Trang chủ Bài viết nổi bật Vai trò đào tạo Ni chúng của chùa Từ Nghiêm trong hoạt động Ni bộ Bắc tông

Vai trò đào tạo Ni chúng của chùa Từ Nghiêm trong hoạt động Ni bộ Bắc tông

Lúc Ni chúng đã trưởng thành trong ngôi nhà chung của Phật pháp, chư Ni đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để hoằng pháp độ sinh. Nhiều chư Ni đã và đang gánh nhiều trọng trách mà GHPGVN giao phó.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lúc Ni chúng đã trưởng thành trong ngôi nhà chung của phật pháp, chư Ni đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để hoằng pháp độ sinh. Nhiều chư Ni đã và đang gánh nhiều trọng trách mà GHPGVN giao phó.

Tác giả: Hà Bạch Huệ, pháp danh Diệu Hương
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. Mở đầu

Chùa Từ Nghiêm tọa lạc tại số 415-417 đường Bà Hạt, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 1957 được Hòa thượng Thích Đạt Từ truyền quyền trông coi ngôi chùa cho chư Ni. Chùa Từ Nghiêm giữ vai trò Đào tạo Ni chúng, giáo dục Phật giáo, xây dựng đội ngũ Giáo thọ tài đức, đội ngũ Tăng Ni Phật tử trí thức làm nòng cốt cho quá trình xây dựng và phát triển Ni bộ Bắc tông.

B. Nội dung

Sự hình thành chùa Từ Nghiêm gắn liền với bối cảnh Phật giáo ở TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) nửa đầu thế kỷ XX. Phật giáo Việt Nam (PGVN) ảnh hưởng sâu sắc phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa do Đại sư Thái Hư khởi xướng với chủ trương: Dùng phật pháp để biến đổi hiện trạng Phật giáo và hiện trạng xã hội thế tục đương thời, từ đó mong muốn xây dựng một ‘Nhân gian tịnh độ’ ngay tại hiện thế.[1]

Năm 1956, Giáo hội Tăng-già Nam Việt (GHTGNV) thành lập Ni bộ Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Từ Nghiêm đường Bà Hạt, Sài Gòn (nay ở Q.10, TP.HCM). Năm 1964, Ni bộ Bắc tông ra đời hợp nhất từ hai cơ sở Ni bộ Nam Việt và Ni bộ Trung Việt. Các Phật học viện quan trọng của Ni bộ gồm có Từ Nghiêm (Chợ Lớn), Dược Sư (Gia Định), Diệu Đức, Hồng Ân (Huế)…[2]

1. Phật học đường Nam Việt – Phật học Ni viện Từ Nghiêm

Chùa Từ Nghiêm – Phật học đường Nam Việt, là nơi phát triển sự nghiệp đào tạo nhân tài, tiếp dẫn hậu lai.

Vào năm 1950, các Thiền sư Trí Hữu, Nhất Hạnh, Nhật Liên và Thiện Hòa đã vận động kết hợp ba Phật học đường (PHĐ) ở Sài Gòn gồm: PHĐ Liên Hải, PHĐ Sùng Đức và PHĐ Ứng Quang, để trở thành PHĐ Nam Việt. Năm 1953, PHĐ Phật Quang ở Trà Ôn cũng gia nhập vào PHĐ Nam Việt. Năm 1956, GHTGNV thành lập Ni bộ Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Từ Nghiêm đường Bà Hạt, Chợ Lớn. [3]

Phật học Ni viện Từ Nghiêm

Năm 1950, PHĐ Nam Việt ra đời, trường Tăng đặt tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn), trường Ni tại chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn). Cả hai trường cùng chung một Ban Giám đốc và Ban Giảng huấn, Ni chúng khoảng 40 vị. [4]

Năm 1952, do chùa Từ Nghiêm bị hỏa hoạn, Ban giám đốc dời Ni chúng về chùa Dược Sư (Gia Định). [5]

PHĐ Nam Việt bắt đầu đi vào hoạt động với một quy mô rộng lớn, hệ thống giáo dục mới có quy củ, có lãnh đạo nhất quán, gồm ba lớp: Sơ, Trung và Cao đẳng. Chương trình được thống nhất, do Ban Giáo dục GHTGNV biên soạn. Năm 1953, Thượng tọa Thiện Hoa là Trưởng ban Giáo dục của Giáo hội kiêm Đốc giáo PHĐ Nam Việt, Ban Giáo dục đã tạo một sinh khí mới, đẩy mạnh việc phát triển đào tạo sâu, rộng và cao hơn.

Ni trường Từ Nghiêm và Dược Sư, là hai chi nhánh Ni trường đầu tiên của PHĐ Nam Việt. [6]

Ban giám đốc và học viên Phật học Ni viện Từ Nghiêm

Năm 1950, Ban giám đốc gồm:

Giám đốc: HT.Thiện Hòa; Đốc giáo: HT.Thiện Hoa; Kiểm khán: HT.Trí Hữu; Giáo thọ: HT.Quảng Minh, HT.Quảng Liên; Học viên: NT.Như Trí (chùa Thiên Long, Gia Định), NT.Như Hoa (chùa Viên Giác An Lạc, Chợ Lớn), NT.Giác Nhẫn (chùa Huê Lâm, Chợ Lớn)… [7]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro dao tao Ni chung chua Tu Nghiem 1

Ni chúng Phật học Ni viện Từ Nghiêm. Nguồn: Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Thích nữ Như Nguyệt (Huê Lâm) chủ biên, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2019.

2. Công tác tổ chức

Giáo dục Ni chúng thuộc Tổng vụ Giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thống nhất. Chương trình này đào tạo từ cấp Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng.

Ấn định quy chế tuổi tác và các cấp học của Ni sinh từ 1973-1975:

Cấp Sơ đẳng: Tuổi từ 10-15. Học hết chương trình cấp Sơ đẳng gồm nội điển và ngoại điển. Cấp Trung đẳng lớp phổ thông: Tuổi từ 16-22. Học hai chương trình nội điển và ngoại điển (phổ thông) Tú tài II. Cấp Trung đẳng chuyên khoa: Nếu Ni sinh nào trình độ học đời kém thì cho học lớp Trung đẳng chuyên khoa, mãn khóa 20 tuổi. Cấp Cao đẳng: Học 8 năm, mãn khóa 28 tuổi. Ni sinh học xong chương trình cấp Trung đẳng chuyên khoa thì thi lên cấp Cao đẳng Phật học. [8]

Phật học Ni viện Từ Nghiêm mở lớp chuyên khoa Trung đẳng năm thứ nhất: có 33 vị chính thức và 11 vị dự thính. Niên khóa 1971-1972 có 5 vị đổ Tú tài toàn phần và được theo học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Lớp nghe Kinh bộ có 52 vị. Tổng số có 101 vị gồm Ban Giám đốc, Ban Chức sự, các Ni sinh và chúng thường trụ. Giáo dục nội điển và ngoại điển: Lớp nội điển Trung đẳng chuyên khoa và lớp nội điển học kinh bộ: 100 vị và 5 Ni sinh Đại học Vạn Hạnh. Lớp ngoại điển có 1 trường Mẫu giáo Kiều Đàm gần hơn 100 học sinh. [9]

Từ 1973-1975, Phật học Ni viện Từ Nghiêm mở lớp cấp Trung đẳng từ cấp I đến cấp II để đào tạo số Ni sinh Trung cấp vững chắc cả 2 phương diện nội điển và ngoại điển. [10]

Chương trình Trung đẳng được cải tiến như sau: về giáo lý giảng dạy bằng chữ Việt, nhẹ phần chữ Hán. Về văn hóa, thêm chương trình phổ thông hệ 12 năm, của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định. Chế độ thi cử tốt nghiệp, cũng như học văn hóa phổ thông bắt đầu từ đây. Như vậy Ni sinh phát triển cả ba mặt: sâu, rộng và cao hơn. [11]

Ban Giám viện Phật học Ni viện Từ Nghiêm

Năm 1961, Viện chủ: Sư trưởng Như Thanh; Quản viện: Ni trưởng Diệu Ninh; Giám học: NT.Như Chí; Giám thị: NT.Như Huy; Thư ký: NT.Như Trí; Giám luật: NT.Như Châu; Giáo thọ: NT.Huyền Huệ. Năm 1969, Giám viện: Sư trưởng Như Thanh; Giám luật: NT.Như Hoa; Giám học: NT.Như Chí; Giáo thọ: NT.Huyền Huệ; Thủ bổn: NT.Như Nhàn; Thư ký: NT.Giác Nhẫn; Giám thị: NT.Như Huy; Quản chúng: Ni sư Tịnh Hạnh. Năm 1970, Giám viện: NT.Như Hoa; Giám học: NS.Như Hoa; Giáo thọ: NT.Huyền Huệ; Giám thị: NS.Tịnh Thường; Thư ký: NT.Giác Nhẫn. Năm 1972, quý Ni trưởng trong Ban Quản trị Ni bộ khai giảng lớp trung đẳng chuyên khoa, dạy song song chương trình Phật học và thế học. Ban Giảng huấn: HT.Trí Tịnh, HT.Bửu Huệ, TT.Từ Thông, TT.Hoàn Quan, Đại đức Chơn Điền, Sư trưởng Huê Lâm, ông Văn Đình Hy. [12]

Sư trưởng Như Thanh là người nắm giữ cương lĩnh, người đề xuất phương án hoạt động, là bậc thầy giáo dục. NT.Huyền Học là vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông đầu tiên, cũng là vị thầy đạo phong khả kính, uy nghiêm, mẫu mực. [13]

3. Các Ni trưởng hữu công tiêu biểu

Sư trưởng Như Thanh (1911-1999), đi suốt con đường từ khởi nguyên của Ni giới cho đến lúc thành lập cơ sở Ni. Sư trưởng là bậc uyên thâm Nho học, thông suốt giáo nghĩa Phật pháp, Thiền, Chỉ quán, Tịnh, Mật tông… Sư trưởng là vị lãnh đạo tinh thần của Ni chúng miền Nam. [14]

Ni trưởng Như Huệ (1914-1984), làm Quản viện Phật học Viện Từ Nghiêm từ năm 1978 đến ngày viên tịch. Ni trưởng nằm trong Ban Kiến thiết vận động tài chính xây cất chùa Từ Nghiêm – Trụ sở Ni bộ, NT. Như Huệ là một trong các vị Tôn đức Ni miền Nam có công xây dựng và lãnh đạo Ni chúng từ lúc ban sơ cho đến cuối đời. [15]

Ni trưởng Huyền Học (1920-1995), là vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông nhiệm kỳ đầu tiên (1964 -1968); NT. Huyền Học, vị thầy đạo phong khả kính, uy nghiêm, mẫu mực, là hiện thân của giới luật, của Phật pháp vi diệu. [16]

Ni trưởng Như Hải (1934-2018), nguyên thành viên Phân ban Ni giới (PBNG) Trung ương, Phó ban Thường trực và cố vấn PBNG GHPGVN TP.HCM, nguyên Trưởng ban Quản trị tổ đình Từ Nghiêm. Ni trưởng là bậc mô phạm trong chốn thiền môn, được Giáo hội mời dự vào hàng Giới sư trong các Đại giới đàn thành phố và các tỉnh, làm Giáo thọ sư dạy luật cho các trú xứ an cư kiết hạ mỗi năm. [17]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro dao tao Ni chung chua Tu Nghiem 2

Giảng đường Phật học Ni viện. Ảnh: Diệu Hương – Hà Bạch Huệ tại chùa Từ Nghiêm TP.HCM năm 2023

Chùa Từ Nghiêm là nơi quy tụ nhiều chư Ni từ các vùng miền khác nhau về đây tu học và hoạt động phật sự. Lúc Ni chúng đã trưởng thành trong ngôi nhà chung của phật pháp, chư Ni đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để hoằng pháp độ sinh. Nhiều chư Ni đã và đang gánh nhiều trọng trách mà GHPGVN giao phó.

Trong số các bậc Ni tài năng ấy, phải kể đến quý Ni trưởng:

Ni trưởng Thích nữ Minh Hiền, thọ Tỳ-kheo-ni năm 1970 tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn. Năm 1970, NT.Thích nữ Minh Hiền và NT.Thích nữ Huệ Đức cùng xây dựng chùa Pháp Hoa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (còn gọi là Chùa hai cô với mõ gáo dừa). Ngày nay, chùa là nơi sinh hoạt, tu học của hàng ngàn Phật tử, đặc biệt vào chủ nhật mỗi tuần cả buôn làng bà con người dân tộc thiểu số K’Ho theo đạo Phật vân tập về chùa nghe giáo lý, ngồi thiền, tụng kinh…[18]

Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, đã theo học Trung cấp Phật học tại chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn) từ năm 1969 đến năm 1972. Ni trưởng hiện là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng PBNG Trung ương, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng PBNG tỉnh Bình Phước, Ni trưởng được gieo hạt mầm từ các sứ giả Như Lai về hóa đạo vùng sâu, vùng xa tỉnh Bình Phước. [19]

Ni trưởng Như Như, từng học tại Ni trường Từ Nghiêm, hiện nay đang hoạt động trong PBNG Trung ương, đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng Phân ban Thường trực PBNG Trung ương (Đặc trách Ni giới các tỉnh phía Nam); Trưởng PBNG tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. [20]

Ni trưởng Như Xuân, từng học tại Ni trường Từ Nghiêm nay hoạt động trong PBNG Trung ương, đang là Trưởng ban Quản trị chùa Từ Nghiêm, Q.10, TP.HCM. Ni trưởng đã trú xứ tại chùa Từ Nghiêm hơn 60 năm. Ni trưởng luôn là vị Thiền chủ trường hạ ở tổ đình, hướng dẫn các thời khóa tu tập nghiêm mật được duy trì từ thời chư Ni trưởng Ni bộ Bắc tông. [21]

Chùa Từ Nghiêm đã đào tạo nhiều Ni sinh theo học đến từ các tỉnh Bình Trị Thiên, Phú Khánh, Thuận Hải, Biên Hòa, Bình Dương, Thủ Đức, Tây Ninh, Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Hà Tiên… [22]

Ni trưởng Như Hải luôn nhắc nhở quý Ni: Vậy nên quý giới tử cần nhớ, Giới luật rất quan trọng trong đời sống thiền môn: có Giới, mới có Định, rồi mới sinh Huệ, đó là lộ trình tất yếu để tiến tu đạo hạnh. [23]

C. Kết luận

Lịch sử hình thành và phát triển của Ni bộ là tiền đề cho sự ra đời của PBNG Trung ương, PBNG TP.HCM ngày nay, trong đó chùa Từ Nghiêm với vai trò Đào tạo Ni chúng, vừa là trụ sở Ni bộ, vừa là Phật học Ni viện, quý Ni trưởng thời bấy giờ dưới sự chỉ đạo cố vấn của Sư trưởng Như Thanh, đã nâng cao chùa Từ Nghiêm lên một vị trí quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt Ni giới tại Sài Gòn – Chợ Lớn, hướng đến mục tiêu giáo dục Phật giáo để phát triển tri thức và giác ngộ giải thoát cho Ni chúng.

Chùa Từ Nghiêm là cái nôi đào tạo Phật học cho Ni giới trong hơn 70 năm qua, xây dựng được đội ngũ Ni kế thừa, hiện là hàng lãnh đạo của Ni giới Việt Nam. Ni trường Từ Nghiêm là lò rèn luyện giới luật, vì vậy, chư Ni đều trở thành Ni tài của PGVN, góp phần xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh, phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, văn minh, thịnh vượng… trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Tác giả: Hà Bạch Huệ, pháp danh Diệu Hương
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm, Huế, tr. 24.

[2] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr 100.

[3] Thích Thiện Hoa (2009), 50 năm chấn hưng Phật giáo việt Nam, https:// thuvienhoasen.org/a10787/nam-muoi-nam-chan-hung-phat-giao-ht-thich-thien-hoa, truy cập ngày 10-01-2023.

[4] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, sđd, tr 79.

[5] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, sđd, tr 79.

[6] Thích Minh Thành (2002), “Sự phát triển của Phật giáo tại miền Nam từ năm 1951 trở đi”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, sđd, tr. 161-162.

[7] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, sđd, tr. 79-83.

[8] Ban Chấp hành Ni bộ Bắc tông (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972 tại chùa Từ Nghiêm, Bản đánh máy do Ban biên tập Ni bộ Bắc tông ấn hành tại Sài gòn, tr. 38-40.

[9] Ban Chấp hành Ni bộ Bắc tông (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972 tại chùa Từ Nghiêm, sđd, tr. 4-9.

[10] Ban Chấp hành Ni bộ Bắc tông (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972 tại chùa Từ Nghiêm, sđd, tr. 32.

[11] Thích Thiện Nhơn (2002), “Sự đóng góp về Giáo dục Phật học của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- TP.Hồ Chí Minh 300 năm”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, sđd, tr.225.

[12] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, sđd, tr. 81-82.

[13] Thích nữ Như Hoa (2002), “Sinh Hoạt Buổi Đầu Của Ni Giới Tại Sài Gòn”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, sđd, tr. 244.

[14] Thích nữ Như Đức (2002), “Hệ thống Giáo dục Ni giới tại Sài Gòn”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, sđd, tr. 173.

[15] Thích nữ Như Nguyệt (Viên Minh) (2022), Hành Trạng Chư Ni Việt Nam, sđd, tr. 105.

[16] Thích Nữ Như Nguyệt (Viên Minh) (2022), Hành Trạng Chư Ni Việt Nam, Tập 1, sđd, tr. 156-157.

[17] Như Danh (2018), Cung tống kim quan NT.Thích nữ Trí Hải nhập tháp, https://giacngo.vn, truy cập 15-8-2023.

[18] Thích Linh Toàn (2013), https://phatgiao.org.vn/lam-dong-le-tan-phong-giao-pham-dai-le-trai-dan-chan-te-chua-phap-hoa–di-linh-d10826.html, truy cập 15-8-2023.

[19] Diệu Hằng (2023), Ni trưởng Thích Nhật Khương, https://nigioi.phatsuonline.com/01-ni-truong-thich-nu-nhat-khuong, truy cập 15-8-2023.

[20] Ni viện Thiện Hòa là trường Trung cấp Phật học tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được gọi là chùa “Bánh Xèo”. Tu viện Phước Hải là chùa “Bún Riêu”, cả hai nơi đều là điểm đến du lịch hành hương nổi tiếng khu vực miền Đông Nam bộ.

[21] Phỏng vấn sâu Ni trưởng Như Xuân, do học viên thực hiện ngày 29-9-2023, lúc 14g30 tại chùa Từ Nghiêm, Q.10, TP.HCM.

[22] Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, sđd, tr. 83.

[23] Thích nữ Thánh Tâm (2020), “Ni trường Từ Nghiêm: Trung tâm đào tạo Ni giới”, Ni giới thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng – Hội nhập – Phát triển, sđd, tr. 153.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Ni bộ Bắc tông (1972), Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông tại chùa Từ Nghiêm năm 1972, Bản đánh máy do Ban biên tập Ni bộ Bắc tông ấn hành tại Sài gòn.

2. Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM (2002), Hội Thảo Khoa Học 300 Năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Thích nữ Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Hóa Đạo và GHPGVN thống nhất ấn hành tại Sài Gòn.

5. Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm, Huế.

6. Thích nữ Như Nguyệt (Viên Minh) (2022), Hành Trạng Chư Ni Việt Nam, Tập1, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

7. Thích nữ Thánh Tâm (2020), “Ni trường Từ Nghiêm: Trung tâm đào tạo Ni giới”, Ni giới thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng – Hội nhập – Phát triển, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Website

8. Ban văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM (2009), Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, https://nigioikhatsi. net/kinhsach-pdf/300-phat-giao-gia-dinh-sai-gon.pdf, Nguồn https://www. quangduc.com, chuyển sang ebook 20-8-2009.

9. Thích Thiện Hoa (2009), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, https:// thuvienhoasen.org/a10787/nam-muoi-nam-chan-hung-phat-giao-ht-thich-thien-hoa.

10. Làng Mai, Chùa Ấn Quang và Chùa Xá Lợi ở Nam Việt, langmai.org.

11. Môn Đồ Pháp Quyến (2006), Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa, Quang Duc Homepage-Vietnamese-English Buddhist library, https:// tuvienquangduc.com.au.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường