Bé Thu, năm nay học lớp hai, con của một cặp vợ chồng ở kế bên nhà tôi, vừa đi học về đến cổng đã gọi mẹ ầm ĩ. Khi chị Hà, mẹ bé từ trong nhà chạy ra đến bậc cửa, bé đã hớn hở khoe:
- Mẹ ơi, hôm nay con được cô giáo khen trước cả lớp mẹ ạ!
- Chuyện gì vậy mà cô giáo khen hả con? - Chị Hà hỏi bé!
- Chuyện con nhặt được một chiếc ví trong sân trường, ở trong đó có bao nhiêu là tiền mẹ ạ. Con đã mang ví tiền ấy nộp cho cô giáo để cô giáo nộp lại cho Ban giám hiệu nhà trường, thông báo xem ai bị mất thì đến nhận lại...
Bé Thu kể lại với vẻ mặt vui, hồn nhiên bởi trong suy nghĩ của bé là bé vừa làm được một việc tốt. Bé tưởng được mẹ khen, nào ngờ chị Hà mặt lạnh tanh buông một câu cộc lốc:
- Tưởng gì! Đồ ngu!
- Sao thế mẹ? Sao mẹ lại mắng con như thế? Ở trường chúng con được học là khi nhặt được của rơi, phải trả lại người đánh mất mà mẹ?!

- Đấy là học! Chị Hà quắc mắt với con bé. Nhặt được tiền mà lại không giấu vào cặp mà mang về! Nhà thì nghèo, ăn còn không có vậy mà thật thà hão…
Bị cụt hứng, tưởng được mẹ khen, nào ngờ bị mẹ mắng té tát, bé Thu mặt buồn rười rượi chạy vào giường ôm mặt khóc. Thấy vậy, chị Hà dọn mâm cơm xong, quát:
- Không dậy mà nốc, “ăn” đi còn nằm ườn ra đấy mà khóc lóc? Dạy cho lần sau mà… sáng mắt ra, ai đời lại ngu si như thế cơ chứ…
Chứng kiến cách “giáo dục” con trẻ một cách lạ đời của chị Hà như vậy, tôi thấy thật buồn, bởi hơn ai hết chị phải là người đầu tiên dạy con từ lúc chập chững vào đời về tính trung thực, thật thà. Đằng này, chị lại là người làm thui chột đức tính tốt đẹp hình thành trong nhân cách con trẻ. Lẽ ra, chị nên đưa ra những lời khen có cánh, thậm chí là thưởng cho con món quà nhỏ, động viên con phát huy hơn nữa tính trung thực, thật thà trong cuộc sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày còn nhỏ, khi cắp sách tới trường và bằng tuổi bé Thu, tôi cũng được học từ thầy cô về tính thật thà, không tham lam. May mắn, bố mẹ tôi là những người rất nghiêm khắc trong việc này khi ông bà luôn không dung thứ nếu như tôi có ý định lấy cắp, hay tham lam một cái gì của ai…

Chính nhờ vậy, tôi thấm nhuần được điều giản dị mà quý báu: đức tính trung thực không phải là điều gì cao xa, mà là phần căn bản nhất trong nhân cách con người.
Trong giáo lý nhà Phật, “chính nghiệp” dạy ta phải hành động chân chính, không gian dối, không trộm cắp, kể cả trong suy nghĩ và hành vi.
Khi giữ được thân nghiệp thanh tịnh, không tham cầu những thứ không thuộc về mình, thì đó đã là một hành động gieo nhân lành.
Chính vì thế mà tính trung thực, thật thà có lẽ bản tính luôn và sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời. Trong xã hội ngày nay, chuyện người thật thà, trung thực nhiều khi chưa được đề cao, nhưng trong cuộc sống vẫn luôn có những tấm gương sáng, có không ít người sẵn sàng trả lại cả chục triệu, thậm chí cả hàng trăm triệu đồng nhặt được ngoài đường, nơi công cộng cho người bị rơi mất, mặc dù trong công cuộc mưu sinh vất vả họ chỉ làm được mấy triệu đồng một tháng!

Thật vậy, nếu ai cũng hiểu được lời dạy của đức Phật về “tâm không tham”, biết sống bằng “chính mạng”, tức là cách sống chân chính, không mưu cầu bất chính thì nhân cách sẽ vững, tâm sẽ an và xã hội sẽ bớt đi rất nhiều điều dối trá.
Thử hỏi, nếu như những người đó không được giáo dục, dạy dỗ chu đáo từ nhỏ thì họ đâu có đủ cản đảm và tấm lòng để từ chối những khoản tiền lớn nhặt được kia (?!) Vấn đề này, không chỉ chị Hà, mà những ai có cách giáo dục con trẻ không đúng như tôi vừa kể thì cần phải xem lại mình…
Tác giả: Nguyễn Thuý Uyên - Trường Đại học Thủ Đô
Bình luận (0)