Nguyễn Huy Khuyến
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

1. Dẫn luận

Văn bản Kim Cương kinh giải lý do Hương Hải Thiền sư香 海 禪 師 chú, hiện bản khắc ván tại chùa Phúc Long, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vẫn còn nguyên vẹn. Tổng có 46 ván, trong đó có 10 ván khắc 1 mặt, 26 ván khắc 2 mặt, tình trạng ván còn tương đối tốt. Bản ván khắc niên hiệu Hoàng triều Tự Đức năm thứ 10 (1858) hoàn thành ngày tốt tháng đầu mùa thu.

Ngoài ra, năm 2023, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam trong quá trình chỉnh lý ván khắc tại chùa Quảng Bá cũng phát hiện thêm 1 bản ván khắc Kim Cương thích giải lý. Bản ở chùa Quảng Bá chỉ còn tổng cộng 29 ván, 46 tờ. Những tờ quan trọng như tờ bìa, bạt dẫn, phương danh đều mất. Tình trạng ván xấu, nhiều ván bị mối xông hư hỏng nặng.

Như vậy, hiện nay đã phát hiện 2 bộ ván khắc Kim Cương thích giải lý. Chưa rõ lý do có bộ ván ở chùa Quảng Bá. Bởi vì bộ này không còn nguyên vẹn nên không có thông tin phần bạt, dẫn hay phương danh như bộ ở chùa Phúc Long.

Chùa Phúc Long (Hải Dương) - Ảnh: St
Chùa Phúc Long (Hải Dương) - Ảnh: St

Về tác giả theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Hương Hải người làng Án Độ, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An, sinh năm 1627, vốn là người thông minh xuất chúng, lịch lãm về nho học, đỗ Hương Cống (cử nhân) năm 18 tuổi, được chọn vào phủ chúa Nguyễn. Sau đó cử nhận Tri Phủ huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào năm 25 tuổi ông rất hâm mộ đạo Phật, đã từng đàm luận với các vị thiền Sư Trung Hoa đang hành đạo tại Quảng Trị.

Di sản của Thiền sư để lại đối với Phật giáo gồm nhiều tác phẩm giải và soạn gồm:

Giải Pháp Hoa kinh 1 bộ

- Giải Kim Cương kinh lý nghĩa 2 đạo
- Giải Sa Di giới luật 1 quyển
- Giải Phật tổ tam kinh 3 quyển
- Giải Di Đà kinh 1 quyển
- Giải Vô lượng thọ kinh 1 quyển
- Giải Địa Tạng kinh 3 quyển
- Giải Tâm kinh đại điên 1 quyển
- Giải Tâm kinh ngũ chỉ 1 quyển
- Giải Tâm châu nhất quán 1 quyển
- Giải Chân tâm trực thuyết 1 quyển
- Giải Pháp Bảo đàn kinh 6 quyển
- Giải Phổ khuyến tu hành 1 quyển
- Giải Bảng điều 1 thiên
- Soạn Cơ duyên vấn đáp tinh giải 1 quyển
- Soạn Sự lý dung thông 1 quyển
- Soạn Quán Vô lượng thọ kinh 1 quyển
- Soạn Cúng Phật tam khoa 1 quyển
- Soạn Cúng Dược Sư 1 khoa
- Soạn cúng cửu phẩm 1 khoa.

2. Tình trạng văn bản

Chúng tôi lựa chọn bản kí hiệu AB.528 hiện lưu trữ tại Thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm để làm bản nền cho việc nghiên cứu. Bản này được in từ ván khắc chùa Phúc Long. Bản này theo biên mục của Tăng thống Chân Lí 真 理 sao; Hương Hải Thiền sư 香 海 禪 師
chú; in tại chùa Phúc Long, Hải Dương  năm  Tự  Đức  10  (1857); 164tr., 27x15,5, 1 bạt, 1 dẫn.

Kết cấu của bản in hiện còn ngày nay của Sinh Khảo không chia thành quyển số. Nó gồm tổng cộng 71 chính văn, khổ tờ 30x18cm, đánh số liên tục, không kể tờ đầu ghi "首目thủ mục" trên gáy, mặt trước có ba dòng. Dòng giữa khắc tên sách là 金剛經解理目Kim cương kinh giải lý mục, cỡ chữ lớn 3x3. Hai bên khắc mỗi bên một dòng cân đối. Bên phải là "世間無 與等Thế gian vô dữ đẳng", bên trái "金剛不坏身 Kim cương bất hoại thân", cỡ chữ cũng khoảng 3x3 nhưng nét ốm hơn, mặt sau có bốn dòng khắc cùng cỡ chữ, nét chân phương ghi bốn câu:

Hoàng đồ củng cố
Ðế đạo hà xương
Phật nhật tăng huy
Pháp luân thường chuyển

Cuối sách là 10 tờ ở cuối, gồm một tờ 2 mặt, một mặt 3 dòng, mỗi dòng 20 chữ khắc bài Kim cương kinh quốc âm chú bạt dẫn của Sinh Khảo, ghi trên gáy "Bạt nhất".

Khởi đầu với câu "新刊金剛經釋解理十方 隨喜功德Tân san Kim cương thích giải lý thập phương tùy hỷ công đức" ở mặt [a1] của tờ thứ nhất, nó kết thúc ở mặt [b9] của tờ 9 với lời "Phổ nguyện":

普願十方檀信諸人
随喜護經功德力
雖今有少因緣
然後多生福果
生生不失丈夫身
世世常行菩薩道
不捨誓願
接度有情
法世均霑
阴陽利樂

Phổ nguyện thập phương đàn tín chư nhân
Tùy hỷ hộ kinh công đức lực
Tuy kim hữu thiểu nhân duyên
Nhiên hậu đa sinh phúc quả
Sinh sinh bất thất trượng phu thân
Thế thế thường hành Bồ tát đạo
Bất xả thệ nguyện
Tiếp độ hữu tình
Pháp thế quân triêm
Âm dương lợi lạc

Chín tờ còn lại mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 12 dòng, mỗi dòng 28 chữ, chép tên họ những người đã hỷ cúng tiền hoặc quy ra ván khắc ủng hộ việc in sách cùng tên làng, xã, huyện, phủ, tỉnh của họ. Qua việc khắc ghi những cá nhân tham gia quyên góp in kinh có thể biết thêm về một số ngôi chùa. Như chùa Linh Đài, xã Đồng Lại, chùa Linh Quang, xã Phượng Tường, chùa Thắng Phúc, chùa Hoành Nha, chùa Vịnh Xuân, chùa Phúc Lâm, chùa Bảo Quang, chùa Quang Khánh, chùa Diên Phúc, xã Đông Ngoại, chùa Vạn Phúc xã Xuân Điều.

同賴社灵䑓寺, 鳳翔社灵光寺; 勝福寺, 横芽寺, 詠春寺, 福林寺, 萬福寺, 宝光寺, 光慶寺, 延福寺.

Nguyên văn bài tựa

Kim Cương kinh quốc âm chú bạt dẫn

Kinh Kim Cương là tuệ mệnh của chư Phật. Một bộ kinh này gồm 616 quyển. Đời Diêu Tần, Tam Tạng (Pháp sư Cưu ma La Thập) đem sang đông độ chỉ có một phẩm. Thái tử Chiêu Minh thời nhà Lương chia (Kinh này) làm 32 phần, đều có ở đây vậy. Đến nước Đại Nam ta, có Tổ sư Minh Châu ở chùa Nguyệt Đường, tỉnh Hưng Yên, muốn cho nối tiếp ở đời này, giống như lấy lá vàng dỗ trẻ nhỏ đang khóc, cho nên diễn ra quốc âm, lấy làm đường tắt cũng về chính giác. Mà ván in cũ đã mất, may thay bản in giấy vẫn còn. Hoặc bài tựa, bài bạt, chẳng thể tìm được. Cho nên bần đạo tự là Sinh Khảo, thấy được bản cũ, ý muốn phổ biến cho đời sau biết được công đức của kinh, chứng thành chính giác, mà lại tập họp mười phương mượn thợ khắc ván cùng lưu truyền ở đời.

Lành thay! Có công đức của người trước, mà có công đức của người sau, thiên hạ xưa cũng là thiên hạ ngày nay, công đức ấy sánh bằng như thế, như mặt trời giữa hư không, không chỗ nào không soi sáng, không phương nào không chiếu đến. Cho nên, Lục Tổ ngộ ở câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Được nó ở nơi tâm, ứng dụng nó ở nơi tay. Gió hoa trăng tuyết, trời đất dài lâu. Muốn khiến cho người người đều tỏ vốn có Kim Cương, thật có thể làm được vậy.

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 10 (1858) hoàn thành ngày tốt tháng mạnh thu.

Ván in để tại chùa Phúc Long, xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, để người sau biết đến in ấn.

3. Tạm kết

Bộ kinh Kim Cương thích giải lý thuộc bộ đại Bát nhã, nổi tiếng với 2 đại thiền ngộ đạo từ câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” ( gọi là bát tự đả khai). Sức ảnh hưởng to lớn của bộ kinh cho tư tưởng Phật giáo nói chung.

Căn cứ vào bài bạt dẫn cho biết Bần đạo tự là Sinh Oa生鍋?, ông chắc chắn thuộc dòng thiền của Minh Châu Hương Hải. Và do "Ý muốn phổ biến đến đời sau", nên đã đứng ra tổ chức việc khắc in Kim cương kinh thích giải lý. Sinh Oa dựa vào bản danh sách những phật tử hỷ cúng để khắc bản, qua văn bản danh sách quyên góp trải ra trên một diện rộng. Từ các huyện Vĩnh Lại, Ðường Hào của tỉnh Hải Dương ở phía đông cho đến Thường Tín, Hoài Ðức của tỉnh Hà Nội ở phía Tây, từ Nam Định cho đến Lạng Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên đều có tên người tùy hỷ cúng. Ðể có một sự quyên góp rộng rãi như thế, Sinh Oa phải có một quá trình hoạt động Phật sự, ít lắm phải từ cỡ 40 tuổi trở lên. Cho nên niên đại của Khảo có khả năng rơi vào khoảng 1810-1870. Ðối với tiền đồ Phật giáo và dân tộc, Sinh Khảo đã có một mối quan tâm, thể hiện qua việc khắc lại bản Kim cương kinh giải lý mục mà chúng ta hiện có trong tay hôm nay.

Danh sách những cá nhân cúng để in kinh cũng là một nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Bản ván và bản in sách Kim cương thích giải lý (Bản chùa Phúc Long)
Bản ván và bản in sách Kim cương thích giải lý (Bản chùa Phúc Long)

Bản ván khắc Kim cương kinh thích giải lý (bản lưu tại chùa Quảng Bá)

Nguyễn Huy Khuyến
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Tp. HCM
2. Nguyễn Khắc Thuần (Bản dịch, 2009), Lê Quý Đôn tuyển tập - tập 5: Kiến Văn Tiểu Lục - phần 2, Khánh Thục và Nguyễn Văn Hân
(Biên tập nội dung), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh.
3. Kim cương kinh thích giải lý, bản chữ Hán.
4. Kim cương kinh thích giải lý, bản ván khắc tại chùa Quảng Bá
5. Kim cương kinh thích giải lý, bản ván khắc lưu tại chùa Linh Ứng