Trang chủ Bài viết nổi bật Dấu ấn Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Campuchia

Dấu ấn Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Campuchia

Phật giáo Campuchia có lúc thăng lúc trầm song đã góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa của một đất nước. Dấu ấn Phật giáo lan tỏa trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nghi lễ, phong tục và kiến trúc của Campuchia.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo Campuchia có lúc thăng lúc trầm song đã góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa của một đất nước. Dấu ấn Phật giáo lan tỏa trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nghi lễ, phong tục và kiến trúc của Campuchia.

TS Hà Thị Đan
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Văn hóa Campuchia là sự tích hợp của nhiều luồng, nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó không thể không nhắc đến văn hóa Ấn Độ nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Với dân số khoảng trên 96% là tín đồ của đạo Phật, tôn giáo này du nhập vào Campuchia cách đây hàng ngàn năm, trải qua biết bao thằng trầm, đến hôm nay, vẫn đóng vai trò quan trọng trong muôn mặt đời sống văn hóa người dân “xứ sở chùa tháp”, từ phong tục, tập quán, đến lối sống, đạo đức, tính cách…Bài viết thông qua việc tìm hiểu những dấu ấn của Phật giáo trên một số phương diện cụ thể, góp phần không những vào việc tìm hiểu về đất nước, con người Campuchia mà còn là cầu nối tăng cường sự hiểu biết giữa Campuchia và Việt Nam khi hai nước đều có nhiều điểm tương đồng về văn hóa.

Từ khóa: Phật giáo, Văn hóa Ấn Độ, văn hóa Campuchia

1. Quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo tại Campuchia

1.1. Quá trình du nhập của Phật giáo vào Campuchia

Ở Ấn Độ, đạo Phật ra đời khoảng từ thế kỷ VI – V TCN, người sáng lập là thái tử Siddharta Gautama (hiệu Tất Đạt Đa), sau này gọi là Thích Ca Mâu Ni (1). Với hệ thống giáo lý chủ trương bình đẳng giữa các chúng sinh, mở đường giải thoát cho họ khỏi bất hạnh khổ đau, đạo Phật đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Cho đến thời vua Asoka (vương triều Moria, 273 – 232 TCN), đạo Phật phát triển mạnh mẽ không chỉ ở nơi đã sinh ra tôn giáo này mà lan rộng tới nhiều xứ sở bằng những con đường khác nhau (2) bao gồm cả Campuchia.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Campuchia 1

Quá trình du nhập của Phật giáo vào Campuchia, hiện có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung thì có hai con đường:

Con đường thứ nhất gắn liền với quá trình truyền giáo của Hoàng đế Asoka (273 – 232 TCN), vương triều Moria ở Ấn Độ: Dưới thời của ông, đạo Phật được truyền bá khắp nội địa và nhiều quốc gia khác như Sri Lanka, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á… Hội đồng Phật giáo được triệu tập 3 lần và đến lần thứ 3, dưới sự bảo trợ của Asoka, rất nhiều phái đoàn đi đến các nước để ngoại giao và truyền bá giáo pháp do ông chủ xướng.

Về vấn đề này, nhóm tác giả sách Tác động của đa dạng tôn giáo, tộc người ở Đông Nam Á đối với cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN viết: “Thời Asoka chính là thời kỳ mà Phật giáo phát triển nhất và truyền bá ra bên ngoài mạnh nhất và quy mô nhất. Theo sử cũ, Phật giáo đã lan truyền ra khắp nơi: Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan”(3).

Con đường thứ hai là từ quá trình giao lưu tiếp xúc Ấn Độ – Campuchia: Vào khoảng thế kỷ III – IV trước  công nguyên, để phục vụ cho nhu cầu của lớp người giàu có trong xã hội, việc buôn bán một số sản phẩm quý như hương liệu, vàng bạc, châu báu, lụa là… giữa các thương gia Ấn Độ với thế giới bên ngoài trở nên sôi động.

Một trong những điểm hấp dẫn các nhà buôn Ấn Độ lúc bấy giờ là Đông Nam Á. Theo Nguyễn Tấn Đắc, ngay từ thời xa xưa, các cổ thư Ấn Độ đã đề cập đến Đông Nam Á và gọi khu vực này bằng những cái tên chỉ sự giàu có, trù phú như: Suvarnabhumi (Đất vàng), Savarnadvipa (Đảo vàng), Takkola (Đất hương liệu), Nàrikeladvipa (Đảo dừa), Karpùradivipa (Đảo long não), Yaavadvipa (Đảo lúa mạch)(4).

Thực tế, không ai xác định một cách rõ ràng vùng Suvarnabhumi  ở chỗ nào song theo các nhà địa lý học, sử học thời sau đoán định thì đó là một miền  rộng lớn bao gồm miền Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, bán đảo Mã lai, đảo Sumatra và Java (5).

Như vậy, từ những nguồn tư liệu trên, có thể nói: vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, người Ấn Độ đã đến Campuchia rồi mang theo những hạt nhân văn hóa gieo trồng trên vùng đất mới. Theo đó, Phật giáo cũng được du nhập vào Campuchia.

1.2 Sự phát triển của Phật giáo ở Campuchia

Phật giáo kể từ khi du nhập vào Campuchia, có những thăng trầm và sự phát triển không giống nhau qua mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, về cơ bản, có thể chia các giai đoạn chính trong sự phát triển Phật giáo của Campuchia gắn với tiến trình lịch sử của quốc gia này (6). Theo đó, sự phát triển của Phật giáo Campuchia được chia ra làm các giai đoạn chính sau:

+ Phật giáo thời kỳ Phù Nam (năm 150 – 550): Theo sử sách Campuchia ghi lại: Thời Phù Nam, Bà la môn giáo là tôn giáo chính song các hoạt động của Phật giáo cũng rất được coi trọng. Chẳng thế mà thời ấy, có vị sư Tăng Già Bà La (Sanghapala) dịch là Tăng Dương (hay Tăng Khải) từ nhỏ đã thông minh hơn người, thông thạo Phật pháp, đến tuổi đi học thì xuất gia, chuyên nghiên cứu Kinh Phật, tiếng tăm lừng lẫy đến tận Hải Nam.

Ông đã dịch bộ A Dục vương kinh và Giải thoát đạo luân. Ngoài Tăng Dương, một vị cao tăng khác cũng không kém phần nổi tiếng là Mạn Đà La (Mandra) – người Trung Quốc gọi là Hoằng Nhược – đã dịch nhiều kinh sách Phật giáo như: Pháp Giới Thế Tính Kinh, Bản Vân Kinh và Bát Nhã Kinh (7).

+ Phật giáo thời kỳ Chân Lạp (năm 550 – 802): Chân Lạp vốn là một nước chư hầu của Phù Nam. Vào cuối thế kỷ VI, vua Chân Lạp tấn công Phù Nam và chiếm được nước này. Sau đó, Chân Lạp được chia thành Thủy Chân Lạp và Bộ Chân Lạp. Thời kỳ này, Phật giáo vẫn kế thừa và duy trì các thành tựu trước đó và xuất hiện thêm nhiều tượng Phật. Theo một bia ký năm 791 hay 792 tại tỉnh Siem Reap ghi nhận sự xuất hiện tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (8).

+ Phật giáo thời kỳ Ăngkor (năm 802 – 1432): Đây là thời kỳ thực rỡ nhất trong dòng chảy lịch sử Campuchia. Bên cạnh Hindu giáo thì Phật giáo cũng được coi trọng. Đặc biệt vua Jayavarman VII là người sùng bái đạo Phật nên có nhiều chính sách phát triển Phật giáo. Ngoài việc tăng cường các hoạt động Phật giáo trong nước, vua còn đưa con trai và các nhà sư sang Sri Lanka để học thêm kinh tạng và giáo lý nhà Phật (9).

+ Phật giáo thời kỳ hậu Ăngkor (năm 1432 – 1884): Giai đoạn hậu Angkor được tính từ thời điểm vua Ponheayat dời đô về Phnom Penh (1434) cho đến khi vương quốc Campuchia rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp. Có thể nói, đây là giai đoạn Phật giáo đã xác lập được vị trí vững chắc trên đất Campuchia.

+ Phật giáo thời kỳ cận đại (năm 1884 – 1953): Năm 1855, Pháp ký với vua Anh Đuông một “Hiệp ước liên minh và thương mại” cho phép người Pháp thiết lập quan hệ trực tiếp với Campuchia . Campuchia chính thức đặt dưới sự cai trị của Pháp vào ngày 15/07/1876 khi Pháp và Xiêm cùng nhau ký hiệp ước thùa nhận quyền bảo hộ cúa Pháp ở Campuchia. Phật giáo thời kỳ này do vậy không được chú trọng.  Tuy nhiên, văn hóa Phật giáo, tinh thần Phật giáo vẫn thâm đẫm trong đời sống người dân nơi đây.

+ Phật giáo thời kỳ Campuchia độc lập (năm 1953 – 1975): Ngày 06/8/1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Campuchia đình chiến. Những người kháng chiến Campuchia trở về sống hợp pháp trong cộng đồng dân tộc. Campuchia dưới sự dẫn dắt của Sihanouk lựa chọn con đường hoà bình, trung lập. Những thành tựu của Phật giáo trong quá khứ được ông kế thừa và vận dụng sáng tạo trong bối cảnh mới nhằm duy trì ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước.

+ Phật giáo thời kỳ Khmer Đỏ (năm 1975 – 1978): Dưới thời Khmer Đỏ, nhằm mục đích xây dựng xã hội hoàn toàn tương phản với xã hội truyền thống Campuchia nên thế lực này là tìm mọi cách hủy diệt những tàn dư của văn hóa đất nước chùa tháp. Nhiều ngôi chùa bị đốt cháy, nhiều kinh Phật bị phá hủy, nhiều nhà sư bị bức hại. Do vậy, có thể coi thời kỳ này là thời kỳ bi thảm của đạo Phật Campuchia (10).

+ Phật giáo Campuchia từ 1979 đến nay: kể từ thập niên 1990, Phật giáo lại hồi sinh trên mảnh đất chùa tháp, được đưa lên hàng quốc giáo, chùa chiền được trùng tu, tăng đoàn lại được thành lập. Các nhà sư trên nguyên tắc lại tiếp tục giữ vai trò trước đây của mình là giáo dục quần chúng và hòa giải những bất đồng chính kiến trong xã hội.

Như vậy, dù mỗi giai đoạn trong tiến trình lịch sử Campuchia đều có những đặc điểm văn hóa – chính trị – xã hội không giống nhau nhưng ở thời kỳ nào, Phật giáo cũng có vai trò nhất định và luôn đồng hành cùng đất nước này trong tiến trình phát triển chung.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Campuchia 2

Chùa Vàng – Chùa Bạc Campuchia. Ảnh: St

2. Biểu hiện của Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Campuchia

Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, Campuchia là quốc gia đa tôn giáo với sự xuất hiện, tồn tại của cả Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo… Trong đó, đạo Phật có vai trò quan trọng, chiếm trên 96% dân số (11). Phật giáo du nhập vào đây khoảng thế kỷ III TCN và cho đến nay, mấy nghìn năm đã trôi qua, tôn giáo này vẫn có sức sống mãnh liệt, trở thành yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của người Campuchia.

Trong lịch sử tồn tại của mình, Phật giáo với tính nhân văn sâu sắc đã để lại dấu ấn rõ nét trên các phương diện thuộc văn học, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, lễ hội và phong tục Campuchia. Nói đến văn hóa Campuchia là nói đến nền văn hóa mang đậm sắc màu Phật giáo.

2.1. Phật giáo trong văn học

Cả văn học dân gian lẫn văn học viết Campuchia đều in đậm dấu ấn của đạo Phật.

Trong văn học dân gian Campuchia, đặc biệt là truyện kể dân gian là các “dị bản” của truyện Jataka. Jataka (còn gọi Kinh Bổn Sinh/ Bản Sinh Kinh/ Bổn Sinh Kinh hoặc Những câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật) là tác phẩm ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ IV – III trước CN. Đây vốn là kinh điển của Phật giáo nhưng lại được viết dưới dạng các truyện kể dân gian (547 truyện) (12) nên đã nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi đất mẹ, lan tỏa đến nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á lục địa theo Phật giáo như Campuchia.

Trong kho tàng truyện dân gian Campuchia (13), các truyện như: Một kiếp luân hồi là “dị bản” của Jataka 207; Hình thỏ trên mặt trăng là “dị bản” của Jataka 316; Truyện hoàng tử Vessandor thành Phật  “dị bản” của Jataka 547, Vua xử kiện là “ “dị bản” của Jataka 546 (14).

Trong văn học viết, theo nhà nghiên cứu Vũ Tuyết Loan, văn học viết Campuchia “mang tính chất Phật giáo rõ rệt” (15). Tính chất Phật giáo trong văn học viết Campuchia thể hiện ở hai mạch tác phẩm:

Một là mạch những tác phẩm trực tiếp luận giải về lý thuyết Phật giáo. Trong dòng chảy của mạch văn chương này, xuất hiện nhiều cuốn sách kinh điển của Phật giáo, trong đó phải kể đến Tripitaka, Traiphum, Lokaneyyajataka. Đặc biệt, cuốn Lokaneyyajataka (nhập môn vào nguồn gốc những cuộc đời của Phật) là tác phẩm nhằm đề cao lý tưởng Phật giáo của Prê Khleng Nrong – nhà thơ nổi tiếng dưới triều vua Ang En. Ông là nhà sư, trông coi một ngôi chùa ở kinh đô Uđông, giữ vai trò quan trọng về chính trị và hành chính. Nrong viết rất nhiều, phần lớn tác phẩm của ông bắt nguồn từ Kinh Phật (Dhamma Sutra) (16).

Ngoài những tác phẩm luận bàn trực tiếp đến cá triết lý nhà Phật thì có những tác phẩm vay mượn đề tài, cốt truyện, nhân vật từ kinh điển Phật giáo. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn giai đoạn naỳ đã lấy nguồn cảm hứng từ câu chuyện Tiền kiếp của Đức Phật để làm tiền đề cho sáng tác của mình, trong đó phải kể đến Kosa Thipspaday Kao với truyện thơ Cơrông Xôphẹ Mứt (1798), Phhiecseday Acsa Tân với tác phẩm Truyện Sabba siddhi (1899) (17)

2.2. Phật giáo trong lễ hội

Lễ hội ở Campuchia thường được tổ chức theo lịch Khmer (đại lịch Môha Soongkran). Có thể kể đến một số lễ hội quan trọng như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Phật Đản, lễ Nhập hạ, lễ Phchum Bân, lễ Xuất hạ, lễ Dâng y, lễ hội Đua thuyền…

Về ảnh hưởng của đạo Phật, có thể thấy rằng những ảnh hưởng của Phật giáo đối với lễ hội của người Campuchia rất đậm nét. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được bởi đại đa số người Campuchia theo Phật giáo. Ở một đất nước mà đạo Phật đã trở thành quốc giáo như Campuchia, đạo Phật tất yếu sẽ có sự chi phối không nhỏ tới mọi mặt đời sống trong đó có sinh hoạt hội hè. Lễ hội của người Campuchia diễn ra quanh năm và được tổ chức theo cách riêng của họ. Màu sắc Phật giáo trong các lễ hội này có thể nhận thấy rõ  qua không gian, nghi thức lễ hội cũng như vai trò của các vị sư trong các lễ hội đó.

Trước hết, về không gian diễn ra lễ hội: Có không ít lễ hội của người Campuchia gắn với không gian chùa chiền. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân đã đến chùa quét dọn, trang hoàng nơi làm lễ cho đẹp và trang nghiêm. Vào dịp Tết Chôl Chhnăm Thmây, phần lớn các hoạt động trong ba ngày Tết của người dân nơi đây đều diễn ra trong chùa. Hoặc như trong lễ Phchum Bân suốt nửa tháng, các hoạt động Kăn Bân và Phchum Bân đều diễn ra tại chùa (18).

Dấu ấn của đạo Phật trong lễ hội Campuchia còn thể hiện ở vai trò cốt yếu của nhà sư trong các lễ hội đó. Người Campuchia sùng bái Đức Phật và đặc biệt tôn kính các vị sư.  Do đó, trong các lễ hội của họ, thường có sự xuất hiện của các vị chư tăng.

Trong Tết năm mới hay lễ hội Phchum Bân điều này đã thể hiện quá rõ. Trong hai lễ hội này, các vị sư chính là những người điều khiển các nghi lễ quan trọng. Đó là lễ rước đại lịch Môha Soongkran trong Tết năm mới và lễ rải cơm nắm trong lễ Phchum Bân. Trong lễ hội, người dân thường vào chùa nghe các sư thuyết giảng về Phật pháp, về phẩm chất cao quý của Đức Phật và con đường Ngài đạt tới chân lý.

Như vậy, chịu ảnh hưởng đậm nét của Phật giáo là một trong những đặc điểm nổi bật của lễ hội Campuchia. Chính điều này đã góp phần tạo nên bản chất nguyên hợp trong lễ hội đồng thời cũng làm nên bản sắc riêng của văn hóa lễ hội Campuchia – một nền văn hóa Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Campuchia 2

2.3. Phật giáo trong điêu khắc, kiến trúc

Kiến trúc, điêu khắc Campuchia chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau; trong đó, dấu ấn của Phật giáo rất rõ nét.

Trong lịch sử Campuchia, triều đại Angkor (1044 – 1278) được coi là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật tôn giáo. Nếu thời kỳ đầu của giai đoạn Angkor, Hindu giáo là nguồn cảm hứng chủ đạo trong các công trình tôn giáo với sự hiện diện của Angkor Vat hùng vĩ thì thời kỳ sau, tức là thời kỳ trị vì của vua Jayavarma VII (1181- 1220), Phật giáo là cảm hứng chủ đạo.

Do quốc vương Jayavarman VII là người tôn sùng đạo Phật và muốn trở thành một “Đức Phật tương lai” nên thời kỳ ông trị vì, ông luôn hướng mọi hoạt động xã hội vào “sân chơi” văn hóa thông qua việc xây dựng đền đài, chùa tháp; mở trường, nghiên cứu kinh tạng; sưu tầm thơ ca – truyện cổ Phật giáo; Vua Jayavarman VII cho xây dựng khu kinh thành lớn đó là Angkor Thom cũng là kinh đô cuối cùng của đế chế Khmer.

Khu đền Bayon nằm giữa trung tâm Angkor Thom với 54 tháp lớn nhỏ.  Mỗi tháp đều có điêu khắc 4 gương mặt  quay về 4 hướng, tổng cộng có 216 gương mặt trên tất cả các tòa tháp với nụ cười huyền bí – nụ cười Bayon. Tất cả 216 gương mặt cười khổng lồ và đầy bí ẩn.

Cho đến bây giờ, cả người dân địa phương cho đến những nhà khoa học cũng chưa giải đáp nổi ý nghĩa cũng như gương mặt của các bức tượng đó. Sự tương đồng giữa 216 khuôn mặt khổng lồ trên tháp ngôi đền với các bức tượng khác của vua Jayavaraman đã khiến nhiều học giả kết luận rằng những khuôn mặt này chính là đại diện cho vua Jayavarman VII và sự đồng hóa của Ngài với Bồ Tát Quán Thế Âm (hay Avalokitesvara) (19).

Vua Jayavarman VII theo Phật giáo nên phong cách mang đậm Phật giáo. Trong điện thời chính, người ta thấy “có một pho tượng Phật đang trầm tư mà vua muốn đồng hóa” (20).

Qua việc tìm hiểu dấu ấn của Phật giáo trong một số công trình kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của Campuchia, chúng ta nhận thấy: Sự xuất hiện của hệ thống chùa chiền và đền tháp mang dấu ấn Phật giáo là một biểu hiện của đời sống tâm linh sâu sắc của người dân Campuchia cũng như niềm tin của họ vào những giáo lý của nhà Phật.

2.4. Phật giáo trong nghi lễ, phong tục

Rất nhiều nghi lễ, phong tục ở Campuchia liên quan đến đạo Phật, đặc biệt là các nghi lễ vòng đời.

Con người, dù theo tôn giáo nào hay ở giai tầng nào trong xã hội, cũng đều trải qua các nghi lễ liên quan đến cuộc đời. Các nghi lễ này được thực hiện nhằm đánh dấu các mốc thời gian quan trọng của đời người (từ khi chuẩn bị sinh ra đến khi mất đi), nên gọi là các nghi lễ vòng đời. Nghi lễ vòng đời là thành tố quan trọng trong tổng thể văn hóa dân tộc. Thông qua nghi lễ vòng đời, giúp chúng ta hiểu về nhân sinh quan – thế giới quan của người bản địa cũng như phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng.

Ở Campuchia, khi Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số thì ảnh hưởng của Phật giáo trong nghi lễ vòng đời là điều dễ hiểu. Trong các nghi lễ đó, nghi lễ tang mang đóng vai trò quan trọng. Và dấu ấn của Phật giáo trong nghi lễ tang mang rất đậm nét, được thể hiện ở các khía cạnh sau:

– Thứ nhất, quan niệm của người Campuchia về cái chết có nhiều điểm tương đống với quan niệm về cái chết trong đạo Phật. Theo đạo Phật, chết không phải là hết mà là sự khởi đầu của một sự sống mới (21). Người Campuchia cũng quan niệm như vậy nên trong đám tang của người chết, không thấy quá bi lụy, đau thương . Cũng không thấy có những tiếng khóc lóc thảm thiết vì “theo đạo Phật thì không nên làm gì cho người chết luyến tiếc cuộc sống trần gian” (22).

– Thứ hai, dấu ấn đạo Phật thể hiện rõ nhất trong nghi lễ tang ma của người Campuchia là vai trò của các nhà sư. Các nhà sư đọc kinh để cho linh hồn người chết được siêu thoát và thanh thản về thế giới bên kia. Ngoài ra, hình thức hỏa táng cũng là cách thức mai táng phổ biến, phù hợp với giáo lý nhà Phật (23).

Kết luận:

Việc tìm hiểu về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần của Campuchia như các nội dung đã đề cập ở trên cho chúng ta thấy rõ tính chất nhập thế của tôn giáo. Kể từ khi Phật giáo du nhập vào xứ sở này (thế kỷ III TCN), nó đã nhanh chóng hòa nhập với nền văn hóa bản địa, phát triển một cách mạnh mẽ trong suốt tiến trình lịch sử.

Trải qua mấy nghìn năm, Phật giáo Campuchia có lúc thăng lúc trầm song đã góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa của một đất nước. Dấu ấn Phật giáo lan tỏa trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nghi lễ, phong tục và kiến trúc của Campuchia. Trong ý nghĩa như vậy, Phật giáo đã góp phần làm phong phú và giàu có hơn cho văn hóa truyền thống Campuchia.

TS Hà Thị Đan
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***

Chú thích:
1. Hoàng Tâm Xuyên (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.285.
2. Will Durant (2006, Nguyễn Hiến Lê dịch), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 118 – 122.
3. Dương Văn Huy (chủ biên, 2020), Tác động của đa dạng tôn giáo, tộc người ở Đông Nam Á đối với cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 39.
4. Nguyễn Tấn Đắc (2000), Văn hóa Ấn Độ, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr 35- 36.
5. Nhiều tác giả (1993), Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Campuchia (Tập 3), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, tr. 66
6. Phạm Việt Trung (1977), Lịch sử Campuchia, Nxb Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội.
7. Nhiều tác giả (1985), Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Campuchia (Tập 2), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 50.
8. Trần Quang Thuận (2016), Phật giáo trong dòng chảy lịch sử văn hóa Campuchia, Nxb Hồng Đức, tr. 98.
9. Nhiều tác giả (1993), Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Campuchia (Tập 3), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, tr. 70.
10. Thích Giác Minh, Ảnh hưởng của Phật giáo Campuchia từ giai đoạn chế độ Pol Pot (1975 – 1979) cho đến ngày nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, https://tapchinghiencuuphathoc.vn, cập nhật ngày 01/01/2024
11.Số liệu này chúng tôi trích dẫn từ trang https://www.learnreligions.com/cambodia-religion-4628353, cập nhật ngày 02/01/2024.
12.Ken Kawasaki – Visakha Kawasaki (2020), Jataka Tales of the Buddha – An Anthology, (Vol I, II, III), Pariyatti Publishing.
13. Lê Hương (1962), Truyện cổ Cao Miên (T2), Nhà sách Khai Trí – Sài Gòn.
14. Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan (dịch, 2025), Đại tạng kinh Việt Nam – Kinh Tiểu Bộ (tập III, IV, V, VI), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
15 Nguyễn Tấn Đắc (1983, chủ biên), Văn học các nước Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, tr. 134
16. Nhiều tác giả (1993), Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Campuchia (Tập 3), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 82-83.
17. Vũ Tuyết Loan (2003), Tuyển tập văn học Campuchia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 20.
18. Nguyễn Quang Lê, Phật giáo trong bối cảnh lễ hội dân gian các nước Đông Nam Á, Tạp chí khoa học Đại học Tân Trào, số 06/2017, tr. 24-25.
19. Trương Sỹ Hùng (2010), Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr. 383.
20. Cao Xuân Phổ – Ngô Văn Doanh – Trần Thị Lý – Trần Văn Khê (1984), Nghệ thuật Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, tr.85.
21. Hoàng Phong, Ý nghĩa cái chết theo quan điểm của Phật giáo, trang https://thuvienhoasen.org, cập nhật ngày 30/12/2023
22. Nguyễn Bắc (1984), Tìm hiểu văn hóa – nghệ thuật Campuchia, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr. 22.
23. Vũ Hải Hà, Phong tục tang ma truyền thống của người Khmer ở Campuchia, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11/2018, tr. 63.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trương Sỹ Hùng (2017), Bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Nguyễn Quang Hưng (2016), Tôn giáo và văn hóa Lý thuyết cơ bản và giải pháp định hướng khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ phát triển xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Tri thức, Hà Nội
3. Thánh Nghiêm – Tịnh Hải – Đức Sâm (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
4. Nhiều tác giả (2014), Tôn giáo và văn hóa: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường