Cô gái ấy tên An, sinh năm 2005, năm nay 19 tuổi.
Nhà cô ấy ở Quận 2, Tp.HCM. Hiện cô đang đi du học ở Úc.
Khi xa Tp.HCM, cô mới nhớ da diết mảnh đất nơi mình sống.
Đặc biệt là nét đẹp văn hóa lễ chùa mà cô có được, khi ở chung với nhà ông bà ngoại.
Bà ngoại của cô hay đi chùa, các dì cũng vậy.
Khi cô và em trai tên Wi còn chưa vào lớp một, chưa biết chữ thì bà và các dì đã dạy cho câu niệm Phật “Nam mô A Mi Đà Phật”.
Khi An được khoảng 7, 8 tuổi, vì bà ngoại của cô là đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (sư ông chùa Vạn Đức, Thủ Đức) nên Chủ Nhật được nghỉ học là bà hay dẫn An, về tham dự khóa niệm Phật và đọc kinh Pháp Hoa ở chùa Vạn Đức (đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức).
Niệm Phật thì An đọc theo được.
Riêng phần đọc kinh Pháp Hoa cùng đại chúng tại chùa, thì các sư thầy và những phật tử người lớn tụng khá nhanh, nên An theo không kịp.
Tuy nhiên, cô bé vẫn thích theo bà ngoại đi chùa và tham gia niệm Phật, tụng kinh, ăn chay trong chùa.
--
Khi về nhà, bà ngoại hay ngồi lần xâu chuỗi hạt và niệm “Nam Mô A Mi Đà Phật”.
Cô bé An lúc này do tò mò nên cũng để ý niệm Phật theo bà và xin bà xâu chuỗi để lần cho giống người lớn.
Bà ngoại ân cần chỉ cho An cách niệm Phật và lần xâu chuỗi hạt.
Thỉnh thoảng, vào ngày lễ tết thì cha mẹ của An được nghỉ làm, nên lái xe chở bà ngoại và An, cùng em trai nhỏ tên Wi của cô đi viếng các chùa.
Khi đến chùa Vĩnh Nghiêm, Quận 3, bà ngoại thường niệm Phật, chắp tay hoa sen trước ngực.
Và sau đó, bà vuốt tay lên chân tượng của vị thần Kim Cang to lớn đứng trước cửa vào chính điện của chùa.
Rồi bà vuốt vuốt lên đầu của An và em trai cô.
Bà nói:
”Tụi con niệm Nam Mô A Mi Đà Phật đi, để Ngài phù hộ cho hai chị em chơi ngoan, học giỏi, cha mẹ làm ăn được tốt.”
Hai chị em cùng chắp đôi bàn tay nhỏ nhỏ, tròn tròn rồi niệm theo như bà dạy.
Sau này, bà ngoại và dì Út hay đọc phẩm 40 trong kinh Hoa Nghiêm.
Đó là phẩm “PHỔ HIỀN HẠNH, NGUYỆN”. Theo như bà ngoại kể là đọc phẩm kinh này để quy hướng cầu vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc khi cuối đời.
Bà ngoại giải thích là tư lương của một người theo Tịnh Độ tông gồm TÍN-NGUYỆN -HẠNH (FAITH, VOWS, and PRACTICE are called “The THREE PROVISIONS” of the PURE LAND BUDDHISM).
Một người bạn đồng nghiệp của bà ngoại thường đến nhà chơi và ông ấy hay nhắc nhở rằng:
*TÍN:
-Phải tin rằng cõi Ta Bà thường là Khổ và là cõi tạm.
-Phải tin rằng cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Mi Đà tràn ngập niềm vui.
-Tin rằng là chúng sinh phàm phu ở cõi Ta Bà đầy nghiệp chướng.
Thực tế là không thể chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình (tự lực: Self-power) để hoàn toàn đoạn trừ vọng tưởng, chứng ngộ Chân lý và thoát khỏi luân hồi SINH TỬ trong chính kiếp này.
-Tin rằng Đức Phật A Mi Đà đã phát lời nguyện sâu sắc: Bất kỳ chúng sinh nào niệm danh hiệu của Ngài trong sự chân thành và tin tưởng nhất để cầu vãng sinh về cõi Cực Lạc của Ngài, thì khi lâm chung sẽ được A Mi Đà tiếp nhận và dẫn dắt đến cõi Cực Lạc.
*NGUYỆN:
Phải có lời nguyện được vãng sinh ở cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà vào khi cuối đời.
*HẠNH:
Phải chăm chỉ thực hành niệm danh hiệu của Đức Phật A Mi Đà hết sức thành tâm và tha thiết.
Chúng ta có thể lập THỜI KHÓA BIỂU TU TẬP (Daily Buddhist Practice) của cá nhân mình cho phù hợp, chăm chỉ niệm Phật càng nhiều và càng thành tâm càng tốt.
Việc đạt được sự vãng sinh ở cõi Tịnh Độ của A Mi Đà hoàn toàn phụ thuộc vào TÍN và NGUYỆN.
Trong khi mức độ vãng sinh phụ thuộc vào chiều sâu của việc thực hành (HẠNH).
Do vậy, chúng ta phải thành tâm chăm chỉ niệm Phật mỗi ngày.
Trong đó, điều quan trọng là phải NGUYỆN vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc khi cuối đời, nếu không phát nguyện vãng sinh là không được.
Bà ngoại đã lấy một cuốn sổ có kẻ dòng, nắn nót viết tay dòng chữ :
”Con nguyện vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Mi Đà”.
Bà ngoại dù lớn tuổi nhưng nét chữ của bà nhìn rất cứng cáp và rõ ràng, nét chữ không bị run.
--
Bà ngoại nhờ mẹ An in cho bà lịch các ngày vía của Phật, Bồ Tát trong năm để đến ngày đó thì bà đi mua dừa tươi, nến, hoa để cúng Phật, Bồ tát.
Bà cũng nhắc mẹ An in “Thời Khóa Biểu Tu Tập Mỗi Ngày” (Daily Buddhist Practice) để dán lên tường cho An và dì Út tu tập theo.
Mẹ An tải trên internet xuống và in ra rồi dán lên tường cho bà.
Sáng sớm bà dậy lạy Phật, đọc kinh, niệm Phật…thì thường ngày An sẽ đi học ở trường tiểu học.
Vào mùa hè được nghỉ học, An cũng dậy sớm, lạy Phật theo bà được vài động tác rồi thôi.
Vì con nít chỉ tò mò bắt chước, nhưng thấy không nhộn nhịp, không thú vị nên bữa sau An không dậy tập theo bà nữa.
Bà ngoại cũng không ép An, vì nghĩ An còn là trẻ con nên để cho cô bé thoải mái một chút.
Riêng dì Út thì cũng miễn cưỡng tập theo nhưng có vẻ không hào hứng lắm, bị bà ngoại nhắc nhở nghiêm khắc thì dì mới hăng hái hơn.
Tối về thì dì Út và bà ngoại cùng thắp nến, đốt hương trầm trên bàn thờ Phật và tụng kinh đại thừa.
Lúc thì hai người tụng kinh Kim Cang, lúc thì kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, khi thì Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật, A Di Đà, Lăng Già…
Năm mà An 9 tuổi, thằng cu Wi 4 tuổi, cha mẹ dẫn hai chị em về chùa. Được sư thầy mừng tuổi, phát lộc, phát bao lì xì thì hai chị em An rất vui.
Mẹ An đưa phong bì đỏ cho cô và em trai Wi để lì xì cho sư thầy vào năm mới.
Được sư thầy ân cần vuốt đầu, chúc phước lành, làm cô và thằng cu Wi rất thích thú, vui mừng.
Mẹ An hay đưa cho hai chị em mỗi đứa một tờ tiền 50,000 đồng để bỏ vào thùng Tam Bảo của chùa.
Thằng cu Wi nó chạy lại thùng Tam Bảo bỏ tiền vào một lượt rồi.
Nhưng khi thấy các phật tử xung quanh trầm trồ khen, vỗ tay, thế là nó chạy lại xin mẹ An thêm một tờ tiền nữa để bỏ thùng Tam Bảo, cho mọi người lại trầm trồ khen nó.
Còn nó thì toe toét cười, ra vẻ thích thú, khoái chí lắm.
Ôi chao ! Sự hồn nhiên của một đứa trẻ.
Mẹ An dạy nó lạy Phật nơi chính điện của chùa thì cúi đầu sát xuống sàn chính điện, đầu đặt trên hai bàn tay để ngửa ra mà lạy Phật.
Nhưng thằng cu Wi người ngắn, nó vốn tròn người. Tay chân nó chắc nịch, tròn lẳn.
Mỗi lần mẹ kêu lạy Phật là nó nằm sấp, đè bụng sát xuống sàn, nằm dang tay chân nơi chính điện.
Mà nó nằm rất lâu, có vẻ như là “phê” lắm. Các phật tử xung quanh phải phì cười, chỉ trỏ nó.
An thấy ngại nên lại vỗ vỗ nơi chân nó, kêu nó đứng dậy, không nằm lạy Phật mà dang tay chân “ngắn củn” của nó nơi sàn chính điện nữa.
Những kí ức vui vẻ này, dù hai chị em đã lớn thì thỉnh thoảng vào dịp tết mẹ An vẫn nhắc lại.
--
Lễ vía Phật A Mi Đà năm nào cũng diễn ra vào cuối năm.
Buổi tối, sau khi An đi học về, thì bà ngoại dẫn cô bé về một ngôi chùa gần nhà để dự lễ.
Hai bà cháu được phát cho mỗi người một đèn hoa đăng có ngọn nến bên trong.
Được nghe sư trụ trì nói về 48 nguyện của Phật A Mi Đà và được truyền đăng, rồi đọc kinh A Di Đà.
Sau đó, đại chúng cùng nghe văn nghệ hát ca ngợi về Phật A Mi Đà và cõi Cực Lạc của Ngài. Năm nào vào dịp này, chùa cũng đông người.
Chùa phải gửi nhờ xe máy, xe ô tô ở bãi đất kế bên mới đủ chỗ cho đông đảo phật tử về làm lễ.
--
Bây giờ, dù ở xa Việt Nam, An vẫn nhớ hoài nét văn hóa thân thuộc của người Phật tử Việt Nam: Tụng kinh, niệm Phật, lần xâu chuỗi, dùng cơm chay…
Dù được cha mẹ cho đi tham quan nhiều nước, cũng đã viếng nhiều chùa chiền ở nhiều nước châu Á, nhưng An vẫn thích nét văn hóa đi lễ chùa rất thân thuộc, rất ý nghĩa và ấm cúng ở Việt Nam.
Tiếng tụng kinh, niệm Phật A Mi Đà, tay lần chuỗi hạt, lạy Phật …đã ngấm sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ hay theo bà hoặc mẹ đi chùa và theo chúng đến lúc trưởng thành.
--
Giờ đây, khi đã trở thành thiếu nữ và đang du học nơi xa, An nhớ gia đình, nhớ Việt Nam, nhớ bà ngoại và những lần đi chùa, tụng kinh, niệm Phật với đại chúng ở chùa rất dễ thương, gần gũi, tình cảm.
Sau đó, vào cuối mỗi buổi lễ này, được dùng cơm chay ở chùa rất thanh đạm mà ngon miệng.
Đôi khi, cô cảm thấy may mắn vì có bà ngoại rất tín tâm với đạo Phật, thích đi chùa, tụng kinh, niệm Phật chăm chỉ.
Và bà rất tin tưởng vào cõi Tịnh Độ của Phật A Mi Đà, có ước nguyện vãng sinh Cực Lạc vào cuối đời.
Bà cũng tham gia một vài lần vào Ban Hộ Niệm và chứng kiến những cư sĩ được vãng sinh an lạc trong tiếng niệm Phật, tụng kinh của Ban Hộ Niệm.
Điều đó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quan niệm, nếp sinh hoạt hiện nay của An.
Bà ngoại An rất hay khen ngợi, trầm trồ với công đức tu hành của sư ông Thích Trí Tịnh, chùa Vạn Đức (Thủ Đức), sư bà Hải Triều Âm, chùa Dược Sư (Lâm Đồng).
Bà ngoại của An cứ trầm trồ khen ngợi là tướng mặt của sư ông Thích Trí Tịnh (chùa Vạn Đức, Thủ Đức) nhìn tốt tướng quá. Tướng của Ngài trong trẻo, thánh thiện, hiền lành, vô tư như một đứa trẻ con.
Giọng nói của sư ông Trí Tịnh từ tốn, chậm rãi nhưng gần gũi, hiền lành.
Tướng mặt của sư bà Hải Triều Âm cũng vậy. Giọng nói của sư bà cũng diễn cảm, rõ ràng, dễ nghe, súc tích và chậm rãi. Oai nghi của sư bà rất đáng để học tập và đáng kính nể.
Dù An chưa biết coi tướng mặt, chưa biết quan niệm về tướng mặt nhìn tốt là ra sao, nhưng cô cứ tạm lưu ý, nghe lời của bà ngoại khen các vị sư tu hành nghiêm túc, mẫu mực.
Oai nghi của các sư mẫu mực này đáng kính nể thực sự. Họ là biểu tượng cho đạo đức giải thoát, giác ngộ.
Bà ngoại hay mở clip trên youtube để nghe bài giảng của hai vị sư đáng kính này.
--
Đặc biệt, bà hay đọc các sách giảng kinh, pháp ngữ của Hòa thượng Tuyên Hóa, sách dịch của Hòa thượng Thích Thiền Tâm.
Vì hay chơi cùng bà, đọc theo bà, nên giờ An cũng thích bộ sách “GẬY KIM CANG HÉT” (The Vajra Strikes) và Pháp ngữ của Hòa thượng TUYÊN HÓA.
Sách này có lời lẽ rất ngắn gọn, súc tích mà đầy trí tuệ, sâu sắc, đôi lúc dí dỏm, có nhiều kiến thức hữu ích.
Sau này, An tìm đọc mấy cuốn sách giảng chú Đại Bi và chú Lăng Nghiêm, giảng về kinh Hoa Nghiêm của Hòa thượng Tuyên Hóa. Đúng là những bài giảng độc nhất vô nhị, ngắn gọn nhưng rất thú vị, mở mang nhiều kiến thức quý.
Bà ngoại cũng thích đọc sách “LÁ THƯ TỊNH ĐỘ” của Hòa thượng Ấn Quang. Những bài viết trong sách rất ngắn gọn nhưng lại có nhiều kiến thức để học hỏi về Tịnh Độ, pháp môn niệm Phật.
--
Mẹ của An thích các chùa ở Huế, Đà Nẵng, Hội An. Chúng mang vẻ trầm mặc, có nét riêng về tâm linh nơi đất kinh kỳ.
Còn bà ngoại An thì thích các chùa miền Bắc cổ kính, mái ngói cổ xưa, gần gũi với tình làng xóm.
Riêng cha của An thì lại thích đi viếng các chùa ở miền Tây để được ăn bánh xèo, bánh khọt và cháo nấm chay, ra các ao sen trong chùa để chụp hình.
--
Vào dịp nghỉ tết hàng năm, gia đình An thu xếp để cùng đi viếng cảnh chùa ở các miền bằng xe ô tô của gia đình.
Trước khi chuẩn bị qua Úc nhập học, thì An có nói mẹ và dì lái xe chở cô đi viếng lại các chùa mà gia đình cô hay đi.
--
Khi nhập học ở Melbourne, An gặp một anh chàng người Anh cao lêu đêu, tên là Teddy, học cùng lớp với An.
Đáng ngạc nhiên là Teddy cũng theo đạo Phật, biết niệm Phật A Mi Đà.
Vì nhà của anh ta lúc ở Anh Quốc, gần khu chùa Manchester Fo Guang Shan Buddhist Temple của người Hoa nên gia đình Teddy hay đi chùa này.
Trong đạo tràng ở đó cũng hay niệm Phật A Mi Đà, anh ta cũng biết bấm máy niệm Phật nhỏ xíu, thay vì lần chuỗi hạt như bình thường.
--
Teddy cũng quan tâm đến các sách của Hòa thượng Tuyên Hóa – một vị sư đại thừa vĩ đại, đáng ngưỡng mộ.
Teddy kể rằng đã đến thăm VẠN PHẬT THÁNH THÀNH ở Mỹ (City of Ten Thousand Buddhas, California) và đã được chiêm ngưỡng các xá lợi rất đẹp của Hòa thượng Tuyên Hóa (Master Hsuan Hua's Sharira).
An cũng ao ước một lần đến đó để chiêm ngưỡng xá lợi của Hòa thượng Tuyên Hóa, nghe kể là có nhiều màu và có vân tự nhiên như viên ngọc rất đẹp.
May mắn là ở Melbourne này cũng có hệ thống chùa Fo Guang Shan Melbourne nên Teddy vẫn thường đi chùa này được.
Teddy rất thích ăn các món ăn châu Á, đặc biệt là món chay.
Riêng mùa hè năm nay, anh bạn này đã để dành tiền đi làm thêm trong thời gian đi học.
Anh ấy chia sẻ là muốn qua Việt Nam để thăm viếng và tìm hiểu các chùa “Pure Land”, tức là chùa theo Tịnh Độ.
Teddy đã đến Singapore, Malaysia, Nhật, Đài Loan… để viếng các chùa Tịnh Độ. Anh ấy sẽ đến Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc để tìm hiểu các chùa Tịnh Độ.
Tay của Teddy đeo chiếc vòng màu nâu đen, có khắc chữ “NAMO AMITABHA BUDDHA” bằng tiếng Anh và Hoa, do một chùa ở Hongkong phát tặng cho.
An giới thiệu và hứa sẽ dẫn Teddy đi tìm hiểu chùa Vạn Đức (của sư ông Thích Trí Tịnh), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), Chùa Đại Giác ( Phú Nhuận), chùa Dược Sư (ở Lâm Đồng) của sư bà Hải Triều Âm, rồi chùa PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ của hòa thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992) cũng theo Tịnh Độ ở Lâm Đồng.
Nếu còn đủ điều kiện và thời gian thì An sẽ dẫn anh ấy ra thăm các chùa theo Tịnh độ ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, Đại Từ Ân, chùa Khai Nguyên, chùa Bằng...
Dịp tết âm lịch vừa rồi, An và gia đình được sư cô ở chùa tại quận Thủ Đức, lì xì phong bao đỏ năm mới.
Trong đó có một tấm thiệp bìa cứng, có trích in một đoạn thơ kệ trong kinh HOA NGHIÊM (Avatamsaka sutra card), trình bày song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
An và gia đình vẫn để tấm thiệp năm mới này trong ví của mỗi người.
Vì có được câu kệ trong bộ kinh đại thừa vĩ đại như Hoa Nghiêm là rất tốt.
Bà ngoại nói rằng có câu kinh đại thừa bỏ trong ví như là một tấm thẻ bình an, hoan hỷ.
Lâu lâu lấy ra đọc những câu kinh đại thừa này cũng tốt, được mở mang kiến thức khi đọc trực tiếp lời dạy của Phật.
Dịp ấy, An được sư cô cho hai phong bao lì xì. Vì trước tết âm lịch vài ngày, An đã về chùa này giúp sư cô làm mứt dứa, mứt gừng để mời Phật tử dịp Tết về dùng.
Giờ An tặng cho anh bạn Teddy này một cái thiệp Avatamsaka sutra card.
Anh ta tỏ ra rất thích thú và mỉm cười.
--
Mấy ngày sau, Teddy mang tới khoe với An hai cuốn sách và đĩa CD bỏ trong một túi giấy nhìn rất mộc mạc, có cột nơ bằng dây thừng.
Đây là quà tặng mà lúc Teddy đi viếng một chùa Trung Hoa ở Singapore thì một vị Phật tử ở đây đưa cho anh, giống như các kinh sách ấn tống của chùa.
Sách trích in các câu kinh đại thừa, minh họa nhiều màu theo kiểu chibi rất đẹp, trình bày song ngữ Hoa- Anh, in giấy láng cũng tốt.
Teddy có vẻ thích và nâng niu những món đồ này lắm, thấy anh ta cứ vừa nói, vừa lấy tay vuốt mấy cuốn sách ấy.
Hoan hỷ nhất là được gặp bạn đồng tu, để cùng chia sẻ những kiến thức đáng quý, thú vị về Phật pháp.
Dù đi đâu xa xôi thì ta vẫn luôn nhớ những nét văn hóa chùa chiền đặc trưng ở quê Việt:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc;
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Nhớ những nét đẹp văn hóa đi lễ chùa, cũng tức là nhớ quê hương, đất nước, lưu mạch nguồn đạo pháp và dân tộc.
Bài: Diệu Trí, TP.HCM
Tranh: Guo Tu - C.T MLS
Bình luận (0)