Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX

Tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Các vị cao tăng thiền sư của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam như Thiền sư Hải Lượng cùng các pháp hữu, đệ tử, danh sĩ trí thức tinh hoa một lòng cùng nhau tiếp nối và phục hưng, xiển dương tinh thần nhập thế hộ quốc an dân

1. Dẫn nhập

Từ sau những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XV, có thể nói Phật giáo Việt Nam bước sang một giai đoạn khác, không còn thịnh đạt như thời vàng son Lý Trần trước đó. Giai đoạn này, chính quyền nhà Lê chọn học thuyết Nho giáo làm phương châm điều hành đất nước. Dù Phật giáo không còn được trọng như Quốc giáo, văn hóa, tinh thần, tư tưởng Phật giáo đã được ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, lan tỏa trong mọi mặt của đời sống xã hội, tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Phật giáo vẫn được  các vị cao tăng, thiền sư thể hiện một cách mạnh mẽ và tích cực trong đời sống tu học , hành đạo của họ.

Tiêu biểu nhất của tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX phải kể đến những vị thiền sư, cao tăng có cả những danh sĩ trí thức hàng đầu vốn thuộc hàng Công, Hầu, Bá Tước dưới sự lãnh đạo tinh thần của Thiền sư Hải Lượng như Thụy Nham Hầu, Bảo Chân đạo nhân Phân Huy Ích; Hải Âu hoà thượng Vũ Trình, Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở, Hải Điền Nguyễn Hành, Hải Huyền Ngô Thì Hoàng… Các vị này đều có chủ trương phục hưng tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng để cứu vãn đất nước muôn dân trong cơn dầu sôi lửa bỏng.

Thiền sư Hải Lượng (1746 – 1803), tục danh là Ngô Thì Nhậm, là con trai của danh nho Ngô Thì Sĩ[1]. Tên Phó, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. “Qua tên, tự, hiệu của ông, ít nhiều hé lộ mong mỏi, hoài bão của gia đình ông. Chữ “Thì Nhậm” có nghĩa là gánh vác đúng lúc; “Hy Doãn” là mong ước được như Tể tướng Y Doãn có công an bang tế thế thời nhà Thương ở Trung Quốc”[2]. Thiền sư truyền pháp cho Ông là “…Thiền sưTính Quảng Thích Điều Điều, một vị thiền sư thuộc dòng truyền thừa của ngài Chân Nguyên Tuệ Đăng”[3]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Than Nhap The Phat Giao Truc Lam 1

Năm 1769, Ông đỗ khoa sĩ vọng. Năm 1775, Ông đậu Tiến sĩ dưới niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông, làm quan dưới thời Lê – Trịnh, được Chúa Trịnh Sâm quý mến. Ban đầu Ông được bổ làm Đông các Hiệu thư rồi thăng chức Công bộ Hữu Thị lang.

Năm 1778, ông được bổ làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó, cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn: “đã cho xây chùa Tam Giáo ở động Nhị Thanh vào khoảng những năm 1777, cũng khoảng thời gian đó, Ngô Thì Nhậm dâng thân phụ tôn hiệu nhà Phật là Nhị Thanh Trường Thọ Quán Tự Tại Phcú Lượng Đại Hải Chân Như Vô Tận Ý Bồ Tát”[4] Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ. Sau đó Ông bị cách chức do phạm lỗi, nhưng vì có công với chúa Trịnh Sâm trọng việc phế Trịnh Khải, nên đã được phục chức vào năm 1780.

Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Khải cướp ngôi Trịnh Cán và trị tội những người tham dự cuộc tranh chấp năm 1780. Ngô Thì Nhậm phải bỏ trốn về quê Vợ ở Thái Bình lánh nạn.

Năm 1786, Ông được vua Lê Chiêu Thống bổ là Hộ bộ Đô Cấp sự trung rồi thăng Hiệu thảo kiêm Toản tu Quốc sử quán.

Năm 1787, nhà Lê mất, Cuối năm Mậu Thân (1788), do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê, Ngô Thì Nhậm đã hiến kế giúp vua Quang Trung lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng quân Thanh của nhà Tây Sơn. Năm 1790, Ông được bổ chức Công bộ Thị lang, sau được thăng Công bộ Thượng thư và Thị lang Đại học sĩ. Ông là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa, là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh cử ông làm Chánh sứ sang triều Thanh báo tang và cầu phong vào năm 1793, Ông không được tin dùng như dưới thời Quang Trung, công việc thưa dần, nên Ông lui về nghiên cứu tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Chính thời gian này, Ông đã lập ra Thiền viện tại phường Bích Câu ở phía tây nam thành Thăng Long, tu theo Thiền Tông thời Trần, đặt tên là Trúc Lâm Thiền viện, tôn 3 vị tổ của phái Trúc Lâm làm tổ. Ngay sau khi lập Thiền viện, Ngô Thì Nhậm tập hợp được một số người như Hòa thượng Hải Âu, tăng Hải Hòa (Nguyễn Đăng Sở) và Ngô Thì Hoàng, em trai thứ 4 của mình tới trụ trì, cùng một số chức sắc dưới triều nhà Lê.

Năm 1796, ông viết xong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn gọi là kinh Viên giác (tên đầy đủ là Đại Chân Viên giác thanh).

Gia Long tiêu diệt được nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội và đánh đòn tại Văn Miếu. Ngô Thì Nhậm qua đời tại quê – làng Tó, Tả Thanh Oai, đó là ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi tức ngày 7 tháng 4 năm 1803, Ông hưởng thọ 57 tuổi.

Ngô Thì Nhậm là một danh sĩ tài hoa, một nhà nho lỗi lạc với kiến văn uyên bác. Ông đã có nhiều cống hiến cho dân tộc, có một số tập thơ nổi tiếng, như Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn đàm (Thủy vân nhàn vịnh), Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn thoại, Hy Doãn công thi văn tập, Hoàng hoa đồ phả, Sứ trình thi họa, Yên đài thu vịnh. Về phú, ông có 17 bài chép ở tập Kim mã hành dư. Về văn, ông có một số tác phẩm lớn, như Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Kim mã hành dư và đặc biệt Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được coi là tác phẩm thể hiện nổi bật nhất tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm trong việc xiển dương tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật Hoàng sáng lập từ cuối thế kỷ thứ XIII.

Tinh thần Cư trần lạc đạo đã có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của nhân dân trong các giai đoạn lịch sử sau này, giúp cho các bậc học giả thoát khỏi những bế tắc của xã hội lúc bấy giờ. Hải Lượng Ngô Thì Nhậm sống trong giai đoạn lịch sử đất nước rối ren và nhiều biến động, so với những người cùng thời họ chọn sống ẩn dật, tránh những cuộc chiến tranh giành quyền lực, thì Thiền sư vẫn theo Tây Sơn phục vụ công việc triều đình, xã tắc, ngoại thương. Ông đã chọn con đường khát khao dấn thân nhập thế của Phật giáo, kế thừa tinh thần của sơ tổ Trần Nhân Tông, nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang.

Trong bài Thưởng liên đình phú, Ông đã nói rõ:

“Nội khởi dịch lâm chi chi thất hề, ngoại cấu trúc làm chi thiền đường”.

(Trong dựng nhà Dịch Lâm mà bói cỏ thì chừ, ngoài xây Thiền đường thờ tổ Trúc Lâm).

“Phi viễn cầu ư Bồng doanh hề, ngụ “Tam tổ” chi thâm chí”

(Chẳng mơ tìm thú cõi tiên chừ, theo Tam Tổ mà hướng bước)[5]

Con đường Tam tổ đi là con đường từ bi của đạo Phật, vì khổ nạn của chúng sinh mà phục vụ và chăm lo chúng sinh, hướng dẫn nhân dân tu thân hành thiện, giữ gìn hòa bình ổn định xã hội. Ông đã nhìn nhận và đánh giá được thực tại “những Nho sĩ có địa vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo đất nước có đầu óc hẹp hòi, cố chấp, kịch liệt chê bai đả kích Phật giáo, làm cho nguyên khí quốc gia bị hao tổn, không tập trung được sức mạnh dân tộc. Thêm vào đó, hầu hết những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước trong thời này, phân chia phe cánh, tranh quyền đoạt lợi, hưởng thụ dục lạc”[6] từ đó vạch ra con đường hướng đi cần thiết của xã hội lúc bấy giờ.

Bản thân ông nhờ thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên đã tạo bệ phóng bàn đạp giúp Ông khai phóng khỏi những ràng buộc lợi danh chức tước để phục vụ lợi ích của nhân dân. Con đường nhập thế vì đại sự trước hết phải vượt qua mọi cám dỗ của quyền lợi danh vọng, chức quyền, cũng như hòa mình vào thế gian mà không vương vấn bụi trần. Những ưu tư thời cuộc, nhân dân lầm than, Ông luôn mong muốn thôi thúc rõ:

“Hà thời vũ khố thác cung thỉ

Hạc cốt sương đề phản cố lâm”

(Bao giờ đút túi cung tên cất vào kho vũ khí

Xương hạc, móng sương trở về rừng xưa)[7]

Một lòng trung quân ái quốc luôn là ánh sáng soi đường: “Cố kỳ vi từ áo nghĩa định chi vu nhất giả, bất dâm ư phú quý hữu soán nghịch giả hồ? Bất di ư bần tiện hữu nhương đoạt giả hồ? Bất khuất ư uy vữ hữu bỉ bội giả hồ? Thị chi vị bát loạn thế phản chi chính. Học giả cẩu năng giảng quán hồ, thị nhận thức hồ, thị cập kỳ xuất nhi ứng thế khả dĩ đoạn quốc, thị khả dĩ lập trị pháp bác nhi ước chi (Về lời mầu nhiệm, nghĩa sâu xa của Sách Xuân Thu quản kiến đã chỉ định rõ ràng: Không mê đắm giàu sang, thì làm gì có sự giết vua cướp nước. Biết an với phận nghèo thì làm gì có sự tranh giành cướp đoạt; không chịu luồn cúi trước quyền thế, thì làm gì có sự phản bội thô bỉ. Đó mới gọi là kéo đời suy loạn cho trở lại nghiêm chỉnh. Người học, nếu biết giảng cứu về lẽ ấy, nhận rõ về lẽ ấy, đến khi ra giúp đời, có thể cầm cân nẩy mực trong nước, có thể xây dựng pháp độ)[8]. Thế sự đao binh khi bất hòa:

“Ký mâu kích chi tường tầm hề, nãi ngọc bạch chi tương lân”

(Đã gươm đao giết hại lẫn nhau chừ, lại ngọc lục để hòa giao)[9]

Ông cũng bày tỏ quan điểm của mình: là bậc Vua quan là phải thương yêu nhân dân, nếu không là trái với ý trời:

“Vi nhân quân nhi bất nhân, vi nhân phục chi bất từ, vi thiên ý giả”

(Làm vua mà không có lòng nhân ái, làm cha mà không có đức từ thân là trái với ý trời)[10]. Những người lãnh đạo đất nước phải như những vị Bồ Tát, có trí tuệ lớn, có lòng thương nhân lớn, luôn tận tâm, tận lực, dốc sức chăm lo cho thương sinh bách tính trong cơn dầu sôi lửa bỏng.

Mong muốn của đất trời chính là cứu vớt chúng sinh, thực hiện theo tinh thần từ bi của đạo Phật: “Thiên ý chi sở tồn giả, dĩ kỳ năng tế độ chúng sinh” (Cái mà ý trời muốn lưu giữ lại là cứu vớt chúng sinh)[11]. Trên tinh thần bình đẳng không phân biệt, phải giáo hóa cho toàn khắp nhân dân làm điều thiện, làm cho đất nước được thái bình thịnh trị, muốn làm được như vậy, người đứng đầu nhà nước phải có một cái tâm rộng lớn, coi chúng sinh là nhà, có như vậy mới tận tâm tận lực vì nước non được: “Phật quý trì quốc, bất quý trị quốc, đại để quốc năng trì, tiện bất tu trị nhi tự trị. Nhiên phi Đại lực lượng như Thích Ca Mâu Ni Phật khước trì bất đắc, hoàn tu bả trị trị khứ” (Phật quý trọng việc nắm giữ đất nước (trì quốc), chứ không quý trọng việc điều hành đất nước (trị quốc). Đại để, nếu biết nắm giữ đất nước thì không cần phải điều hành mà tự nó khắc điều hành. Nhưng nếu không phải là Đại lực lượng như Phật Thích Ca Mâu Ni thì không nắm giữ nổi nước mà cần phải điều hành thì nước mới được bình trị)[12]

tu tuong tran nhan tong tap chi nghien cuu phat hoc 2

Trong các tác phẩm của Hải Lượng, người đọc có thể thấy được tinh thần của Ông đối với dân với nước. Trong bài Thứ Thái sử thự đình hầu, Ông đã thể hiện tinh thần phụng sự non nước:

“Hàn nho thiêu chúc tái tư lương

Tráng chí hoàn nghi lão ích đương”

(Nho nghèo chong nến, suy lại đính đi

Chí lớn vẫn nên càng già càng mạnh)[13]

Ngay như trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, được biên soạn dưới dạng công án của Thiền tông, là sự kết tinh tinh hoa trí tuệ của nhiều danh sĩ tiếng tăm bậc nhất trong thế kỷ XVIII, thấy rõ chủ trương hội nhập tam giáo thể hiện rõ trong tác phẩm, nhất là quan điểm “Phật – Nho nhất trí”, “Khu Thích dĩ nhập Nho”, cụ thể hơn là quan điểm “Dĩ Nho giải Phật”, dung hợp các Pháp môn: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông, đem những sở học được đào tạo bài bản về Nho giáo làm nhãn quan lý giải Phật giáo là một cách để phát huy tinh thần nhập thế tích cực của Thiền phật giáo, xác lập lên Thiền tông nhập thế. Chính tinh thần dung hợp không phân biệt này là hào khí của dân tộc Đại Việt thời trần. Thông qua từ ngữ có thể nói lên được những vấn đề xã hội, chính trị, nhân sinh tại thời điểm đó cần có tư tưởng vô ngã, vị tha, tùy duyên, tùy tục, nhập thế tích cực mới giải quyết được. Xuất phát từ động cơ sáng tác của tác phẩm là “lòng yêu nước thương dân, ưu tư cho vận mệnh của đất nước. Mục đích cứu cánh mà tác phẩm nhắm đến cũng là giải quyết những loạn lạc bất ổn của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII, với mục đích đoàn kết để tạo nên sức mạnh toàn dân tộc nhằm phục hưng đất nước. Nội dung chủ đạo của tác phẩm là khôi phục, xiển dương tư tưởng nhập thế yêu nước trên tinh thần vô ngã của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, lấy đó làm cơ sở lý luận về mặt tư tưởng nhằm hóa giải những chống trái của các tầng lớp xã hội mà cụ thể là Phật tử, Nho sĩ và Đạo sĩ”[14]. Thơ văn của Ông thể hiện tinh thần nhập thế tích cực. Ông viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh không ngoài mục đích tiếp nối tinh thần nhập thế tích cực để lo cho dân cho nước: “Có thể khẳng định, tâm hồn thiền của Ngô Thì Nhậm trước sau vẫn là tâm hồn của những người theo Thiền học Trúc Lâm – một thiền học Việt Nam luôn kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần đạo lý với tinh thần dân tộc. Đó cũng là thiền học của một con người luôn nặng lòng yêu nước, yêu đời, xả thân nhập thế”[15].

Tạm kết

Trong dòng chảy lịch sử tư tưởng của dân tộc nói chung, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam nói riêng, tinh thần nhập thế hộ quốc an dân là trục chính, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn khác nhau ứng với từng yêu cầu cụ thể khác nhau của lịch sử, của Phật giáo mà biểu hiện cũng có những nét riêng biệt. Đất nước Việt Nam ta trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có nhiều biến động, các tập đoàn phong kiến thay nhau tranh quyền đoạt lợi, cát cứ khắp nơi xưng vương, xưng chúa, nội ưu ngoại hoạn, nhân dân cùng khổ. Vì thế các vị cao tăng thiền sư của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam như Thiền sư Hải Lượng cùng các pháp hữu, đệ tử, danh sĩ trí thức tinh hoa một lòng cùng nhau tiếp nối và phục hưng, xiển dương tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Tác giả: TS.Thích Hạnh Tuệ – Thích Minh Văn

***

Chú thích:
[1] Ngô Thì Sĩ (1726 -1780) quê ở làng Tó, tên chữ là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, là cha của năm tác gia họ Ngô Thì: Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Ngô Thì Chí (1753-1788), Ngô Thì Trí (1766-?), Ngô Thì Hoàng (1768-1814), Ngô Thì Hương (tên khác là Thì Vị (1774-1821). Ông là tác giả của tập Việt sử Tiêu án (Nêu lên một số điều đáng nghi trong lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến lúc ngoại thuộc nhà Minh).
[2] Thích Hạnh Tuệ, Vấn đề pháp phái truyền thừa của Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm, nguyệt san giác ngộ số 192, tháng 3 năm 2012
[3] TS Thích Phước Đạt, TS Thích Hạnh Tuệ, TS Thích Nữ Thanh Quế, Đại Cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 202, tr.273.
[4] TS Thích Phước Đạt, TS Thích Hạnh Tuệ, TS Thích Nữ Thanh Quế, Đại Cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 202, tr.273.
[5] Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên chủ biên Nxb Văn Học, tr.94
[6] Thích Hạnh Tuệ (2018), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt nam, Nxb khoa học xã hội, tr.146.
[7] Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên chủ biên Nxb Văn Học, tr.305
[8] Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 4, Mai Quốc Liên chủ biên Nxb Văn Học, tr.73
[9] Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên chủ biên Nxb Văn Học, tr.72
[10] Ngô Thì Nhậm (2006) Ngô Thì Nhập toàn tập, tập 5, Lâm Giang chủ biên Nxb Khoa học xã hội  tr.319
[11] Ngô Thì Nhậm (2006) Ngô Thì Nhập toàn tập, tập 5, Lâm Giang chủ biên Nxb Khoa học xã hội  tr.316
[12] Ngô Thì Nhậm (2006) Ngô Thì Nhập toàn tập, tập 5, Lâm Giang chủ biên Nxb Khoa học xã hội  tr.299
[13] Ngô Thì Nhậm (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên chủ biên Nxb Văn Học, tr.304
[14] Thích Hạnh Tuệ (2018), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt nam, Nxb khoa học xã hội, tr.146.
[15] Trần Ngọc Ánh (2003), “ Ngô Thì Nhậm – tấm gương sáng về đạo làm người trong thời kỳ biến loạn lịch sử”, tạp chí Triết học, số 5 (144), tr32 -35.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường