Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự có GS TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQVN; HT.TS Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT T.Ư – GHPGVN; TT.Thích Tâm Hạnh, Phó ban Quản trị thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng Chư tôn đức tăng, ni, quý học giả, các nhà nghiên cứu.
Hội thảo với 3 Chủ đề đã thu hút hơn 30 bài nghiên cứu, tham luận của các tác giả với ý nghĩa thiết thực trong việc ứng vận dụng các giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo Trúc Lâm vào đời sống xã hội hiện nay, góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Dũng gợi ý "Trên tinh thần khoa học và trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu và các chức sắc Phật giáo cần tập trung trao đổi, thảo luận, chỉ rõ hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; cách ứng vận dụng các giá trị tu học của Phật giáo Trúc Lâm trong công tác đào tạo tăng tài của Giáo hội hiện nay; đồng thời đề xuất cách phổ hóa những giá trị tôn giáo đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm trong nước và trên thế giới".
Tại hội thảo, HT TS Thích Gia Quang phát biểu “Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, giai đoạn của triều đại Lý - Trần là một trong những thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất và đồng bộ trên tất cả các mặt kinh tế, ngoại giao, tư tưởng… Trong lĩnh vực tư tưởng, tinh thần nhập thể đạo đời không tách rời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sản phẩm mang đậm nét văn hóa, cốt cách Việt Nam”.
“Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ là sự phản ánh điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội Đại Việt thời kỳ đầu nhà Trần mà còn là kết quả kế thừa những tư tưởng thiền, tôn giáo, văn hóa trước đó. Trước hết tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự tiếp thu kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc ở ý thức về quốc gia dân tộc, về tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, một truyền thống quý báu của dân tộc ta được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tư tưởng Nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn là sự tiếp thu, kế thừa, chắt lọc những yếu tố thiền nhập thế của Nho giáo, Đạo giáo và đặc biệt là Phật giáo; là sự kế thừa triết lý tinh túy về thiền của ba trường phái nổi tiếng dưới triều đại nhà Lý là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và đặc biệt trực tiếp là tư tưởng thiền nhập thế, hành động của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ để tạo nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang tư tưởng thiền nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam”, tham luận của HT TS Thích Gia Quang tại Hội thảo.
Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, góp phần làm rõ hơn các giá trị vật chất, tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Minh Minh
Bình luận (0)