Nay hành giả tham thiền đừng để ý đến trừ tập khí, dụng công tham thiền, giữ được nghi tình thì tập khí có thể dứt dần, nhưng muốn dứt sạch phải kiến tính mới được.

Khi đi chùa lễ Phật, mọi người thường niệm danh hiệu Phật (“Nam mô A Di Đà Phật”), cầu bình an thịnh vượng và cầu Phật “độ” cho việc này, việc nọ… Như vậy là không đúng với giáo lý nhà Phật, không hợp với bản ý của đức Thế Tôn. Thử lấy một vài ví dụ sau đây:

- Có người đi chùa lễ Phật, hay cầu vinh hoa phú quý và nhiều danh lợi khác… Lễ Phật như vậy cũng gieo căn lành phước đức về sau, nhưng không hợp với bản ý của Phật!

- Có người niệm Phật cầu Phật “độ” cho sức khỏe dồi dào, bệnh tật qua khỏi… Nguyện cầu như thế cũng tốt, nhưng cũng không hợp với bản ý của Phật!

- Có người đời sống gặp nhiều trắc trở, hoạn nạn… thì niệm Phật cầu cho tai qua nạn khỏi, mọi việc đều hanh thông viên mãn. Cầu như thế cố nhiên vẫn tốt, nhưng cũng không hợp với bản ý của Phật!

- Có người cảm thấy cuộc sống trần gian còn lắm chông gai, cho dù có giàu sang, quyền thế cũng còn nhiều lo lắng khổ tâm. Họ hy vọng dùng công đức cúng dường, niệm Phật để kiếp sau được sinh lên cõi trời, được sống an vui tự tại… Cầu như thế cũng là điều tốt, nhưng cũng không hợp với bản ý của Phật!

- Lại có người thấy mình nghiệp chướng quá nặng, trong kiếp này dễ gì giải thoát, nên niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành làm bậc cao tăng phụng đạo. Cầu như thế có thể coi là “xuất chúng”, nhưng còn thiếu trí huệ và đức tin, cũng không hợp với bản ý của Phật!

Vậy niệm Phật thế nào mới hợp với bản ý của Phật?

Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, tất cả chúng sinh tuy vẫn sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng vẫn bị Nghiệp dẫn đi để mãi luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi. Dù cho Nghiệp thiện được sinh lên cõi trời, khi hưởng hết phước rồi, cũng vẫn bị “đầy” sang cõi khác thấp hơn. Vì thế bản ý của đức Thế Tôn là muốn chúng sinh nhờ pháp môn Niệm Phật để sớm thoát khỏi khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử.

Chư Phật trong nhiều đời nhiều kiếp đã từng huân tu phước huệ, từng xưng niệm hồng danh của Đức Như Lai, nên được vô lượng vô biên công đức. Đức A Di Đà Thế Tôn đã nguyện là: “Nếu chúng sinh nào thường xuyên niệm danh hiệu của Ta cầu về Cực Lạc, thì khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương, nếu không được sinh, thì Ta không ở ngôi Chánh giác”(Trích lời Nguyện thứ 18 trong 48 Nguyện của Đức A Di Đà).

Vậy thì, nếu đi chùa niệm Phật chỉ để cầu công đức vô lượng vô biên, cầu đạt được nhiều danh lợi ở cõi người, mà không cầu vãng sinh Cực Lạc, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi thì có khác gì đứa trẻ thơ đem hạt châu ngọc vô giá đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là phí uổng công sức vô cùng!

Cần nhớ rằng, nguyện lực của đức Phật rất lớn, người nào nghiệp chướng dù nặng mà chí tâm niệm Phật cầu vãng sinh thì cũng được tiếp dẫn vãng sinh. Cầu đời sau đi tu làm bậc cao tăng phụng đạo, là thiếu trí huệ và đức tin, bởi làm sao bảo đảm được rằng đời sau sẽ sinh về Tây Phương thành bậc Bồ Tát được?

Cho nên bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho chúng sinh niệm Phật để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và sự giải thoát ấy lại có thể thực hiện được ngay trong một kiếp.

Nhưng tại sao chúng sinh cần phải thoát vòng sống chết luân hồi?

- Đó là vì ở trong nẻo luân hồi chúng sinh vẫn phải chịu nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Nếu người học Phật, tu Phật mà không để tâm quán sát nỗi thống khổ ấy và cầu mong thoát khỏi vòng “kim cô” ấy thì thật uổng phí!

- Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp Tứ Diệu Đế (2) cho năm người trong nhóm ông Kiều Trần Như, trước tiên đã nói về Khổ Đế, vẫn không ngoài ý này.

Suy cho cùng, niệm Phật để hướng đến mục đích cao cả duy nhất là được sinh về Tây Phương Cực Lạc để tiếp tục tu tập, tìm cho mình con đường giác ngộ và giải thoát đích thực. Chứ niệm Phật đâu phải để cầu bình an, thịnh vượng hay giải quyết các công việc của thế tục, trần gian.

Vậy chúng ta thử y theo thuyết Khổ Đế của đức Phật đã chỉ dạy, hãy kiên trì và thành tâm niệm Phật, cầu Phật giải thoát khỏi mọi thống khổ của kiếp người, vãng sinh cực lạc để không còn phải trầm luân trong vòng luân hồi sinh tử có hơn không?

Tác giả: Vũ Tất Tiến Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2016

--------------

CHÚ THÍCH: (1) Theo cuốn “Niệm Phật Thập Yếu” của cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm. (2) Tứ Diệu Đế là bài giảng của đức Phật về 4 chân lý thâm diệu sau đây: a- Khổ đế: Đời người là đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. b- Tập đế: Tất cả mọi đau khổ đều do tham lam, ái dục gây ra. c- Diệt đế: Muốn hết đau khổ phải dứt bỏ ái dục để sống an vui, tự tại. d- Đạo đế: Muốn dứt bỏ ái dục để hết đau khổ phải tu tập Bát Chánh Đạo gồm 8 đạo đức là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.