Hạnh phúc là cái mà ai cũng muốn cho mình, mà ai ai cũng chúc cho nhau, nhất là trong dịp đầu xuân. Nhưng hạnh phúc là gì? Thật khó mà định nghĩa một cách vắn tắt, gọn gãy.
Tác giả: Chánh Trí Nguồn: Phật học Từ Quang - Tập 15
Hạnh phúc là cái mà ai cũng muốn cho mình, mà ai ai cũng chúc cho nhau, nhất là trong dịp đầu xuân. Nhưng hạnh phúc là gì? Thật khó mà định nghĩa một cách vắn tắt, gọn gãy.
Theo Hán văn, hạnh có nghĩa là may, như đáng lẽ bị thiệt mà lại thoát khỏi, còn phúc thì chỉ những việc tốt lành như giàu sang, yên lành, sống lâu, có đức tốt, tận hưởng tuổi trời. Gộp hai chữ lại thì thành một danh từ kép có nghĩa là "Vận may, phúc tốt hay mọi sự được như ý" (Đào Duy Anh). Đối chiếu, Pháp văn có từ ngữ Bonheur mà từ điển Larousse chia có hai nghĩa:
1/ Trạng thái thỏa thích trọn vẹn trong lòng (état de parfaite satisfaction intérieure);
2/ Vận may (Bonne chance); hay thời cơ thuận lợi (circonstance favorable). Nhưng Bonheur còn được dùng như đồng nghĩa với yên lành, sung sướng, may mắn, ngỏa nguê, an lạc, sung túc, hả dạ, đẹp lòng.
Sau khi nói thế nào là hạnh phúc, Larousse còn nói thêm thế nào là chẳng phải hạnh phúc để xác định cái nghĩa phức tạp của từ ngữ ấy. Không có hạnh phúc ai gặp những cái như nghịch cảnh, tai trời, ách nước, đau khổ, thất bại, rủi ro, chẳng may, khổ nạn, nhọc nhằn, sa cơ, thất thế, phiền lụy.
Tuy nhiên, dầu cô đọng như lối định nghĩa của Trung Hoa hay chi tiết theo cách giải thích của Pháp, cái nghĩa vừa phức tạp vừa bao la của hạnh phúc có lẽ không ngoài mấy chữ: "vừa lòng đẹp ý".
Trong đời sống vật chất hay tinh thần, bất cứ cái gì, điều gì không làm cho ta thỏa thích trong lòng thì chúng ta đều tự cho là bất hạnh. Trên lý thuyết, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, muốn tiêu mà chẳng có tiền, sống thiếu tiện nghi, hoặc làm đâu thất bại đó, nợ nần quanh năm, có khi còn đau ốm bệnh tật, ông Phúc trọn đời không đến cửa, mà chữ Họa thì lẽo đẽo tới nhà hoài, như thế là không hạnh phúc, là khốn khổ.
Nhưng lý thuyết với thực tế lắm trường hợp không đi đôi với nhau, vì vậy mà ngày xưa cũng như ngày nay mới có một ít người vui với cảnh nghèo trong sạch của mình mà từ khước cái vui với cảnh giàu bất chính; có một số ít khác thích sống an nhàn trong tịch mịch, không danh không lợi cám dỗ, hơn sống trong náo nhiệt của chốn buôn giành bán giựt hay áo mão cân đai.
Đưa những ngoại lệ vừa kể, để minh chứng rằng lý thuyết kia chưa đúng hẳn một trăm phần trăm và có giá trị cho tất cả mọi người. Huống chi, cái hạnh phúc được đời thường quan niệm là một cái gì rất khó tạo, vì tùy thuộc những điều kiện ngoài ta, lại rất mỏng manh vì sự tồn vong của nó cũng không do ta trọn quyền quyết định được.
Nếu chúng ta chấp nhận cái quan niệm "có đẹp lòng là có hạnh phúc" thì hạnh phúc quả là một cái gì hết sức tương đối: Một trăm đồng, nói theo thời giá không làm cho người giàu muôn giàu ức để ý nhưng dư sức hấp dẫn đối với một người ăn xin; một bát nước lã không làm vui một ông phú gia quen uống nước trà, nhưng đủ làm thỏa thích một nông dân vừa xong buổi cày, công cấy.
Vậy nếu chúng ta muốn tìm hạnh phúc với nghĩa yên lành, vui thích nơi nội giới thì nghĩ kỹ, không khó khăn gì, vì đây là một vấn đề chủ quan, ta quyết có là có, không tùy ai, không lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện nào ngoài ta.
Trái lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục tin tưởng rằng, có giàu sang, có buôn may bán đắt, có ăn mặc sung sướng, có đờn ngọt hát hay mới có hạnh phúc thì đó là cái hạnh phúc mong chờ bên ngoài ban cho mình. Cái gì được ban không bao giờ đến theo ý muốn mình và khi nó đi cũng không thuận với lòng tha thiết cầm giữ của mình.
Nói tóm, biết tự thích hợp với mọi hoàn cảnh, lòng không thèm khát ham muốn, ganh tị tranh đua, không thấy thiếu thốn gì, trừ đạo đức, thì có hạnh phúc ngay, một thứ hạnh phúc có thể nói là rẻ tiền nhưng hết sức là chân thật và bền vững. Thứ này không phải ở ngoài tới mà ở trong tâm sinh ra.
Tác giả: Chánh Trí Nguồn: Phật học Từ Quang - Tập 15
Bình luận (0)