Tài nguyên du lịch chùa Am Vãi (gắn với núi Am Vãi) có đủ cả hai nhóm: Nhóm tài nguyên tự nhiên và nhóm tài nguyên văn hóa nhân văn.

Về tài nguyên tự nhiên 

Thứ nhất về mặt địa hình, địa mạo: Núi Am Vãi là một núi lớn, nằm trong thung lũng sông Lục Nam, thuộc phía Tây dãy Yên Tử (ở địa phận tỉnh Bắc Giang). Núi này thuộc địa danh giáp ba xã: Nam Dương, Tân Mộc và Nghĩa Hồ của huyện Lục Ngạn - Núi có độ cao khoảng 600m so vớ mực nước biển, trong đó đỉnh cao nhất nằm ở khu vực chùa Am Vãi.
 
Đỉnh núi này có thể bao quát toàn cảnh thung lũng sông Lục Nam, có thể nhìn thông về Thành phố Bắc Giang; quan sát toàn cảnh núi Yên Tử chùa Đồng về đến khu Côn Sơn - Kiếp Bạc - nhìn suốt dãy Thái Hòa và dãy Bảo Đài ở bờ phải sông Lục Nam.
 
Đứng ở đỉnh núi Am Vãi mà nhìn ra bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc là rất thoáng đãng và đẹp mắt - tựa như ta đứng ở giữa trung tâm thung lũng sông Lục Nam mà bao quát vậy - ở đây nhìn về Thị trấn Chũ như nhìn vào trong lòng bàn tay vậy. Đó là một bức tranh đô thị vùng núi đẹp trong hiện tại và trong tương lai. Con sông Lục Nam chảy quanh bên sườn phải của núi Am Vãi rất đẹp. 
 
Núi Am Vãi là một trong những mạch núi từ Yên Tử đẩy ra mà thành. Đây là mạch núi đất, đá lẫn lộn. Đá ở núi Am Vãi là loại đá cát kết hạt thô. Các khe núi ít có nguồn mạnh phát ra làm thành các khe suối nhỏ nên bề mặt của núi khô, ít nước nên cây tự nhiên thưa thớt không tạo thành các khu rừng nhiều tầng, nhiều tán mà chủ yếu là các trảng tranh xen lẫn các loài cây chịu hạn như sầm, tầu tấu, me dại, sim, mua, cỏ tranh. Chim thú vì thế cũng ít.
 
Ở khu chùa Am Vãi, từ đỉnh có mạch nước nhỏ chảy ra quanh năm. Vì thế, người xưa đã tạo nên một cái giếng nhỏ để lấy nước dùng. Từ đây trở xuống, do có lạch nước này nên cây cỏ cũng có phần tốt tươi hơn nhưng vẫn là cảnh quan rừng khô hạn, rừng trảng là chính: xanh cỏ, xanh lá cây về mùa xuân, mùa hạ. Khô hạn về mùa thu, mùa đông. Với cảnh quan như thế nên ở nơi đây vẫn có cái đẹp của cảnh quan sinh thái rừng trảng khô hạn. Nó giống như cảnh quan của cao nguyên sa la van, A tô pơ ở Lào.
 
Núi xưa không rõ tên là núi gì. Trong Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn gọi núi này là núi Am Ni. Am là cái am cỏ nhỏ. Ni là sư nữ, là bà vãi. Am NI là nơi tu hành của sư nữ, không phải của sư nam (tăng). Dân địa phương gọi là núi Am Vãi, tên này cũng tương tự như tên Am Ni - là nơi có bà vãi tu hành ở đây. Sách Lục Nam địa chí có cho biết ngày xưa ở đây có am nhỏ là nơi tu hành của vị công chúa Triều Trần. Có lẽ cái tên Am Ni có từ đó chăng? 
 
Sách Đại Nam nhất thống chí - Triều Nguyễn cũng chép rằng: “Núi Am Ni: ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai bồn đá. Trên núi có nền chùa cũ”. Nói như thế là đến thời Nguyễn, núi Am Ni có tiếng, có bồn đá nhưng chùa Am ấy không còn, chỉ còn nền chùa cũ.
 
Cạnh khu chùa Am Vãi này có một khu gọi là khu bàn cờ tiên. Khu này có nhiều đá lớn chồng lên nhau. Toàn lại đá cát kết, tục truyền đây là nơi có tiên giáng. Thế chơi bời thưởng ngoạn ở đó, đánh cờ ở đó mà gọi là Khu bàn cờ tiên. Tại đó có viên đá lớn có hình bàn chân lớn chừng hơn 1m, rộng chừng 70cm. Tục gọi là dấu chân Phật - giữa khu bàn cờ tiên với khu chùa Am Vãi có hai mái đá nhỏ, dân gian gọi là Hang tiền, Hang gạo. Có đặt bát hương thờ ở chỗ này. 
 
Như vậy, ta có thể nói rằng núi Am Vãi là một núi lớn nằm ở tả ngạn sông Lục Nam, ở khu vực vùng Chũ. Đây là khu vực ngã tư nếu lấy Chũ làm Trumg tâm quy chiếu. Ngã tư này có thể đi Sơn ĐỘng, Bắc Giang - Kiên Lao Kiên Thành và Lục Sơn, Mai Sưu. Trong đó, núi Am Vãi nằm Án ngữ đường đi Lục Sơn - Mai Sưu. 
Địa hình vùng núi Am Vãi - Bắc Giang. Ảnh sưu tầm
Địa hình vùng núi Am Vãi - Bắc Giang. Ảnh sưu tầm
Về mặt khí hậu: Khu vực núi Am Vãi chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Mùa xuân mát mẻ nhưng có mưa xuân và có rét đài, rét đậm, rét hại và ấm dần lên vào tháng 3 Âm lịch. Mùa hè có nóng nắng và mưa rào. Thời tiết ấm áp. Mùa thu trời trong xanh bắt đầu khô dần vẫn có mưa rào, mưa ngâu. Cây cối đi vào mùa cây khô lá vàng dần. Mùa đông hanh hao cây cỏ khô héo, có gió mùa Đông Bắc rét lạnh khắp cả các triền núi Am Vãi có nhiều trảng có tranh lớn khô héo ngả màu vàng xuộm, dễ bốc cháy do bén lửa.
 
Người ta trước đây cũng thường đốt cỏ tranh khiến cho cả một vùng biến thành vùng đất cháy đầy tro tàn cỏ tranh. Các cây chịu hạn nay lại qua hỏa hạn những vẫn sống sót chờ đến mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Trong các cây chịu hạn sống sót qua đám cỏ cháy cỏ tranh nhanh chóng đó có cây Sầm là cây kiên cường nhất. Loài cây này là đặc trưng rõ nét nhất của vùng núi Am Vãi. Sau đến là cây tầu tấu, Thành ngạnh, me đất rồi mới đến các cây khác. Cây sầm là cây có dánh dấp đẹp tự nhiên. Nó không cao nhưng là loài cây góp phần làm cho cảnh sắc tự nhiên ở núi Am Vãi có nét đẹp riêng.
 
Tuy thế, từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, người ta đã tiến hành cải tạo lại bề mặt tự nhiên của núi này bằng sự tác động của máy xúc xích sắt. Các tảng đá lớn nhỏ được di chuyển vào một chỗ, các cây tự nhiên chịu hạn được đánh nhổ cả gốc. Đất bề mặt núi được đào sới lên san lại để trồng cây lấy gỗ phục vụ cho sản xuất như cây keo, cây bạch đàn và một vài loại cây khác thu hoạch theo năm, tháng định kỳ. Do đó mà khí hậu của núi có vẻ xanh và mát mẻ hơn.
 
Về nguồn nước: Trong khu vực núi Am Vãi, như đã nói ở trên, các khe nước của núi là rất hạn chế. Chúng tôi thấy ở khu vực chùa có mạch nguồn nhỏ cung cấp nước cho khu vực chùa và giếng chùa, mạch nguồn này sách Đại Nam nhất thống chí đã có đề cập đến. Song mạch nguồn đó cũng không được coi là mạch dồi dào nước.
 
Mạch này được người xưa sử dụng vào giếng để chùa làm nguồn nước sinh hoạt của chùa Am Vãi. Chất lượng nước tốt, ngọt và trong. Đi nắng về đó có thể múc và uống giải khát được mà không thấy đau bụng.
 
Tại khu núi Am Vãi có 2 lối lên: Một lối theo làng Biềng lên, một lối theo đường Nam Điện lên. Cả hai lối này có thể lên bằng ô tôt đến khu vực chùa được. Dưới chân núi này, ở hai đầu đường lên có một đầu có một hồ nước nhân tạo. Song cả hai hồ này đều không cấp được nước cho khu chùa Am Vãi được, nhưng ở đây có thể xây dựng các công trình phục vụ văn hóa du lịch phục vụ khách lai vãng thăm chùa trong các mùa là hai điểm kết nối khu chùa Am Vãi với hai khu dân cư làng Nam Điện và làng Biềng để khoảng cách xa dân ngắn lại hơn.
Chùa Am Vãi. Ảnh sưu tầm
Chùa Am Vãi. Ảnh sưu tầm
Động thực vật ở khu vực núi Am Vãi: Không có các loài dã thú, chim muông lớn. Các loài thú nhỏ cũng có nhưng ít. Các loài chim nhỏ cũng vậy. Tình trạng săn bắn chim thú vẫn còn nhưng dần dần hạn chế hơn. Thay vào các loài dã thú lớn ở khu vực núi Am Vãi, người dân các làng ven núi nuôi trâu bầy trong núi khá phổ biến. Có thời kỳ, khu ta lên núi bắt gặp những đàn trâu lớn xuống núi cứ rầm rập. Đây là loài thú lớn có thể cung cấp sức kéo và thịt dồi dào trong vùng. Ngoài ra, cũng có thể nuôi dê và các loài gia súc gia cầm khác quanh chân núi phục vụ cho đời sống nhân sinh. 

Về tài nguyên nhân văn

Nói đến tài nguyên nhân văn ở núi chùa Am Vãi là nói đến các yếu tố như: các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học, các đối tượng văn hóa, thể thao,… Để hiểu và biết rõ hơn tài nguyên nhân văn ở núi Am Vãi, dưới đây chúng tôi sẽ trình bày khái lược các yếu tố của nhóm tài nguyên nhân văn của núi chùa Am Vãi như sau:
 
Về Di tích lịch sử - văn hóa: Nhìn tổng thể toàn khu vực núi Am Vãi ta phải lấy địa bàn xã Nam Dương làm trọng tâm. Trong xã Nam Dương lại lấy làng Biềng và làng Nam Điện và khu chùa Am Vãi làm chính. Bởi vì sao? Bởi vì 3 điểm này đều thuộc phạm vi có các di tích liên đới, liên quan đến với nhau. Các di tích đó là:
 
+ Chùa Vĩnh Phúc: Ở làng Biềng là làng có trách nhiệm chính quản lý chùa Am Vãi từ thời xưa.
 
+ Chùa Hàm Long: Ở làng Nam Điện là ngôi chùa có thể coi là chùa cổ có từ sớm (có khi còn có trước cả khu chùa Am Vãi- dự đoán là ngôi chùa có nguồn gốc từ thời Lý, nếu tìm thầy dấu tích thười Lý như chùa Đám Trì ở xã Lục Sơn).
 
+ Chùa Am Vãi: là ngôi chùa có truyền tích tu hành khổ hạnh (dự đoán là truyền tích của thời Lý). Sau đó, đến thời Trần thì có chùa Am Vãi với cái tên chùa Am Ni (hay chùa Am Vãi).
 
Chúng tôi đã khảo sát cả ba di tích chùa tháp cổ ở trong vùng. Chùa Vĩnh Phúc không còn nguyên vẹn vì bị tàn phá do nhiều lý do trong lịch sử. Ở đây còn có cây hương đá thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Chùa cũ đã mất, mới được xây lại quy mô nhỏ, bên cạnh đình làng.
 
Khu chùa Hàm Long thuộc xã Nam Điện cũ (nay là làng Nam Điện thuộc xã Nam Dương). Chùa Hàm Long ở vào địa thế có cảnh quan đẹp bên làng, dưới chân núi phía Nam núi Am Vãi. Chùa cũ đã mất tòa tiền đường chỉ còn hậu cung (tòa Tam Bảo) với các pho tượng và đồ thờ cũ. Bên cạnh chùa có 3 tháp đá dựng lên bằng loại đá nhám cát kết. Các tháp này còn nguyên vẹn, dự đoán là ba tháp đầu Lê Trung Hưng.
 
Một số nhà nghiên cứu địa phương đồ rằng chùa Hàm Long có khả năng là ngôi chùa có từ thời Lý, gắn với sự kiện các cung nữ Triều Lý lên dàn Thiêu ở Na Ngạn (Lục Ngạn) chết theo Hoàng đế Lý Nhân Tông mà sách Việt Sử lược ghi chép. Việc đồ rằng như thế là vì ở đó dân truyền là có khu đồng Hỏa Thiêu. Về điểm này chúng tôi chưa trở lại Khảo cứu nên chưa rõ nhưng trong tâm trí chúng tôi muốn khảo sát và điều tra lại nơi này vì rất có khả năng là dân truyền là một mách bảo cho ta một kết quả tốt đẹp về dấu tích chùa thời Lý ở nơi đây.
 
Chùa Am Vãi là ngôi chùa trên đỉnh núi Am Vãi. Chùa này cách xã dân (chùa cách làng Biềng và làng Nam Điện chừng 2 giờ leo núi đi bộ). Ở khu chùa này trước năm 1997 chỉ là môt khu phế tích - Chùa cũ đổ nát chỉ còn dấy tích nền chùa. Trong khu vực chùa có 2 tháp đá nhỏ thời Trần. Sau đó, các cụ làng Biềng, làng Nam Điện cùng nhau bỏ công, bỏ sức và tiền của ra xây dựng lại 3 gian nhỏ làm nơi thờ Phật. 
 
Qua khảo sát khi đó, chúng tôi đã thu được kết quả sơ bộ như sau:
 
Chùa cũ: gồm nền móng các tòa tiền đường, tam bảo, hành lang, hậu đường và nhà bếp, giếng nước và vườn Tháp.
- Toà tiền đường dài nền 20m, rộng 5m5.
- Tòa Tam bảo dài 10m rộng 6m.
- Hành lang trái dài 15m5, rộng 3m80.
- Hậu đường: dài 15m5, rộng 7m.
- Hai tháp đá: 1mx1m10.
- Chùa mới: dài 11m, rộng 6m.
 
Tháp chùa Am Vãi có 2 tháp (1 tháp phục hiện lại), trong đó có một tháp có chữ “Liên hoa Bảo tháp” ở mặt trước. Trong tháp có bài vị khắc chữ Hán có nội dung là: “Trúc Lâm viên tịch ma ha bất Thương Tỳ Khưu Như Liên Thiền sư hóa thân Bồ tát cẩn vị”.
 
Dịch nghĩa là: “Vị thiền sư là ma hat bất Thương Tỳ kheo Như liên hóa thân là Bồ tát đã viên tịch về chốn Trúc Lâm”.
 
Qua bài vị này, chúng tôi cho rằng vị thiền sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này là một vị sư ông, không phải sư nữ nữa. Còn tháp thứ 2 không có bài vụ do không tìm thấy chăng. Xung quanh khu vực chùa Am Vãi còn có các vật liệu tháp chùa nữa. Do đó chúng tôi cho rằng chùa này không phải chỉ có 2 tháp mà có nhiều hơn 2 tháp.
 
Tháp đá chùa Am Vãi có quy cách như sau:
 
+ Măt bằng 1m8 x 1m8.
+ Cao: 3m20.
+ Thân tháp: 1m10.
+ Chóp tháp: Đua 4 đao rộng 1m35.
 
Do chùa cũ đổ nát thành phế tích nên chúng ta có thể coi khu chùa cũ ấy là Di tích văn hóa khảo cổ. Nếu có điều kiện mà tổ chức khai quật khảo cổ học di tích này sẽ cho chúng ta kết quả về chùa Am Vãi cụ thể hơn - nhưng khi chưa làm được việc này thì chùa đã xây trùm lên hai lần. Lần thứ hai đã làm xáo trộn hẳn dấu tích chùa cũ - Khả năng khai quật khảo cổ học là rất hạn chế. Cũng may mắn ở di chỉ này còn có hai tháp đá là 2 di tích mộ tháp của chùa. Trong đó có 1 tháp giúp ta xác định đây là ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Di tích Hang Gạo nơi chùa AM Vãi. Ảnh sưu tầm
Di tích Hang Gạo nơi chùa Am Vãi. Ảnh sưu tầm
Ngoài khu chùa Am Vãi ra, ở đây còn có di tích gọi là Hang tiền, Hang gạo. 2 di tích này chỉ là 2 mái đá nhỏ, có đặt bát hương. Hai địa điểm này gắn với truyền tích rằng: xưa ở nơi này có sư tu hành. Sư sống ở đó dựa vào hang tiền, hang gạo. Nhưng hang tiền, hang gạo hàng ngày chỉ chảy ra số tiền số gạo đủ cho nhà sư dùng 1 ngày. Một hôm, sư có khách đến thăm. Bí quá, sư khều thêm tiền, thêm gạo để đủ cho 2 người dùng, thế là hàng tiền, hang gạo không chảy ra nữa. Do đó, sư ông đó không ở lại đây được nữa phải bỏ đi nơi khác.
 
Truyền tích này là truyền thuyết phản ảnh về lối tu hành khổ hạnh một thời ở núi này. Nó tuy không phải là thật nhưng nó lại là huyền tích cho ta nghĩa rằng vào thời xa xưa, đạo Phật đã đến nơi đây với tư tưởng xuất thế. Sau đó khi Trúc Lâm phát triển thì đạo Phật ở nơi này nhập thế. Sự nhập thế của Đạo Phật ở chùa Am Vãi được phản ánh ở truyền tích làng Biềng được quan xử cho làng được quản lý chùa Am Vãi.
 
Truyện kể rằng: trước kia, 3 làng Biềng, Nam Điện, Nghĩa Hồ cùng chung nhau chùa Am Vãi. Do lý do gì đó mà 3 làng đòi quyển quản lý chùa. Việc đến quan xử. Quan ngủ ở chùa xem gà làng nào gáy trước thì chùa thuộc về làng đó. Cuối cùng quan nghe tiếng gà của làng Biềng gáy trước. Cho nên quan cho làng Biềng quản lý chùa. Nhưng sau đó làng Biềng lại xây chùa Phúc Nghiêm ở làng cho tiện thờ Phật. Còn chùa Am Vãi chỉ lên đó vào tuần Rằm và ngày hộ lệ. Đó là huyền tích cho thấy sự nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm.
 
Cuộc di chuyển từ nơi núi cao cảnh đẹp về làng là nguyên nhân làm cho chùa Am Vãi đổ nát là có lý do như thế.
 
+ Ở góc độ lịch sử di tích chùa Am Vãi, cần phải có định nghĩa rõ là chùa Am Vãi có là một danh thắng hay không? Danh thắng là tài nguyên thiên nhiên kết hợp với tài nguyên văn hóa nhân văn. Nơi đây núi cao cảnh đẹp, lại có di tích lịch sử - văn hóa chùa tháp được sử sách ghi nhận. Nơi đây vì thế thực sự là một khu danh thắng gắn với ngôi chùa thờ Phật từ lâu đời.
 
+ Trong nội dung Tài nguyên nhân văn có nội dung gắn với lễ Hội của chùa. Chùa Am Vãi là chùa có lễ hội vào ngày mồng Một tháng Ba Âm lịch hàng năm. Vào ngày này người dân trong xã và du khách thập phương về đây làm lễ dâng hương cúng Phật rất đông vui. Có thể nói rằng: Lễ hội chùa Am Vãi là lễ hội của Vùng này. Hình thức chính là hành hương cúng Phật - tham quan danh thắng với các điểm: Bàn cờ tiên, Hang tiền, Hang gạo và chùa Am Vãi. 
 
+ Một yếu tố tài nguyên nhân văn khác nữa của khu chùa Am Vãi là các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học ở nơi này. Như ta đã biết ở xung quanh núi chùa Am Vãi có các dân tộc cùng nhau cư trú như Kinh, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Hoa, Tày, Nùng. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao của mỗi dân tộc đã sản sinh ra các sản phẩm văn hóa riêng của mình. Cái chung nhất là các dân tộc đó hiện nay đều cùng nhau phát triển trồng cây ăn quả, trong đó có cây vải thiều, hồng, cam, bưởi là cây đặc sản có ưu thế của vùng. Người Kinh ở Nam Dương có nghề làm mỳ gọi là Mỳ chũ có tiếng khắp nơi. Người Cao Lan, Sán Dìu có hát dân ca dân tộc mình. Người Hoa ở Tân Mộc cũng có bản sắc riêng góp phần làm cho tài nguyên nhân văn vùng núi Am Vãi thêm sâu đậu.
 
Như vậy, Tài nguyên du lịch của núi chùa Am Vãi được biểu hiện ở cả hai nhóm: Tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Cả hai loại tài nguyên này đang và đã được khai thác nhưng hiệu quả nhưng kết quả vẫn chưa cao. Cho nên ta có thể nói rằng tài nguyên du lịch của chùa Am Vãi vẫn còn tiềm ẩn ở hình thức (dạng) tiềm năng. Tức là có tiềm năng nhưng sự khai thác chưa cao, chưa hiệu quả.
Cảnh đẹp lối vào chùa Am Vãi. Ảnh sưu tầm
Cảnh đẹp lối vào chùa Am Vãi
Qua thực thế sử dụng khu di tích chùa Am Vãi thấy rằng: Hoạt động du lịch ở chùa Am Vãi đang mới là loại hình du lịch văn hóa, tôn giáo ở phạm vi trong tỉnh. Hành trình tham gian du lịch nơi đây thuộc loại du lịch có thời gian ngắn với các nhóm du lịch thanh niên, thiếu niên và các cụ già có độ tuổi từ 60 trở xuống nhưng không liên tục, chỉ chủ yếu là vào các ngày lễ, ngày nghỉ.
 
Các cuộc tham quan du lịch này chủ yếu là picnic lên đỉnh Am Vãi mà chưa có nhu cầu thăm làng Biềng, chùa Hàm Long hoặc tham gia các dịch vụ du lịch. Có lẽ vì việc đầu tư cho nền tảng cơ sở vật chất ở khu vực này chưa tương xứng.
 
Đề xuất các giải pháp, nêu vài gợi ý:
 
Thứ nhất, về mặt quản lý nhà nước đối với khu chùa Am Vãi cần được quản lý khoa học, phân rõ vai trò của nhà nước và của các vị sư trụ trì (nếu có) để có kế hoạch triển khai các hoạt động du lịch chùa Am Vãi được đồng bộ, hiệu quả.
 
Thứ hai, cần nhận diện rõ về lợi thế tài nguyên tự nhiên nơi đây, có biện pháp duy trì, bảo vệ tài nguyên tự nhiên hiện có và có kế hoạch phát triển, phát huy. Việc trồng cây gây gừng đáp ứng hoạt động du lịch nơi này là rất cần thiết.
 
Cảnh quan chùa Am Vãi thực sự là nơi núi cao, cảnh đẹp: Xanh – Sạch – Đẹp thì sẽ thu hút du khách.
 
Thứ ba, cần khai thác tiềm năng tài nguyên nhân văn của khu vúi chùa Am Vãi. Đây là khu có tích, các cụ nói: “Có Tích thì dịch nên Trò”. Không có tích thì khó mà làm nên trò gì cả. Có tích mà ta không làm nên trò là ta vụng. Do đó ta phải sớm kết nối ba điểm làng Biềng, chùa Hàm Long, chùa Am Vãi thành quần thể du lịch liên hoàn. 
 
Thứ tư, chú trọng về giao thông, đảm bảo an ninh cho du khách. Đồng thời tiến hành quy hoạch tổng thể địa danh du lịch trong tỉnh, trong vùng theo trục du lịch chùa Am Vãi trong tuyến du lịch Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang. Đánh giá du lịch chùa Am Vãi phải thông qua các hoạt động du lịch Tây Yên Tử, nếu hoạt động du lịch đơn lẻ sẽ khó nâng tầm quảng bá và thu hút du khách.
 
Thứ năm là việc xúc tiến du lịch chùa Am Vãi phải gắn với việc tiếp xúc tiến độ đô thị hóa vùng Chũ. Tiến trình đô thị hóa Chũ sẽ không tách khỏi việc xúc tiến du lịch chùa Am Vãi. Một khu vùng Chũ trở thành vùng đô thị của huyện Lục Ngạn thì yêu cầu du lịch núi chùa Am Vãi sẽ tăng lên. Am Vãi sẽ trở thành điểm đến của các đoàn khách các nơi đến với vùng Chũ. Do đó, khi tiến hành xây dựng khu đô thị Chũ thì các cấp chính quyền địa phương cũng nên đề cập đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cho hành trình du lịch núi chùa Am Vãi.
 
Có thế việc phát triển du lịch khu núi chùa Am Vãi mới trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả nhiều mặt cho địa phương.
 
Tác giả: TS Tạ Thị Tâm - Viện Dân tộc học