Công cuộc chấn hưng trước hết là vận động chấn hưng trên báo chí quốc ngữ, cùng với đó là các tổ chức Phật giáo ra đời. Từ đó báo chí Phật giáo mới có cơ hội phát triển, phổ biến rộng rãi khắp nơi và có những đóng góp quan trọng cho công cuộc chấn hưng đạo Phật ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.

Tác giả: Phan Thị Thảo Sương (PD: Thích nữ Thiện Tánh)

Học viên Thạc sĩ Khóa V - Học viện PGVN cơ sở 1

Dẫn nhập

Sau khi trở thành thuộc địa của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, chính sách cai trị của thực dân Pháp đã khiến cho đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc. Quyền lực các vua nhà Nguyễn chỉ là hư danh, những giá trị truyền thông Việt Nam lúc bấy giờ dần bị xói mòn, Phật giáo dần bị suy vi.

Tuy nhiên, những chính sách đó góp phần truyền thông văn hóa phương Tây vào nước ta, mang đến những thay đổi tích cực đối với văn hóa với sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ, báo chí, phương tiện in ấn là điều kiện thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nền báo chí Phật giáo Việt Nam.

Trong giai đoạn này, bởi vì Phật giáo suy vi cho nên cần phải chấn hưng. Từ đó, các tổ chức Phật giáo lần lượt ra đời và sự xuất hiện báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá phật pháp, đóng góp hết sức mình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

NỘI DUNG

1.Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

a. Nguyên nhân chấn hưng Phật giáo:

Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn từng bước phụ thuộc vào thực dân Pháp đã có những biến động rất lớn đối với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa.

Đầu thế kỷ XX, sau khi bình định được Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện các chính sách nâng đỡ, giúp cho Công giáo phát triển. Phật giáo phải chịu sự kiểm soát của chính quyền, chúng muốn loại trừ sự ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo cho nên đã quyết tâm xóa bỏ chữ Hán và thay thế bằng chữ Quốc ngữ. Việc xóa bỏ Hán học đã khiến cho chữ Hán rơi vào tình trạng lụi tàn.

Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam kỳ là Lafont  ký nghị định số 82 quy định: “Kể từ ngày 1/1/1882, tấtcả văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, lệnh, án tòa, chỉ thị sẽ viết, kí tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thư từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhiệm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng”[1].

Thời bấy giờ, kinh sách Phật giáo toàn là chữ Hán, dân chúng thì học tiếng Pháp và có thể thấy từ đầu thế kỉ XX chữ Quốc ngữ đã bắt đầu phổ biến, trở thành ngôn ngữ bắt buộc cho nên hầu hết không đọc được kinh điển. Một số ít các nhà sư có thể đọc và thấu đạt kinh điển Phật giáo, không thể phổ biến giáo lý rộng rãi đến dân chúng, từ đó tín đồ càng không hiểu giáo lý của Phật giáo, khiến cho Phật giáo rơi vào tình trạng suy vi. Đây là giai đoạn ảnh hưởng đến sự suy đồi của Phật giáo rất lớn.

Bên cạnh đó, tình trạng thất học, vi phạm giới luật của một số chư tăng, chuyên làm những việc của thầy cúng, các vị tu hành chân chính thì ẩn tu. Từ đó dẫn đến đạo Phật trở thành “đạo kỳ kỳ quái quái, trong đó thần bí, phù chú, tà tín, đa thần xáo trộn như một cuống chỉ rối, không phương gỡ ra”[2]. Điều này đã làm cho báo chí thời đó phê phán rất gây gắt. Cụ thể hơn, trong Duy Tâm Phật học, cư sĩ Khánh Vân đã lên án thực trạng này như sau:

“Có kẻ lại mượn Phật làm danh cũng ngày đêm hai buổi công phu thọ trì, sóc vọng cũng sám hối như ai; bấy nhiêu đó làm sự nghiệp đạo đức chưa đủ, lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thên linh cái, đang nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, cả lợi dụng lòng mê muội của chư thiện tín, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh để tư dưỡng lợi kỷ.

Than ôi! Phật pháp là Phật pháp, há phải Ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo! Vậy mà cũng nghiễm nhiên lên mặt trụ trì, là hóa chủ...! Cái hiện trạng như thế bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi”[3].

Hay trong Viên Âm, Nguyễn Xuân Thanh cũng đã có bài viết phản ánh rằng: “Hiện nay trong tăng đồ có người giới luật không trì, kinh điển không học, chỉ biết tán tụng qua loa rồi đắp y hậu nhà Phật, tự xưng là ông thầy với thiên hạ. Thế rồi cũng kiếm bổn đạo cho đông, cũng lập chùa cho tốt, cũng tạo vườn cho rộng, ruộng cho nhiều rồi cũng phạm đủ các giới cấm quan trọng”[4]. Điều này cho thấy việc tăng đồ không giữ giới luật, không học kinh điển dẫn đến rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với Phật giáo lúc bấy giờ.

 Xuất phát từ những nguyên nhân trên, các vị tu sĩ chân chính và cư sĩ trí thức có đạo tâm đã chủ trương đứng lên kêu gọi cải cách, sửa đổi, chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, còn được sự khích lệ của phong trào chấn hưng Phật giáo châu Á, trực tiếp là Trung Quốc cho nên nhiều tăng sĩ cùng các tín đồ trí thức đã vận động, kêu gọi đồng môn cùng tham gia và cổ vũ chấn hưng Phật giáo.

Các nhà cách mạng tiêu biểu trong phong trào Duy Tân, điển hình như Phan Châu Trinh cũng đã từng nhận định rằng Phật giáo hưng thịnh sẽ làm cho đất nước hưng thịnh. Ông thường hô hào chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ cách mạng. Trong một lần họp giữa các đồng chí, ông lên tiếng rằng:

“Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”[5].

Trên tinh thần đó, ngày 19/9/1923 nhân ngày lễ kỵ tại chùa Long Hòa (Trà Vinh), Hòa thượng Khánh Hòa đã vận động các bậc tôn túc khắp nơi về dự lễ, đồng thời họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo, dự định sẽ lập Hội Lục hòa Liên xã để tiến đến thành lập một giáo hội Phật giáo trong toàn quốc. Tuy nhiên không được sự ủng hộ của các tăng ni, phật tử trong Nam kỳ cho nên tổ chức này không được thành lập. Đến năm 1925, sư Thiện Chiếu đứng ra vận động thành lập Phật giáo Thanh niên học hội cũng không thành công.

Tháng 7/1926, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu đã mời chư tôn túc đến thăm nhà ông tại Trà Sất. Ông đã tác bạch với chư tôn túc về hiện trạng suy đồi đạo đức của chư tăng và đề nghị thành lập hội Phật giáo để nghiên cứu giáo lý, chấn chỉnh tăng đồ. Sự kiện này được ghi lại trong Duy Tâm Phật học như sau:

Ông Huỳnh Thái Cửu đã hợp tác với các ngài hòa thượng An Nam để chỉnh lí tăng đồ và xương minh Phật giáo, vì ông là người thâm hiểu giáo lí Phật thừa. Ông biết đạo Phật là một đạo rất siêu việt mà tăng đồ lại thất học, làm việc mê tín nên đạo Phật ngày nay hóa ra tà thần, đạo đốt giấy, đốt kho nên thừa lúc mãn kì hạ lạp tại chùa Long Phước, Trà Vinh hồi năm 1926.

Ông và các vị hòa thượng qua nhà ông tại Trà Sất để thiết đãi thời trai rồi ông yêu cầu các vị đại đức nên sửa đạo. Bài văn ông đọc kêu ca thảm thiết, làm cho các vị đại đức mủi lòng cảm động. Từ đấy cái thuyết Phật giáo hội mới manh nha trong lòng các nhà đại đức và Hòa thượng Lê Khánh Hòa mới hết lòng chủ động”[6].

Do nhiều sự tác động, các vị lãnh đạo trong Phật giáo buộc phải tự xem xét và quyết tâm đẩy nhanh công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, vì thế mà tăng sĩ và trí thức trong nước mới có cơ hội đứng hô hào, phát động phong trào chấn hưng đạo Phật.

Công cuộc chấn hưng trước hết là vận động chấn hưng trên báo chí quốc ngữ, cùng với đó là các tổ chức Phật giáo ra đời. Từ đó báo chí Phật giáo mới có cơ hội ra đời và được phổ biến rộng rãi khắp nơi và có những đóng góp quan trọng cho công cuộc chấn hưng đạo Phật đầu thế kỷ XX.

b.Hoạt động chấn hưng Phật giáo:

Trên Đông Pháp thời báo, ngày 5/1/1927, Nguyễn Mục Tiên đã viết bài kêu gọi “Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà”, số 529. Ông chủ trương khôi phục và phát huy các giá trị tốt đẹp của Phật giáo nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Bài viết của ông đã có sức lan tỏa rất lớn đối với tăng đồ, phật tử và giới trí thức bấy giờ.

Đến tháng 4/1927, sư ông Tâm Lai cho rằng đến lúc cần phải thúc đẩy việc tuyên truyền và thực hành chấn hưng Phật giáo. Sư ông cho in cuốn sách có tựa là Chấn hưng Phật giáo để phổ biến, tuyên truyền các chương trình chấn hưng đến tăng chúng. Sư còn cùng với cụ Nguyên Ân dự định thành lập một nhà tuất bần nhỏ và thu nhận trẻ em nghèo để dạy các nghề thủ công.

Chủ trương này đã được Nghị viên của Viện Dân biểu Bắc kỳ là ông Nguyễn Đức Thắng ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngài Thiện Chiếu lại không đồng tình với chương trình chấn hưng này. Bởi vì, ngài cho rằng điều cấp bách và cần thiết nhất của việc chấn hưng là đào tạo tăng tài và xuất bản báo chí.

Cuối tháng 5/1927, ngài Thiện Chiếu ra Bắc, đại diện hai xứ Nam-Bắc đã có cuộc trao đổi nhằm đồng nhất chương trình chấn hưng Phật giáo tại chùa Hang. Tuy nhiên, giữa đôi bên thảo luận không đi đến thống nhất nào. Sau đó ngài Thiện Chiếu ghé Bình Định, thúc giục ngài Khánh Hòa nhanh chóng triển khai cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Trong Duy Tâm Phật học có bài viết “Người mượn chữ Lục hòa cách đây mười năm về trước” có ghi lại sự kiện các vị hòa thượng như: Khánh Hòa, Huệ Quang, Từ Nhẫn, Từ Phong, Thiện Chiếu, Thiện Niệm và một số phật tử khác đến chùa Linh Sơn (Sài Gòn) để bàn việc thành lập Hội Phật giáo Nam kỳ. Mục đích để thành lập Phật học đường và xây dựng Phật học thư xã để tàng trữ kinh sách.

Đến năm 1929, các ngài tiến hành đổi Hội chấn hưng Phật giáo thành Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên không xin được giấy phép của chính quyền nên cả hai tổ chức này không thể hoạt động. Trong tình hình này đưa đến sự hợp tác giữa ngài Khánh Hòa với ông Trần Nguyên Chấn. Hai vị thành lập một Ban bảo tồn Phật giáo, lập thư viện Phật học Pháp Bảo Phương và Duyệt Kinh Thất.

Cũng trong năm này, ông Trần Nguyên Chấn xin phép thành lập một hội Phật giáo với nhiều lần chỉnh sửa điều lệ, cuối cùng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập theo Nghị định số 2062, do ngài Khánh Hòa làm Chánh hội trưởng. Theo sau Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, một loạt các tổ chức Phật giáo ở cả ba kỳ đều lần lượt được thành lập.

Ở Nam kỳ, tính đến ngày 16/7/ 1935, Nam kỳ đã thành lập các tổ chức Phật giáo như: Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), Hội Phật giáo Liên hữu tài chùa Bình An (Long Xuyên-18/3/1932), Hội Phật học Tương tế tại chùa Thiên Phước (Sóc Trăng-11/6/1934), Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại chùa Long Phước (Trà Vinh-13/8/1934), Hội Thiên Thai thiền giáo tông Liên hữu tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa-19/10/1934), Tịnh độ cư sĩ Phật học hội tại chùa Hưng Long (Chợ Lớn-20/2/1934), Hội Phật học Kiêm tế tại chùa Tam Bảo (Rạch Giá-23/3/1937).

Ở Trung kỳ, HT. Giác Nhiên cùng HT. Giác Tiên mở các lớp học tại chùa Trúc Lâm, chùa Tây Thiên ở Huế. Quốc sư Phước Huệ mở các lớp ở chùa Thập Tháp, chùa Long Khánh tại Bình Định. Tại Quảng Nam-Đà Nẵng, HT. Thiện Qủa, Phổ Thoại, Phước Trí thành lập “Bản tỉnh Chư sơn hội” để chấn chỉnh thiền môn và chỉnh đốn tăng già. Ngày 17/9/1932, Khâm sứ Trung kỳ là Yves Charles Chatel ký Nghị định số 2691, cho phép thành lập Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo[7].

Đến ngày 14/5/1935, khâm sứ Trung kỳ là F. Graffeuil phê chuẩn Nghị định số 1057 cho phép thành lập Hội Phật học Đà Thành tại Đà Nẵng, trụ sở chính là chùa Phổ Thiên. Mục đích của hội là “mở trường Phật học đào tạo nhân tài, ra báo chí lưu thông Phật giáo, không để tăng giới suy sụp, quyết định phò khởi Bắc - Nam lên đoàn để bảo tồn Tăng bảo. Chỉnh đốn quy củ trong các sơn môn, kẻ tuổi lớn thì lo giữ tu hành, tuổi trẻ thời cố gắng học hỏi, chung nhau một lòng, một sức xuất gia”[8].

Tại miền Bắc, ngoài Lục hòa Tịnh lữ, còn có hai mô hình tổ chức sơ khai ra đời trong giai đoạn này là Hội Nghiên cứu Phật học và Hội Phật giáo Lục hòa Bắc Kì. Tháng 9/1931, Nguyễn Gia Huy và một số cộng sự đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo. Theo ông:

“Ngày xưa ở Việt Nam đạo Phật phát triển là thế mà ngày nay thì suy đổi, Phật pháp càng ngày càng mờ mịt, gương từ bi, bác ái cứu thế độ nhân kia bình như đã bị bụi mờ che lấp. Than ôi, chẳng qua là trong Phật giáo thiểu người tài đức hoàn toàn. Nay vì cái tôn chỉ từ bi bác ái, cái mục đích khuyến thiện nên chẳng quản khó khăn và những lời dị nghị mà khởi xướng ra việc chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng phật giáo là một vấn đề có quan hệ mật thiết đến tinh thần, đạo đức, hạnh phúc của quốc dân ta buổi hiện tại và tương lai”[9].

Trải qua nhiều khó khăn trong việc xin phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, cuối cùng ngày 6/11/1934, Thống sứ Bắc kỳ  là Auguste Tholance ký Nghị định số 4283 cho phép Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập, hội quán tại chùa Quán Sứ, hội trưởng là ông Nguyễn Năng Quốc. Đến ngày 24/1/1935, Hội Phật giáo Bắc kỳ Cổ sơn môn được Toàn quyền René Robin cho phép thành lập.

Như vậy, đến giữa những năm 30 của thế kỷ XX, các hội Phật giáo lần lượt ra đời trên cả ba miền đất nước từ khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập. Điều này đã đánh dấu một bước ngoặc rất quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, cùng chung chí hướng chăm lo cho sự phát triển của Phật giáo. Thông qua công cuộc này có thể thấy được rằng sự ủng hộ, cổ vũ của tăng già, phật tử và giới trí thức là tiền đề hết sức quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáo.

2. Sự ra đời của báo chí Phật giáo

Sự kiện năm 1929, khi các ngài tiến hành đổi Hội chấn hưng Phật giáo thành Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, do không xin được giấy phép của chính quyền nên cả hai tổ chức này không thể hoạt động. Từ đó, hòa thượng Khánh Hòa đứng lên kêu gọi chư tăng ni, phật tử sáu tỉnh ở Nam kỳ xuất bản tập san Phật học bằng chữ Quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm, ra mắt vào ngày 13/8/1929.

Đây là tờ báo Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Nhưng tờ báo này chỉ ra được một số rồi đình bản. Sau đó, ngài Thiện Chiếu kêu gọi xuất bản một tập san khác lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên. Tuy nhiên tờ báo này cũng chỉ ra được một số thì đình bản vì nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là do sự ngăn cấm của chính quyền thuộc địa thời bấy giờ.

Đến ngày 31/4/1931, tạp chí Từ Bi Âm được Toàn quyền Đông Dương cấp phép xuất bản, số đầu tiên ra mắt ngày 1/1/1932 và hoạt động đến tháng 8/ 1945, phát hành được trên 200 số mới đình bản, là cơ quan ngôn luận của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Chủ nhiệm là HT. Khánh Hòa. Đây được xem là tờ báo chính thức được công nhận đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Tiếp tục đến ngày 30/6/1933, nguyệt san Viên Âm được Toàn quyền Pháp cho phép xuất bản với điều kiện:“Nội dung Viên Âm chỉ giảng giải các giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc Ngữ”[10]. Số đầu tiên của Viên Âm ra mắt ngày 1/12/ 1933, phát hành liên tục được 36 số thì đình bản. Sau đó, Viên Âm đình bản và tục bản nhiều lần, số cuối cùng là số 63 vào tháng 8-1943.

Năm 1935, tạp chí Duy Tâm Phật học ra đời, do HT. Huệ Quang làm chủ nhiệm và bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm quản lý. Tòa soạn đặt tại chùa Long Phước, là cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Tạp chí xuất bản đến số 53-54, ra ngày 06/7 thì phải đình bản vì không có giấy in.

Có thể nói Duy Tâm Phật học là tạp chí đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc truyền bá Phật pháp. Cụ thể là số lượng độc giả ngày càng tăng và Duy Tâm Phật học đã hỗ trợ cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học đào tạo nhiều tăng tài cho các thế hệ sau.

Cũng trong năm 1935, Hội Phật giáo Bắc kỳ xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ, Chủ nhiệm là ông Nguyễn Năng Quốc, chủ bút là Phan Trung Thứ. Tiếp theo sau đó vào ngày 31/1/1935, tạp chí Tiếng Chuông Sớm được phép xuất bản, là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc kỳ Cổ sơn môn. Tòa soạn được đặt tại chùa Bà Đá (Hà Nội). Chủ nhiệm là Đỗ Văn Hỷ, quản lý là Đinh Xuân Lạc, chủ bút là Bùi Xuân Dục.

Ngày 15/1/1937, tạp chí Tam Bảo ra đời, đây là cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Đà Thành được phép xuất bản. Chủ bút là HT. Trí Hải, chủ nhiệm tòa soạn là Trần Văn Uyển và quản lý là Trần Tư. Đến số thứ 8 thì đình bản vào năm 1938 vì thiếu hụt tài chính.

Năm 1938, Hội Phật học Kiêm Tế cho xuất bản tạp chí Tiến Hóa do ông Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm, chủ bút là Phan Thanh Hà, sư Thiện Chiếu điều hành. Tạp chí phát hành được 15 số thì đình bản vào tháng 7/1939.

Ngoài ra, còn có các tạp chí như: Bát Nhã Âm, Bồ Đề tạp chí, Niết Bàn tạp chí, Quan Âm tạp chí,... cũng ra đời từ năm 1936 đến năm 1943.

Như vậy, có thể thấy rằng từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1943 là giai đoạn các tạp chí, nguyệt san hay bán nguyệt san của các hội Phật giáo lần lượt ra đời ở cả ba miền, với vai trò là phương tiện truyền bá Phật pháp, báo chí Phật giáo đã thể hiện được tầm ảnh hưởng của mình trong việc hoằng pháp, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc và đặc biệt đã đóng góp rất lớn cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Kết luận

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nền báo chí Việt Nam đã và đang có những vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, trong sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc, đặc biệt là lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng to lớn của đất nước.

Cũng trong giai đoạn này, bởi vì Phật giáo suy vi cho nên cần phải chấn hưng. Từ đó, các tổ chức Phật giáo lần lượt ra đời và sự xuất hiện báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đã làm hết sức mình với vai trò truyền bá Phật pháp, đóng góp hết sức mình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam và là nơi để các độc giả, phật tử nói lên tiếng nói yêu nước, yêu quê hương và đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tác giả: Phan Thị Thảo Sương (Pháp danh: Thích nữ Thiện Tánh)

Học viên Thạc sĩ Khóa V - Học viện PGVN cơ sở 1

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lê Ngọc Trụ (1961), “Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỷ XIX”, Việt Nam Khảo cổ tập san, số 2, tr. 114-115.

2.Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

3.Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr. 304.

4.Nguyễn Xuân Thanh (1935), “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Viên Âm nguyệt san, số 16, tr. 19-26.

5.Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội.

6.Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936), “Tiểu sử ông Huỳnh Thái Cửu”, Duy Tâm Phật học, số 12, tr. 711-714.

7.Hội An Nam Phật học (1932), Điều lệ và Quy tắc, nhà in Đắc Lập, Huế, tr. 6.

8.Hội Phật học Đà Thành (1937), “Bổn ý và sự hành động”, Tam Bảo tạp chí, số 1, tr. 7-8.

9.Nguyễn Gia Huy (1931), “Bàn về chấn hưng Phật giáo”, Thần Nông báo, số 83, tr. 27-28.

10.Trần Thiều (2006), “Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930-1945”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, tr. 25-32.

***

CHÚ THÍCH

[1] Lê Ngọc Trụ (1961), “Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỷ XIX”, Việt Nam Khảo cổ tập san, số 2, tr. 114-115.

[2] Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.20.

[3] Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr. 304.

[4] Nguyễn Xuân Thanh (1935), “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Viên Âm nguyệt san, số 16, tr. 19-26.

[5] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 750.

[6] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936), “Tiểu sử ông Huỳnh Thái Cửu”, Duy Tâm Phật học, số 12, tr. 711-714.

[7] Hội An Nam Phật học (1932), Điều lệ và Quy tắc, nhà in Đắc Lập, Huế, tr. 6.

[8] Hội Phật học Đà Thành (1937), “Bổn ý và sự hành động”, Tam Bảo tạp chí, số 1, tr. 7-8.

[9] Nguyễn Gia Huy (1931), “Bàn về chấn hưng Phật giáo”, Thần Nông báo, số 83, tr. 27-28.

[10] Trần Thiều (2006), “Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930-1945”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, tr. 25-32.