Đóng góp của Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi cho Phật giáo
ISSN: 2734-9195
14:19 27/05/2023
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là sự hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống, những đóng góp to lớn của ông về nhiều lĩnh vực cho văn hóa dân tộc khó có thể kể hết. Ở đây chúng tôi bước đầu trình bày phương diện những đóng góp của Ức Trai cho nền Phật giáo nước nhà.
Tác giả: SC.Thích Nữ Huệ Niệm & TS.Thích Hạnh Tuệ
1 Đóng góp của Nguyễn Trãi cho văn hóa Phật giáo
Có thể nói đóng góp ấn tượng nhất của Nguyễn Trãi đối với Phật giáo là trùng tu lại chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa này còn có tên chữ là “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự” (chùa được trời ban phúc ở núi Côn Sơn). Đến đầu thời Cảnh Hưng chỉ còn “Côn Sơn tự” (gọi theo địa danh núi Côn Sơn)[1]. Toàn chùa như một lô hương thiêng phả khói trên các nếp nhà và do đó chùa còn được dân gian gọi là chùa Hun[2].
Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo, gắn với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, ba vị Tổ Trúc Lâm đã từng tu hành và thuyết pháp nơi đây, sau đó mới chia ra Sơ tổ Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử, Nhị tổ Pháp Loa sang Thanh Mai, còn Tam tổ Huyền Quang ở lại Côn Sơn. Khu di tích Côn Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp tươi mát, u tịch của núi rừng và có những giá trị tâm linh, giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, cho nên có ca dao nói rằng:
Côn Sơn Yên Tử Quỳnh Lâm;
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành.[3]
Cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV sự suy yếu của Phật giáo chỉ mới hạn chế ở cung đình, trong giới thượng lưu, một bộ phận Nho học “Bạch diện thư sinh”, nhưng nguồn sống đạo đức, mạng mạch Phật pháp, chùa chiền vẫn ngấm ngầm trong hàng triệu triệu trái tim người phật tử Việt Nam “Từ khi đạo Phật truyền sang nước ta đến nay đã hơn 2000 năm, mà sự phụng thờ ngày càng thêm mới. Hễ chỗ nào núi cao cảnh đẹp đều mở mang để lập chùa chiền...[4]”
Đầu năm 1428, kháng chiến chóng giặc Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi giúp vua xây dựng lại nước nhà. Ông tiếp tục phục vụ dưới triều đại vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông với chức vụ Nhập nội hành khiển và Thừa chỉ. Do quá tài giỏi lại thêm tính nghiêm minh chính trực, thẳng tay trừng trị bọn quyền thần đục khoét nước, hại dân, nên ông bị gian thần hãm hại, bị nghi oan và bị bắt giam. Sau đó, ông được tha, nhưng không được tin cậy như trước. Do vậy, năm 1437 ông đã cáo quan, lui về Côn Sơn sinh sống. Năm 1439, vua Lê Thái Tông khôi phục các chức tước cho Nguyễn Trãi, trong đó ông có một chức danh là “Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự” tức là quản lý chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn)[5].
Trong khoảng thời gian ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi “sai người sửa sang lại các nơi di tích xung quanh chùa, tu bổ lại am Bạch Vân trên đỉnh núi để làm nơi đọc sách, ngắm cảnh, khơi thêm dòng suối dưới cầu Thấu Ngọc, phát quang mảnh đất gần đó, chuẩn bị dựng căn nhà mới, vừa để làm nơi kèm trẻ nhỏ học cho vui, vừa để tiếp bạn bè phương xa tới khỏi lấn cấn với khách đi lễ chùa nơi nhà thờ tổ[6]”. Trong văn học Việt Nam thời Lê – Mạc, Nam - Bắc phân tranh viết như sau “Sau kháng chiến thành công Nguyễn Trãi về sửa sang lại những di tích, thắng cảnh ở Côn Sơn[7]”. Hoàng Giáp ghi “đời Thái Tông (1434 - 1442) triều Lê, cụ Nguyễn Trãi nghỉ hưu, về Côn Sơn đã trùng tu [chùa] và mở trường dạy học[8]”. Từ những thông tin trên có thể khẳng định việc làm của Nguyễn Trãi là xuất phát từ cái tâm một lòng hướng về Phật pháp, kiến thiết quốc gia, bảo lưu văn hóa nước nhà thông qua việc làm cụ thể mà giới Phật giáo khuyến khích nên làm là “xây chùa, dựng tượng, đúc chuông trong ba việc ấy thập phương nên làm[9]”.
Năm 1440, vua Lê Thái Tông mời ông trở lại và giao cho nhiều trọng trách quan trọng. Và chính lúc này, Nguyễn Trãi cũng là đối tượng của sự ám hại và vụ án đầy oai khiên Lệ chi viên xảy ra ở Bắc Ninh. Nguyễn Trãi qua đời vào ngày 19 tháng 9 năm 1442. Sau đó, nhớ đến công ơn của ông đối với quê hương đất nước, đặc biệt là những tháng ngày “nằm gai nếm mật” của ông tại mãnh đất Đỗ Gia, đề ra những mưu lược, quyết sách cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống trả lại sức mạnh của quân Minh, người dân xã Sơn Tiến đã tạc tượng thờ ông và vợ ông là Nguyễn Thị Lộ tại Chùa Côn Sơn, ngày đêm hương khói.
Hằng năm tại chùa Côn Sơn diễn ra lễ hội truyền thống Côn Sơn như lễ tưởng niệm và khai hội, lễ rước nước, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, Phật tử quy tụ về chùa thành kính dâng hương cầu nguyện chư Phật, chư vị tiền bối hữu công gia hộ, quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc. Một nghi lễ quan trọng trong lễ hội mùa xuân này lễ cúng đàn Mông sơn thí thực được tổ chức vào ngày 26 tháng giêng cũng là ngày mất của Tổ Huyền Quang, là nét đẹp văn hóa Phật giáo, thể hiện uy linh của Tam tổ Trúc Lâm, Tư đồ Trần Nguyên Đán và anh hùng danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, đồng thời cầu siêu cho chư vị hương linh siêu sinh tịnh độ.
Như vậy, chùa Côn Sơn là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Di tích là một trong những minh chứng đáng tin cậy cho truyền thống yêu nước lâu đời của nhân dân địa phương. Nơi đây khoảng 6 thế kỷ về trước chứng kiến nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Lê Lợi và nhà chiến lược quân sự tài năng Nguyễn Trãi chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Nếu một địa phương, hay một nơi nào đó mà có các ngôi cổ tự, chùa chiền, đền đài... chứng tỏ nơi đó văn hóa Phật giáo luôn song hành với cộng đồng, như nhận định của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo Chu Quang Trứ “Một làng quê có các công trình kiến trúc đình – đền – chùa là một làng có bề dày lịch sử và có chiều sâu văn hóa. Làng quê ấy là gương mặt Việt Nam, có cái hạn hẹp của nền kinh tế tiểu nông cá thể lạc hậu, nhưng lại có cái đẹp duyên dáng và đôn hậu cả ở cảnh và người. Trong các dạng công trình công cộng trên, chùa là công trình có sớm nhất, phổ biến nhất, gắn bó nhất với cộng đồng dân làng và dân tộc, do đó cũng có sức sống nhất, tồn tại lâu dài nhất và đang tham gia vào đời sống xã hội đương đại[10]”.
Ngoài di tích chùa Côn Sơn ra hình ảnh các ngôi cổ tự có giá trị văn hóa, giá trị lịch sử gắn liền với những bậc chân tu đắc đạo như chùa Bảo Lâm của Lục Tổ Huệ Năng, núi Thiếu Thất nơi Đạt Ma sư Tổ diện bích 9 năm, chùa Yên Tử của phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Và hàng loạt các thuật ngữ Phật giáo được Nguyễn Trãi sử dụng trong thơ chữ Hán cũng như chữ Nôm một cách linh hoạt giàu hình ảnh biểu cảm, thể hiện được đời sống tâm linh và con đường tu tập của nhà Phật như thần tích phi lai, phi tích, cơ hà diệu, tiền duyên, thượng thừa thiền, vô thụ phi đài, nhân duyên, đất Bụt, nghiệp ba thân, Như Lai, Tây phương, ẩn dật, vô tâm...
Nguyễn Trãi đã sử dụng rất nhiều điển tích trong các tác phẩm của mình, phải chăng ông muốn chính mình và hậu thế ôn lại sự kiện trọng đại, dấu ấn lịch sử Phật giáo, tinh thần nhập thế của Phật giáo hay của những nhà chân tu như điển tích lấy từ bài kệ ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng khi trình lên Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn:
Bồ đề bổn vô thụ,
Minh kính diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?[11]
Nguyễn Trãi đã sử dụng điển trên trong bài Du Nam Hoa tự câu thứ 4 “Vô thụ phi đài ngữ nhược tân”. Điều đó thể hiện sự am hiểu về kinh điển trong giáo môn của Thiền đốn ngộ. Hay điển tích về Tào Khê, núi Thiếu Thất, chùa Bảo Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Côn Sơn, con mèo. Hay tích “Linh Phố” “Gậy bay Linh Phố đành mai sáng; Suối hẹ Côn Sơn hẳn có phen” (Rạng mai sẽ bay gậy đến núi Chí Linh; Ngày nào mới cùng nghe suối ở Côn Sơn được)[12].
Đóng góp tiếp theo là thực hành lối sống giản dị như hạnh đầu đà mà đức Phật dạy: “Nếu hành đầu đà này còn ở thế gian, thì pháp của Ta cũng sẽ tồn tại lâu ở thế gian[13]”. Hiểu sâu sắc điều đó, sau khi ẩn dật ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi sống một cuộc đời hết sức đơn sơ giản dị ăn thì “dưa muối” mặc thì “vải thô”. Mặc dù không xuất gia nhưng qua đó có thể thấy được việc làm này của Nguyễn Trãi mang dấu ấn của lối tu khổ hạnh mà cách đây hơn 26 thế kỷ đức Phật và các đệ tử của Ngài đã từng sống như vậy, gần nhất với Nguyễn Trãi là vua Trần Nhân Tông rời triều đình lên non cao Yên Tử tu hạnh đầu đà.
Qua đó không thể phủ nhận công lao của Nguyễn Trãi trong việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng của Phật giáo Việt Nam nói chung.
2. Đóng góp cho tư tưởng Phật giáo
Nguyễn Trãi lớn lên trong bối cảnh xã hội tư tưởng Nho gia đang lớn mạnh chiếm ưu thế trên chính trường, nhưng Nguyễn Trãi vẫn trung thành với ý thức dân tộc từ Trưng Nữ Vương, không giới hạn trong tư tưởng nhân nghĩa vào Nho gia mà khai triển mở rộng, thâu hóa sáng tạo Phật giáo và Đạo giáo vào cái gốc tín ngưỡng thật đạo từ cổ chí kim thành một tổng hợp nhất quán Thiền tông đặc biệt ở Việt Nam là nhập thế hành động. Thiền học vượt ra khỏi “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền[14]”, trở về với chân tâm thật tính, Nguyễn Trãi đã vận dụng chữ “tâm” của thiền tông Phật giáo vào công cuộc chống giặc ngoại xâm sử dụng như một phương tiện “tâm công” để phù hợp với thời đại hoàn cảnh của đất nước, giúp cho họ nhận thức được bản thân mình cần gì, muốn gì và những người thân trong gia đình họ đang mong chờ điều gì ở mình. Việc làm đó như liều thuốc thức tỉnh những con người nơi chiến trường, đang loay hoay trong vòng xoáy hơn thua, khiến đối phương nhận ra được giá trị cuộc sống, giá trị của sự bình an mà đầu hàng vô điều kiện, trở về quê hương đất tổ sống một cuộc đời không chiến tranh giết chóc như thế đã là thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn “Người làm quan nên biết suy diễn lời nói này, lúc làm việc công, nếu giữ lòng từ bi thương xót, mở bụng cứu tế mọi người, làm tỏ rõ việc on uổng, cứu vớt người bần cùng, khoan dung cho phạm tù, giảm bớt việc sai phải, ơn huệ thấm đến nhân dân, thì tự nhiên phúc trạch được dư dụ, đâu có phải cứ ăn chay lễ Phật, mới làm điều lành[15]” Đó là đóng góp đầu tiên của Nguyễn Trãi cho Phật giáo thời Lê sơ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Thứ hai là tinh thần nhân ái vô ngã vị tha. Xuất phát từ lòng thương yêu con người dân tộc, yêu thương con người, yêu thiên nhiên cũng như tất cả những sinh linh bé nhỏ, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh. Suốt 45 năm giáo hóa độ sinh của đức Phật, những lời vàng ngọc của Ngài được ghi chép trong tam tạng thánh điển, nội dung những lời dạy ấy không ra khỏi trí tuệ và lòng từ bi của đức Phật. Có thể nói, trong sự nghiệp giáo hóa chúng sinh của đức Phật, trí tuệ như ánh đuốc soi đường, còn từ bi như hành động cứu người trong đêm tối. Sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và từ bi mà Ngài đã thành công trong sự nghiệp độ sinh, đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong đạo Phật. Bằng trái tim nhân hậu và khối óc tinh thông của Nguyễn Trãi, ông đã tiếp nhận tư tưởng ấy trong công cuộc xây dựng nước nhà, tắm mình trong tinh thần từ bi “Một lòng báo oán là thường tình của con người ta, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân giả. Vả chăng người ta đã ra hàng mà ta lại giết đi thì không lành hơn nữa[16]”. Mang lại hòa bình, ấm no, sống yên vui là nguyện vọng thiết tha của mọi người, mọi tầng lớp, dân tộc đó là tinh thần từ bi của Phật giáo, ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo đi đến đâu xua tan màn đêm vô minh đến đó mang lại cho con người thế giới bình yên như lời nhận định của Trần Văn Giàu “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta[17]”.
Thứ ba là tư tưởng Phật giáo của thời Lý – Trần được thiết lập trên nền tảng Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội lành mạnh theo nền tảng của thập thiện nghiệp, những nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng ấy được thể hiện qua những tác phẩm quan trọng được lưu truyền cho đến ngày nay, đó là Cư trần lạc đạo phú, Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca thiết thực hiện tại gắn liền với việc cải thiện chất lượng sống, an sinh xã hội. Nguyễn Trãi kế thừa tư tưởng ấy trong việc hình thành và xây dựng một xã hội văn hóa thời Lê sơ, mặc dù không thành công nhưng nó cũng đã thể hiện được tấm lòng của ông đối với Phật giáo. Ông còn khuyên răn con người không nên mê đắm dục lạc, bởi những thứ đó chỉ làm tổn hại đến tinh thần trí tuệ, sự nghiệp con người như nội dung tác phẩm Giới Sắc đã viết được đề cập ở phần 2.4 phía trên hay sự sân giận chỉ làm cho con người hao tổn khí hòa (bài Giới nộ). Nguyễn Trãi đã mang một bức thông điệp tích cực của Phật giáo gửi gắm đến cho con cháu đời sau đưa chân – thiện – mỹ vào đời, truyền bá trong nhân dân, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, hòa hợp gia đình, hòa hợp quốc gia…Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam, tạo nên xã hội văn minh tốt đẹp. Đó cũng là đường lối cốt yếu trong việc trị nước mà đức Phật đã dạy “Nhà vua nên như cái cầu tế độ cho muôn dân, nhà vua nên như cái cân dầu thân, dầu sơ đều căn nhắc cho đúng, nhà vua nên như mặt trời soi khắp thế gian, ... nhà vua như cha mẹ, nuôi dưỡng thương dân yên nhân dân, nhà vua như trời che phủ tất cả, nhà vua như đất bồi dưỡng mọi loài[18]”. Nguyễn Trãi không phải là vua nhưng có tố chất của một nhà lãnh đạo, dưới một người trên vạn người và đầy đủ những đức tính tốt đẹp, tư tưởng của một bậc minh quân như trong đoạn kinh nêu trên.
Với trí tuệ, tầm nhìn sâu rộng của bậc tinh thông Tam giáo, ông hiểu rằng giáo lý đạo Phật là nơi cứu khổ độ sinh, giúp chúng sinh bỏ ác hành thiện, biết sống yêu thương… Đồng thời, Ức Trai cũng hiểu bổn phận trách nhiệm của người con Phật là đưa giáo lý của đạo Phật trở thành điểm tựa, xây dựng đạo đức xã hội làm sao cho đất nước thịnh hưng, nhân dân ấm no. Và cũng chính Nguyễn Trãi đã dành giành thời gian cho việc nghiên cứu Tam tạng mỗi tối khi lưu trú tại Côn Sơn “Tuy đã lớn tuổi, nhưng tối nào thong thả không có khách, Nguyễn Trãi vẫn chăm lo đọc sách, không chỉ nghiên cứu kinh Tam Tạng, mà còn nghiên cứu khá nhiều sách của Bách gia chư tử, loại sách mà trước đây ông ít có dịp tiếp xúc[19]”. Khoảng thời gian đó Nguyễn Trãi như tắm mình trong dòng sữa pháp, thấu rõ lẽ sắc – không, vô thường, vô ngã của nhân sinh vũ trụ, bởi những lời dạy của Phật Thích Ca đã thôi thúc nhà thơ và cho ra đời hàng loạt các tác phẩm mang giá trị về tư tưởng Phật giáo như Mộc cận, Ngôn chí bài 3, 4, 7, 10, 11... Mạn thuật bài 2, 5, 6, 7... Thuật hứng bài 1, 2, 3, 4, 9,10... Tự thán bài 3, 4, 12, 13, 15... Tự thuật bài 2, 3, 5, 8... Bảo kính cảnh giới bài 1, 3, 6, 7, 9... Ngoài ra còn có các tác phẩm trong thơ chữ Hán như Du Nam Hoa tự, Du Sơn tự, Côn Sơn ca, Đề Yên Tử sơn, Vân Yên tự, Tiên Du tự, Tống Tăng Đạo Khiêm quy sơn... Nguyễn Trãi đưa người đọc trở về với tinh thần nhất thể trong kinh điển Phật giáo, đó cũng là đóng góp to lớn của Ức Trai đối với Phật giáo.
3. Đóng góp cho văn học Phật giáo
Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là nhân tố đầu tiên cấu thành các tác phẩm văn học, là công cụ để nhà thơ, nhà văn sáng tác và xây dựng hình tượng văn học như Lep Tônxtôi đã nói nhà văn là “nghệ sĩ của ngôn từ[20]”, do đó “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học[21]”.
3.1.Về ngôn ngữ
Ngôn ngữ Phật giáo là ngôn ngữ thực tế, gần gũi, sống động, mang hướng giải thoát, nên khi tác động vào não bộ làm cho tâm hồn con người nhẹ nhàng thanh thoát như trút bỏ mọi ưu sầu đang đè nặng trong kiếp nhân sinh khổ lụy. Qua khảo sát, người viết thấy Nguyễn Trãi sử dụng các lớp từ có ý nghĩa như những điển tích, thuật ngữ nhà Phật, hoặc xa gần giàu ý nghĩa biểu cảm tư tưởng, tâm linh và đời sống của người xuất gia để sáng tác thơ chữ Hán cũng như chữ Nôm như sau: trần ai, mộng đời, chuông chiều, danh hão, thân huyễn hoặc, kiếp trần trong mộng, ảo ảnh, tỉnh mộng, tiếng chuông, lụy tục, trần tục, cõi tục, Yên Tử, Nhân Tông, quang minh, hữu vô, trần mộng, xuất gia, tại gia, trong mộng, việc tục, tiền duyên, mắt hoa, vô tâm thượng thừa Thiền, sơ tâm, rừng thiền, tục sạch lòng, hương hỏa, nhân duyên, hàng long, phục hổ, vô thụ phi đài, Phật, tháp, chân thân, kiếp trần, tùng lâm, ảo hóa, rừng Thiền định, vô tâm, sơn tăng, chùa chiền, tiêu sái, ngoài thế, tục trần, nghiệp cũ, duyên xưa, ba thân, con am, Bụt ấy là lòng, đất bụt, nẻo sơ chung, lụy thân, chiêm bao, đường thế, tự tại, xuân mộng, thảo am, trai (chay), Tào Khê, Thiếu Thất, phàm, lánh trần, hiểu đạo, tâm, vô tâm, thế sự, thiêu hương, cơ duyên, cõi trần, hư không, sắc không, sắc tướng, phương Tây, Như Lai, giới sắc, giới nộ... Để có được một khối lượng thơ văn đóng góp cho văn học nước nhà đòi hỏi Nguyễn Trãi phải am tường, nghiên cứu chuyên sâu giáo lý Phật giáo trong việc sáng tác thơ văn bởi “Chữ Nôm lúc đầu là một lối chữ được sản sinh ra và được sử dụng chủ yếu trong nhà chùa[22]”. Việc làm này của tiên sinh góp phần tạo nên một diện mạo văn học Phật giáo Việt Nam nói chung văn học Phật giáo thời Lê Sơ nói riêng, đồng thời đồng thời cũng là người mở lối cho các tác gia sau này trong thơ văn hàm chứa tư tưởng Phật giáo như Lê Thánh Tông, Thái Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du…
Nguyễn Trãi đã tiếp thu nguồn văn học chữ Nôm thời Trần nhất là hai tác phẩm Cư trần lạc đạo phú (CTLĐP) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (ĐTLTTĐC) của Trần Nhân Tông. Có thể nói đây là hai tác phẩm văn học Phật giáo có giá trị đối với văn học Phật giáo Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo thời Trần nói riêng. Dưới đây là những từ ngữ, những câu minh chứng cho việc Nguyễn Trãi đã tiếp thu nguồn văn học Phật giáo thời Trần để đưa vào thơ của mình như là chữ “Bụt ấy là lòng” trong bài Mạn thuật 8 còn trong Cư trần lạc đạo phú “Bụt là lòng” xuất hiện ở câu 52. Hay chữ “ba thân” trong Quốc Âm thi tập (QÂTT) ngôn chí 11 câu 4 còn trong CTLĐP chữ “tam thân” xuất hiện ở câu 4 trong hội thứ 4; chữ “Vô tâm” trong QÂTT bài ngôn chí số 4 câu 3, còn trong CTLĐP hội thứ 6 câu 2; chữ “sơn lâm” trong QÂTT Mạn thuật 2 câu 1 còn trong CTLĐP xuất hiện trong câu 2 hội thứ nhất; trong QÂTT chữ “thị phi” xuất hiện ở Ngôn chí 3 câu thứ 2 còn CTLĐP hội thứ nhất câu 7 và ĐTLTTĐC câu 34; chữ “hương hỏa” trong QÂTT ngôn chí 11 câu 4 còn trong ĐTLTTĐC câu 24... Những minh chứng trên cho thấy, có những từ ngữ Phật học trong tác phẩm của Nguyễn Trãi có trong CTLĐP và cũng có những từ có trong ĐTLTTĐC, sự phối hợp giữa hai tác phẩm văn học Phật giáo, Nguyễn Trãi đã cho ra đời những tuyệt tác riêng của mình mang âm hưởng Phật giáo cống hiến cho đạo cho đời.
3.2. Thể loại
Nếu văn học Phật giáo đời Lý, chỉ có một số thể loại chủ yếu như: kệ thơ Thiền, thơ tả cảnh, từ khúc, bi ký, minh, ngữ lục thì sang đời Trần nền văn học Phật giáo còn xuất hiện thêm phú, ca, tụng, niêm tụng kệ, luận thuyết tôn giáo, các thể truyện, thơ trữ tình... Các thể loại ấy chịu sự qui định tính chất văn học trung đại, trong đó sự phân định cụ thể và sắp xếp theo quy luật Văn – Sử – Triết bất phân. Qua thơ Nguyễn Trãi người đọc có thể cảm nhận được sự phối hợp hài hòà về thể loại kệ thơ thiền thời Lý và trữ tình thời Trần tạo nên một sắc thái riêng trong thơ Nguyễn Trãi. Theo khảo sát của người viết, trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có 92/254 bài thơ thể hiện cảm quan thiền học, giàu cảm xúc trữ tình và nội dung đề cập đến Phật, tâm, chân như, sắc không, hư vô... nó là sự kết tinh được xem là tinh túy nhất của những người ngộ đạo, như một sự tổng kết toàn bộ nhận thức, tri thức và cảm xúc của danh nhân Nguyễn Trãi trong quá trình nghiên cứu Phật pháp.
Thiên nhiên là hình ảnh quen thuộc nhất của con người nhất là đối với người xuất gia. Nguyễn Trãi rất thành công trong việc khắc họa cảnh chùa chiền thanh u tịch tĩnh, cảnh trăng thanh gió mát chẳng hạn như “Cảnh tựa chùa chiền lòng tựa thầy”; “Đìa cỏ được câu ngâm gió; Hiên mai cầm chén hỏi trăng[23]” hay “Tuyết đượm trà mai câu dễ động; Đìa in bóng nguyệt hứng thêm dài[24]”; “Cảnh thanh dường ấu chăng về nghỉ; Lẩn thẩn làm chi áng mận đào[25]”... “các lời thơ này đã diễn tả thiên nhiên với tình cảm thắm thiết và với niềm lạc quan yêu đời[26]”. Quả thật đúng như vậy, thiên nhiên hiện thực ấy được Nguyễn Trãi ghi lại một cách sinh động, lung linh giàu tính trữ tình khi tâm cảnh hợp nhất. Bên cạnh đó hình ảnh thiên nhiên mang tính chất biểu trưng cũng được thi nhân phác họa một cách sinh động uyển chuyển mang chiều sâu tâm linh như “ánh hoa trong nước”, hay “Nguyệt trong đáy nước, nguyệt trên không”, vì thế mà “suốt mấy thế kỷ, nhiều thế hệ thi sĩ đã không ngừng khai thác tình cảm thiên nhiên như một ngọn nguồn vô tận... cả bầu không khí trong đó tâm hồn thi sĩ luôn có thể tìm cho đời người những đường nét, những màu sắc hài hòa cùng những tình tứ chân thật mà sâu đậm và một ý vị say sưa mà trong trẻo[27]”.
Hình ảnh con người cũng được Nguyễn Trãi xây dựng hết sức thành công trong thơ ca của mình góp phần tạo nên những nét đặc thù riêng cho văn học Phật giáo Việt Nam. Đó là hình ảnh con người ngộ đạo với tinh thần vô ngã, vô tâm, con người hòa đồng với vũ trụ, tự do tự tại, phong thái ung dung như Ngôn chí 4, 11, 14, Mạn thuật 2, 6, 9, 12, 14, 17, Tự thán 3, 4, 7, 13. Hay con người đời thường với những cảm thức nghĩ suy, những tình cảm dằn vặt trăn trở, suy tư nội tâm đời thường của kiếp người điển hình như Ngôn chí 1, 5, Mạn thuật 5, 6, 8, 10, 18, Tự thán 5, 15... Còn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi có bài Đề Đông Sơn tự, Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn.
Việc Nguyễn Trãi sử dụng thơ Nôm Đường luật để sáng tác về Phật giáo xuất phát từ ý thức cụ thể. Vì trước khi lệ thuộc vào văn hóa Hán tự, cha ông ta tiếp thu, tiếp biến tư tưởng và văn hóa Phật giáo. Tuy có lúc Phật giáo mượn chứ Hán để phiên dịch kinh điển, nhưng không lệ thuộc vào nó. Chỉ khi bị nhà Minh đô hộ, kinh văn Hán tạng từ Trung Quốc mới truyền qua Việt Nam dưới nhãn quan Nho giáo. Thế nên, Nguyễn Trãi đã dùng chữ Nôm để sáng tác là có mục đích muốn quay về nguồn cội, kể cả tư tưởng cũng như văn tự, mà những bài thơ Nôm Đường luật của ông viết về Phật giáo là minh chứng. Việc sử dụng một thể thơ do dân tộc sáng tạo lại để chuyển tải tư tưởng uyên áo của Phật giáo là cái nhìn sáng suốt, có chiều sâu về mặt tư tưởng.
Thơ Đường luật mang trong mình những quy tắc khắt khe, đòi hỏi người làm thơ phải nắm rõ những quy luật và vận dụng quy luật ấy để chuyển tải nội dung ý tưởng, cảm xúc của mình về một đề tài nào đó. Nó thể hiện cái đẹp, cái tao nhã, vẽ ra được những bức tranh, thâu tóm cái thần thái của phong cảnh. Vậy mà Nguyễn Trãi đã thành công trong việc sử dụng thơ Đường luật trong sáng tác của mình, và đa phần là những tác phẩm viết về phong cảnh Phật giáo trong thơ chữ Hán như sau: thơ ngũ ngôn bát cú có 3 bài: Giang hành, Thính vũ, Tiên Du tự; Thơ thất ngôn tứ tuyệt có 2 bài: Ngẫu Thành, Đề Đông sơn tự; thơ thất ngôn bát cú có 4 bài như: Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, Lâm cảng dạ bạc, Đề Yên Tử sơn Vân Yên tự, Họa bài “Yên hà ngẫu hứng” của bạn (bài 2),Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn, Du Nam Hoa tự.
Từ một thể thơ Đường luật chữ Hán với thi pháp chặt chẽ, gò bó của Trung Hoa, Nguyễn Trãi đã sáng tạo một thể thơ mới dựa trên thể thơ Đường luật chữ Hán. Đó là thơ Nôm Đường luật được cách tân và Việt hoá từ thơ Đường luật Trung Hoa. Với sự xuất hiện của thể thơ này, văn học viết Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ đã tồn tại song song với văn học chữ Hán. Từ đó thơ Nôm Đường luật trở thành thể thơ của dân tộc, có địa vị quan trọng đối với nền văn học dân tộc Việt Nam. Phần này người viết xin được trình bày trong phần đóng góp của Nguyễn Trãi cho dân tộc, những đóng góp của Ức Trai cho văn học Việt Nam cũng chính là đóng góp cho văn học Phật giáo Việt Nam bởi “Văn học Phật giáo Việt Nam là một bộ phận văn học nằm trong cấu trúc tổng thể của văn học Việt Nam. Bộ phận văn học này góp phần làm cho văn học viết Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và có chiều sâu về mặt tư tưởng[28]”.
4. Tạm kết
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi không những là một nhà trí thức Nho yêu nước, yêu dân có trí tuệ rộng mở mà Nguyễn Trãi còn tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa Tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo) hoà cùng với truyền thống của văn hóa dân tộc. Qua Quốc âm thi tập và một số tập thơ chữ Hán, có thể thấy ông tâm đắc với cái tinh hoa thiền của trong giáo lý Phật đà. Có thể nói Ức Trai rèn được đức tính cao cả của người “Đại hùng, đại lực, đại từ bi”, để lại cho văn hóa Phật giáo những di tích quý giá về giá trị lịch sử, giá trị tinh thần lưu truyền cho đến ngày nay; Để lại cho kho tàng văn học Phật giáo những tác phẩm bất hủ, có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như thể loại cho văn học Phật giáo nói riêng và văn học dân tộc nói chung.
Tóm lại, để có được lượng từ phong phú đa dạng trong thơ Nôm, Ức Trai đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau như tiếp thu những thành tựu văn thơ Nôm đời Trần, sự tiếp biến các ngữ liệu Hán học và nhất là khai thác nguồn vốn trong ngôn ngữ dân gian. Ông dùng tiếng nói của nhân dân chính là để khẳng định và giữ gìn của cải vô giá của dân tộc. Để có được số lượng từ gần 2.500 từ đó là cả một quá trình nghiên cứu, nỗ lực đáng quý của Nguyễn Trãi. Ông xứng đáng là nhà thơ khai sáng, mở đầu nền thơ cổ điển trong văn học dân tộc và trở thành một tác gia lớn có nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy tại các trường học trên lãnh thổ hình chữ S nói chung, các trường Đại học nói riêng.
Tác giả: SC.Thích nữ Huệ Niệm & TS.Thích Hạnh Tuệ
***
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* SC.Thích Nữ Huệ Niệm, Học Viên Cao học khóa V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Tăng Bá Hoành (1980), Tháp Đăng Minh ở Côn Sơn (Hải Hưng), In trong Tạp chí Khảo cổ học (số 1 năm 1980), tr.80
[11] Đoàn Trung Còn(2014), Triết Lý Nhà Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 286.
[12] Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. tr.354.
[13] Tiểu Tạng Thanh Văn (2011), Thích Đức Thắng (dịch Việt), Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích), Kinh Tăng Nhất A- Hàm Tập 1, Phẩm Nhập Đạo, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 162.
[14] Thích Thanh Từ (2001), Hoa Vô Ưu tập 7, Nxb. Tôn giáo, tr.113.
[15] Viện sử học (1977), Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2 – Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 365.
[16] Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập 6, Nxb. Tổng hợp, tr.26.
[17] Trần Văn Giàu (1998), Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam, in trong “Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng của dân tộc”, Viện Triết học, Hà Nội, trang 15.
[18] Viện sử học (1977), Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2 – Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 366.
[19] Bùi Văn Nguyên (1980), Nguyễn Trãi, Nxb. Văn hóa, tr.284.
[20] Nguyễn Công Lý (2022) chủ biên, Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác giả tiêu biểu, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 80.
[21] Nguyễn Công Lý (2022) chủ biên, Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác giả tiêu biểu, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 80.
[22] Nguyễn Công Lý (2022), Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê – Nguyễn diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác giả tiêu biểu, tr.83.
[23] Quốc âm thi tập Mạn thuật 1, tr.116
[24] Tự thán 14, tr.267
[25] Mạn thuật 35
[26] Phạm Hùng (2006), “Vài nét khuynh hướng văn học Thiền thời Lý”, tạp chí nghiên cứu Phật học, tr.34.
[27] Phạm Hùng (2006), “Vài nét khuynh hướng văn học Thiền thời Lý”, tạp chí nghiên cứu Phật học, tr.34.
[28] Nguyễn Công Lý (2022), Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê – Nguyễn diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác giả tiêu biểu, tr. 89.
Pháp môn Tịnh độ mang lại niềm hy vọng và sự giải thoát dễ dàng cho tất cả chúng sinh. Niệm Phật không chỉ là phương tiện kết nối với Đức Phật A Di Đà mà còn là con đường thẳng tới cõi Cực lạc.
Chuyên mục AI - PHẬT HỌC sẽ mang đến cho bạn đọc luồng gió mới, góc nhìn mới về việc cập nhật hiệu quả những thông tin về giáo lý, Phật pháp, Phật giáo với đời sống…
Sự xuất hiện của đức Phật nhằm thức tỉnh con người hướng đến mục tiêu giác ngộ về sự thật của cuộc đời và vượt lên trên cuộc đời để giải phóng con người thoát khỏi những tối tăm, chìm đắm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời
Động cơ tu trì đức Phật Dược Sư ban đầu của người dân rất đa dạng, có thể làm tìm cầu chữa lành bệnh tật, ngăn ngừa cái chết, kéo dài tuổi thọ, cầu tự, cầu con trai, cầu sự bảo hộ địa vị xã hội v.v…
Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa.
Huế đã xây dựng một số lượng đền, chùa đáng kể. Điều này lý giải vì sao người Huế từ khi sinh ra đã gắn bó sắc sâu với câu kinh tiếng kệ, tiếng chuông chùa và hình ảnh áo nâu sòng, coi các ngôi chùa như “một thực thể” gắn liền với đời sống tinh thần từng người dân miền đất cố đô...
Nếu như có người muốn thấu rõ tất cả chư Phật mười phương ba đời, thì hãy quán sát tính pháp giới. Pháp giới là chân như thật quán, chỉ tâm thức quán. Tất cả hết thảy cảnh giới đều do tâm tạo ra.
Bài thơ Tự thuật của Trần Thánh Tông hiện lên như một kiệt tác không chỉ đơn thuần của nghệ thuật thi ca, mà còn mang trong mình một triết lý sống sâu sắc, được đan xen một cách tinh tế qua từng câu chữ.
Bình luận (0)