Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu “Đạo hiếu” trong quan niệm của Phật giáo và Nho giáo

“Đạo hiếu” trong quan niệm của Phật giáo và Nho giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lin Vĩ Tuấn – Học viên Lớp Thạc sĩ Phật học khóa 3, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Cha ông ta xem trọng đạo hiếu, đạo hiếu là truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc ta. Hiếu được cho là một phẩm chất không thể thiếu, tính cách phải có của đạo làm con, giáo huấn về đạo hiếu đã đi vào cuộc sống, qua những câu ca dao – tục ngữ như: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Hoặc như “Mẹ cha trượng quá ngọc vàng, đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn” hay “Công cha đức mẹ cao dày, cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ, nuôi con khó nhọc đến giờ, trưởng thành con phải biết thờ song thân”.

Đạo hiếu còn là một trong những giá trị nhân văn cốt lõi, phổ quát luôn được xã hội coi trọng, nhất là ở những nước chịu sự ảnh hưởng của cả hai dòng tư tưởng Phật giáo và Nho giáo.

Hai truyền thống Nho giáo và Phật giáo đều rất tôn sùng chữ hiếu, nhất là quan niệm về đạo hiếu của đạo Phật.

Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền, tu sĩ xuất gia bị các Nho sĩ chê trách rằng việc thế phát, từ bỏ đời sống thế tục, không tuân theo lối sống của tam cương ngũ thường là hành vi bất hiếu. Và bất hiếu cũng là chủ đề mà Nho gia dùng để phê phán Phật giáo trong một thời gian dài, họ cho rằng giáo lý cũng như sinh hoạt của tăng sĩ Phật giáo trái với đạo hiếu và luân thường đạo lý. Họ cho rằng cạo bỏ râu tóc là làm tổn thương đến thân thể, da tóc; và việc từ bỏ đời sống gia đình, không cưới vợ sinh con làm cho không có người nối dõi cũng là bất hiếu.

Nhưng sự thật lại khác hẳn, có thể nói hiếu hạnh của nhà Phật còn sâu rộng hơn cả đạo hiếu thông thường của thế tục, Phật giáo ngoài việc chủ trương đạo hiếu bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, là sự bày tỏ và thực hành đền đáp công lao dưỡng dục của cha mẹ ở thế gian hiện tiền tương tự như Nho giáo, Phật giáo còn đề cao với hiếu hạnh cao hơn, đó là giúp cho cha mẹ được người thân của mình độ thoát, dứt sự khổ đau của luân chuyển ba đường ác.

Bài viết nêu một số điểm tương đồng và dị biệt của đạo hiếu giữa Phật và Nho nhằm giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa sâu xa của hiếu hạnh trong nhà Phật.

Những mâu thuẫn trong việc thực hành đạo hiếu giữa Phật và Nho

Thời kỳ khi Phật giáo sơ truyền vào Việt Nam và Trung Quốc, mâu thuẫn đầu tiên gặp phải chính là sự bất đồng về phương thức thực hành đạo hiếu giữa hai dòng tư tưởng Phật và Nho.

Thứ nhất, Nho giáo quan niệm rằng phải bảo vệ “thân thể, tóc da”, không dám hủy hoại; trong khi đó Phật giáo lại trân trọng những hành giả cắt tóc cạo đầu.

Thứ hai, Nho giáo xem trọng việc thừa tự nối dõi và cho rằng không có con nối dõi là bất hiếu nhất, khi đó tu sĩ Phật giáo lại theo đời sống không cưới vợ sinh con.

Bất đồng về trân trọng “thân thể, tóc da” với thế phát xuất gia

Điều 9 Lý Hoặc Luận có nêu ý kiến cật vấn Mâu Tử của người đời lúc bấy giờ là: “Hiếu kinh nói: “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ không dám hủy thương” – Tăng Tử lúc sắp mất, bảo: “Kéo tay ra, duỗi chân ra!” Nay sa môn cắt tóc, sao trái với lời dạy của thánh nhân, không hợp với đạo người con hiếu. Ông thường ưa luận phải trái, bàn thẳng cong, mà đi ngược điều thiện hay sao?” [1]

Theo quan niệm của Nho gia “thân thể, tóc da” là bộ phận cơ thể không được làm tổn thương đến, huống chi là cạo bỏ cả bộ tóc như nghi lễ thế phát khi xuất gia của Phật giáo. Vì vậy họ đã phê phán rằng “thế phát” của người xuất gia là trái với đạo hiếu do cắt tóc là làm hại đến râu, tóc được cha, mẹ ban cho, là bất hiếu và bất kính với cha, mẹ do “cái thân thể là do cha, mẹ để lại; đã dùng thân thể của cha, mẹ để lại thì làm sao dám bất kính?” [2]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Dao hieu trong quan niem Phat giao va Nho giao 1

Xúc động nghi thức rửa chân trong lễ Vu Lan – Ảnh: Minh Anh

Nhưng theo quan niệm của Phật giáo, nghi lễ thế phát khi xuất gia là bắt buộc và mang ba ý nghĩa, đó là:

Thể hiện sự bình đẳng, xóa bỏ sự phân biệt giai cấp mà giai cấp thống trị Ấn Độ cổ đại đã đặt ra, xã hội lúc bấy giờ phân chia nghiêm ngặt thành bốn giai cấp: Bà La Môn được cho là giai cấp thượng đẳng, Sát Đế Lợi là thứ hai, Phệ Xá là đẳng cấp thứ ba; Thủ-đà-la là giai cấp thấp nhất gồm những người lao động nghèo khổ. Ngoài ra, còn một tầng lớp hạ đẳng là Chiên Đà La, bị cho là bọn thấp hèn, hạ liệt nhất, không được xếp loại và họ chỉ được làm nghề gánh phân. Tầng lớp thống trị đã quy định mỗi giai cấp có một cách búi tóc khác nhau, mọi người chỉ cần nhìn vào búi tóc thì có thể phân biệt ngay người đó thuộc giai cấp nào. Với chủ trương chúng sinh bình đẳng, đức Phật đã chế định rằng khi phát tâm xuất gia, các hành giả bắt buộc phải cạo bỏ râu tóc, đây chính là bước đầu thể hiện của sự bình đẳng, không phân biệt giai cấp.

Tạo sự khác biệt giữa người xuất gia với người đời là ý nghĩa thứ hai của việc cạo tóc, thuở đầu cạo bỏ đầu tóc nhằm phân biệt tu sĩ Phật giáo với những tu sĩ ngoại đạo khác, về sau nghi lễ này đã trở thành bắt buộc để khởi đầu cho đời sống xuất gia.

Cạo tóc có nghĩa là đoạn trừ phiền não, tóc còn được cho là biểu tượng của phiền não theo quan niệm nhà Phật, vì vậy cạo tóc đồng nghĩa với việc đoạn trừ mọi phiền não như Tỳ- ni nhật dụng thiết yếu dạy rằng: “Cạo bỏ râu tóc, nên nguyện chúng sinh, bỏ cả phiền não, tuyệt đối thanh tịnh .(1)”

Mâu thuẫn về thừa tự nối dõi với từ bỏ vợ con, tài vật của tu sĩ

Một trong những điều nữa mà người xuất gia lúc bấy giờ bị chỉ trích là bất hiếu cũng xuất phát từ mâu thuẫn giữa xem trọng “thừa tự nối dõi” của Nho giáo với lối sống “từ bỏ vợ con, tài vật” của Phật giáo, như Điều 10 Lý Hoặc Luận: “Hỏi – Kìa phúc không gì hơn là nối dõi, bất hiếu không gì hơn là không có con trai. Sa môn bỏ vợ con, vất của cải, có người suốt đời không lấy vợ, sao mà trái với hạnh phúc đức và hiếu tử như thế? Tự khổ mình mà không có chi là kỳ, tự cực mình mà không có chi là lạ cả!” [3]

Quan niệm Nho gia luôn nhấn mạnh việc thừa tự nối dõi, cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của con cái là phải gánh vác trách nhiệm nối dõi tông đường, như chương 9 “Thánh trị” của Hiếu kinh cho rằng: “Cha, mẹ đẻ con, không gì hơn cả việc nối dõi.” [4] Hoặc như Mạnh Tử từng nói “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.” [5]

So sánh nền tảng lý luận của đạo hiếu giữa Phật và Nho

Để lý giải cho sự khác biệt và ngộ nhận của người trong thế tục đối với đạo hiếu của Phật giáo, chúng ta có thể phân tích ở hai khía cạnh: tông pháp huyết thống với chúng sinh bình đẳng và quan niệm của thế gian và xuất thế gian.

Tông pháp huyết thống với chúng sinh bình đẳng

Hiếu là khái niệm mang tính tổng hợp trong hệ thống đạo đức của Nho giáo, tiến trình phát triển của nó có liên hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thời tiên Tần, ban đầu “hiếu” chỉ các hoạt động mang tính tình cảm huyết thống như con cháu nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ hoặc cúng bái tổ tiên…, và thờ cúng tổ tiên được cho là nguồn gốc ban đầu của đạo hiếu trong Nho giáo như Chương 1 “Khai tông minh nghĩa” của Hiếu kinh, Khổng Tử dạy Tăng Tử: “hiếu là cái gốc của đức hạnh.” [6] và “Phu hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân” [7] đã đưa ra đối tượng hiếu của Nho gia từ người thân như ông, bà, cha, mẹ rồi mở rộng sang phụng sự quân vương và cuối cùng là thành tựu sự nghiệp cho bản thân.

Bước sang thời kỳ Xuân Thu đạo hiếu bắt đầu được Nho giáo mở rộng thành quy phạm đạo đức cho toàn xã hội, đến đời nhà Hán bắt đầu áp dụng chính sách dùng “hiếu trị thiên hạ”, ban hành các chính sách như dùng tiêu chí “hiếu” để tuyển chọn quan lại, chế định luật pháp, giáo hóa muôn dân… bởi chương 14 “Quảng Dương Danh” của Hiếu kinh chép rằng: “người quân tử phụng sự cha mẹ một cách hiếu thảo, có thể suy rộng ra lòng hiếu thảo sẽ trở thành lòng trung thành với quân vương.” [8]

Kể từ đó đạo hiếu không những là quy phạm đạo đức về tình thương huyết thống mà còn trở thành một phần của thể chế tông pháp quốc gia, trở thành một trong những công cụ thống trị quan trọng của các vương triều phong kiến Trung Quốc sau này.

Suy cho cùng, theo quan điểm Nho gia đối tượng của hiếu cũng chỉ tập trung vào còn người vì chương “Thái thệ” của Thượng thư đã nói “duy nhân vạn vật chi linh”, có nghĩa chỉ có con người mới có linh tính. [9]

Trong khi đó đạo hiếu của Phật giáo lại bao quát hơn, quan tâm đến mọi chúng sinh trong lục đạo vì chúng sinh bình đẳng, Kinh Phạm võng có lời: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả.” Cơ sở đạo hiếu mở rộng đến các loài chúng sinh xuất phát từ thuyết duyên khởi và thuyết nhân quả của luân hồi nghiệp báo trong Phật giáo.

Chư pháp vô ngã là một trong ba nội dung của tam pháp ấn xây dựng trên thuyết duyên khởi, nó hàm ý rằng hết thảy mọi pháp hữu vi hay vô vi đều không có cái ngã thực tế, và cái “ngã” chính là cái “tự có” tồn tại một cách độc lập, vĩnh hằng, không cần dựa vào bất cứ điều kiện tạo tác nào khác như Kinh Đại bát niết-bàn đã viết: “Nhất thiết chư pháp, bản vô hữu tính, nhân duyên cố sinh, nhân duyên cố diệt.” Nghĩa là: hết thảy các pháp, vốn không có tự tính, sinh bởi nhân duyên, diệt bởi nhân duyên, chính vì không có gì vĩnh hằng, tự có nên chúng sinh bình đẳng, không có sự phân biệt cao thấp như dạng “vạn vật chi linh.” Mọi chúng sinh đều nương tựa nhau mà tồn tại, điều này có thể minh họa qua ví dụ “cây lô” của Kinh 326 Lô(2) Tạp A Hàm: “Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững; nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được; nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vững, vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sinh trưởng được.” [10]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Dao hieu trong quan niem Phat giao va Nho giao 2

Đạo hiếu của thế gian và xuất thế gian

Điểm khác biệt thứ hai là đạo hiếu của Nho giáo chỉ quan tâm đến hiếu của thế gian loài người, còn đạo hiếu xuất thế gian là của Phật giáo.

Khi được hỏi về việc phụng sự quỷ thần, Khổng Tử đã trả lời: chưa phụng sự tốt con người, bàn chi việc phụng sự quỷ thần? [11] cho thấy Nho giáo chỉ chú trọng tới những việc liên quan đến thế giới của con người, và với quan điểm vô thần này tuy có nói: “Cha mẹ còn sống, phụng sự cho hợp lễ; từ trần, mai táng cho hợp lễ; [về sau] cúng tế cho hợp lễ” [12] thì việc “cúng tế” cũng mang một ý nghĩa “cho hợp lễ”.

Trong khi đó đạo hiếu xuất thế gian là của Phật giáo được thể hiện qua tính siêu việt như không những bao gồm cả đạo hiếu của thế gian bởi Pháp bảo đàn kinh dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, cáp như tầm thố giác.(3)” cho ta hiểu rằng Phật pháp là phục vụ cho thế gian, việc tu hành, giác ngộ không ngoài thế gian này, nếu đi tìm Bồ đề ngoài thế gian để, không khác nào đi tìm sừng thỏ.

Tính thế gian của đạo hiếu trong Phật giáo thể hiện ở việc dạy rằng con người phải có bổn phận kính cha hiếu mẹ tương tự như Nho giáo, ví dụ Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt trong Trường bộ kinh dạy rằng người con phải có các bổn phận đối với cha mẹ, đó là: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.” [13] Tương tự trong Kinh số 10, Phẩm Thiện tri thức 20 của Kinh Tăng Nhất A Hàm, Thế Tôn cũng dạy rằng: “Có hai pháp bố thí cho người phàm phu mà được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Sao gọi là hai pháp? Cúng dường cha mẹ. Đó là hai hạng người mà cúng dường đến thì được công đức lớn, thành quả báo lớn.” “Lại nữa, cúng dường một vị Bồ tát nhất sinh bổ xứ, được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lộ, đến chỗ vô vi. Cho nên, các Tỳ kheo, thường niệm hiếu thuận cúng dường cha mẹ.” [14]

Về công đức của hiếu thảo với cha mẹ còn hơn cả việc bố thí cúng dường các bậc Hiền thánh  như trong chương I “Bố thí độ vô cực” của Lục Độ Tập Kinh: “trước bố thí và dâng cơm cho các bậc Hiền thánh, không bằng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ. Con hiếu thảo luôn dốc hết lòng phụng dưỡng, không chút riêng tư.” [15]

Ngoài ra tính xuất thế gian của đạo hiếu trong Phật giáo được thể hiện qua việc vượt qua tính thế gian của một đời một kiếp xét về chiều thời gian, nó còn quan tâm, bao hàm cả chúng sinh của ba cõi sáu đường về mặt không gian.

Đạo hiếu Phật giáo dạy rằng không những phải báo đáp ơn nghĩa của cha, mẹ trong kiếp hiện tiền, chúng ta còn phải báo đáp công ơn của cha, mẹ những kiếp trong quá khứ; đồng thời còn phải báo đáp công ơn của chúng sinh lục đạo. Bởi vì Phật giáo Đại thừa cho rằng từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh thường luân hồi trong lục đạo, nếu thọ sinh ở cõi người hoặc cõi trời thì chúng sinh của ba đường thiện là cha, mẹ trong quá khứ hoặc tương lai của chúng ta; nếu bị đọa vào ba đường ác thì chúng sinh của ba đường ác là cha, mẹ trong quá khứ hoặc tương lai của chúng ta. Vì vậy Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả(4)”

Kết luận

Phải hiếu thảo với cha, mẹ, ông, bà là điểm không cần phải tranh luận giữa cả Phật và Nho. Nhưng sự thể hiện và đánh giá hành vi nào là hiếu lại có sự khác biệt, đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự mâu thuẫn cũng như sự ngộ nhận của người đời với đạo hiếu của nhà Phật.

Sự khác biệt cụ thể là: Đạo hiếu của Nho giáo dựa vào tông pháp huyết thống, chỉ tập trung vào thế gian của kiếp hiện tiền, quan tâm đến làm sao chăm lo cho cha, mẹ của kiếp này. Còn đạo hiếu của Phật giáo được xây dựng trên cơ sở tư tưởng của thuyết duyên khởi và thuyết luân hồi nghiệp báo, cho nên có quan niệm xuất thế gian và cho rằng chúng sinh bình đẳng, vì vậy so với Nho giáo, cái hiếu của Phật giáo có phạm vi rộng hơn cả về đối tượng, không gian và thời gian.

Xét về không gian và đối tượng, đạo hiếu của Phật giáo bao quát đến chúng sinh trong lục đạo, như Quy Sơn Cảnh Sách đã dạy: “người xuất gia phải cất bước đến những phương trời cao rộng, tâm tư, hình hài khác với thế tục, kế thừa hưng thịnh dòng thánh, hàng phục quân ma, để đền đáp tứ ân, cứu giúp ba cõi.” Mà tứ ân chính là bốn loại ơn đức của thế gian và xuất thế gian như Phẩm 2 Báo ân trong Kinh Đại thừa Bổn sinh Tâm địa quán đã nêu: “một là ơn cha, mẹ; hà là ơn chúng sinh; ba là ơn đức vua; bốn là ơn Tam bảo.(5)” Từ đó cho thấy đối tượng báo hiếu của Phật giáo có không gian rộng hơn là lục đạo và ba cõi, còn đối tượng thì rộng hơn gồm cả tứ ân cũng như chúng sinh các cõi.

Về thời gian, hiếu của Phật giáo quan tâm tới cha, mẹ của kiếp này và cả những kiếp trước như trong Mục Liên Sám pháp, Đức Phật đã dạy: “Tất cả mọi người nên phát tâm làm mọi phước đức để báo đáp ân sâu, cha mẹ hiện tiền, cha mẹ quá khứ đều nhờ công đức ấy mà được vãng sinh về tịnh độ.” Và cho rằng chúng ta cần phải báo ơn vì “Loài hữu tình luân hồi sinh trong sáu đường, như bánh xe quay không ngừng, hoặc làm cha mẹ, làm người nam người nữ, đời đời kiếp kiếp cùng có ân với nhau.” [16]

Còn về mức độ của hiếu, Phật giáo phân hiếu ra làm ba mức độ: cung phụng đồ ăn ngon ngọt để cho cha mẹ khỏi bị đói rét, thì gọi là tiểu hiếu; công thành danh toại, làm rạng rỡ tông môn, khiến cho cha mẹ vui vẻ, thơm lây, thì gọi là trung hiếu; chỉ dẫn cho cha mẹ quy hướng chính tín, xa lìa đường ác phiền não, thoát khỏi vòng sinh tử, giúp cho quyến thuộc được độ thoát, dứt hạnh khổ luân chuyển ba đường ác, mới là bậc đại hiếu. [17]. Phật thuyết hiếu tử kinh: “Người con nếu chỉ dùng thức ăn ngon và y phục tốt đẹp để phụng dưỡng cha mẹ, mà không thể hướng dẫn cha mẹ đến với Tam bảo thì tuy có hiếu dưỡng thì cũng giống như bất hiếu.” [18] Tương tự, theo Bất khả tư nghị Quang Bồ tát Sở thuyết Kinh cũng dạy rằng: “thức ăn, thức uống, báu vật không thể thật sự báo đáp ơn của cha, mẹ; dẫn dắt cha, mẹ hướng về chính pháp mới thật sự đền đáp song thân.(6)”

Cụ thể hơn để làm đủ bổn phận và trả đủ ơn cho cha, mẹ thì chúng ta nên theo chỉ dạy của Kinh Tăng Chi Bộ: “những ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Những ai có cha mẹ theo ác giới, khuyến khích cha mẹ an trú vào thiện giới. Những ai có cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào bố thí. Những ai có cha mẹ theo ác trí tuệ thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào trí tuệ.”

Lin Vĩ Tuấn – Học viên Lớp Thạc sĩ Phật học khóa 3, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) 《毗尼日用切要》:「剃除鬚髮,當願眾生,遠離煩惱,究竟寂滅」(CBETA 2022.Q1, X60, NO. 1115, P. 160B23-24 // R106,
P. 136A8-9 // Z 2:11, P. 68C8-9)
(2) Theo Đại Chánh tạng sẽ là Kinh 288.
(3) 《六祖大師法寶壇經》:「佛法在世間, 不離世間覺, 離世覓菩提, 恰如求兔角。」(CBETA 2022.Q1, T48, no. 2008,
p. 351c9-10)
(4)《梵網經》卷2:「一切男子是我父、一切女人是我母,我生生無不從之受生,故六道眾生皆是我父母」(CBETA 2022.Q1,
T24, no. 1484, p. 1006b9-11)
(5)《大乘本生心地觀經》卷2〈2 報恩品〉:「世[1]出世恩有其四種:一父母恩,二眾生恩,三國王恩,四三寶恩」
(CBETA 2022.Q1, T03, no. 159, p. 297a12-13)[1]:出世【大】,間之【宋】【元】【明】
(6)《不思議光菩薩所說經》:「非飲食及寶, 能報父母恩,引導向正法,便為供二親。」(CBETA 2022.Q1, T14, no. 484, p.
671b9-10)
[1], [3] Nghiên cứu về Mâu Tử: trang 508-509.
[2] Lễ ký dịch giải: trang 621.
[4], [6], [7], [8] Hiếu kinh chú sớ: trang 34, 4-5, 4, 46.
[5] Mạnh Tử chú sớ: trang 210.
[9] Thượng thư: trang 429.
[10] Tạp A Hàm I: trang 619.
[11] Tứ Thư bình giải: chương 11 “Tiên tiến” của Luận Ngữ, trang 258.
[12] Tứ Thư bình giải: chương 2 “Vi chính” của Luận Ngữ, trang 36.
[13] Kinh Trường bộ 2: trang 542.6
[14] Tăng nhất A Hàm I: trang 344.
[15] Kinh Lục Độ Tập: trang 55.
[16] Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo: trang 12-13.
[17] Nhân gian Phật giáo ngữ lục – quyển trung: trang 24.
[18] Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo: trang 13.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tăng chi bộ, 2021, 98.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,
TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 542.
Lê Mạnh Thát., (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Hồ Chí Minh: NXB. Văn hóa Sài Gòn.
Li, Xue Qin chủ biên., (1999a), 孝经注疏 Hiếu kinh chú sớ, Bắc Kinh: NXB. Đại học Bắc Kinh.
Li, Xue Qin chủ biên., (1999b), 孟子注疏 Mạnh Tử chú sớ. Bắc Kinh: NXB. Đại học Bắc Kinh.
Lý Minh Tuấn., (2017), Tứ Thư bình giải, Hà Nội: NXB. Tôn giáo.
Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 10 – Bộ Bản Duyên I (Số 152 – 157), Kinh Lục Độ Tập – Quyển III – Chương I: Bố Thí Vô Cực (tt),
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, trang 55.
Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu đính & chú thích) (2015), Tạp A Hàm I tái bản. Hà Nội: NXB. Phương Đông.
Thích Nhuận Đạt tuyển dịch., (2012), Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo, Hồ Chí Minh: NXB. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Thích Thanh Từ., (2010), Quy sơn cảnh sách giảng giải, Hà Nội: NXB. Tôn giáo.
Tuệ Sỹ (dịch & chú) (2011), Tăng Nhất A Hàm I. Hà Nội: NXB. Phương Đông.
Wang, Shih Xun., (2011), 尚书 Thượng thư, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục.
Wang, Wen Jin., (2017), 礼记译解 Lễ ký dịch giải, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường