Chùa Tuyên Linh tọa lạc bên rạch Tân Hương, thuộc ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ngôi cổ tự này được khai sơn năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức thứ 14. Chùa hiện có diện tích khoảng 9000m2, cạnh dòng sông nước hữu tình, cây xanh phủ bóng.
Tác giả: Trần Phỏng Diều Trường Cao đẳng Cần Thơ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
Lịch sử khai sơn
Tương truyền, tại khu vực chùa tọa lạc ngày nay xưa kia là vùng rừng rậm hoang vu, nhiều thú dữ, đặc biệt là cọp ở đây nhiều vô kể. Trong vùng có một cô gái tên là Sầm một hôm vào rừng kiếm củi, chẳng may bị cọp ăn thịt. Oan hồn cô đã biến thành Tinh, thường xuyên quấy nhiễu dân làng. Do thường xuyên bị quấy phá nên các kì lão trong vùng mới lập một ngôi chùa tại đây, với tên gọi Tiên linh bản tự - hàm ý gọi cô Sầm - người bị cọp vồ là Tiên, không dám gọi là Tinh, để chỉ ngôi chùa mang tên cô gái linh thiêng.
“Người đầu tiên đứng ra lập chùa là anh em ông Chánh bái Nguyễn Duy Đảnh và Nguyễn Duy Trới. Sau khi lập chùa, hai ông sang huyện Ba Tri rước nhà sư Khánh Phong (hiện không rõ tông tích) về tu ở chùa.”(1) Do đó, Hòa thượng Khánh Phong trở thành sư trụ trì đầu tiên của chùa Tuyên Linh ngày nay. Vì có công thành lập chùa nên ông Nguyễn Duy Đảnh được làm hộ tự chùa cho đến năm 1904 thì qua đời, con của ông là Nguyễn Duy Quý lên thay.
“Năm 1905, Hòa thượng Khánh Phong viên tịch, hai năm sau đó, ông Quý cùng bổn đạo quyết định tiếp tục sang huyện Ba Tri để tìm người về trụ trì chùa. Ông đến chùa Khải Tường (thị trấn Ba Tri, giáp ranh với xã Phú Lễ) tìm Hòa thượng Chơn Tánh nhờ giúp đỡ.
Trong số các môn đồ của mình, Hòa thượng Chơn Tánh chỉ chọn sư Khánh Hòa vì thấy có khả năng đảm trách. Sư Khánh Hòa về trụ trì tại chùa Tuyên Linh vào năm 1907.”(2) Nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, vốn là một vị cao tăng tinh thông Phật học. “Tại đây, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh.
Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn Nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được tín đồ, cư sĩ Phật giáo tín nhiệm. Hòa thượng là người sáng lập ra Nam Kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, đồng thời là chủ bút tạp chí Từ Bi Âm, giám đốc Phật học Tùng Thư.
Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới: Tuyên Linh.”(3)
Hòa thượng Lê Khánh Hòa viên tịch vào năm 1947 và trở thành Tổ thứ hai của chùa Tuyên Linh. Sau đó, tăng chúng trong chùa suy cử đệ tử út của ngài là Thích Thanh Nghiêm làm trụ trì.
“Năm 1964, chùa bị bom tàn phá hoàn toàn, nên chư tăng phải di tản về chùa Phước Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) do Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa làm trụ trì, cách chùa cũ khoảng 10 km. Lúc này, nơi đây vẫn còn là vùng giải phóng sau phong trào Đồng khởi nên khá an toàn. Mặt khác, trong tông môn lại tiến cử thầy Hiển Thông (thế danh Ba Xã) về chùa Tuyên Linh lập một cái cốc nhỏ để tu tập, nhằm duy trì mạng mạch cho chốn Tổ trong thời điểm chiến tranh ngày một khốc liệt ở vùng đất Bến Tre.
Những năm đầu sau 1975, chùa Tuyên Linh chỉ còn là một khu đất hoang tàn, trên nền chùa chỉ có vài am, cốc nhỏ. Năm 1983, Ni sư Diệu Ninh, vốn là đệ tử của Tổ Khánh Hòa, đứng ra vận động phật tử đóng góp tiền và giao cho ông Chơn Huệ về cất lại chùa Tuyên Linh nhưng chùa vẫn còn khá đơn sơ.”(4) Đến năm 2001, ngôi chùa được trùng tu nên mới có diện mạo khang trang như ngày nay.
Kiến trúc và bài trí
Chùa Tuyên Linh có cổng chính hướng ra con rạch Tân Hương do xưa kia đường bộ chưa phát triển, cư dân trong vùng đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Cổng chính là dạng cổng tam quan, gồm cổng giữa cao to và hai bên là hai cổng nhỏ. Cổng giữa có hai mái nóc, mái dưới to hơn mái trên.
Cả hai mái đều lợp ngói hình vảy cá. Hai cổng hai bên cũng có mái nóc, lợp ngói hình vảy cá. Sau các cổng này là con đường to, sạch sẽ dẫn vào chùa. Cách cổng chính không xa là cổng phụ. Cổng này mở sau khi đường bộ phát triển nên cổng hướng ra con đường chính đi ngang chùa. Trên cổng này có ghi dòng chữ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dưới dòng chữ này là tên chùa: CHÙA TUYÊN LINH.
Bao quanh khuôn viên chùa là tường rào được xây bằng xi măng với các màu sơn đỏ sậm, trắng, điểm xuyết ít màu hồng nhạt ở chỗ trang trí hoa văn. Trên tường rào được trang trí bằng mái ngói hình vảy cá, trông rất hài hòa, đẹp mắt, thanh tao.
Đi vào cổng này, bên tay trái có tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên bục cao, mặt hướng ra con rạch với dòng chảy êm đềm. Bên phải là tấm bảng của Ban quản lý di tích tỉnh ghi lại quá trình hình thành và phát triển của chùa. Cách tấm bảng này không xa chính là ngôi chùa, và xung quanh là vườn cây kiểng xanh tươi.
Mặt trước ngôi chùa có nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán ca ngợi phật pháp. Mái chùa lợp ngói hình vảy cá đã phủ màu rêu phong. Trên nóc mái có tượng lưỡng long tranh châu và tháp bốn tầng.
Chùa Tuyên Linh có kiến trúc và bài trí đặc trưng của những ngôi chùa ở Nam Bộ. Đó là tiền Phật hậu Tổ. Chính điện chùa được bài trí khá đơn giản nhưng lại thông thoáng và trang nghiêm. Ở hai cửa ra vào có bàn thờ của Tiêu Diện Đại Sĩ và Di Đà Hộ Pháp. Bên trái (từ trong nhìn ra) là giá treo quả Đại hồng chung và bên phải là Đại cổ chung.
Bàn thờ chính được đặt ở giữa, được xây bằng xi măng, lát gạch và chia làm ba bậc, từ thấp lên cao. Bậc trên cùng có tôn trí tượng Thích Ca, phía sau tượng là vầng hào quang tỏa sáng. Hai bậc dưới cũng tôn trí tượng Thích Ca nhưng nhỏ dần lại. Hai bên tượng Thích Ca là tượng của Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát, và tượng Thích Ca Đản sinh. Hai bên bàn thờ chính cũng có hai bàn thờ của Quan Thế Âm và Địa Tạng Vương được xây bằng xi măng, lát gạch.
Phía sau bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ, trên có ảnh của Tổ Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc. Có thêm một tấm ảnh nhỏ của Hòa thượng Thái Không, đệ tử của Tổ. Ngoài ra, khu vực này còn có tôn tượng của Tổ sư Đạt Ma, long vị của các vị trụ trì tiền nhiệm đã có công khai sơn tạo tự, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Sau nhà Tổ là nhà hậu hay còn gọi là trai đường.
Cách khu chính điện không xa là khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc. Tại đây, tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được đặt trang trọng ngay gian giữa của phòng trưng bày. Đây là bảng sao của tượng Nguyễn Sinh Sắc tại khu di tích Quốc gia Nguyễn Sinh Sắc tỉnh Đồng Tháp. Khu lưu niệm trưng bày nhiều hình ảnh và tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ.
Giá trị văn hóa - lịch sử của chùa Tuyên Linh
Dù trải qua sự bào mòn của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh nhưng hiện nay chùa Tuyên Linh vẫn còn giữ được một cái chuông cổ, cặp linh trụ bằng gỗ được tạo tác năm 1914, cham trổ hình tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bảng gỗ ghi lại lịch sử sáng lập chùa, cùng danh tính, chi tiết các vị ân nhân hiến đất xây chùa, kí trú địa hình đất được dâng cúng do Hòa thượng Khánh Hòa khắc bằng chữ Hán vào năm 1941.
Chùa Tuyên Linh cũng là nơi hội ngộ giữa Hòa Thượng Lê Khánh Hòa và cụ Phó bảng của Nguyễn Sinh Sắc: “Khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian.
[…] Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trong thời gian lưu trú tại chùa, đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc có quan hệ với Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre (1930).
Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, do tuổi già sức yếu, trên giường bệnh, ông bình tĩnh đọc lời di ngôn cho môn đồ chép lại, sắp xếp công việc đạo, căn dặn học trò thân tín, vận động tín đồ tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào chính phủ cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập.
[…] Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tuyên Linh là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương - Minh Đức, nơi có ngôi chùa Tuyên Linh, vẫn là nơi có phong trào mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng.”(5)
Hằng năm, ngoài các ngày lễ của Phật giáo, ngày 19 tháng 5 nhân dân cùng chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động nhân kỉ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chùa Tuyên Linh là điểm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, và còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Chùa Tuyên Linh đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT & DL) công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 20/7/1994.
Tác giả: Trần Phỏng Diều - Trường Cao đẳng Cần Thơ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 *** CHÚ THÍCH: (1) Hữu Nghĩa (2017), Nơi lưu dấu cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Báo Đồng Khởi, số ra ngày 17 tháng 5. (2) Hữu Nghĩa, Bđd. (3) Thạch Phương - Đoàn Tứ (Chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.1293. (4) Hữu Nghĩa, Bđd. (5) Thạch Phương - Đoàn Tứ (Chủ biên), Sđd, tr.1293-1294.
Bình luận (0)