Hương thơm thanh lọc tâm hồn, thanh lọc không gian sống bao bọc xung quanh con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Cho nên việc dâng hương trở thành mỹ tục, thành nét đẹp của đời sống văn hóa.
Tác giả: Phạm Khánh Linh
1. Lịch sử của Hương
Theo các ghi chép lịch sử, nhang được phát minh bởi người Ai Cập cách đây khoảng 3.500 năm. Họ dùng một loại giấy cói y học, tổng hợp các loại thảo dược xưa, cuốn thành từng cây nhang.
Sau đó, cầm theo bó rồi đốt cháy để tôn vinh các vị thần. Ngoài ra, họ còn xem đây là nghi thức xua đuổi tà ma, cầu bình an. Người ta còn phát hiện bằng chứng khảo cổ với các đốt hương được tìm thấy trong lưu vực sông Ấn, có niên đại khoảng 3.300 năm trước.
Còn tại khu vực Châu Á, tục thắp nhang xuất hiện tại Trung Quốc từ cách đây khoảng 2.000 năm. Đến thời nhà Tống, thắp hương đã trở thành một phần văn hóa. Chưa biết chính xác hương đã du nhập đến đây như thế nào. Nhiều giả thuyết cho rằng các thương nhân nước ngoài như Ả Rập đã mang văn hóa thắp hương đến Trung Quốc.
Thời gian trôi qua, các cuộc di cư của người Hoa đã mang theo tục thắp nhang đến nhiều nước Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, thắp nhang đã trở thành tập quán trong các ngày lễ hội như Rằm tháng bảy, lễ Vu Lan, ngày Tết, lễ Phật đản, những ngày quan trọng trong gia đình như cúng giỗ, đám cưới, ăn tân gia…
Với lịch sử tồn tại hàng nghìn năm, nén nhang đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và trang nghiêm.
Hương đã len lỏi vào tận cùng tâm thức người Việt, có vị trí quan trọng trong cuộc sống mỗi người dân Việt Nam.Đặc biệt vào những ngày cuối năm đi mua sắm đồ Tết, không ai không mua vài nén hương về thắp trên bàn thờ gia tiên cho ông bà.
Trong tâm thức mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tin rằng, ở trong một không gian vô định nào đó vẫn có những hình ảnh, những con người vô hình đang hướng về chúng ta, luôn hiện diện bên cạnh và lắng nghe ước nguyện chân thành gửi theo những làn khói hương đang được thắp lên thông qua những nén hương ngào ngạt linh thiêng.
2. Văn hóa
Trong văn hóa dân gian, làn khói hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu từ thế giới thực tại đến cõi tâm linh (thần linh, cửu huyền thất thổ) khi muốn thông báo một sự việc hoặc cầu xin điều gì đó, vì thế mà hương còn được gọi là “hương tín”. Nói cách khác, đó là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.
Với người phật tử, nén hương khi dâng trước Phật cũng mang ý nghĩa “hương tín”, hiểu theo nghĩa đang báo tin đến chư Phật, Bồ-tát rằng: “Con đang đứng trước hình tượng của Ngài và nguyện tu học theo hạnh nguyện của Ngài”. Tuy nhiên, trong đạo Phật, ngoài ý niệm truyền tin, hương còn giữ vai trò lớn hơn thế.
Cũng vì thế, đứng đầu “LỤC CHỦNG CÚNG DƯỜNG” chư Phật, Bồ Tát phải kể đến hương, gồm: hương, đăng, hoa, đồ, quả, nhạc.
Điều này thật dễ hiểu bởi khi đức Phật còn tại thế đã có truyền thống dâng hương cúng Phật, tức là thắp (đốt) nén hương khi đảnh lễ .
Vậy nên với người phật tử, dâng hương lên Tam Bảo là cách thể hiện cái tâm thành kính, vì “dâng” là đưa (một cái gì đó) lên theo cách thức cung kính. Chẳng thế mà có bài kệ
“Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo”
Đối với người xuất gia tu hành hoặc phật tử, việc dâng hương trước Phật không quan trọng ở số lượng nhiều, khói tỏa mịt mù (dễ gây nhiễu sự thanh tịnh) mà chỉ cần một nén hương, khói bay nhẹ nhàng, mùi thơm phảng phất nhưng tôn quý.
Tuy nhiên, dù tôn quý đến mấy, loại hương ta thắp vẫn không thể bay ngược gió, nên không thể đi vào Pháp giới và không thể sánh với hương của người có đức hạnh, hoặc Giới hương.
Vì thế, đốt hương, dâng hương là một phương thức quan trọng để giữ cho tâm hồn được trong sáng, nhắc nhớ thực hành điều lành để giữ đức hạnh, bước đầu mở ra cánh cửa vào đạo pháp.
''Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Ngũ phần dâng trọng Đức Như Lai
Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà
Lòng thành gởi tận chốn bao la
Đốt nén tâm hương ở Ta Bà
Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca,…… đến công đức của việc dâng hương''.
Kinh điển có ghi lại việc trưởng giả Phổ Nhãn Diệu Hương giảng “pháp môn khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ phổ môn” chủ trương thắp hương cúng dường chư Phật, cứu hộ chúng sinh, hay như Thanh Liên Hoa trưởng giả “giỏi biết chư hương pháp môn” chuyên giảng chủng loại và của các thứ hương, bao gồm hương xông cho Phật được xem là một loại công đức. Điều này đã cho thấy, việc dâng hương, nhất là hương quý là một việc làm luôn được khuyến khích.
3. Ý nghĩa
Nghi thức dâng hương là tập quán mà hầu như mọi người dân Á châu bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.
Dù không mê tín dị đoan, trong tâm thức mọi người Á Châu đều tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Tuy nhiên về mặt tâm linh, có người vẫn còn hiểu một cách mơ hồ, nhất là về ý nghĩa dâng hương theo truyền thống của ông bà
Ba cây nhang, một cây tượng trưng cho trời, một cây tượng trưng cho đất, một cây tượng trưng cho con người.
Phật giáo rất coi trọng việc "thắp hương lễ Phật". 3 cây nhang tượng trưng cho Tam Bảo của Phật giáo: Phật, Pháp và Tăng.
- Phật: Phật Thích Ca Mâu Ni cùng tất cả chư Phật.
- Pháp: Chỉ tất cả các pháp vi diệu của Phật giáo.
Tăng: Nhà sư cứu độ tất cả chúng sinh.
Theo Phật giáo, con người có "tam độc" Tham – Sân – Si. Vì vậy, 3 cây hương trong Phật giáo dùng để giúp con người thoát khỏi 3 phiền não này trong cuộc sống.
- Nén hương đầu tiên: Gọi là "hương giới" với mong muốn khiến con người buông bỏ lòng tham, bỏ mọi tật xấu.
- Nén hương thứ 2: Gọi là "hương định hương", có tác dụng giúp con người bình tĩnh, thoát khỏi mê hoặc, tìm ra hướng đi cho cuộc đời.
- Nén hương thứ 3: Gọi là "hương trí tuệ", có tác dụng giúp con người thoát khỏi phiền muộn trong cuộc sống và đạt được trí tuệ lớn lao.
Khi thắp hương theo đạo Phật, bạn không thể cắm tất cả trực tiếp vào lư hương mà phải theo thứ từ: Đầu tiên là cắm ở giữa, sau đó bên phải rồi tới bên trái. Nên thắp hương bằng tay trái, khi khấn thì tay trái ở trên, tay phải ở dưới.
Khi cắm hương, khoảng cách giữa 3 cây nhang không được quá gần hoặc quá xa, thường cách nhau khoảng 1 đốt tay.
Ngoài ra, hương còn giúp bạn giảm được căng thẳng, mệt mỏi. Hương thơm của trầm giúp thần kinh ổn đinh, cải thiện giấc ngủ và tăng cường sự tập trung rất tốt.
Tuy nhiên, không nhất thiết là phải gửi cùng khói hương, không nặng về hình thức phải có hương mới thành tựu, mà quan trọng hơn - chúng ta cần gửi cùng cái tâm thanh tịnh, còn gọi là "tâm hương".
Tâm hương ở đây là ý chỉ cho hương thơm ngát trong tâm, hương lòng. Hành giả Phật Giáo cần phải bày tỏ lòng chí thành chí kinh, vậy mới có thể cảm ứng lên chư Phật; việc dâng hương cúng Phật cũng giống như vậy, nên được gọi là tâm hương.
Từ đó, có từ “nhất biện tâm hương (một nén hương lòng).” Như trong bài Tướng Cung Tự Bi Minh của Giản Văn Đế (tại vị 549-551) nhà Lương thời Nam Triều có câu:
“Song thư ý nhụy, thất độ tâm hương (ngụ cửa bày ý nhụy, thất ngát hương lòng).”
Trong bài Ngũ Đài Sơn Tạo Trầm Hương Văn Thù Bồ Tát Tượng Sớ cũng có đoạn:
“Xả tâm hương nhất thốn nhi giá trọng tam thiên, nghiêm Pháp Thân nhất mao nhi phước diên vạn kiếp
tức là "bỏ hương lòng một tấc mà giá nặng ba ngàn, nghiêm Pháp Thân mảy lông mà phước dài muôn kiếp."
4. Mặt trái của việc sử dụng Hương
Việc nguyện cầu điều thiện lành là nhu cầu, là điều không thể thiếu trong thực hành tâm linh, là ước nguyện chân thành làm tăng trưởng tâm từ - cần được giữ gìn.
Việc đốt hương thơm là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, nó có thể gây những tác hại đối với sức khỏe.
Do nhu cầu thích mùi thơm của người thắp hương nên tạo ra một nguồn cung hương thơm theo thị hiếu mà bất chấp ảnh hưởng về sức khỏe, môi trường. Nếu thắp một cây thì không sao, nhưng thắp nhiều thì gây ô nhiễm môi trường, không tốt cho sức khỏe con người.
Thắp hương cũng là một văn hóa chỉ bị biến tướng khi người ta lạm dụng đốt cả bó, hoặc trở nên không an toàn do hương hóa chất - thì việc cần bàn ở đây phải là ý thức thắp hương trong chùa, các nơi thờ tự, ở nhà, cũng như việc kiểm định chất lượng hương trên thị trường, hoặc khiến cho nguy cơ cao vê cháy nổ, hóa chất sinh ra sẽ gây khó thở, gây ngứa mắt, chảy nước mắt, gây ngứa mũi, hắt hơi... cho người sử dụng
5. Đời sống văn hóa của Hương
Dâng hương là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng tri ân của con người đối với thần linh và tổ tiên. Đạo lý đó chi phối nếp cảm, nếp nghĩ và hành vi con người khi dâng hương trước nơi thờ tự linh thiêng.
Khi dâng hương, người Việt thể hiện lòng thành với thần linh, với tổ tiên, cầu xin thần linh, tổ tiên ban phúc lộc, may mắn, cho mọi sự hanh thông.
Vì thế người Việt thực hành nghi lễ dâng hương không chỉ vào dịp lễ Tết, lễ hội, mà trong mọi thời khắc của nhịp sống đời thường.Trên bàn thờ những khi ấy sẽ được gia chủ sắm đồ lễ, bàn thờ dọn gọn gàng và hương thơm được thắp lên để tạo không gian linh thiêng, huyền bí, ấm áp và sâu lắng, thể hiện lòng tri ân của gia chủ.
Khi dâng hương, con người cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà các vị thần linh, tổ tiên ông bà ban cho, bởi khi đó con người đang trực tiếp bày tỏ sự tin tưởng, lòng tôn kính của mình với các đấng bề trên.
Cho nên dâng hương là thể hiện niềm tin linh thiêng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh, để ký thác và gửi gắm trong nghi thức này khát vọng sống tốt đẹp, hạnh phúc của chính con người.
Bởi vậy khi thắp nhang là con người cúi đầu, khẩn thiết cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ độ trì. Họ tin rằng tấm lòng thành kính của mình sẽ được thần linh, tổ tiên chứng giám.
Dâng hương là thể hiện sự thành kính, thành tâm, hương là sự thơm thảo của tấm lòng, là hương vị của tình nghĩa chứ không chỉ là mùi vị của vật phẩm. Hương thơm thẩm thấu trong không gian, bay theo làn khói mỏng manh, khiến lòng người an yên, tĩnh tại.
Hương thơm thanh lọc tâm hồn, thanh lọc không gian sống bao bọc xung quanh con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Cho nên việc dâng hương trở thành mỹ tục, thành nét đẹp của đời sống văn hóa.
Thắp hương là để kết nối tâm linh, để thể hiện lòng thành kính, chính vì thế, trước hết phải là hương sạch, sạch từ nguyên liệu đến sản xuất. Dâng hương là mỹ tục trong văn hóa Việt Nam, cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay, để văn hóa thực sự là nguồn lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả: Phạm Khánh Linh (T/h)
Bình luận (0)