Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Chùa Viên Giác – Những đóng góp đối với Phật giáo và quá trình giải phóng dân tộc tỉnh Bến Tre

Chùa Viên Giác – Những đóng góp đối với Phật giáo và quá trình giải phóng dân tộc tỉnh Bến Tre

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Viên Giác đã trải qua quá trình hình thành phát triển, truyền thừa của dòng Trí Huệ, cùng những đóng góp của các thế hệ trụ trì đối sự phát triển PGVN trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đăc biệt giá trị phi vật thể như: liễn đối, hoành phi, kiến trúc chùa tháp, tượng thờ. Ngoài ra, chùa còn có các hoạt động về phong trào chấn hưng Phật giáo, hoạt động an sinh xã hội và công cuộc giải phóng dân tôc, thống nhất đất nước.

CHƯƠNG I: CÁC HOẠT ĐỘNG CHÙA VIÊN GIÁC ĐỐI VỚI TỈNH BẾN TRE

1.1. Đóng góp của chùa Viên Giác trong phong trào chấn hưng Phật giáo và giải phóng dân tộc

  • Phong trào chấn hưng Phật giáo

Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời nhằm khơi dậy Phật giáo chính tín, mang tình yêu dân tộc và phát huy tinh thần yêu nước cho tăng sĩ, phật tử trong lúc thực dân Pháp đang đô hộ nước ta. Hòa thượng Khánh Hòa thấy Phật giáo đứng trước nguy cơ không còn được nhân dân tin tưởng, tăng, ni thì thiếu học vì thế Ngài đã thốt lên nhận xét như sau: “Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đoàn kết cho nên muốn chấn hưng Phật giáo phải làm ba việc là: Chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch kinh sách ra Việt ngữ[1]. Tuy nhiên, trước đó các chùa vẫn rải rác duy trì việc giảng dạy Phật pháp tại các tự viện như HT.Từ Phong ở chùa giác Hải (Chợ Lớn), HT.Tâm Thông ở chùa Trường Thọ (Gò Vấp), HT.Huệ Quang tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) và năm 1924, tại chùa Viên Giác HT.Tâm Quang đã khai mở trường gia giáo, đã thu hút rất nhiều tăng ni theo tu học. Với sự hiện hữu bức hoành phi “Hoàng Kim bửu điện[2], được HT.Khánh Hoà tặng cho chùa Viên giác năm 1924 nhân sự kiện này đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa hai vị Hòa thượng từ rất sớm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Vien Giac nhung dong gop giai phong dan toc 1

Năm 1923, phong trào chấn hưng được bắt đầu khi thành lập Lục Hòa Liên Hiệp do HT.Khánh Hòa khởi xướng trong cuộc họp tại chùa Long Hòa (Trà Vinh), trong giai đoạn này có rất ít tự viện hưởng ứng, riêng ở Bến Tre có chùa Tiên Linh, chùa Viên giác, chùa Liên Trì, chùa Bửu Sơn tham gia lúc bấy giờ. Vì thế việc cấp bách ngay thời điểm đó là phiên dịch kinh điển ra Việt ngữ là công việc tối quan trọng mà chư vị Hòa thượng quan tâm, đây là như cầu cấp thiết để phổ cập giáo lý cho hàng tăng chúng. Vì vậy hiện này chùa Viên giác còn lưu giữ hơn 200 quyển kinh sách trong “Tàng Kinh các”, năm 1927, để có tiền hoạt động phong trào HT.Khánh Hòa đã bán gỗ Chính điện chùa Tiên Linh cho hương chức huyện Ba Tri lấy về 1000 đồng. Sau khi lấy số tiền đó đã giao cho HT.Tâm Quang (chùa Viên giác) và HT.Từ Phong (chùa Liên Trì) trong coi, đồng thời hai vị còn kêu gọi phật tử và tín chủ nhiệt đóng góp, trong đó nổi bậc nhất là bà “Lê Thị Nghĩa”, (cô ba ngỡi), góp thêm 100 đồng, số tiền thu được tất cả đem xây dựng thư xã, trường Phật học và thỉnh kinh sách. Trong năm 1928, HT.Khánh Hòa đã cùng chư vị Hòa thượng như là: HT.Huệ Quang, HT.Tâm Quang, HT.Từ Nhẫn, HT.Chơn Huệ… đã mở một Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), đây là bước điệm quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.

Đến năm 1929, HT.Tâm Quang lại tiếp tục hiến cúng tịnh tài tịnh vật là huê lợi từ 3,38 ha ruộng tại làng Hương Mỹ, tổng Minh Quới cho chùa Tiên Linh, để phục vụ cho phong trào chấn hưng. Tất cả giấy tờ còn lưu giữ lại chùa đã chứng minh đều đó: “Mỗi năm đến tháng hai An Nam thì chúng tôi phải chở đến chùa Tiên Linh mà đóng đủ số lúa ruộng là một trăm tám chục thùng quan và lúa quạt sạch…”[3], đây là số gạo hỗ trợ cho hoạt động chấn hưng. Chùa Viên giác có một số đất đai đã ủy quyền cho HT.Khánh Hòa khai báo chính quyền, văn bản cũng như họa đồ những khu đất còn lưu lại bút tích bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ do Hòa thượng Khánh Hòa ghi: “Điền viên lưỡng tự – Thích Như Trí bút ký” (Ruộng vườn của hai chùa Viên giác và Tiên Linh – Thích Như Trí ký tên)[4].

Năm 1931, HT.Khánh Hòa lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học đặt tại chùa Linh Sơn, Hội đã cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm vào đầu năm 1932 nhằm truyền chính pháp ra nhân dân, HT.Tâm Quang là thành viên của Hội thường xuyên lui tới chùa Linh Sơn, từ mối giao hảo đó mà Ngài đã thỉnh hai tôn tượng Thích Ca đem về thờ tại chính điện chùa Viên giác đến ngày hôm nay.

Vì có nhiều nguyên nhân khách quan khiến cuộc chấn hưng diễn ra chậm trễ cho nên năm 1933, HT.Khánh Hòa trở về Trà Vinh tiếp tục thành lập Liên Đoàn Phật học xã, đây là lớp học lưu động cư ba tháng sẽ chuyển đi chỗ khác. Khóa đầu tiên khai giảng học ở chùa Long Hòa (Trà Vinh), khóa thứ hai thì chuyển về học ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn), khóa thứ ba lại chuyển về chùa Viên giác (Bến Tre). Khi học hết khóa thứ ba thì do kinh phí không để hoạt động nên đã giải tán, đến năm 1934 Lưỡng Xuyên Phật học ra đời nhằm giúp cho tăng chúng có nơi tu học, HT.Tâm Quang tiếp tục được HT.Khánh Hòa mời làm cố vấn cho Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Từ đây đã đào tạo ra nhiều tăng tài cho giáo hội như: HT.Thiện Hoa, HT.Thiện Hòa, HT.Hành Trụ, HT.Huyền Quang… Qua đây cho thấy chùa Viên giác đã tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo từ lúc sơ khai, luôn đồng hành cùng Phong trào, hiện nay kinh sách bằng chữ Hán còn lưu giữ ở Tàng Kinh Các.(xem hình 3). đang chờ những tăng sĩ, học giả về nghiên cứu và phiên dịch. Từ những đóng góp của HT.Tâm Quang cho phong trào chấn hưng, sau khi Ngài viên tịch thì hàng pháp tử, pháp tôn đã tiếp nối chí hướng của Ngài với những hoạt động mang âm hưởng của cuộc chấn hưng như sau: “HT.Chí An đã đứng ra tổ chức Hội Tăng già tỉnh Bến Tre, năm 1958 cho mở đại giới đàn cho các tăng ni trẻ thọ giới tu học Phật pháp[5]. năm 1970, HT.giác Thanh lại tiếp tục mở giới đàn Sadi thu hút 50 về thọ giới để tu học, đó là những đóng góp nhỏ của chùa Viên giác đối với Phật giáo. Sau những đóng góp đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, thì cũng không quên nói đến phong trào giải phóng dân tộc của chùa, đã tích cực tham gia để mang lại bình yên và hòa bình cho nhân dân.

  • Liên đoàn Phật học xã (1933)

Hội nam kỳ nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931. Đây là tổ Phật giáo ra đời sớm nhất ở Nam kỳ trong thời gian đó, nhưng được đánh giá là chưa đóng vai trò tiên phong trong phong trào chấn hưng lúc bấy giờ. “Hội đã cất được một thư viện Phật học gọi là Pháp Bảo phường, thỉnh được Tục tạng và Đại tạng kinh cho thư viện này. Hội cũng đã cất một Phật học đường, gồm sáu gian nhà ngói có trang bị đầy đủ để nhận học Tăng. Nhưng ông phó nhì hội trưởng Trần Nguyên Chấn không chịu nghe lời các vị HT.Khánh Hòa và Huệ Quang, cho nên những cơ sở xây cất riêng trên đất của ông Chấn trở thành vô dụng[6]. Trải qua một thời gian dài nhưng ông Trần Nguyên Chấn vẫn không chịu cho khai giảng Phật học đường và do nóng lòng để đào tạo tăng tài nên các vị HT.Khánh Hòa, HT.Huệ Quang và HT.Pháp Hải… đã đành quyết định rút về Long Hòa (Trà Vinh), đã khai mở lớp Phật học đường lưu động mỗi nơi 3 tháng có tên là Liên Đoàn Phật học xã. “Ngày 29 thang giêng năm 1933 chư tang họp tại hùa Viên giác (Bến Tre) thành lập Liên đoàn Phật học xã. Theo ý kiến chung, mỗi khóa 03 tháng, chiêu sinh từ 80 đến 100 Tăng Ni[7]. Đây là Phật học đường lưu động và liên tục thay đổi chỗ học, bởi vì do kinh tế khó khăn nên không đủ điều kiện nuôi tăng chúng ăn ở và học, mỗi chùa chỉ chịu trách nhiệm 3 tháng. Ban ngày thì học, ban đêm thuyết pháp, khóa đầu tiên tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) phụ trách giảng dạy do các vị Hòa thượng: Khánh Anh, Pháp Hải, Huệ Quang. Lớp có khoảng 50 vị theo học, nhưng có nhiều sự thiếu thốn,vì vậy HT.Khánh Hòa đã đi kêu gọi nam nữ tín phật tử ủng hộ tài chính, phẩm vật để có thể lo cho Tăng Ni theo học đầy đủ điều kiện hơn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Vien Giac nhung dong gop giai phong dan toc 3

Khóa I khai giảng tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) do HT.Huệ Quang trụ trì, từ tháng 03 đến tháng 06 thì kết thúc khóa học. Sau đó chuyển về chùa Thiên Phước (Trà Ôn) do HT.Chánh Tâm mở khóa thứ II từ tháng 06 đến thàng 09. Tới rằm tháng 09, thì HT.Tâm Quang chùa Viên giác tỉnh Bến Tre tiếp tục mở khóa thứ III thì do kinh tế nên đã tan ra. Về hình thức hoạt động của Liên đoàn Phật học xã thì mỗi vị Hòa thượng tự nguyên mở lớp theo từng khóa học 3 tháng và chi phái rất cao nên đã không còn hoạt động tiếp tục. Tuy rằng kết thúc Liên đoàn Phật học xã nhưng với sự quyết tâm vực dậy nền Phật học, nên HT.Khánh Hòa cùng Chư tôn đức lại tiếp tục mở Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh ra đời.

  • Trong phong trào giải phóng dân tộc

Năm 1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định. Thực dân Pháp tiếp tục đánh chiếm tỉnh Bến Tre. Những nơi nào giặc Pháp đi qua thì nhà cửa nhân dân không còn, chùa chiền bị đốt cháy, đồng bào thì bị giết chết, cướp bóc. Sự tàn khóc của giặc Pháp đem đến cho đồng bào ta, càng làm cho tang, ni, phật tử căm thù, đã đồng loạt tham gia kháng chiến. Hòa thượng Kháng Hòa đã kêu gọi tập trung lại 172 tăng, ni đã đưa ra lời huấn thị rằng: “Quốc gia khuynh nguy, thất phu hữu trách. Nước nhà đã được độc lập mà người Pháp muốn đô hộ nước ta lần thứ hai. Các con là thanh niên là sinh viên hãy cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận mạc. Nếu ai muốn tu thì chờ nước nhà độc lập hãy trở lại tu hành. Hôm nay, thầy tuyên bố xả giới cho các con, hãy lên đường cứu nước[8]. Trong những năm tháng kháng chiến chống lại thực dân Pháp, những vị trụ trì chùa đã có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước, điển hình như thầy Chí An. Năm 1946, thầy Chí An với tinh thần yêu nước đã tham gia Phật giáo cứu quốc tỉnh Bến Tre. Vì thế, chùa là nơi hoạt động cách mạng, nơi hộp họp của những nhà cách mạng yêu nước lúc bấy giờ.

Nnăm 1947 – 1948, với tinh thần chống thực dân Pháp dâng cao của người con Phật HT.Chí An trụ trì chùa Viên giác là cán bộ cơ sở Việt Minh, nuôi giấu cán bộ cách mạng khi về hoạt động tại xã nhà. Năm 1953 – 1954, thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng già tỉnh Bến Tre, HT.Chí An làm Tăng trưởng. Ban Trị sự thanh lập xong, mục đích là lo cho các chùa trong tỉnh, mặt khác là lo cứu giúp và che chở cho cách mạng hoạt động tránh sự tình nghi của giặc Pháp. Bằng cách cấp giấy phép hành đạo để dễ hoạt đông cách mạng, nếu ai bị bắt đưa giấy ra sẽ được trả tự do vì có giấy phép hành đạo của ban trị giáo hội Tăng già cấp. HT.Chí An đã khéo léo nuôi giấu cán bộ, tàng trữ vũ khí để cung cấp cho mặt trân Việt Minh, Ngài cũng đã nhiều lần bị bắt bởi hoạt động cách mạng nhưng cũng được tha. Hòa thượng còn lấy chùa để che chở cho nhân dân vào lánh nạn, chẳng những vậy mà còn lo cho bữa ăn của người dân khỏi đói. Năm 1960 HT.Chí An viên tịch thì HT.giác Thanh lên làm trụ trì đến: “Năm 1989, nơi đây đã đánh dấu một bước ngoặc lịch sử của Phật giáo Bến Tre, là nơi diễn ra lễ ra mắt Ban đại diện Tỉnh hội Phật giáo lâm thời tỉnh Bến Tre, mở đầu cho sinh khí sinh hoạt của tăng ni và phật tử. Nơi đây cũng đã tổ chức những Đại Giới Đàn, trường hạ trong những năm An cư kiết hạ cho chư tăng trong tỉnh và thành phố[9]. Với tinh thần tu là phụng sự cứu đời của các vị Hòa thượng và Tăng sĩ tại chùa Viên giác gặp khó khăn, gian khổ và cam go mà các vị dám hy sinh trọn đời cho sự giải phóng dân tộc và độc lập tự do, cũng như góp phần vào hoạt động của GHPGVN nói chung và Phật giáo tỉnh Bến tre nói riêng.

CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Với tinh thần thừa kế truyền thống tốt đẹp các bậc tổ sư xây dựng chùa, vì vậy chư tôn đức tăng trụ trì chùa luôn phát huy tinh thần phụng sự đạo pháp, dân tộc là cúng dường chư Phật. Chùa Viên Giác cùng các đạo tràng trong tỉnh Bến tre tạo nên những thành quả tốt đẹp, đóng góp chung cho Giáo hội. Những điều đó được thể hóa qua các hoạt động giáo dục, văn hóa lễ hội, từ thiên.

  • Hoạt động từ thiện – xã hội

Nhằm thể hiện tinh thần tương thân, tương ái ý nghĩa “Thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách hay một miếng khi đói bằng một gói khi no” của dân tộc và nhất là người con Phật có tấm lòng từ bi cứu khổ, ban vui trong đạo Phật. Nhiều năm qua, chùa Viên giác luôn nỗ lực thực hiện công tác từ thiện – xã hội như: Vận động phật tử cho tập học sinh nghèo hiếu học, xây những ngôi nhà tình thương cho người nghèo, gia đình chính sách, giúp đỡ người có hoàn cảnh cô đơn, xây cầu nông thôn, ủng hộ quỹ chữ thập đỏ, quỹ vì người nghèo. “Ngày 15/2/2012, Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Bến Tre phối hợp với chùa Viên Giác tổ chức khai trương bếp ăn chay tình thương. Theo Thượng tọa Thích Huệ Đức – Trụ trì Chùa Viên Giác, bếp ăn hình thành nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kết hợp với giáo lý nhà Phật. Mục đích của Bếp ăn nhằm phục vụ cho mọi người, nhất là người nghèo, đồng thời cũng mong muốn tạo cho mọi người có những bữa cơm chay an lạc, hướng đến những điều thiện trong cuộc sống. Kinh phí hoạt động của bếp ăn dựa vào nguồn lấy thu bù chi. Sau khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, bếp ăn cung cấp nhiều suất cơm chay miễn phí cho người nghèo trên địa bàn phường 5 và phường 7 (Tp.Bến Tre)[10]… qua đây có thể nói, chùa Viên giác thể hiện được tinh thần hòa nhập đoàn kết, cùng người dân trong việc xây dựng quê hương để có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Bên cạnh đó, chùa còn trao những suất học bổng cho học sinh nghéo hiếu học, những học sinh giỏi tại các trường tiểu học và trung học, nhằm giúp đỡ một phần khó khăn cho những gia đình nghèo, cũng như nhằm khích lệ các em cố gắng hơn nữa để sau này tốt nghiệp có tương lai, sau này giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội, học bỗng này mỗi năm phát một lần vào ngày tổng kết cuối năm.

  • Hoạt động văn hóa

Chùa Viên giác có giá trị phi vật thể mang tính lịch sử đó là nét đẹp tiêu biểu của Phật giáo vùng sông nước Cửu Long. Nét đẹp trang nghiêm thanh tịnh của chùa Viên giác ăn sâu vào tâm hồn dân tộc Viêt, đem đến niềm an lạc và hạnh phúc mỗi khi ai đến đây. Hằng năm, thầy trụ trì tổ chức các lễ hội truyền thống Phật giáo như lễ vía Phật Dược Sư, lễ Phật Đản, lễ Vu-Lan, lễ Phật thành đạo, lễ vía Phật A-di-đà.

+ lễ vía Phật Dược Sư: Hằng năm vào ngày mùng 01 chùa sẽ khai đàn Dược Sư pháp hội, bắt đầu mỗi tối sẽ trì tụng kinh Dược Sư trong 07 ngày liên tục trên chính điện và thắp 07 ngọn đèn cháy suốt 07 ngày không tắt để hành lễ. Đến ngày thứ 07 sẽ hoàn đàn Dược Sư, tối ngày mùng 08 thì chư vị nam nữ phật tử tề tựa về chùa dâng sớ cầu an đầu năm mong cả năm được bình an và bệnh tật đau khổ được tiêu trù, tuổi thọ tăng trưởng… những mong muốn đó được bày tỏa lên chư Phật, chư Bồ Tát mong được chứng minh gia hộ.

+ Lễ Phật đản: Mỗi năm vào rằm thàng Tư Âm lịch, chùa Viên giác tổ chức lễ Phật đản long trọng, thành kính và trang nghiêm, để tỏ lòng tôn kính đối với ngày sinh của đức Phật. Chùa còn tổ chức thuyết giảng về ý nghĩa ngày Phật đản sinh, văn nghệ chào mừng, lễ hội hoa đăng… quy tụ hằng trăm thanh thiếu niên và phật tử tham gia lễ hội.

+ Lễ Vu Lan: chùa Viên giác vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, để thể hiện tinh thần báo hiếu đến cha mẹ, báo ân của người con Phật, gắn bó với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hướng dẫn phật tử tổ chức lễ Vu-lan với đầy đủ ý nghĩa báo “Tứ trọng ân” (Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân Quốc gia xã hội và ân Tam bảo). Với lễ này thì vào tối ngày mùng 01 đầu tháng 07 chùa bắt đầu khai kinh Vu Lan – Báo Hiếu để tụng hàng đêm, đây là bài kinh nói về công ơn cha mẹ cũng như phương pháp báo hiếu cho hai đấng sinh thành của mình. Mỗi ngày số lượng phật tử về chùa tụng kinh rất đông, có nhiều người về gửi danh sách cầu an và cầu siêu mong gia đình được bình an, cầu siêu mong thân quyến cha mẹ đã qua đời được siêu thoát.

+ Lễ giỗ Tổ: Đây là húy kỵ Hòa thượng Tâm Quang được xem là tổ khai sơn chùa Viên giác, hằng năm vào ngày 24 và 25 tháng 5 đều về tổ chức lễ này. Đêm 24 chùa khai kinh và sau đó nhiễu tháp 03 vòng, trưa ngày 25 là lễ chính, sáng 10 khai kinh cúng ngọ và cúng tiến giác linh. Đến 11 giờ 30 là lễ cúng dường trai tăng, Hòa thượng là người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo, cũng như đóng góp nhiều trong phát triển Phật giáo tỉnh Bến Tre

  • Hoạt động giáo dục

Từ khi khi xây dựng chùa Viên giác luôn xem trọng công tác giáo dục đào tạo Tăng Ni được đặt lên hàng đầu như là: “năm 1924, tổ Tâm Quang cũng đã cho khai mở trường gia giáo, thu hút 100 tăng ni theo tu học[11]. sau khi Hòa thượng Tâm Quang viện tịch thì Hòa thượng Chí An lên trụ trì chùa Viên giác lại tiếp tục mở giới đàn năm 1958, cho tăng ni về thọ giới để có giới thân huệ mạng mà tu học. Năm 1970, Hòa thượng giác Thanh trụ trì chùa Viên giác đời thứ 03, đã khai mở giới đàn sadi hơn 50 vị được thọ giới để có giới thân huệ mạng mà tu học.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Vien Giac nhung dong gop giai phong dan toc 2

3.3. Những công trình xây dựng mới của chùa Viên giác

+ Kinh pháp cú khắc trên trường

Trên trường rào chùa Viên giác là những bài kinh Pháp Cú (tiếng phạn: Dhammapada), được TT.Huệ Đức cho người đắp nổi lên trườ ng có khoản hơn chục bài kinh như: Song yếu, Không phóng vật, Tâm , Hoa, Ngu, Hiền trí, A La Hán, Ngàn, Ác, Hình phạt, già, Phật đà, Voi… Thượng tọa nói ban đầu sẽ làm như thế sau này sẽ tiếp tục làm thêm hết bao quanh chùa. Về bài trí đắp bài kinh Pháp Cú lên bức tường rào có nội dung như sau:

PHẨM SONG YẾU

(YAMAKAVAGGA)

“Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi,

Không ôm hiềm hận ấy

Hận thù được tự nguôi”

(Pháp cú. 4).[12]

Kinh Pháp Cú (Dhammapadapali): Tập hợp những lời dạy được trình bày ngắn gọn, hàm súc với những ẩn dụ dễ hiểu và nhiều hình ảnh sinh động. Đây là bộ kinh phổ biến nhất Phật giáo Nam truyền, do HT.Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang tiếng việt, rất hay và đầy ý nghĩa giành cho người sơ cơ học đạo, hay người phật tử mới bước đầu tìm hiểu về giáo lý của đức Phật.

+ Hồ sen và tượng Văn Thù.

  • Hồ sen : hoa sen (tiếng phạn: padma), trong Phật giáo hoa sen đại diện cho 08 đặc tính của người tu Phật; Không nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực. Đó là 08 ý nghĩa của hoa sen mà trong Phật giáo lấy làm phương tiện tu cho bản thân, cho nên Thượng tọa xây hồ sen tại kế bên nhà thiền và nhà ăn là ý như vậy. Sau lưng Ngài Văn Thù còn có hòn giả sơn, tạo nên khung cảnh u tịch quyền bí, nhưng mang lại cho người ngắm cảm giác an lạc, thanh nhàn và yên tỉnh. Thượng tọa còn muốn cho tăng chúng mỗi khi thọ thực hay hành thiền nương theo trí tuệ, từ bi vượt qua chướng ngại để đi đến bến bờ giải thoát.

+ Thiền đường và nhà Trai

Được TT.Huệ Đức cho khởi công xây dựng năm 2020, nhà trai đường cất theo kiến trúc ba gian, nhưng không dùng ngói âm dương mà dùng ngói móc, cột kê đá tảng, mái dạng hình bánh ít, xây tường bao quanh thấp tạo cảnh quang rất thông thoáng, trên mái ngói để hoa văn hình cuốn thư. Tất cả từ cột kèo xuyên đều dùng gỗ, trong đó cột có 16 cây. Thiền Đường kiến trúc theo kiểu nhà rong có 7 gian, mái rợp ngói móc, mái kiến trúc dựt cấp thành hai mái, trên mái trang trí vòng xe chuyển pháp luân, có tất cả 32 cây cột được kê trên đá tảng. Nhà thiền được thiết kế theo kiểu hiện đại cột được chấp nối lên cao, tạo cảm giác thoáng mát không thấp như các kiến trúc xưa. Tất cả các công trình đều đang trong quá trình hoàn thiện, khi hoàn thành sẽ tạo cho cảnh quan ngôi chùa thêm phần trang nghiêm. Theo như dự kiến của TT.Huệ Đức sau khi hoàn thành các công trình này sẽ tiếp tục cho xây dựng lại nhà trù và Tăng phòng.

KẾT LUẬN

hằng năm, chùa Viên giác tổ chức các lễ hội tâm linh Phật giáo như: lễ Phật đản, lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ Phật thành đạo, lễ Dược Sư, lễ cúng sao đầu năm… trong các buổi lễ thường xuyên tổ chức giảng thuyết kinh phật truyền bá giáo lý đến những người hữu duyên, làm điểm tựa tinh thần cho tín đồ phật tử. Về công tác xã hội, ngoài những công tác từ thiện tại địa phương giúp cho nhân dân trong vùng ổn định cuộc sống, cũng như đóng góp cho GHPGVN về nhân lực, trí lực vào công cuộc đào tạo tăng tài tại Trường Trung cấp Phật học Bến Tre.

Có thể nói, bức tường kinh Pháp cú là nét độc đáo nhất của chùa, thể hiện tinh thần luôn noi theo lời dạy của đức Phật mà ít ngôi chùa nào làm được như vậy. Hiện nay, chùa còn đang trong quá trình xây dựng thêm nhà trai, thiền đường, ao sen và tượng Văn Thù bằng đá non nước của Đà Nẵng mang phong cách tự tại, đem lại sự an lạc hạnh phúc cho những ai đến tham quan ngôi cổ tự này.

Tác giả: Thích Nhuận Thiện

——————————————

[1] trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ-Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975) (tái bản lần thứ nhất), Nxb khoa học xã hội Hà Nội, tr.50.

[2] Tài liệu được TT.Huệ Đức Trụ trì chùa viên giác cung cấp.

[3] Nguyễn Hữu Lộc (2017), Chùa Viên Giác ngôi cổ tự gắn với phong trào chấn hưng Phật giáo, Hội thảo khoa học Hòa Thượng Khánh Hòa chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống Bến Tre, do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Nghiên Cứu Tôn giáo), kết hợp với GHPGVN tỉnh Bến Tre (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam), Bến Tre, tr.294.

[4] NT, tr.294.

[5] https://cungphuot.info/gioi-thieu-chua-vien-giac-tinh-ben-tre-post5041.cp

[6] GHPGVN(2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.188.

[7] GHPGVN(2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.87.

[8] Ban Tuyên giáo Tỉnh Uỷ Bến Tre, Phòng Tuyên Truyền (2017), Phật giáo Bến Tre trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, Hội thảo khoa học Hòa Thượng Khánh Hòa chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống Bến Tre, do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Nghiên Cứu Tôn giáo), kết hợp với GHPGVN tỉnh Bến Tre (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam), Bến Tre, tr.271.

[9]https://cungphuot.info/gioi-thieu-chua-vien-giac-tinh-ben-tre-post5041.cp

[10] https://cungphuot.info/gioi-thieu-chua-vien-giac-tinh-ben-tre-post5041.cp

[11] Nguyễn Hữu Lộc (2017), Chùa Viên Giác ngôi cổ tự gắn với phong trào chấn hưng Phật giáo, Hội thảo khoa học Hòa Thượng Khánh Hòa chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống Bến Tre, do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Nghiên Cứu Tôn giáo), kết hợp với GHPGVN tỉnh Bến Tre (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam), Bến Tre, tr.293.

[12] Minh Châu (dịch), 2006, Pháp cú số 4, PHẨM SONG YẾU (YAMAKAVAGGA), Nxb Tôn giáo, tr.1.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường