Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa
Dẫn nhập
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam, trải qua hơn 2000 năm đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, Phật giáo có một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Với những tư tưởng giáo lý gần gũi, Phật giáo đã thấm sâu vào trong dân chúng, tồn tại và phát triển qua nhiều đời, nhiều thế hệ và được đông đảo nhân dân Việt Nam tiếp nhận. Phật giáo để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, văn hóa và đặc biệt là đạo đức của con người Việt Nam.
Đạo đức Phật giáo là một hệ thống những quan điểm, những chuẩn mực, những giá trị của đạo đức. Đạo đức Phật giáo đã được người Việt Nam tiếp thu một cách có lựa chọn trên cơ sở các chuẩn mực văn hoá, đạo đức của dân tộc. Với những nội dung phong phú mang tính triết lý sâu sắc, Đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến cái thiện, cái tốt đẹp với tinh thần từ bi, vô ngã và vị tha. Ngày nay, những giá trị đạo đức của Phật giáo có ý nghĩa quan trọng đối với tầng lớp sinh viên nói chung trong đó có sinh viên Trường Đại học Khánh Hoà trong việc rèn luyện đạo đức.
1. Những nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo
1.1. Quan niệm về Từ bi trong đạo đức Phật giáo
Từ trong quan niệm đạo đức Phật giáo là dùng từ bi đối xử với muôn người, muôn vật. Chúng ta thông cảm, thương yêu những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Phật giáo lấy từ bi làm hoài bão, là dùng cửa phương tiện để tiếp cận chúng sinh. Bi trong quan niệm Phật giáo là chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ, cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết đắm, thấy người đó như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót.
Từ bi là đem lại an lạc, hạnh phúc cho người khác, cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh, quên đi mọi ích lợi của bản thân mình. Nhưng từ bi không phải là thủ tiêu mọi sự đấu tranh, giữ thái độ tiêu cực, thụ động trước mọi sự bất công, áp bức, tham nhũng. Những người tu hành đạo Phật trước hết phải coi từ bi là chuẩn mực đạo đức trước nhất. Nguồn gốc của tâm từ bi chính là xuất phát từ triết lý bình đẳng triệt để của đạo Phật. Phật giáo cho rằng: “mọi người đều như nhau, mọi người đều bình đẳng, phải yêu thương lẫn nhau. Hãy nhìn thế giới xung quanh bằng ánh mắt vị tha hơn, bao dung hơn. Với tâm từ bi, với lòng yêu thương con người, Phật giáo đã phá đi hàng rào ngăn cách vô nhân đạo giữa con người với con người” [5,53].
Có thể thấy rằng trong đạo đức Phật giáo, từ bi là suối nguồn tươi mát, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh. Theo quan niệm của Phật giáo tâm từ bi được đánh giá là tâm lý tối thượng, hành động từ bi là hành động thiện tích cực nhất trong mọi hành động. Bản chất từ bi là vẽ đẹp, là niềm hạnh phúc cao thượng nhất.
1.2. Quan niệm về luật nhân quả trong đạo đức Phật giáo
Nhân được hiểu là nguyên nhân, là nguồn gốc sinh ra cái khác. Quả là kết quả, là cái được tạo ra bởi một cái nhân. Duyên là những điều kiện, hay những vật có vai trò trợ giúp, tạo điều kiện để vật này sinh ra vật khác. Theo đạo Phật, luật Nhân quả là mối liên hệ mật thiết của vạn vật. Mọi sự vật, hiện tượng sinh ra trong vũ trụ đều chịu sự tác động của luật nhân quả, đều có mối liên hệ với nhau, không có bất cứ sự vật nào có thể tồn tại một cách độc lập với sự vật khác. Luật Nhân quả không bị ràng buộc bởi thời gian, có nhân quả tạo thành trong kiếp này, có nhân quả phải đợi đến kiếp sau mới thành quả.
Luật Nhân quả có biểu hiện rất phức tạp. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều quả nhưng cũng có quả do nhiều nguyên nhân gây ra. Có cái được gọi là nhân nhưng thực chất lại là duyên để tạo thành quả. Đồng thời, luật Nhân quả không bị ràng buộc vào thời gian, có nhân tạo thành quả ngay trong kiếp này, có nhân phải đợi đến kiếp sau, kiếp sau nữa mới thành quả. Sự chuyển hóa nhanh, chậm từ nhân sang quả còn phụ thuộc vào duyên.
Luật Nhân quả được giải thích một cách chặt chẽ thông qua “Thập nhị nhân duyên”. Duyên chính là điều kiện cho nhân thành quả. Thập nhị nhân duyên là mười hai điều kiện quan hệ với nhau để hình thành một chúng sinh hữu tình. Mười hai nhân duyên bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử. Trong giáo lý Phật giáo, thuyết Thập nhị nhân duyên là một trong những thuyết quan trọng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan của đạo Phật. Thuyết này giải thích tại sao con người lại cứ phải xoay chuyển trong vòng luân hồi sinh tử. Từ đó giúp con người định hướng trong suy nghĩ và hành động để điều khiển thân, tâm làm lành, tránh ác.
1.3. Quan niệm về ngũ giới trong đạo đức Phật giáo
“Giới” được hiểu là những điều không được vi phạm để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Phạm trù “giới” trong đạo Phật khá rộng, bao gồm các giới của người xuất gia, giới luật của tỳ kheo, tỳ kheo ni, giới luật Bồ tát của Đại thừa…Nhìn chung, tất cả các giới đó đều lấy Ngũ giới làm nền tảng, từ đó mà cụ thể hóa hoặc nâng cao lên. Ngũ giới bao gồm: không sát sinh; không trộm cướp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu. Xét về bản chất thì năm giới này là những điều răn dạy cơ bản về đạo đức cho con người dù người đó có tu Phật hay không. Việc giữ gìn các giới luật trước hết nhằm mục đích là phát huy được bản tính thiện có trong tâm mỗi người, hơn nữa diệt trừ tam nghiệp là tham, sân, si, đem đến sự trong sạch, thanh tịnh cho thân tâm người tu tập.
Ngũ giới giữ một vị trí hết sức quan trọng, được coi là chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo. Theo Phật giáo, đạo đức thể hiện rõ nhất chính là trong việc giữ giới. Giới là điều kiện không thể thiếu được trong quá trình tu tập của người tu hành. Đồng thời, giới còn là một phương tiện giúp cho con người vượt qua bể khổ luân hồi để vươn tới chốn giải thoát, an lạc. Chức năng của giới luật Phật giáo đó là tạo ra hạnh phúc và lợi ích thực sự cho đời sống của con người và của toàn xã hội từ cấp độ thấp nhất (là con người đúng nghĩa) cho tới cấp độ cao nhất là giải thoát tối hậu (đạt tới cõi Niết bàn).
Năm giới này không những để tiến bước trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội. Đức Phật không bắt buộc người phật tử phải tuân theo triệt để, cũng không hăm dọa nếu không tuân theo thì phải bị chịu hình phạt, có giữ giới hay không là tùy thuộc mỗi người tự liệu lấy. Đạo Phật khác với các tôn giáo khác một phần là ở điểm này. Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi.
1.4. Quan niệm về thiện - ác trong đạo đức Phật giáo
Trong quan niệm của Phật giáo thiện là điều tốt lành, lẽ phải, có ích, có lợi cho mình và cho người, còn đối lập lại với những điều đó chính là cái ác. Cái thiện được Phật giáo bàn đến rất nhiều và được đúc kết lại trong quan niệm về Thập thiện và Tứ vô lượng tâm. Đức Phật luôn khuyên con người hướng thiện, sống thiện và không ngừng làm việc thiện. Trong Kinh Pháp Cú 118 có ghi rằng:
“Nếu người làm điều thiện Nên tiếp tục làm thêm Hãy ước muốn điều thiện Chứa thiện, được an lạc” [2,35]
Phật giáo cho rằng con người sinh ra đã có sẵn cái mầm thiện hay ác. Cái mầm ấy không phải do trời tạo ra mà là “quả” do nghiệp của kiếp trước tạo ra và trở thành “nhân” của kiếp này. Chủ trương của Phật giáo đó là chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp và thanh lọc tâm cho thanh tịnh. Một người xấu vẫn có thể chuyển hóa thành người tốt nếu như biết ăn năn, hối lỗi, sám hối, thay đổi tính cách. Chính vì thế, đối với không chỉ việc làm, mà ngay cả lời nói hay những ý nghĩ chớm xuất hiện trong tâm, đức Phật đều khuyên con người phải xem xét kĩ lưỡng là thiện hay ác. Nếu là thiện thì phải học tập và phát huy. Còn nếu là ác thì phải cố gắng hết sức để diệt trừ, xóa bỏ. Khi con người đã vượt qua được sự cố chấp thiện và ác thì tức là bản thân đã thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp, từ đó mới đi đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Theo giáo lý Phật giáo thì con người có thể phạm phải mười điều ác do thân, khẩu, ý gây ra. Cụ thể: Ba điều ác do thân làm ra là sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Bốn điều ác thuộc về lời nói là nói dối, nói thêu dệt, ác khẩu, lưỡng thiệt. Ba điều ác thuộc về ý là tham lam, sân hận, si mê. Tất cả mười điều trên đều gây hại cho con người và muôn vật nên gọi là ác. Đối lập lại với mười điều ác trên là mười điều thiện (thập thiện) đó là: không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không ác khẩu; không lưỡng thiệt; không tham lam; không sân hận; không si mê.
Theo đạo Phật, con người muốn sống hạnh phúc, thanh thản thì phải thực hiện được những điều thiện trên, tức là thực hành những chuẩn mực đạo đức do đức Phật răn dạy. Những người nào thực hiện được thì sẽ có thể cảm hóa được mọi người xung quanh, luôn được mọi người yêu quý và bản thân họ cũng sẽ tiêu diệt được sự ganh đua, hóa giải được những đố kị để tạo ra sự bình yên trong tâm. Những người theo đạo Phật cần phải phân biệt thiện - ác sao cho đúng đắn, sáng suốt, những việc có hại cho người thì nhất quyết không làm, còn những việc có lợi cho người thì quyết làm bằng được.
2. Ý nghĩa của đạo đức Phật giáo đối với việc rèn luyện đạo đức cho sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa
Trường Đại học Khánh Hòa được thành lập theo Quyết định số 1234 ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sát nhập hai trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Là một đơn vị giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trường Đại học Khánh Hòa hiện có 07 khoa, tổng số sinh viên chính quy toàn trường hiện nay là 2.579 sinh viên.
Sinh viên trường Đại học Khánh Hòa luôn có ước mơ, hoài bão, mong muốn nâng cao trình độ học vấn, thích tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Sinh viên đã biết quan tâm đến vấn đề lập thân, lập nghiệp của bản thân và đã bắt đầu ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, sinh viên còn những hạn chế nhất định như vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa tự giác trong việc rèn luyện đạo đức. Vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, nhận thức mơ hồ về trách nhiệm của sinh viên đối với cộng đồng, lười tham gia các hoạt động xã hội.
Trên cơ sở nội dung đạo đức Phật giáo và thực tiễn rèn luyện đạo đức của sinh viên, tác giả nhận thấy đạo đức Phật giáo có 2 ý nghĩa cơ bản sau đây đối với việc rèn luyện đạo đức của sinh viên Trường Đai học Khánh Hoà.
2.1. Đạo đức Phật giáo góp phần giáo dục ý thức đạo đức cho sinh viên
Trong hơn 2000 năm đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, Phật giáo đã không ngừng truyền bá các giáo lý và tư tưởng đạo đức của mình, làm phong phú thêm các tri thức đạo đức Phật giáo. Chính nhờ sự gần gũi, thân thiện của mình mà những tri thức Phật giáo đã nhanh chóng được tiếp nhận, trong đó có sinh viên Đại học Khánh Hoà. Những lý thuyết của Phật giáo về vô thường, vô ngã, nghiệp báo, luân hồi…đã hình thành nên một hệ thống tri thức đạo đức chặt chẽ, cụ thể, có tác dụng chi phối suy nghĩ, hành động và có nhiều đóng góp trong việc hình thành những quan niệm sống tích cực, nhân bản của sinh viên nhà trường.
Trong xu thế hội nhập, xã hội nhiều thay đổi, trước mặt trái của nền kinh tế thị trường, đạo đức Phật giáo đã cung cấp cho sinh viên những tri thức đạo đức hết sức thiết thực, có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những quy tắc, chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức nhà trường và xã hội, vì thế cho đến nay vẫn được phần lớn sinh viên thực hiện. Các giới luật trong Ngũ giới được xem là những quy chuẩn đạo đức hướng thiện cho sinh viên, định hướng cho sinh viên sống có đạo đức. Đạo đức Phật giáo khuyên răn con người sống hướng thiện, có nề nếp để được giải thoát khỏi những đau khổ, sống hạnh phúc, bình đẳng, tự do, tư tưởng đó đã đóng góp tích cực cho việc duy trì một lối sống đạo đức trong sinh viên qua đó góp phần hình thành tinh thần yêu thương mọi người xung quanh, tích cực trong học tập, rèn luyện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, tích cực đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển xã hội.
2.2. Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng niềm tin, tình cảm cho sinh viên
Niềm tin đạo đức của tín đồ đạo Phật là tin vào sự giải thoát, nhân quả…Những tư tưởng này có ảnh hưởng không chỉ đối với Phật tử mà còn ảnh hưởng đến sinh viên. Niềm tin vào thực hiện giới luật, tin vào những giá trị làm cho sinh viên có sức mạnh tinh thần từ đó giúp sinh viên có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, hướng sinh viên vào cuộc sống có lý tưởng tốt đẹp, chân thiện.
Đạo đức Phật giáo đã hình thành cho sinh viên tình cảm yêu thương, chính tình yêu thương ấy đã khuyến khích, thôi thúc họ thực hiện một cách nghiêm túc các giới luật, các nguyên tắc, quy chuẩn đạo đức mà Phật giáo đề ra. Phật giáo dạy con người biết yêu thương sự sống, yêu thương muôn loài, không chỉ là con người mà còn là mọi sinh vật tồn tại trên thế giới này. Tình thương và lòng nhân ái sẽ giúp con người từ bỏ được tính ích kị, lòng tham, sự sân hận và si mê. Đối với sinh viên Đại học Khánh Hòa, tình yêu thương đó được thể hiện rõ nhất trong các mối quan hệ với gia đình (ông, bà, cha, mẹ, anh,chị, em), bạn bè, thầy cô,…Khi xây dựng được tình cảm tốt đẹp trong tất cả các mối quan hệ, họ sẽ tránh được những xung đột, mâu thuẫn không đáng có, thông qua đó góp phần làm cho xã hội ổn định hơn.
Tạm kết
Đạo đức Phật giáo với những phạm trù đạo đức cơ bản: Từ bi, nhân quả, ngũ giới, thiện, Đạo đức Phật giáo không những giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện đời sống hạnh phúc cho mọi tầng lớp quần chúng Phật tử, tu sĩ mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc rèn luyện đạo đức cho sinh viên. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với công tác giáo dục của nhà trường, đạo đức Phật giáo đã góp phần xây dựng niềm tin, tình cảm và giáo dục ý thức đạo đức cho sinh viên trường Đại học Khánh Hoà.
Trong giai đoạn hiện nay, những nội dung của đạo đức Phật giáo cần được quan tâm và phát huy hơn nữa những ảnh hưởng tích cực, đóng góp nhiều hơn nữa cho việc rèn luyện đạo đức, giúp ích nhiều hơn nữa cho việc hình thành nhân cách sinh viên nói chung trong đó có sinh viên Trường Đại học Khánh Hoà.
Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa ***Tài liệu tham khảo 1. Minh Chi (2005), Truyền thống văn hoá và Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 2. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp cú, Thiền viện Vạn Hạnh ấn hành. 3. Thích Minh Châu (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 4. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Đặng Thị Lan (2006), Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 6. Đặng Thị Lan (2014), Ảnh hưởng của Đạo đức Phật giáo đến đạo đức, lối sống của thanh niên ở Hà Nội hiện nay, Đề tài cấp Đại học Quốc Gia, Hà Nội, Mã số: QGTĐ.12.11. 7. Hoàng Thị Thơ (2002), Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, tr.44 – 49.
Bình luận (0)