Trước đây, từng có một số trường đại học trên cả nước đưa ra những quy định được xã hội rất đồng tình, đó là: cấm sinh viên, giảng viên mặc hở hang phản cảm, mặc quần jean, áo mỏng và đi dép lê tới giảng đường! Những quy định và đề xuất ấy tưởng sẽ đi vào cuộc sống và "văn hóa mặc" học đường khi ấy sẽ bớt phần "ô nhiễm"...

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Hình minh họa được tạo bởi AI.

Trong Phật giáo, trang phục không chỉ là nhu cầu vật chất mà còn phản ánh tâm thái và phẩm hạnh của con người. Đức Phật từng dạy rằng “Y phục che thân, ăn uống duy trì mạng sống”, nhấn mạnh việc ăn mặc không cần xa hoa, cầu kỳ mà quan trọng là phù hợp với hoàn cảnh, giữ gìn sự trang nghiêm và đúng pháp. Nếu coi giảng đường là một không gian tri thức thì mỗi sinh viên cũng nên tự ý thức về cách ăn mặc sao cho thể hiện sự tôn trọng chính mình và cộng đồng.

Thế nhưng, thực tế những quy định về cách mặc trang phục nơi giảng đường sao cho đúng, hợp với môi trường giáo dục dường như nhanh chóng bị rơi vào… quên lãng, khi mà hàng ngày sinh viên tới giảng đường không ít người luôn mặc những bộ trang phục  quá ngắn, mỏng, hở hang đến… phản cảm và khó chấp nhận!

Chúng ta đều biết rằng môi trường giáo dục nơi giảng đường đại học dù không bắt buộc phải là đồng phục theo quy định, thì sinh viên cũng nên mặc sao cho kín đáo để thể hiện mình là người lịch sự, có văn hóa,  không ngẫu nhiên trở thành "tâm điểm" chú ý của mọi người.

Tất cả sinh viên đều hiểu, mặc như thế nào là lịch thiệp, thẩm mỹ và văn hóa mà không là "nhân vật lạ" trong mắt mọi người, vậy mà thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ những bạn sinh viên luôn mặc đẹp theo ý mình, diện những bộ trang phục mình thích, thấy đẹp là được, không cần quan tâm tới người khác, tới dư luận.

Quan niệm “Chính niệm trong từng hành động” của Phật giáo cũng có thể áp dụng vào cách lựa chọn trang phục. Khi mặc đồ quá hở hang, phản cảm, vô tình người mặc có thể khiến người khác khó chịu hoặc mất tập trung.

Trong Kinh Thiện Sinh có dạy, một người có văn hóa là người biết ứng xử đúng nơi, đúng lúc, biết tôn trọng hoàn cảnh và những người xung quanh.

Vì vậy, sinh viên nên cân nhắc: liệu trang phục của mình có thực sự phù hợp với môi trường học đường không?

(Ảnh: Internet)

Rất nhiều nữ sinh viên tới giảng đường mà như trên sàn diễn thời trang, không chỉ hở hang, mà còn ngắn như không thể nào ngắn hơn. Một số nam sinh viên thì diện những chiếc quần jean rách, có chỗ rách đến te tua, vậy mà vẫn cảm thấy hãnh diện vì đẹp, vì mốt thời trang…(?!). Đáng quan ngại, những người mặc hở hang và khoe da thịt ấy lại "không quan tâm" tới những bàn tán, dị nghị của bạn bè, của người xung quanh. Thậm chí, họ còn chê bai những bạn nữ, nam trong lớp mặc kín đáo, mặc chân phương là "nhà quê" là "không biết cách ăn mặc"...!

Nhiều lần đi ở sân trường, hay ngồi trong lớp học, tôi cảm thấy "nhức mắt" và chạnh lòng khi thấy không ít các bạn sinh viên ăn mặc quá hở hang. Trong số những người mặc hở hang ấy có cả những người bạn của tôi ở quê lên thành phố học, nhưng tôi không dám góp ý, vì sợ họ sẽ giận; hơn nữa dù có góp ý thì khi họ đã cố tình mặc như vậy là họ bất chấp tất cả, nên những lời góp ý của tôi chắc chắn sẽ trở thành vô nghĩa. Thực ra, việc mặc những bộ đồ rách rưới, ngắn, hở hang như vậy thì "chủ ý" của người mặc, ngoài chuyện khoe với thiện hạ về kiểu cách, mốt thời trang rất "hót", rất "nóng bỏng", cùng giá thành không hề rẻ của bộ đồ, thì mục đích khác nữa của một số sinh viên là khoe... hình xăm!

Vâng, trào lưu xăm hình trong giới trẻ đã, đang lên cơn sốt trong những năm gần đây. Một số sinh viên xăm hình, sẽ thấy mặc kín đáo là không tác dụng, vì vậy luôn phải mặc hở, mặc ngắn để cho thiên hạ trông thấy hình xăm đầy cá tính trên cơ thể mình.

Phật giáo không phán xét việc xăm hình, nhưng khuyến khích buông bỏ chấp niệm về hình tướng. Một người có thể tự do thể hiện cá tính, nhưng nếu việc đó làm ảnh hưởng đến môi trường chung, gây phản cảm hoặc tạo định kiến tiêu cực, thì cũng nên suy xét lại. Trong cuộc sống, đôi khi sự giản dị và chừng mực lại là biểu hiện của chiều sâu nội tâm hơn là việc cố gắng thu hút sự chú ý từ bên ngoài.

Không chỉ mặc ngắn, mặc hở, những ai đã, đang là sinh viên hẳn sẽ không “lạ” với những kiểu “thời trang” của một số bạn nữ, đó là mặc cực kỳ mỏng! Thật khó để ai đó không cảm thấy "ngứa con mắt" khi nhìn những nữ sinh viên mặc các bộ đồ mỏng như… màn tuyn tới trường. Với chủ ý khoe gu thời trang, thời thượng của mình, tôi tin rằng những nữ sinh viên này muốn “khoe” cả… nội y! Buồn thay cho cung cách ăn mặc lố lăng, phản cảm của không ít các bạn sinh viên như vậy!

 

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Để môi trường học đường không bị "ô nhiễm" và bị biến thành một "sân khấu thời trang ô hợp" qua cách mặc quá thoải mái, lố lăng của sinh viên, thiết nghĩ các nhà trường nếu không có quy định bắt buộc sinh viên mặc đồng phục đến trường cũng phải nhanh chóng đưa ra các nội quy áp dụng trong việc mặc trang phục của sinh viên sao cho lịch thiệp và phù hợp.

Có thể sẽ rất khó về các quy định màu sắc, kiểu cách của các loại trang phục khi sinh viên mặc tới giảng đường, nhưng tựu chung là nội quy nên hướng sinh viên nhìn nhận, biết mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, môi trường giáo dục và giới tính.

Từ góc nhìn Phật giáo, việc tạo ra các quy tắc về trang phục không phải để ép buộc mà để giúp sinh viên rèn luyện chính niệm, tập thói quen tôn trọng không gian chung. Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến tâm thức con người. Khi không gian giảng đường giữ được sự trang nghiêm, tự nhiên sinh viên cũng sẽ có thái độ học tập nghiêm túc hơn. Ngược lại, nếu giảng đường trở thành nơi thể hiện phong cách thời trang cá nhân một cách quá đà, rất dễ làm loãng tinh thần học thuật, khiến mục tiêu học tập bị xao nhãng.

Theo tôi các bạn sinh viên nam nên mặc quần tây, áo sơ mi trắng hoặc áo phông có cổ; còn các bạn nữ sinh viên ngoài các bộ váy áo kín đáo cũng nên mặc áo dài vào thứ hai hàng tuần và các dịp lễ, hội…

Nữ sinh viên trong tà áo trắng, luôn là hình đẹp, góp phần rạng ngời không gian trường học, giảng đường. Ảnh: Internet
Nữ sinh viên trong tà áo trắng, luôn là hình đẹp, góp phần rạng ngời không gian trường học, giảng đường. Ảnh: Internet

Trong cuộc sống đời thường, mỗi người có thể mặc mốt thời trang theo ý mình là dễ hiểu, nhưng trong môi trường giáo dục, các bạn sinh viên nên nhận thức: làm thế nào khi tới trường, các bạn không bị bàn luận, đàm tiếu, thậm chí "chửi" là... ăn mặc thiếu văn hóa, thậm chí là vô văn hóa!

Tư tưởng Phật giáo luôn hướng đến sự cân bằng giữa tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Việc ăn mặc là quyền lựa chọn của mỗi người, nhưng cũng cần đặt trong mối quan hệ với môi trường chung. Đức Phật từng nói: “Người trí không làm điều gì gây bất an cho chính mình và người khác”. Nếu mỗi sinh viên đều tự ý thức được giá trị của sự thanh lịch, giản dị, phù hợp hoàn cảnh, thì giảng đường sẽ không chỉ là nơi học tập mà còn là môi trường nuôi dưỡng phẩm hạnh, giúp con người phát triển toàn diện cả về tri thức lẫn đạo đức.

Tác giả: Nguyễn Thị Loan - Học viện Thanh thiếu niên