Tọa lạc tại Thung lũng Hudson, tiểu bang New York (Hoa Kỳ), Middle Way School - Trường Trung Đạo - là một trường tiểu học độc lập, lấy trí tuệ và từ bi của Phật giáo làm nền tảng. Nhà trường định hình như một giải pháp thay thế có ý thức cho mô hình giáo dục tiêu chuẩn hóa hiện nay.

Với phương pháp học tập lấy trẻ làm trung tâm, lồng ghép triết lý Phật giáo và hỗ trợ toàn diện cả gia đình, Trường Trung Đạo còn chú trọng học ngoài trời và nuôi dưỡng khả năng chiêm nghiệm nội tâm. Mỗi học sinh được xem như một thành viên quý giá của cộng đồng toàn cầu.

Ảnh: Trường Middle Way
Ảnh: Trường Middle Way

Làm thế nào để nhà trường có thể nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi, biết cộng tác, đồng thời hình thành cái nhìn sâu sắc về thế giới và mối liên hệ với vạn loại? Tại đây, học sinh được khuyến khích suy nghĩ sâu sắc, được dẫn dắt bởi chính sự ngạc nhiên và trí tò mò tự nhiên.

Mục tiêu của mô hình giáo dục Trung Đạo là trao quyền cho trẻ em bằng một tâm trí rộng mở và năng lực thích ứng trong thế giới hiện đại đầy phức tạp.

Một phụ huynh tương lai đã phỏng vấn cô Sarah C. Beasley, Giám đốc cấp cao phụ trách Giáo dục Phật pháp của Trường Trung Đạo về trải nghiệm mà một đứa trẻ có thể nhận được khi theo học trong môi trường giáo dục gắn bó với Phật pháp.

Hỏi: Trường Trung Đạo là trường tôn giáo hay trường thế tục? Là trường Phật giáo hay không phải Phật giáo?

Cô Sarah C. Beasley (SCB): Trường Trung Đạo dựa trên trí tuệ và từ bi của Phật giáo. Chúng tôi không giảng dạy tôn giáo hay truyền bá tín ngưỡng, chúng tôi truyền cảm nhận rằng mọi sự đều thiêng liêng. Điều này hiện diện ngay cả khi các em mượn sách thư viện hay tìm một chiếc bút để viết. Trong các mối quan hệ, giữa học sinh với nhau hay với một chú côn trùng trong sân trường, chúng tôi đều mô hình hóa sự tôn trọng sự sống và khát vọng giúp đỡ tha nhân.

Phần lớn học sinh không đến từ các gia đình thực hành Phật giáo, nhưng các em hiểu được những nguyên lý căn bản như Tam quy, Bồ đề tâm, dòng truyền thừa và nhân quả thông qua các bài học tích hợp trong môn Khoa học xã hội và Tự nhiên.

Ảnh: Trường Middle Way
Ảnh: Trường Middle Way

Chúng tôi truyền đạt một tinh thần nhân văn, tâm linh, nơi mà mọi mối quan hệ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ cây cỏ đến côn trùng đều được nhìn nhận với sự trân trọng như một phần thiết yếu của cộng đồng. Trong lớp học, Phật pháp được lồng ghép một cách thực tế và chân thành. Học sinh được tìm hiểu về cuộc đời đức Phật và các vị Bồ Tát như những hình mẫu sống động, bên cạnh các nhân vật đương đại truyền cảm hứng như Martin Luther King Jr., Malala Yousafzai, Serena Williams, Autumn Peltier, Mahatma Gandhi…

Tôn kính hay cầu nguyện?

Hỏi: Trong lớp học, tôi thấy có bàn thờ và tượng Phật. Các em có cầu nguyện trước tượng không?

Sarah C. Beasley: Câu hỏi rất hay! Chúng tôi không dạy cầu nguyện theo nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, chúng tôi tạo cơ hội để học sinh bày tỏ nguyện ước và thiền định, hoàn toàn trên tinh thần tự do và chủ động. Chúng tôi hướng đến sự tôn kính sự sống, nhận thức về tính tương tức và giải quyết mâu thuẫn một cách tinh tế, sáng tạo.

Ảnh: Trường Middle Way
Ảnh: Trường Middle Way

Giáo dục tại đây hướng đến việc nuôi dưỡng những giá trị cộng đồng mang tính đạo đức và tâm linh, đồng thời mở ra những cách tiếp cận thế giới đầy cảm hứng, gắn kết và tích cực. Khi trẻ khám phá được tự do nội tâm, giá trị bản thân và cái tôi chân thực, các em sẽ trở thành những công dân đầy yêu thương, có khả năng đóng góp bằng chính kỹ năng và thế mạnh của mình.

Một trong những con đường hiệu quả nhất để đạt được điều đó là thiền định. Mỗi lớp đều có thời gian thiền ngắn từ 1 đến 5 phút, tùy độ tuổi. Thiền giúp các em tỉnh thức, nhận biết và tạm gác lại những yêu cầu về thành tích hay năng suất. Đó là giây phút các em được “làm người”, thay vì chỉ là “người làm”. Một giá trị vô giá ở bất kỳ độ tuổi nào!

Ảnh: Trường Middle Way
Ảnh: Trường Middle Way

Trong cộng đồng của chúng tôi, đức Phật là tấm gương cho sự thiền định và biểu hiện của các phẩm chất giác ngộ. Tuy nhiên, thiền định không dựa vào một nhân vật hay đấng thiêng bên ngoài. Đức Phật là biểu hiện nội tâm, là tình yêu thương bản thân và lòng vị tha với chúng sinh. Thông qua tất cả môn học, chúng tôi khơi dậy Phật tính trong trẻ bằng những cách thức cụ thể, gần gũi và sống động. Mô hình giáo dục này nhấn mạnh sự khám phá nội tâm và giá trị bên trong của chính các em.

Hỏi: Cô có thể chia sẻ rõ hơn về cách trường tạo điều kiện để học sinh cảm thấy được phản ánh và nhìn nhận chính mình trong chương trình học?

Sarah C. Beasley: Vâng, chúng tôi dựa trên khái niệm “cửa sổ, gương soi và cánh cửa trượt”, một khái niệm trong giáo dục vốn rất hữu ích. Cửa sổ là nơi học sinh nhìn ra thế giới và tiếp cận với những trải nghiệm khác với của chính mình. Gương soi là khi các em nhìn thấy bản thân được phản chiếu văn hóa, niềm tin, gia đình, hoàn cảnh sống của mình được công nhận và trân trọng. Cánh cửa trượt là những khoảnh khắc học sinh bước qua một không gian mới để thử nghiệm, tưởng tượng và nhập vai để thực sự bước vào thế giới của người khác.

Tại Middle Way School, học sinh được gặp gỡ những hình mẫu sống động từ các truyền thống và nền văn hóa khác nhau, được khuyến khích kể câu chuyện của chính mình, đồng thời cũng học cách lắng nghe câu chuyện của người khác với lòng trân trọng. Việc này được thực hiện không chỉ qua các tiết học mà còn qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động ngoài trời và các nghi lễ hàng ngày.

Chúng tôi luôn tìm cách làm cho nội dung giảng dạy trở nên gần gũi, ý nghĩa và mang tính phản chiếu, không phải chỉ là tiếp thu kiến thức, mà còn là khám phá bản thân và vị trí của mình trong thế giới.

Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng giác ngộ, chúng tôi tin như vậy và nhiệm vụ của giáo dục là khơi mở tiềm năng ấy, không áp đặt, không phán xét.

Hỏi: Trường đã kết nối với cộng đồng rộng lớn hơn như thế nào?

Sarah C. Beasley: Chúng tôi có rất nhiều cách để gắn bó và lan tỏa trong cộng đồng địa phương!

Vào mỗi mùa thu, trường mở cửa đón công chúng tới Hội sách do các giáo thọ Phật pháp dẫn dắt. Đến mùa xuân, người dân lại được mời tham dự Triển lãm nghệ thuật học sinh, nơi trưng bày những sáng tạo ngập tràn sắc màu của tuổi thơ.

Mùa hè, chúng tôi tổ chức chương trình “Mùa Hè Kỳ Diệu” dành cho trẻ em, kết hợp những chuyến phiêu lưu ngoài trời với hành trình khám phá nội tâm.

Suốt năm, trường duy trì các buổi sinh hoạt mở dành cho phụ huynh và gia đình, xoay quanh những chủ đề như nuôi dạy con cái, chăm sóc người thân ở các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, cũng như các vấn đề giao thoa như Phật pháp và công lý phục hồi.

Mới tháng trước, các em học sinh đã cùng nhau tạo nên “Cây Yêu Thương”, một món quà gửi tặng cộng đồng địa phương. Từng món quà nhỏ do chính tay các em làm ra, mang theo thông điệp lan tỏa niềm vui và ánh sáng đến những người xung quanh. Dự án dễ thương này là kết quả hợp tác giữa các giáo viên Phật pháp, nghệ thuật và giáo dục ngoài trời, khuyến khích học sinh tạo ra điều gì đó để sẻ chia, thay vì giữ riêng cho mình. Vật liệu sử dụng đều là đồ tái chế, thân thiện với môi trường. Người lớn, trẻ nhỏ, ai cũng tò mò và thích thú trước những món quà mang tình bạn này. Chính những điều nhỏ bé ấy đã khơi mở các cuộc trò chuyện ý nghĩa và nuôi dưỡng sự trân trọng lẫn nhau.

Hiện tại, trường đang tổ chức chương trình gây quỹ trực tuyến “Hạt Mầm Giác Ngộ” (Seeds of Awakening), một triển lãm nghệ thuật Phật giáo đầy tinh tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của trường. Triển lãm được tuyển chọn kỹ lưỡng, tràn ngập các tác phẩm tuyệt vời. Chúng tôi rất mong được đón tiếp bạn ghé thăm, chung tay ươm mầm cho nền giáo dục trẻ thơ dựa trên tinh thần Phật pháp.

Tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi là mọi chúng sinh đều nhận được lợi lạc từ những gì nhà trường đang làm, để từng người có thể nhận ra bản tính chân thật của mình, vượt thoát khỏi khổ đau và sợ hãi.

Một cộng đồng cùng nhau học hỏi

Middle Way School không chỉ là nơi học sinh học, mà còn là nơi gia đình và giáo viên cùng đồng hành và trưởng thành. Chúng tôi hỗ trợ cả gia đình trong quá trình giáo dục con trẻ bằng các buổi họp phụ huynh, hội thảo về giáo dục theo tinh thần Phật pháp và các dịp tu học cộng đồng.

Trong thế giới phức tạp hiện nay, trẻ em cần được nuôi dưỡng không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng lòng từ, sự chú tâm và sự tỉnh thức và đó chính là con đường Trung đạo mà nhà trường đang thực hành.

Bài kệ dâng Trường Trung Đạo

Nguyện việc học, trò chơi

Đều đơm hoa kết trái,

Nguyện muôn loài an vui

Được tự tại mỗi ngày.

Nguyện hành động ta làm

Đều mang lại lợi lạc

Cho trái đất, vạn loại

Cho người và cho cây.

Tác giả: Sarah C. Beasley/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net