Tác giả: Thích nữ Bảo Minh
Học viên Thạc sĩ khóa VII - Học viện PGVN tại TP. HCM
Tóm tắt
Chính trị và tôn giáo được xem là hai rường mối quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia. Hệ thống, cơ chế chính trị có vững mạnh thì xã hội mới ổn định, tín ngưỡng tôn giáo có tin thì đời sống mới an. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, Nhật Bản đã phát triển tín ngưỡng Thần đạo độc đáo với sự chung sống hòa bình giữa tôn giáo bản địa và tôn giáo du nhập, có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng.
Đến năm 673 Thánh Vũ Thiên Hoàng (Shomu Tenno) (724-749) chính thức công bố Phật giáo là quốc giáo. Từ một tôn giáo ngoại lai, du nhập vào Nhật Bản, trải qua những biến động nhưng chưa đầy 100 năm Phật giáo đã trở thành quốc giáo.
Dưới sự trị vị của Thánh Vũ Thiên Hoàng, Phật giáo Nhật Bản đã có sự phát triển huy hoàng trong tinh thần và chính sách “Chính giáo liên hoàn”.
1. Thánh Vũ Thiên Hoàng với Phật giáo
Thánh Vũ Thiên Hoàng (Shōmu - tennō, 701 – 4 tháng 6, 756) là Thiên Hoàng thứ 45 của Nhật Bản theo truyền thống thứ tự kế thừa ngôi vua Nhật. Thánh Vũ Thiên Hoàng là một phật tử thành kính sùng Phật. Ông rất nhiệt thành với việc thúc đẩy Phật giáo phát triển, dùng tư tưởng Phật giáo để xây dựng chính sách của đất nước.
Khi lên ngôi đã cho mở trai đàn để độ tăng, ni đến 3000 người, mời 600 tăng lữ chuyển đọc kinh Đại Bát Nhã để cho đại chúng nghe. Ông đã dựa vào tinh thần từ bi của Phật giáo mà tiến hành đại xá, cấm giết mổ súc vật, miễn thuế, cho thuốc, phát gạo để nhân dân được sống bình yên.
“Năm thứ tám niên hiệu Thiên Bảo nhà Đường, Thánh Vũ Thiên Hoàng nhường ngôi, trở thành Thượng Hoàng, tự xưng là sa di Thắng Mãn. Vào tháng 4 năm thứ 6 niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo, giới đàn đầu tiên của nước Nhật ở chùa Đông Đại, người đăng đàn thọ giới số 1 là sa di Thắng Mãn” (1). Với Phật giáo, Thánh Vũ Thiên Hoàng không chỉ là người đứng đầu chủ trương chính giáo liên hoàn, với mong muốn cai trị, xây dựng đất nước theo thể thống nhất với Phật giáo, mà còn là một phật tử, một cư sĩ mang niềm tin, sự tôn kính với Phật Đà.
2. Chính sách Chính giáo liên hoàn
Chính sách Chính giáo liên hoàn được đặt ra từ thời kì Phi Điểu nhưng đến thời kì Nại Lương mới thực sự được cổ súy mạnh mẽ, tôn vinh Thiên Hoàng là bậc tối cao về quân sự cũng như điều hành quốc gia. Thánh Vũ Thiên Hoàng là người đưa Phật giáo phát triển và lan rộng vào đời sống xã hội, xây dựng đường lối chủ trương chính sách chính trị “Chính giáo liên hoàn”.
Nghĩa là chính trị và tôn giáo liên thông, liên hợp với nhau, hỗ tương, hợp tác và bảo trợ nhau trong quá trình phát triển. Phật giáo như một yếu tố cho quá trình kiến thiết, ổn định, xây dựng quốc gia và Phật giáo dần dần được chính trị hóa. Hoạt động Phật giáo được nâng lên tầng nhận thức mới, Phật giáo đóng góp vào nền chính trị. Mô hình quản lý của Phật giáo cũng như nội dung kinh điển nhà Phật trở thành khuôn mẫu để kiến tạo một hệ thống điều hành quốc gia.
Vai trò tăng sĩ được đề cao và có vị trí chính trị trong hệ thống điều hành quốc gia. Nội bộ Phật giáo thì hệ thống chùa chiền được phân định ở nhiều cấp độ khác nhau. Sự can thiệp của hệ thống chính trị vào sự phát triển Phật giáo cũng được khai triển bởi hoàng triều. Tất cả những hoạt động đó tập trung xây dựng một quốc gia trên nền tảng “Chính giáo liên hoàn”.
Việc chính trị và tôn giáo được liên hợp với nhau thông qua những hành động thực tiễn của Thánh Vũ Thiên Hoàng. Có thể nói rằng: “Phật giáo ở thời Thánh Vũ Thiên Hoàng là nền Phật giáo thực tiễn. Tinh thần căn bản được thực hành trên thì thực hiện mục đích đền trả tứ ân, phụng sự Tam bảo, ở dưới thì hướng đến việc cứu tế xã hội, kỳ nguyện cho quốc thái dân an”. (2)
3. Chính sách Chính giáo liên hoàn trong việc phát triển đất nước
Vai trò và quyền lực của Thiên Hoàng được hợp nhất giữa vai trò lãnh đạo quốc gia và lĩnh vực tôn giáo nên việc xây dựng hệ thống chùa chiền mới thể hiện hợp nhất quyền lực và vai trò của Thiên Hoàng. Có thể nói, đây là thời kì huy hoàng nhất của Phật giáo trên mọi phương diện, xây dựng mô hình quốc gia Phật giáo.
“Thánh Vũ Thiên Hoàng tự nhận mình là kẻ nô bộc của Tam bảo” (3), điều này chứng minh rằng có thể kiến thức Phật học của ông hạn chế nhưng niềm tin chính tín Phật Pháp sâu rộng. Khi thực hiện chính sách chính giáo liên hoàn đã góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó cũng để lại những mặt tiêu cực.
3.1. Hợp nhất vai trò – quyền lực – hệ thống tự viện
Thánh Vũ Thiên Hoàng đã phát triển Phật giáo trên phương diện hình thức, Ngài thiết kế mô hình nhà nước có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Vua ra sắc lệnh xây dựng hệ thống chùa với những danh xưng và vai trò khác nhau như bộ máy lãnh đạo của giáo hội. Thông qua những ban hành của Thiên Hoàng về chính sách Chính giáo liên hoàn thể hiện ngôi vị và quyền lực của bộ máy cai trị, đứng đầu là Thiên Hoàng, ở Nara có hoàng cung nguy nga tráng lệ thì Nara cũng có Tổng quốc phần tự xứng ngang tầm với hoàng cung.
Đại Tăng chính tương đương với Thiên Hoàng và các cấp dưới cũng tương tự như vậy. Điều này đã tạo nên mối liên thông giữa nhà nước và giáo hội, thể hiện sự hợp nhất, lãnh đạo nhất quán.
3.2. Tinh thần nhập thế của giới tăng sĩ Phật giáo
Trong thời kì này có những bậc tăng sĩ mô phạm, sống trong thời kì có thể nói là vàng son của Phật giáo nhưng tâm không bị đắm nhiễm bởi thế lạc. Sống ẩn dật, tu tập hay gần gũi với quần chúng nhân dân. Thực hiện hạnh nguyện độ sinh, ban rải pháp màu đến quần chúng nhân dân. Đồng thời, cũng góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ đạo pháp như ngài Hành Cơ, Đạo Chiêu…
Đồng thời, với sự tu tập miên mật, có được niềm tôn kính, tin tưởng của quần chúng nhân dân. Ngài Hành Cơ đã giúp Thánh Vũ Thiên Hoàng thành công trong việc kêu gọi đóng góp tài vật cho việc đúc tượng Phật Tỳ Lô Giá Na. Giới tu sĩ Phật giáo Nhật Bản sau khi đi du học trở về tham gia vào bộ máy chính trị và đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phật giáo thời kì Nại Lương không phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin mà một nền Phật học trí tuệ xuất hiện thông qua 6 tư tưởng trường phái triết học. Tinh thần Phật giáo là thời kì xây dựng quốc gia của Thánh Vũ, Ngài muốn xây dựng Nhật Bản ngang tầm vời nhà Tùy, Đường Trung Quốc, do vậy Phật giáo có cơ hội để sách lược triều đình vận dụng nó. Muốn xây dựng quốc gia hùng cường thì phải vận dụng Phật giáo.
3.3. Áp dụng tư tưởng kinh Hoa Nghiêm vào chủ trương chính sách
Phật Tỳ Lô Giá Na được xem là trung tâm của mọi đức Phật ở thế giới lý tưởng, còn trong thực tại Thiên Hoàng là vị lãnh đạo trung tâm cốt lõi của đất nước. Đây là ý tưởng xây dựng quốc gia đi từ kinh điển Phật giáo. Phạm Võng kinh trong giáo hệ Hoa Nghiêm nói:
“Lư Xá Na ta nay, ngồi trong liên hoa đài, chung quanh trên nghìn hoa, hiện ra nghìn Thích Ca, một hoa trăm ước nước, một nước một Thích Ca”.
Phật Lô Xá Na tức là Phật Tỳ Lô Giá Na là Bản Tôn, Thích Ca là hóa thân của Bản Tôn. Thánh Vũ Thiên Hoàng lấy chùa Đông Đại tượng trưng cho quốc độ, lấy chùa Quốc Phân tượng trưng cho các nước, lấy Thích Ca các chùa Quốc Phân tượng trưng cho các nước, lấy trăm ức Thích Ca tượng trưng cho nhân dân các nước. Ông lấy tư tưởng của Hoa Nghiêm kinh để xây dựng Đông Đại tự, coi đó là tượng trưng nền chính trị lý tưởng.
“Kể từ đời Thánh Vũ Thiên Hoàng (724-749) danh từ “Quốc gia Phật giáo” mới có thực nghĩa, và chế độ chính giáo mới tạo được thế liên hoàn, buộc từ thượng lưu đến hào tộc, quan lại cho đến bình dân vào một nền chính trị và một hệ thống tín ngưỡng quấn quýt chằng chịt lấy nhau trong chung một hệ thống tổ chức tôn giáo và chính trị quốc gia (4)”.
3.4. Thần Phật tập hợp
Với sắc lệnh xây dựng hệ thống chùa chiền của Thánh Vũ Thiên Hoàng đã nói lên nội dung điều hành Phật giáo của triều đình, khẳng định vai trò lãnh đạo tối cao của Thiên Hoàng, thống nhất đất nước trên mọi phương diện, đưa vua ở vị trí tối cao. Ngài chọn lựa Thánh điển Phật giáo như nền tảng xây dựng quốc gia. Vì thế Phật giáo thời kì này là Chính giáo liên hoàn.
Không chỉ thế, Thánh Vũ Thiên Hoàng còn áp dụng chính sách hòa đồng tôn giáo, giữa Phật giáo và Thần đạo, gọi đó là Thần Phật tập hợp. Điều này đã góp phần cho hoàng triều có điều kiện ủng hộ Phật giáo và Phật giáo như chủ thể của ý thức dân tộc. Như chúng ta đã biết, Thần đạo là một tôn giáo có từ ngàn xưa của Nhật Bản. vì thế khi Phật giáo du nhập vào khó tránh khỏi việc không chấp nhận và tiếp thu về một tín ngưỡng mới. Thế nhưng, đức Phật được người dân Nhật đồng hóa
như một vị Thần, mang đến những tín ngưỡng và nhanh chóng hòa nhập.
3.5. Mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc lúc bấy giờ vào thời nhà Đường, với một nền văn hóa được các nước lân bang kính phục. Vì vậy, triều đình Nhật Bản không những chỉ muốn học hỏi nền văn hóa mà còn muốn đi theo con đường Phật giáo mà nhà Đường đang đi. Triều đình muốn dựa vào oai lực và thế lực để trị quốc an dân nhưng Phật giáo mà triều đình mong muốn không phải là Phật giáo quyền năng mà phải là một nền Phật giáo chính tín.
Chính nhờ vào chính sách đó của triều đình mà Phật giáo Nhật Bản sau hơn 100 năm du nhập đã bắt đầu đi vào quỹ đạo giáo học, nghiên cứu và phát huy chân nghĩa của Thánh giáo. Thể hiện được vai trò ứng dụng tư tưởng triết lý Phật giáo vào vấn đề quản trị và điều hành đất nước của triều đình, đứng đầu là Thiên Hoàng. Đồng thời cũng thể hiện rõ tinh thần nhập thế của giới tăng sĩ.
Việc đưa tăng sĩ du học ở các nước không chỉ góp phần mở rộng vốn kiến thức, năng cao sự hiểu biết mà còn thể hiện được mối giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Tiêu cực
Phật giáo Trung Quốc, tu sĩ Phật giáo không dấn thân vào con đường hoạt động chính trị được nêu rõ trong Quy Sơn Cảnh Sách “Bất năng an quốc trị bang” (5). Cũng vậy, Phật giáo Việt Nam thì tăng sĩ cũng không đứng trên quyền lực chính trị, nhưng lại đứng trên phương diện cố vấn giống như Phật giáo Lý - Trần Việt Nam thì những bậc cao tăng làm hậu thuẫn vững chắc cho Vua và các triều thần.
Phật giáo Nhật Bản hoàn toàn khác biệt, tăng sĩ trực tiếp tham gia vào chính trị, đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, chính trị -
tôn giáo song hành. Vì thế, bên cạnh những mặt tích cực mà chủ trương Chính giáo liên hoàn mang lại thì cũng có mặt tiêu cực. Thông thường, việc đời hễ quá trớn thường có cái hại kèm theo.
Dưới thời thánh Vũ Thiên Hoàng Phật giáo hết mực được cưng chiều. Chế độ Tăng Cang ra đời cùng với sự hộ trì của triều đình, có những vị sư được Thiên Hoàng trọng dụng, dấn thân vào con đường chính trị nhưng lại làm chao đảo triều đình, đánh mất đi bổn gốc của một bậc tăng sĩ. Tiêu biểu là Tăng Chính Nguyên Phương và Thiếu Tăng Đô Đạo Kính. Là những bậc tăng sĩ xuất sắc, được đi du học và có kiến thức uyên bác. Thế nhưng, khi đứng trước cám dỗ của những dục vọng trong vinh hoa thế lực, lại bị cuốn vào vòng xoáy của những tham tâm, chấp ái…
Mặt khác vì triều đình toàn lực đề xướng Phật giáo, cho nên Phật giáo chủ yếu tập trung ở Kinh Đô. Chùa tập trung ở đô thị cố nhiên là có lợi cho việc phát triển nhưng cũng khó tránh vì thế mà nhiễm trần tập huyên náo thị thành, tăng, ni dễ bị cám dỗ thanh sắc mà sa đọa.
Có thể nói, đối với văn hóa Nại Lương, thì người có công nhất là Thánh Vũ Thiên Hoàng. “Ông lấy việc bảo hộ Phật giáo để thúc đẩy việc xây dựng về chính trị. Do đó, đã đưa nền văn hóa Thiên Bình đến chỗ phát triển thịnh vượng. Nhưng mục đích của Thánh Vũ Thiên Hoàng là hợp nhất chính trị với tôn giáo” (6).
Đây là hình thức mượn tôn giáo để xây dựng chính trị. Tuy nhiên, giữa hai tư tưởng mặc dù có điểm tương kết nhưng cũng sẽ mang những chiều hướng khác nhau. Đồng thời, việc đạo trực tiếp đi vào con đường chính trị sẽ dễ dàng đánh mất đi gốc nếu người tham gia lãnh đạo không có niềm tin, hoặc người tu sĩ Phật giáo sẽ tham đắm sự đời mà đánh mất đạo tâm. Có thể nói đây cũng là một bài học ý nghĩa căn bản cho người xuất gia khi dấn thân vào đời hoằng pháp lợi sinh.
Tuy niềm tin và chủ trương đóng góp Phật giáo của Thánh Vũ Thiên Hoàng có thể nói là đưa Nhật Bản bước sang trang mới, nhưng việc xây dựng chùa chiền quá nhiều đã làm hao tổn ngân khố quốc gia rất nhiều. Điều đó ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, vì quốc khố là của dân. Ngoài ra, việc chép kinh đã góp phần lan rộng giáo lý Phật giáo nhưng vì việc chép kinh được thực hiện theo phong trào nên hầu hết đề cao việc chép lấy số lượng hơn là học và thực hành theo giáo lý trong Kinh.
Kết luận
Tóm lại, bằng chính sách Phật giáo kết hợp chính trị, sử dụng trí thức Phật giáo vào bộ máy quyền lực đã thành công trong việc xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo. Không chỉ đưa Nhật Bản thành công trên con đường kiến thiết bộ máy nhà nước, mà còn tạo niềm tin bất động về nếp sống tâm linh. Như vậy, đối với dân tộc Nhật Bản, Phật giáo không còn là một tôn giáo ngoại lai nữa, mà là một tôn giáo của quốc gia, có liên hệ mật thiết với sự thịnh suy, tồn vong của quốc gia.
Cũng chính thời kì Phật giáo trị vì bởi Thánh Vũ Thiên Hoàng đã để lại cho Phật giáo Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung những di sản có giá trị về mặt tinh thần và vật chất. Ngày nay, Phật giáo vẫn là rường cột đồng hành, hòa nhập với tôn giáo bản địa và một số tôn giáo du nhập, tạo nên nét đẹp riêng về đời sống tâm linh.
Đồng thời, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của xứ sở hoa Anh Đào. Phật giáo ngày nay là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa của những chặng đường lịch sử đã qua. Vì vậy, có thể nói Phật giáo thời kỳ Nara đã trở thành một giai đoạn lịch sử huy hoàng, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản qua các triều đại, cho đến ngày nay.
Tác giả: Thích nữ Bảo Minh
Học viên Thạc sĩ khóa VII tại TP. HCM
CHÚ THÍCH
1. Thánh Nghiêm - Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr.447.
2. Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, tr. 287.
3. TT. Thích Phước Lượng, Tài liệu giảng dạy, Khoa Lịch Sử Phật giáo, Học Viện Phật giáo Việt Nam, TP.HCM.
4. Ishi Da Kazu Yoshi, Nhật Bản Tư Tưởng Sử, Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Hà Nội,
1973, tr.114.
5. Quy Sơn Cảnh Sách
6. Thánh Nghiêm -Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr.453.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ishi Da Kazu Yoshi, Nhật Bản Tư Tưởng Sử, Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Hà Nội, 1973.
2. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002.
3. Thích Thiên Ân, Lịch Sử Tư Tưởng Nhật Bản, NXB. Khoa Học Xã Hội, TP. HCM, 2018.
4. Thánh Nghiêm -Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, NXB. Khoa Học Xã Hội, 2008.
5. Sueki Fumihiko, Lịch Sử Tôn Giáo Nhật Bản, Phạm Thu Giang dịch, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2011.
6. Nguyễn Văn Tần dịch, Nhật Bản Sử Lược quyển 1, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1959.
Bình luận (0)