Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Chính trị qua cái nhìn kinh điển nhà Phật

Chính trị qua cái nhìn kinh điển nhà Phật

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trong lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc xung đột diễn ra giữa các ý thức hệ và là nguyên nhân dẫn đến những cuộc binh biến, chiến tranh trong mỗi giai đoạn lịch sử xã hội nhất định. Trong đó, ý thức hệ giữa chính trị và tôn giáo là hai vấn đề vốn có, tồn tại khách quan trong lòng xã hội. Nếu như nền tảng của tôn giáo là đạo đức, thanh tịnh, lấy đức tin làm cơ sở thì nền tảng của chính trị là uy quyền, thế lực. Đã có không ít những lần, tôn giáo bị các thế lực núp bóng chính trị lợi dụng và trở thành chiêu bài gây xung đột, chiến tranh giữa các dân tộc trên thế giới. Tất nhiên, khi đó tôn giáo phải từ bỏ những giá trị, lý tưởng đạo đức cao cả để phục vụ cho mục đích chính trị.

Thế nhưng, đối với Phật giáo là tôn giáo được xây dựng trên nền tảng đạo đức của xã hội, tồn tại độc lập và phát huy sức sống để vượt ngoài vòng xoáy của chính trị. Giáo lý của Phật giáo không nhằm hình thành ý thức hệ chính trị hay cải tạo xã hội mà đứng trên chính trị, trên xã hội để hướng đến sứ mệnh cải tạo tâm, kêu gọi thực hành đời sống đạo đức. Để làm sáng tỏ vấn đề này, người viết sẽ tìm hiểu “Chính trị qua cái nhìn kinh điển nhà Phật”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chinh tri qua cai nhin kinh dien nha Phat 1

Đạo Phật độc lập với chính trị. Phật giáo không có chủ trương về học thuyết chính trị. Chủ trương của đạo Phật là giải quyết vấn đề khổ đau, hướng đến giác ngộ, giải thoát sinh tử luân hồi cho nhân sinh. Ngược lại, học thuyết chính trị xây dựng trên nền tảng quyền lực, chủ trương bạo lực để gây ảnh hưởng đến các giai tầng trong xã hội có giai cấp. Do đó, đạo Phật và chính trị là hai con đường khác nhau, chủ trương khác nhau. Điều này được đức Phật tuyên bố khi hoàng tử Dandapani dòng Sakyan hỏi về học thuyết của đạo Phật. Ngài dạy rằng, học thuyết của Ngài là điều không có người Bà La Môn hay Ma vương nào có thể nắm được: “Không có tranh luận một ai ở đời, các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà La Môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu”[1].

Đức Phật xuất thân từ dòng dõi Sát Đế Lợi, Ngài đã từ bỏ vương quyền, từ bỏ mọi đặc quyền của một giai cấp quý tộc để xuất gia tìm cầu chân lý. Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, giáo lý của Ngài không nói đến vấn đề chính trị. Đức Phật quan tâm đến sự chấm dứt khổ đau và tạo dựng hạnh phúc, an lạc cho nhân sinh. Trong kinh Tương Ưng, sau khi hóa độ cho sáu mươi vị đệ tử đầu tiên, Ngài dạy các đệ tử hãy du hành vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[2]. Vì thế, đối với chính trị, bằng cách này hay cách khác, Ngài luôn giữ thái độ im lặng thay câu trả lời.

Thời đức Phật tại thế, Ngài là bậc đạo sư giác ngộ, vì vậy đã có không ít những bậc quốc vương, đại thần tìm đến tham vấn, thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, là dịp để Ngài hóa độ, khai mở trí tuệ cho họ. Trong số các vị đệ tử lớn ấy, có vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), Tần Bà Sa La (Bimbisara) đến với Ngài bằng tâm cung kính, vì chính pháp hỏi đạo. Qua đó, Ngài không dạy bất kỳ vị vua nào làm thế này thế khác để trở thành một vị Chuyển luân Thánh vương, thống trị xã hội. Thay vào đó, Phật dạy các vị vua ấy hướng đạo, thực hành các thiện pháp và xem họ như những vị đại thí chủ.

Trong kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống, đức Phật đã kể về vị Chuyển luân Thánh vương luôn lấy chính pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ với đầy đủ các món báu: “Thuở xưa, này các Tỳ kheo, có Vua Chuyển luân Thánh vương tên là Dalhanemi (Kiên Cố Niệm), là vị pháp vương, lấy Chính pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, thống trị các quốc độ và đầy đủ bảy món báu. Vị ấy có đầy đủ bảy món báu, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị ấy có hơn một ngàn hoàng tử, dõng kiện, hùng mạnh, nhiếp phục ngoại địch. Vị này trị vì quả đất này cho đến hải biên, dùng Chính pháp trị nước, không dùng trượng, không dùng kiếm”[3].

Qua lời Phật dạy, có thể hình dung một vị Chuyển luân Thánh vương như người vận chuyển bánh xe pháp, tôn trọng pháp, dựa vào pháp, cai trị theo pháp vì sự sáng lạn của thế giới. Đặc biệt, vị vua này sở hữu bảy món báu ví như thất Thánh tài trong nhà Phật gồm: xe báu trên không trung như một vũ khí hiện đại; gia chủ báu như có được người quản lý giỏi, đáp ứng mọi nhu cầu của vua; tướng quân báu là người điều khiển bốn binh chủng; nữ báu như có được người vợ đẹp, tài hoa; tượng báu với cặp ngà chinh phục muôn thú; ngựa báu có thể đi ngàn dặm, đi trên nước như đi trên đất; châu báu chính là viên ngọc Mani trong búi tóc của vua. Như vậy, để trở thành vị Chuyển luân Thánh vương hay trở thành vị vua chân chính đều phải dựa vào chính pháp, tôn thờ pháp, tôn kính pháp, ngưỡng vọng pháp, lấy pháp làm tiêu chuẩn, tiêu chí và dùng chính pháp để bảo vệ thần dân.

Thật ra, cần minh định rằng: trong lịch sử nhân loại chưa chứng minh có vị Chuyển luân Thánh vương trên đời. Chuyển luân Thánh vương chỉ là lý tưởng, không thật có. Bảy món báu chỉ cho hoàn cảnh của hiện tại và sẽ thay đổi. Trong quá khứ không có Chuyển luân Thánh vương, cả hiện tại và vị lai cũng không có. Đó chỉ là một hình mẫu lý tưởng, ước lệ để các vị minh quân y cứ làm tiêu chuẩn để trị nước, xây dựng xã hội lý tưởng.

Mục đích Phật thuyết kinh Chuyển luân Thánh vương chính là nói đến giáo lý vô thường, đổi thay của hoàn cảnh, thời cuộc. Nguyên lý đó chính là lời dạy cuối cùng của đức Phật trước khi nhập Niết bàn: “Này các Tỳ kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi: các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ”[4]. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, giáo lý của Ngài không nói gì đến học thuyết chính trị. Luận điểm này, một lần nữa đã bác bỏ quan điểm hiện nay của các học giả khi cho rằng bộ kinh này là học thuyết chính trị và Phật dạy về chính trị.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, trong kinh Tiểu Bộ (chuyện tiền thân), Phật dạy về những đức tính cần có của một vị vua chân chính, cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp và luôn hành động chân chính. Đó chính là mười phẩm hạnh của một minh quân: “Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức”[5]. Đức Phật đã nhấn mạnh vào sự thật, cái xấu hay cái tốt của dân chúng tùy thuộc vào sự hành xử của người trị vì họ. Ngài đặt ra mười phẩm hạnh cho bậc quân vương để thực hành, hướng đến xây dựng xã hội lý tưởng và Ngài không nói gì về chính trị.

Có thể thấy, đức hạnh là nền tảng, phẩm chất quan trọng của bậc vương quyền. Đức hạnh của một bậc quân vương không tự nhiên sinh ra mà xuất phát từ những việc làm cụ thể. Theo Phật, bản chất của đức hạnh không đến từ kế thừa dòng họ mà có từ chính hành động của mỗi người quyết định: “Hành động làm ăn trộm, hành động làm nhà binh, hành động làm tế quan, hành động làm vua chúa”[6]. Một khi vương quyền có đức hạnh, nhà nước có đạo đức thì điều kiện hạnh phúc của mọi công dân được khẳng định và bảo đảm. Trong Tiểu bộ kinh số 334 đã phóng tác hình ảnh, nếu một quốc vương có đức hạnh và cai trị đúng pháp, thì ngay cả trái cây cũng tăng thêm vị ngọt[7].

Điều này còn được minh chứng trong những chuyện tiền thân của Phật như: chuyện Sandhibheda, chuyện Ayakuta, chuyện Cuntani, chuyện lời giáo giới cho vua… đều ghi lại những tiền kiếp, Ngài làm vua chuyên thực hành bồ tát đạo để trị quốc, an lòng dân bằng chính pháp và đức độ. Trong chuyện lời giáo giới cho vua, sau khi Phật trấn an và tán thán vua Câu Tát La (Kasola) về việc xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là việc thiện, là con đường đưa đến chư Thiên. Đức Phật tiếp tục kể câu chuyện về hai vị vua hiền đức là Brahmadatta và Mallika, cả hai vị vua suốt đời lấy thiện sự, làm các công đức sau khi mệnh chung được sinh lên Thiên giới. Chính vị vua Brahmadatta là tiền thân của đức Phật, suốt đời Ngài lấy chính pháp để thực hành: “Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy thí thắng xan tham, lấy chân thắng hư ngụy”[8]. Rõ ràng, giáo lý của Phật dạy đều không liên quan đến vấn đề chính trị. Ở đây, giáo lý của Ngài hướng đến đời sống thiện hạnh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chinh tri qua cai nhin kinh dien nha Phat 2

Xuất thân từ hoàng tộc và trải qua 45 năm thuyết pháp, đức Phật đã hóa độ đủ mọi tầng lớp xã hội từ vua chúa, thứ quan cho đến những hạng thường dân, nô lệ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các bậc vua chúa, đại thần, Thế Tôn dạy các đệ tử không được tiếp xúc với họ, giữ khoảng cách nhất định để tránh nguy hại về sau. Có lẽ với nhãn thông của bậc giác ngộ, Ngài đã thấy rõ sự nguy hiểm trong mối quan hệ với các bậc vương quyền. Ngài đã cảnh tỉnh các đệ tử trong mối quan hệ này ví như con đường đưa đến suy kiệt, tiêu vong: “Ðàn bà hay đàn ông, rượu chè tiêu hoang phí, được địa vị quyền thế, chính cửa vào bại vong”[9].

Tâm Phật bình đẳng với tất cả mọi người từ vua quan cho đến quần chúng. Thế Tôn tiếp xúc với vua quan như tiếp xúc với các đại thí chủ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ nhà nước với công dân, đức Phật cũng đưa những lời dạy để khuyến khích đệ tử, người dân làm tròn trách nhiệm của mình, hỗ trợ nhà nước xây dựng xã hội thịnh vượng. Quan điểm vì nhà vua, vì đất nước mà dấn thân hành động được đề cập trong kinh Trung bộ, về cuộc hội đàm giữa công dân Dhananjani và ngài Sariputta với chủ đề liên quan đến những trách vụ của công dân đối với vua chúa được tôn giả tán thán: “Người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, người ấy tốt đẹp hơn”[10]. Đối với các đại thí chủ như Anathapindika[11], Upali[12] và tướng quân Siha[13]… ngay sau khi quy y Tam bảo và trở thành các cận sự nam hộ pháp tích cực, đức Phật vẫn khuyến khích họ tiếp tục thực hiện các thiện hạnh đã làm trước kia và được Ngài tán thán: “Ai trồng vườn trồng rừng, ai dựng xây cầu cống, đào giếng cho nước uống, những ai cho nhà cửa, những vị ấy ngày đêm, công đức luôn tăng trưởng”[14].

Từ những vấn đề trên, cần nhận thức rằng: Đức Phật không phải là nhà chính trị hay một triết gia tài ba lỗi lạc, chính đạo hạnh và nhân cách sống của Ngài đã làm cho mọi người, mọi tầng lớp xã hội phải tôn kính. Chính vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kosala khi đến yết kiến Thế Tôn đã lấy đầu đảnh lễ và hôn chân Ngài. Khi Phật hỏi nguyên nhân gì khiến nhà vua hạ mình tột bực như vậy? Vua Pasenadi đáp vì bảy nguyên nhân[15] khiến Ngài hạ mình quy kính trước Thế Tôn và ca ngợi: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập hành trì”[16]. Thế là Pháp trang nghiêm của vua Ba Tư Nặc được Phật chấp nhận và tán thán.

Còn nhớ vào thời Phật tại thế, mỗi khi các vị quốc vương gặp bế tắc trong vấn đề chính trị, thường đến tham vấn, thỉnh ý Thế Tôn và được thuyết dạy những điều tốt nhất để đất nước hưng thịnh, vì lợi lạc cho số đông quần chúng. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, kể về dân Bạt Kỳ (Vajji) ở Vesali được đức Phật dạy cho bảy pháp bất thối tại tự miếu Sarandada: “…Ta dạy cho dân Vajji bảy pháp bất thối này…khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajji…dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[17]. Sau đó, dân Vajji đã thực hiện đúng theo lời dạy của Phật và trở nên cường thịnh. Về sau, vua A Xà Thế (Ajatasattu) nước Ma Kiệt Đà (Magadha) muốn chinh phục dân Vajji và tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajji này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajji; ta sẽ làm cho dân Vajji bị hoại vong”[18]. Vua sai đại thần Vũ Xá (Vassakara) đến thỉnh ý Phật về vấn đề này, tuy nhiên Phật không trực tiếp trả lời. Ngài muốn xác nhận với đại thần Vũ Xá qua việc hỏi Ananda về dân Vajji đang thực hành bảy pháp bất thối được cường thịnh, không bị suy giảm. Bảy pháp này được Phật dạy trong kinh Trường bộ và người viết xin được tóm tắt những ý chính gồm: “dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo; tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết; không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống; tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của họ; không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình; tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở Vajji; bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A la hán ở Vajji”[19].

Chính Phật xác nhận khi nào dân Vajji duy trì bảy pháp bất thối, dân Vajji được cường thịnh, không bị suy giảm. Về sau, nguyên do không duy trì được bảy pháp bất thối này, xứ Vajji rơi vào tay vua nước Magadha và điều này được đại thần Vũ Xá xác định khi bạch hỏi Phật: “Tôn giả Gotama, Ajatasattu Vedehiputta (A Xà Thế) vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajji ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián…”[20]. Có thể nói, xuất phát từ câu chuyện về dân Vajji, Phật muốn dạy cho các đệ tử thực hành bảy pháp bất thối này. Ngài dạy cần làm gì để giáo đoàn vững mạnh chứ không nói về học thuyết chính trị: “Này các Tỳ kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỳ kheo, khi nào các vị Tỳ kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[21].

Đức Phật không đề cập đến hoặc giữ thái độ im lặng đối với các vấn đề chính trị. Trong một vài trường hợp khi được hỏi đến vấn đề này, Ngài im lặng như truyền tải bức thông điệp “bất bạo động” đến với các quốc vương. Nhưng đôi khi, Thế Tôn dùng lời nói gián tiếp để giúp các vua nhận ra bức thông điệp ấy. Kinh điển Nikaya đã ghi nhận điều này, trường hợp vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) chứng quả dự lưu ngay lần nghe pháp đầu tiên và nhà vua không bao giờ tham gia chiến trận. Hay trường hợp vua A Xà Thế có lần tấn công kinh thành vua Ba Tư Nặc nhưng bại trận, vua A Xà Thế bị bắt. Tuy nhiên, theo luật lệ cam kết thời ấy, vua Ba Tư Nặc có thể giết vua A Xà Thế để trả thù. Thế nhưng, vua tha mạng chỉ tịch thu vũ khí và nắm quân đội. Qua đó, thật dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của đức Phật đối với nhà vua trong quyết định này, Phật dạy: “Giết người bị người giết, thắng người bị người thắng, chửi người bị người chửi, quấy người bị người quấy, nghiệp xoay vần như thế, hại người bị người hại”[22].

Quan điểm được đặt ra: phải chăng đức Phật là nhà cải cách chính trị, nhà cải tạo xã hội? Thế nhưng, không. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, người dẫn đường, Ngài chỉ cải tạo tâm để mỗi người hướng về chính pháp, thực hành thiện hạnh để chấm dứt khổ đau. Ở đây, đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh bằng cách đi ngược lại gốc rễ thâm sâu, ẩn náo của tâm bất thiện trong chính mỗi người. Từ đó, Phật cải tạo tâm cho con người, gieo những hạt giống tỉnh thức để mỗi người biết rõ con đường của hiện tại và vị lai đi đâu, về đâu. Đúng như lời Phật dạy cho các đệ tử rằng:

“Đường này đến thế gian
Đường kia đến Niết bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Phải ý thức rõ ràng”.

Như vậy, khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã tìm thấy chân lý ngay trong cõi đời, ngay trong kiếp sống hiện tại. Giáo lý của đức Phật trong suốt 45 năm thuyết pháp không ngoài mục đích chấm dứt khổ đau và hướng đến giác ngộ giải thoát, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Nói cách khác, giáo lý của Ngài không chủ trương về chính trị, không liên quan đến học thuyết chính trị. Thế Tôn chỉ thuần dạy cho các đệ tử con đường tu tập để giác ngộ, để giải thoát, hướng đến sự hạnh phúc cho nhân sinh và xã hội. Điều này được minh chứng trong suốt cuộc đời hoằng truyền giáo pháp, Ngài luôn luôn có những lời dạy quý báu cho các quốc vương và triều đình để họ quản trị tốt đất nước với mục đích duy nhất hướng lợi lạc cho số đông, không cho bất kỳ cá nhân nào, giai cấp nào.

Thích Nữ Nhuận Anh – Học viên Thạc sĩ khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

———————-

CHÚ THÍCH

[1] Kinh Mật Hoàn, Trung bộ kinh, Tập 1, tr.147.
[2] Kinh Bẫy Sập, Tương Ưng bộ kinh, tr.178.
[3] Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống, Trường bộ kinh, Tr.527-528.
[4] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ kinh, Tr.314.
[5] Chuyện Lộc vương hoan hỷ, Tiểu bộ kinh, Tập 4, tr.540.
[6] Kinh Vasettha, Trung Bộ kinh, Tập 2, tr.249.
[7] Chuyện Khuyến vụ quốc vương, Tiểu bộ kinh, Tập 6.
[8] Kinh Pháp Cú số 223, Tiểu bộ kinh, Tập 1, tr.73.
[9] Kinh Bại Vong, Tiểu bộ kinh.
[10] Kinh Dhananjani, Trung bộ kinh, Tập 2, tr.225.
[11] Cullavagga, Tiểu phẩm tạng luật, tr.241-256.
[12] Kinh Ưu Ba Ly, Trung bộ kinh, Tập 1, tr.455.
[13] Kinh Tướng quân Siha, Tăng chi bộ kinh, Tập 2, tr.311.
[14] Kinh Trồng rừng, Tương Ưng bộ kinh, Tập 1, tr.77.
[15] Kinh Pháp Trang Nghiêm, Trung bộ kinh, Tập 2, tr.147-151.
[16] Kinh Pháp Trang Nghiêm, Trung bộ kinh, Tập 2, tr.147.
[17] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường bộ kinh, tr.280.
[18] Sđd, tr.277.
[19] Sđd, tr.278-279.
[20] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường bộ kinh, tr.280.
[21] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường bộ kinh, tr.281.
[22] Kinh Tương Ưng bộ, Tập 3.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường