Tác giả: Th.s Nguyễn Thị Huệ

Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Lễ hội Phật giáo là một loại hình sinh hoạt văn hóa, sản phẩm tinh thần của con người, hiện tượng văn hóa có mặt ở Việt Nam từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, các lễ hội nói riêng, đặc biệt là các lễ hội Phật giáo được chú ý nhấn mạnh với vai trò lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm đậm nét hơn bản sắc văn hóa dân tộc.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được tiến hành, đã mở ra cho đất nước Việt Nam một trang sử mới với nhiều thành tựu đạt được: đời sống vật chất của con người được cải thiện, đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao.

Từ khoá: Lễ hội; Lễ hội Phật giáo; Giá trị văn hóa; Bản sắc văn hóa; Sinh hoạt lễ hội.

CULTURAL VALUE OF BUDDHIST FESTIVALS

Abstract: Buddhist festivals are a type of cultural activity, a spiritual product of people, a cultural phenomenon that has existed in Vietnam for a long time and plays an important role in social life. In recent years, in the context of industrialization, modernization, and international integration of our country, traditional culture in general, festivals in particular, especially Buddhist festivals, have been emphasized with the role of preserving, conserving, and promoting traditional cultural values, making the national cultural identity more prominent. The comprehensive renovation of the country has opened a new page of history for Vietnam with many achievements: people's material life has been improved, spiritual life has been increasingly enhanced.

Keywords: Festival; Buddhist Festival; Cultural value; Cultural identity; Festival activities.

1. Mở đầu

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, đã cắm rễ sâu trong mảnh đất văn hóa Việt Nam đầy sắc màu, trở thành tôn giáo truyền thống của Việt Nam, lễ hội Phật giáo đã thực sự trở thành lễ hội truyền thống của Việt Nam.

Bất cứ lễ hội Phật giáo nào ở Việt Nam hiện nay cũng có sự đan xen các yếu tố của văn hóa bản địa Việt Nam, chính điều đó góp phần làm nên sức sống của lễ hội Phật giáo ở Việt Nam.

Mỗi một làng quê Việt Nam hầu như đều có chùa, ngôi chùa đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần người dân trong các làng xã. Điều đó có nghĩa, Phật giáo đã hòa quyện vào văn hóa làng xã Việt Nam sâu đậm, không thể bóc tách được. Lễ hội Phật giáo luôn mang tính cộng đồng sâu sắc, đoàn kết tình làng nghĩa xóm vì một ước nguyện chung cho sự phát triển thịnh vượng của làng.

Do vậy, lễ hội Phật giáo trong mỗi làng quê chính là cầu nối của sự kết tinh, hòa hợp giữa những giá trị truyền thống với giá trị hiện tại và tương lai. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, lễ hội đã trở thành một Di sản văn hóa phi vật thể bất biến của người Việt. Thứ di sản đặc biệt này không những phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước mà còn lưu dấu bản sắc đặc trưng, phong tục, tập quán của mỗi địa phương - làng xã.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề lý luận về lễ hội Phật giáo

Lễ hội: định nghĩa và giải nghĩa Lễ hội, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: "Lễ là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, sự bình yên cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở của gia súc, sự bội thu của mùa màng, mà từ bao đời nay quy tụ niềm ước mơ chung vào bốn chữ "nhân khang, vật thịnh".

Lễ hội là hoạt động của một tập thể người, liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Lý giải thêm về lễ hội, mối quan hệ giữa tôn giáo và lễ hội: Do nhận thức, người xưa rất tin vào trời đất, sông núi, vì thế ở các làng, xã thường có miếu thờ thiên thần, thổ thần, thủy thần, sơn thần. Lễ hội cổ truyền đã phản ánh hiện tượng đó. Tôn giáo có ảnh hưởng đáng kể đối với lễ hội, mối quan hệ này thể hiện ở cả hai chiều: đối với tôn giáo, tôn giáo thông qua lễ hội làm phương tiện phô trương thanh thế, ngược lại đối với lễ hội, lễ hội thông qua tôn giáo để thần linh hóa những gì trần tục.

Trong cuốn Văn hóa Việt Nam hỏi và đáp, các tác giả đưa ra quan điểm: "Lễ hội (hay hội lễ) là một sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên hợp mang tính cộng đồng cao của nông dân hay thị dân, diễn ra trong những chu kỳ không gian, thời gian nhất định để làm những nghi thức về nhân vật được sùng bái, để tỏ rõ những ước vọng, để vui chơi trong tinh thần cộng mệnh và cộng cảm". Từ khái niệm đó, các tác giả đi đến nhận định: "Có thể coi lễ hội cổ truyền như là thời điểm mạnh của cuộc sống; là cái mốc của một chu kỳ kết thúc và tái sinh; là cuộc đời thứ hai bên cạnh cuộc đời thực; là trạng thái thăng hoa từ đời sống thực tế; là hình thức tổng hòa văn hóa nghệ thuật; là một hiện tượng văn hóa mang tính trội"[1]. GS. Nguyễn Duy Quý định nghĩa về lễ hội: "Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp, bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường. Đó còn là một sinh hoạt có quy mô lớn về tầm vóc và có sức mạnh cuốn hút một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội..."[2].

Từ những khái niệm và sự phân tích ở trên, chúng tôi hiểu khái niệm lễ hội Phật giáo là một hình thức sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đồng của người theo Phật giáo (hoặc có cả sự tham gia của cả những người không theo Phật giáo), là một phương thức biểu hiện đức tin của người Phật tử diễn ra vào một khoảng thời gian nhất định nào đó và mang tính chất kỷ niệm một sự kiện nào đó ý nghĩa đối với Phật giáo.

Truyền thống lễ hội trong Phật giáo Việt Nam: Phật giáo truyền bá vào Việt Nam trong khoảng mười thế kỷ, trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược và đô hộ. Khi ấy, các loại hình tín ngưỡng dân gian, bản địa ở Việt Nam (thờ Thần Tự nhiên, thờ Tổ tiên,…) đã phát triển khá mạnh mẽ.

Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu du nhập, Phật giáo đã dung hợp, tương tác với các tín ngưỡng bản địa. Thời kỳ này diễn ra hai quá trình song song: Văn hóa Việt Nam thực hiện quá trình bản địa hóa Phật giáo, cùng với đó là quá trình: Phật giáo hội nhập với văn hóa bản địa. Lễ hội Phật giáo thể hiện rất rõ nét đặc trưng này.

Lễ hội Phật giáo ban đầu thường gắn với các sự kiện liên quan đến cuộc đời hoằng dương phật pháp của đức Phật, chủ yếu là phần lễ thì khi du nhập vào Việt Nam, lễ hội Phật giáo nhanh chóng hội nhập, tương tác với các yếu tố dân gian của tín ngưỡng bản địa trở thành những lễ hội Phật giáo mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, tác giả Nguyễn Quang Lê nhận xét: "hầu hết các lễ hội chùa ở làng quê đất Việt cũng có sự đan xen và hòa quyện của các nghi lễ trong các tín ngưỡng dân gian, bởi các lễ hội này không chỉ suy tôn và sùng kính đức Phật, mà còn tôn vinh các vị thánh thần dân gian mang tính lưỡng hợp"[3]

Trong tâm thức dân gian của người Việt xưa, tồn tại một hệ thống tín ngưỡng của nền văn hóa lúa nước, trong đó nổi bật hơn cả là tục thờ Tứ Pháp - thờ bốn vị nữ thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp. Phật giáo đã dung hợp với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, lễ hội chùa Dâu là một minh chứng cụ thể. Chùa Dâu nằm ở trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn nhất nước ta, đó là thành Luy Lâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh). Chùa Dâu là ngôi chùa cổ có thờ tượng Phật và tượng Pháp Vân. Lễ hội chùa Dâu tiến hành trùng vào ngày Phật Đản (8/4 Âm lịch). "Trong lễ hội chùa Dâu, phần nghi lễ gồm cả nghi lễ của đạo Phật tụng kinh, kể hạnh; lại có cả nghi lễ của tín ngưỡng dân gian như: nghi lễ cầu mưa hay còn gọi là lễ cầu nước - nghi lễ nông nghiệp cổ truyền, bằng việc tôn thờ Tứ pháp và tục rước nước về thờ. Các lễ vật dâng cúng toàn là đồ chay theo kiểu đạo Phật, bao gồm xôi, oản, chuối, trầu cau, hương hoa, quả thực... Đặc biệt trong lễ hội Chùa Dâu còn có cuộc thi "cướp nước", tục "rước nước" và tục "đánh gậy" (múa gậy), cũng đều mang tính nông nghiệp là cầu mưa thuận gió hòa khá rõ nét"[4].

Thời Lý Nhân Tông, nhà Vua cho tổ chức một lễ hội Phật giáo lớn, đặc sắc, lễ hội đèn Quảng Chiếu: "Dựng đài cao Quảng Chiếu, nhắm sâu trước của Đoạn Môn, trong nêu một cột, ngoài đặt bảy tầng, uốn mình rồng hình cung hiện ra mà đỡ lấy sen vàng, may lồng nhiễu mà che cho lửa nến.... Lại có hai tòa lầu hoa trong treo chuông vàng, khắc hình nhà sư, mình đắp y phước điền,... Lại có tháp thất bảo rực rỡ bày xếp một hàng, chính giữa đặt một ngọn núi vàng, đặt tượng lành Như Lai Đa Bảo, bày chân hình xe pháp mấy tầng, mái hiên lấp lánh ánh mặt trời buổi sáng, mái ngói lung linh vẻ mây biếc ban chiều. Thứ đến là hai tòa Bạch Ngân. Bên trái đặt chân dung đức A Di Đà, bên phải để tượng thật đức Diệu Sắc Thân...."[5]. Thời kỳ này, nhà Vua còn xây dựng nhiều chùa chiền, mỗi khi xây xong đều tiến hành lễ hội khánh thành.

Như vậy, có thể khẳng định, Phật giáo du nhập vào Việt Nam, hòa quyện với tín ngưỡng bản địa của Việt Nam đã đem đến cho lễ hội Phật giáo một màu sắc mới mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.

2.2. Nội dung và giá trị văn hóa của lễ hội Phật giáo Việt Nam hiện nay

2.2.1. Một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu

Lễ hội chùa Hương: Lễ hội chùa Hương thường khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hạ tuần tháng Ba Âm lịch, đỉnh cao của lễ là từ Rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai âm lịch. Trước khi diễn ra lễ hội chùa Hương, từ 2 tháng trước công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được tiến hành. Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Lễ hội với các thành viên là các cán bộ các cấp và các nhà tu hành Phật giáo (đặc biệt là vị sư trụ trì chùa Hương). Ban tổ chức tổ chức lễ hội sẽ tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chia nhỏ làm các tiểu ban, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên các tiểu ban và xã Hương Sơn.

Trong đó có sự đánh giá nhằm phát huy các thành tích đạt được của mùa lễ hội trước, rút kinh nghiệm những thiếu xót, hướng đến thực hiện chủ đề của lễ hội năm đó... Mọi vấn đề về lễ hội đều được bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng.

Ví như, công tác tổ chức lễ hội Chùa Hương năm, Ban Tổ chức Lễ hội chú trọng hơn về chất lượng phục vụ du khách. Cụ thể các chủ phương tiện thuyền, đò phải đăng ký biển, có phao cứu sinh và rỏ đựng rác. UBND xã Hương Sơn đã tổ chức sớm mở các lớp tập huấn cho nhân dân tham gia phục vụ lễ hội về Luật Di sản văn hóa, Luật đường thủy nội địa, văn hóa ứng xử đối với du khách về trẩy hội Chùa Hương.

Ban Tổ chức quyết định thành lập 2 tổ kiểm tra liên ngành, kiển quyết xử lý các chủ phương tiên thuyền đò không chấp hành nội quy của Ban Tổ chức, các chủ nhà hàng, dịch vụ hàng quán trong Lễ hội để xảy ra các hiện tượng thiếu văn minh đối với du khách về thăm quan, trẩy hội Chùa Hương. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, quản lý phương tiện xe tại lễ hội được tăng cường hơn lễ hội trước đây.

Các hoạt động của văn hóa, văn nghệ, tâm linh, tín ngưỡng được Ban Tổ chức, Nhà Chùa triển khai theo đúng quy định của Bộ Văn hóa thông tin Thể thao du lịch. Sau khi mọi công tác phân công đã xong, các thành viên trong Ban tổ chức khẩn trương thực hiện nhiệm vụ của mình với sự hỗ trợ của người dân xã Hương Sơn, của các tình nguyện viên... Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai hội. Trước ngày khai hội, tất cả các đền chùa, đình, miếu trong khu vực khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Lễ hội diễn ra, trong các ngày lễ hội, phần lễ được diễn ra trang trọng uy nghiêm với đối tượng thờ cúng khá đa dạng và phong phú bởi lễ hội chùa Hương diễn ra trong khuôn viên của một quần thể các địa danh tâm linh với các vị Thần, Phật: Bên cạnh các ngôi chùa thờ Phật: chùa Thiên Trù, chùa Động, chùa Tiên,... còn có Đền Trấn Song thờ Bà Chúa Rừng có tên hiệu "Thượng Ngàn Vân Hương Công Chúa Lê Mại Thánh Mẫu", Đền Trình thờ Quan Tư Mã Hùng Lang, người đã có công giúp vua đánh giặc,...

Ngày khai hội, các nghi thức mở hội diễn ra khá đơn giản nhưng vẫn rất trang trọng: Lễ dâng hương ở ban thờ Tam Bảo, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả, thức ăn chay. Khi lễ có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến đồ lễ lên bàn thờ. Các thứ đồ lễ cần đảm bảo sự tinh khiết, thanh sạch. Còn đối với các ban thờ khác: thờ Thần, thờ Mẫu có thể sử dụng đồ mặn,... Sau đó, du khách lần lượt vào dâng hương.

Vào ngày khai hội, từ sáng sớm, trên các nẻo đường thôn Yến Vĩ, đã nhộn nhịp bước chân người. Các lão ông áo dài, khăn đóng, tay cầm hương nganh; các lão bà áo dài tứ thân, quần lĩnh, tay bưng trầu cau oản quả thành kính bước vào đền Trình làm lễ Mở cửa rừng.

Ngày hội, dân làng còn tổ chức rước thần từ đền ra đình, cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm đi theo, tất cả đều hòa âm tấu lên bản nhạc vui tươi, rộn rã. Trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.

Phần hội, chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân gian: bơi thuyền: đến với chùa Hương, du khách có thể ung dung ngồi trên thuyền lướt nhẹ, ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp như lạc vào non tiên cõi Phật, hay tham gia đua thuyền trên dòng suối Yến...; leo núi: Người tham gia hội, có thể leo bộ lên những bậc thang dẫn đến động Hương Tích, chùa Trong. Cảm nhận sự thích thú khi chinh phục từng bậc thang lên xuống vào động Hương Tích; hát chèo, dân ca: du khách được đắm mình trong những làn điệu dân ca, điệu hò truyền thống; hay các trò chơi dân gian khác: chọi gà, ném còn, kéo co,...

Lễ Khai hội chùa Hương, Hà Nội. Nguồn: Vnexpress
Lễ Khai hội chùa Hương (Hà Nội). Nguồn: Vnexpress

Lễ hội chùa Hương diễn ra trong thời gian khá dài, thường kéo dài khoảng 3 tháng (Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba âm lịch), thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, du lịch tâm linh chùa Hương đang phát triển khá mạnh mẽ, các công ty du lịch khai thác nhiều tuyến khác nhau trong lễ hội chùa Hương, ví như: Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song; Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng; Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn; Động Hương Đài; Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm; Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn. Lễ hội chùa Hương không chỉ có giá trị một vùng miền, mà một di sản văn hóa của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa Phật giáo của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.

Lễ hội Phật đản chùa Quán Sứ: Hòa trong không khí tưng bừng của tăng ni, phật tử trong cả nước nói riêng, thế giới nói chung, các tăng ni chùa Quán Sứ cùng các phật tử khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho ngày hội lớn theo hướng dẫn cụ thể của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các công việc cụ thể: Treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, thiết lập vườn Lâm - Tỳ - ni, biểu ngữ, trang trí kiệu hoa, xe hoa, bày hoa tươi lên bàn thờ Phật, chuẩn bị đồ lễ trang nghiêm, thanh tịnh để dâng lên bàn thờ Phật  Gần đến này lễ, các Phật tử đã đổ đến chùa tụng kinh lễ Phật cầu nguyện cho Chư Phật gia hộ cho mọi người vô lượng an lạc, vô lượng cát tường...

Đến ngày lễ chính, vào sáng sớm (theo lịch cụ thể trong hướng dẫn của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), các tăng ni, phật tử tập trung đông đủ tại chùa cử 3 hồi chuông trống Bát Nhã rước lễ Đản sinh.

Trong các nghi lễ cử hành trong ngày Phật đản, có một nghi lễ không thể thiếu là lễ tắm Phật. Nguồn gốc của lễ tắm Phật là xuất phát tự sự kiện đản sinh của Đức Phật với truyền thuyết, khi Ngài sinh ra, từ trên hư không có chín con rồng phun nước xuống để tắm cho Ngài. Nước tắm Phật là nước ấm, thơm, đựng trong bình sạch, không được giẫm chân lên dòng nước tắm tượng đang chảy trên đất sạch. Sau khi tắm tượng xong, dùng khăn mềm, mịn và sạch lau khô tượng, xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, tụng kinh bài kệ tắm Phật.

Lễ hội Phật đản là một ngày hội lớn của Phật giáo - kỷ niệm sự kiện lớn của Phật giáo, ngày đức Phật đản sinh, từ đó thế gian có một người thầy vĩ đại chỉ đường đến với chân lý Chân - Thiện - Mỹ. Là dịp để người phật tử nhìn lại bản thân, hướng đến tấm gương tu dưỡng vĩ đại là đức Phật từ bi.

2.2.2. Giá trị văn hóa của lễ hội Phật giáo

- Giá trị đối với Phật giáo:

Thứ nhất, lễ hội tạo ra sức sống mãnh liệt, sự cuốn hút của Phật giáo, là con đường để phật pháp lan tỏa và trường tồn

Lễ hội mang tính "thiêng", là sinh hoạt tôn giáo điển hình mang tính cao trào. Lễ hội Phật giáo mang tính biểu tượng, tính thăng hoa, là nơi bộc lộ rõ nhất những đặc trưng của Phật giáo. Với đặc trưng tâm lý tôn giáo của người Việt Nam, rất ít người Việt tiếp cận với kinh điển, giáo lý Phật giáo.

Người Việt có thể ai cũng từng đến chùa ít nhất một lần (đặc biệt là ngôi chùa làng: ví như ngôi chùa Tiêu Dao làng Giang Cao, xã Bát Tràng, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong vùng, các dịp lễ tết hầu hết các bà, các mẹ trong làng đều đến chùa thắp hương lễ Phật, dịp lễ hội thì có sự góp mặt tham gia của tất cả mọi người dân trong làng và các làng xung quanh), nhưng rất ít người am hiểu giáo lý, kinh sách Phật giáo. Phật giáo đến được với quảng đại quần chúng người Việt bằng nhiều cách khác nhau nhưng nhìn chung đều theo mô típ "như nước ngấm dần vào lòng đất". Giáo lý Phật giáo có nhiều điều phù hợp với tư tưởng, văn hóa người Việt, nên ngấm dần vào tư tưởng mỗi người.

Chính vì có lễ hội mà Phật pháp ngày càng lớn mạnh và trường tồn. Bởi đến với lễ hội Phật giáo, đối với phật tử là cơ hội được chứng minh lòng mộ đạo của mình, được thỏa mãn niềm tin tín ngưỡng của mình và thêm một lần thấm nhuần giáo lý nhà Phật, còn đối với những người không phải là tín đồ Phật giáo thì tham gia lễ hội dù với mục đích gì chăng nữa (du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh, theo phong trào...) thì tham gia lễ hội Phật giáo chính là một cơ hội để tiếp xúc với Phật giáo mà dịp lễ hội lại là dịp phô bày tất cả những gì đẹp nhất, tinh túy nhất...

Chính vì vậy mà với họ thêm phần cảm mến Phật giáo, hình ảnh Phật giáo "tự nhiên" ngấm vào trong tư tưởng.

Ví như, mỗi mùa Phật đản, trước ngày lễ chính nhiều ngày, tại chùa Quán Sứ đều tổ chức các đạo tràng, các buổi thuyết pháp về giáo lý nhà Phật (như đã trình bày ở phần trên) thu hút được đông đảo người dân tham gia, trong đó bên cạnh những người là Phật tử còn có cả những người chưa phải là phật tử. Điều này rất có giá trị, là con đường truyền giáo hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Hơn nữa, lễ hội Phật giáo có nhiều điểm dung hợp mãnh mẽ với các yếu tố của văn hóa bản địa, mỗi một dịp lễ hội được tổ chức (mỗi mùa lễ hội) mối quan hệ đó thêm một lần được củng cố, mối "lương duyên" đó ngày càng được xiết chặt hơn, chính vì vậy, có thể nói, lễ hội Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên sức hút của Phật giáo, tạo nên sự sống mãnh liệt, bền bỉ của Phật giáo Việt Nam, giúp Phật giáo ngày càng bám rễ sâu trong văn hóa Việt.

Thứ hai, thông qua lễ hội, Phật giáo đã thực hiện được trọn vẹn hơn nữa chức năng xã hội bù đắp về mặt tinh thần cho con người.

Một trong những chức năng quan trọng của tôn giáo là chức năng bù đắp về mặt tinh thần cho con người. Trong cuộc sống hiện nay có nhiều điều làm con người bị tổn thương, sợ hãi: nền kinh tế thị trường gắn liền với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đòi hỏi cường độ lao động của mỗi người ngày càng cao, kể cả lao động chân tay và lao động trí óc đều rất căng thẳng; nền kinh tế thị trường với những quy luật cạnh tranh khốc liệt mang nhiều tính rủi ro, bấp bênh, nay được mai mất khó đoán định và còn nhiều vấn đề khác nữa...

Con người ngày ngày phải gồng mình lên đối mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, giữa xã hội đầy rẫy những điều bất công, cạm bẫy giữa cuộc sống bộn bề lo toan, người lao động cả năm "đầu tắt mặt tối" không lúc nào được nghỉ ngơi, thư giãn,...

Để giải tỏa căng thẳng, tìm cứu cánh cho tinh thần, nhiều người tìm đến các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Bởi ở Việt Nam, ngôi chùa thờ phật từ lâu đã chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa người Việt.

Người xưa có câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Hầu hết làng nào ở Việt Nam cũng có chùa, nơi đây ngoài là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng thì còn là nơi sinh hoạt văn hóa của làng. Người Việt gắn bó với ngôi chùa, ở đó họ tìm thấy niềm vui “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Tìm đến với Phật giáo, người Việt Nam không thể bỏ qua các lễ hội Phật giáo.

Bởi tham gia lễ hội Phật giáo là thời điểm cao trào, cảm xúc con người được thăng hoa. Đến với lễ hội, với hệ thống lễ nghi phong phú, đa dạng được chuẩn bị công phu khác hẳn với những nghi lễ ngày thường. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng khi thực hành nghi lễ, người ta thấy mình như được "tiếp xúc" gần hơn với thế giới thần Phật, cảm giác như được đức Phật chở che, an ủi, phù hộ, bao dung...

Đến với lễ hội, người ta được thụ hưởng cái vui, không khí tưng bừng, nô nức, náo nhiệt của các điệu nhạc, điệu múa, các trò chơi dân gian đem đến cho tâm hồn con người cảm giác sảng khoái, thỏa mãn. Những giây phút như thế đáng quý biết bao trong cuộc sống xô bồ, hối hả này, giúp con người giải tỏa căng thẳng, cân bằng lại cuộc sống, thêm niềm tin, hứng khởi vào cuộc đời.

Giá trị đối với văn hóa Việt Nam

Thứ nhất, lễ hội Phật giáo góp phần làm phong phú, tạo nên nét đặc sắc của Văn hóa Việt Nam.

Phật giáo là khởi nguồn cho vô số lễ hội của Việt Nam mà mỗi một lễ hội đều là một bảo tàng văn hóa dân tộc. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, bản thân nó là một kho lịch sử khổng lồ, tích tụ vô số những lớp phù sa văn hóa, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, chứa đựng các giá trị tinh thần sâu sắc.

Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì. Viết về vấn đề này, tác giả Đinh Kiều Nga từng nhận định trong một nghiên cứu của mình: Tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hóa các dân tộc được bảo tồn. Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tín ngưỡng, tôn giáo đã tô đượm cho văn hóa dân tộc nhiều sắc màu. Nhắc đến văn hóa thủ đô ngàn năm văn hiến không thể bỏ qua những biểu tượng Phật giáo như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ,... với các lễ hội được tổ chức thường niên, là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thứ hai, Giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng.

Giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của một lễ hội nói chung là tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng. Mọi lễ hội dù ở thể loại phân chia nào: lễ hội liên quan đến nội dung nghề nghiệp, lễ hội liên quan đến nội dung liên quan đến vòng đời hay lễ hội mang nội dung liên quan đến tôn giáo... thì cũng đều là sinh hoạt của một cộng đồng người để biểu dương sức mạnh cộng đồng, tạo nên "sự cộng mệnh, cộng cảm và tính cố kết cộng đồng (cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng gia tộc, cộng đồng địa phương hay quốc gia, cộng đồng tôn giáo.

Trong phạm vi hẹp, lễ hội Phật giáo là dịp lớn để cố kết cộng đồng những người cùng tôn giáo (Phật giáo), họ là những người phật tử ở khắp mọi nơi, cùng quy tụ về một lễ hội, cùng nhau thực hành một nghi lễ, cùng nhau tụng một bài kinh niệm Phật, cùng nhau ôn lại những lời dạy của đức Phật từ bi,... Cộng đồng tín đồ Phật giáo được cố kết thêm, làm tăng thêm sức mạnh của tình đoàn kết để sát cánh cùng nhau thực hiện mục tiêu lớn "Đạo pháp, Dân tộc".

Trong phạm vi lớn hơn, lễ hội Phật giáo còn là dịp cố kết cộng đồng không chỉ trong phạm vi cộng đồng tôn giáo mà là cộng đồng địa phương, cộng đồng dân tộc. Như đã phân tích ở trên, thành phần tham gia lễ hội Phật giáo ngoài những người là phật tử một cách rõ ràng còn có một số lượng lớn người dân không phải là tín đồ Phật giáo theo nghĩa đó (mặc dù phần lớn người Việt Nam đều có ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo).

Đến với lễ hội, cùng thắp nén nhang lên bàn thờ Phật, cùng nhau tham gia những trò chơi dân gian, cùng đắm mình vào cảnh đẹp của quê hương đất nước. Mọi người không phân biệt địa phương, vùng miền như gần nhau hơn, tình đoàn kết như được thắt chặt hơn, tình người ấm áp hơn. Đây là những dịp có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ở phạm vi lớn hơn nữa, lễ hội Phật giáo còn là dịp để củng cố sức mạnh cộng đồng trên phạm vi xuyên quốc gia.

Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc là một sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc tế. Việt Nam chúng ta cũng đã đăng cai tổ chức ba lần (2008, 2014, 2019) với sự tham dự của đông đảo bạn bè quốc tế đến từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ có Phật giáo. Đây không còn chỉ là dịp lễ hội mang tính chất tôn giáo mà còn là dịp để tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ngày nay, trong điều kiện xã hội hiện đại với những biến đổi mạnh mẽ, gấp gáp của cuộc sống hiện đại, con người ngày càng khẳng định tính cá nhân của mình nhưng không vì thế mà cái cộng đồng mất đi, mà nó chỉ biến đổi sắc thái, phạm vi, người Việt Nam vẫn phải nương tựa vào cộng đồng, có nhu cầu cố kết cộng đồng. Trong bối cảnh đó, lễ hội Phật giáo vẫn giữ nguyên giá trị của mình.

Thứ ba, lễ hội Phật giáo góp phần bảo lưu, gìn giữ, bồi đắp thêm cho những giá trị văn hóa truyền thống

Cấu trúc của lễ hội Phật giáo gồm hai phần: Phần lễ và phần hội, mỗi phần có chức năng và đặc trưng riêng nhưng hòa hợp lại thành một lễ hội Phật giáo hoàn chỉnh. Xét theo chiều ngang của cấu trúc, trong các lễ hội Phật giáo hiện nay đều có chứa đựng đan xen rất nhiều các yếu tố của văn hóa, tín ngưỡng bản địa, đây là kết quả tất yếu của hai quá trình diễn ra song song từ lâu trong lịch sử: Quá trình bản địa hóa Phật giáo của văn hóa Việt Nam và quá trình hội nhập văn hóa bản địa của Phật giáo. Xét theo chiều dọc của thời gian, lễ hội Phật giáo ngày nay có sự đan xen nhiều các yếu tố của cuộc sống hiện đại.

Phật giáo là khởi nguồn của rất nhiều lễ hội ở Việt Nam, các lễ hội Phật giáo là một phần không thể thiếu, là bông hoa rực rỡ nhất của Phật giáo, cũng là một phần không nhỏ của văn hóa Việt Nam, giữ vai trò gìn giữ những giá trị truyền thống, góp phần bảo lưu bản sắc văn hóa Việt Nam.

3. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lễ hội Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đồng hành với các cấp chính quyền nhà nước trong việc quản lý và tổ chức lễ hội bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là đơn vị trực tiếp tổ chức các lễ hội Phật giáo. Đội ngũ tu sĩ là các tăng, ni chính là những người hướng dẫn người dân tham gia lễ hội Phật giáo.

Chính vì vậy, trong mọi hoạt động Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự quan tâm sát sao, chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng lễ hội, quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội sao cho tất cả đều phải đúng với tinh thần phật pháp, với giáo lý của nhà Phật.

Chỉ có như vậy, các lễ hội Phật giáo mới phát huy được vai trò của mình, phát huy được những giá trị của mình.

Hơn nữa, lễ hội Phật giáo có những đặc trưng riêng (như đã phân tích ở chương 2) để phân biệt với các loại hình lễ hội khác hay để phân biệt với lễ hội của các tôn giáo khác, chính vì vậy gìn giữ những đặc trưng của lễ hội Phật giáo chính là gìn giữ văn hóa Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ những đặc trưng của lễ hội Phật giáo, phải làm sao để mỗi lễ hội Phật giáo không bị lai căng, biến tướng bởi các yếu tố khác.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể để tuyên truyền đến các tín đồ của mình về giáo lý Phật giáo, về những quy tắc ứng xử trong lễ hội Phật giáo, để từ đó họ là những tấm gương để lan tỏa ra cộng đồng về ý thức, về giá trị thực sự của các lễ hội Phật giáo.

Các lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng mà nó vốn có, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này.

Việc nâng cao nhận thức và ý thức của người dân một mặt làm trong sạch, làm đẹp hơn những lễ hội Phật giáo nói riêng, lễ hội truyền thống nói chung. Một mặt làm tăng giá trị và ý thức giữ gìn các giá trị của lễ hội. Bởi khi người dân nhận thức được giá trị của lễ hội, bản thân họ - những người là chủ thể hưởng thụ các giá trị đó sẽ làm cho các giá trị đó được trao truyền cho các thế hệ mai sau. Cần có những biện pháp nhằm khai thác các giá trị văn hóa của lễ hội Phật giáo để không những chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa đó mà còn phát huy, tạo thành nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước

Trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau như: những biến đổi của nền kinh tế; sự quản lý chưa chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền; nhận thức, ý thức của người dân còn chưa cao... nên lễ hội Việt Nam nói chung, lễ hội Phật giáo nói riêng đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ, đặt ra nhiều vấn đề có nguy cơ làm mất đi giá trị văn hóa đáng quý của lễ hội như: sự biến đổi cấu trúc của lễ hội, chiều hướng thương mại hóa lễ hội, nguy cơ gia tăng các hiện tượng mê tín, biến tướng, lai căng các hoạt động ý nghĩa của Phật giáo... Trước tình hình đó cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế, giải quyết những vấn đề tồn đọng để bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội Phật giáo nói riêng, lễ hội Việt Nam nói chung, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Kết luận

Môi trường của lễ hội truyền thống Việt Nam nói chung, lễ hội Phật giáo nói riêng về cơ bản vẫn là làng xã Việt Nam, gắn với ngôi chùa - trung tâm Phật giáo mà làng nào hầu như cũng có, đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã.

Mỗi lễ hội Phật giáo diễn ra, trong đó có sự hội nhập mạnh mẽ của văn hóa Phật giáo với các yếu tố văn hóa dân gian bản địa là một môi trường thuận lợi mà ở đó, các yếu tố văn hóa truyền thống không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, bảo tồn, phát huy.

Lễ hội Phật giáo với sức cuốn hút, lôi cuốn mạnh mẽ đã trở thành nhu cầu, khát vọng của người dân cần được đáp ứng và thỏa nguyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp trong phục hồi và phát huy lễ hội thì hiện nay, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, các lễ hội Phật giáo vẫn còn không ít những vấn đề bất cập đặt ra đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Phật giáo nói chung: sự biến đổi trong cấu trúc của lễ hội, chiều hướng thương mại hóa lễ hội, gia tăng các yếu tố dị đoan, biến tướng các hoạt động trong lễ hội... Muốn bảo tồn, phát huy tối đa các giá trị văn hóa của Phật giáo, chúng ta cần khắc phục triệt để những hạn chế đó.

Tuy nhiên đây không phải là công việc mà cá nhân, tổ chức nào có thể đơn phương làm được mà nó cần có sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội với sự thực hiện đồng bộ các giải pháp. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Phật giáo trong giai đoạn hiện nay đặc biệt có ý nghĩa quan trọng. Bởi với lịch sử hơn hai nghìn năm có mặt trên đất Việt, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường của lịch sử.

Trong xu thế hội nhập thế giới sâu rộng như hiện nay, các quốc gia, dân tộc trên thế giới muốn đứng vững luôn phải khẳng định bản sắc dân tộc mình, để "hội nhập chứ không hòa tan", Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Bản sắc văn hóa Việt Nam đã được khẳng định trường tồn từ bao đời nay và điều đó không thể phủ nhận vai trò rất lớn của Phật giáo. Phật giáo đã đang và sẽ tiếp tục tận tụy đồng hành cùng dân tộc trên mọi nẻo đường dù khó khăn, gian khổ, chông gai.

Tác giả: Th.s Nguyễn Thị Huệ

Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Chí Bền, Trần Lâm Biền (Tuyển chọn) (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc.
2. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam. Nxb Hà Nội.
4. Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Quốc Tuấn (2008), Phật giáo với văn hóa – xã hội Việt Nam thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội.
5. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) (1994), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội.
6. Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên) (2004), Lễ hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
7. Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
8. Quý Long, Kim Thư (sưu tầm và hệ thống) (2012), Tìm hiểu văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam, Nxb Lao Động.
9. Nguyễn Văn Mạnh (2002), "Giá trị của lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại", Tạp chí Văn hóa dân gian số 2
10. Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội
11. Nhiều tác giả (2013), Văn hóa Việt Nam hỏi và đáp, Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
12. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
13. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích: 

[1] Nhiều tác giả (2013), Văn hóa Việt Nam hỏi và đáp, Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, trang 197

[2] Vũ Kim Yến (biên sạn) (2015), Văn hóa làng Việt Nam qua lễ hội truyền thống, Nxb Văn hóa - Thông tin, trang 8

[3] Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, trang 106

[4] Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, trang 109

[5] Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang 522