Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Hoạt động đào tạo tăng tài của Hội An Nam Phật học

Hoạt động đào tạo tăng tài của Hội An Nam Phật học

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mở đầu

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Phật giáo dưới thời Pháp thuộc tuy tồn tại nhưng không có vai trò và ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. Với những nguyên nhân nội tại như: Tu sĩ hư và dốt, không hiểu giáo lý, không lo tu tập, trau dồi kiến thức Phật học, các sơn môn tồn tại biệt lập, không có sự đoàn kết tăng đoàn, thiếu sự tổ chức và không có sự quan tâm giữa các sơn môn với nhau, dẫn đến sự xuống cấp của Tăng già, các vị chân tu nhiều nhưng lại ẩn tu, các hàng tăng, ni trẻ thiếu người dẫn dắt dẫn đến phạm trai phá giới, một số tăng, ni chạy theo thị hiểu của tín đồ, dẫn đến xa rời giáo lý, buôn thần bán thánh để lo trang trải cuộc sống nội bộ. Tín đồ mê tín, lên đồng và coi đức Phật là một vị thần, ban phúc họa, dẫn đến không hiểu giáo lý một phần cũng do tăng, ni thiếu trách nhiệm; không hướng dẫn tín đồ đi theo con đường chính pháp; Nguyên nhân ngoại tại thì bị các tôn giáo mới cạnh tranh, đạo Phật thì bị chính quyền thực dân quản lý, ưu ái cho các nhà thờ, chùa chiền thì bị đập phá không cho phát triển, cùng với sự lụi tàn của chữ Hán nên các kinh sách Phật giáo dần mai một.

Tag: tăng tài, An Nam Phật học, đào tạo, chấn hung Phật giáo,…

Bối cảnh xã hội:

Trong lúc Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, tinh thần, tư tưởng thì đúng lúc đạo Cao Đài ra đời, trong khi Nho giáo đang bị phế dần, Thiên Chúa là tôn giáo của kẻ thù, Phật giáo thì suy vi, do đó đã thu hút được sự quan tâm của quần chúng, được coi là một chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình. Trong khi đó, Phật giáo còn nền tảng nhưng không được sự quan tâm, không còn là chỗ dựa cho dân tộc, đồng thời bị các yếu tố ngoài tác động vào. Đứng trước bờ vực của sự diệt vong, được sự thôi thúc và khích lệ của các phong trào chấn hưng Phật giáo châu Á nên Phật giáo Việt Nam cần phải chấn hưng để bảo tồn và khôi phục lại, bởi vì đạo Phật là vốn quý của dân tộc.

Chính trong bối cảnh trên khởi đầu những năm 1920, phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời bắt đầu từ Nam kỳ sau đó ảnh hưởng ra Trung kỳ và Bắc kỳ. Phong trào chấn hưng Phật giáo Trung kỳ nói riêng và cả nước nói chung, với nhiều hoạt động, tổ chức giữ vị trí và vai trò quan trọng đã đánh dấu sự thành bại của phong trào. Trong giai đoạn chấn hưng, tại Trung kỳ đã thành lập được một số tổ chức Phật giáo như: Hội An Nam Phật học (1932), Hội Phật học Đà Thành (1935), Hội Phật học Việt Nam (1945) nhằm đào tạo tăng, ni có tài năng, đức độ làm nòng cốt cho tiến trình phát triển Phật giáo miền Trung nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, đã đánh dấu và đặt nền móng cho mô hình tổ chức giáo hội Phật giáo sau này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Hoat dong dao tao tang tai hoi an nam phat hoc 3

1. Giới thiệu khái quát về An Nam Phật học hội

Sau khi phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ được thành lập và đang trong quá trình hoạt động thì tại Trung kỳ cũng bắt tay vào công cuộc trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Vào năm 1930, dưới sự khởi xướng và chỉ đạo của Hòa thượng Giác Tiên cùng đệ tử xuất gia và tại gia đã thành lập nên hội Nghiên cứu Phật học tại Huế. Sau khi Lê Đình Thám cùng với Nguyễn Phúc Ưng Bàng, Hoàn Giáp Đinh Văn Chấp đệ đơn xin thành lập hội vào đầu năm 1932 thì đến 16/8/1932 vua Bảo Đại chấp thuận cho việc thành tổ chức nghiên cứu Phật học, khoảng một tháng sau thì tổ chức này được đi vào hoạt động với tên gọi hội nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo, hội quán được đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế. Đến 10/8/1936, chính quyền thực dân Pháp chính thức công nhận tư cách pháp nhân của hội và danh hiệu của Hội là “An Nam Phật học hội”, viết tắt là: SEERBA (Société d’ Esiude et d’Exercice de la Religion Bouddhique de l’Annam)” [2, tr.59] và “mục đích của hội là thiệt hành và truyền bá đạo Phật. Trong hội quán không được luận bàn về chính trị và công kích các Tôn giáo đã có chưng đứng trong bản xứ” [2, tr.59-60]. Theo Nguyệt san Viên Âm số 35, điều lệ và quy tắc được sửa đổi và làm lại, do Đại hội đồng thường niên ngày 15/12/ 1937 thuận định và đã được nghị định số 2159 của quan khâm sứ Trung kỳ ngày 15/7/1938 chuẩn y [4, tr.47-48] thì mục đích của hội có sự thay đổi một số từ ngữ nhưng nội dung thì không có sự thay đổi.

Về phương pháp hoạt động của hội: “Tổ chức những nghi lễ và đàn tràng để hội viên cúng dường Phật, những cuộc giảng pháp, thuyết pháp và những lớp giảng dạy kinh điển để cho hội viên liễu ngộ chân lý của đạo Phật; Đào tạo những thầy đủ tư cách hoằng tuyên Phật pháp; Lập những cảnh chùa đúng theo giới luật và qui tắc đạo đặng làm cơ sở cho nền chính tín; Lập thư viện và chỗ xem kinh sách để cho hội viên nghiên cứu Phật giáo; Diễn dịch và ấn hành kinh điển của đạo Phật, xuất bản những báo chí để hoằng tuyên Phật pháp; Hộ trì, khuyến khích các thầy chân tu và tổ chức những phước sự khác tùy theo lực lượng và tài chính của hội” [2, tr.59]. Trong quy tắc và điều lệ được sửa đổi và làm lại đã đăng lên Nguyệt san Viên Âm số 35, về phương pháp hoạt động của hội không có sự thay đổi so với quy tắc và điều lệ đã đăng trên số 21.

Tôn chỉ: “Tôn chỉ của hội tức là cái tinh thần đặc biệt phát sinh ra các công việc của hội, là cái kim chỉ nam cho tất cả các sự tấn hành của hội. Hội An Nam Phật học chúng ta có một tôn chỉ đặc biệt là hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình” [3, tr.39-40].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Hoat dong dao tao tang tai hoi an nam phat hoc 1

Chùa Trúc Lâm, Huế

Tổ chức của hội: Muốn cho công việc của hội tiến hành được dễ dàng. Hội tổ chức nhiều ban chứng minh gồm các vị tăng già và các Ban Trị sự gồm tăng già và cư sĩ. Ban chứng minh thì có những vị tăng có đức độ, uy tín và danh tiếng trong xứ, xem xét, cố vấn, giám sát các công việc cho các Ban Trị sự làm việc và thực hành theo đúng chính pháp và đạt hiệu qua một cách tốt nhất. Ban Trị sự là Ban Tổng trị sự ở Huế, kiểm sát việc của tất cả các Tỉnh hội trong xứ Trung kỳ. Mỗi tỉnh hội lại có một Ban Trị sự coi công việc trong tỉnh. Mỗi tỉnh có thể có nhiều Ban Tịnh độ. Mỗi khuôn Tịnh độ cũng có một Ban Trị sự quản trị việc trong khuôn. Tổng trị sự gồm có Chánh-Phó Hội trưởng, 1 kiểm duyệt giáo lý, các viên thư ký, thủ quỹ, kiểm sát, cố vấn nhằm chỉ huy, hoằng pháp và giao thiệp với Chính phủ Trung kỳ và các hội Phật các xứ hoặc các nước khác. Ngoài ra, Tỉnh hội, Chi hội, Khuôn tịnh độ cũng gồm Chánh-Phó và các thành viên giống như Tổng Trị sự, bên cạnh đó còn có các cơ quan có tính cách chuyên môn như: Trường Tăng học đào tạo tăng già; Đoàn Phật học đức dục; Ban quản trị Đồng ấu và Ban Viên Âm để phát hành báo Viên Âm cùng các kinh sách… [7, tr.66-67].

2. Hoạt động đào tạo tăng tài của An Nam Phật học

2.1. Hệ thống Phật học đường

Có thể nói hoạt động của An Nam Phật học là đi đầu về việc đào tạo tăng tài, từ năm 1934 hội đã khuyến khích mở các Phật học đường cấp Sơ đẳng tại các tỉnh. Khi chưa thành lập trường thì ngài Huệ Pháp, Tâm Tịnh mở đạo tràng để giảng dạy: “Cứ vào mùa hạ, vị hòa thượng ở chùa tập trung một số đệ tử giảng Kinh – Luận – Luật bằng Hán văn ghi chép rất đơn giản. Bàn ghế ngồi không cần thiết, ngồi ở bàn, ở giường và thậm chí ngồi trên nền. Dẫu sao người học hiểu được và hành trì tu chứng thăng tiến là tốt” [9, tr.393]. Sau đó, “Sơn môn học đường” được tổ chức tại chùa Trúc Lâm-Huế do Đại sư Giác Tiên đứng ra thành lập, tiếp đó vào năm 1933 Ngài Giác Tiên cùng Mật Khế đã khai giảng lớp học “An Nam Phật học đường” đầu tiên tại chùa Vạn Phước-Huế và đến năm 1934 thì lớp học thứ hai được mở tại chùa Trúc Lâm-Huế, đến năm 1935 thì trường dời về chùa Báo Quốc. Bên cạnh đó, năm 1930, Ngài Giác Tiên tiếp tục khuyến khích và giúp đỡ cho các ni sư mở trường ni tại chùa Từ Đàm-Huế.

Sau sự kêu gọi các tỉnh hội thành lập các Phật học đường vào năm 1934 thì mãi đến năm 1938 trở đi thì Hội An Nam Phật học đã có cơ sở hầu khắp các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Hà Tĩnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của tăng, ni cả nước thì năm 1952, Tăng học đường Nha Trang được thành lập tại chùa Long Sơn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Hoat dong dao tao tang tai hoi an nam phat hoc 2

2.2 Chương trình giảng dạy và phương pháp, thi cử

Trường An Nam Phật học là nơi đi đầu về việc đào tạo tăng tài, với hoạch định cho chương trình học và mô hình học tập theo hướng hiện đại của Pháp-Việt và được khẳng định: “Trong nền giáo dục ở xứ ta, một sự thay đổi lớn đang được thực hiện từ hơn nửa thế kỷ: phương pháp oai quyền độc đoán đã dần lùi bước để nhường chỗ cho phương pháp dùng lí luận mà giảng dạy” [5, tr.32]. Chương trình giảng dạy và phương pháp thi cử thì trường An Nam Phật học được tổ chức rất bài bản và được hoạch định làm hai cấp tiểu học và đại học, thời gian đào tạo hai cấp này là năm năm cấp tiểu học và năm năm cấp đại học, trong vòng mười năm là hoàn thành hai cấp. Khi học trò học đủ năm năm cấp tiểu học thì được thọ giới Sa di và hoàn thành năm năm cấp đại học, thi đậu tốt nghiệp thì được thọ giới Tỳ kheo. Sau khi tốt nghiệp và thọ giới xong thì học tăng có thể ở lại trường tham gia vào lớp Tham cứu năm năm nữa.

Chương trình giảng dạy của trường An Nam Phật học như sau:

Năm năm tiểu học:

+ Năm thứ nhất: Quốc ngữ; Hai buổi công phu.

+ Năm thứ hai: Sự tích đức Phật Thích Ca; Bốn phép toán và Phật học giáo khoa thư.

+ Năm thứ ba: Sa di luật (trường hàng); Vô Lượng Thọ kinh; Địa Tạng kinh và Thủy Sám pháp.

+ Năm thứ tư: Sa di luật giải và Thập Lục Quán kinh.

+ Năm thứ năm: Phật Thuyết A Di Đà sớ sao và Lục tổ Bảo Đàng kinh.

Năm năm Đại học:

+ Năm thứ sáu: Kim Cang kinh trực sớ; Tâm kinh chú giải; Duy Thức phương tiện đàn và Bát Thức Quy Củ trang sớ.

+ Năm thứ bảy: Thủ Lăng Nghiêm kinh; Viên Giác kinh và Nhân Minh Luận.

+ Năm thứ tám: Lăng Già kinh; Đại Thừa Khởi Tín luận và Đại Thừa Chỉ Quán luận.

+ Năm thứ chín: Thành Duy Thức luận; Diệu Pháp Liên Hoa kinh và Phạm Võng kinh.

+ Năm thứ mười: Đại Bát Niết bàn kinh và Tứ phần luật

Năm năm tham cứu:

+ Năm thứ mười một: Lăng Nghiêm Trực Chỉ; Viên Giác kinh lược sớ; Duy Ma Cật kinh sớ và Tam Luận[1].

+ Năm thứ mười hai: Lăng Già Tâm Ấn sớ; Giải Thâm Mật kinh và Du Già Sư Địa luận.

+ Năm thứ mười ba: Pháp Ba Huyền Nghĩa; Pháp Ba văn cú và Ma Ha Chỉ Quán.

+ Năm thứ mười bốn: Hoa Nghiêm luận và Hoa Nghiêm sớ sao.

+ Năm thứ mười lăm: Đại Trí Độ luận; Tôn Cảnh Lục; Chỉ Nguyệt Lục và Hải Triều Âm Văn Khố.

Trong khi học mười lăm năm ở trường thì phải giữ gìn giới luật và thanh quy, sau khi học học thì có thể đi du phương để học hỏi thêm về Phật pháp [1, tr39-40]. Qua chương trình trên được hoạch định vào năm 1934 thì thấy thời gian đào tạo bậc tiểu học quá dài, trong các chùa địa phương có thể dạy được và tài chính của trường sẽ giảm bớt được một phần nào đó [10, tr.42]. Đến năm 1944, chương trình và phương pháp được thay đổi thời gian đào tạo giảm xuống còn hai năm và đổi tên thành Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng [13, tr.822-823]. Điều đặc biệt là khi tuyển sinh vào các lớp Phật học, chư học tăng phải trải qua kỳ thi tuyển sinh: Đối với những học sinh có bằng sơ học Pháp Việt hay một bằng cao hơn phải thi các môn sau: Một bài ám tả chữ Nho, một bài dịch vài câu chữ Nho sang chữ Quốc ngữ, một bài luận quốc văn. Những học sinh không đậu bằng cấp sơ học Pháp Việt hay không đậu bằng cấp cao hơn phải thi: một bài ám tả chữ Nho, một bài ám tả chữ quốc ngữ, một bài dịch chữ Quốc ngữ ra chữ Nho và một bài luận quốc văn, những học tăng đậu thì được hội cấp học bổng và những người không trúng tuyển thì có thể học dự thính và sang năm thi lại, những vị này phải ở ngoài trường tới học. Các hạng học tăng của trường: Học tăng lưu trú được hội cấp học bổng; học tăng lưu trú; học tăng ở ngoài và học tăng dự thính và tiền phạn phí là 20$00 một tháng, bút phí là 5$00 một tháng [8, tr.21-22]. Với chương trình và phương pháp giảng dạy của trường An Nam Phật học thì tháng 3 năm 1936, đoàn đại biểu Bắc kỳ đã vào Huế “để tùy hỷ và khảo sát các công việc tổ chức của Hội Phật học Huế” [11, tr.8] thì sư ông Trí Hải hết sức ngạc nhiên với phương pháp của Hội này:

“Cách dạy học này rất có quy mô trật tự, phương pháp dạy học trò rất dễ hiểu. Khắc hẳn với lối học bình văn giảng nghĩa như xưa, học đủ cả khoa học, triết học,… cũng gồm đúng như quy củ của các trường học Pháp Việt hiện thời. Giờ nào học, giờ nào viết, giờ nào tập thể dục, giờ nào tập làm văn, giờ nào viết ám tả, giờ nào nghiên cứu, giờ nào vấn đáp, các thì giờ học tập rất phân minh, không giống các quy củ trường học ngoài Bắc tí nào cả… nghĩ đến cách dạy, cách học thuyền gia ở Bắc từ trước đến giờ rất khó hiểu, rất lâu tấn tới, thật là đáng tiếc cho cái tư chất thông minh của các vị hậu tiến xuất gia ở Bắc” [11, tr.10].

Qua việc khảo sát các công việc tổ chức của hội Phật học Huế thì tháng 9 năm 1936, sư Tố Liên được gửi vào Huế để thăm trường Phật học và tham khảo chương trình giáo dục của nhà trường [15, tr.202], sự khảo sát này được sư cụ Phan Trung Thứ viết trong bài chúc từ lễ khai giảng và được đăng trên báo Đuốc Tuệ:

“Ngày mồng Một tháng Tám ta, ngài Chánh Hội trưởng cử sư ông Tố Liên vào Huế tham khảo chương trình giáo dục của trường Phật học trong ấy mất nửa tháng; sư ông Tố Liên về đem công việc tổ chức và chương trình giáo dục trường Phật học Huế trình với ngài Chánh Hội trưởng và ban đạo sư chúng tôi” [16, tr.16].

Với sự học hỏi, nghiên cứu và tham khảo mô hình đào tạo tăng học của Hội Trung kỳ thì tháng 12 năm 1936, một trường Phật học theo hướng hiện đại được khai giảng ở Bắc kỳ, chương trình học được chia thành 4 cấp và khóa học kéo dài trong vòng 15 năm:

+ Lớp tiểu học bốn năm

+ Lớp trung học ba năm

+ Lớp đại học ba năm

+ Lớp bác học cao đẳng năm năm.

2.3. Tăng, ni sinh

Về số lượng tăng, ni sinh của trường An Nam Phật học đào tạo từ mở đến nay là 10 năm là 50 vị. Sau sáu năm học Tiểu học, ba năm học Trung học, đến năm nay có 22 thầy đã học đủ chương trình Trung học và thi lên lớp Cao đẳng. Có sáu thầy được đủ điểm số là: 1. Võ Tường – Thích Thiện Siêu (Huế); 2. Phạm Quang – Thích Trí Quang (Quảng Bình); 3. Nguyễn Bình – Thích Trí Tịnh (Nam kỳ); 4. Đỗ Xuân Hàng – Thích Thiện Minh (Quảng Trị); 5. Trần Trọng Thuyên – Thích Trí Thuyên (Quảng Ngãi); 6. Nguyễn Chí Quang (Trà Vinh) được chính thức lên lớp. Còn bốn thầy là: 1. Nguyễn Phương (Tourane); 2. Nguyễn Hương (Saigon); Phạm Học (Tỉnh hội Tourane, quán Hà Tĩnh); Phan Thơ (Huế) hỏng khẩu vấn, sáu tháng nữa sẽ thi lại, nếu đậu thì được lên lớp [6, tr.13].

Với mô hình học tập của trường Pháp Việt, thì trường An Nam Phật học đã đón nhận các học tăng ở hội Lưỡng Xuyên Phật học. Vào năm 1936, hai vị Thiện Hòa và Hiển Không, đến năm 1937 thì có các vị Thiện Hoa, Huyền Quang, Bửu Ngọc, Chí Thiện, Chánh Quang, Hiển Thụy, Hành Trụ, Quảng Liên. Các vị tốt nghiệp chương trình Đại học Phật giáo đầu tiên là Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể… Khóa tiếp theo thì có Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh, Trí Nghiêm, Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Hữu… [14, tr.148]. Về phía Bắc kỳ thì có Thích Tâm Ấn, Tâm Thông, Thanh Thủy cũng được Hội Phật giáo Bắc kỳ đưa vào tham học trường An Nam Phật học tại chùa Báo Quốc – Huế.

2.4 Giáo thọ

Vào ngày 16/10/1935, Hội An Nam Phật học đã cho thành lập và khai giảng Phật học viện Tây Thiên với ba cấp. Ban giáo thọ gồm quốc sư Phước Huệ, Ngài Giác Tiên, Giác Hạnh, Giác Bổn. Hòa thượng Tâm Khoan được mời làm giám đốc và các vị Từ Quang, Giác Hạnh, Trí Thủ là phó giám đốc; pháp sư Trí Độ đảm nhận chứ vụ đốc giáo. Hội Tiếp tục mời cư sĩ Lê Đình Thám dạy luận, Nguyễn Khoa Toàn, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Sang,… dạy kiến thức ngoại điển, quốc sư Phước Huệ-Bình Định chuyên lo kiến thức nội điển cho tăng, ni sinh mỗi cấp.

Khi trường ni được khai giảng vào năm 1932 tại chùa Từ Đàm do sư Diệu Hương quản lý, tiếp theo chùa Diệu Đức ở Thủy Xuân cũng được thành lập. Sau đó trường được rời về Diệu Đức. Ngoài sư Diệu Hương, còn có các vị Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện ở Sơn môn Phật học tới giảng dạy.

Năm 1947, khi trường Báo Quốc mở của đón học tăng trở lại sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ thì ban giáo thọ lúc này là Mật Nguyện, Mật Hiển, Đôn Hậu, Hoàng Thơ, Trọng Ân, Định Tuệ, Quy Thiện, Thiện Siêu, Thiện Minh, Quang Phú,…

2.5. Cơ sở vật chất và tài chính

Để duy trì lớp học thì điều quan trọng cần và đủ đó là cơ sở vật chất và tài chính thì trường An Nam đã vận động được những người hảo tâm giúp đỡ, và về tài chính cần có 100 đến 150 đồng để là phương tiện chuẩn bị cư xá cho học tăng và lộ phí cho giảng sư. Hội An Nam Phật học cũng kêu gọi các tín đồ hữu tâm mỗi người bảo trợ một hoặc hai học tăng từ 10 đến 15 năm bằng việc mỗi năm đóng góp 3 đồng. Nếu thiếu phương tiện thì hai hoặc ba người hợp tác để bảo trợ một học tăng, sau khi đủ 40 học tăng thì có thể mở lớp học [1, tr.38]. Về vấn đề chỗ mở trường thì phải chọn chùa rộng rãi, khí hậu tốt để đảm bảo sức khỏe cho các học tăng, đối với các học tăng giới luật phải tinh nghiêm và sự tận tâm tận tình của các vị trụ trì đối với công việc đào tạo tăng tài: “Một điều cốt yếu nhất là trong chùa ấy, giới hạnh phải cho tinh nghiêm. Ông thầy trụ trì chùa ấy dù ít học nhưng cũng phải thành tâm vì đạo và dày công tu niệm mới được. Vì nếu trong chùa không giữ giới, ông trụ trì không đức hạnh thì khó được lòng tin cậy của tín đồ” [12, tr.228]. Qua đó, chúng ta thấy được rằng nhờ sự ủng hộ của những người tín tâm và hảo tâm về đạo thì trường Phật học mới được duy trì và phát triển.

Kết luận

Với tâm huyết về phong trào chấn hưng Phật giáo, điều quan trọng là đào tạo tăng tài, Hòa thượng Giác Tiên cùng với các vị cư sĩ thiện hữu tri thức đã cùng nhau xây dựng và thành lập nên một trường Phật học theo hướng hiện đại với mô hình học tập của trường Pháp Việt với đầy đủ các khoa, đào tạo bài bản, giờ nào việc đó, sắp xếp có quy củ và trật tự. Đây là ngôi trường đầu tiên được tổ chức bằng phương pháp hiện đại và được hội Phật giáo Bắc kỳ của ngài Tố Liên ra học hỏi và tham khảo chương trình giáo dục của trường này, làm nền tảng cho trường Phật học hiện đại được khai giảng ở Bắc kỳ. Không những thế, hệ thống tổ chức của trường An Nam được thành lập tại các tỉnh của Trung kỳ và các tỉnh lân cận nhằm phát huy vào công cuộc đào tạo tăng tài trong phong chào chấn hưng Phật giáo nước nhà và thu hút các tăng, ni từ Nam ra Bắc đến học tập.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trường đã đào tạo ra những bậc nhân tài làm trụ cột cho Phật giáo cả nước nói chung và Phật giáo Trung kỳ nói riêng, và là nơi đặt nền móng cho việc thống nhất Phật giáo sau này. Năm 1963, khi các hệ thống trường của hội An Nam được phát triển rộng rãi trên khắp các tỉnh miền Trung, chính nơi đây đã đào tạo được hàng ngàn tăng sinh về mặt tư tưởng, lối sống và các vị này đã nhận thức được bổn phận và trách nhiệm của bản thân đố với sự tồn vong của đạo pháp, của dân tộc. Không những thế, nơi đây đã đào tạo ra các vị lãnh đạo cao cấp trong công cuộc đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm. Những vị Hoà thượng, Thượng toạ Thích Thiện Hoa, Thiện Hoà, Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, Trí Tịnh, Trí Thủ, Mật Thể,… và đây cũng chính là những thành viên làm nòng cốt cho phong trào dấn thân của Phật giáo vào năm 1963.

Thích Nữ Huệ Đàm
Học viên Thạc sĩ khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM

—————————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyệt san Viên Âm, số 8, Thế gian thuyết, 1/7/1934.
  2. Nguyệt san Viên Âm, số 21, Những khoản cốt yếu trong điều lệ của hội An Nam Phật học, 5-7/1938.
  3. Nguyệt san Viên Âm, số 33, Tôn chỉ của hội An Nam Phật học, 10-11/1938.
  4. Nguyệt san Viên Âm, số 35, Điều lệ và quy tắc của hội An Nam Phật học, 2-3/1939.
  5. Nguyệt san Viên Âm, số 55-56, Giáo dục bằng lối huân tập, 12-1/1942- 43.
  6. Nguyệt san Viên Âm, số 59, Lễ phát nguyện tinh trì của giới Sa di của các thầy Cao đẳng học tăng trường Báo Quốc, 4/1943.
  7. Nguyệt san Viên Âm, số 60-61, Cách tổ chức của hội An Nam Phật học, 1943.
  8. Nguyệt san Viên Âm, số 73, Phổ cáo, 7/9/1944.
  9. Thích Hải Ấn, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb VHSG, TP.HCM, 2006.
  10. Dẫn theo tài liệu giảng dạy của TT.TS Thích Phước Đạt, Tổng quan về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, HVPGVN tại TP.HCM, 2012.
  11. Trí Hải, Đuốc Tuệ, số 17, Mấy ngày đi Huế, 7/4/1936.
  12. Thích Trung Hậu, Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 4, Nxb.VHSG, 2008.
  13. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2000.
  14. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb.Đà Nẵng, 2018.
  15. Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb.ĐHQG, Hà Nội, 2020.
  16. Phan Trung Thứ, Đuốc Tuệ số 35, Bài chúc từ lễ khai giảng tăng học, 15/1/1937.

[1] Tam luận: Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường