Cứ đến tuần lễ Phật đản hàng năm, phật tử trên khắp cả nước lại rộn ràng, hân hoan chào đón ngày Đản sinh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni - đấng Từ Phụ tôn kính của hết thảy những người con Phật trên khắp thế giới.
Lễ Phật đản là lễ hội lớn nhất của tín đồ Phật giáo trong năm. Vào ngày này, các chùa thường tổ chức các sự kiện lớn kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật, ôn lại truyền thống lịch sử của đức Phật cũng như nhắc nhở chúng sinh về đại hạnh xuất gia cứu cánh của đức Bổn sư Như Lai.
Vào ngày 8/4 Âm lịch cách đây 2560 năm trước, tại nước Ấn Độ, hoàng hậu Mahamaya đã đản sinh Thái tử Tất Đạt Đa dưới gốc cây sa la trong cánh rừng Lambini. Có thể nói đây chính là một sự kiện vĩ đại bởi nó đã đánh dấu ngày xuất hiện một đấng Giác Ngộ bậc nhất của toàn nhân loại. Người đã mở ra một con đường giải thoát cho tất cả chúng sinh đang ngày ngày ngụp lặn trong bể khổ, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi mê mờ, mịt tối.
Sự kiện đản sinh của đức Phật mang ý nghĩa về hai phương diện: lịch sử và tư tưởng.
Về mặt lịch sử:
Trước khi đức Phật ra đời, Người đã mang một hoài vọng lớn lao cho tất cả chúng sinh trên cuộc đời này:
“Ta ra đời vì lợi ích cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người”.
Con người chúng ta trở nên hạnh phúc, an vui kể từ khi đức Phật có mặt trên cuộc đời này. Nếu không có những lời dạy của Người thì chúng ta vẫn còn phải sống trong sự lầm than, người bóc lột người và vẫn còn vô vàn đau khổ. Chính vì lẽ ấy, đức Phật chính là một người cách mệnh xã hội, một nhà tư tưởng lớn đã mang đến cho loài người một cuộc sống hạnh phúc và sung sướng hơn trong học thuyết của Người, với lời nói rằng:
“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ. Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”
Những lời dạy của đức Phật tuy đơn sơ, giản dị nhưng bao hàm trong đó là biết bao ý nghĩa thâm sâu, có khi đi hết cả cuộc đời ta cũng không thấu hiểu nó một cách tường tận được. Những điều đó đã làm thay đổi lịch sử và mang đến một khái niệm mới, đó là Phật tính bình đẳng.
Cái bình đẳng thứ nhất là bình đẳng các vai trò khác nhau trong xã hội. Đừng để cho người này và người khác phải chênh lệch và bóc lột nhau.
Cái bình đẳng thứ hai là bình đẳng trong Phật tính. Đó là bản thể của mỗi chúng sinh, tức là tất cả chúng sinh, giai cấp đều có Phật tính và sẽ thành Phật.
Trong tăng đoàn của đức Phật, ngoài những hàng vua chúa, giai cấp cao quý thì bên cạnh đó cũng có những giai cấp thấp hèn. Hoàn toàn không tồn tại sự phân biệt giai cấp và địa vị ở nơi đây.
“Giáo Pháp của ta cũng như nước. Nước có khả năng rửa sạch tất cả các bụi nhơ bu bám vào, cho dù là vật cao quý hay là vật thấp kém thì đều có thể rửa sạch cả.
Giáo Pháp của ta cũng như đất. Có thể dung chứa tất cả những loại cao quý cũng như những loại thấp hèn.
Giáo Pháp của ta cũng như lửa. Có thể đốt tất cả các loại hương liệu thơm tho, cũng như có thể đốt tất cả những hương liệu hôi dơ khác”.
Với lời nói này, đức Phật đã mang đến cuộc sống vô vàn thanh bình cho xã hội.
Về mặt tư tưởng:
Lúc nào chúng ta có được sự tỉnh giác, lúc nào chúng ta có được giác ngộ thì ngay chính lúc đó đức Phật trong tâm ta đã Đản sinh. Như vậy lúc nào chúng ta tăm tối, lúc nào có tham sân si, chấp thủ thì lúc đó chúng ta khổ đau. Hạnh phúc thay, khi đức Phật đản sinh về mặt lịch sử cũng như tư tưởng đều đạt đến mục đích tối cao về sự giác ngộ và giải thoát.
Sự xuất hiện của Người như một luồng gió mát làm xoa dịu đi tất cả những khổ đau giữa cuộc đời, như một tiếng chuông tỉnh thức vang lên giữa cuộc đời tĩnh mịch, để chúng ta trở về với bến bờ Chánh pháp. Lắng tâm, dịu lòng lại để biết chúng ta là ai giữa cuộc đời trôi lăn sầu khổ này, biết được đâu là nẻo thiện, đâu là nẻo ác…
Đặc biệt, trong dịp này, các chùa thường tổ chức lễ tắm Phật. Xuất phát từ sự tích khi đức Phật Đản sinh có chín con rồng xuống phun mưa tắm cho Người. Sự gột rửa đó vừa để xóa đi những ô trọc trên cơ thể. Đồng thời, nó còn truyền tải một thông điệp về việc tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong lòng để hướng về sự thanh tịnh, tinh khiết trong mỗi con người.
Mỗi người con Phật cần lắng lòng, thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.
Ngày Phật Đản sinh đã trở thành một ngày lễ quan trọng của giới phật tử. Chúng ta kỷ niệm ngày Phật đản không chỉ là một việc làm tri ân công đức của đức Bổn sư Như Lai, mà còn nhắc nhở mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của đức Phật, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong Chánh pháp của Như Lai.
Tác giả: Kim Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2016
Bình luận (0)