1. Giới thiệu chung về chùa Keo Hành Thiện
Làng Hành Thiện là một ngôi làng thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nổi tiếng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có truyền thống học tập, khoa cử mấy trăm năm nay. Về mặt địa lý, làng nằm gần ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ có hình cá chép, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc, đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình ra biển Đông.
Xưa kia làng Hành Thiện vốn có tên gọi là Hành Cung Trang, đến năm 1823 đời vua Minh Mạng triều Nguyễn cho đổi tên thành làng Hành Thiện với ý nghĩa, nơi đây chỉ làm những điều lành, điều thiện và ban cho làng 4 chữ "Mỹ tục khả phong". Làng Hành Thiện vốn gốc ở đất Giao Thủy và có mối quan hệ đặc biệt với làng Dũng Nhuệ ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, từ xưa cho đến ngày nay người dân Hành Thiện nối tiếp nhau qua các thế hệ đã viết nên những trang lịch sử vẻ vang của làng để xứng đáng với câu ca dao "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện".
Trong số các di tích của làng, nổi tiếng nhất là hai ngôi chùa đều gọi là chùa Keo, đó là chùa Keo Ngoài (tên chữ là Đĩnh Lan tự) và chùa Keo Trong (tên chữ là Thần Quang tự). Trong hai ngôi chùa này, chùa Keo Trong nối tiếng hơn cả nên còn được gọi là chùa Keo Hành Thiện hay chùa Keo Dưới, chùa keo Hạ; tuy nhiên những tên gọi đó còn được sử dụng chung cho cả hai ngôi chùa của làng khi dùng để phân biệt với chùa Keo ở làng Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Dương Không Lộ. Về dấu ấn lịch sử, chùa được xây dựng hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay vào năm 1612, sau này được được tu bổ, sửa chữa nhiều lần. Chùa nằm ở giữa làng, trục chính gần theo hướng Bắc - Nam, phía trước chùa có hồ bán nguyệt trong xanh soi bóng tháp chuông với mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Địa thế của chùa rất đẹp, như bài minh trên bia chùa đã viết:
“Biển xanh phía Đông,
Sông Hồng quanh phía Bắc.
Phía Nam sông bao bọc,
Nước lững lờ chảy quanh.
Phía Tây núi dựng thành,
Rừng xanh xanh trùng điệp...”
Về mặt thời gian, do được khởi công xây dựng trước nên kiến trúc chùa Keo Hành Thiện Nam Định (chùa Keo Dưới) có ảnh hưởng lớn đến chùa Keo Vũ Thư Thái Bình (chùa Keo Thượng). Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị như án thư, sập thờ, tượng pháp, chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và tài liệu, sách vở chữ Hán nói về chùa, phần lớn mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII.
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện gắn liền với việc thờ phụng Thiền sư, Quốc sư thời Lý là Dương Không Lộ, người có công giúp nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, làm nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc... Hàng năm ở chùa diễn ra 2 kỳ lễ hội; lễ hội mùa Xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 2 Âm lịch và lễ hội mùa Thu trước kia được nhân tổ chức từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội mùa Thu được tổ chức trong các ngày từ 12 đến 15 tháng 9 Âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, múa sư tử... Nét đẹp ấy từ lâu đã in đậm trong trong tâm thức dân gian, người dân vẫn nhắc nhau rằng:
“Dù ai đi đâu ở đâu,
Mồng mười tháng 8 chọi trâu cũng về.
Dù ai buôn bán trăm bề,
Mười rằm tháng 9 phải về hội Ông.”
2. Tổng thể ngôi chùa
Chùa Keo thờ theo mô hình "tiền Phật - hậu Thánh", vừa thờ Phật, vừa thờ Không Lộ Thiền sư. Ngôi chùa quay hướng Tây Nam. Tổng thể ngôi chùa gồm nhiều hạng mục dàn trải theo trục Đông Bắc - Tây Nam. Mở đầu cụm kiến trúc là Tam Quan Ngoại, phía trước có xây một bể cảnh hình bán nguyệt, trong bể đắp những hòn giả sơn. Hai bên Tam Quan Ngoại là tường bao, cao khoảng 1m, ngăn chia không gian bên trong và bên ngoài khu di tích. Sau Tam Quan Ngoại là một hồ nước hình hình bầu dục; đối diện qua hồ nước là Gác chuông - Khánh, có chức năng như một Tam quan nội.
Sau Gác chuông - Khánh là khoảng sân rộng lát gạch. Tiếp đến là tòa Điện Phật có mặt bằng hình chữ Công. Sau Điện Phật cũng là một khoảng sân rộng lát gạch dẫn tới tòa Điện Thánh. Sát phía sau Điện Thánh là nhà chứa đồ, rồi đến Nhà Tổ và bếp. Về hai phía Tây Bắc và Đông Nam là hai dãy hành lang dài (mỗi dãy gồm 40 gian), chạy song song, kéo dài từ Gác chuông - Khánh tới cuối sân, đấu vuông góc với dãy Nhà Tổ và khu bếp phía sau, tạo thành bộ Vi bao lấy các hạng mục chính của Khu Di tích. Như vậy, Khu Di tích chùa Keo bao gồm rất nhiều hạng mục tạo nên một tổng thể liên hoàn, khép kín, với bố cục mặt bằng "Nội Công (kép), ngoại Quốc".
3. Kiến trúc các hạng mục còn nhiều giá trị
Tam quan ngoại
Tam quan ngoại gồm ba gian, nền được lát bằng gạch thẻ, bó vỉa gạch bát (0,3x0,3) m, gian giữa được tôn cao hơn nền sân trước và sân sau khoảng 5 đến 7cm. Bộ khung kiến trúc của Tam Quan Ngoại có kết cấu kiểu 3 hàng chân, gồm một hang Cột cái ở chính giữa và hai hàng Cột quân trước, sau. Các Cột này đều được xây gạch, trát vữa (kích thước cột cái 0,50 x 0,36m, cột quân 0,36 x 0,36m). Đứng trên đầu hai hàng Cột quân trước, sau là hai Xà lòng bằng gỗ, thiết diện vuông 0,23 x 0,23m). Vì nóc kết cấu biến thế Chồng Rường được làm trên cật Xà lòng. Kết cấu đỡ mái hiên là các bẩy. Liên kết dọc ở Tam quan, ngoài xà dọc cột Quân còn có Xà thượng và Xà hạ Cột cái. Các Xà này đều có thiết diện chữ nhật 0,22 x 0,27m.
Hai mặt trước, sau Tam quan ngoại để trống: hai bên hồi là tường gạch xây kiểu bít đốc. Mái Tam quan ngoại kiểu một tầng với hai mặt mái trước, sau, lợp ngói Di loại nhỏ. Bờ nóc xây gạch, trát vữa; hai đầu bờ nóc, có hai trụ đấu nắm cơm.
Tam quan nội – Gác chuông
Nằm phía sau Tam quan ngoại, cách một hồ nước là Tam quan nội, kiêm chức năng Gác chuông - Khánh của ngôi chùa. Đây là công trình kiến trúc còn bảo lưu được nhiều yếu tố từ thế kỷ XVII. Tam quan nội có mặt bằng hình chữ nhật, nền được làm cao hơn mặt sân sau khoảng 0,20m. Toàn bộ nền được lát gạch bát (0,20x0,20m) theo mạch thẳng, bó vỉa xung quanh là gạch bát loại 0,30х 0,30m.
Tam quan nội gồm ba gian hai chái, hai tầng. Tầng trên là nơi treo Chuông - Khánh và có cầu thang gỗ dẫn lên tầng được đặt ở bên trái. Bộ khung kết cấu được dựng trên bốn hàng Cột, với hai hàng Cột cái cách nhau 2,9m và hai hàng Cột quân, cách Cột cái liền kề 1,25m. Các Cột đều được kê trên những Chân tảng đá vôi màu xanh hoặc trắng. Tuy nhiên, hiện một số chân tảng đã mất hoặc bị chìm xuống nền. Có hai loại chân tảng khác nhau là chân tảng trơn và chân tảng hoa sen.
Các chân tảng trơn có kiếu dáng giống nhau, gồm hai phần: phần bệ hình vuông, chia làm hai cấp. Cấp dưới có kích thước mỗi chiều từ 0,38 đến 0,42m; cấp trên được làm giật cấp từ 3 đến 5cm so với cấp dưới, tạo thành hình tròn (đường kính từ 0,28 đến 0,32m) để đỡ cột. Các chân tảng hoa sen chỉ có một cấp để hình vuông, kích thước (0,50 x 0,50m), hoặc (0,55 x 0,55m). Trên mặt chạm một bông sen 16 cánh theo lối nhìn chính diện, tỏa đều ra xung quanh, ôm lấy gương sen, để đỡ Cột.
Ở Tam quan nội, hiện đường kính các Cột đều nhỏ hơn đường kính bề mặt đỡ Cột của chân tảng cho thấy sự không đồng bộ. Có thể các Cột mới, thiết diện nhỏ hơn đã được thay thể trong quá trình tu bổ, hoặc những chân tảng này được tận dụng lại từ một công trình khác. Vì nóc Tam Quan Nội có kết cầu kiểu Chồng Rường: các Vì nách chính và Vì nách hồi cũng được làm kiểu cốn Chồng Rường. Đỡ cốn là Xà nách (hoặc Xà đùi nếu ở vị trí trái hồi) với một đầu ăn mộng vào thân Cột cái, đầu kia ăn mộng vào đầu Cột quân. Liên kết đỡ hiên là kiểu Bẩy. Đỡ góc mái tầng trên là một chiếc Kẻ góc.
Nếu liên kết ngang ở công trình này là các bộ Vì thì liên kết dọc lại là các loại Xà thượng Cột cái 0,33 x 0,26m và Xà Cột quân 0,15 x 0,18m. Hệ thống Xà dọc và Xà lòng đỡ sàn tầng hai được tạo ăn mộng vào thân Cột cái. Một hệ thông Cột trốn được tạo đứng trên đuôi Xà lòng (chiếc Xà này đỡ sàn) làm Cột quân tầng hai. Mái Tam quan nội kết cấu kiểu chồng diêm, hai tầng mái, tám mái. Bờ nóc mái được xây gạch trát vữa. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm dạng mây cuộn đắp vữa. Ngói lợp gồm hai loại: ngói lợp và ngói lót. Hệ thống rui, mè với độ dày khoảng 2cm đỡ ngói lợp. Tầng dưới Gác Chuông - Khánh, thành phần bao che chủ yếu là ở hai hồi kiểu vách đố lụa, hệ thống cửa ván ghép được làm trên thân Cột cái sau (kiểu cửa đóng Cột cái), chạy suốt chiều dọc ba gian nhà. Bao che ở tầng trên chỉ có hàng lan can chắn song vuông, cao khoảng 0,6m, riêng trụ lan can cao 0,75m, đầu trụ chặt gờ chỉ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, cho thấy niên đại khá sớm của những lan can này.
Điện Phật
Điện Phật có mặt bằng chữ công, bao gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, và Thượng Điện, tổng diện tích khoảng 17,5 x 13m. Nền Điện Phật được tôn cao hơn mặt sân phía trước 0,25m, lát bằng gạch lá nem 0,10 x 0,15m theo mạch chữ công; xung quanh được bó vỉa bằng gạch bát 0,3 x 0,3m.
Tiền Đường có mặt bằng hình chữ nhật, ba gian hai chái lớn, một tầng bốn mái. Gian giữa hẹp nhất, chỉ có 1,85m, mỗi gian bên rộng 2,55m còn mỗi chái rộng 2,45m. Bộ khung được dựng trên bốn hàng chân Cột: Hai hàng Cột cái cách nhau 2,35m và hai hàng Cột quân cách Cột cái liền kề 1,65m. Thiêu Hương gồm ba gian (mỗi gian rộng 1,65m), được dựng vuông góc với Tiền Đường. Bộ khung cũng được dựng trên bốn hàng chân Cột, khoảng cách giữa hai Cột cái là 1,85m, giữa Cột cái với Cột quân liền kề 1,78m. Thượng Điện được dựng vuông góc với Thiêu Hương và là cái gạch ngang cuối cùng tạo nên mặt bằng chữ công.
Thượng Điện gồm một gian hai chái, gian giữa rộng 1,85 m, mỗi chái rộng 2,6 m. Bộ khung gỗ Điện Phật được dựng trên bốn hang Cột; các Cột có đường kính từ 0,26m đến 0,3m; khoảng cách giữa hai Cột cái là 1,9m, giữa Cột cái với Cột quân liền kể là 1,85m. Các Vì nóc của Điện Phật đều được kết cấu "Vì Kèo - Cọc Báng - Tay đòn ngang". Các Vì lửng ở chái lại được làm theo kiểu Chồng Rường và do ở vị trí khuất nên cấu kiện chỉ được gia công sơ sài. Có hai kiểu kết cầu Vì nách ở Điện Phật: kiểu Kẻ tại ba gian Tiền Đường, gian giữa Thiêu Hương và sau gian giữa Thượng Điện; kiểu thứ hai là cốn Chồng Rường ở hai gian trước, sau Thiêu Hương, các chái hồi Tiền Đường và Thượng Điện. Nối các bộ Vì là hệ thống Xà dọc. Các Xà dọc Cột cái có thiết diện 0,15 x 0,15m. Xà dọc Cột quân, nhỏ hơn 0,12 x 0,12m. Tại Điện Phật chỉ có tòa Thiêu Hương được thiết trần bằng các tấm gỗ ghép kín, che mất các cầu kiện của Vì mái.
Cửa ra vào Điện Phật được đóng trên hàng Cột cái trước Tiền Đường với những bộ cửa kiểu bức bàn. Bao che ba mặt còn lại là hệ thống vách gỗ, kiểu đố lụa, được đóng trên hàng Cột quân. Ngăn chia nội thất được làm giữa tòa Thiêu Hương và Thượng Điện, với hai bộ cứa bức bàn, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, phù hợp với những ngôi chùa cổ có mái thấp.
Điện Phật cũng có mặt bằng mái chữ công như mặt bằng nền, được lợp bằng hai loại ngói: ngói lợp và ngói lót. Trừ tòà Thiêu Hương có chỉ hai mái, còn Tiền Đường và Thượng Điện đều có bốn mái với các góc đao cong. Trên bờ mái, các đầu đao đều là những sản phẩm đắp vữa có niên đại khá muộn. Đáng chú ý hơn cả là tại vị trí hai đầu kìm mái Thượng Điện được đặt một đôi Lân bằng đất nung màu xám đen, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII.
Điện Thánh
Điện Thánh nằm phía sau Điện Phật, cách một khoảng sân rộng 15m. Về mô hình mặt bằng, Điện Thánh dường như là bản sao của Điện Phật, với mặt bằng chữ công: Đại Bái ba gian hai chái lớn - Ông Muống ba gian và Hậu Cung một gian hai chái lớn. Nếu ở Điện Phật, gian giữa Tiền Đường có kích thước nhỏ hơn các gian, chái bên thì ở Điện Thánh gian giữa Đại Bải lại có kích thước lớn nhất (rộng 2,7m), còn mỗi gian bên rộng 2m, mỗi chái rộng 2,25m. Nền Điện Thánh được lát gạch bát 0,2 x 0,2m theo mạch chữ công và tôn cao hơn mặt sân phía trước 0,3m.
Bộ khung kết cấu Đại Bái theo kiểu bốn hàng Cột. Khoảng cách giữa hai Cột cái là 2,37m, giữa Cột cái với Cột quân liền kề là 1,6m. Các Cột được kê trên chân tảng. Đáng chú ý tại tòa Đại Bái hiện còn 03 chân tảng đá hoa sen mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Vì nóc Đại Bái có kết cấu kiểu Chồng Rường; các con Rường được kê lên những trụ Đấu hình bát giác, với những đường viền trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Các Vì lửng ở hai chái được đỡ bởi hai trụ trốn kê trên Xà đùi. Đỡ góc mái là Kẻ góc có một đầu ăn mộng vào Trụ trốn, đầu kia kê trên đầu Cột hiên góc, vươn ra đỡ góc Tàu đao mái.
Kết cấu Vì nách các gian ở Đại Bái là kiểu Kẻ, cật Kẻ kê Ván dong đỡ Hoành mái. Các Hoành mái ở Đại Bái đều có thiết diện tròn, đường kính khá lớn (0,18m). Vì nách hồi làm theo kiểu Chồng Rường. Bộ khung Ống Muống được dựng trên bốn hàng Cột (khoảng cách giữa hai Cột cái là 2,7m; giữa Cột cái với Cột quân liền kề là 1,5m). Ống Muống có bốn bộ Vì. Bộ Vì thứ nhất (tính từ ngoài vào) được làm trên hàng Cột quân sau Tiền tế; Vì thứ tư được làm trên hàng Cột quân trước Hậu cung. Hai bộ Vì thứ nhất và thứ tư là kiểu Chồng Rường; hai Vì nóc gian giữa kết cấu kiểu "Vì Kèo-Cột chống-Tay đòn ngang"; Vì nách kết cấu kiểu kẻ. Ông Muống ở Điện Thánh cũng được thiết trần bằng ván gỗ ghép như ở tòa Thiêu Hương.
Hậu Cung có mặt bằng gần vuông, gồm một gian hai chái. Gian giữa rộng 2,7m, mỗi chái rộng 2,75m. Bộ khung gỗ được dựng trên bốn hàng chân Cột, khoảng cách giữa 2 Cột cái là 2,7m; giữa Cột cái với Cột quân liền kề là 2m. Hai Vì nóc chính của Hậu Cung kết cấu kiểu "Vì Kèo - Cột chống - Tay đòn ngang", kết cấu Vì nách ở vị trí này cũng là kiểu Kẻ. Các Vì lửng và Vì nách hồi đều kết cấu kiểu Chồng Rường. Về cơ bản, mái Điện Thánh cũng tương tự như mái Điện Phật. Tuy nhiên, Điện Thánh mới được tu bổ gần đây nên bờ nóc xây gạch đặc, trát vữa.
Các đầu Kìm, con Xô trên mái cũng đều đắp mới bằng vữa. Bao che quanh Điện Thánh được bưng vách gỗ kiểu ván đố lụa tương tự Điện Phật. Cửa ra vào đóng ở hàng Cột quân với mỗi bộ cửa gồm ba cánh kiểu thượng song hạ bản. Phía trước hai chái bên mở cửa sổ chắn song vuông. Vách bên trái Ông Muống, sát với vách sau Tiền Tế còn có một cửa ngách nhỏ 1,4 x 0,6m dẫn ra sân sau. Bộ cửa này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Ngăn chia nội thất ở Điện Thánh được làm giữa các nếp nhà bởi một hệ thống cửa gỗ. Bộ cửa giữa gồm sáu cánh, các cửa bên chỉ có hai cánh. Trên thân các cánh cửa này được chạm các hình rồng, đao mác, lá hoa... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
4. Bài trí và mỹ thuật tượng trong điện Phật
Bài trí tượng nói chung trong Điện Phật chùa keo Hành Thiện cơ bản tuân thủ theo truyền thống.
Ở chính giữa là ban Tam Bảo, bộ tượng La Hán, Tứ Đại Thiên Vương và Thập Điện đặt sát vách ở 2 bên chùa, Tiền Đường đặt tượng Hộ Pháp, ban Đức Ông và ban Thánh Tăng. Tượng trên ban Tam Bảo đa số là tượng nhỏ (ở Nam Định hay có dạng kích cỡ như thế này). Ở đây xuất hiện 2 tượng Ngọc Hoàng, tượng ở trên đặt cùng bộ với Quán Âm nhiều tay và Quán Âm Tọa Sơn, tượng ở dưới đặt cùng bộ với Nam Tào, Bắc Đẩu và 2 Thị nữ. Trên ban Tam Bảo còn thấy kết hợp cả Thổ Địa và Giám Trai. Hệ thống tượng nói chung ở đây có phong cách mỹ thuật khá muộn, đa số là cuối thời Nguyễn và nhiều tượng được làm mới. Tạo hình tượng nói chung không có nhiều ấn tượng.
Có thể nói giá trị của chùa Keo Hành Thiện nằm ở Quy mô, kiến trúc chùa, chạm khắc trang trí chứ không phải là hệ thống tượng pháp. Chùa Keo Hành Thiện được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ—TTg ngày 22/12/2016.
Trích sách: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt (trang 287-309)
NXB Thông tin và Truyền thông - 2022
Bình luận (0)