Trang chủ Lịch sử - Triết học Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Tổ Tây Thiên – Huế

Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Tổ Tây Thiên – Huế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Minh Nghiêm
Học viên Cao học K.II Học viện PGVN tại Huế

Tóm tắt: Lịch sử – Văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật vẫn được lưu giữ trên mảnh đất Huế, những ngôi chùa cổ là điểm tham quan hấp dẫn, thú vị để khám phá vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Phật giáo trên đất cố đô. Trải qua bao thăng trầm, đến nay vẫn còn một số ngôi chùa mang đậm sắc thái kiến trúc cổ kính, điển hình như chùa Tổ Tây Thiên ở Huế. Đây là những di sản văn hóa quý báu, là niềm tự hào của mỗi người dân Huế và chư tăng nơi đây.
Từ khóa: Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Tổ Tây Thiên – Huế.

MỞ ĐẦU

Phật giáo xuất hiện rất sớm ở vùng Ô Châu – Thuận Hóa vì vùng đất này thuộc nền văn hóa Champa, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, trong đó có Phật giáo. Trong thời gian hai châu Ô, châu Lý biến thành châu Thuận Hóa, quá trình truyền bá đạo Phật ở vùng đất này ngày càng mạnh mẽ.

Sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào kinh thành, vùng đất này đã được mở rộng và phát triển toàn diện, chú trọng phát triển Phật giáo. Vào thời Nguyễn, Phật giáo ở Huế phát triển mạnh mẽ. Các vua triều Nguyễn chủ trương theo đạo Phật, từ đó đến nay ngày càng có nhiều chùa, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất được xây dựng.

Từ hệ thống chùa chiền đa dạng như vậy, có thể nói Huế là kinh đô của Phật giáo, có thể gọi cái tên thân thương là vùng đất Thiền kinh. Người dân Huế chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Phật giáo, điều này được thể hiện trong đời sống văn hóa và sinh hoạt hàng ngày. Họ sống giản dị, giữ gìn truyền thống gia đình, đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật.

Tất cả là nhờ sự tiếp nối và giữ gìn truyền thống của các vị tổ sư, các tăng đoàn Phật giáo nổi tiếng của trong nhiều thế kỉ. Phật giáo Huế có được như ngày hôm nay là nhờ vào bề dày lịch sử hoằng truyền phật pháp của nhiều bậc Tổ sư, danh tăng lỗi lạc. Sự ưu ái và hết lòng hộ trì phật pháp của các vua triều Nguyễn là nhân tố khơi nguồn cho Phật giáo Huế phát triển vững mạnh. Chùa chiền được các chúa Nguyễn chăm lo xây dựng, trùng tu. Nhiều tăng sĩ Trung Hoa đến xứ Đàng Trong truyền đạo thành công như Ngài Viên Cảnh, Viên Khoan, Hưng Liên, Giác Phong, Pháp Bảo, Tử Dung…

Nói đến chùa Huế thì chúng ta không thể nào không nhắc đến các chùa Tổ. Chính vì sự đóng góp của quý Ngài rất to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển từ lịch sử cho đến văn hóa, tinh thần – tâm linh được thể hiện qua các sơn môn, các ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa Tổ Tây Thiên.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Gia Tri Lich Su Va Van Hoa Chua To Tay Thien Hue 1

1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHÙA TỔ TÂY THIÊN – HUẾ

1.1. Khái lược lịch sử hình thành và phát triển

Chùa Tây Thiên tọa lạc trên vùng đất thuộc ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Nay 21 kiệt 9 Nam Giao (hoặc kiệt 47 Minh Mạng), phường Thủy Xuân, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm về hướng Tây Nam núi Ngự Bình, cách đàn Nam Giao khoảng 500 mét về phía Nam.

Năm Nhâm Dần (1902), do Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh kiến tạo. Thời đầu xây dựng, chùa có tên gọi là Thiếu Lâm trượng thất. Vào mùa Đông năm Giáp Thìn (1904), sự sinh hoạt có cơ duyên phát triển nên chùa được xây dựng thêm một ngôi nhà nằm phía hữu của thảo am, rồi đổi tên Thiếu Lâm trượng thất thành Thiếu Lâm tự.

Năm Tân Hợi (1911), Hòa thượng tiếp tục cho xây ngôi chính điện rộng lớn (nằm ở vị trí ngày nay) còn nền cũ thì sửa lại làm Tăng xá. Trong dịp này, Hòa thượng còn chú tạo một ngôi tượng Phật A Di Đà, rồi lại đổi tên Thiếu Lâm tự thành Tây Thiên Phật Cung.

Năm Quý Dậu (1933), dưới thời vua Bảo Đại thứ 8, nhà vua ban biển ngạch “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà tự”. Ngày nay, mọi người chỉ quen gọi là chùa Tây Thiên, hay trân trọng hơn là chùa Tổ Tây Thiên.

Mùa Xuân năm Mậu Thìn (1928), Tổ Thanh Ninh – Tâm Tịnh viên tịch. Hòa thượng Trừng Văn – Giác Nguyên, trưởng tử của Tổ kế tục trú trì. Lên làm trú trì Hòa thượng, cũng không ngừng nỗ lực tiếp nối thực hiện sự nghiệp hoằng hóa đang còn dở dang của Tổ.

Ngày 19 tháng 9 năm Ất Hợi (16.10.1935), Hòa thượng trú trì, cùng chư tôn Hòa thượng trong Hội đồng chứng minh An Nam Phật học hội, quyết định thành lập và khai giảng một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên. Phật học viện này gồm đủ ba trường Sơ Trung Cao đẳng. Sau khi thành lập, thì các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng đang được giảng dạy tại các chùa Vạn Phước, Trúc Lâm, Tường Vân, Báo Quốc… đều được chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện này.

Một năm sau ngày khai giảng, Phật học viện tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Đệ nhất chu niên. Trong dịp này, Hội quyết định đổi tên trường Cao đẳng thành “XUÂN KINH ĐẠI PHẬT HỌC TRÀNG”. Cơ sở vẫn đặt tại chùa Tây Thiên.

Phật học viện Tây Thiên thu nhận học Tăng mở rộng trên khắp 17 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tức địa phận của xứ Trung Kỳ thời Pháp thuộc) nên số lượng học tăng về dự học rất đông. Riêng lớp Đại học đã có trên 50 vị.

Dưới sự điều hành và giảng dạy tận tụy của các bậc giáo thọ uyên thâm Thánh điển như quý Hòa thượng Như Trí Phước Huệ, ở Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên ở chùa Thệ Đa lâm (tức chùa Hồng Khê ngày nay), Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên, Tăng Cang quốc tự Thánh Duyên, Thừa Thiên… về phía cư sĩ tân học có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Bác sĩ Trương Xướng, Điêu khắc gia kiêm Họa sĩ Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn…

Các lớp Sơ đẳng và Trung đẳng thì có thêm các học tăng xuất sắc ở lớp Đại học được phân công xuống giảng dạy, như quý Ngài Trừng Nguyên – Đôn Hậu, Tâm Như – Trí Thủ, Tâm Hương – Mật Hiển, Tâm Như – Mật Nguyện…

Phật học viện Tây Thiên là một Phật học viện đầu tiên có hệ thống tổ chức rất khoa học, có phương pháp giáo dục tập trung hoàn chỉnh, là một trung tâm đào tạo tăng tài nổi tiếng nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo tại miền Trung lúc bấy giờ.

Chư vị học tăng xuất thân từ Phật học viện danh tiếng này, về sau đều trở thành những bậc long tượng tăng già đạo cao, đức trọng. Sự nghiệp của quý Ngài không chỉ làm hưng thịnh ngôi nhà Phật giáo, mà còn góp sức tô bồi cho nền văn hóa dân tộc thêm phần phong phú, cao đẹp. Tiêu biểu như quý HT.Trừng Nguyên – Đôn Hậu (1905 – 1992), Đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, HT.Hoàn Tuyên – Thiện Hoa (1919 – 1973), Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, HT.Tâm Như – Mật Nguyện (1911 – 1972), Chánh Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh…

Phật học viện Tây Thiên đã cung ứng kịp thời một phần rất lớn các vị tăng tài cho công cuộc chấn hưng, đã duyên khởi cho một Đại Tòng lâm kiểu mẫu ra đời sau đó trên ngọn đồi Kim Sơn hùng vĩ, ở thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, ngoại vi kinh thành Huế. Phật học viện này thực sự đã ghi một dấu son trong dòng lịch sử xây dựng và phát triển của ngôi chùa mới Tây Thiên.

Đến năm 1951 (Tân Mão), sau khi tổ chức Gia đình Phật hóa phổ được Hội quyết định đổi tên thành Gia đình Phật tử, thì khuôn viên chùa Tây Thiên đã trở thành “trại trường” của tổ chức Phật giáo này.

Gắn bó nhiều nhất với anh chị em Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT ở giai đoạn này là Hòa thượng Thích Thiện Minh (1922 – 1978), Ủy viên Thanh niên của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

Suốt cả thập kỷ 50 vừa qua, chùa Tây Thiên đã sát cánh cùng chùa Từ Đàm để đùm bọc, che chở cho tổ chức GĐPT được trưởng thành và lớn mạnh. Các thế hệ Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT lúc bấy giờ, vẫn còn khắc sâu trong ký ức một thời được sống an lành dưới sự chăm nom, giáo dưỡng tận tình của chư vị tôn túc dưới mái chùa Tây Thiên.

Năm Nhâm Thìn (1952), chứng kiến nỗi cơ cực, thiếu thốn của đông đảo đồng bào Phật tử trong cơn ly loạn, Hòa thượng trú trì cùng chư Tăng chùa Tổ Tây Thiên, đã thành lập trường Sơ cấp Phật giáo để giúp đỡ cho con em trong địa phương có nơi học tập. Rồi lập nên Trạm y tế từ thiện để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào phật tử nghèo trong suốt một thời gian dài.

Năm Đinh Mùi (1967), Hòa thượng trú trì Trừng Văn – Giác Nguyên chứng minh và đệ tử Tâm Thọ – Thiện Hỷ lập nên “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên”, để làm nơi tu học cho các giới cư sĩ tại gia. Từ ấy đến nay, đã trải qua 40 năm mà Tịnh nghiệp Đạo tràng vẫn không ngừng sinh hoạt. Điều đáng trân trọng hơn nữa là các vị cư sĩ xuất thân từ Đạo tràng Tịnh nghiệp Tây Thiên này là những vị cư sĩ mẫu mực, đã và đang gánh vác trọng trách tại các Khuôn Giáo hội, các Niệm Phật đường…

Năm 1980, Ngài Giác Nguyên viên tịch vào ngày mồng Một Tết Canh Thân, thọ 104 tuổi, 70 hạ lạp, sau khi ngài Giác Nguyên viên tịch, Môn phái đã họp và cử Ngài Nhật Liên làm trụ trì. Song ngài giao lại cho pháp điệt coi sóc, rồi ngài vào miền Nam tiếp tục hoằng hóa độ sinh.

Năm Canh Ngọ (1990), Hòa thượng Từ Phương đã tổ chức trùng tu hậu Tổ. Năm 1997, Hòa thượng cho sửa lại tiền đường. Ước nguyện của ngài là đại trùng tu ngôi chánh điện nhưng do bệnh duyên nên ngài đã viên tịch.

Thực hiện ước nguyện của Bổn sư, từ năm 2005, Thượng tọa Thích Nguyên Minh (đệ tử của Hòa thượng Từ Phương) đã lên kế hoạch đại trùng tu ngôi Tổ đình. Năm Mậu Tý (2008), Thượng tọa cho xây dựng nhà Hậu, chỉnh trang sân vườn, từ năm 2012 đến năm 2013, Thượng tọa cho trùng kiến ngôi chính điện. Trở thành ngôi phạm vũ Tây Thiên uy nghiêm, tráng lệ.

Ngoài những phật sự lớn lao mà ngôi chùa Tổ Tây Thiên đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn chấn hưng, chùa còn là nơi xuất hiện chín bậc cao tăng kỳ vĩ, sự nghiệp hoằng hóa của quý Ngài không chỉ rực sáng trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà tài năng, đức độ và hạnh nguyện cao cả của quý Ngài đã thấm nhuần trong đời sống biết bao thế hệ tăng ni, phật tử.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Gia Tri Lich Su Va Van Hoa Chua To Tay Thien Hue 4

Chùa Tổ Tây Thiên từ khi kiến tạo đến nay, đã là một trăm hai mươi năm, nhưng cũng đã có đến năm thế hệ kế tục truyền thừa (theo kệ truyền thừa của Thiền phái Thiệt Diệu Liễu Quán, Tổ đình Thiền Tôn – Huế).

Bài kệ truyền thừa như sau:

實 際 大 道 Thiệt Tế Đại Đạo 性 海 清 澄 Tánh Hải Thanh Trừng
心 源 廣 潤 Tâm Nguyên Quảng Nhuận 德 本 慈 風 Đức Bổn Từ Phong
戒 定 福 慧 Giới Định Phước Tuệ 體 用 圓 通 Thể Dụng Viên Thông
永 超 智 果 Vĩnh Siêu Trí Quả 密 契 成 功 Mật Khế Thành Công
傳 持 妙 理 Truyền Trì Diệu Lý 演 暢 正 宗 Diễn Sướng Chánh Tông
行 解 相 應 Hạnh Giải Tương Ưng 達 悟 真 空 Đạt Ngộ Chơn Không.

Tạm dịch:

Đường lớn chơn thật Biển tánh lắng trong
Nguồn tâm rộng thoáng Gốc đức gió lành
Giới định phước tuệ Thể dụng viên thông
Trí quả vượt qua Khế hợp thành công
Truyền trao chân lý Phát triển chính tông
Hạnh giải tương ưng Ngộ thấu nguồn chơn.

Từ Ngài khai sơn THANH đến QUẢNG như sau:

1. THANH NINH – TÂM TỊNH (1868 – 1928)
2. TRỪNG VĂN – GIÁC NGUYÊN (1877 – 1980)
3. TÂM THỌ – THIỆN HỶ (1914 – 1969)
4. NGUYÊN KHÔNG – TỪ PHƯƠNG (1946 – 2005)
5. QUẢNG ĐẠI – NGUYÊN MINH.

Khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và tao nhã của chùa Tổ cũng đã được các quý Hòa thượng khen ngợi, rất nhiều. Kể từ khi Hòa thượng người sáng lập chùa Tổ qua đời cho đến các thế hệ tiếp theo cũng đã không ngừng phát triển để khôi phục và tạo ra một khung cảnh ngày càng huy hoàng, đẹp đẽ và xứng đáng của một ngôi Tổ đình xứ Huế. Vị trí của chùa Tổ Tây Thiên trong văn hóa truyền thống, đặc biệt là lịch sử Phật giáo Huế và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây là trang sử vẻ vang khắc ghi trong lòng mỗi người bởi ngôi chùa, nơi lưu giữ giá trị tinh thần và tâm hồn của cả dân tộc.

1.2. Sơ lược tiểu sử Tổ khai sơn

Tổ sư THANH NINH – TÂM TỊNH (1868 – 1928), khai sơn Tổ đình Tây Thiên Huế (Liễu Quán đời thứ 7 – Lâm Tế đời thứ 41).

Đức Tổ sư Khai sáng Môn phái Tây Thiên, húy thượng Thanh hạ Ninh, hiệu Tâm Tịnh, thế tộc họ Hồ, thế danh Hữu Vĩnh. Ngài sinh vào lúc nữa đêm (Tý khắc) ngày 18 tháng 5 năm Mậu Thìn vào triều Tự Đức năm thứ 21 (1868), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Gia tộc họ Hồ vốn nhiều đời theo Phật. Song thân Ngài là những Phật tử thuần thành, đã thường đưa Ngài đến chùa lễ Phật. Nhờ nhân duyên ấy, thiện căn trong Ngài sớm được vun bồi. Năm 13 tuổi, Phật chủng nẩy mầm, Ngài giã từ cha mẹ, vào Kinh đô Phú Xuân, đảnh lễ HT. Diệu Giác – tức là Ngài Hải Thuận – Lương Duyên, trú trì chùa Báo Quốc, cũng là người Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị, xin thế phát xuất gia. Năm ấy thuộc niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880).

Bảy năm sau, năm Đinh Hợi triều vua Đồng Khánh (1887), Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ sa di thập giới, được Pháp danh Thanh Ninh, Pháp tự Hữu Vĩnh. Như vậy, Ngài là thế hệ thứ 41 dòng Thiền Lâm Tế, thuộc đời thứ 7 Thiền phái Thiệt Diệu – Liễu Quán của xứ Đàng Trong. Bảy năm sau, vào năm Giáp Ngọ triều Thành Thái thứ 6 (1894), Ngài Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ ở chùa Từ Hiếu cùng Ngài Hòa thượng Diệu Giác ở chùa Báo Quốc được triều đình sắc chi khai mở Đại giới đàn ở chùa Báo Quốc và chính trong Đại giới đàn này, Ngài được viên thành giới thể Cụ túc. Cùng vào năm này, chứng khả cho bước thành tựu tâm linh đốn ngộ cơ Thiền, Ngài được Hòa thượng Bổn sư chứng nhận đắc pháp Đại sư với bài kệ:

河 清 寧 密 四 方 安 Hà thanh ninh mật tứ phương an
有 永 心 心 道 即 閒 Hữu vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn
心 似 菩 提 開 慧 日 Tâm tợ Bồ-đề khai tuệ nhật
包 含 世 界 如 是 觀 Bao hàm thế giới như thị quan.

Tạm dịch: Sông trong yên lặng bốn phương an
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn
Tâm tựa Bồ-đề soi mặt nhật
Một bầu thế giới chứa muôn vàn.[6, tr.67]

Năm 1895 (Ất Mùi), Ngài vân lời Bổn sư đến chùa Từ Hiếu tham vấn và hầu HT. Hải Thiệu – Cương Kỷ.

Năm 1898 (Mậu Tuất), HT.Hải Thiệu – Cương Kỷ viên tịch, Ngài được đề cử làm trú trì, sau 5 năm và giao lại cho pháp đệ là Ngài Huệ Minh để vân du khai dòng Thiền, dựng thảo am năm 1902 (Nhâm Dần) và đặt tên là Thiếu Lâm Trượng Thất sau này là: “Chùa Tổ Tây Thiên”.

Nơi đây Ngài có 9 vị đệ tử thượng túc “Cửu Giác”, và 9 vị này đi nhiều nơi để hoằng hóa nên có câu nói “Cửu Giác Lưu Phương”.

1. Hòa thượng TRỪNG VĂN – GIÁC NGUYÊN (Tây Thiên)
2. Hòa thượng TRỪNG THÀNH – GIÁC TIÊN (Trúc Lâm)
3. Hòa thượng TRỪNG HUỆ – GIÁC VIÊN (Hồng Khê)
4. Hòa thượng TRỪNG BA – GIÁC NGẠN (Kim Đài)
5. Hòa thượng TRỪNG NHÃ – GIÁC HẢI (Giác Lâm)
6. Hòa thượng TRỪNG THỦY – GIÁC NHIÊN (Thiền Tôn)
7. Hòa thượng TRỪNG THANH – GIÁC BỔN (Từ Quang)
8. Hòa thượng TÂM CẢNH – GIÁC HẠNH (Vạn Phước)
9. Hòa thượng TRỪNG NGUYÊN – ĐÔN HẬU (Linh Mụ)

Ngài thường dạy các đồ đệ của mình với tinh thần “tự khẳng thừa đương” cố gắng tu bồi giới, luật và hành trì yếu chỉ của Thiền tông. Thiền không đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Qua 2 bài sau:

裁 竹 裁 梅 消 舊 日 Tài trúc tài mai tiêu cựu nhật
種 瓜 種 豆 度 新 朝 Chủng qua chủng đậu độ tân triêu.

Tạm dịch: Chăm trúc bón mai qua ngày cũ
Trồng dưa trỉa đậu độ ngày sau.[6, tr.68]

少 林 深 隱 月 三 更 Thiếu Lâm thâm ẩn nguyệt tam canh
淨 聽 松 風 弄 古 箏 Tịnh thính tùng phong lộng cổ tranh
一 曲 吟 成 無 限 句 Nhất khúc ngâm thành vô hạn cú
良 田 萬 頃 任 君 耕 Lương điền vạn khoảnh nhậm quân canh.

Tạm dịch: Thiếu Lâm sâu ẩn ánh trăng khuya
Nghe gió tùng reo rộn đàn xưa
Một khúc ngâm thành muôn ngàn điệu
Phước điền vạn khoảnh một người gieo.[6, tr.68]

2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHÙA TỔ TÂY THIÊN – HUẾ

2.1. Tổng quan kiến trúc chùa Tổ

2.1.1. Cổng tam quan

Cổng tam quan là một đơn nguyên kiến trúc khá phổ biến và rất quen thuộc, có đi đâu cũng thấy hình dáng của kiến trúc tam quan. Cổng tam quan là công trình kiến trúc nổi bật của các công trình như: chùa chiền, đình, làng, xã, lăng tẩm, đền đài,… cổng tam quan thông thường được thiết kế có ba cổng có kích thước khác nhau theo mỗi công trình tương ứng. Cổng ở giữa (cổng chính) lúc nào cũng to và rộng hơn hai cổng hai bên (hai cổng phụ).

Cổng tam quan chùa Tổ Tây Thiên là loại cổng kiểu tứ trụ biểu nhưng hai trụ giữa cao hơn chia thành ba lối và được nối liền với nhau là xà cách điệu lên để làm trán cổng được khắc chữ “Tổ Đình Tây Thiên” ở mặt trước và mặt sau khắc bài thơ “Thiếu Lâm Thâm Ẩn”. Trên bốn trụ đó được điêu khắc bằng những bốn cặp câu đối bằng chữ Hán, trên đỉnh trụ trang trí hoa sen cách điệu và biểu tượng pháp luân.

Qua cánh cổng tam quan Phật giáo muốn khẳng định lại giáo lý của mình, đức tin và lý trí để cố gắng tinh tấn tu học giữa cái thế gian và xuất thế gian, nhận chân được như vậy mới có thể đem lại hạnh phúc cho tự thân và tha nhân. Cánh cổng không môn luôn được mở rộng cho những ai muốn tìm lại sự hạnh phúc an lạc và giải thoát trong cuộc đời ngũ trược. Tinh thần giải thoát của đạo Phật thể hiện rõ qua cánh cửa không môn.

Hai cặp câu đối ở mặt trước:

Cặp 1:月 巢 鴈 作 千 年 夢 Nguyệt sào nhạn tác thiên niên mộng
雪 屋 人 迷 一 色 工 Tuyết ốc nhân mê nhất sắc công.

Dịch nghĩa: Tổ trăng nhạn làm ngàn năm mộng
Nhà tuyết người thích một thợ hay.[3, tr. 56]

Cặp 2: 示 八 相 顯 六 通人 天 稽 首
Thị bát tướng hiển lục thông nhân thiên khể thủ
破 無 明 除 二 執 魔 外 寒 心
Phá vô minh trừ nhỏ chấp ma ngoại hàn tâm.

Dịch nghĩa: Hiện tám tướng diễn lục thông trời người cúi lạy
Phá vô minh trừ nhị chấp, ma đạo sợ run.[3, tr. 56]

Hai cặp câu đối ở mặt sau:

Cặp 1: 遙 觀 極 樂 天 邊 月 Diêu quan cực lạc thiên biên nguyệt
去 作 蓮 池 會 上 人 Khử tác liên trì hội thượng nhân.

Dịch nghĩa: Xa nhìn trăng bên trời cực lạc
Đến làm người ở chốn liên trì.[3, tr. 57]

Cặp 2: 檻 外 藥 欄 面 面 菩 提 佛 性
Hạm ngoại dược lan diện diện bồ đề Phật tính
庭 前 柏 樹 行 行 般 若 真 如
Đình tiền bách thọ hàng hàng bát nhã chân như.

Dịch nghĩa: Ngoài song rào thuốc mặt mặt bồ đề Phật tính
Trước sân cây bách hàng hàng bát nhã chân như.[3, tr. 57]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Gia Tri Lich Su Va Van Hoa Chua To Tay Thien Hue 5

2.1.2. Chính điện

Điện có địa vị và được tôn sùng cao nhất, duy chỉ có nhà vua thương nghị triều chính cử hành các đại lễ của quốc gia, lễ tế thiên địa thần linh và liệt vị tổ tông tiên đế mới đủ tư cách được gọi là điện, nơi cung phụng Phật tượng, lễ Phật, tụng kinh được đặc cách tôn xưng.

Cách thờ ở chính điện ở các ngôi chùa Huế cũng rất đa dạng và phong phú theo từng kiểu dạng. Thứ nhất thờ gian giữa là Tam Thế Phật cao nhất xuống một bậc là Ngài Thích ca, xuống nữa là bức tượng đản sinh và tiếp đó là bàn kinh, bàn chuông mõ. Hai gian hai bên thờ Ngài Văn Thù Bồ Tát, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Hình ảnh Ngài Văn Thù và Ngài Phổ Hiền được thiết trí đứng hai bên tả hữu để hầu, làm thì giả cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Biểu thị cho nhân cách, đức hạnh, giới đức của hai vị này là trí tuệ và từ tâm. Cho nên, tại các chùa xứ Huế thường được thiết trí thờ hai gian tả hữu của chính điện, để thờ hai Ngài không ngoài ý nghĩa là khai thị và thức tỉnh chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Thực hành Bồ Tát đạo đem đến hạnh phúc, an vui cho chúng sinh. Dùng trí tuệ rộng lớn của mình dẹp tan mọi chướng ngại, không lùi bước trước bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, đứng ra tuyên thuyết giải bày những triết lý tinh túy của đạo Phật và hoằng dương chính pháp của Như Lai.

Thứ hai thờ gian giữa là Đức Phật A Di Đà, hai gian hai bên là Ngài Quan Âm Bồ Tát và Ngài Thế Chí Bồ Tát. Thứ ba thờ gian giữa là Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, hai gian hai bên thờ Quan Âm Bồ Tát và Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Một số chùa Nam tông thì thờ độc tôn Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Trên đây là một số cách thờ chính điện của những ngôi chùa ở Huế. Vì cách thức thờ tự theo nhu cầu pháp môn và nhiều yếu tố nội duyên và ngoại duyên để phù hợp với từng địa phương, tùy vào ý định và ý nghĩa của người sáng lập, nhưng cũng không làm mất đi bản sắc, mục đích, ý nghĩa của Phật giáo.

Chùa Tổ Tây Thiên được thiết trí thờ Đức Phật A Di Đà, hai gian hai bên là Ngài Quan Âm Bồ Tát và Ngài Thế Chí Bồ Tát. Sở dĩ được thiết trí như vậy có lẽ, Ngài khai sơn chùa Tổ là người tinh chuyên pháp môn Tịnh độ song song theo đó Ngài còn tham cứu tận cùng ý chỉ Thiền Tông. Chính vì, Ngài sống trong yếu chỉ của pháp môn Thiền – Tịnh song tu nên hương đạo Tịnh và ngộ sâu lối Thiền môn đồ đệ tử khắp Thừa Thiên ai ai cũng biết đến và theo học rất nhiều.

Hai gian tả hữu tiền đường thờ Ngài Tiêu Diện, Ngài Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên. Sự thiết trí đối xứng còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Ngài Tiêu Diện thường đại diện cho sự từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Ngài Quán Thế Âm nhưng mang thiên hướng hung dữ, tỏ ra hung ác để hóa độ những loài quỷ bất kham. Ngài Hộ Pháp là vị Bồ Tát đại diện cho sự hiền từ, thánh thiện, bảo vệ cho Đức Phật, ngoài ra Ngài còn bảo vệ cho chính pháp mãi lưu truyền. Qua hai hình tượng Ngài Tiêu Diện và Hộ Pháp Phật giáo muốn dùng phương tiện thiện, ác để giáo hóa chúng sinh hữu tình lẫn vô tình, lắm lúc dùng lời nhỏ nhẹ đã độ được, có khi phải dùng biện pháp mạnh để khuyên nhũ. Thể hiện rõ tinh thần của Phật giáo từ bi luôn đồng hành cùng trí tuệ. Nhưng cũng không ngoài mục đích đem lại hạnh phúc, an lạc, bình an cho vạn loài chúng sinh, đi đến con đường giác ngộ giải thoát.

Hậu điện là nhà kế sau chính điện thường được gọi là hậu Tổ. Sở dĩ có tên hậu Tổ có nghĩa là phía sau thờ chư vị Tổ sư có công với chùa, không những vậy còn thể hiện tinh thần nhớ về cội nguồn. Sau hậu Tổ chùa Tây Thiên thiết trí gian ở khoảng giữa và trên khám thờ Tổ khai sơn đó là Ngài Thanh Ninh – Tâm Tịnh và chín vị đệ tử truyền thừa của Ngài. Đó cũng là nét đặc trưng nổi bật của các ngôi chùa Huế. Hai gian tả hữu, gian tả thờ chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng quá cố có liên quan đến chùa, gian hữu thờ tứ chúng, hoặc chư hương linh tùng tự, nhập tự, nhập ảnh… của các gia đình Phật tử, đạo hữu.

Trong chính điện ở các vị trí cột cũng có trang trí một số câu đối viết bằng chữ Hán ca tụng, tán thán công đức của chư Phật, Bồ tát và hạnh nguyện của các Ngài. Đồng thời, thể hiện hành trạng nơi xuất gia và cuộc đời của chư vị Tổ sư, phía trên các bức liên ba cũng có trang trí các bài kệ, bài thơ chữ Hán,… để nhớ đến công lao các bậc tiền bối đã lưu giữ và hoằng truyền đạo pháp.

Hai cặp câu đối ở tiền đường:

Cặp 1: 寶 樹 林 中 遙 聽 梵 音 談 實 相
Bảo thọ lâm trung diêu thính phạm âm đàm thật tướng
金 繩 界 內 儼 瞻 妙 體 遍 莊 嚴
Kim thằng giới nội nghiễm chiêm diệu thể biến trang nghiêm.

Dịch nghĩa:

Trong rừng báu vẳng nghe pháp âm bàn thiệt tướng
Nơi cõi pháp ngắm rõ diệu thể khắp trang nghiêm.[3, tr. 58]

Cặp 2: 前 前 無 始 後 後 無 終 金 性 本 來 如 是
Tiền tiền vô thủy hậu hậu vô chung kim tính bổn lai như thị
生 生 不 增 滅 滅 不 減 真 如 萬 古 常
Sinh sinh bất tăng diệt diệt bất giảm chân như vạn cổ thường tân.

Dịch nghĩa:

Trước trước không đầu, sau sau không cuối, thể tính xưa nay như vậy
Sinh sinh không thêm, diệt diệt không bớt, chân như vạn cổ mới hoài.[3, tr. 58-59]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Gia Tri Lich Su Va Van Hoa Chua To Tay Thien Hue 2

Hai cặp câu đối ở hậu Tổ:

Cặp 1: 慈 孝 繼 家 風 當 時 託 缽 佛
Từ Hiếu kế gia phong đương thời thác bát
含 龍 承 正 脉 此 地 升 宗
Hàm Long thừa chính mạch thử địa thăng tông.

Dịch nghĩa:

Từ Hiếu nối tông phong lúc ấy gởi bát
Hàm Long tiếp mạch sống, đất này gây dòng.[3, tr. 60]

Cặp 2: 卓 錫 振 禪 宗 祖 印 光 前 家 風 裕 後
Trác tích chấn thiền tông Tổ ấn quang tiền gia phong dũ hậu
拈 花 明 妙 旨 醍 醐 灌 頂 甘 露 灑 心
Niêm hoa minh diệu chỉ đề hồ quán đảnh cam lồ sái tâm.

Dịch nghĩa:
Chống gậy chấn thiền tông, trước sáng dấu tổ, sau nối đạo mạch
Đưa hoa rõ diệu chỉ, đề hồ rót đảnh, cam lồ rưới tâm.[3, tr. 61]

2.1.3. Sân vườn

Nghệ thuật trang trí sân vườn là nghệ thuật tạo lập quy hoạch sắp xếp, bố trí trồng, trang trí sân vườn để tạo cảnh quan đẹp, áp dụng cho kiến trúc chùa chiền. Thiết kế sân vườn có nhiều lớp, nhiều kiểu, được thực hiện bởi các sư trụ trì hoặc các chuyên gia thiết kế… hướng đến triết lý huyền bí và gần gũi của đạo Phật và đời sống con người.

Yếu tố thẩm mỹ: để đạt được yếu tố thẩm mỹ, người thiết kế đã phải nghiêm ngặt bố cục sân vườn sao cho phù hợp và hài hòa với phong cách kiến trúc của chùa. Các yếu tố tự nhiên như nước, đá, thực vật,… được sắp xếp có chủ đích. Cây được trồng theo trình tự, phân tầng cao thấp, đa dạng chủng loại, màu sắc, thích nghi với bốn mùa trong năm.

Sân vườn vẫn thuộc phạm vi nhà chùa, không thể tách rời với kiến trúc của chùa cũng là phần mở rộng của chùa vậy. Trong vườn, không khí trong lành, cây cỏ xanh tươi, hương hoa lộng lẫy, tiếng chim hót, tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá xào xạc được lồng ghép hài hòa. Mục đích chính của việc tạo sân vườn là mang đến một nơi nghỉ ngơi, thư giãn với không khí trong lành và cảnh đẹp. Sắp xếp các điểm dừng, ghế, góc tiếp khách, chòi và bàn trà là một điểm cũng cần lưu ý. Để nghệ thuật trang trí sân vườn đó phải tạo ra điểm nhấn phù hợp cho một khu vườn cũng như là tổng thể kiến trúc ngôi chùa thậm chí phù hợp với sinh hoạt của mọi người sinh sống trong đó.

Vườn cảnh sân chùa là nơi thanh tịnh tĩnh tâm cho thập phương khách vãng lai, cũng là nơi nghiên cứu, học hỏi đọc sách, giải trí… cho các vị sư sinh sống ở trú xú đó. Đây cũng là điểm dị biệt đối với các sân vườn khác vừa mang yếu tố tinh thần, vừa hài hòa triết lý nhà Phật.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Gia Tri Lich Su Va Van Hoa Chua To Tay Thien Hue 3

2.1.4. Tháp chư Tổ

Kiến trúc của tháp được chia thành ba phần chính phần chân đế (phần đáy), phần thân tháp và phần đỉnh tháp. Phần đáy tháp là phần nền của tháp làm nền tảng cho tháp, thân tháp là kết cấu chủ yếu của tháp có thể đặc hoặc rỗng, đỉnh tháp là phần cao nhất của tháp tương tự như một ngọn tháp nhỏ. Mỗi phần của tháp có một chức năng và ý nghĩa khác nhau tùy theo vùng miền, quốc gia và người sử dụng tháp để vì mục đích như thế nào. Tuy nhiên nhìn vào góc độ biểu tượng và tâm linh của tháp thì luôn được các hàng đệ tử của Đức Phật chiêm bái và thờ phụng nên cho dù có thay đổi cấu trúc, biến thể qua các nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới vẫn không thay đổi được ý nghĩa thiêng liêng ban đầu.

Kiến trúc tháp của Phật giáo vô cùng đa dạng và phong phú đi qua từng vùng miền, quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, thì lối kiến trúc trang trí điêu khắc, các họa tiết khác nhau. Tháp cũng biến đổi theo từng quan niệm của từng khu vực, từng địa phương đó. Tháp có sức mạnh biểu tượng rất lớn, không những là sức mạnh quyền uy mà còn là sự hướng thượng vươn lên, kiên cường bất khuất, khẳng định vị thế của Phật giáo đến tất cả mọi người bởi sự từ bi, trí tuệ và tính trường cửu bất diệt mà pháp Phật đến với chúng sinh bằng sự giác ngộ giải thoát.

Tháp Phật giáo ở Huế có hai dạng chính là tháp thờ Phật và tháp (mộ) thờ chư vị Tổ sư của các ngôi chùa nằm trên địa bàn. Theo tác giả Hà Xuân Liêm tháp Phật xưa có 4 ngôi tháp là tháp Phổ Đồng (1684) ở chùa Quốc Ân (nay không còn) [4, tr.68-89], tháp Điều Ngự (1837) ở chùa Phước Duyên, tháp Phước Duyên (1844) ở chùa Thiên Mụ, tháp Bồ Đề (1896) ở chùa Từ Hiếu. Hiện nay cũng có tháp Ấn Tôn (2009) ở chùa Từ Đàm. Huế có ảnh hưởng rất nhiều của kiến trúc Trung Hoa và Ấn Độ nên kiến trúc tháp cũng có ảnh hưởng, hầu như ba phần kiến trúc đều có nét tương tự của kiến trúc tháp của Trung Hoa nhưng vật liệu xây dựng và nét trang trí kiến trúc thì thể hiện phong cách Việt và có dấu ấn của văn hóa Champa như là tháp Phước Duyên – chùa Thiên Mụ, tháp cao 21m và thờ bảy tượng Phật của quá khứ trong bảy tầng, tháp có dạng bình đồ như tháp Trung Hoa. Tháp Điều Ngự – chùa Phước Duyên, tháp có hình tứ giác cao ba tầng, ảnh hưởng phong cách của Ấn Độ hình vuông nhưng cách thức thờ tự thì thể hiện ý nghĩa của Phật giáo Việt.

Chùa Tổ Tây Thiên hiện có sáu tháp qua các đời từ khi thành lập cho đến hiện nay. Trong số đó có 1 tháp tưởng niệm và 4 tháp 4 đời trú trì, 1 tháp chúng tăng.

+ Lâm Tế chính tông tứ thập nhị thế Thiền Tôn tự đường thượng húy Trừng Thủy tự Chí Thâm hiệu Giác Nhiên trưởng lão Hòa thượng chi tháp (tháp trống).

+ Lâm Tế chính tông sắc tứ Diệu Đế quốc tự tăng cang khai sơn Tây Thiên tự húy Thanh Ninh hiệu Tâm Tịnh chi tháp.

+ Lâm Tế chính tông tứ thập nhị thế tông tu Tây Thiên tự đường thượng húy Trừng Văn tự Chí Ngộ hiệu Giác Nguyên trưởng lão Hòa thượng chi tháp.

+ Lâm Tế chính tông tứ thập tam thế Tây Thiên tự trú trì húy thượng Tâm hạ Thọ hiệu Thiện Hỷ giác linh Hòa thượng chi tháp.

+ Thiệt Diệu Liễu Quán pháp phái Tây Thiên tự tọa chủ húy thượng Nguyên hạ Không hiệu Từ Phương Hòa thượng chi tháp.

+ Thiệt Diệu Liễu Quán pháp phái Tây Thiên tự môn hạ húy thượng Quảng hạ Thiện hiệu Nguyên Tánh thượng tọa chi tháp.

2.2. Một số khóa lễ ở chùa

Phật giáo ngày nay ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng rất sôi động với các trường phái và truyền thống. Người dân xứ Huế rất cởi mở và tôn trọng tất cả các truyền thống Phật giáo. Không có gì lạ khi cùng một Phật tử tham dự các khóa tu, pháp thoại và tham gia các hoạt động tôn giáo…

Có hàng trăm ngôi chùa, hội, tổ chức và công ty cung cấp các hoạt động, dịch vụ liên quan đến Phật giáo. Họ cùng nhau phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng Phật giáo địa phương và cũng hỗ trợ xã hội cho cộng đồng rộng lớn hơn ở Huế. Có nhiều trường học, hiệp hội phúc lợi, viện dưỡng lão, trung tâm dịch vụ gia đình, cộng đồng, thư viện và thậm chí một bệnh viện được thành lập và hỗ trợ bởi cộng đồng Phật giáo, chùa Tổ cũng là một trong những chùa tiên phong trong các lĩnh vực cống hiến cho xã hội nước nhà với phương châm “thượng cầu hạ hóa, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

Nhận thấy cốt yếu chùa Tây Thiên đã lên kế hoạch cho các khóa lễ trong năm để tiện cho các Phật tử các giới theo dõi và tu học. Mỗi lễ trong năm điều có chương trình riêng như sau:

Lễ Phật cầu an và cúng sao hạn vào ngày mồng 4 đến 15 tháng Giêng. Là lễ tụng kinh, đọc tên chư gia đình dâng lên Phật để mong cầu bình an, sức khỏe và mọi sự hanh thông trong một năm.

Lễ Phật Đản sinh tổ chức vào ngày 14-15/04/Âm lịch, là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật là Đại lễ Vesak (Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn).

Vào thời gian này, chư tăng trong chùa cũng tổ chức 3 tháng “An Cư Kiết Hạ”, ba tháng mùa hè an cư có ý nghĩa rất lớn đối với chư tăng ni và chúng phật tử. Là thời gian để tăng, ni chuyên tâm tu học, củng cố thân tâm, rèn luyện đạo đức, định tâm, trí tuệ, cũng là dịp để cư sĩ phát tâm tu tập, tích đức. Việc cúng dường và hỗ trợ cho người xuất gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho tăng, ni sinh sống và tu học.

Lễ Vu Lan của chùa Tây Thiên thường song hành tổ chức thêm lễ “chẩn tế tiến thí âm linh cô hồn – dâng y cúng dường và quy y Tam Bảo”. Trong ngày này, người con sẽ dành cả lòng thành để báo hiếu công ơn dưỡng dục của tổ tiên ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, các người con cũng sẽ phóng sinh, làm phước để cha mẹ được hưởng công đức và nguyện cầu cho âm siêu dương thái cho thiện tín nam nữ muốn bước chân vào hàng ngũ tập tu tam quy ngũ giới trong bốn chúng của người con Phật.

Ngoài những đại lễ lớn trong năm chùa còn tổ chức tu Bát quan trai giới hằng tháng cho chúng Phật tử tu học vào ngày Chủ Nhật. Bao gồm các buổi pháp thoại, khóa tu thiền…

Đặc biệt hơn của chùa Tổ là các ngày kỷ niệm, tưởng nhớ chư vị Tổ sư và chư vị tiền bối hữu công vào các tháng như:

+ 28/2 Âm lịch, Thượng tọa Quảng Thiện – Nguyên Tánh
+ 5/3 Âm lịch, Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh
+ 21/10 Âm lịch, Hòa thượng Tâm Thọ – Thiện Hỷ
+ 4/12 Âm lich, Hòa thượng Nguyên Không – Từ Phương
+ 30/12 Âm lịch, Hòa thượng Trừng Văn – Giác Nguyên.

KẾT LUẬN

Phật giáo Huế luôn đồng hành với những thăng trầm của con người xứ Huế, nó luôn chảy mãi trong lòng con người nơi đây, cũng giống như dòng nước của dòng sông hương thơm dịu dàng chảy vào lòng người xứ Huế. Chúng ta hẳn rất tự hào và ngưỡng mộ khi có nhiều nhà sư nổi tiếng, các nhà lãnh đạo Phật giáo tài ba đã được sinh ra trên mảnh đất này. Có thể nói ở đây là: “Ô châu ác địa”. Nhưng phải chăng nhờ khó khăn mà đã sinh ra những bậc danh tăng sống mãi với thời gian như quý Ngài cửu Tâm, cửu Nguyên… vẫn luôn khắc sâu trong lòng người dân xứ Huế. Là hậu bối con cháu, chúng ta tiếp tục kế thừa những di sản mà quý Ngài để lại, làm thế nào để kế thừa những di sản vốn có để phát huy tốt nhất những giá trị lịch sử và văn hóa của Phật giáo Huế.

Giá trị lịch sử và văn hóa ở kiến trúc chùa Tổ từ sự thay đổi và những ảnh hưởng từ thiên nhiên môi trường và các yếu tố văn hóa qua các thời kỳ đã được hiện rõ nét bởi sự kế thừa và phát triển không gian thẩm mỹ kiến trúc qua thực tế ở những ngôi chùa ở Huế. Điều đó cho thấy giá trị văn hóa và tâm linh luôn đồng hành song song với nhau không thể tách rời cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể xóa nhòa mối liên hệ gắn kết đó. Đến nay dòng chảy văn hóa Phật giáo Huế vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống về cách sống và các hoạt động tín ngưỡng Phật giáo trong tinh thần nhân văn mang tính cộng đồng và tình người sâu đậm. Không gian kiến trúc tín ngưỡng của Phật giáo góp phần vun bồi, gìn giữ và bảo tồn, phát huy đầy đủ hơn các giá trị tinh thần xã hội ấy trong vùng đất thấm đượm tinh tế sắc thái Phật giáo nói chung và chùa Tổ Tây Thiên nói riêng.

Tác giả: Thích Minh Nghiêm
Học viên Cao học K.II Học viện PGVN tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Thuận An (2003), Kiến trúc Cố đô, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công tập 2, Nxb Tổng hợp Hồ Chí Minh.
3. Thích Minh Đức (2009), Câu đối chùa Huế, Luận văn tốt nghiệp, Tài liệu giảng dạy, Tp. Huế.
4. Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa, Sài Gòn.
6. Nhiều tác giả (2021), Phổ hệ môn phái Tây Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế.
7. https://thuvienhoasen.org/a14712/thai-do-cu-nho-mo-thich-cua-cac-chua-nguyen-hoa-duyen. Truy cập: Ngày 31/10/2022.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường