Chùa Khai Nguyên - chốn tâm linh quý báu thời mạt pháp là nơi thờ kính Tam Bảo tôn nghiêm, nơi lưu giữ nhiều di vật cổ kính trải qua tháng năm vẫn phát huy được giá trị cốt lõi truyền thống bền vững. Nơi đây còn đem lại cho biết bao thế hệ phật tử cảm giác yên bình, thanh tịnh mỗi khi về thăm chùa bái Tổ, học tu qua những khoá tu ngắn ngày. Có lẽ giữa đời thực vội vã, bon chen này, mỗi tháng dành ra chút ít thời gian về tới nơi đây để bình ổn, lắng tâm là một liều thuốc hữu hiệu nhất của thời đại.
1. Lịch sử hình thành chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên: xưa kia có tên là ''Cổ Liêu Tự'' thường được gọi là Chùa Cheo thuộc địa danh Thôn Tây Ninh - Xã Sơn Đông - Thị Xã Sơn Tây - TP.Hà Nội, gần sát với khu di tích lịch sử Đền Măng Sơn. Ngôi Chùa có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI. Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi Chùa đã được nhân dân, phật tử trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần, hiện những di vật có niên đại lịch sử lâu nhất của chùa là hai bia đá.
Chùa Khai Nguyên và Chùa Tản Viên là 2 ngôi chùa khác nhau nhưng cùng thầy trụ trì quản lý và địa điểm của Chùa Tản Viên nằm trong quần thể vườn Quốc Gia núi Ba Vì của huyện Ba Vì. Rất mong rằng mọi người nên tìm hiểu rõ thông tin này để tránh nhầm lẫn giữa 2 ngôi chùa với nhau.
Theo lịch sử bia ký kể lại: Vào năm 1759 thừa lệnh Lý Trưởng Phùng Cương Đỉnh, nhân dân và Phật tử thập phương cho tu sửa lại chùa và đúc đại hồng chung để thờ tự. Vì được sự quan tâm của Lý trưởng họ Phùng cho nên nhân dân đã cung tiến rất nhiều tiền của và đất đai để mở rộng khuôn viên xây dựng cũng như làm quỹ hương hỏa cúng Phật (toàn bộ khu đất gò Chùa Cheo và rộc Cheo khoảng 9 - 10ha).
Vì lâu không có sư trụ trì, cho nên cảnh quan của ngôi chùa ngày một xuống cấp nặng nề, từ năm 1964 tới năm 1985 phần lớn đất chùa được Hội người cao tuổi của xã và Hợp tác xã Tây Ninh lấy để trồng cây. Năm 1981, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, các già vãi khi đó có hơn 10 cụ đã đi quyên hóa nhân dân và thập phương cho tu sửa lại phần mái cũng như sơn phết lại phần tượng của chùa.
Sau năm 1985 phần lớn đất Chùa được chia cho các hộ dân trong xã trồng hoa màu và cấy lúa, đất Chùa chỉ còn lại khoảng trên 5.000m2. Tới năm 1990 Hợp tác xã Xã Sơn Đông tiếp tục cắt đất giao cho Hội phụ nữ đấu thầu để gây quỹ, do vậy đất chùa chỉ còn lại khoảng trên 1000m2 đất nội tự, thời điểm này ngôi chùa bị xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích.
Tới năm 2003, được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, nhận lời thỉnh mời của nhân dân và tín đồ Phật tử địa phương, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây đã bổ nhiệm Đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom, trụ trì, xây dựng và phục vụ tín ngưỡng tại Chùa.
Bằng uy tín cũng như sự nhiệt tình của người con Phật, Đại Đức Thích Đạo Thịnh đã vận động các đoàn thể, và nhân dân tình nguyện hỷ cúng lại phần đất của Chùa xưa kia để lập đề án - hồ sơ - quy hoạch xin các cấp chính quyền hữu quan Thành phố Hà Nội cho mở rộng khuôn viên Chùa Khai Nguyên để tu bổ, cải tạo, đầu tư xây dựng lại cảnh quan của chùa nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni, cũng như tín đồ Phật tử thập phương.
2. Kiến trúc chùa Khai Nguyên
Sau gần hai thập kỷ, đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng chùa Khai Nguyên đã “hiện diện” với một quy mô hoành tráng cùng lối kiến trúc mang nét kim – cổ giao hòa. Đó là lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”.
Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử.
Dù trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng chùa Khai Nguyên vẫn giữ được lối kiến trúc cổ kính với nhiều chi tiết, hoa văn mang đậm dấu ấn nhà Lý. Lối kiến trúc của chùa Khai Nguyên còn mang đậm phong cách truyền thống, với không gian thờ tự trang nghiêm.
Các công trình được bố trí khéo léo, tạo nên sự hài hòa với những chi tiết kiến trúc hiện đại gồm có: Ngôi Đại Hùng Bảo Điện, Tháp Báo Ân, Nhà khách, Vãng Sinh Đường, Thư viện, Chùa Một Cột, Nhà tạo soạn, Nhà Pháp hội, Nhà tăng, Ao phóng sinh, Gác chuông, cổng Tam Quan, Đại tượng Phật A Di Đà Vì Hòa Bình Thế Giới, nhà đa năng.
3. Những báu vật vô giá tại chùa Khai Nguyên
Bức tượng phật chùa Khai Nguyên – Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á
Điểm nhấn của chùa chính là bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, cao 72m, đường kính bệ tượng lên tới 1.200m2, được khởi dựng từ năm 2015, hiện vẫn trong quá trình hoàn thiện. Bên trong pho đại tượng Phật gồm 13 tầng, trong đó 12 tầng được bố trí cho khách tham quan thờ Bồ Tát và tầng âm được xây dựng thành lục đạo luân hồi gồm nhiều cõi như a tu la, địa ngục, quỷ ngã.
Bức tượng mang trong mình kết cấu vững chắc và được tạo tác tinh xảo với hình ảnh đức Phật A Di Đà uy nghiêm trong tư thế kiết già, truyền tải vẻ từ bi và trí huệ. Trên tay trái của Ngài là một đóa sen hồng chớm nở, trong khi tay phải được đặt ở tư thế Giáo hóa thủ ấn.
Hai lòng bàn tay của đức Phật được trang trí bằng hình bánh xe Pháp luân đắp nổi, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Phần đế của bức tượng là đóa sen khổng lồ, với 3 lớp và 56 cánh hoa. Tất cả các chi tiết tạo nên bức đại tượng độc đáo, thể hiện nét đẹp đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Theo lời của trụ trì chùa Khai Nguyên Đại đức Thích Đạo Thịnh, bức tượng được xây dựng với ý nghĩa truyền tải thông điệp “Vì hòa bình thế giới”, mong muốn sự an lành và thịnh vượng cho đất nước, nhân dân và sự phát triển của Phật pháp. Dưới tầng ngầm của pho tượng là khu vực được thiết kế mô phỏng 18 tầng địa ngục, nhằm truyền tải ý nghĩa sâu sắc của khái niệm luân hồi, quy luật nhân quả trong đạo Phật.
Gần 2.000 pho tượng trong ban Tam Bảo
Bên cạnh bức đại tượng, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870).
Chuông đồng được đúc vào niên hiệu Tự Đức năm 1870, bia đá được khắc vào niên hiệu Cảnh Hưng năm 1759 và bia đá khắc vào niên hiệu Gia Long năm 1816. Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên.
4. Những hoạt động chùa Khai Nguyên
Từ khi Đại đức Thích Đạo Thịnh về trụ trì (2003) Chùa cho đến nay (2024) các tổ chức như: Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, các hộ gia đình được giao đất canh tác, trồng hoa màu, cấy lúa, trồng cỏ, nuôi cá đã tình nguyện bàn giao lại quyền sử dụng đất cho UBND Xã, và nhà Chùa để nhà chùa lập hồ sơ - quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền Thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt và cấp phép xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước.
Từ năm 2015 trở lại đây, Chùa Khai Nguyên là một điểm đến quen thuộc đối với đông đảo Phật tử thập phương, và nhân dân trong cả nước. Hàng năm, nhà chùa thường mở các khóa tu học giáo lý nhà Phật cho Tăng Ni, Phật tử ở khắp các nơi về tu học, mỗi khóa có hàng nghìn Phật tử tham gia. Đặc biệt là các khóa tu học ngắn ngày dành cho các bạn trẻ là học sinh và sinh viên, các khóa học này thường gắn liền với các chương trình thiện nguyện, nhân đạo như hiến máu, từ thiện...
Qua mỗi khóa tu có hàng nghìn bạn trẻ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, ngoan hơn, lễ phép hơn, biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương bạn bè, bỏ việc ác, làm điều thiện... đặc biệt là các bạn đã ý thức được những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc đem áp dụng vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước.
5. Một số điểm tham quan gần chùa Khai Nguyên
Hồ Đồng Mô
Hồ Đồng Mô nằm dưới chân núi Ba Vì được mệnh danh là thiên đường dành cho người yêu hoàng hôn. Điểm đến là nơi lý tưởng để bạn tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, dã ngoại, câu cá, chèo sup…
Làng cổ Đường Lâm
Ngôi làng cổ Đường Lâm yên bình sẽ mang đến cho bạn những giây phút an yên đáng nhớ với trải nghiệm đạp xe qua làng Mông Phụ, tham quan nhà cổ, đền Phùng Hưng, đền Ngô Quyền và thưởng thức những món đặc sản thơm ngon.
Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam
Cách chùa Khai Nguyên chỉ 15km, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi lý tưởng để bạn khám phá kiến trúc, nét đẹp văn hoá của các dân tộc trên khắp Việt Nam và tham gia các hoạt động lễ hội đặc sắc.
Thành cổ Sơn Tây
Trong hành trình viếng chùa Khai Nguyên Sơn Tây, bạn hãy dành thời gian tham quan ngôi thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam. Ngôi thành có kiến trúc độc đáo từ thời vua Minh Mạng với nhiều công trình ấn tượng như: cột cờ, vọng lâu, súng thần công, điện Kính Thiên và hào nước thơ mộng.
Chùa Mía
Tham quan chùa Mía, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng cổ như tượng Bà Thị Kính, Tuyết Sơn, Phật Bà Quan Âm và La Hán. Bên cạnh đó, bạn còn được ngắm nhìn cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi và tòa Bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa.
6. Kết
Chùa Khai Nguyên - chốn tâm linh quý báu thời mạt pháp là nơi thờ kính Tam Bảo tôn nghiêm, nơi lưu giữ nhiều di vật cổ kính trải qua tháng năm vẫn phát huy được giá trị cốt lõi truyền thống bền vững. Nơi đây còn đem lại cho biết bao thế hệ Phật tử cảm giác yên bình, thanh tịnh mỗi khi về thăm chùa bái Tổ, học tu qua những khoá tu ngắn ngày. Có lẽ giữa đời thực vội vã, bon chen này, mỗi tháng dành ra chút ít thời gian về tới nơi đây để bình ổn, lắng tâm là một liều thuốc hữu hiệu nhất của thời đại.
Thúy Anh tổng hợp
Bình luận (0)