Những điều Bụt dạy gồm Giáo pháp và Giới luật (Dhamma-Vinaya). Ba tháng sau khi Bụt viên tịch, những môn đệ gần gũi nhất của Ngài đã nhóm họp một hội đồng để tụng kể lại Giáo pháp và Giới luật. Tôn đức Ãnanda (A-nan), người đã 25 năm theo bên Bụt, tụng kể lại Giáo pháp và tôn đức Upali (Ưu-bà-li) tụng kể lại về Giới luật.
Tại hội đồng này các chủ đề của pháp Bụt được phân công cho các bậc trưởng thượng và các môn đệ của họ ghi nhớ lấy. Như vậy giáo pháp của Bụt đã được truyền dạy từ người thầy đến các môn đệ bằng cách truyền miệng. Trong hội đồng này không có sự thêm hoặc bớt bất kì một điều gì.
100 năm sau khi Bụt viên tịch, hội đồng lần thứ hai được tổ chức. Chỉ vài điều liên quan đến giới luật, chứ không phải là giáo pháp, được nêu ra bàn luận. Tại hội đồng này một số tu sĩ “cấp tiến” ủng hộ việc thay đổi vài điều thứ yếu trong giới luật. Tuy nhiên những tu sĩ chính thống không tán thành, nói rằng không được thay đổi gì cả. Vì thế một số tu sĩ “cấp tiến” rời bỏ hội đồng và thành lập “Mahãsanghika” (Cộng đồng lớn Tăng chúng).
Vào thế kỷ IV trước Công nguyên (CN), sau khi Bụt viên tịch hơn 200 năm, dưới thời Hoàng đế Asoka (A-Dục), hội đồng lần thứ ba được tổ chức để bàn luận và tụng kể lại cả Giáo pháp và Giới luật. Những lời Bụt dạy được các tu sĩ có mặt tại hội đồng chứng minh và chấp nhận, sau này quen gọi là Theravãda (Giáo Pháp Thượng Toạ Bộ, Đầu Nguồn, Nguyên Thủy). Sau kì hội đồng này con trai Hoàng đế Asoka, ngài A-La-Hán Mahinda đã tới Sri Lanka, mang theo Tipitaka (ba kho kinh pháp Bụt: Kinh-Luật-Luận), những bản văn kinh có chú giải đã được tụng kể trong kì họp hội đồng lần thứ ba đó. Những bản văn kinh này được viết bằng tiếng Mãgadhi (Ma-kiệt-đà), tức tiếng Pali, thứ ngôn ngữ mà Bụt Thích Ca dùng để hoằng truyền giáo pháp. Cho đến lúc này chưa ai đề cập tới Mahãyãna (Đại Thừa; Cỗ Xe Lớn) cả.
Lần đầu tiên các thuật ngữ Mahãyãna (Đại Thừa; Cỗ Xe Lớn) và Hĩnayãna (Tiểu Thừa; Cỗ Xe Nhỏ) được tìm thấy trong kinh Bông Sen Pháp Mầu (Saddharmapundarika Sutra; Diệu Pháp Liên Hoa), xuất hiện khoảng từ Thế kỷ I trước Công nguyên đến Thế kỷ I sau Công nguyên. Nhưng các từ “thừa” (Yãna; Cỗ Xe) này không hề tìm thấy trong bất kì nơi nào trong Kinh điển Pali (Tipitaka) hoặc trong văn học Pali. Ngay cả trong Dĩpavamsa và Mahãvamsa, những biên niên sử của Sri Lanka, cũng không thấy đề cập đến chúng.
Thuật ngữ “Mahãyãna” được định nghĩa và mô tả rõ ràng vào khoảng thế kỷ II sau CN do Nãgarjuna (Long Thọ), người tiêu biểu lớn của Tông phái Đại Thừa đã phát triển triết thuyết Đại Thừa, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Sũnyatã (Tính Không) - mọi sự vật đều Trống Rỗng. Sau đó Asanga, Vasubandu, Dharmakĩrti, Ãryadeva, Dinnãga…, những người cổ xuý trung thành của phái Đại Thừa, làm phong phú thêm văn học Đại Thừa. Như vậy khoảng 700 năm sau khi Bụt viên tịch, hai thuật ngữ “Đại Thừa” và “Tiểu Thừa” mới được nêu ra. Hiện nay tại Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Bănglađét (và cả ở Việt Nam) còn có những người cho rằng Theravãđa là Tiểu Thừa. Rõ ràng họ chẳng hiểu họ nói về cái gì. Tông phái Tiểu Thừa chỉ phát triển ở Ấn Độ và không liên quan gì tới pháp Bụt Theravãđa (Đầu Nguồn; Nguyên Thuỷ). Therãvađa không hàm chứa cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa.
Năm 1950, tại Hội Liên kết những người theo Pháp Bụt thế giới (The World Fellowship of Buddhits - WFB) khai mạc tại Colombo, Sri Lanka, các thành viên của WFB - cả phương Đông lẫn phương Tây - đều nhất trí quyết định loại bỏ thuật ngữ “Tiểu thừa”; mà người ta đã dùng một cách khinh mạn khi nói về pháp Bụt Theravãđa đang có mặt trên thế giới ngày nay.
Hiện nay Đại Thừa và Theravãđa (Đầu Nguồn; Nguyên Thuỷ) là hai tông phái lớn có mặt trên toàn thế giới. Đại Thừa được truyền bá rộng sang các nước viễn đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ (và Việt Nam – người dịch). Còn Theravãđa được truyền bá sang các nước Đông Nam Á - Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Băng La Đét, một số nơi ở Malaysia, Ấn Độ, Inđônêxia (và cả Việt Nam - người dịch). Ngày nay cả hai tông phái lớn này đang được truyền bá tới những nơi xa xôi nhất của hành tinh. Ở các nước phương Tây đã có những cộng đồng tăng chúng đủ tư cách để được đưa thêm vào danh sách này.
Giáo lý cơ bản của cả hai tông phái hầu như giống nhau. Cả hai đều tôn xưng đức Cồ Đàm Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Gotama) - Bụt (Buddha) - làm Thầy; đều công nhận Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu, thuyết duyên sinh, ba dấu ấn hay là ba nét đặc trưng của cuộc đời (chẳng có gì còn mãi, khổ đau và chẳng có Cái Tôi) (H-V: vô thường, khổ đau, vô ngã) là cốt lõi của Pháp Bụt; Tám Đường Lối là pháp Bụt thực hành; cuộc sống trước khi sinh và sau khi chết; Niết Bàn là cái đích cuối cùng của người tu. Tất cả những vấn đề nêu trên là những điều hoàn toàn giống nhau giữa hai tông phái, không có gì phải bàn cãi.
Vài người nghĩ rằng tư tưởng Bồ Tát là của riêng Đại Thừa, và Theravãđa chỉ nói tới quả A La Hán (sự đạt đạo cá nhân) chỉ tu cho mình thôi. Tuy vậy người nghiên cứu pháp Bụt kĩ lưỡng và vô tư sẽ thấy tư tưởng Bồ Tát có trong văn học Theravãđa.
Tư tưởng Bồ Tát về việc trở thành Bụt nhằm giúp đỡ những người khác còn trong vòng Sáu Nẻo Đi Về (Samsara; Lục Đạo Luân Hồi) và tái sinh không bị chối bỏ trong hệ tư tưởng Theravãđa. Tuy nhiên không có nguyên tắc cứng nhắc rằng tất cả phải trở thành Bụt. Mỗi người có quyền lựa chọn đường lối giải thoát tuỳ theo sở thích của mình. Nếu người nào muốn trở thành Bụt, người ấy phải tu hạnh tột cùng (Pali: pãrami; Sanskrit: pãramita; Ba-La-Mật), là những đức hạnh dẫn tới quả Bụt. Những người hài lòng với tư tưởng A La Hán cũng có thể làm như thế, cũng thực hành hạnh tột cùng. Không có sự ép buộc. Dẫu rằng truyền thống Đại Thừa chủ trương người tu Đại Thừa phải chuẩn bị cho quả Bụt để cứu giúp chúng sinh, vấn đề là ai định cứu giúp ai, vì tất cả là Bụt.
PIYADASSI trong
“The Spectrum of Buddhism” Dịch:
Lê Trọng Cường
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 11/2018
Bình luận (0)