Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt (1911 - 1987)
Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt họ Nguyễn húy Hồng Hạnh, hiệu Vĩnh Đạt, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40, sinh năm Tân Hợi (1911) tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình làm nghề nông sùng mộ đạo Phật.
Năm lên 9 tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia, thí phát với Hòa thượng Khánh Thông ở chùa Bửu Sơn, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri. Bổn sư cho Ngài thọ giới Sa Di vào ngày mồng một tháng 7 năm Tân Dậu (1921). Bấy giờ trong chùa Tăng chúng tu học khá đông, nên Ngài được Bổn sư cho lui tới hầu cận học đạo với Hòa thượng Khánh Hòa là đồng môn huynh đệ của Bổn sư ở chùa Tiên Linh tỉnh Bến Tre và Hòa thượng Từ Phong ở chùa Giác Hải, Chợ Lớn.
Năm 20 tuổi (Tân Mùi - 1931), Ngài được thọ Cụ Túc giới, rồi đi tham học các nơi. Bấy giờ bắt đầu có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa chủ xướng. Nhiều Phật học đường được tổ chức khắp nơi để đào tạo Tăng tài, quan trọng nhất là Phật học đường Lưỡng Xuyên. Đến đâu Ngài cũng một lòng khiêm cung học hỏi và gìn giữ tốt nếp sống thanh qui tự viện, nên được mọi người mến thương, nhắc nhở.
Năm 24 tuổi (1925), Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt được Bổn sư truyền pháp, ban cho bài kệ như sau:
Hồng huy kế chánh tông Hạnh hòa phước huệ thông Vĩnh truyền Tăng tục đạo Đạt ngộ liễu chơn không.
Sau đó Ngài được bổ xứ về làm trú trì chùa Bửu Linh ở xứ Cái Mít thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tiếp đến Cách Mạng Tháng Tám thành công rồi Nam bộ kháng chiến. Ngài cùng toàn dân chống giặc cứu nước. Trong thời gian này Ngài tham gia công tác cho Mặt trận Việt Minh và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bến Tre.
Trong quá trình hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh, Ngài đã từng trú trì nhiều chùa, như chùa Long Phước tại thị xã Vĩnh Long, chùa Vạn Đức nơi đặt Phật học đường Sóc Trăng. Ngài cũng đến giảng dạy tại khóa an cư kiết hạ tại chùa Tam Bảo - Hà Tiên.
Năm 1962, sau khi dự khóa tu nghiệp trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tổ chức tại chùa Pháp Hội (Sài Gòn), Ngài được chư Tôn đức Giáo Hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm về trú trì Phước Hưng Cổ Tự tại thị xã Sa Đéc.
Trong chức vụ trú trì, Ngài bắt tay vào việc chỉnh đốn lại quy luật thiền môn cho phù hợp với đường lối Giáo hội đương thời, kiến thiết và sửa sang lại chánh điện, cổng rào, Đông Tây lang, kiến tạo lại các tháp của chư vị trú trì tiền bối, xây thành tượng đài Quán Âm lộ thiên.
Ngài còn cho xây Phật học đường chùa Bửu Quang và tháp thờ Xá lợi Phật trong khuôn viên chùa, xây Tăng xá, Pháp Bảo đường để tàng trữ kinh sách, làm cơ sở cho Phật học viện trong tương lai. Công trình này rất qui mô, nên thực hiện trong nhiều năm cho đến cuối đời Ngài vẫn chưa hoàn mãn. Mặc dù chưa hoàn chỉnh hết, nhưng trên đại thể phong cảnh rất đẹp, làm tăng thêm pháp hỉ cho người.
Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Tăng Ni và Phật tử tỉnh Sa Đéc cung thỉnh Ngài vào ngôi vị Chánh đại diện Tỉnh Giáo Hội.
Sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1982 Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp được thành lập, Ngài lại hoan hỉ lãnh trọng trách Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội, khai mở và chứng minh các đàn giới, các khóa an cư kiết hạ trong tỉnh cho đến ngày viên tịch.
Năm 1987, huyễn thân tứ đại đến hồi suy yếu. Dù pháp thể bất an, Ngài vẫn thản nhiên giữ chánh niệm. Vào đêm rằm tháng 9 năm Đinh Mão, sau khi tắm gội sạch sẽ, Ngài cho gọi môn đồ đến dặn dò các Phật sự và chuyển giao công việc còn lại. Thấy môn đồ buồn khóc trước lúc vĩnh ly, Ngài bèn nhắc lời Cổ Đức rằng:
Sanh tùng hà xứ khứ Tử tùng hà xứ lai Tri đắc lai xứ khứ Phương danh học đạo nhơn.
Đọc xong Ngài an nhiên từ biệt đại chúng. Lúc đó là giờ Hợi. Ngài trụ thế 76 năm, giới lạp 56 hạ, pháp lạp 52 thu.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Giai đoạn thống nhất Phật giáo lần thứ 2)
Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)