Tác giả: Liên Tịnh

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp tâm linh truyền thống của mọi gia đình Việt. Đi kèm với đó là thói quen thắp hương vào các ngày Rằm, mùng Một, đặc biệt là vào các ngày lễ, Tết, giỗ chạp. Tuy nhiên ngày nay, việc thắp hương không chỉ dừng lại ở nghi thức để bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, mà có nhiều gia đình lập ban thờ Phật, thờ gia tiên, sau đó việc thắp hương trở thành một hình thức bắt buộc, dần làm cho các thành viên trong gia đình trăn trở về vấn đề này: Có nên thắp hương hàng ngày hay chỉ thắp hương vào Rằm và mùng 1? Chỉ thắp hương vào buổi sáng hay dùng hương vòng thắp liên tục? Việc thờ cúng tưởng chừng đơn giản bỗng trở thành nỗi băn khoăn của không ít gia đình.

Nguồn: st
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: st

Theo quan niệm dân gian, nếu như mới lập ban thờ, bốc bát hương mới thì phải thắp hương liên tục trong vòng 100 ngày, có nơi dù bát hương đã bốc được 1 năm, 3 năm thì hàng ngày vẫn phải thắp hương vòng xuyên suốt 24h không được để hương tắt, lúc nào nhà cũng ngập mùi và khói hương. Thậm chí có những gia đình sống ở Hà Nội, khi về quê ăn Tết vài ngày nhưng đã dùng hương vòng để thắp xuyên suốt những ngày vắng nhà đó.

Thực sự rất nguy hiểm khi họ bất chấp tiềm ẩn về cháy nổ, dù biết là không an toàn mà họ vẫn làm để yên tâm rằng như thế là đúng phép đúng lề lối với tổ tiên, Chư Phật. Chưa kể đến, hoá chất từ hương dù là hương sạch cũng không thể đảm bảo sức khỏe 100%. Liệu việc làm này có thực sự đúng đắn theo giáo lý đạo Phật hay không?

Nguồn: st
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: st

Từ xưa đến nay, nén hương tượng trưng cho lòng thành kính của người dân Việt Nam đối với tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Số lượng nén hương được thắp cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Một nén hương biểu thị lòng thành kính, 3 nén hương biểu thị cho Giới – Định – Tuệ, 5 nén hương tượng trưng cho 5 phương hướng của Trời đất (Đông-Tây-Nam-Bắc-Trung) và là ngũ hành (Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ), 7 nén và 9 nén tượng trưng khi nguyện cầu cho nam và nữ.

Đi lễ ngày Rằm, mùng 1, ngày Tết, dòng người chen chúc nhau trên tay mỗi người là một bó hương vài chục nén, thắp hết các ban từ ngoài sân vào trong chính điện, có bao nhiêu ban là thắp bấy nhiêu nén, khói nghi ngút, cảnh tượng người già và những em bé theo cha mẹ, ông bà đi lễ, ho sặc sụa, giàn giụa nước mắt vì khói hương trở nên quen thuộc tại các ngôi chùa, đình, đền.

Nén hương dần trở thành một công cụ để mưu cầu, việc thắp hương trở thành một công việc quan trọng nhất trong mỗi gia đình. Người ta có thể bỏ qua bữa sáng dù biết đó là bữa ăn tốt nhất cho sức khoẻ, có thể cho con cái uống tạm hộp sữa trên đường đến trường, nhưng sẽ không quên thay hương vào mỗi buổi sáng hay bất kì lúc nào hương vòng cháy hết. Dường như điều họ lo sợ nhất là hương đã cháy hết trên ban thờ mà chưa kịp thay hương mới. Bởi không những họ tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau, mà còn tín rằng phải luôn đốt hương trên ban thờ mới tốt, mới không gặp xui xẻo. Như vậy là vẫn còn hiểu một cách mơ hồ, nhất là về ý nghĩa dâng hương theo truyền thống của ông bà.

Thắp hương không chỉ là việc đốt cháy nén hương, mà còn đại diện cho tinh thần và đức tin. Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất tồn tại trong tâm hồn của mỗi người. Bên cạnh việc thắp những nén hương bằng ngọn lửa, chúng ta còn có thể thắp lên “Tâm hương”, tức là sự tôn kính và biết ơn từ tâm hồn. Chính vì vậy, trong Phần mở đầu "Nguyện hương" của mỗi bài kinh có năm loại hương được sử dụng để cúng dường Phật thường gọi là "ngũ phần hương" nhưng thực chất chính là "Tâm hương" trong mỗi con người:

“Đốt nén tâm hương trước Phật đài
Ngũ phần dâng trọn đức Như Lai”

Ngũ phần hương gồm: hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến.

Giới hương: Đường tu hành chính chân và giác ngộ. Giới hương là con đường dẫn lối cho người con Phật đi theo từng giai đoạn tu hành, như năm giới, mười giới, thập thiện giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát giới, tam tụ tịnh giới, giới khai gia trì phạm, giới tâm. Giới luật là con đường đi vững chắc, theo bước chân của chân sư, những bậc niên cao kỷ trưởng, hạ lạp thiền đức, sơn tăng, thạch trụ. Chúng ta lấy giới luật làm tiêu chí tiến thu vào chính pháp, không vi phạm những ác, thực hiện tất cả việc thiện để tái tạo thế giới thành một nơi tốt đẹp, trở thành xứ sở Cực lạc Tây phương.

Định hương: Đường tu hành từ việc giữ giới thanh tịnh, tam nghiệp không lẫy lừng và không sinh ra bất kỳ pháp bất thiện nào. Định hương là khi tâm thức giữ được giới đức tinh nghiêm và không có những dư nghiệp dấy sinh. Chúng ta tránh những lỗi lầm của con đường ma nghiệp và không bị ác độc xâm lấn pháp thân. Định hương nghĩa là chúng ta dâng lên Phật cúng hương như một sự tôn kính.

Tuệ hương: Đường tu hành tiến đến giải thoát. Tuệ hương mang ý nghĩa sự thanh tịnh tâm thân. Nhờ thanh tịnh này, chúng ta đạt được tuệ sinh, là sự thanh tịnh trong tâm hồn giúp chúng ta giải thoát khỏi những phiền não và khổ đau. Nhờ trí tuệ, chúng ta thấu hiểu con đường ma nghiệp và tránh được những sai lầm của đời sống thế tục.

Giải thoát hương: Giải thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, tài sắc danh thực thùy và những tư duy cá nhân. Giải thoát là không bị ràng buộc bởi tham sân si hỷ nộ ái ố, không bị mắc kẹt trong những quan niệm và hành động sai lầm. Đây là sự tỉnh thức và tự do tâm linh, tự thân thấu hiểu mình làm thật, tâm thức trong sạch và kết hợp với tất cả những tâm hương hoa này để dâng lên cúng dường Phật.

Giải thoát tri kiến hương: Giải thoát tri kiến là giải thoát về hiểu biết của mình về thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta giải thoát khỏi sự cố chấp và tự nhận là mình cao cả hơn người khác, là Thánh sống hay là Phật. Giải thoát trong thế giới của Phật không chỉ có nghĩa là chúng ta giải thoát mà còn biết rằng mình giải thoát. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vượt qua tri kiến cá nhân, đạt đến tầm hiểu biết sâu sắc và nhìn thấy sự thật trong thế giới của Phật.

Nguồn: st
Nguồn: st

Chung quy lại, "ngũ phần hương" tuy là năm thứ hương nhưng thực chất chính là "Tâm hương", là thứ hương không có mùi hương mà vẫn toả ngát, toát ra từ nội tâm con người, là thứ hương duy nhất bay ngược chiều gió và mỗi người sẽ có cho mình một mùi hương đặc trưng riêng, không ai giống ai.

Nguồn: st
Nguồn: st

Nếu như chúng ta ở trong một không gian không hề đốt hương mà tâm vẫn an, lòng vẫn hướng thiện, tránh ác, giữ giới, thực hành theo đúng giáo lý đạo Phật thì tức là tâm chúng ta đã được gần Phật, Phật chính tại tâm ta chẳng ở đâu xa. 

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng chúng ta cũng không nên bám chấp vào đó để sinh ra lo lắng, làm cho việc thờ cúng, hương khói trở thành gánh nặng, trở thành nỗi lo lắng, trăn trở làm thế nào cho đúng, cho khỏi phạm lỗi. Thậm chí, dễ dẫn đến bất hoà không khí gia đình vì mỗi người có một quan điểm riêng.

Có câu “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, dù chúng ta làm gì và lựa chọn như thế nào, trước tiên hãy giữ cho ngọn lửa hạnh phúc gia đình luôn được chan hoà, nhiều niềm vui và quan trọng nhất làm sao cho hài hoà các mối quan hệ, những thành viên trong gia đình luôn cùng nhìn về một hướng, một đích đến trên con đường cuộc sống cũng như con đường tu tập Phật pháp.

Tác giả: Liên Tịnh

***

Tài liệu tham khảo

Định nghĩa "Ngũ phần hương": Phatgiao.org