Trang chủ Chuyên đề Chùa Hang đất Cảng cái nôi đầu tiên khi đạo Phật vào Việt Nam?

Chùa Hang đất Cảng cái nôi đầu tiên khi đạo Phật vào Việt Nam?

Chùa Hang có tên chữ là Cốc Tự, là một ngôi chùa cổ đã có từ lâu đời, theo tài liệu ghi chép được, chùa Hang có từ trước Công nguyên và nơi đây đã lưu giữ nét tâm linh độc đáo của thành phố Cảng, nhưng đồng thời đây cũng chính là một trong những cái nôi đầu tiên mà đạo Phật du nhập vào nước ta.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Hang có tên chữ là Cốc Tự, là một ngôi chùa cổ đã có từ lâu đời, theo tài liệu ghi chép được, chùa Hang có từ trước Công nguyên và nơi đây đã lưu giữ nét tâm linh độc đáo của thành phố Cảng, nhưng đồng thời đây cũng chính là một trong những cái nôi đầu tiên mà đạo Phật du nhập vào nước ta.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ
Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Thông qua việc gợi lại hành trình Phật giáo xứ Đông, bài viết muốn nhấn mạnh những ảnh hưởng của Phật giáo tới di tích Hải Phòng nói chung và chùa Hang nói riêng, những dấu ấn đậm nét còn lưu giữ ở Chùa Hang này không chỉ là tư liệu “đứng im” mà ngược lại nó còn là những “minh chứng sống động” cho việc lan toả Phật giáo thời kỳ đó mạnh mẽ đến thế nào, đồng thời qua đó cũng nêu bật những ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hoá của người dân Hải Phòng nói riêng và toàn thể người dân xứ Đông nói chung.

Từ khoá: Phật giáo xứ Đông; chùa Hang, Phật giáo, ảnh hưởng

Abstracts: By recalling the Buddhist journey of the East, the article wants to emphasize the influence of Buddhism on Hai Phong relics in general and Hang Pagoda in particular, the bold imprints still preserved in Hang Pagoda. This is not only a “static” document, but on the contrary, it is also a “living proof” of how strongly Buddhism spread during that period, and at the same time also highlights the influence of Buddhism. Educating the cultural life of Hai Phong people in particular and all Eastern people in general.

Keywords: Eastern Buddhism; Hang pagoda, Buddhism, influence

ĐẶT VẤN ĐỀ.

Như một dòng chảy liên tục trong dòng chảy lớn của lịch sử dân tộc, kể từ khi được các tăng sĩ Ấn Độ du nhập vào đất Việt từ thời Hùng Vương, Phật giáo đã hội nhập vào dòng sinh mệnh của đất nước và đóng góp những nỗ lực làm thăng hoa nếp sống chung của dân tộc. Trên đất nước lớn lên từ huyền thoại Tiên Rồng, Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của nó đã trở thành một lối sống gắn liền với dòng sống của dân tộc.[1] Nó không nổi trôi một cách thụ động theo sự thăng trầm của mệnh nước, mà luôn luôn tích cực góp phần vào những nỗ lực chung nhằm chận đứng sự bập bềnh này, tạo ổn định và an lạc cho đất nước. Tinh thần Bồ tát nêu trong Lục Độ Tập Kinh “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi hà khắc cứu dân khỏi lầm than” (a) đã được giới xuất gia của dân Việt thực hành ngay từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị hà khắc của Thái thú Tô Định (năm 39). Kể từ đó, xuyên suốt trong mọi thời nhân dân lầm than vì các chế độ cai trị hà khắc như thời nhà Hán, nhà Đông Ngô, nhà Đường, nhà Minh, thời Pháp đô hộ … luôn luôn có sự tham dự dưới nhiều hình thức sinh động khác nhau của giới tăng sĩ hoà duyên cùng Phật tử và đồng bào các giới dấn mình vào công cuộc vận động dành độc lập tự chủ và dân chủ tự do cho dân tộc.

Xứ Đông là tên thường gọi của tỉnh Hải Dương xưa (bao gồm cả Hải Phòng và một phần tỉnh Quảng Ninh ngày nay), do vị trí ở phía đông kinh đô Thăng Long, một trong bốn trấn chính Đông, Đoài, Nam, Bắc, cũng là tên gọi thường để chỉ bốn trấn Kinh Bắc, Sơn Nam (Thượng, Hạ) và Hải Dương bao quanh bảo vệ trực tiếp kinh thành. Xứ Đồng thời Hùng Vương dựng nước là bộ Dương Tuyền, đời thuộc nhà Hán là quận Giao Chỉ và Giao Châu. Sau khi nước nhà giành lại quyền tự chủ, gọi là Sách Giang hay Nam Sách Giang. Đời Trần đổi là Hồng Lộ. Thời thuộc Minh thuộc các phủ Lạng Giang, Tân An. Đời Hậu Lê gọi là Đông Đạo, rồi Nam Sách Thượng và Nam Sách Hạ. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông sửa gọi là Hải Dương thừa tuyên, cũng gọi là xứ hay đạo Hải Dương. Thời Mạc thuộc Dương Kinh, thời Nguyễn lúc đầu là trấn, sau gọi là tỉnh. Địa bàn tỉnh Hải Dương hay Xứ Đông gồm địa bàn tỉnh Hải Dương cùng địa bàn thành phố Hải Phòng ngày nay (trừ huyện Cát Hải, huyện Bạch Long Vĩ) và huyện Đông Triều nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.[2] Thời thuộc Pháp thuộc tỉnh Hải Dương, tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng. Xứ Đông phía Tây giáp Hà Nội, phía Nam giáp Thái Bình, xưa thuộc về xứ Sơn Nam, phía Bắc giáp xứ Kinh Bắc, phía Đông giáp biển. Xứ Đông có địa hình phong phú đa dạng, đủ cả đồng bằng, núi non, hải đảo, phong cảnh kì thú, có đường giao thông thuỷ bộ, nhất là đường thuỷ thuận tiện với nhiều vùng trong nước và nước ngoài. Các nhà nghiên cứu xưa và nay vẫn thường coi Xứ Đông là một vùng văn hiến của quốc gia Đại Việt.

Chùa Hang (Cốc tự) thuộc làng Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).[3] Nguồn gốc hình thành nên ngôi cổ tự độc đáo, linh thiêng này gắn liền với những truyền ngôn phảng phất chất huyền thoại mà người dân xứ Vạn Sơn bao đời nay vẫn hằng tự hào và cung kính lưu giữ. Chuyện rằng: Có một nhà sư nước Thiên Trúc (Ấn Độ) thường được gọi là “Sư Bần” đi thuyền theo đường biển đến cập bến Vạn Sơn để truyền đạo và tu hành tại đây từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Ngài đã chọn một hang núi đẹp có giếng nước trong mát dưới chân đỉnh Mẫu Sơn ngay giáp bờ biển để dựng lên ngôi cổ tự làm nơi thuyết pháp, sau ngài thi tịch tại chùa. Địa danh chùa Hang hay Cốc tự xuất hiện từ đó. Sau này, theo khẳng định của một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo, chùa Hang Vạn Sơn – Ngôi cổ tự độc đáo đứng ở vị trí “trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong” chính là điểm đầu tiên Phật giáo theo đường biển du nhập vào nước ta. Để rồi từ đây, đạo Phật truyền lên vùng Luy Lâu của xứ Kinh Bắc (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) và tiếp tục lan tỏa đến các miền quê trong nước Đại Việt. Khẳng định của các nhà nghiên cứu trên đây có nhiều điểm trùng hợp với những truyền ngôn mà người dân Vạn Sơn đã bao đời tự hào truyền tụng. Chùa Hang có tên chữ là Cốc Tự, là một ngôi chùa cổ đã có từ lâu đời, theo tài liệu ghi chép được, chùa Hang có từ trước Công nguyên và nơi đây đã lưu giữ nét tâm linh độc đáo của thành phố Cảng, nhưng đồng thời đây cũng chính là một trong những cái nôi đầu tiên mà đạo Phật du nhập vào nước ta.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Hang Hai Phong 8888

1. Tên gọi, lịch sử di tích liên quan đến địa phương

Chùa có tên chữ là Cốc tự, trước thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Như tên thường gọi của chùa, các bậc tiền nhân đã lấy một hang đá trên núi Vạn Tác (bản đồ quân sự ngay nay gọi là đồi 186m) để lập chỗ tu hành. Chùa Hang là ngôi chùa thiên tạo độc đáo của Đồ Sơn, gần khu I trông ra biển và con đường bộ chạy ngang qua mặt chính ngôi chùa hiện nay. Theo truyền ngôn, chùa Cốc Tự có từ trước công nguyên. Một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa này. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Nê Lê, nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta chính là ở khu vực Đồ Sơn. Người dân Đồ Sơn vẫn truyền tụng: Sư Bần còn dựng chùa Bần trên núi Mẫu Sơn, sau đó Người viên tịch tại chùa Hang.

Trong nhiều năm trở lại đây, việc xem xét nghiên cứu về sự du nhập của Phật giáo vào nước ta đã bắt đầu có lời giải hợp lý hơn: trước đây, các học giả nổi tiếng như Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh…đều cho rằng: “Đạo Phật từ Trung Quốc truyền đến nước ta cuối thời Đông Hán. Cụ Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục…đạo Phật thịnh hành ở Ấn Độ và truyền bá sang Tầu, sang ta. Khi những đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật phát đạt ở bên Tầu, cho nên người mình cũng theo về đạo ấy”. Nhìn chung, nhiều quan điểm của các bậc lão làng đều đánh giá về con đường truyền bá đạo Phật vào nước ta, như cụ Đào Duy Anh cho rằng: Phái Tiểu Thừa do phương Nam (Nam tông) mà truyền sang Xiêm La, Cao Man tuy giữ theo chính truyền của Thích Ca, nhưng vì câu nệ quá thành ra hẹp hòi, cằn cỗi tán đi. Phái Đại Thừa thì do phương Bắc (Bắc tông) truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản. Trải qua nhiều lần biến cải mà nghiễm nhiên thành một tôn giáo mới gọi là giáo A Di Đà. Có học giả dựa vào tài liệu Trung Hoa nói rằng ở Giao Châu tại thành NeLe có bảo tháp của vua ASOKA và học giả đó xác định thành NeLe mà sử liệu Trung Hoa nói tới đó là Đồ Sơn hiện nay.[4]

Nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương Ngô Đăng Lợi căn cứ vào di tích chùa Hang (Cốc tự) và chùa trên đỉnh núi Mẫu Sơn ở Đồ Sơn, cùng truyền ngôn của các cố lão ở đây kể về vị sư người Thiên Trúc, dân gọi là sư Bản đã dựng nên chùa trên núi Mẫu Sơn, sau viên tịch ở chùa Hang – cùng di tích liên quan đã góp phần khẳng định: Xứ Đông (là tên thường gọi của tỉnh Hải Dương xưa) với Phật tích Nê Lê: Đồ Sơn là nơi đầu tiên của nước ta tiếp thu Phật giáo. Từ NeLe truyền lên Luy Lâu, từ Luy Lâu truyền sang Lạc Dương và Bành Thành Trung Quốc.

Chùa Hang nằm dưới chân núi Tiên Sơn, được dựng trên một vị thế vững chãi, tuyệt đẹp, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển cả mênh mông. Như tên gọi của ngôi chùa, Chùa Hang là một chùa được bao bọc bởi đá núi với chiều cao 3,5m, rộng 7m được chia làm 2 bậc thềm. Bậc thềm ngoài rộng 23m2, bậc thềm trong cao hơn tầm 0,5m. Về tổng quan, ngôi chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào trong núi đá với độ dài khoảng 25m. Càng vào sâu Chùa Hang càng thấp và hẹp với độ cao trong cùng khoảng 1,2m và rộng khoảng 1,3m. Ngôi Chùa có vị thế tuyệt đẹp đã gây không ít “tò mò” cho nhiều du khách đến chiêm bái Phật [5]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Hang Hai Phong 8888 2

2. Nhân vật lịch sử liên quan đến Di tích

Ngoài những quan điểm của các học giả nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài đánh giá về những bước du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, xung quanh ngôi chùa Hang thì dân làng (vốn là gốc làng chài – vạn chài) kể lại: thuở xưa vào cuối đời Hùng Vương, ở đây có một vị sư tên Bần, người Ấn Độ lập bàn thờ Phật và tu ở trong chùa Hang – núi Đồ Sơn, cuối đời, nhà sư cũng viên tịch tại chính hang núi này. Về cây gậy pháp đức Phật Quang ban cho Đồng Tử, ngoài việc cứu sống Tin thế những người đã chết dịch ở Đa Hoà, Chử Xá còn thấy ở thần tích miếu Thị Đa, ở làng Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Theo thần tích, Khi bà Đa người làng này, có người con duy nhất ra bờ sông bị chết đuối, bà kêu khóc thảm thiết, vừa lúc đó có một thầy chùa đi qua, đã dùng cây gậy thần cứu sống con bà Đa. Nhà sư sau khi được xin tên để được thờ sống đã dặn: cứ gọi ta là Đông Yên. Về sau, dân làng tìm về Đông Yên mới rõ, người đó là Chử Đồng Tử. Tại miếu thờ thờ thần Đông Yên ở làng Cốc Liễn hiện nay còn lưu giữ 20 đạo sắc phong từ đời Lê Vĩnh Tộ Thần Tông 1628 đến trước đời Khải Định 1916-1925. Từ thần tích miếu Thị Đa làng Cốc Liễn đến thần tích quận Đồ Sơn có tên cũ là Nêlê, có dấu tích Phật giáo đầu tiên của nước ta, gồm cả dấu tích phi vật thể và dấu tích vật thể.[6]

3. Khảo tả Di tích

Đúng như tên gọi của chùa: nghi lễ nơi thờ tự được bày đặt trong lòng hang đá ven sườn núi cao 35m, rộng 7m, được chia làm hai bậc thềm trong – ngoài. Bậc thềm phía ngoài diện tích gần 23m, bậc thềm trong cao hơn khoảng 0,5m, lòng hang có hình thang xuyên sau thẳng vào trong núi, có độ dài 25m, phía sâu trong lòng hang chỉ cao 1,2m, rộng 1,3m. Chùa có bàn thờ đá thờ tượng A Di Đà, bát hương đá xưa, nay vẫn còn. Nếu tính mốc thời gian vào ngày 25/3/1990 là ngày dân khôi phục dân từng bước hoạt động của ngôi chùa đã một thời gian bị lãng quên nay đã được biết đến, đây là chùa thiên tạo có từ rất sớm của Đồ Sơn. Cảnh chùa còn giữ được nhiều nét sơ khai nguyên thuỷ như cách bài trí thờ tự: tượng nhất pho, bầu đá, bát hương đá như để thích ứng với điều kiện khí hậu ẩm của vùng biển như Đồ Sơn đồng thời với sự truyền bá Phật Giáo vào vùng đất này. Ngoài di vật tượng Phật bằng đá, ở chùa Hang còn tồn tại một giếng nước cổ – tương truyền nhà sư từ Ấn Độ Phật Quang đã dùng nước ngọt từ giếng này. Đây chính là dấu tích còn lại của ngôi chùa cách thời đại ngày nay hơn 20 thể kỷ.[7]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Hang Hai Phong 8888 3

4. Công trình di tích có liên quan

Bên cạnh ngôi cổ tự nằm sâu trong hang núi 25m, được phép của chính quyền cơ sở, nhân dân địa phương và thành hội Phật giáo Hải Phòng đã kiến thiết nhà thờ tổ, nhà mẫu tại khu đất vốn là trường bắn của công an, góp phần tạo ra một quần thể sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Công trình nhà Tổ, nhà Mẫu kết cấu bằng vật liệu gỗ, gốm cổ truyền, bố cục mặt bằng kiểu chữ nhất, mặt chính quay hướng Đông, dựa vào sườn đồi phía Tây Bắc, nên có độ cao trên 3m so với nền đường giao thông. Đây là một công trình kiến trúc phục dựng theo nghệ thuật trang trí thời Nguyễn cuối thế kỷ XX; có 3 gian, 4 hàng cột, được gia công khá công phu tỉ mỉ. Từng chi tiết trên cấu kiện gỗ, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng như thường thấy trong nhiều công trình văn hoá thờ cúng khác. Tại nội thất của công trình nhà Tổ có các ban thờ, khám tượng, các nhân vật lịch sử đã từng được nhắc đến do có cả thời gian gắn bó với mảnh đất Đồ Sơn trong quá khứ và lịch sử hình thành vùng đất này như: – Sư Bần, sư Phạm Ngọc lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống đô hộ nhà Minh – Ban thờ, tượng Chử Đồng Tử – Ban thờ đức Trần Triều, Tam toà thánh mẫu

5. Những di vật có liên quan đến Di tích

Pho tượng sư tổ (tên Bần) bằng đá xanh, cao 0,59cm toạ thiền trên đài sen, tóc quăn thành từng búi, tai dài; tượng trong thế khoanh chân kiết tường, lộ bàn chân phải 2. Bát hương đá: tạo hình thành thế chân vạc đặt trước bàn thờ sư tổ 3. Chiếc giếng nước cổ: ở sâu trong lòng chùa Hang, tương truyền nhà sư Bản người Ấn Độ đã dùng nước ở giếng này Liên quan đến lịch sử di tích chùa Hang, Đồ Sơn còn có tập thơ chữ Hán, đã được dịch ra chữ quốc ngữ của tác giả người Đồ Sơn Hoàng Xuân Hoàn cần được sưu tầm và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, để giúp cho mọi người hiểu rõ giá trị thực tiễn của di tích nơi đây[8].

Giá trị lịch sử văn hoá của Di tích Chùa Hang được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá ở Hải Phòng và toàn quốc quan tâm nhiều do bản thân di tích hàm chứa nhiều vấn đề cơ bản của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay; trong việc ứng dụng các giá trị văn hoá Phật giáo với sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay. Chùa Hang Đồ Sơn, miếu Thị Đa ở làng Cốc Liễn là những di tích quan trọng chứng minh cho quá trình khởi đầu du nhập vào nước ta của đạo Phật bằng đường biển – khoảng cuối thời đại các vua Hùng dựng nước, Phật giáo đã du nhập vào đất Việt và có lẽ, nơi tập kết đầu tiên là di tích chùa Hang (Cốc tự) và ngôi chùa trên đỉnh Mẫu Sơn ở Đồ Sơn. Chùa được xây dựng với ba tầng với ba chức năng khác nhau. Khuôn viên của ngôi chùa tràn ngập cây xanh, cũng chính bởi vậy mà du khách khi đi dạo tại chùa Hang Đồ Sơn sẽ cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Hơn nữa, cảnh quan bên ngoài ngôi chùa có nhiều pho tượng Phật, tượng Quan âm bồ tát, các không gian mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt, các góc check in chụp hình độc đáo mới lạ. Hàng năm, ngôi chùa thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Chùa Hang được đặt trong lòng hang đá bên sườn núi cao 35m, rộng 7m và được chia thành hai bậc thềm trong – ngoài. Về tổng quan, chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào trong núi với độ dài khoảng 25m. Càng vào sâu, chùa Hang càng thấp và hẹp với độ cao trong cùng khoảng 1,2 và rộng 1,3m. Chùa có vị thế lưng ẩn sâu trong núi vững chãi và mặt hướng ra biển cả mênh mông. Nhìn từ xa, chùa, tháp, nhà thờ tổ,…hợp lại thành một tổng thể vô cùng độc đáo về dáng vóc, đa dạng về hình khối. Mặc dù trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng kiến trúc về chùa Hang – Đồ Sơn, “Tiền Phật, hậu Thần” về cơ bản không thay đổi.

Qua nhiều lần cải tạo và trùng tu do xuống cấp, hiện nay chùa Hang mới ở Đồ Sơn đã được chuyển sang địa điểm khác cách đó khoảng 100m. Gồm 3 tầng đồ sộ, trong đó, tầng 1 dành cho các công việc việc bếp núc, tầng thứ 2 là tòa Tam Bảo để thờ Phật Thích Ca, địa tạng vương Bồ Tát, thánh Anna và Thánh Ông, tầng thứ 3 nằm ở trên cùng là Tây Phương điện thờ Phật A Di Đà. Ngôi chùa này gây ấn tượng sâu sắc, bởi cảnh sắc non nước yên bình, thu hút các chú chim bồ câu đến đậu. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hình ảnh tượng Phật bà Quan Âm từ bi đứng nghiêm trên đá núi như đang gửi một lời chào thân thiện đến với du khách du lịch Hải Phòng. Ngoài ra, ngay bên phải bức tượng của Bồ Tát có đặt một tòa tháp thiêng 7 tầng. Để tượng trưng cho 7 vị sư tổ, đã tu thành chính quả tại chùa Hang Đồ Sơn. Cùng vô vàn các pho tượng La Hán được làm bằng đá với nhiều tư thế và biểu cảm sắc thái khác nhau, hay tứ linh Long – Ly – Quy – Phụng được đặt rải rác ẩn hiện trên các vách núi đá, càng tôn lên vẻ uy nghiêm của ngôi chùa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Hang Hai Phong 8888 4

Lễ hội Chùa Hang được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 1 – 6 tết Âm lịch, gồm 02 phần: Lễ và hội với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc, đời sống yên lành, hạnh phúc. Phần lễ gồm: dâng hương lễ Phật trong chùa và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của quận. Phần hội thu hút đông đảo người tham gia với các trò chơi dân gian quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc như: bắt vịt, chọi gà, kéo co…Trong dịp này, du khách, phật tử từ khắp mọi miền Tổ quốc ghé thăm rất đông, để chiêm ngưỡng ngôi chùa cùng thắp hương tỏ lòng thành kính cầu cho gia đình được bình an, hạnh phúc. Vẻ đẹp độc đáo của Chùa Hang đã đi vào trong thơ ca như: “Chùa Hang, động Phật, hang dơi/ Bốn phương tám hướng chẳng nơi nào bằng”. Hay trong ca dao cổ có ghi: “Chùa Hang cảnh phật nhiệm màu/ Ấy là bụt mọc hay bầu tiên xây”. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, chùa Hang cơ bản vẫn giữ nguyên được nét độc đáo của nhiên mang lại, cùng với hang sâu thâm trầm trong lòng núi nhưng vẫn có sự lan tỏa ấm cúng trong lòng du khách thập phương mỗi khi có dịp về với vùng biển Đồ Sơn sóng vỗ quanh năm. Song hành cùng với những “truyền ngôn” phảng phất màu huyền thoại, điểm độc đáo, thú vị của Chùa Hang bao đời nay đã tạo nên sự hấp dẫn “khó cưỡng” với số đông du khách chính ở chỗ giữa khung cảnh sôi động, nhộn nhịp của một địa phương du lịch ồn ào bỗng bất ngờ được gặp một nét riêng biệt, “một chốn Động Phật – Cảnh tiên” mang nét huyền bí linh thiêng đạm nét thanh bình, yên ả, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên sơn hải rất khoáng đạt và hữu tình… Về với chùa Hang, du khách như được về với nguồn gốc Phật giáo linh thiêng, về với nguồn cội tuyệt diệu của đạo Phật xưa…

Hơn lúc nào hết trong mấy chục năm lại đây người Phật tử Việt Nam  rất chăm lo đến việc thực hiện các nghi lễ của đạo mình. Họ hay lên chùa trong các ngày sóc, cọng, họ trân trọng thành kính trong khi thi hành lễ, họ siêng năng trong việc thiền định, giữ giới, làm việc thiện. Việc ăn chay hàng tháng trở thành thói quen không thể thiếu của người theo Đạo phật. Mặt khác nhà chùa sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của họ như cầu siêu, giản oan,… Tất cả những điều này củng cố niềm tin vào giáo lý, vừa qui định tư duy và hành động của họ, tạo cơ sở để hình thành những nhân cách riêng biệt.

Thời đại ngày nay, là thời đại hội nhập và phát triển. Nước ta vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh và hàng chục năm sống dưới chế độ quan liêu bao cấp, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu vẫn cần đến sự phát triển. Phát triển có nghĩa là sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, đời sống vật chất và văn hoá. Đảng và nhà nước đã chỉ ra nhiệm vụ trước mắt làm dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Để đạt mục tiêu này nước ta cần có những người có tham vọng lớn, năng động, lạc quan, tin tưởng, dũng cmở rộng sáng tạo. Những phẩm chất này phần lớn trái với giáo lý nhà Phật, vì tham vọng trái với cấm dục, vô dục, ly dục của Nhà Phật… Vì vậy việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ Phật giáo có ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của người Việt Nam như thế nào để từ đó đưa ra những chính sách phát triển phù hợp với lòng dân, làm cho xã hội ngày càng phát triển tiến bộ và tốt đẹp hơn.

KẾT LUẬN

Đạo Phật xây dựng cho dân tộc Việt nam một truyền thống rất đẹp đó là tính chan hòa yêu thương, mở rộng cõi lòng. Nói khác hơn là truyền thống tương thân tương ái. Một truyền thống thật gần gũi và gắn liền với con người Việt nam, dân tộc Việt nam, một dân tộc xưa nay vốn hiền hòa, thân thiện và dễ mến. Đặc tính yêu thương, mở rộng cõi lòng được thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái với phương châm “Nhường cơm xẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những việc làm ấy phần nào phản ánh được phẩm chất cao đẹp của con người Việt nam. Chinh phục được ngoại là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn hết vẫn là sự điều ngự được chính mình.

Trải qua hai thiên niên kỉ tồn tại, Phật giáo nước ta đã góp phần cực kì to lớn trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá, chùa chiền phát triển tận thôn cùng, xóm vắng, uy tín vị thế của tăng ni trong xã hội khiến nhà Nho Lê Quát đời Trần đã phải phàn nàn vì ảnh hưởng Khổng giáo kém xa Phật giáo. Quả vậy, tăng ni đã giữ vai trò từ “hương sử” đến “quốc sử”, cố vấn cho chính quyền từ trung ương đến cơ sở, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân. Phật giáo đã thực sự góp phần tạo nên tâm hồn, cốt cách Việt, là một viên đá xây nền văn hoá nước nhà. Xứ Đông vốn được coi là văn nhã của Tứ Xuyên. Nền văn nhà đó có sự đóng góp quan trọng của Phật giáo. Xứ Đông cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Kitô giáo…, nhưng ảnh hưởng sâu đậm nhất là Phật giáo.[9]

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ – Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1 (1999) tập 2 (2001) tập 3 (2002), nhà xuất bản Thành phố HCM.
2-Nguyễn Lang (một bút hiệu của Nhất Hạnh), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1 (1977) tập 2 (1978) tập 3 (1985), Lá Bối, Paris (Pháp).
3-Trần Tri Khách, Niên Biểu Phật Giáo Việt Nam, bản thảo, 2003.
4-Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
5-Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, nhà xuất bản Thành phố HCM, 2001.
6-Nguyễn Duy Hinh, Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1999.
7-Đinh Khắc Thuân, Lịch Sử Triều Mạc Qua Thư Tịch Và Văn Bia, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 2001.
8-Bùi Thiết, Nữ Tướng Thời Hai Bà Trưng, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 2001.
9-Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884, nhà xuất bản TP HCM, 2000.
10-Thích Tâm Hải, Tìm Hiểu Về Trào Lưu Tịnh Độ Tại Việt Nam, trang web www.quangduc.com

CHÚ THÍCH
[1] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1 (1999), trang 2
[2] Lịch trình phật giáo xứ Đông và Hải Phòng, Ngô Đăng Lợi, trang 1
[3] https://haiphongnews.gov.vn/vn/du-lich/chua-hang-do-son-noi-truyen-ba-phat-giao-dau-tien-cua-viet-nam-ct391.html
[5] Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, trang 8
[6] https://thanhdoanhaiphong.gov.vn/chua-hang-phuong-hai-son-quan-do-son-nd24062.html
[7] https://thanhdoanhaiphong.gov.vn/chua-hang-phuong-hai-son-quan-do-son-nd24062.html
[8] https://thanhdoanhaiphong.gov.vn/chua-hang-phuong-hai-son-quan-do-son-nd24062.html
[9] Lịch trình phật giáo xứ Đông và Hải Phòng, Ngô Đăng Lợi, trang 9

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Phật giáo du nhập đầu tiên vào Việt nam

Phạm Thị Thanh Tâm 24/10/2023 - 15:28

chùa Hang có phải là đầu tiên hay không? tác giả có thể cho biết thêm các thông tin lịch sử nhé. cảm ơn tác giả

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường