Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Xưởng Phim truyền hình Hải Phòng (HFS) đang rất bận rộn, bởi ông đang bước vào... “Cuộc chiến nguyên mông lần thứ 4”, làm Tổng Đạo diễn Bộ phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông mang tên “Con đường thiên lý”.

Cố vấn cho bộ phim, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính, GHPGVN, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu) đã khuyến tấn đạo diễn Văn Lượng cùng đoàn phim rằng, lâu nay phim về lịch sử, cổ trang thì những nước Á Đông quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm “tan nát” đi rồi, làm quá giỏi rồi, bây giờ ta xắn tay vào làm, mà làm về một hình tượng rất lớn lao, kỳ vĩ, một trong những con người Việt Nam đẹp nhất: Một vị hoàng đế 2 lần (trong số 3 lần) chiến thắng quân Nguyên Mông, rồi khi đất nước thanh bình thì “xuất thế”, tìm con đường giải thoát giác ngộ, trở thành bậc khai tổ của phái thiền Trúc Lâm... Đạo diễn Văn Lượng đặt vấn đề làm bộ phim này thì coi như là “anh hùng”, và Thượng tọa nói rất hình ảnh: làm phim lần này là phải xác định đây là... cuộc chiến Nguyên Mông lần thứ 4!

Quả thật, đạo diễn Văn Lượng đã ý thức rất rõ khó khăn khi làm phim lịch sử cổ trang trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay. Những bộ phim lịch sử cổ trang của ta vừa qua vừa ít, vừa yếu, bị chê nhiều thứ, nhất là... giống phim Tàu, khó khăn thì nhiều, nhưng cái thiếu căn bản là có một phim trường cho phim cổ trang. Hiện nay, ông đang chỉ huy rất nhiều đầu công việc, nhưng việc xây dựng phim trường phim cổ trang ở Bãi Nẫu trên núi Yên Tử rộng 14,5ha là, được coi là phim trường lớn nhất, rồi mở lớp đào tạo diễn viên ở Tp.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh... kỹ năng phục vụ cho phim cổ trang như: múa, vẽ, võ thuật, trà đạo, thư pháp, thêu... Bộ phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông mang tên “Con đường thiên lý” dài 45 tập, đã có những cảnh quay đầu tiên... Bộ phim không những về “con người tinh hoa” của đất Việt, Phật hoàng Trần Nhân Tông mà còn phô diễn vẻ đẹp và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình tìm nơi xây phim trường cũng gian nan, mang nhiều... yếu tố tâm linh, nói như Văn Lượng là được tiền nhân mách bảo. Và, Bãi Nầu nằm trong thung lũng núi thiêng Yên Tử đang được xây dựng gấp gáp. Với việc có trường quay cho phim cổ trang hoành tráng này, ông có tham vọng góp phần chấn hưng điện ảnh cổ trang Việt Nam. Riêng bộ phận phục trang phải nghiên cứu về trang phục thời kỳ đó, và đã phải may và đăng ký bản quyền 1.000 bộ trang phục cho khoảng 300 nhân vật, và bối cảnh sinh hoạt của thế kỷ 13.

Nghe ông kể lại về quá trình hình thành bộ phim, mới thấy đây là câu chuyện dài. Từ khi còn rất trẻ, ông đã thích và ấp ủ làm những bộ phim về những con người kiệt xuất, tinh hoa của dân tộc. Từ ý tưởng làm một bộ phim quy mô về Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc gặp gỡ, xin ý kiến 50 vị, từ nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, những vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo... để lắng nghe những vị có hiểu biết, đặc biệt có tâm với dân tộc cho lời khuyên. Vậy là, 15 tập phim tài liệu về Phật hoàng ra đời. Và, sau khi đến Bà Rịa, Vũng Tàu, gặp thầy Chân Quang, thì vị đạo diễn này đã “bẻ ghi” ý tưởng, chuyển từ 15 tập phim tài liệu, thành 45 tập phim truyện, thể loại có tính đại chúng, dễ tiếp thu hơn.

Để có một kịch bản tốt nhất, đòi hỏi trí tuệ tập thể, một hội đồng thẩm định đã phải chọn từ 11 nhóm viết kịch bản, ra một kịch bản tốt nhất sau đó sửa chữa. Kịch bản tốt nhất này, khai thác chất liệu từ những tiểu thuyết lịch sử như “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, “Người Thăng Long” của nhà văn Hà Ân, hay “Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông”, “Gươm thiêng Hàm Từ” của nhà văn Trần Đại Sỹ (đang sống ở Pháp)... Tất cả đều phải mua, dù là chỉ chi tiết nhỏ. Đạo diễn Văn Lượng cho biết.

Đạo diễn người đất Cảng không “ăn sóng nói gió”, không “nói chơi”, mà là như bản tính của ông là “làm thật”; rất thâm trầm, thậm chí kiệm lời khi nói về mình. Bởi vậy, người ta rất tin ở ý tưởng, dự án lớn lao này. Chính vì niềm tin này, mà có một vị Mạnh Thường Quân đã đầu tư cho cuộc“phiêu lưu” của ông. Kinh phí làm phim từ nguồn xã hội hóa, mà nhà đầu tư nào cũng tính tới lợi nhuận. Còn ở đây, đạo diễn Văn Lượng cho biết, tất nhiên, ông làm gì cũng tính tới yếu tố mục đích: Trước kia, tôi đi câu cáy, hay đi chụp ảnh dạo... lấy tiền về nuôi con, tất cả đều có mục đích. Nhưng, làm bộ phim này vượt quá những yêu cầu về thu hồi về vật chất. Tất nhiên, khi mình bỏ bao tâm huyết và làm tốt thì có “phúc” thì có “phần” theo một triết lý nhà Phật. Khi chia sẻ với các Phật tử đạo tràng của Thiền tôn Phật Quang, tôi thấy trong mắt vị đạo diễn có dáng vẻ rắn rỏi này có những giọt nước long lanh.

Tôi rất hiểu, nhiều cộng sự của ông cũng rất hiểu, vị đạo diễn sinh ra ở miền biển, làm tới hơn 200 bộ phim về đất nước con người miền biển đảo, đạt kỷ lục Guiness châu Á (2013) và thế giới (2015) đã đau đáu khi những con sóng lăn từ biển Đông nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đất liền, dội vào nỗi lòng mỗi người Việt chúng ta về công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước. Với khát vọng đã được ấp ủ, lại đang dồi dào năng lượng, ông chia sẻ với tôi, ông muốn làm bật dậy tình yêu nước, ý chí quật cường từ thời đại Đông A, từ cách nay hơn 700 năm, rằng: Dân tộc này không dễ cúi đầu.

Tác giả: Hà Quang Đức Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2016