Trang chủ Chuyên đề Đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác đối với Đạo pháp và Dân tộc

Đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác đối với Đạo pháp và Dân tộc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ĐĐ.ThS.Thích Thiện Mãn
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh

To Nhu Trung Lan Giac Son Mon Lien Phai

1. Cuộc đời và đạo nghiệp của Thiền sư Như Trừng Lân Giác

1.1. Thân thế

Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733), thế danh là Trịnh Thập, sinh vào ngày 05 tháng 05 năm Bính Tý (1696), niên hiệu Chính Hoà thứ 17. Thuở nhỏ, ngài tên là Trịnh Linh, sau này lớn lên được gia tộc đổi thành Trịnh Thập[1]. Ngài là con trai thứ 11 của Tấn Quang Vương Trịnh Bính[2], là em ruột của chúa Trịnh Cương[3]. Ngài và chúa Trịnh Cương tuy là anh em nhưng trên mối quan hệ “cùng cha khác mẹ” bởi vì chúa Trịnh Cương là con trai của bà Trương Thị Ngọc Chử[4], cho nên ngài có thể là con trai của bà Trần Thị Ngọc Nhiên. Bên cạnh đó, theo khảo cứu văn bia Cứu Sinh Trịnh tổ cứu bi của Nguyễn Quang Khải cho rằng thân mẫu của ông họ Vũ[5], chứ không phải là họ Trần (tức bà Trần Thị Ngọc Nhiên). Vậy thân mẫu của ngài có thể là bà họ Vũ hoặc bà Trần Thị Ngọc Nhiên.

Trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Khải còn phát hiện thêm một câu chuyện tiền thân của thiền sư Như Trừng rằng: vào một đêm nọ, thân mẫu họ Vũ “nằm mộng thấy một ông lão mặc áo thụng xanh, dắt một đồng tử vui vẻ giao cho bà mẹ ông. Từ đó, phu nhân của Tiến Quang vương có thai”[6]. Khi sinh ra, trên trán của ngài có góc như hình chữ nhật. Lớn lên, tướng mạo ngài khôi ngô, khoẻ mạnh, học rộng biết nhiều được triều đình phong làm chức Phó tướng Thân quận công, vua Hy Tông gả công chúa thứ tư cho và cấp cho 22.000 m2 đất tại phường Bạch Mai, tổng Tả Nghiêm (hay còn gọi là tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương[7], phủ Phụng Thiên (sang thời Nguyễn đổi thành phủ Hoài Đức) làm tư dinh.

 1.2. Nhân duyên xuất gia và hoằng pháp độ sinh

Tại tư dinh của mình, ngài ra lệnh cho đào một cái ao tại một cái gò đất cao khoảng bảy hoặc tám thước ở phía sau vườn để thả cá vàng. Tuy nhiên, trong quá trình đào xới, gia nhân phát hiện ra một ngó sen lớn liền đem dâng lên cho ngài. Hoa sen vốn tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sáng nên nó được xem là “loài hoa tinh tuý của đất trời và là quốc hoa của Việt Nam”[8]. Chính vì thế, ngài thầm nghĩ rằng: “Đó là điềm xuất gia, liền đổi nhà làm chùa, đặt tên là Viện Ly Trần, chùa Liên Tông, bắt đầu ăn chay, học đạo, ngồi thiền”[9] kể từ đây.

Nguyễn Hữu Việt cho rằng năm 1715, ngài dâng sớ lên xin chúa Trịnh Cương xuất gia. Trải qua gần chín năm (1724), chúa mới chấp thuận cho ngài xuất gia[10]. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ, Chùa cổ Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh,… đều cho rằng ngài dâng sớ lên xin vua Hy Tông cho xuất gia. Được vua hay chúa chấp thuận, ngài lên chùa Long Động trên núi Yên Tử, huyện Đông Triều để đảnh lễ và cầu xin Hoà thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng thâu nhận làm đệ tử. Cuộc trò chuyện giữa tổ Chánh Giác với ngài như sau:

“Chánh Giác bảo: Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?

Sư thưa: Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp.

Chánh Giác bảo: Trùng hưng Phật tổ sau này là trông cậy ở ngươi”[11].

Ngay lúc đó, mặc dù sức khoẻ rất yếu với độ tuổi 80 nhưng Hoà thượng Chân Nguyên đã hứa khả và thế phát cho ngài xuất gia làm đệ tử đời thứ 37 của dòng thiền Lâm Tế[12]. Hình ảnh này giống với hình ảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoá độ ông Tu Bạt Đà La (Subhadra) xuất gia tu học tại rừng Ta La (thành Câu Thi Na) trước khi nhập Niết Bàn. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài đắc pháp với hoà thượng bổn sư và xin phép về trụ trì chùa Liên Phái và hoằng truyền chánh pháp. Trong 07 năm hoằng pháp, ngài đã xây cất chùa Hộ Quốc, chùa Hàm Long (trước kia gọi là chùa Long Hạm)[13] và tạc tượng Lý quốc sư Nguyễn Minh Không. Vào năm 1733, trước khi viên tịch, ngài có để lại một bài kệ khuyến tấn hàng đệ tử rằng:

“Bổn tùng vô bổn,

Tùng vô vi lai,

Hoàn tùng vô vi khứ,

Ngã bổn vô lai khứ,

Tử sinh hà tằng luỵ”.

“Gốc bắt nguồn từ nơi không gốc/ Từ vô vi mà đến/ Lại đi về vô vi/ Ta không đến, không đi/ Tử sinh làm sao hệ luỵ được?”[14].

Ngay sau đó, ngài liền nhắc nhở đại chúng rằng: “Thân khổ tứ đại này đâu thể giữ lâu”[15] rồi an nhiên thị tịch vào niên hiệu Long Đức thứ hai (thời Lê Trung Hưng do vua Lê Thuần Tông trị vì), trụ thế 37 năm. Đồ chúng đệ tử xây tháp thờ ngài ở chùa Liên Tông (tức là chùa Liên Phái hiện nay), chùa Hàm Long và chùa Hộ Quốc. Đặc biệt, tháp Cứu Sinh bằng đá xanh thờ xá lợi của tổ Như Trừng tại chùa Hàm Long với “quy mô và kích cỡ của tháp rất lớn, so với các toà tháp bằng đá thì tháp này chỉ đứng sau tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh”[16].

2. Đóng góp cho đạo pháp

2.1. Xây dựng một số ngôi tự viện Phật giáo

Vào năm 1726, niên hiệu Bảo Thái, đời vua Lê Dụ Tông, khi đào ao thả cá trên khu gò đất cao ở phía sau vườn, gia nhân phát hiện một ngó sen dâng cho phò mã Trịnh Thập. Từ ngó sen (liên hoa), ông quyết định xây sửa nhà lại như một ngôi chùa, đặt tên là Liên Hoa[17]. Bảy năm sau (1733), vào lúc tổ Như Trừng viên tịch, chùa Liên Hoa đổi tên thành chùa Liên Tông. Nhưng đến năm năm 1841 lại phải đổi thành Liên Phái vì “kiêng tên húy Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Thiệu Trị (1807-1847)”[18]. Người dân tại địa phương vẫn quen gọi là Chùa Liên. Chùa nổi tiếng là nơi đào tạo tăng tài, lưu trữ ván, và in kinh. Tính đến năm 2023, chùa đã trải qua 297 năm.

Theo Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ, Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang,… đều cho rằng thiền sư Như Trừng Lân Giác giao phó đệ tử Tính Dược[19] trụ trì chùa Liên Phái và đệ tử Tính Ngạn[20] trụ trì chùa Hàm Long[21]. Vị trụ trì hiện nay là HT. Thích Gia Quang. Hoà thượng cho biết rằng: “Sau ngày quân Pháp chiếm Hà Nội, thấy chùa Liên Phái xuống cấp nghiêm trọng, chúng định phá dỡ chùa để xây nhà thờ lấy cớ là dân vùng này buôn rượu – hàng quốc cấm. Nghe tin, vị trụ trì chùa Bà Đá cử sư mang tiền xuống chuộc, chùa vẫn nguyên vẹn, còn nhà thờ được xây dựng tại làng Tám hiện nay. Từ đó, chùa Liên Phái thuộc chùa Bà Đá – hệ phái thiền Lâm Tế”[22]. Hiện nay, chùa Liên Phái toạ lạc tại phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Bảng hiệu chùa được viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ[23]. Đặc biệt trong Tổ đình có tạc tượng thờ thiền sư Như Trừng và một quả chuông có khắc bốn chữ “Liên Tông tục diện” (nghĩa là phái Liên Tông tiếp nối mãi rạng ngời) với nét chữ vào thời Lê Trung Hưng. Vào năm 1962, chùa được Nhà nước xếp vào Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia[24].

Ngoài chùa Liên Phái, Tổ Như Trừng còn xây dựng chùa Hộ Quốc và tạc tượng Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không tại thôn Yên Xá, tổng Hậu Nghiêm (Thanh Nhàn), huyện Thọ Xương, nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Sau đó, ngài xây sửa và trụ trì chùa Hàm Long, huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đến đầu năm 1988, căn cứ theo Quyết định số 28-VH/QĐ của Bộ Văn hóa do Thứ trưởng Nông Quốc Chấn ký phê duyệt và công nhận chùa Hàm Long là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia[25]. Theo Nguyễn Lang, ngoài hai Tổ đình Hộ Quốc và Hàm Long, còn có những Tổ đình khác như Sùng Phúc, Thiên Quang, Phúc Ân, Nghiêm Xá, Vân Trai,… đều thuộc phái Liên Tông[26].

Ngoài hai vị đệ tử lớn là thiền sư Tính Dược và Tính Ngạn, tổ Như Trừng còn có nhiều vị đệ tử cao tăng như Tính Tuyền, Tịch Dự, Vũ Hoa, Chính Tâm, Phổ Toán,… Trong đó, đệ tử Tính Truyền được ngài gửi sang chùa Khánh Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi về nước, thiền sư Tính Truyền có thỉnh 300 bộ kinh luật, trong đó gần 200 bộ đã được khắc bản và in ấn để truyền bá Phật pháp khắp trong nước. Hiện nay, tại chùa Sùng Phúc và Kiến An còn lưu giữ nhiều bản gỗ kinh được khắc[27].

2.2. Sáng lập và phát triển phái Liên Tông

Sau khi đắc pháp với Tổ Chân Nguyên và về trụ trì chùa Liên Hoa, Vũ Ngọc Khánh nhận định về hành trạng hoằng pháp của thiền sư Như Trừng rằng: “Sư giảng kinh sách, hằng tâm giáo hoá nên chùa rất thịnh, người đến tham học rất đông. Do đó lập thành một phái lấy hiệu là Liên Tông”[28]. Trước kia thiền phái Trúc Lâm là sự dung hoà của ba thiền phái là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường tạo nên thiền phái mang bản sắc dân tộc và do thiền sư Việt Nam khai sáng, thì nay có phái Liên Tông được “các thiền sư phục hưng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền mang tính nhập thế và hoàn toàn Việt Nam, tại Đàng Ngoài có ba phái thiền mới được truyền bá. Đó là phái thiền Tào Động, phái thiền Lâm Tế, phái thiền Liên Tông. Hai phái đầu do hai thiền sư Trung Quốc truyền vào. Còn phái thiến thứ ba do thiền sư Việt Nam thành lập, hậu thân của phái thiền Lâm Tế”[29].

Dsc 0195

Tam quan chùa Liên Phái. Ảnh: Minh Minh

Phía bên trái trong Tam bảo của chùa Liên Phái có một tấm bia Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần viện biệt chí được dựng vào năm Tự Đức thứ 7 đã khắc tên bảy vị tổ của phái Liên Tông (từ thiền sư khai sơn Như Trừng Lân Giác đến thiền sư Từ Đức), ngoại trừ vị tổ thứ nhất là hoà thượng bổn sư Chân Nguyên (thầy của thiền sư Như Trừng Lân Giác). Vị trụ trì hiện nay là Hoà thượng Thích Gia Quang đã cùng Nguyễn Tá Nhí biên soạn tác phẩm Chùa Liên Phái – danh lam nổi tiếng Hà Thành xuất bản vào năm 2009. Đồng thời, Hoà thượng Gia Quang với cương vị là Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và sơn môn Liên Phái tổ chức hội thảo khoa học “Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam” vào tháng 03 năm 2023.

2.3. Biên soạn nhiều tác phẩm Phật học

Mặc dù xuất gia tu học với Tổ sư Chân Nguyên rất trễ so với những huynh đệ khác như Như Hiên, Như Ơn,… nhưng thiền sư Như Trừng Lân Giác được xem là vị đệ tử ưu tú nhất và để lại một số tác phẩm Phật học như Ngũ giới quốc âm, Thập giới quốc âm, Kiến đàn giải uế nghi, Phật tâm luận, Mãn tâm tạ quá nghi[30],… Trong đó, hai quyển Ngũ giới quốc âm và Thập giới quốc âm được ngài Như Trừng Lân Giác soạn viết bằng thơ Nôm lục bát khi còn làm Sa di tu học tại chùa Long Động với Hoà thượng bổn sư Chân Nguyên[31].

3. Đóng góp cho dân tộc

3.1. Hoá giải trùng tang và siêu độ vong linh nhốt tại chùa

Trong thời gian tại chùa Hàm Long, Thiền sư Như Trừng Lân Giác dành thời gian biên soạn kinh Thập nguyện cứu sinh và bộ ván khắc phù giải để đọc tụng cầu siêu cho những vong linh được nhốt tại chùa. Việc “nhốt vong” và giải trùng tang tại chùa Hàm Long nhằm mục đích giải toả năng lượng bất an và lo âu trong tâm trí của những người thân trong tang quyến. Về sau, các vị cao tăng tiếp nối truyền thống này, trong đó có Thiền sư Dương Không Lộ là người hoá giải trùng rất hiệu quả[32].

3.2. Góp phần hoàn thiện đạo đức sống của con người

Ông Trịnh Thập, một vương tử tài hoa sống trong lầu son gác tía tại một tư dinh rộng lớn khép mình sống thân giáo bằng việc ăn chay, ngồi thiền và tụng với “tâm hằng gửi gấm chốn thiền môn”[33]. Sau này, xuất gia tu học với pháp danh Như Như, ngài Lân Giác cũng tinh tấn tu tập, được Tổ Chân Nguyên truyền tâm pháp. Sau khi xin phép bổn sư về trụ trì chùa Liên Hoa, Thiền sư Như Trừng đã xây sửa chùa Liên Hoa, thuyết giảng kinh điển Phật pháp hướng dẫn đồ chúng xuất gia và tại gia tu tập:

“Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy”[34].

Kết luận

Nếu thời Trần có Sơ tổ Trần Nhân Tông là người đã khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm thì vào thời hậu Lê có thiền sư Như Trừng Lân Giác lập ra phái Liên Tông. Từ hình ảnh hoa sen thanh khiết đã thức tỉnh vương tử Trịnh Thập sửa nhà làm chùa “cải gia vi tự”, phát tâm xuất gia tu học với thiền sư Chân Nguyên, sau đó đem chánh pháp hoằng truyền khắp nơi, phát triển đạo pháp và lợi lạc hữu tình. Công hạnh tu tập và hoằng pháp của ngài là một bài học kinh nghiệm cho hàng sơn môn Liên Phái nói riêng và hàng xuất gia nói chung noi theo và tiếp bước làm rạng ngời ngôi nhà Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

ĐĐ.ThS.Thích Thiện Mãn
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh

***

Tài liệu tham khảo:
1.Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
2.Vũ Ngọc Khánh (2011), Chùa cổ Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
3.Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4.Nhiều tác giả (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
5.Thích Gia Quang, Nguyễn Tá Nhi (2009), Chùa Liên Phái – danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6.Kinh Pháp cú, phẩm Phật đà, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
7.Thích Minh Tuệ (1992), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
8.Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
9.https://baophapluat.vn
10.http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com
11.https://phatgiao.org.vn
12.https://phatgiaohanoi.vn
13.https://sohuutritue.net.vn
14.https://vi.wikipedia.org
15.http://www.hannom.org.vn

Chú thích
[1] Nguyễn Hữu Việt (2014), “Có hay không thiền phái Liên Tông?” trong Tủ sách Phật giáo và dân tộc (tập 4), Nhiều tác giả, Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 584. Trong 17 người con trai của Trịnh Bính có người con thứ 16 tên là Trịnh Thập (giữ chức Tả đô đốc Phó tướng, Khoa quận công) nhưng là em của Trịnh Linh (tức Trịnh Thập, sau này xuất gia trở thành thiền sư Như Trừng Lân Giác).
[2] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 550 và Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tr. 414 đều viết rằng cụ Trịnh Bính (1670-1703) làm Phổ Quang Vương
[3] Nguyễn Thị Dương (2003), “Ba bài thơ vịnh cảnh chùa Liên Phái của thiền sư Mai Quang”, Thông báo Hán Nôm học, đăng online ngày 24/04/2007, nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=505&Catid=363, truy cập vào ngày 10/01/2023.
[4] Thái phi Trương Thị Ngọc Chử (1666-1750): sinh ra tại Hưng Yên, là con gái trưởng của cụ Diên khánh công Trương Dự. Bà là mẹ của 03 người con: chúa Trịnh Cương, quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thung và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.
[5] Nguyễn Quang Khải (2011), “Tìm hiểu hoà thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long”, Thông báo Hán Nôm học 2011, mục số 31, tr. 713-18, đăng online ngày 05/12/2013. Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail_search.asp?param=2177&Catid=1&text=chùa%20Liên%20Phái, truy cập vào ngày 10/01/2013.
[6] Nguyễn Quang Khải (2011), Bài viết đã dẫn.
[7] Huyện Thọ Xương (壽昌縣): trước thời Mạc có tên gọi là huyện Vĩnh Xương. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, đồng thời vua Đồng Khánh ban hành đạo dụ nhượng hẳn huyện Thọ Xương và cắt một phần của huyện Vĩnh Thuận cho thực dân Pháp vào tháng 10 năm 1888. Kể từ đó, huyện Thọ Xương chính thức bị bãi bỏ và dấu tích hiện nay chỉ là một con ngõ nhỏ mang tên Thọ Xương (tên gọi thời Pháp thuộc là ruelle Père Dronet) thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/ Thọ_Xương_(huyện)).
[8] Chế Ngân (2021), “Ý nghĩa của hoa sen và biểu tượng quốc hoa của Việt Nam”, Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, đăng ngày 17/05/2021. Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/y-nghia-cua-hoa-sen-va-bieu-tuong-quoc-hoa-cua-viet-nam-d98467.html, truy cập vào ngày 10/01/2023.
[9] Nguyễn Lang (2011), Sđd, tr. 550.
[10] Nguyễn Hữu Việt (2014), Bài viết đã dẫn, tr. 584.
[11] Thích Thanh Từ (1992), Sđd, tr. 414-15.
[12] Theo Nguyễn Quang Khải nghiên cứu trên văn bia Cứu Sinh Trịnh tổ lục bi trong bài viết “Tìm hiểu hoà thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long” đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2011 viết rằng: “Trịnh hoà thượng huý là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác, họ Trịnh tên Thập”. Tham khảo trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tập II) của Nguyễn Lang (2011), tr. 550 viết về thiền sư Như Trừng như sau: “Tự là Lân Giác, hiệu là Cứu Sinh thượng sĩ… Hồi còn làm Sa di pháp hiệu là Như Như tại chùa Long Động”. Các tác giả chưa có sự thống nhất trong cách gọi về pháp danh, pháp hiệu,… của thiền sư Như Trừng Lân Giác. Bên cạnh đó, pháp danh Như Trừng có thể là thay thế cho Như Như sau khi thọ giới cụ túc.
[13] Vũ Ngọc Khánh (biên soạn, 2011), Chùa cổ Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, tr. 195.
[14] Nguyễn Lang (2011), Sđd, tr. 550-51. Theo hoà thượng Thích Thanh Từ dịch như sau: “Vốn từ không gốc. Từ không mà đến. Lại từ không mà đi. Ta vốn không đến đi. Tử sinh làm gì luỵ?” (Nguồn: Thích Thanh Từ (1992), Sđd, tr. 415).
[15] Thích Thanh Từ (1992), Sđd, tr. 416.
[16] Thích Gia Quang, Nguyễn Tá Nhi (2009), Chùa Liên Phái – danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
[17] Tham khảo trên tấm bia được khắc vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) tại chùa Liên Phái biết rằng chùa được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Đây cũng là năm viên tịch của hoà thượng bổn sư Chân Nguyên.
[18] Thích Đạo Phong (2019), “Chùa Liên Phái – Hai Bà Trưng”, Phật giáo Hà Nội, đăng ngày 04/01/2019.  Nguồn: https://phatgiaohanoi.vn/chua-lien-phai-hai-ba-trung.html, truy cập ngày 12/01/2023.
[19] Thiền sư Tính Dược vâng theo lời dạy của tổ Như Trừng: sang chùa Khánh Vân, núi Đảnh Hồ, Quảng Châu, trung Quốc để thọ
[20] Tham khảo Vũ Ngọc Khánh (2011), Sđd, tr. 195 viết rằng: “Tính Ngọ trụ trì chùa Long Hạm (nay gọi là chùa Hàm Long”. Pháp danh Tính Ngạn được sử dụng phổ biến hơn.
[21] Thích Thanh Từ (1992), Sđd, tr. 416.
[22] Nguyễn Hữu Việt (2014), Bài viết đã dẫn, tr. 589.
[23] https://phatgiao.org.vn/dac-sac-kien-truc-co-chua-lien-phai-va-nhung-chuyen-dac-biet-d32951.html, truy cập ngày 12/01/2023).
[24]  http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/11/30/chua-lien-phai, truy cập ngày 12/01/2023.
[25] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chùa_Hàm_Long, truy cập ngày 12/01/2023.
[26] Nguyễn Lang (2011), Sđd, tr. 551.
[27] Nguyễn Lang (2011), Sđd, tr. 551.
[28] Vũ Ngọc Khánh (2011), Sđd, tr. 194.
[29] Thích Minh Tuệ (1992), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tr. 420.
[30] Thích Minh Tuệ (1992), Sđd, tr. 419.
[31] Nguyễn Lang (2011), Sđd, tr. 550.
[32] https://baophapluat.vn/thuc-hu-ngoi-chua-nhot-trung-lon-nhat-viet-nam-post349399.html, truy cập vào ngày 12/01/2023.
[33] Vũ Ngọc Khánh (2011), Sđd, tr. 194.
[34] Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu bộ, tập I, Kinh Pháp cú, phẩm Phật đà, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 66.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường