình Bửu Sơn do bản sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thich Vinh Dat tung lam thach tru 1

Bấy giờ trong chùa tăng chúng tu học khá đông, nên ngài được Hòa thượng bản sư cho làm thị giả hầu nhị vị tôn đức Tổ sư Như Trí Lê Khánh Hòa (1877-1947) tại Tổ đình Tiên Linh, xã Mỹ Đức, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre và làm thị giả hầu đại lão Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (1864-1938), xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông, tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay ở số 345/45 đường Hùng Vương, Quận 6, TP.HCM).

Năm 20 tuổi (Tân Mùi, 1931) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ngài được thọ cụ túc giới, rồi đi tham học các nơi. Bấy giờ bắt đầu có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ do Tổ sư Như Trí Lê Khánh Hòa chủ xướng.

Nhiều Phật học đường được tổ chức khắp nơi để đào tạo tăng tài, quan trọng nhất là Phật học đường Lưỡng Xuyên. Đến đâu ngài cũng một lòng khiêm cung học hỏi và gìn giữ tốt nếp sống thanh qui tự viện, nên được mọi người mến thương, nhắc nhở.

Năm 24 tuổi (Ất Sửu, 1925) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, ngài được Hòa thượng bổn sư truyền pháp, ban cho bài kệ như sau:

紅煇继正宗
幸和福慧通
永傳僧續道
薘悟了真空

Hồng huy kế chính tông,
Hạnh hòa phúc tuệ thông,
Vĩnh truyền Tăng tục đạo;
Đạt ngộ liễu chân không.

Sau đó được Hòa thượng bản sư bổ nhiệm trụ trì các tự viện như: Tổ đình Long Khánh (chùa Ông Đồ) – ấp An Hòa, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri; chùa Mỹ Thành – ấp 2, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri; chùa Bửu Linh (do tổ Tổ sư Như Trí Lê Khánh Hòa sáng lập năm 1908 – cơ sở nuôi chứa chiến sĩ Cách mạng thời kháng Pháp) – ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm… (tất cả những ngôi tự viện này ngài đều giao lại cho Pháp tôn Thích Hiển Pháp trụ trì).

Riêng Tổ đình Bửu Sơn, sau này, Ngài truyền lại cho Pháp tôn Thích Hiển Tu kế nhiệm trụ trì đời thứ tư.

Sau việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước, thành lập nhiều trường Phật học, đào tạo được một thế hệ tăng, ni có phẩm hạnh, có trình độ Phật học, trình độ văn hóa xứng đáng là sứ giả Như Lai. Đặc biệt có nhiều tông môn còn bồi dưỡng cho thế hệ sau theo đường hướng “Dân tộc – Đạo pháp” nên sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhiều tăng, ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia kỳ kháng chiến.

Ngài cùng toàn dân chống giặc cứu nước. Trong thời gian này ngài tham gia công tác cho Mặt trận Việt Minh và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bến Tre.

Trong quá trình hoằng dương chính pháp, hóa độ chúng sinh, ngài đã từng dừng chân trụ trì nhiều ngôi tự viện Phật giáo các tỉnh như chùa Long Phước (nay là phường 5, thành phố Vĩnh Long), chùa Vạn Đức (Chùa Phật học 1, Thành phố Sóc Trăng). Trụ trì Sắc tứ Tam Bảo cổ tự, Trụ trì Phù Dung Cổ Tự, (nay phường Bình San, Thành phố Hà Tiên), nơi đây ngài tổ chức khóa an cư kiết hạ tại ngôi Sắc tứ Tam Bảo cổ tự và lớp giáo lý dạy Phật pháp căn bản cho phật tử.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Thich Vinh Dat tung lam thach tru 2

Phù Dung Cổ Tự (nay phường Bình San, Thành phố Hà Tiên)

Ngài Trụ trì nhiều ngôi già lam cổ tự miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều lao nhọc, khó khăn trong phật sự và đối nhân xử thế. Pháp huynh của Ngài, Đại lão Hoà thượng Thích Thiện Hòa với tư cách người lãnh đạo Trung ương Giáo hội Tăng già Nam Việt gửi thư chia sẻ phật sự:

Kính gửi thầy Vĩnh Đạt!

Giáo hội luôn nghĩ nhớ đến thầy, người đã tận tuỵ hy sinh vì đạo. Giáo hội lo ngại thầy lãnh sứ mạng thiêng liêng đi hoằng đạo, không sao khỏi bị cực khổ, gian nan, lắm điều chướng ngại, có lúc được kính trọng, tôn sùng mà cũng có khi bị khinh thường, coi rẻ, bởi vì đời tương đối.

Nhưng Giáo hội đặt tin tưởng nhiều nơi thầy, biết thầy vẫn quen chịu đựng cảnh khó khăn, xem thường các điều trở ngại, chí nguyện thầy như thạch trụ, không vì bát phong mà xiêu động.

Chúc thầy thân tâm thường an lạc, để chỗ nào đạo pháp cần thì đi.

Kính,

Ngày 04 tháng 02 năm 1958

Trị sự trưởng TW Giáo hội Tăng già Nam Việt

Ấn ký

Thích Thiện Hòa

Năm Nhâm Dần (1962), sau khi dự khóa tu nghiệp trụ trì “Như Lai sứ giả” tổ chức tại chùa Pháp Hội 1958 (Sài Gòn), ngài được Chư tôn đức Giáo hội Tăng già Nam Việt bổ nhiệm về trụ trì Phước Hưng cổ tự tại thị xã Sa Đéc.

Ngày chính thức phương trượng trụ trì ngôi già lam Phước Hưng cổ tự, ngài được Hòa thượng Thích Thiện Hòa tặng câu đối:

永保禪家興萬代
達成住所福千秋

Vĩnh bảo thiền gia Hưng vạn đại;
Đạt thành trụ sở Phước thiên thu.

Câu đối như chúc sự đức hóa trụ trì của Đại lão Hòa thượng Vĩnh Đạt mãi mãi truyền lưu hậu thế và ngôi già lam Phước Hưng cổ tự luôn luôn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhà, nơi quy tự của chư tôn giáo phẩm Phật giáo lãnh đạo thừa hành phật sự, tác Như Lai xứ, trì Như Lai tạng.

Khi đảm nhiệm chức vụ trụ trì, ngài bắt tay vào việc chỉnh đốn lại quy luật thiền môn cho phù hợp với đường lối Giáo hội đương thời, kiến thiết và sửa sang lại Chính điện, cổng rào, Đông Tây lang, kiến tạo lại các tháp của chư vị trú trì tiền bối, xây thành tượng đài Quán Âm lộ thiên.

Ngài còn cho xây Chùa Phật học Bửu Quang và tháp thờ Xá lợi Phật trong khuôn viên chùa, xây tăng xá, Pháp Bảo đường để tàng trữ kinh sách, làm cơ sở cho Phật học viện trong tương lai. Công trình này rất qui mô, nên thực hiện trong nhiều năm cho đến cuối đời ngài vẫn chưa hoàn mãn. Mặc dù chưa hoàn chỉnh hết, nhưng trên đại thể phong cảnh rất đẹp, làm tăng thêm pháp hỷ cho mọi người.

Năm Quý Sửu (1973), Đại giới đàn do ngài tổ chức tại Phước Hưng cổ tự và ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Tại giới đàn này, có Hoà thượng Thích Lệ Trang, thụ Sa di giới.

Tháng 11 năm 1981 (Tân Dậu), Hội nghị Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài là đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Tháp.

Sau ngày nước nhà thống nhất, năm Nhâm Tuất (1982) Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp được thành lập, ngài lại hoan hỷ lãnh trọng trách Trưởng BTS tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, khai mở và chứng minh các đàn giới, các khóa an cư kiết hạ trong tỉnh cho đến ngày viên tịch.

Năm Quý Hợi (1983), nhằm duy trì và tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá Phật giáo thông qua nghệ thuật âm nhạc Phật giáo, Ngài chủ xướng mở khoá An cư Kiết hạ theo nếp xưa rất nghiêm khắc trong 3 tháng tại Tổ đình Phước Ân Cổ Tự, rạch Cai Bường, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Thời gian khoá An cư Kiết hạ, Ngài chủ trương cứ mỗi tuần lễ là ĐẠI DU GIÀ THÍ THỰC PHÁP (大瑜伽施食法), đại thí thực cô hồn để cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử, các chiến sĩ trận vong, cùng đồng bào tử nạn và các cô hồn bị chết oan không thể đi đầu thai, trở thành những cô hồn không nơi nương tựa… Kết thúc Khoá an cư kiết hạ, Ngài chủ xướng Đại giới đàn Pháp Hoa tại Phước Ân cổ tự, ngài được cung Chứng minh khai đạo Đại giới đàn này.

Năm Giáp Tý (1984), nhằm duy trì và tiếp tục phát huy ánh sáng Phật pháp, thông qua Tam tạng Thánh giáo, Ngài chủ xướng Khoá an cư Kiết hạ tại ngôi già lam Hội Khánh Cổ tự, nay Xã Tịnh Thới, Tp.Cao Lãnh, Đồng Tháp, Khoá an cư kiết hạ, Ngài chủ xướng Đại giới đàn tại Phước Ân cổ tự, ngài được cung Chứng minh khai đạo và Trưởng lão Hoà thượng Thích Quảng Trí phương trượng Trụ trì Hội Khánh Cổ tự, đương vi Đàn đầu Hoà thượng trong Đại giới đàn này.

Từ đây, thường niên đều có tổ chức An cư Kiết hạ tại nhiều chùa trong tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1987, huyễn thân tứ đại đến hồi suy yếu. Dù pháp thể bất an, ngài vẫn thản nhiên giữ chánh niệm. Vào đêm Rằm tháng 9 năm Đinh Mão (07/10/1987), sau khi tắm gội sạch sẽ, ngài cho gọi môn đồ đến dặn dò các phật sự và chuyển giao công việc còn lại. Thấy môn đồ buồn khóc trước lúc vĩnh ly, ngài bèn nhắc lời Cổ Đức rằng:

生從何處去
死從何處來
知得來處去
芳茗學道人

Sinh tùng hà xứ khứ,
Tử tùng hà xứ lai,
Tri đắc lai xứ khứ;
Phương danh học đạo nhân.

Dịch:

Sinh từ đâu đến?
Tử đi về đâu?
Thấu rõ nơi đến đi,
Ấy là người học đạo.

Đọc xong ngài an nhiên từ biệt đại chúng: Mô Phật hoan hỷ, tu hành là thắng toàn! (Thị giả Thích Vân Phong chắp tay đứng hầu bên cạnh Ngài trước phút vĩnh ly. . .)

Ngài ngồi trên chiếc ghế gỗ, tay lần tràng hạt, miệng niệm Phật an nhiên. Viên tịch vào giờ Hợi sau ba hồi chuông trống Bát Nhã chấn động đất Sa giang. Trụ thế 76 xuân, Giới lạp 56 hạ, Pháp lạp 52 thu.

Thời Giáo hội Tăng già Nam Việt, ngài được sự ưu ái đặc biệt, quý mến của vị đồng môn huynh đệ trong tông phong là đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa (Trưởng tử Tổ sư Lê Khánh Hòa) trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam (1953-1963). Lúc bấy giờ nơi nào Phật sự tại một số các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đại lão Hòa thượng Thiện Hòa đều nhờ đến Ngài hỗ trợ tăng sự và trụ trì một số tự viện lớn.

Lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, tính khí cương trực, thân giáo uy đức trang nghiêm, khiến người trên quý mến, kẻ dưới tôn kính.

Ngài là bậc danh tăng nổi tiếng về văn hóa nghệ thuật nhạc lễ Phật giáo, sáng tác điệu tán cửu đẩu (đẩu 9), biểu trưng cho PG Đồng bằng Sông Cửu Long, kiện toàn trong mọi lĩnh vực. Ngoài tinh thông Phật học, ngài còn giỏi ngoại khoa như Đông y, Nam dược, xem mạch bốc thuốc và một số vô dược liệu pháp, phong thủy địa lý…

Những vị tăng sĩ thụ ân giáo dưỡng của Ngài như Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu (1921-2024), Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng lão HT.Thích Hiển Pháp (1933-2018), Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng BTS GHPGVN Tp.HCM, Hòa thượng Thích Thiện Chánh (1950-2004), Trưởng BTS PG Đồng Tháp, Hoà thượng Thích Thiện Huệ (1941-2020), Trưởng BTS PG Đồng Tháp, Hòa thượng Thích Chơn Minh, Trưởng BTS PG Đồng Tháp…

Ngoài ra còn có: Hoà thượng Thích Định Chánh (1950 – 2011), Nguyên Chánh Thư Ký BTS Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Tháp, Hiệu phó Học Vụ Trường Trung Cấp Phật Học Đồng Tháp, Thượng toạ Tiến sỹ Thích Lệ Thọ, Trụ trì Chùa Định Hương, Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Giảng viên Cao Đẳng Phật học Bạc Liêu, Thượng toạ Thích Vân Phong, Uỷ viên Thường trực Ban TTTT T.Ư GHPGVN, phóng viên Tạp chí Nghiên cứu Phật học Hà Nội…

Từ lúc ấu niên xuất gia cho đến khi viên tịch, ngài là một vị giới đức kiêm ưu tiêu biểu, suốt đời thiểu dục tri túc, an bần lạc đạo, cho đến lúc tuổi già sức yếu cũng vẫn tự giặt giũ, ăn uống đạm bạc, mặc áo vải thô, mang đôi guốc gỗ, ngủ trên chiếc giường gỗ thô sơ, trải chiếu cỏ. Ngài nổi tiếng Bố thí, mỗi khi ai cúng dường vật phẩm gì nếu ai đó cần thì Ngài tươi cười: Mô Phật hoan hỷ! Cứ lấy về mà dùng nhé!

Đi phật sự nơi đâu chỉ một mình đơn điệu, không cần thị giả theo hầu. Đặt biệt có ai cúng món đồ quý báu gì, khi trong chư tăng có nhu cầu muốn dùng thì ngài tặng ngay và ngài nổi tiếng với câu chào: Mô Phật hoan hỷ!

Thị giả Thích Vân Phong kính ghi

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường