Tác giả: Trần Thị Minh Nghĩa (PD: Thích nữ Nhuận Mỹ)
Thạc sĩ chuyên nghành Lịch sử Phật giáo, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tóm tắt
Phật giáo thời Lê sơ (1428 - 1527) tuy ít được triều đình quan tâm một phần cũng do hậu quả của cuộc chiến tranh. Những nỗ lực để duy trì và phát huy Phật giáo thời kỳ này của các bậc danh Tăng vẫn đem lại ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực như: văn hóa, văn học, lịch sử của dân tộc Đại Việt. Vì vậy Phật giáo thời Lê sơ làm nền tảng cho Phật giáo ở những giai đoạn sau tiếp tục phục hưng và phát triển. Trong đó, có một số thiền sư tiêu biểu như: Thiền sư Viên Thái, thiền sư Pháp Tính,… có trước tác các tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm quốc ngữ góp phần chấn hưng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt, tích cực chống đồng hóa giặc phương bắc.
Từ khóa: thiền sư thời Lê sơ, truyền thống văn hóa, dân tộc Đại Việt
1. Các trước tác văn học Phật giáo của các thiền sư thời Lê sơ
Nền văn học viết của dân tộc ở triều Lê sơ thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI bao gồm văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Trong giai đoạn này, ngoài sáng tác thơ văn còn có các công trình sưu tầm, biên soạn. Về thể loại văn học, bên cạnh các thể thơ, phú, chiếu, biểu, văn bia, truyện ký... Thế kỷ XV còn xuất hiện một thể tài văn xuôi mới như thư tín, chính luận và cáo...
Lực lượng sáng tác thơ văn ở giai đoạn này khá hùng hậu và thành tựu sáng tác cũng rất lớn, để lại một dấu ấn hết sức đậm nét và riêng biệt trong lịch sử văn học Việt Nam thời phong kiến. Nội dung văn học triều Lê thế kỷ XV khá phong phú, phản ánh được nhiều mặt của đời sống chính trị, tư tưởng, tinh thần, xã hội đương thời, trong đó nổi bật nhất và quan trọng nhất là nội dung nói về lòng yêu nước, quyết tâm của quân dân ta đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc, là ca tụng những trận đánh oai hùng của nghĩa quân Lam Sơn... Sang nửa sau thế kỷ XV, dưới triều Lê Thánh Tông, văn học Việt Nam có một bước phát triển mới với một diện mạo mới rất rõ, phản ánh đời sống xã hội ổn định, thịnh trị của chủ nghĩa phong kiến đang vươn lên mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, lực lượng sáng tác văn chương đông đảo, sổi nổi và hầu hết đều quy tụ xung quanh Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra và đích thân làm Tao đàn chủ soái. Lê Thánh Tông không chỉ làm Chủ soái Hội văn chương cung đình mà ông còn là ngọn cờ lãnh đạo cả nền văn học đương thời.
Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê sơ bao gồm các tác phẩm văn học Phật giáo, viết về đời sống sinh hoạt tâm linh mang tính chất giải thoát. Các tác phẩm cũng phản ánh phần nào tình hình, đời sống sinh hoạt tâm linh Phật giáo trong bối cảnh lịch sử của nước ta vào thời Lê sơ. Các tác giả là các vị thiền sư và các vua, quan, tín đồ am hiểu Phật pháp, như: Lê Thánh Tông (1460 - 1497) có: Hồng Đức quốc âm thi tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn; Nguyễn Trãi (1380 - 1442) bên cạnh là nhà Nho, trong thơ của ông có những nét tư tưởng Phật giáo với một số bài: Thu dạ khách cảm, Lâm cảng dạ bạc, Mạn hứng 2, Mạn hứng 5, Du sơn tự, Đề Yên Tử sơn Vân Yên tự, Giang hành, Đề Đông Sơn tự, Tống Tăng Đạo Khiêm quy sơn, Đề Nam Hoa thiền phòng, Côn Sơn ca,... mang cảm quan Thiền học.
Các bài thơ chữ Nôm trong tập Quốc âm thi tập như: Hoa mộc cận, Ngôn chí 4, Ngôn chí 10, Ngôn chỉ 11, Ngôn chí 14, Ngôn chí 16, Tự thán 12, Tự thán 27, Tự thán 33, Mạn thuật 6, Mạn thuật 8, Thuật hứng 2.... Lương Thế Vinh (1441 - 1496) có Nam tông tự pháp đồ và Thiền môn giáo khoa của nhà sư Thường Chiếu thời Lý, Lê Ích Mộc (1458 - 1538) với bài thi Lê triều đình đối, năm 1502. Nội dung là những câu hỏi về chủ đề Phật giáo của vua Lê Hiến Tông và các câu trả lời của Lê Ích Mộc về Phật pháp và triết lý Thiền tông trong Phật giáo.… Văn học chữ Nôm trong thời kỳ này dần dần thoát ly ảnh hưởng của văn Trung Quốc.
Trong đó các tác phẩm văn học Phật giáo, các bản kinh được dịch thuật từ chữ Hán sang chữ Nôm của các tác gia thiền sư, như: Thiền sư Viên Thái (1400 - 1460) vào niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) thứ 1, đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Sinh thời thiền sư trước tác phiên dịch 3 tác phẩm văn học Phật giáo từ chữ Hán sang chữ Nôm còn lưu lại đến nay, gồm: 1. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, 2. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, 3. Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh; thiền sư PhápTính (1470 - 1550) trước tác, Ngọc âm chỉ nam giải nghĩa, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh. Thời Lê sơ văn hóa tín ngưỡng tâm linh Phật giáo chùa Dâu và Phật Pháp Vân là đối tượng được triều đình và nhân dân thời bấy giờ rất tôn thờ. Nên thiền sư Viên Thái đã có công lớn trong việc nổ lực duy trì truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt. Tất nhiên những điều này bộc lộ yêu cầu dân tộc hóa mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo vào thời Lê sơ, khi mới lập lại nền độc lập của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, và những danh thần khác như Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân v.v...
Sau nhà Trần, Lê Lợi sau những ngày đánh tan quân Minh, nhà Lê tái lập lại nền độc lập và phục hưng văn hóa dân tộc lần nữa. Những vị vua Phật tử như Lê Lợi, cùng với những đại thần như Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân đã nỗ lực xây dựng hệ tư tưởng Phật Tứ Pháp để đối kháng lại những văn hóa ngoại lai, trong đó có cả Phật giáo nhà Minh đưa sang. Do đó Phật giáo chùa Dâu và Phật Pháp Vân trở thành đối tượng tôn thờ và kết nối truyền thông tính tự chủ, độc lập dân tộc. Một loạt tác phẩm thi ca ra đời để vịnh về chùa Pháp Vân nhằm ca ngợi sự linh ứng của Phật Pháp Vân đối với Phật pháp và đất nước mà ngày nay ta còn bảo lưu được trong Hồng Đức Quốc âm thi tập. Trong vai trò của lịch sử, Phật Pháp Vân được tôn vinh “Tỉnh phò thế nước dường như tại, Thăm thẳm cao trông nữa thái dương”.
Bản kinh sớm nhất còn nguyên vẹn bằng tiếng Việt mà ta có hiện nay là Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có thể coi là được thiền sư Viên Thái (1400 - 1460) biên chép vào khoảng giữa những năm 1440, khi đất nước đang nỗ lực dân tộc hoá các sinh hoạt văn hoá của mình sau thời gian bị giặc Minh chiếm đóng. Thiền sư Viên Thái là một trong những người có đóng góp lớn lao trong việc trước tác và dịch thuật các bản kinh từ chữ Hán sang chữ Nôm. Vào thời Bắc thuộc, chữ Hán đã định hình và phát triển khá thuận lợi để rồi đi vào đời sống văn hóa, lưu lại cho chúng ta một số trước tác, dịch thuật liên quan đến nội dung Phật học và một số thơ văn mà các nhà nghiên cứu công bố.
Đến thời kỳ độc lập tự chủ trải qua các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần và đến triều Hậu Lê thì chữ Hán chiếm lĩnh hầu hết các địa hạt văn học . Thế kỷ XIII chữ Nôm được đưa vào sử dụng, người tiêu biểu đại diện là vua Trần Nhân Tông. Trong lĩnh vực Phật giáo, quá trình du nhập và truyền bá một lượng lớn kinh điển giáo lý nhà Phật, chữ Nôm đóng góp không nhỏ. Những thư tịch Phật giáo bằng chữ Hán Nôm còn đến ngày nay rất nhiều, giai đoạn sớm thời Lý - Trần chữ Nôm đã sớm xuất hiện trên văn bia, cho thấy chữ Nôm đã được dùng trong văn bản tôn giáo. Các tư liệu như: “Cư trần lạc đạo phú”, “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” của Trần Nhân Tông, “Vịnh Hoa Yên tự phú” của Huyền Quang, v.v… là những bài thơ văn Nôm thời Trần với nội dung bàn về triết lý thiền học mà các Tổ thấu đắc và thực hành thiền quán trong đời sống tu tập đem lại kết quả tốt đẹp. Những tác phẩm ấy còn tồn tại đến nay, cho thấy người tu hành đã dùng văn Nôm để thể hiện sự tu chứng của bản thân hành giả trong quá trình tu tập.
Thứ tiếng Việt Nam phong phú ấy, dùng thuần Hán tự, không thể diễn dịch hết được. Vì nó ngày một dồi dào thêm, phát triển thêm mà Hán tự thì cứ đứng yên hay phát triển theo cái đà riêng của mình, chứ không ăn nhập gì đến trào lưu tiến bộ của nó. “Chữ Nôm” được cấu tạo trên căn bản mượn chữ Hán làm gốc, cũng bởi lúc bấy giờ các bậc danh sĩ nước ta muốn diễn dịch thứ tiếng Việt phong phú, vốn có nên cần tạo thêm chữ mới là rất phù hợp. Chữ Nôm xuất hiện có ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, ý thức tự cường và khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt. Nhiều tác phẩm Phật giáo sáng tác bằng chữ Nôm hoặc dịch kinh điển Phật giáo viết bằng chữ Hán sang chữ Nôm nhằm hoằng dương Phật pháp để mọi người hiểu giáo lý nhà Phật và tạo nên văn học Phật giáo Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Thiền sư Viên Thái ý thức được vai trò của mình trong việc phiên dịch các tác phẩm văn học Phật giáo ra chữ quốc ngữ (chữ Nôm) để truyền bá Phật pháp. Riêng tác phẩm Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục là tích truyện về sư Khâu Đà La và Phật Mẫu Man Nương, vốn dĩ tích chuyện này có từ thời Hán Linh Đế, tích truyện này có nhiều truyền bản như bản thời Lý - Trần các bản thời Hậu Lê. Bản thời Lê sơ của thiền sư Viên Thái là người tiên phong phiên dịch, trùng khắc và bảo tồn tác phẩm này, kế tiếp là thiền sư Pháp Tính và sang thời Lê Trung hưng có thiền sư Tính Mộ và sang thời Nguyễn có Hòa thượng Phúc Điền.
Theo Hòa thượng Phúc Điền trong Thiền uyển truyền đăng, quyển hạ, tờ 2 b, có đoạn:
(Nghĩa là: Đời Hán Linh Đế có sư Khâu Đà La người Nam Thiên Trúc đến trung tâm Luy Lâu, chùa Cổ Châu (chùa Dâu) tại Giao Châu, tỉnh Bắc Ninh. Thời đó Sĩ vương trị vì, Mã Mang trụ trì chùa Linh Quang. Ở làng Mãn Xá, huyện Siêu Loại, chùa Phúc Nghiêm. Có cư sĩ Tu Định sinh được một con gái tên là Man Nương...).
Nội dung của tích chuyện xoay quanh vấn đề sư Khâu Đà La là một vị thánh Tăng có năng lực, có nhiều phép thần thông và truyền bá đạo Phật tại Giao Châu thời bấy giờ. Sư ở nhà Phật tử Tu Định và sự việc đi đến tình tiết con gái Tu Định tên là A Man tự nhiên có mang. Tu Định mang con gái đến hỏi sư thì được sư chỉ dạy khi nào A Man sinh thì mang đứa bé để vào bọng cây. Sau này cái cây trở thành gỗ linh thiêng trôi nổi trên sông được dân làng đem về khắc thành 4 tượng Phật thờ ở 4 ngôi chùa (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện).
Tích chuyện vừa thực vừa hư thể hiện tính quyền năng của Phật giáo. Theo Thiền uyển truyền đăng, quyển hạ, tờ 4 ab, như sau:
(Tạm dịch: ...Đường Đức Tông sai Triệu Xương biên làm sử ký. Thời Lý Nhân Tông trời mưa dầm lâu dài, vua sai rước Tứ thánh tại chùa Báo Thiên cầu tạnh mưa, thì năm đó được mùa. Sau đó rước về lại chùa Cổ Châu. Đến thời Hoàng đế Đại Ninh trời đại hạn suốt 3 năm, vua sai Đỗ Công Kiệt cùng danh Tăng rước tứ thánh tại kinh đô chùa Khán Sơn, cầu mưa thì tức thời trời mưa lớn bốn phương tràn đầy [...] Khi quân giặc đường thủy và đường bộ nhà Tống thôn tính kéo vào nước ta, vua sai rước Tứ thánh tại tỉnh Thái Nguyên để thờ phụng. Quan quân tiêu trừ, quân Tống bại trận rồi quân Tống phóng lửa đốt Phật tự nhưng lửa chẳng thể đốt được. Vua sai rước Tứ thánh trở về lại chùa Cổ Châu. Đời Lý Thần Tông gặp tiết trời đại hạn, vua sai rước Tứ thánh về chùa Báo Thiên cầu mưa, liền có mưa lớn suốt 3 ngày đêm. Bốn phương mưa lớn nhờ vậy mà lúa mạ được mùa.)
Và như vậy, tích truyện đã đáp ứng được mơ ước của nhân dân ta về những vị thần có thể che chở cho cuộc sống của dân làng được bình yên, ấm no và hạnh phúc. Từ tích truyện mà vai trò của Phật giáo trở nên rất quan trọng truyền thống văn hóa của dân tộc Việt từ xưa được giữ dìn và phát huy. Hơn thế nữa thiền sư Viên Thái lại trước tác thêm 2 bản kinh kế tiếp là Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản kinh này đã được san khắc qua các thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Theo bản hiện còn của ngài Pháp Chuyên Luật Truyền (1726 - 1798) thời Lê Trung hưng được chép lại vào thời Nguyễn thời vua Thiệu Trị, năm 1847, chùa Càn An tàng bản, trại Nam Đồng, phủ Hoài Đức, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội có đoạn như sau:
(Tạm dịch: …Nếu con ngổ nghịch, bào thai dẫy đạp phá phách khiến đau lòng mẹ, như nghìn mũi dao khuấy động bụng mẹ, như vạn mũi dao đâm vào tim, mẹ đau đớn biết bao, không sao kể xiết, sinh được thân này, mừng thay vui thay! Đức Phật bảo A Nan công ân phụ mẫu có mười điều, thế nào là mười điều. Thế Tôn dạy rằng: Các ngươi lắng nghe. Một là kẻ làm con phải luôn nghỉ nhớ báo ân, hai là..).
Như vậy, nội dung báo ân phụ mẫu là tinh thần nhân văn đề cao đạo hiếu cần phải thực hành của mỗi con người trong xã hội. Hiếu nghĩa là hiền thảo và hết lòng phụng dưỡng cho cha mẹ, cảm thấu nỗi khổ của cha mẹ. Nếu cha mẹ qua đời thì phải có bổn phận thờ phụng cha mẹ. Người con biết hiếu thuận không bao giờ sống trái đạo lý. Cao hơn nữa chữ “hiếu” trong kinh Phật giáo mang ý nghĩa sâu sắc hơn vượt ngoài phạm vi cha mẹ mình ông bà mình mà sống tính cực đem lại lợi ích cho cả tha nhân và mọi người mới thực sự là báo hiếu.
Đức Phật cũng từng dạy trong kinh Phạm Võng: “Bởi vì, tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, nhiều đời ta từ đó mà thọ sinh, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta”. Chính vì vậy, bản kinh mang ý nghĩa rất sâu sắc tạo niềm tin, kính cho nhân dân, được thiền sư Viên Thái gìn giữ và truyền bá sâu rộng trong quần chúng dân gian.
Tiếp theo là thiền sư Pháp Tính (1470 - 1550), thiền sư đã dịch Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục ra tiếng Nôm gọi là Cổ châu Pháp Vân hạnh và viết Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, đã mạnh mẽ hô hào việc học tập tiếng Việt quốc âm, với đoạn thơ: Hồng phúc tên Hương Chân Pháp Tính/ Bút hoa bèn mới đính nên thiên/ Soạn làm chữ cái chữ con/ San bản lưu truyền ai đặt thì thông…/ Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép/ Người thiểu học khôn biết khôn xem/ Bây chừ nôn dạy chữ đơn/ Cho người mới học nghĩ xem nghĩ nhuần.
Chính trong phong trào dân tộc hoá đầy khí thế này, cả một cao trào sáng tác văn học bằng chữ Việt mới ra đời, và được bảo lưu cho tới ngày nay cho những tác gia lớn như: Viên Thái, Pháp Tính. Như Hồng Đức quốc âm thi tập đã ghi nhận trong một bài thơ khác. Và vĩ đại bởi vì ngài “tỉnh phò thể nước dường như tại” (lặng lẽ phò trì cho đất nước như thường luôn đứng một bên). Và chính trong bầu không khí tràn đầy niềm tin đối với Phật Pháp Vân mà thiền sư Pháp Tính (1470 - 1550) đã dịch Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục ra tiếng Việt, gọi là Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh. Có thể nói đây là một trong những truyện Việt đầu tiên hiện biết, trong đó ta tìm thấy cảnh rước Phật Pháp Vân một cách sinh động đầy màu sắc vào những năm cuối cùng của đời vua Lê Thánh Tông (ở ngôi 1460 - 1497).
Đến đời Hồng Đức niên gian,
Dựng làm lễ hội đưa con lên chùa
Tán vàng tán tía khoe đua
Bụt Ả là chị lên chùa đưa con
Người ta sum họp dư muôn
Cờ bằng bươm bướm tiến lên rợp đường
Gác cao chuông gióng tiếng vang
Hai bên phố xá tựa dường tiên bay.
Phát hành ba tiếng lớn thay
Cờ vàng tán tía nghiêm thay Bụt Dì
Người ta xem hội đà ghê
Bà Út con họ hội lề đua nhau
Được mùa ai cấm ai đâu
Việt Nam đón hội chùa Dâu dậy dàng.
Khi viết vậy, thì có khả năng là Pháp Tính đã đích thân chứng kiến, vì hiện tại ta không có bản văn nào khác tả lại cuộc rước xách như thế, ngoài bản của Pháp Tính. Hơn nữa, căn cứ vào những bài thơ vịnh chùa Pháp Vân mà ta hiện còn bảo lưu được trong Hồng Đức quốc âm thi tập, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của vua quan triều Lê đối với ngôi chùa này, thì chắc chắn một cuộc rước xách rầm rộ kiểu Pháp Tính mô tả dứt khoát đã xảy ra. Cần nhớ Hồng Đức quốc âm thi tập là một tập hợp những bài thơ của Tao Đàn nhị thập bắt tú do Lê Thánh Tông thành lập. Bản thân Pháp Tính là một tác giả cuối đời Lê Thánh Tông và sống đến đầu đời Mạc. Còn căn cứ trên văn cú, văn phong và các từ ngữ sử dụng, ta có thể chứng minh Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh rất gần gũi và tỏ ra cùng một tác giả với Ngọc âm chỉ nam. Cuối thế kỷ XVI, Việt sử diễn âm của một tác giả hiện chưa biết tên, còn nhắc đến:
Siêu Loại có làng Cổ Châu
Làm bốn tượng Phật nhẫn sau còn truyền
Hiệu là Pháp Vũ, Pháp Vân
Pháp Lôi, Pháp Điện còn truyền đến nay.
Theo GS. Lê Mạnh Thát đề cập: Việc tồn tại các kinh điển bằng tiếng Việt theo nghiên cứu của chúng tôi đã xuất hiện từ lâu, ngay khi những lời dạy của đức Phật được truyền thụ lại cho những người Phật tử Việt Nam như; Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Điều bất hạnh là do thiên tai dịch họa, đặc biệt là do dã tâm diệt chủng văn hoá của kẻ thù, số kinh điển này đã không được bảo lưu cho chúng ta ngày nay một cách nguyên vẹn. Dẫu thế chúng ta biết một số chúng đã có mặt rất sớm như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Tạp thí dụ kinh v.v… Và qua những năm tháng sau đó chắc chắn những kinh khác cũng đã được dịch ra tiếng Việt hoặc từ chữ Phạn, Pàli hay chữ Hán, nhưng hầu hết đã bị tán thất.
2. Đạo Phật với văn hóa truyền thống dân tộc
Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Điều đó được ghi chép trong tác phẩm Lĩnh Nam chính quái, nói về việc Chữ Đồng Tử được nhà sư Phật Quang, núi Quỳnh Viên truyền dạy giáo lý Phật giáo; Truyền thuyết trăm trứng trong truyện họ Hồng Bàng, ta thấy truyền thuyết này đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh 3 ĐTK152 tờ 14a26-cl18 truyện 23 do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán vào khoảng những năm (200 - 250). Cũng vậy thời Lê sơ, một loạt bài thơ vịnh về chùa Pháp Vân ra đời với niềm tin sâu xa vào sự linh ứng của Phật Pháp Vân mà ngày nay ta còn đọc được trong Hồng Đức quốc âm thi tập:
Dậy đức thần cơ chỉ mở mang
Công thu thu vẹn chính triều cương
Kính bày dờn dợn đồ khuê bích
Gìn giữ khăng khăng chốn (...) thường
Nhờ phước trùng trùng so địa hậu
Tưởng ơn dặc dặc sánh thiên trường
Tỉnh phò thế nước dường như tại
Thăm thẳm cao trông nữa thái dương.
Sự hiện diện của Phật Pháp Vân đối với dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV như vậy là một sự hiện diện vừa gần gũi vừa vĩ đại. Gần gũi bởi vì: Nghiệm xem ấm tí thần thông ấy/ Phổ độ nào đâu chẳng phỉ nguyền.
Như vậy thời Lê sơ với tác phẩm “Cổ châu Pháp Vân” được thiền sư Viên Thái và Pháp Tính trùng khắc bằng chữ Nôm và được thờ phụng tại chùa Dâu, đều này cho thấy quan niệm của nhân dân về đức Phật, với hình tượng tiêu biểu là đức Phật Pháp Vân trong tín ngưỡng Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) để che chở cho nhân dân và giữ yên bờ cõi cho đất nước được thịnh trị. Và đức Phật tại tâm hình thành sau cuộc cách mạng tư tưởng với sự ra đời của dòng thiền Pháp Vân do các ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền đề xướng, được phát triển đến đỉnh cao với tư tưởng Phật giáo của ngài Trần Nhân Tông, là những tầng cơ bản của nền Phật giáo nước ta. Đức Phật trong tâm thức của người Việt không giống với đức Phật Ấn Độ, hay Trung Quốc, Nhật Bản...
Và, đấy là những yếu tố cơ bản hình thành nền Phật giáo Việt Nam. Những yếu tố này được hình thành trong lịch sử và là một sự hình thành có ý thức. Mọi sự phát triển đều xây dựng trên nền tảng của nền Phật giáo này, trên kinh nghiệm của quá trình hòa nhập của Phật giáo vào nền văn hóa dân tộc, trở thành một cơ thể thống nhất, bất khả phân ly. Hình tượng đức Phật này là một trong những yếu tố cơ bản để xác định bản sắc của Phật giáo dân tộc, đồng thời chứng minh cho bản chất của Phật giáo là không giáo điều và phủ nhận các hệ tư tưởng khác ngoài mình một cách cực đoan.
Đó là quá trình hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam để trở thành một nền Phật giáo bản địa, vì lợi ích thiết thực của dân tộc, đáp ứng những yêu cầu cụ thể của lịch sử và đời sống tâm linh của người Việt. Bối cảnh xã hội nước ta thời Lê sơ dân tộc ta bị ảnh hưởng của quan niệm phong kiến của đạo Nho và đạo Lão từ Trung Quốc. Dần dần chế độ phong kiến có nhiều biểu hiện suy thoái. Các sĩ phu tỏ ra bất lực trước thời cuộc nên bắt đầu quay về với đạo Phật. Nhân dân khi tiếp cận, nghiên cứu giáo lý Phật Đà, họ khám phá được tính triết lý cao siêu và giá trị vĩ đại của Phật pháp trong việc chuyển hóa tự thân, cải tạo hoàn cảnh, nên hết sức kính trọng Phật giáo. Họ đã ít nhiều hành theo lời Phật dạy, đưa đạo vào đời để làm đẹp cuộc đời. Chính họ đã sử dụng năng lực và vị thế xã hội của mình để hộ trì chính pháp.
Theo Thích Nguyên Hạnh, trong sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt hiện nay đề cập: Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa (tục thờ cúng tổ tiên), với những nguyện vọng, ước mơ của người lao động, Phật giáo đã thấm sâu vào trong dân chúng, tồn tại và phát triển qua nhiều đời, nhiều thế hệ và được đông đảo nhân dân Việt Nam hưởng ứng. Phật giáo được Việt hóa đã có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân, tạo nên sự dung hợp với truyền thống văn hóa dân tộc trên mọi khía cạnh: Lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, tập quán ...
Tuy rằng pháp luật của triều đình Lê sơ không đề cao vai trò của Tăng sĩ nhưng điều đó mang ý nghĩa chấn chỉnh, nghiêm túc đời sống sinh hoạt chư Tăng duy trì nếp sống sinh hoạt thanh tịnh nơi thiền môn. Các tập tục của dân làng hàng năm đi chùa lễ bái vào các dịp lễ, tết mang màu sắc địa phương có giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc. Sâu xa hơn là các phật tử quy y cửa Phật, hộ trì Tam bảo, phật tử là lực lượng nòng cốt phò hộ và duy trì tín ngưỡng tâm linh Phật giáo thời kỳ này. Từ đó triết lý sâu sắc của Phật giáo như: tri ân báo ân, nhân quả, thập thiện, thực hành Bồ tát đạo cứu khổ ban vui,... được các tín đồ Phật giáo thực hành trong đời sống thực tại làm tăng thêm tính đạo đức, nhân văn cao đẹp của xã hội lúc bấy giờ. Và như vậy, văn hóa truyền thống của dân tộc ta luôn gắn bó với các ngôi chùa Phật giáo. Như câu: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Tóm lại
Thời Lê sơ Phật giáo vẫn là cái nôi để duy trì văn hóa truyền thống dân tộc, điều này không chỉ thể hiện qua việc trùng tu chùa viện của chư tăng và phật tử mà các nỗ lực của Phật giáo giai đoạn này còn được thấy thông qua việc các thiền sư đã giữ gìn và phiên dịch các tác phẩm văn học Phật giáo sang chữ quốc ngữ (chữ Nôm) đã có từ thời trước. Từ đó Phật giáo góp phần chống đồng hóa giặc phương bắc, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt, xây dựng nước nhà thêm hưng thịnh, nhân dân an lạc, đạo Pháp trường tồn.
Tác giả: Trần Thị Minh Nghĩa (PD: Thích nữ Nhuận Mỹ)
Thạc sĩ chuyên nghành Lịch sử Phật giáo, HVPGVN, TP.HCM
***
Sách tham khảo
1. Viện Sử Học (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb. KHXH Hà Nội, tr.345.
2. Viện Sử Học (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb. KHXH Hà Nội, tr.347.
3. TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH TP. HCM, năm 2021, tr.247
4. Lê Mạnh Thát (2001 ), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.15-16.
5. Lê Mạnh Thát (2003), Lịch sử Phật giáo Việt từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế (544), tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.163; 18) tr.164; 19) tr.164; 20) tr.165; 21) tr.165; 24) tr.23; 25) tr.163; 26) tr.164.
6. Thích Phước Đạt, Tín ngưỡng tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt, https://giacngo.vn/tin-nguong-tu-phap-trong-vai-tro-chan-hung-van-hoa-dai-viet-post1962.html (truy cập 18/9/2024)
7. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.79; 16) tr.80; 17) tr.80; 22) tr.79; 23) tr.79
8. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức Hà Nội, tr.234.
9. Thích Minh Thanh (2020), Giáo trình học chữ Nôm, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM, tr.6.
10. Kiều Thanh Quế (2009), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam tuyển tập khảo cứu phê bình, Nxb. Thanh niên, tr.331
11. Nguyễn Công Lý - Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2016), Văn học Phật giáo Viêt Nam: Thành tựu và định hướng nghiên cứu mới, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.251.
12. Pháp Chuyên Luật Truyền, Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Càn An tự tàng bản, Viện Hán Nôm, năm 1847, tr.22.
13. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Thích Trí Tịnh dịch (2008), Nxb. Tôn Giáo, tr.362.
14. BHPTU, Phật Học Cơ Bản, Chương trình Phật học Hàm thụ (1998 - 2002), tập 4, Nxb. TP. HCM, tr.544; 28) tr.544; 29) tr.544.
15. Thích Đạo Ngộ (2019), Thiền sư Chân Nguyên và sự phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm đời Trần, Luận văn Thạc sĩ Phật học, HVPGVN, TP.HCM, tr.24.
16. Thích Nguyên Hạnh (2016), Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt hiện nay, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.6.
Bình luận (0)