Tác giả: Cát Khánh
Danshig Naadam là một lễ hội tôn giáo văn hóa lớn nhất ở Mông Cổ, tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 8 hàng năm, Danshig Naadam thể hiện tầm quan trọng của tôn giáo và ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân Mông Cổ.
Ngoài sự đa dạng về nghi lễ Phật giáo, những người tham gia còn có thể thưởng thức, trải nghiệm phong phú về các cuộc thi Biện kinh, làm Toma, Mandala … giữa các nhà sư. Tín đồ và quần chúng tham gia các hoạt động đua ngựa, đấu vật, bắn cung đã làm cho lễ hội có tính quần chúng và yếu tố văn hóa rất sâu đậm..
Naadam là lễ hội quốc gia được tổ chức hàng năm trên khắp Mông Cổ, tập trung vào ba môn truyền thống: Đua ngựa, đấu vật và bắn cung.
Naadam của Mông Cổ có mối liên hệ không thể tách rời với nền văn minh du mục của người Mông Cổ, những người đã thực hành chăn nuôi gia súc từ nhiều thế kỷ trên thảo nguyên rộng lớn của Trung Á.
Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất, kéo dài nhất của người Mông Cổ, có niên đại hơn 800 năm kể từ thời Thành Cát Tư Hãn năm 1206.
Lễ hội Naadam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.
Danshig Naadam không chỉ là một Naadam mà còn là nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng tập hợp lại với nhau để thảo luận các vấn đề quốc gia. Cùng với các cuộc thi bắn cung, đua ngựa và đấu vật còn có sự tập trung mạnh mẽ vào lịch sử và thực hành Phật giáo ở Mông Cổ.
Năm 1639, vào năm Kỷ Mão, Lễ hội Danshig đầu tiên được tổ chức tại Hồ Shireet Tsagaan để giới thiệu vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Mông Cổ - ngài Zanabazar, cũng là con cháu của Thành Cát Tư Hãn.
Năm 2015, Danshig Naadam được tổ chức lần đầu tiên sau 93 năm thống nhất nhà nước Mông Cổ. Sự hồi sinh của Danshig Naadam bởi chính quyền thành phố Ulaanbaatar và Tu viện Gandantegchinlen nhằm giới thiệu lại các khía cạnh tôn giáo của Naadam bằng cách đưa vào một số buổi biểu diễn và sự kiện tiêu biểu nhằm nêu bật ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người và văn hóa của Mông Cổ.
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội Danshig Naadam là nghi lễ Tsam Kharaik được du nhập vào Mông Cổ từ Tây Tạng thế kỷ 18, Người Mông Cổ đã dung hòa và thay đổi các quy tắc của Tsam và biến nó thành một truyền thống độc đáo.
Buổi biểu diễn Tsam đầu tiên ở Mông Cổ được thực hiện tại tu viện Erdene-Zuu vào năm 1786. Tsam là sự kết hợp hoàn hảo giữa ca hát, khiêu vũ, âm nhạc, nghệ thuật trang trí và nghệ thuật dân gian chứa đựng nhiều loại chủ đề nghi lễ khác nhau, thực hiện các chuyển động khác nhau của tay, chân và cơ thể.
Khoảng 60 lạt ma đeo mặt nạ nhảy múa theo các quy tắc nghiêm ngặt của tsam, mỗi chuyển động của Tsam là một cử chỉ để xua đuổi vận rủi và có những ý nghĩa khác nhau của nghi lễ, việc này đòi hỏi nhiều tháng chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của các lạt ma cao cấp có kinh nghiệm, những vị này phải thực hành một chế độ nghiêm ngặt trước 4 ngày thực hiện nghi lễ, họ sẽ có 3 ngày cho nghi lễ tôn giáo của giáo hội và một ngày cho công chúng.
Những bộ trang phục bằng gấm lụa đủ sắc màu được thiết kế công phu, tay áo rộng hình tam giác, chiếc đầu lớn bằng giấy bột, những đồ pháp khí bằng xương, đồng và đá quý, đôi ủng mũi cá sấu tạo thêm hiệu ứng cho các động tác vũ đạo uyển chuyển, mạnh mẽ, thực sự rất thú vị bên cạnh ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của nó. Hàng nghìn giai điệu và vũ điệu oai nghiêm khác nhau diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của chư Phật, pháp tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi, điều phục những phiền não tiêu cực bằng tính không.
Người Mông Cổ tin rằng nếu một người tham dự Tsam và người đó sẽ được thúc đẩy hoặc truyền cảm hứng để loại bỏ năm phiền não tinh thần như tham, sân, si, kiêu ngạo và ghen tị. Hơn nữa, nếu một người tham dự Tsam với lòng thành kính lớn lao, thì sẽ có vô số lợi ích có thể xảy ra và thay đổi cuộc đời của mỗi một con người.
Tham gia vào các cuộc biểu diễn Tsam, ngay cả khi bạn không phải là tín đồ thực sự của tôn giáo, bạn sẽ bị quyến rũ bởi những nghi lễ và sự kiện chỉ có ở Mông Cổ.
Lễ cúng dường Mandala tại Lễ hội Danshig thường diễn ra vào ngày thứ 2 của lễ hội để vinh danh Đức Pháp Vương Zanabazar.
Mandala tiếng Tây Tạng có nghĩa là tinh hoa. Có hơn ba mươi loại cúng dường Mandala khác nhau trong nghi lễ Phật giáo. Người cúng dường Mandala sẽ cầm trong tay ngũ cốc, đá quý hoặc khăn cát tường với tâm thế thanh tịnh nhất bày tỏ sự sẵn sàng dâng cúng tất cả mọi thứ trên thế giới để thọ nhận giáo pháp, một hành trì tịnh hóa, chuyển hóa những hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực.
Phần độc đáo của Danshig Naadam Khuree Tsam là sự hiện diện cao quý của Đức Kim Cương Thủ vị Bồ tát biểu trưng cho uy dũng và sức mạnh vô song, được cho là người bảo hộ đặc biệt cho Mông Cổ. Bức tranh Phật giáo Thangka khổng lồ tượng trưng cho vị thần tối cao Vajrapani (Kim Cương Thủ Bồ Tát) được trưng bày ở cuối phía nam của quảng trường lễ hội. Ông được mệnh danh là Bậc thầy của những bí ẩn không thể dò được, Bậc Chiến Thắng siêu việt, là phương tiện đạt tới quyết tâm mạnh mẽ, là biểu tượng cho hiệu quả không ngừng trong việc chinh phục cái xấu và chuyển hóa nó thành con đường của hoàn thiện tâm linh.
Không thể bỏ qua nghi lễ Sor Zalakh khi tham dự Danshig Naadam, Sor Zalakh nghĩa là cúng dường bằng một nghi lễ lửa để xin tiêu trừ các ác nghiệp và chướng ngại, loại bỏ mọi ảnh hưởng xấu, bệnh truyền nhiễm và các hiện tượng tiêu cực. Những người theo đạo Phật Mông Cổ rất tin tưởng vào sức mạnh của nghi lễ này. Họ tin rằng những ác nghiệp, chướng ngại đã được tích lũy từ vô thủy kiếp thông qua nghi lễ cúng dường lửa và nhờ thần lực của Mandala và chư Phật để tịnh hoá các nghiệp chướng ấy.
Một cuộc thi thú vị giữa các Lạt ma trong Danshig Naadam là cuộc thi Balin – tạo Torma cúng dường, Balin là lúa mạch được chuẩn bị trước để tạo hình và nó là thức ăn đặc biệt dành cho các vị thần.
Balin tiếng Mông Cổ hay Torma tiếng Tạng nghĩa là ta dâng tặng ai đó món đồ gì đó với tất cả tình yêu thương. Sau khi tạo hình theo từng vị Phật khác nhau, Balin hay Torma được đặt trên bàn thờ, đây là một cách thể hiện thức ăn được phục vụ đặc biệt và dành riêng cho chư Phật. Trong sự thực hành hạnh bố thí, Torma sử dụng trong các nghi lễ thực hành của Phật Giáo Kim Cương Thừa như một phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức, thực hành hạnh xả bỏ. Tại Danshig Naadam các lạt ma thể hiện tay nghề cao và thực hành tạo Torma như một sự thiền động, quán quân xuất sắc luôn là niềm tự hào không chỉ với vị Lạt ma đó mà còn là niềm tự hào của cả một tu viện.
Cuộc thi biện kinh của các lạt ma bằng cả tiếng Tây Tạng và tiếng Mông Cổ tranh luận về logic Phật giáo là những khoảnh khắc đáng nhớ và không thể bỏ qua của lễ hội.
Tình yêu thể thao của người Mông Cổ luôn rất lớn. Mặc dù người Mông Cổ không tham gia nhiều loại hình thể thao khác nhau, nhưng những môn thể thao mà họ tham gia thi đấu tại lễ hội đều tham gia một cách say mê. Đấu vật Mông Cổ (Бөх hoặc Bökh), một trong ba môn thể thao diễn ra trong Lễ hội Naadam còn được gọi là “Ba trò chơi của quý ông” là môn thể thao phổ biến nhất ở Mông Cổ.
Đấu vật Mông Cổ là môn thể thao tiếp xúc hoàn toàn được chơi ở khu vực ngoài trời trên bãi cỏ vào mùa hè, tại các sân vận động trong nhà vào mùa đông. Không có phân loại dựa trên tuổi tác hoặc cân nặng, và tất cả các đô vật đều thi đấu dưới cùng một hạng mục. Mục tiêu của đấu vật là buộc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đối thủ ngoại trừ lòng bàn tay chạm đất.
Người Mông Cổ là dân tộc du mục, họ sống gần gũi với thiên nhiên và động vật. Lối sống này dẫn đến Một sự thật thú vị và lâu đời là các đô vật chỉ có thể đạt được thứ hạng trong Naadam. Mỗi khu vực đều tôn vinh Naadam nhỏ và có quyền xếp hạng khu vực cho các đô vật. Ở National Naadam, các đô vật bắt đầu xếp hạng từ hiệp thứ 6. Các hạng bao gồm Chim ưng (vòng 6), Diều hâu (vòng 7), Voi (vòng 8), Garuda (vòng 9) và Sư tử cho người chiến thắng National Naadam. Bạn phải giành chiến thắng trong giải đấu ít nhất hai lần ở Naadam để giành được thứ hạng Titan.
Các đô vật bắt chước chim thần Garuda bằng cách giơ hai tay lên cao làm đôi cánh trước trận đấu và sau mỗi trận thắng. Người thua cuộc trong một trận đấu đi dưới “đôi cánh” của người chiến thắng trong điệu múa Garuda.
Ấn tượng nhất chắc chắn là màn đua ngựa, những con ngựa trên 5 tuổi sẽ được tham gia cuộc đua ở Danshig Naadam. Những con ngựa khỏe mạnh được thuần hóa huấn luyện kỹ lưỡng, không chỉ là những gia súc giúp việc chăn nuôi cho sữa mà còn là những người bạn trên thảo nguyên, người Mông Cổ và những người theo đạo Phật coi đây là phước lành. Số cuộc đua của Jockey kid là 108, được coi là con số thiêng liêng và có ý nghĩa trong Phật giáo. Người Mông Cổ và những người theo đạo Phật chấp nhận tất cả những con số và dịp này như một cách Phước lành và Tốt lành trong Lễ hội Danshig.
Người Mông Cổ gần như được sinh ra với kỹ năng bắn cung, một phần không thể thiếu trong lối sống du mục. Ngay từ khi còn nhỏ, những phẩm chất như thị lực hoàn hảo, khả năng đo lường, sự kiên nhẫn và sức mạnh đã được nuôi dưỡng để phát triển thành một cung thủ giỏi. Cung của người Mông Cổ là loại cung rất chặt nên cần có sức mạnh thuần túy để kéo căng nó ra. Theo quy định, một số đội cung thủ thi đấu. Mỗi đội gồm 5-7 cung thủ phải bắn trúng 33 viên đạn bằng da từ khoảng cách 75 mét, ngày nay các nữ cung thủ tham gia thi đấu với các thành tích đáng kính nể.
Chỉ một ngày trước khi Lễ hội Naadam chính thức bắt đầu, Deeltei Mongol Naadam-Mông Cổ trong Lễ hội Trang phục Dân tộc được tổ chức hàng năm tại quảng trường trung tâm của Ulaanbaatar và mang đến cho bạn cơ hội gặp gỡ mọi người với rất nhiều trang phục truyền thống của Mông Cổ được trưng bày.
Mỗi nhóm trong số nhiều nhóm dân tộc khác nhau của Mông Cổ phải mặc quần áo với thiết kế và phong cách đặc trưng thể hiện ý nghĩa tượng trưng của riêng họ. Câu ngạn ngữ Mông Cổ *Quần áo là Thượng đế, Cơ thể là Ác ma* xuất phát từ lời khuyên mang tính đạo đức cao cả rằng trang phục, cách trang trí của nó phải phù hợp với con người và được lựa chọn theo sở thích.
Trong nhiều thập kỷ, lễ hội đã chuyển từ huấn luyện quân sự trong thời Thành Cát Tư Hãn thành một ngày lễ quốc gia và lễ kỷ niệm độc lập
Nation Naadam và Danshig Naadam có mối liên hệ sâu sắc với người dân Mông Cổ. Đó là thời điểm họ tôn vinh tổ tiên, truyền thống và di sản độc đáo của họ. Không có lễ hội nào khác trên thế giới giống như lễ hội Naadam. Cũng giống như không có người nào khác trên thế giới giống như người Mông Cổ.
Chính bởi những đóng góp to lớn trên mà sự hồi sinh của Danshig Naadam giúp người Mông Cổ không bị lãng quên và đánh mất di sản văn hóa vô giá của dân tộc mình.
Tác giả: Cát Khánh
Bình luận (0)