Nguyễn Thanh Huy Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa

Pháp của Như Lai vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt. Theo dòng thời gian chính pháp đã phổ khắp năm châu bốn bể. Phật giáo mỗi khi được truyền đến một quốc gia sẽ luôn có sự dung hòa với nền văn hóa bản địa. Nói cách khác, đạo Phật ở mỗi dân tộc luôn có những sắc thái riêng biệt, đặc thù. Tất nhiên chính pháp vẫn là duy nhất. Vì pháp của Như Lai vốn như kim cương: cứng chắc, bất hoại; có thể phá tan mọi ô nhiễm, vô minh, vọng chấp. Có chăng, ở đó là sự cải biến những cách thức hành trì hay mở ra nhiều con đường tu tập khác nhau, cốt để đi đến bờ giác ngộ. Theo lẽ đó, dân tộc ta đã hình thành một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt - Thiền phái Trúc Lâm - do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng khởi.

Trần Nhân Tông (陳仁宗), sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258 – viên tịch 16 tháng 12 năm 1308. Ông là vị hoàng đế thứ ba của triều Trần nước Đại Việt. Trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293 vua truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức Trần Anh Tông) và lên làm thái thượng hoàng.

Sau đó, năm 1299 Trần Nhân Tông xuất gia, đi tu ở núi Yên Tử; chuyên tâm theo hạnh khất thực, lập ra Thiền phái Trúc Lâm (竹林禪派) và lấy hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ (竹林大士).

Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền tiếp nối và hợp nhất ba dòng thiền của Đại Việt ở thế kỷ XII, bao gồm: dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì Ni Đa Lưu Chi; cùng với sự ảnh hưởng của tông Lâm Tế. [7]

Tư tưởng chủ đạo và pháp tu của dòng thiền này có thể được quán sát qua bốn câu kệ kết thúc trong bài phú “Cư trần lạc đạo” (toàn bài có 10 hội, viết bằng chữ Nôm; duy ở hội thứ mười thì có thêm bài kệ tứ tuyệt chữ Hán) của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, như sau:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”

Nguyên tác:

居 塵 樂 道 居 塵 樂 道 且 隨 緣 饑 則 餐 兮 困 則 眠 家 中 有 寶 休 尋 覓 對 境 無 心 莫 問 禪

Dịch thơ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên Đói ăn mệt mỏi phải ngủ liền Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền. (Nguyễn Thanh Huy dịch)

Chính bởi nội dung chủ đạo của toàn bài phú nằm ở bốn câu kết này mà người đời sau thường tách hẳn bốn câu kệ trên ra và lấy tên tác phẩm này để gọi riêng cho nó. Thực chất, đây là một bài kệ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Có lẽ, một phần vì sự hoàn chỉnh về hình thức này mà bài kệ được lưu truyền và phổ biến rộng khắp với tư cách là một bài thơ thiền của Phật giáo thời Trần.

Để thấy rõ được quan niệm tu tập, cách hành trì của Trần Nhân Tông, hay xa hơn là bản sắc Phật giáo của nước ta dưới thời Trần, chúng ta cần truy nguyên về bản thể của chính pháp Như Lai, từ đó có thể chỉ ra được những dị biệt về xu hướng, về các pháp tu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc khi Phật giáo được truyền bá vào nước ta.

Cụ thể ở đây là sự quy chiếu về tinh thần cốt lõi của Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa(1). Kinh này nói về “Trí huệ Phật”(2), mà nhờ có Trí huệ Bát Nhã(3)Ba La Mật(4) phá hết vô minh, vọng chấp nên mới minh tâm kiến tính thành Phật. Và theo lời của đức Thế Tôn: “Tất cả Phật và Pháp đều từ kinh này mà sinh ra”. [2] Bài kệ chỉ bốn câu, nhưng mỗi câu có giá trị như một pháp huấn, khai thị cho chúng đệ tử, mà theo đó kiên trì thực hành có thể đi đến giác ngộ, hoặc đốn ngộ (頓悟)(5) nếu ai đó hội đủ căn cơ.

Câu mở đầu “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” vừa là chủ đề của bài kệ, vừa là tư tưởng chủ đạo của dòng Thiền Trúc Lâm.

“Cư trần/lạc đạo” - ở trong cõi đời vui với đạo - đã cho thấy một quan niệm tu hành không lánh xa thế tục. Quan niệm này kỳ thực không mới, trong Kinh Kim Cang, Như Lai cũng đã nói: Bồ tát muốn biết mình còn phiền não, vọng chấp hay không, và để tiêu trừ; tất nhiên, phải lao mình vào phiền não, nghĩa là phải nhập thế độ sinh, làm các Phật sự. Rõ ràng, khi chúng ta nhìn lại cuộc đời của Đức Phật lúc tại thế, ngay sau đắc quả, là cả một hành trình dài nhập thế, lấy chính sắc thân mình trải qua bao khổ hạnh để minh chứng, để giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh. Nói như vậy, tuy nhiên, không phải hành giả nào cũng đủ căn cơ đốn ngộ để nhập thế phổ độ chúng sinh; do đó, cần có một quá trình dài trong không gian thanh tĩnh để thân tâm bớt những phiền não, tạp nhiễm, di dưỡng tinh thần mà từ đó lánh xa ô nhiễm; khi trước mắt không có vật tục, trong tâm tự khắc an minh. Điều này từng được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thí dụ như một cái cây phải ở trong rừng sâu thì ít bị chặt phá, cứ thế sẽ lớn lên thành đại thụ, khi đó có thể trở thành rường cột.

Điểm mới trong quan niệm tu hành của Trần Nhân Tông qua câu kệ trên, đó là thái độ lạc quan và không cưỡng cầu, gượng ép. Ngài đến với đạo trong một tâm thế an nhiên, vui với đạo trong từng việc làm của sắc thân tại cõi trần. “Thả tuỳ duyên” không phải phải là sự tuỳ ý, mặc kệ, hay để người tu bám chấp, lợi dụng vào đó mà muốn làm gì cũng được. Trái lại, đây chính là sự biểu hiện cụ thể của Trí huệ Bát Nhã để phá trừ chấp ngã (không còn thấy mình là một hành giả) và tiêu trừ chấp pháp (không còn bó buộc, ý thức vào cách tu).

Câu kệ thứ hai “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên” - đói thì ăn, mệt thì ngủ - không chỉ là câu để giải thích cho quan niệm “thả tuỳ duyên” ở câu 1, mà là một cách khai thị cho đệ tử hướng vào việc hành trì thông qua những việc làm, hành vi hết sức bình thường. Chính xác hơn, đó là những thói quen hàng ngày, hay ngay cả là những hành vi mang tính bản năng. Đói thì ăn - mệt thì ngủ, hoàn toàn không cần phải cố nhịn - cố chống để thi hành các pháp mà tưởng chừng như cao quý, hợp với vai của người tu đạo. Đến đây, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Huệ Năng, khi đến chùa cầu đạo, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ giao cho việc chẻ củi, giã gạo. Cứ như thế, Huệ Năng vẫn ngày ngày miệt mài làm việc, không một chút lười biếng. Rồi đến một ngày, sau khi Ngũ Tổ đọc bài kệ, biết Huệ Năng đã đắc pháp, sư phụ hỏi: “Gạo trắng chưa?". Huệ Năng liền đáp: "Gạo đã trắng mà chưa có sàng”. Đêm ấy Ngũ Tổ đã truyền Kinh Kim Cang và y bát cho Huệ Năng, trở thành Tổ Thiền thứ 6 tại Trung Hoa.

Trong Kinh Kim Cang cũng có nói người làm việc đời mà mang tâm Đạo thì việc đời cũng trở thành việc Đạo. Và ngược lại. Cho nên, ý nghĩa của câu kệ này cần phải được hiểu đầy đủ hơn mới đúng với tinh thần của Trí huệ Phật.

Hiểu được rốt ráo cái nghĩa thâm sâu như vậy thì lại một lần nữa chúng ta cũng nhận ra được tinh thần Bát Nhã phá chấp ngã và phá chấp pháp của bậc Chân như (6).

Điều hay ở câu thơ này chính là Trần Nhân Tông đã lấy những sinh hoạt rất thường nhật để phản bác lại những quan niệm tu hành lầm lạc khác. Hoặc xa hơn là lời răn cho những kẻ giả danh, khoác áo thầy tu, núp bóng, lấy chùa chiền làm nơi tá túc, trốn đời và trục lợi vào buổi đương thời.

Am Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: St

Câu thứ ba “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” - trong nhà có báu thôi tìm kiếm - là một câu kệ rất độc đáo trên cả hai phương diện: hình thức và nội dung.

Về hình thức, Trúc Lâm Đại Sĩ đã dùng phép thí dụ (譬喻)(7) thông qua cách thức so sánh ngầm để khai thị cho đệ tử một cách dễ hiểu nhất đối với những điều cao siêu của giáo pháp.

Tuy nhiên, chính cách so sánh ngầm này đã làm nên một câu kệ đa nghĩa, mà để hiểu được cái nghĩa hàm ẩn (tức nội dung) của nó đòi hỏi người nghe trước hết phải lĩnh hội được yếu chỉ của Kinh Kim Cang.

Trong Kinh này Như Lai dạy rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tức Tâm Bồ đề(8) hay Trí huệ Bát Nhã. Cho nên, cách nói “Phật tại tâm” phải được hiểu rằng đó là cái nhân Bồ đề sẵn có trong mỗi con người. Nhưng vấn đề là làm cách nào để đánh thức được cái Tâm Bồ đề ấy? Nói cách khác là làm sao để mở ra được Trí huệ Bát Nhã, để có thể tiêu trừ hết mọi phiền não, vô minh, vọng chấp, đặng đến được bờ giác ngộ?

Từ bản thể này chúng ta sẽ giải mã được cách so sánh hàm nghĩa của câu kệ:

“Gia trung” (trong nhà) = trong tâm (trong lòng);

“Hữu bảo” (có báu vật) = Trí huệ Bát Nhã (vốn sẵn có và quý như kim cương).

Đến đây, chúng ta đã minh định được dụng ý của câu kệ này, đó là khuyên người tu hành không cần phải đi cầu Phật ở đâu xa, mà hãy tìm Phật ở ngay trong lòng.

Trong Kinh Kim Cang có viết:

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (凡所有相,皆是虛妄. 若見諸相非相,即見如來): Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai. Cho nên, Phật ở bên ngoài cũng chỉ là cái sắc thân, giả tướng, tức cái hư vọng mà thôi. Và khi nào thấy “Phật tâm thanh tịnh” thì mới chính là thấy được Như Lai. Do vậy, cổ nhân thường quở trách: “Phật trong nhà không thờ, mà thờ Thích Ca ngoài đường” là vậy! [2]

Câu kết “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” - đứng trước mọi hoàn cảnh, lòng không động/tĩnh lặng thì chớ hỏi Thiền - như là một yếu chỉ Thiền Tông mà chỉ có người đắc pháp - lĩnh hội Kinh Kim Cang và ngộ nhập được lý Bát Nhã - mới có thể nói ra được.

“Vô tâm”: tâm an tĩnh, bình lặng, tức không còn “vọng tâm”.

Rõ ràng, “đối cảnh”/“vô tâm” nghĩa là đã đạt tới trạng thái: lòng không động trước mọi hoàn cảnh, tình huống.

Như vậy, ở đây người tu đã hoàn toàn hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm.

Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy: Hành giả nên phát triển một tâm thức không nương tựa bất cứ nơi nào; nên phát triển một tâm thức không nương tựa vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp trần. Đây chính là ý được gói gọn trong câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”/應無所住而生其心 (Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào) mà khi xưa Lục Tổ Huệ Năng vừa nghe xong đã đốn ngộ.

Cũng cần hiểu rốt ráo chữ “Thiền” trong “mạc vấn Thiền” của câu kệ có ý nghĩa gì?

Thiền vốn là một pháp môn tu của phái Du già (yoga).

Nhưng trong trường hợp này “Thiền” không có ý nghĩa như vậy. Nó cũng không phải là “Thiền Tông” với tư cách là một tông phái thuộc “Đại thặng Phật giáo lấy thiền định làm gốc với phép tu đến ngộ” [5]. Tuy nhiên, với chủ trương tu tập này thì khái niệm “Thiền Tông” có ý nghĩa gần gũi đối với “Thiền” trong câu kệ. “Thiền” trong ngữ cảnh “đối cảnh vô tâm...” phải được hiểu theo cách luận giải của Lục Tổ Huệ Năng trong “Pháp bảo đàn kinh”:

“Bên ngoài thoát ly tất cả hư trần huyễn tưởng, ấy gọi là Thiền”.

Hoặc giả:

“Thiền là một thể hợp vào bản tính thanh tịnh, diệt trừ các loạn động trong tâm tư”. [5]

Hơn nữa, chính pháp của Như Lai, xét cho cùng, đó là “Thanh tịnh thiền”. Các tông phái, pháp môn khác, rốt cục, cốt để dẫn dắt hành giả đến cái đích Chân tâm thanh tịnh, Phật tính, Chân như mà thôi.

Tựu trung, “Thiền” trong trường hợp này là giác ngộ, là đắc quả Phật, quả Bồ đề; hoặc chí ít cũng tiệm cận tới điều đó.

“đối cảnh vô tâm” cũng chính là cảnh giới của “Ưng vô sở trụ nhi kỳ tâm”, tức tinh thần vô trụ vô chấp của lý Kim Cang Bát Nhã mà hành giả đã ngộ được. Cho nên, khi đã ngộ rồi cần hỏi chi ”Thiền”!

Từ đây, câu kệ cuối này như một chìa khóa khai thị cho bất cứ ai đủ căn cơ mở được cánh cửa bước vào bể Chân tâm thanh tịnh. Đó là một cách thức đặc trưng của pháp truyền tâm ấn và đốn ngộ.

Để khẳng định thêm bài kệ “Cư trần lạc đạo” là một tu chứng đắc quả ngay lúc tại thế của Trần Nhân Tông, chúng ta còn có một cơ sở xác tín thông qua bài kệ mà Ngài truyền tâm ấn cho đệ tử Pháp Loa vào mồng 1 tháng 11 Âm lịch năm 1308, như sau:

“Nhất thiết pháp bất sinh Nhất thiết pháp bất diệt Nhược năng như thị giải Chư Phật thường hiện tiền Hà khứ lai chi hữu”.

Nguyên tác: 一 切 法 不 生 一 切 法 不 滅 若 能 如 是 解 諸 佛 常 現 前 何 去 來 之 有

Dịch thơ (9) : Tất cả pháp không sinh Tất cả pháp không diệt Nếu rõ được như vậy Chư Phật luôn trước mặt Nào đâu có đến đi. (Nguyễn Thanh Huy dịch)

Bài kệ đã nói rõ: pháp vốn không sinh không diệt, sẵn có, thường hằng; và tính Phật luôn ở trong mỗi chúng sinh. Qua đó cho thấy Ngài đã đắc quả thành Chánh giác.

Như vậy, với những gì đã trình bày, chúng ta thấy rằng về pháp tu, Thiền phái Trúc Lâm vẫn là truyền tâm ấn và y bát, nhưng không “bất lập văn tự”. Về quan niệm tu, họ có xu hướng nhập thế. Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ phần nhiều được biểu hiện ở chính cuộc đời Trần Nhân Tông khi ông gắn bổn phận và trách nhiệm của mình với sự hưng vong của đất nước. Phải chăng đó là sứ mệnh của bậc chân tu vốn dĩ là một vị minh quân?

Tóm lại, qua bài kệ, muốn thấy rõ được quan niệm tu tập của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và dấu ấn của Thiền phái Trúc Lâm thì việc truy nguyên về bản thể, nguồn cội của giáo pháp Như Lai là con đường đúng đắn, duy nhất. Làm như vậy chúng ta mới không nhận nhầm những giá trị không thuộc về mình, trái lại sẽ tự tin và trân quý với những cái của riêng ta. Đó là lòng tự trọng với tri thức và khoa học. Từ đây, chúng ta có thể đĩnh đạc mà tự hào về bản sắc Phật giáo Việt Nam, cũng như những đóng góp của nó vào tiến trình lịch sử Phật giáo nhân loại.

Nguyễn Thanh Huy - Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa ---------------

Chú thích: (1) Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa còn gọi là Kinh Bát Nhã Ba-la-mật, hoặc Kinh Kim Cang, hoặc Đại Bát Nhã. (2) Trí huệ Phật: tức Trí huệ Bát Nhã, Trí huệ rốt ráo viên mãn. (3) Trí huệ Bát Nhã : là trí huệ đã rốt ráo viên mãn, nên còn gọi là Bát Nhã Ba-la-mật. (4) Ba-la-mật hay Ba-la-mật-đa: là âm chữ Phạn“Paramita”có 2 nghĩa (1- đáo bỉ ngạn: đến bờ bên kia; 2- cứu kinh viên mãn: hoàn toàn rốt ráo). (5) Đốn ngộ (頓悟): không trãi qua giai đoạn thứ tự, tiến ngay vào cảnh giới giác ngộ chỉ trong khoảnh khắc. Trái lại là tiệm ngộ (漸悟): chứng ngộ dần dần theo thứ lớp qua thời gian. (6) Chân như : đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân. (7) Thí dụ (譬喻) : Thí là so sánh; dụ là nói cho biết; hiểu rõ; nói ví, dùng so sánh để nói cho dễ hiểu. Trong kinh Phật thường dùng cách này để giảng giải những điều cao sâu. (8) Tâm Bồ đề : Bồ đề có nghĩa là Giác (tức Giác ngộ). Tâm Bồ đề là tâm giác ngộ, sáng suốt, cũng có nghĩa là Tâm Phật. [2] (9) Dịch thơ : là chính tác giả bài viết này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Duy Hinh, “Tư Tưởng Phật giáo Việt Nam”, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999. 2. Thích Thiện Hoa, “Phật học phổ thông”, khóa XII, Thành hội Phật giáo Tp.HCM, 1990. 3. Mạn Đà La, “Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, vị sáng Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm”, Bản in roneo, 1987. 4. Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo sử luận” I-III, Hà Nội 1992. 5. Nguyễn Công Lý, “Bản sắc dân tộc trong Văn học Thiền tông thời Lý Trần”, Nxb VHTT, 1997. 6. Lê Mạnh Thát, “Toàn tập Trần Nhân Tông”, Nxb TP. HCM, 2000. 7. Trần Ngọc Thêm, “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, Nxb Giáo dục 2000. 8. Ngô Đức Thọ dịch, “Thiền Uyển tập anh”, Nxb Văn học, 1990. 9. “Đại Việt sử ký toàn thư”, tập 2, Viện KHXHVN, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998.