Trang chủ Văn hóa Giới thiệu mười ca khúc lễ hội ở chùa xã Phúc Chỉ do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị ghi chép lại

Giới thiệu mười ca khúc lễ hội ở chùa xã Phúc Chỉ do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị ghi chép lại

Vệc tổ chức lễ hội cũng như các nghi thức hội tại chùa Phúc Chỉ sau năm 1945 bị gián đoạn do chiến tranh và tình hình kinh tế đất nước khó khăn. Khoảng đến năm 1981 thì lễ hội được tổ chức lại cho đến nay, xong nghi thức ca kệ chúc tụng Thánh “hát bàn tơ” hay còn gọi là “chầu kệ Thánh” không còn được duy trì.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Vệc tổ chức lễ hội cũng như các nghi thức hội tại chùa Phúc Chỉ sau năm 1945 bị gián đoạn do chiến tranh và tình hình kinh tế đất nước khó khăn. Khoảng đến năm 1981 thì lễ hội được tổ chức lại cho đến nay, xong nghi thức ca kệ chúc tụng Thánh “hát bàn tơ” hay còn gọi là “chầu kệ Thánh” không còn được duy trì.

Nhóm khảo sát di tích Tam Thánh Tổ(1)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Lời cám ơn:

Xin cám ơn thầy trụ trì và người quản lý chùa Phúc Chỉ đã cung cấp cho nhóm khảo sát văn bản Nôm quý giá này.

A. Giới thiệu

Chùa Phúc Chỉ tên chữ là Sùng Nghiêm tự, thuộc thôn Phúc Chỉ, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định. Vùng đất này vốn là thái ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đời Trần, là người có công khai khẩn vùng đất Phúc Chỉ từ xa xưa, sau này dinh thự chuyển thành chùa tương tự chùa Liên Phái vốn là tư dinh của tổ Như Trừng Lân Giác (Trịnh Thập) vậy.

Theo truyền thuyết thì về cuối đời Trần Nhật Duật trở về tu ở chùa này, thông tin này là có cơ sở vì vua và quý tộc nhà Trần có nhiều lương duyên với Phật giáo, không kể Phật Hoàng Trần Nhân Tông tổ thiền phái Trúc Lâm thì vua Trần Thái Tông cũng là một tác gia nổi tiếng của Phật giáo từng đòi bỏ ngôi vua lên chùa Yên Tử tu cùng người bạn là quốc sư Phù Vân, đặc biệt là trường hợp Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng từng cầm quân chống quân Nguyên như Trần Nhật Duật.

Sau khi kháng chiến thành công ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang để theo đuổi nghiệp thiền.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 3

Ảnh 1 : Cổng chùa Phúc Chỉ. Nguồn: Trần Trung Hiếu.

Văn bản “Mười ca khúc lễ hội Phúc Chỉ” này nhóm chúng tôi sưu tầm được ở chùa Phúc Chỉ, theo nội dung ghi trong văn bản thì do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị (1805-1884) sao chép và biên tập lại. Mười ca khúc này chính là những khúc hát trong lễ hội thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Phạm Văn Nghị có viết ở trang đầu rằng tương truyền ca từ do chính Trần Nhật Duật sáng tác.

Chúng tôi xin giới thiệu văn bản quý này để góp phần tìm hiểu lịch sử Phật giáo và mối quan hệ giữa Phật giáo với văn hóa và lịch sử dân tộc.

Phần dịch nguyên bản chữ Hán và phiên âm chữ Nôm:

Ca khúc có mười bài, tương truyền do quan Thái tử Thái bảo triều Trần trụ trì tại chùa xã Phúc Chỉ làm ra. Được lấy làm bài ca xướng cho nhi đồng vào những ngày hội thánh, tục gọi là Hát Giai (Trai), mỗi năm đến ngày hội, chọn trong xã ra 15 em nhi đồng chia thành ba hàng, đứng ở chỗ cao, cứ theo thứ tự các bài mà hát lên.

Các ca khúc này được chép ra nhân lúc nhàn rỗi. Bởi vì thời thế đổi thay, ta(2) sợ rằng ngôn từ của bài hát mỗi ngày mỗi sai lệch, do vậy ta tự tay biên tập lại để truyền cho đời sau.

KỲ NHẤT
Nay mừng mưa thuận gió hòa
Bốn phương bể lặng một nhà yên vui
Chúng con nhớ mãi ơn người
Mở mang thôn ấp đời đời để cho
Mở mang thôn ấp để cho
Đàn con lũ cháu bao giờ dám quên
Bao giờ dám quên.

KỲ NHỊ
Buổi ấy nơi đây một mạn rừng
Đêm ngày cây cối tối như bưng
Chòm cao hái quả dăm đôi vượn
Bờ thấp bay vòng(3) mấy bụi(4) ong
Vắng vẻ ai hay tiều có lối
Ngại ngùng nào biết gió thêm(5) trăng
Nơi đây tạo hóa chờ ta đó
Ta dựng am thanh lánh bụi hồng

KỲ TAM
Am thanh ta lánh bụi hồng
Bụi hồng mấy độ mơ mòng chửa quên
Khói lang ngoài ải bốc lên
Ống tên bao kiếm đeo liền bên hông
Lên yên nào hàng tây đông(6)
Bắc nam khắp cõi hang cùng bể xa
Tử sinh chẳng ngại xông pha
Giữ gìn non nước của nhà ta thôi
Sương phai mái tóc nửa đời
Vui nơi vườn ruộng ngắm trời trong xanh
Tham chi cái bả lợi danh
Tự ưa ngày tháng thênh thang cửa thiền

KỲ TỨ
Thênh thang ngày tháng cửa thiền
Lợi danh thây kẻ đua chen ngoài đời
Tiểu đồng vài đứa vui chơi
Trà trưa rượu tối nguyệt rơi bên thềm
Thông reo gió thoảng trăng đêm
Nhác trông Phật tới sơn môn, giật mình
Niết bàn nẻo thật hữu tình
Có công tu luyện cho thành ngại chi
Đằng vân giá vũ có khi
Thần thông biến hóa ai thì hơn ta

KỲ NGŨ
Ai thì biến hóa hơn ta
Đi về chẳng ngại quan hà cách ngăn
Đào hồng mai trắng thêm xuân
Cháu con lui tới trước sân hiếu hòa
Canh nông chớ có buông ra
Nhờ trời mưa thuận gió hòa luôn luôn
Lúa ngô đầy lẫm mới nên
Lợn gà(7) chuồng chật(8) chẳng phiền lụy ai
Dầu rằng tế thế đa tài
Dù che ngựa cưỡi chắc ngài có vui

KỲ LỤC
Dù che ngựa cưỡi có vui
Vinh hoa kiếp kiếp ở nơi miếu đường
Mà chẳng có nỗi tang thương
Thời ta đâu lại tìm đường tháo lui
Ruộng vườn cày cấy ăn chơi
Nay lên trèo núi mai bơi ngắm đầm
Bốn mùa đông lại sang xuân
Luống dâu xanh lá nong tằm thố(9) tơ
Khua chuông gọi tỉnh giấc mơ
Thắp đèn lạy đức Phật Bà Quan Âm
Để cho khuây khỏa lòng trần
Cao xanh chắc có chứng tâm tu trì

KỲ THẤT
Cao xanh có chứng tu trì
Giúp tôi địa lợi thiên thì cho dân
Của tôi tôi cũng không cần
Cho người nguy khó vui phần canh nông
Mở đường phương tiện hanh thông
Xúm nhau mé bếp khói lồng tán cây
Nhà êm trong lũy tre dầy
Rượu say trên tiệc giãi bày lòng ngay
Dưới trăng nhảy gạo(10) đêm nay
Đem lời tâm phúc đính dây tơ hồng
Tình hương lý, lẽ vợ chồng
Thề cùng non bể chữ đồng dài lâu
Thân thêm thân nữa mấy nhau
Dầu cho tang hải nữa đâu biến dời
Từ lâu mong có thế thôi

KỲ BÁT
Từ lâu mong có thế thôi
Phong trần danh lợi ngoài đời thiết chi
Chỉ làm điền tổ cõi này
Cũng là sư tổ trụ trì chùa đây
Trước nhầm nay cũng đã hay
Từ nay vui thú am mây quê nhà
Gậy tre thong thả vào ra
Cháu con quấn quýt cỏ hoa chào mời
Cạnh tranh mưu chước chán rồi

KỲ CỬU
Phù hoa thế cuộc chán rồi
Ra thăm vườn ruộng cầu trời gió mưa
Cấy cày ra sức sớm trưa
Để dành tiêu sẻn phòng ngừa nhỡ khi.
Thấy nghèo chớ có khinh khi
Thấy giàu chớ có gối quỳ(11) mới nên
Khiêm nhường là đạo người trên
Kính người người lại kính liền đến ta
Ngông nghênh theo thói quyền gia.
Quyền gia cùng mấy(12) quan gia một loài
Ắt là mang lấy họa tai
Tác oai tác phúc có ai thực lòng.
Giữ gìn mỹ tục thuần phong
Tối trời tắt lửa vui cùng hương thôn
Vui cùng hương thôn
Vui cùng hương thôn

KỲ THẬP
Tối trời tắt lửa vui cùng hương thôn
Ngạn ngôn thần dạy chúng con
Chúng con xin nhớ không quên ở lòng
Cỏ hoa mười mẫu bên trong
Ruộng vườn ngàn mẫu quây vòng chung quanh
Chẳng màng phù thế lợi danh
Thăng trầm ít nỗi bận mình khốn ai
Nhớ rằng kỵ chạp thiết trai
Kiệm cần ăn ở dám sai lời nguyền
Khói hương nghi ngút lưu truyền
Con con cháu cháu miên diên đời đời
Mở mang nối tiếp lâu dài
Mở mang nối tiếp lâu dài

===
Kính xét:

Bản này ta có được vốn là thủ bút của tiến sĩ họ Vũ, bởi viết tay nên có chỗ còn mơ hồ chưa rõ chữ. Đối chiếu với lời hát truyền khẩu thì có những chỗ sai khác, tuy nhiên xem qua mười bài không ít thì nhiều cũng biết được sự việc quan Thái bảo lúc sinh thời đã khai phá lập ra xã Phúc Chỉ như thế nào.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 4

Ảnh 2: Toàn cảnh chùa Phúc Chỉ. Nguồn: Trần Trung Hiếu

Chú thích(13):

Vũ Huy Trác là người xã Lộng Điền, đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1753) , đến triều vua Lê Cảnh Hưng thì đỗ đệ tam giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772). Làm quan đến chức Lễ Bộ Tả Thị Lang. Khi triều Lê mất, ông về nhà dưỡng lão, từng sáng tác Nam Giang Lão Phố tập, cộng hơn hai trăm bài thơ, đều là thơ Nôm, đến nay(14) vẫn còn.

Năm Tự Đức thứ 28, ngày tốt tháng mùa thu. Nam Định Tam đăng nguyên giữ chức Thị Giảng Học Sĩ, chủ nhân Liên Động là Phạm Nghĩa Trai(15) kính cẩn ghi chép.

B. Phần khảo cứu văn bản và tác giả:

– Văn bản chỉ là một bản photocopy lại, kích thước khoảng 14cmx18cm gồm 20 trang, mỗi trang khoảng 7 dòng, mỗi dòng khoảng 14 chữ. Chữ viết có khả năng là thủ bút của Tam Đăng Phạm Văn Nghị, thấy chữ không đẹp lắm đối với một vị đỗ đạt đại khoa nhưng cũng rõ ràng dễ đọc. Tuy nhiên cũng có thể là người đời sau chép lại, nhưng chép trung thực y như bản cũ, kể cả các chỗ xuống dòng ngắt câu, vì việc ngắt câu liên quan tới nhạc điệu của khúc hát nên không thể thay đổi tùy tiện được.

Do bản photocopy nhiều chỗ mờ nên có người sau đã bỏ công tô lại, có lẽ sử dụng bút dạ thời nay nên nhiều nét tô thấy vụng về lệch xa khỏi nét bút lông cũ.

Có ý kiến phản biện cho là văn bản mới được chép lại 50-60 năm nay thôi, nhưng quan sát bản photocopy chúng tôi phát hiện thấy có các dấu chấm cú đậu (chấm câu) ở bên cạnh hàng chữ nên ước đoán phải là văn bản thời chữ Hán Nôm còn được sử dụng trong thi cử học tập, tức đầu thế kỷ 20 về trước, khi đó việc chấm cú đậu là rất quan trọng và thịnh hành.

– Cột đầu trang đầu có chữ Liên Động viễn biên, Liên Động chính là tên hiệu của Tam Đăng Phạm Nghị còn viễn biên là biên chép từ xa, có lẽ vì Phạm Đăng Nghị lúc đó không ở quê hương (tức xã Tam Đăng, nay gộp cùng với xã Phúc Chỉ vào xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định) nên mới nói là “chép ở xa”. Tiếp sau có ghi Tự Đức nhị thập bát niên, tức sao chép vào năm Ất Hợi 1875.

– Tiếp đó Phạm Văn nghị cho biết thông tin 10 khúc ca này tương truyền do Thái tử Thái bảo đời Trần tức Trần Nhật Duật sáng tác.

– Ở trang cuối Phạm Văn Nghị cho biết đã sao chép từ một bản cũ là thủ bút của đệ tam giáp tiến sĩ đời Lê Cảnh Hưng là Vũ Huy Trác.

Sơ lược tiểu sử của Trần Nhật Duật:

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (陳日燏, 1255-1330) không những là danh tướng chống giặc Nguyên-Mông mà còn là một vị quan lớn phục vụ trải nhiều đời vua, làm quan tới bậc tể tướng, ông nổi tiếng vì học rộng, biết nhiều thứ tiếng ngoại quốc. Đây là một nhân vật hầu như ai cũng biết vì tên ông thường dùng đặt tên đường phố ở nhiều thành phố lớn, nên ở đây không cần giới thiệu nhiều, có thể xem thông tin đầy đủ ở link:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_ Nh%E1%BA%ADt_Du%E1%BA%ADt

Lưu ý link trên có thông tin liên quan tới 10 ca khúc Phúc Chỉ “Ngoài ra, ông cũng là người tinh thông âm nhạc, đã chế tác ra nhiều tiết tấu, giai điệu múa hát”.

Có tài liệu lại ghi là ông sinh ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Dần (1242) tại thôn Miễu, xã Mạt Lăng, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (quê mẹ), mất ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Dần (1314) thời vua Anh Tông, thọ 72 tuổi, mộ cũng để ở bên cạnh ngôi đền thờ hiện nay (ở địa danh trên, nay thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), xin tham khảo link_sau.

Sơ lược tiểu sử của Phạm Văn Nghị:

Phạm Văn Nghị (chữ Hán: 范文誼, 1805-1884) hiệu Nghĩa Trai; là một nhà giáo, nhà thơ và là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Pháp ở thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam, ông là người ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định).

Là con của một ông đồ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ học, nên ông lần lượt đỗ: Tú tài (1826), cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838, lúc 33 tuổi), nên được người đời gọi là Hoàng Tam Đăng. Tuy vậy ông nổi tiếng không chỉ vì đỗ đạt cao mà vì hành động đứng lên chiêu mộ nghĩa quân vào Nam chống thực dân Pháp xâm lược năm 1858, đi ngược chủ trương cầu hòa của triều đình nhà Nguyễn.

Xem tiểu sử chi tiết Phạm Văn Nghị ở link: https://vi.wikipedia.org/wiki/ Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_Ngh%E1%BB%8B

Sơ lược tiểu sử của Vũ Huy Trác:

Trong sách Phạm Văn Nghị đã có đoạn giới thiệu sơ lược về Vũ Huy Trác, có thể xem chi tiết hơn ở bài viết blog này :
http://tranmygiong.blogspot.com/2021/06/tien- si-vu-huy-trac-va-giang-nam-lao.html

Vũ Huy Trác quê xã Lộng Điền xưa khia thuộc cùng huyện Đại An với xã Phúc Chỉ. Có một thông tin đáng chú ý là Vũ Huy Trác là người đã ghi chép thông tin sự tích về Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không cho làng Tống Xá nay thuộc Thị trấn Lâm huyện lỵ Ý Yên hiện nay để thờ, vì khi đó làng đã không còn lưu được các giấy tờ sự tích và sắc phong (thông tin chúng tôi sưu tầm được từ một bản ghi chép ở đền Tống Xá).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 5

Ảnh 3: Sân chùa Phúc Chỉ. Nguồn: Trần Trung Hiếu

C. Khảo cứu về nội dung và chữ Nôm dùng trong tác phẩm:

Nội dung các ca khúc là những lời ca ngợi Trần Nhật Duật và cầu phúc lộc cho nhân dân địa phương, văn từ tương đối trôi chảy, trừ bài thứ hai dùng thể thơ bảy chữ thì còn lại đều dùng thể lục bát nên có nhịp điệu êm nhẹ, lục bát cũng là thể thơ dùng phổ biến trong lối hát nhà trò. Các câu đầu bài sau lặp lại toàn bộ hoặc một phần câu cuối bài trước tạo sự liền lạc cho cả 10 khúc hát.

Một số bài lặp lại câu cuối 1 hoặc 2 lần, có khi chỉ lặp bốn chữ chữ chứ không lặp cả câu như “bao giờ dám quên”, “vui cùng hương thôn” … tạo ra sự biến đổi nhịp điệu của các khúc hát, tránh được đặc điểm đều đều tẻ nhạt của thể thơ lục bát. Nhìn chung lối hát này gần với lối hay hát cửa đình, hát nhà trò thời xưa.

Điều phải thẳng thắn nói ngay là chữ nôm và từ ngữ trong văn bản này là chữ Nôm muộn thời Nguyễn, hầu như không còn dấu tích gì của chữ Nôm và ngôn ngữ thời Trần hay Lê. Có lẽ vì trước thời Vũ Huy Trác đứng ra ghi chép thì các ca khúc vốn được truyền khẩu trong dân gian vùng chùa Phúc Chỉ chứ chưa có sách vở gì ghi chép cả, nên chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ dân gian nên không còn giữ được các dấu vết ngôn ngữ đời Trần.

Thậm chí dựa vào việc thiếu dấu tích đời Trần người ta có quyền nghi ngờ rằng các ca khúc này vốn không phải do Trần Nhật Duật sáng tác nữa … Tuy nhiên xét việc sử sách có ghi chép việc Trần Nhật Duật thích ca vũ, giỏi âm nhạc, từng tổ chức hát xướng ngay ở nơi đóng quân, và việc đền thờ Trần Nhật Duật ở Văn Trinh, Thanh Hóa (từng là đất phong và phủ đệ của Trần Nhật Duật), cách xa với đền Phúc Chỉ ở Nam Định nhưng cũng còn lưu truyền lối hát Nhà Trò thì việc Trần Nhật Duật có sáng tác ca khúc là điều có thể tin được.

Xin xem link: https://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/le-hoi-van-trinh/142375.htm

(Trong link đó có các thông tin đáng lưu ý: “… Lối đàn ca xưa từ sinh thời Trần Nhật Duật cũng được bảo tồn để dùng trong nghi lễ thờ đức thánh Chiêu Văn…”, “…Trong ba ngày đêm lễ hội, đều có hát nhà trò trước thờ thánh…”)

Khi đã xác định Trần Nhật Duật là một tác gia thì vấn đề còn lại là có phải toàn bộ 10 ca khúc đều do Trần Nhật Duật sáng tác không, hay chỉ có một vài bài (và đã bị sửa chữa biến đổi xa với nguyên tác) ? Có cách gì nhận ra những bài đó không khi mà lớp bụi thời gian đã phủ dày và ngôn ngữ đã biến đổi nhiều như Phạm Văn Nghị từng cảm thán trong phần giới thiệu đầu sách bằng mấy chữ “Thời dị thế thù” (thời thế đã thay đổi khác biệt nhiều…). Chúng tôi để ý đến bài thứ hai viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường:

“Buổi ấy nơi đây một mạn rừng
Đêm ngày cây cối tối như bưng
Chòm cao hái quả dăm đôi vượn
Bờ thấp bay vòng mấy bụi ong
Vắng vẻ ai hay tiều có lối
Ngại ngùng nào biết gió thêm trăng
Nơi đây tạo hóa chờ ta đó
Ta dựng am thanh lánh bụi hồng”

Câu cuối tác giả xưng ta, khẩu khí hai câu cuối (và cả bài) có vẻ cao sang đặc biệt, vượt lên khỏi tầm của những kẻ thường dân, thể thơ Đường luật cũng thể hiện sự cao sang của kẻ quý tộc có học thức, khác với các bài sau dùng thể lục bát dân dã, nên bài này nhiều khả năng là chính Trần Nhật Duật sáng tác.

Chú ý là Trần Nhật Duật từng nổi tiếng tài kiêm văn võ, tên hiệu ông lại có chữ “Chiêu Văn” thế mà có điều lạ là sử sách lâu nay không thấy ghi chép một bài thơ nào của ông cả, cuốn Thơ Văn Lý Trần của nhóm tác giả Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh

… không thấy bài nào của Trần Nhật Duật, ngoài lý do nhà Minh đốt sách vở của ta khi qua xâm lược đầu thế kỷ 15 phải chăng còn có lý do là ông sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, có phần khó lưu truyền hơn chữ Hán ? Vậy nay tìm được bài này thì đáng được coi là tư liệu quý.

Xét tiếp bài thứ ba:

Khói lang ngoài ải bốc lên
Ống tên bao kiếm đeo liền bên hông
Lên yên nào hàng tây đông
Bắc nam khắp cõi hang cùng bể xa
Tử sinh chẳng ngại xông pha
Giữ gìn non nước của nhà ta thôi

Nội dung rõ ràng là nói về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông xâm lược, đó là một cuộc chiến có tính chất “tử sinh” để giữ gìn non nước, không phải chỗ cho kẻ tầm thường bịa đặt mượn lời của tướng quân Trần Nhật Duật mà viết ra được, nên chúng tôi cũng nghiêng về nhận định bài này nguyên cũng của Trần Nhật Duật, chỉ có các từ cổ nếu có thì đã bị thay thế bằng từ mới đồng nghĩa thôi.

Các bài 4, 5, 6 cũng đều xưng ta. Bài 7 xưng tôi vì là câu cầu xin với trời “Cao xanh có chứng tu trì. Giúp tôi địa lợi thiên thì cho dân”, các bài 8,9 không thấy xưng ta mà nội dung như là lời răn dạy của quan Thái Bảo do đời sau ghi lại. Chỉ có bài 1 (mở đầu) và bài 10 (kết thúc) xưng “chúng con” thì rõ ràng do người đời sau viết ra để tán tụng quan Thái Bảo.

Về từ cổ trong toàn văn bản còn một số chữ, từ hay cách nói có vẻ cổ, nhưng có thể đó là từ địa phương, chứ chưa chắc chắn là cổ nên chúng tôi chỉ ghi nhận xét ở chú thích chân trang chứ không đưa vào phần khảo chú này.

Về lối viết chữ Nôm thì như đã nói trên, văn bản dùng kiểu chữ Nôm thời Nguyễn muộn, có vài trường hợp như chữ gà viết bằng chữ ca (歌) không thêm bộ điểu, chữ vòng viết bằng chữ vong (妄) không thêm bộ kim như thường thấy ở văn bản đời Nguyễn, tức là có dấu vết của cách viết có thể xưa hơn thời Lê.

Tuy nhiên, nhiều khi văn bản mới viết vào đời Nguyễn cũng viết kiểu đó, nên nhìn chung vẫn là kiểu chữ Nôm muộn. Tạm kết luận: Trong 10 khúc ca có một số có thể tác giả khởi thảo ban đầu là Trần Nhật Duật, nhưng chắc đã bị sửa sai lệch nhiều chữ so với lời hát cổ.

D. Hội chùa Phúc Chỉ và tham khảo về hát nhà trò, hát cửa đình

Hội chùa:

Hội chùa Phúc Chỉ đến nay đã được khôi phục lại nghi thức tế và rước, xong nhiều nét đặc sắc trong hội xưa đến nay không còn được tổ chức, trong đó phải kể đến là nghi thức “hát bàn tơ”. Theo một số cụ cao niên trong làng kể lại: Hội chùa trước đây thường 3 năm tổ chức một lần, có rước kiệu, có tế. Đặc biệt trong đó có nghi lễ “Hát bàn tơ” hay còn gọi là hát “chầu kệ”.

Theo tục lệ xưa cứ sau nghi thức tế Phật, tế Thánh, các cụ bà sẽ hát “10 ca khúc chúc tụng Thánh” tại cung thờ Thánh như một hình thức “kể hạnh”, ca ngợi công lao hành trạng của Ngài về đây mở cõi khai dân mở ấp tạo nên xóm làng trù phú, dân an vật thịnh.

Như phần khảo Phần dịch chữ Hán và phiên âm chữ Nôm ở trên có nêu việc hát 10 ca khúc là do các cháu thiếu nhi hát “…mỗi năm đến ngày hội, chọn trong xã ra 15 em nhi đồng chia thành ba hàng, đứng ở chỗ cao, cứ theo thứ tự các bài mà hát lên”. Như vậy vào thời sơ khởi các ca khúc này sáng tác cho các cháu thiếu nhi ca xướng vào ngày hội chùa, và có quy định rõ ràng về thứ tự vị trí đứng hát. Về sau việc hát các khúc ca do các cụ bà thực hiện.

Sau những năm 1945 thì việc tổ chức lễ hội cũng như các nghi thức hội tại chùa Phúc Chỉ bị gián đoạn do chiến tranh và tình hình kinh tế đất nước khó khăn. Khoảng đến năm 1981 thì lễ hội được tổ chức lại cho đến nay, xong nghi thức ca kệ chúc tụng Thánh “hát bàn tơ” hay còn gọi là “chầu kệ Thánh” không còn được duy trì.

Đến nay nghi thức hát “Bàn tơ” này không còn người thực hành, đã thất truyền, chỉ một số người trong làng còn nhớ được một số câu thơ khi nói về buổi hoang sơ của ngôi làng trước khi có Thánh về lập am, khai mở cõi này, đó chính là một trong 10 khúc hát:

“Buổi ấy nơi đây một mạn rừng
Đêm ngày cây cối tối như bưng
……………………
Nơi đây tạo hóa chờ ta đó
Ta dựng am thanh lánh bụi hồng”

Đến nay, hội chùa Phúc Chỉ trong năm có hai kì hội chính: Ngày hội làng mùng 10 tháng Giêng và ngày kị Thánh Trần Nhật Duật mùng Một tháng 3. Kỷ niệm ngày Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật về đây lập nên làng nên cứ đến dịp đầu xuân dân làng Phúc Chỉ lại mở hội làng có rước kiệu, hai năm rước kiệu 1 lần.

Vào ngày hội làng nhân dân đại diện là các cửa họ: Nguyễn, Phạm, Lê… chuẩn bị lễ vật gồm: xôi xủ, xôi gà, lễ chay, và hương đăng trà quả. Rước kiệu lễ từ đình của các thôn: Phúc Chỉ và Phúc Lộc về chùa để dâng lễ tế Phật, Thánh.

Trong ngày hội, đội tế tiến các nghi thức tế Thánh rất trang nghiêm với 3 khoa tế gồm: Tế thái lão ông, tế thái lão bà và tế nữ quan. Vào dịp hội làng, trong hội xưa còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, tổ tôm, cờ người, cờ tướng…nay chỉ tổ chức các trò chơi hiện đại, giao lưu văn nghệ.

Tham khảo về hát nhà trò, hát cửa đình

Mấy dòng mô tả về lối “Hát Giai” ở đầu tập ghi chép của Phạm Văn Nghị quá sơ lược, chưa tham dự trực tiếp thì khó có thể nói gì thêm. Nhưng dựa vào việc đây là những bài hát được sử dụng trong các lễ hội truyền thống ở làng Phúc Chỉ, cụ thể là những ngày “hội thánh” thờ Trần Nhật Duật (chùa Phúc Chỉ vốn là đền thờ Trần Nhật Duật) thì có thể ước đoán nó gần với lối hát nhà trò, hát cửa đình, mà dạng phát triển về sau là hát ca trù.

Vì vậy xin giới thiệu sơ lược về lối hát nhà trò này trích từ bài của tác giả Trần Anh Tuấn (Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình), theo nội dung thì tác giả này đã dựa nhiều vào công trình nghiên cứu về ca trù của TS Nguyễn Xuân Diện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm:

“… Hát nhà trò hay còn được gọi là hát Ả đào, hát ca trù, khác với các loại hình nghệ thuật khác, thưởng thức ca trù gọi là đi nghe hát chứ không phải là đi xem hát. Vẻ đẹp ca trù là vẻ đẹp của âm thanh được trau chuốt công phu với cách lấy hơi nhả chữ là một nét độc đáo.

Khác với các lối hát cổ truyền khác, trong hát nhà trò người nghệ sỹ không chỉ lấy hơi ở khoang miệng hay cổ họng mà còn vận hơi từ huyệt đan điền lên, lấy hơi ở cả khoang mũi nữa. Để làm được điều này đòi hỏi người hát phải trải qua khổ luyện, dùi mài tốn nhiều thời gian và công sức thì mới làm được. Cái khó nhất trong khi hát là phải làm sao khi chuyển hơi mà người nghe không phát hiện được, không để lộ ra sự thô thiển, non kém của người hát.

Khi đạt được những kỹ năng cần thiết tiếng hát của đào nương sẽ trở nên tinh tế, giàu âm sắc và đạt sự biểu cảm cao nhất. Quá trình luyện tập cách lấy hơi là sự khổ luyện thực sự trong đó kỹ thuật quan trọng nhất là học lấy hơi cho ra chất riêng biệt của ca trù.

Đã từ lâu nghệ thuật hát nhà trò đã hình thành ba lối hát chính: Hát thờ, hát chơi, và hát thi … Nhưng thời gian về sau và cho đến hiện nay thì thì hai lối hát( hát chơi, hát thi) đã bị bỏ rơi và chỉ còn lại duy nhất lối hát thờ hay còn gọi là hát cửa đình. Hát thờ là lối hát được trình diễn trong các buổi thờ cúng, tưởng nhớ, tôn vinh tổ tiên hay các danh nhân dân tộc, người có công với đất nước, làng xã…

Những ngày có hát thờ cũng là những ngày hội làng, thường được tổ chức vào mùa xuân và đình làng chính là nơi diễn ra mọi nghi lễ, trò vui trong đó thường không thể thiếu hát nhà trò. Ởcác vùng nông thôn, ngoài đình làng còn có đền thờ, là một công trình có chức năng gần giống như đình để thờ cúng các nhân thần, thần linh, các vị tổ nghề. Khi nhà trò được hát trong các buổi thờ cúng đó thì được gọi là hát cửa đền.

… cuốn Xứ ròn- Di luân của tác giả Thái Vũ có đề cập đến hát nhà trò ở trong vùng như sau: Hát nhà trò là một thể loại thanh nhạc cổ, âm điệu nhịp điệu giống như hát ca trù ở ngoài bắc. Vào những dịp hội hè, đình đám, tốp hát chơi đàn nguyệt, đệm đàn cho vài ba người hát ) được mời đến phục vụ.

Những nhà giàu có lúc mở tiệc vui cũng thường mời nhà trò đến góp vui. Nội những bài hát thường thuộc loại ca trù (có bài của cụ Nguyễn Công Trứ ) hoặc dựa vào những bài thơ Đường xưa, thêm vào một số đoạn mang tính chất chúc mừng …” .

Minh họa một trang nguyên bản:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 6

Nhóm khảo sát di tích Tam Thánh Tổ(1)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Gioi thieu muoi ca khuc le hoi o chua xa Phuc Chi do Hoang giap Tam Dang Pham Van Nghi 2

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường