Tác giả: Nguyễn Hoàng Phúc NCS Tiến sĩ Phật học, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tóm tắt

Từ thời Phật giáo sơ kỳ, chư tăng phải đi nhặt những mảnh vải bị quăng bỏ nơi bãi rác hoặc chỗ quăng xác chết để may y phục. Theo Luật tạng (Vinayapiṭaka) của Phật giáo Theravāda, y phấn tảo (paṃsukūla) là tấm y đầu tiên trong thời gian đầu Phật giáo được thuyết giảng. Khi số lượng tu sĩ đông đảo, chư tăng được phép nhận y do cư sĩ dâng cúng thì hạnh tu mặc y phấn tảo trở thành một pháp tu tiêu chuẩn của các vị tu sĩ, nhất là những vị trưởng lão đức hạnh, vượt ra khỏi phạm trù vật chất thế gian. Bộ Thanh tịnh đạo của Luận sư Buddhaghosa liệt kê và giải thích về cách tu và phân loại hạnh tu mặc y phấn tảo rõ ràng hơn trong Luật tạng. Và ngày nay, việc tìm kiếm y phấn tảo ở nghĩa trang và bãi rác không còn nữa nhưng chư tăng Phật giáo Theravāda vẫn gìn giữ truyền thống và trở thành một nét đặc trưng trong tang lễ ở các nước theo truyền thống Theravāda.

Từ khóa: pháp phục, y ca-sa, y phấn tảo, nam truyền, nam tông

Abstract

During early Buddhism, monks had to go to landfills or cemeteries to pick up cloth to make robes. According to the Vinayapiṭaka of Theravāda Buddhism, the rag-robe (paṃsukūla) was the first robe in the early days when Buddhism was preached. When the number of monks is large, the monks are allowed to receive robes offered by lay people (called gahapaticīvara), the practice of wearing rag-robes becomes a standard practice of monks, especially virtuous elders, beyond from the realm of worldly matter. According to Visuddhimagga, Buddhaghosa listed and explained how to practice and to classify practices more clearly in the Vinaya. Nowadays, the search for algal blooms in cemeteries and landfills is no more, but Theravāda Buddhist monks still uphold the tradition and have become a feature of funerals in countries following the Theravāda tradition.

Keyword: paṃsukūla, kāsāva, kāsāya, cīvara, Theravāda, Buddhist robes

Dẫn nhập

Y phục là một trong bốn nhu cầu cần thiết của đời sống con người; đối với người xuất gia thì y phục còn là một nét đặc trưng riêng, gọi là pháp phục. Hình ảnh của pháp phục chính là biểu tượng của tăng đoàn, của tu sĩ Phật giáo. Vì thế, từ thuở sơ thời Phật giáo, đức Phật và chư đệ tử của Ngài đã có một tấm y đặc trưng bao hàm tất cả ý nghĩa và vai trò của tấm y trong việc che mưa tránh gió, không lõa thể mà cũng không hưởng thụ xa hoa, đó chính là tấm y phấn tảo. Đây là bộ pháp phục nguyên thủy nhất có từ thời đức Phật.

Dần dần, pháp tu mặc y phấn tảo trở thành một trong mười ba pháp đầu-đà dành cho những vị muốn tu tập và cũng là phương pháp tu tập tiêu chuẩn được ghi lại trong Luật tạng cũng như tư tưởng của Ấn Độ thời bấy giờ.

1. Khái niệm về “y phấn tảo” (paṃsukūla)

Từ thuở sơ thời, chư tăng đã phải đi nhặt những mảnh vải dơ bị quăng bỏ ở bãi rác, trên đường phố hay trong tha ma mộ địa dùng để may y, loại y này được gọi là phấn tảo y (P. paṃsukūla, Skt. pāṃśukūla). Đây là một trong bốn món vật dụng tối cần thiết cho đời sống bình nhật của một vị Tỳ-khưu. Chính lẽ đó, ngay sau khi thọ cụ túc giới (upasampadā) xong, chính thức trở thành vị Tỳ-khưu trong tăng đoàn, vị thầy Tế độ (upajjhāyācāriya) sẽ giảng dạy bốn điều nương nhờ (cattāronissaya)[1], có nhắc đến việc mặc y phấn tảo như sau: “Việc xuất gia nương vào y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ; trong trường hợp ấy ngươi nên thể hiện sự nỗ lực cho đến hết đời…”[2]

Paṃsukūla (+ cīvara) nghĩa là những mảnh vải rách bị quăng bỏ thành đống bên đường, nơi bãi rác hoặc là những nơi tha ma mộ địa. Theo Monier Williams định nghĩa trong Từ điển Sanskrit – Anh (Sanskrit – Engligh Dictionary), pāṃśu là đất bị vỡ vụn (crumbling soil), bụi (dust), cát (sand), phân (dung, manure); kūla là đống (heap), gò (mound).[3] Định nghĩa về paṃsukūla, bộ Thanh tịnh đạo (P. Visuddhimagga; Skt. Viśuddhimārga) giải thích rằng: “Vải nào như đống rác trong mỗi một nơi ấy, nghĩa là nổi lên vì đặt lẫn lộn trên rác như đường xe chạy, nghĩa địa hay đống rác… Do đó, vải này gọi là vải phấn tảo. Lại nữa, vải nào đi đến tình trạng mà người ghê tởm như rác rến, do đó, vải ấy gọi là vải phấn tảo.”[4]

Thời đức Phật, các vị Tỳ-khưu du hành đó đây, ngồi trên đá, dưới gốc cây, ở trong hang động nên việc sử dụng phấn tảo y là một điều hợp lý và thích nghi với môi trường. Khi ấy, sinh hoạt của tăng đoàn căn bản là tìm đến những nơi vắng vẻ, yên tịnh để tu tập, vì lẽ đó mà y phấn tảo như là một thường phục dành cho những vị xuất gia, ngay cả đức Phật cũng sử dụng y phấn tảo.[5] Người xuất gia đúng nghĩa nhất là sử dụng y phấn tảo bởi vì việc này đề phòng cho vị ấy không khởi lên những tâm niệm tham đắm về y phục hoặc có sự thụ hưởng như người thế tục. Cũng vì vậy, đức Phật dạy các Tỳ-khưu phải nhuộm y màu hoại sắc để y có màu khác biệt với người thế tục tại gia với mục đích chế ngự lòng ham muốn về y phục của những vị xuất gia.[6]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Y Phan Tao Trong Kinh Tang Therevada 1

Vải phấn tảo, theo Luận sư Buddhaghosa phân loại, gồm có hai mươi ba loại như sau:[7]

- Vải bó tử thi nơi nghĩa địa (sosānika).

- Vải bị quăng bỏ xung quanh nơi hàng quán, chợ búa (pāpaṇika).

- Vải vụn thường được ném qua cửa sổ xuống đường phố sau những nghi lễ cúng tế (rathiyacoḷa).

- Vải bị quăng bỏ tại đống rác (saṅkāracoḷa).

- Vải được dùng để lau chùi cho trẻ sơ sinh hoặc máu của sản phụ sau khi sinh (sotthiya).

- Vải mà các thầy phù thủy đắp cho người bệnh rồi tưới nước để tắm nước phép xả xui sau đó đem quăng bỏ (nhānacoḷa).

- Vải rách bị quăng bỏ ở bến nước, chỗ tắm giặt (titthacoḷa).

- Vải mà người ta quăng bỏ sau khi đi từ nghĩa địa về vì sợ xui xẻo (gatapaccāgata).

- Vải bị lửa cháy xém (aggiḍaḍḍha).

- Vải bị bò gặm (gokhāyita).

- Vải bị mối ăn (upacikākhāyita).

- Vải bị chuột cắn (undūrakhāyitaṃ).

- Vải bị rách phía bên trong (antacchinna).

- Vải bị rách đường lai (dasācchinna).

- Vải được treo làm cờ, trước khi xuống thuyền đi xứ khác thường được tung lên rồi bỏ đi hay vải treo làm cờ nơi chiến trận rồi hai bên bỏ đi (dhajāhaṭa).

- Vải bao phủ trên gò mối để cúng lễ (thūpacīvara).

- Vải của vị sa-môn bỏ cho (samaṇacīvara).

- Vải bị quăng bỏ sau lễ đăng quang (ābhisekika).

- Vải do thần thông biến hóa ra là vải được phát sinh đến các vị khi thọ giới bằng “ehi bhikkhu” (iddhimaya).

- Vải bị rớt dọc đường đi mà không có chủ (panthika).

- Vải bị gió thổi, cuốn bay đi và rớt tại một nơi nào đó mà không có chủ (vātāhaṭa).

- Vải do chư thiên bố thí (devadattiya).

- Vải trôi ngoài biển bị sóng đánh đưa vào bờ (sāmuddiya).

Theo luật Tứ phần, phấn tảo y gồm có mười loại vải: “Y bị bò nhai, y bị chuột gặm, y bị lửa cháy, y kinh nguyệt, y sản phụ, y trong miếu thần hoặc y bị chim tha đi hay gió bay rơi các nơi thì được lấy, y gò mả, y nguyện[8], y thọ vương chức, y vãng hoàn.”[9] Theo luật Ngũ phần, y phấn tảo cũng có mười loại vải nhưng được liệt kê khác biệt, gồm có: “Y vất bỏ khi vua lên ngôi bỏ y cũ, y nơi gò mả, y trùm trên nấm mộ, y vất nơi ngõ hẻm, y cũ vất bỏ của người phụ nữ mới lấy chồng, y phụ nữ phá trinh, y sản phụ, y bị trâu nhai, y chị chuột gặm, y bị lửa cháy.”[10]

Tất cả các thứ vải này là những thứ vải tự mình kiếm, lượm được hoặc của một vị Tỳ-khưu nào bỏ cho hay chư thiên dâng cúng thì mới gọi là vải phấn tảo. Vị Tỳ-khưu sử dụng những thứ vải kể trên rồi loại bỏ đi những chỗ rách nát không sử dụng được, phần còn lại không bị rách được giặt giũ sạch sẽ để may thành một tấm y phấn tảo. Đức Phật và chư thánh tăng ngày xưa cũng từng sử dụng những chiếc y phấn tảo như vậy trong suốt hai mươi năm đầu tiên sau khi đức Phật giác ngộ và chư thánh đệ tử chỉ mặc y phấn tảo vì đó là món đồ không giá trị (appa), dễ kiếm (sulabha), và không lỗi lầm (anavajja).[11] Các ngài chỉ sử dụng y phấn tảo này bởi vì lúc bấy giờ chưa được phép thọ nhận y do các gia chủ dâng cúng.

Vị tu sĩ sống cuộc đời thanh bần, không chấp giữ, tấm y dùng để che thân, che mưa gió và tránh những côn trùng cắn chích.[12] Việc sử dụng y phấn tảo cũng đem đến nhiều lợi ích trong đời sống tu tập, như là: “Không đau khổ do phải giữ gìn y phục, sống không phụ thuộc vào người khác, không sợ trộm cướp, tâm không có sự khao khát về y phục.”[13] Hơn nữa, vị Tỳ-khưu mặc y phấn tảo còn có mười điều lợi ích như là: không vì y mà phải liên hệ với người tại gia, không vì y mà bày tỏ ra để xin y, không dùng lời khéo léo, xu nịnh để xin y, không vì y mà đi khắp nơi tầm cầu y một cách phi pháp, không buồn rầu vì không được y, cũng không vui mừng khi được y, y phấn tảo là vật không có giá trị, dễ tìm, không đem tới tai họa, sống nương theo pháp tứ y (mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, đi khất thực, dùng nước tiểu bò đen làm thuốc trị bệnh), y phấn tảo là những vật thô xấu, không bị người khác cướp đoạt.[14]

Như vậy, suốt hai mươi năm đầu tiên của giáo pháp, đức Phật và chư thánh tăng đều phải tự mình đi nhặt những vải paṃsukūla về để may thành y phấn tảo. Đây chính là tấm y nguyên thủy nhất của chư tăng thời Phật giáo sơ kỳ.

2. Pháp tu khổ hạnh cao thượng

Sau khi giác ngộ vào Rằm tháng Vesākha (tháng Tư âm lịch), đức Phật an hưởng hương vị giải thoát xung quanh cội Bồ-đề (bodhirukkha) bảy tuần lễ. Sau tuần thứ bảy, Ngài đi bộ từ Bodhigayā (Bồ-đề đạo tràng) đến Migadāya (vườn nai – Lộc uyển) ở Isipatana gần thành Bārāṇasī để thuyết pháp đến cho năm anh em đạo sĩ nhóm Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Đây là bài pháp đầu tiên mà đức Phật thuyết sau khi giác ngộ nên được gọi là Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana). Mở đầu thời pháp, Ngài giảng về hai điều cực đoan (anta) mà các người xuất gia (pabbajita) cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh (attakilamathānuyogo) và lợi dưỡng (kāmasukhallikanuyogo). Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Mà tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo (Majjhimapaṭipadā). Như vậy, việc chư tăng mặc y phấn tảo có phải là một khổ hạnh hay không? Đức Phật có tán thán hay chỉ trích điều này hay không?

Theo kinh Kassapa sư tử hống (Kassapasīhanādasutta)[15], Lần nọ, đức Phật ngụ tại Ujuññā rừng nai Kaṇṇakatthala, du sĩ lõa thể Kassapa đến viếng Ngài và đặt một câu hỏi về vấn đề khổ hạnh vì trước đó ông đã từng nghe đức Phật là một người chủ trương phản đối các pháp môn tu khổ hạnh. Đức Phật đã trả lời cho du sĩ Kassapa rằng không phải lúc nào Ngài cũng phủ nhận pháp môn khổ hạnh. Đức Phật đáp: Đó là sự xuyên tạc, vì với thiên nhãn, Ngài đã nhìn thấy trong số tu sĩ khổ hạnh, có người tái sinh vào cõi lành, có kẻ phải sa vào nẻo ác, thì sao Ngài lại chỉ trích tất cả lối tu khổ hạnh. Ngài xác nhận với du sĩ Kassapa rằng: Có những cá nhân tuy gọi là người chấp trì pháp môn khổ hạnh nhưng bản thân các vị lại thành tựu những pháp tánh có khuynh hướng giải thoát. Trong trường hợp này pháp môn khổ hạnh là đáng tán thán; ngược lại, nếu một người chỉ biết ép xác khắc khổ mà nội tâm uế nhiễm thì trường hợp này pháp môn khổ hạnh là đáng bị chê trách.

Bởi theo Ngài, tên gọi của pháp môn thực ra không quan trọng bằng nội dung của pháp môn và người thực hành theo pháp môn đó. Nhân đó, đức Phật giải thích thêm rằng: Giữa giáo lý Bát thánh đạo với các pháp môn khổ hạnh đôi lúc cũng có điểm đồng và giáo lý của Ngài luôn được phần đông chư hiền trí tán thán vì ở đây có đủ bát chi đạo và đệ tử đức Phật là những vị thành tựu Tam học. Pháp môn Bát thánh đạo tuy không là pháp dễ tu, có vẻ khắc khổ nhưng các vị luôn nhìn về đời bằng vô lượng tâm, dễ dãi với người nhưng nghiêm khắc với mình. Nếu gọi đó là pháp môn khổ hạnh thì đây là pháp môn khổ hạnh tối thượng.

Như thế, đời sống người xuất gia nương nhờ nơi y phấn tảo, tuy bên ngoài nhìn vào là một sự khổ hạnh ép xác nhưng đức Phật ngài không chỉ trích vì căn bản việc mặc y phấn tảo không làm bất cứ điều gì có hại người khác và bản thân. Hơn nữa, thay vì ăn mặc xa hoa lộng lẫy hoặc không mặc bất cứ mảnh vải nào trên người thì việc mặc y phấn tảo có nhiều tác dụng như là:[16]

- Ngăn ngừa sự lạnh: thời tiết miền Bắc Ấn vào mùa đông (hemanta), nhiệt độ có thể giảm xuống khoảng 5°, khiến cho cây cối phủ đầy sương.[17] Trước khi giác ngộ, khi Ngài còn tu khổ hạnh, Ngài đã sống trong rừng rậm, giữa trời khuya giá rét và có tuyết rơi.[18] Vì thế, y hai lớp hoặc bốn lớp được đức Phật cho phép có thể giúp cho vị Tỳ-khưu tránh được sự lạnh của thời tiết vào mùa đông.

Monk Hike In Deep Forest Reflection With Lake, Buddha Religion Concept

- Ngăn ngừa sự nóng: mùa hè (gimhāna) của Ấn Độ rất khắc nghiệt và khiến người dân khiếp sợ. Mùa nóng bắt đầu khoảng tháng Ba đến giữa tháng Bảy dương lịch, thời tiết bắt đầu nóng, nhiệt độ đỉnh điểm mùa hè có thể lên đến 40° - 45°.[19] Thời tiết nóng và sức nóng khiến cho gió thổi cũng làm cho hoa và lá cây bị rơi rụng.[20] Vì thế, với tấm y một lớp, vị Tỳ-khưu sử dụng sẽ không cảm thấy khó chịu cũng như không bị sức nóng làm cho nóng bức cháy da.

- Tránh sự tiếp xúc với ruồi muỗi, gió nắng, những loài rắn rít, côn trùng: khi tấm y được khoác lên người sẽ giúp cho vị Tỳ-khưu không bị quấy rầy bởi các loài ruồi muỗi, côn trùng. Hơn thế nữa, sức gió, sức nóng cũng được hạn chế tiếp xúc với cơ thể vì đã có tấm y mặc che bên ngoài.

- Không bị lõa lồ, tránh sự hổ thẹn: đối với Phật giáo, việc lõa lồ cơ thể là một hành vi đáng hổ thẹn, vì thế đức Phật cho phép ba y đến các Tỳ-khưu để tránh đi sự hổ thẹn đó. Ngoài ra, tấm y còn có tác dụng để tạo nên sự khác biệt giữa những vị tu sĩ Phật giáo với các du sĩ ngoại đạo thời bấy giờ.

Với tấm y phấn tảo thuở Phật giáo sơ kỳ, đức Phật đã dần dần hình thành nên một y phục đặc trưng cho vị tu sĩ Phật giáo, có thể gọi là bộ pháp phục nguyên thủy nhất trong Phật giáo. Mặc dù sau này, đức Phật cho phép chư tăng được thọ nhận y phục do thí chủ dâng cúng (gahapaticīvara) nhưng đức Phật vẫn luôn tán thán việc sử dụng y phấn tảo. Ngài cho phép thọ nhận y do gia chủ dâng cúng hoặc là không bắt buộc vị Tỳ-khưu phải sống trọn đời với y phấn tảo như lời yêu cầu của Devadatta không phải là sự thụ hưởng vật chất xa hoa như những lời chỉ trích đức Phật của các đệ tử nhóm Tỳ-khưu Devadatta mà đó chính là sự thích nghi với đời sống.[21] Trên hết, sự thích nghi này phải dựa vào hai điều kiện, chính là sự đơn giản và biết đủ. Từ việc đức Phật cho phép các Tỳ-khưu thọ nhận y do gia chủ dâng cúng đã có nhiều sự việc phát sinh trong nội bộ sinh hoạt của tăng đoàn. Nhiều vị Tỳ-khưu đã có những hành vi không phù hợp với người xuất gia và làm cho dân chúng thường hay phê phán rằng: các vị Sa-môn Thích tử “giống như kẻ tại gia hưởng dục”.[22] Do đó, có nhiều quy định, nhiều điều học được đức Phật ban hành để ngăn chặn những hành vi không xứng đáng đối với vị Sa-môn, để không làm mất niềm tin nơi những người đã có niềm tin.

Như vậy, thời kỳ đầu tiên của Phật giáo, chư tăng lượm vải về để may y và sau đó đức Phật cho phép thọ nhận y do các cư sĩ dâng cúng. Tuy nhiên, đức Phật vẫn khuyến khích các đệ tử sử dụng y phấn tảo, tùy duyên mà hành sự, Ngài không ban hành học giới bắt buộc. Đây chính là phương tiện thiện xảo trong pháp hành xử của đức Phật. Tùy vào hoàn cảnh thực tế trong đời sống sinh hoạt của tăng đoàn, vấn đề nào phát sinh, tùy mức độ của vấn đề, đức Phật ban hành những điều học, những quy định hoặc chuẩn hành những vật phụ cần thiết đến các Tỳ-khưu.

3. Phương pháp tu tập tiêu chuẩn trong Luật tạng

Đời sống của người xuất gia không tự tạo ra tài sản và không được mặc y phục như người thế tục. Các Tỳ-khưu phải tự đi tìm vải dơ bị quăng bỏ, lượm về để may thành y phấn tảo mà sử dụng. Đây là pháp nương nhờ mà vị Tỳ-khưu cần phải thực hành trọn đời. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ, vị Tỳ-khưu có thể nhận những loại vải khác để may thành y cũng được. Trong Tiểu phẩm đề cập đến năm yêu cầu của Devadatta với đức Phật như là: Vị Tỳ-khưu phải suốt đời sống ở rừng, nuôi mạng bằng việc khất thực, mặc y phấn tảo, trú dưới gốc cây, không ăn cá thịt.[23] So sánh với bốn điều nương nhờ với năm yêu cầu của Devadatta, có thể thấy rằng có sự tương đồng ở ba điều là mặc y phấn tảo, đi khất thực và ở dưới gốc cây. Tuy nhiên, vì sao đức Phật lại từ chối những yêu cầu đó? Bởi vì Ngài thấy những điều đó không cần thiết và không phù hợp với đời sống tu sĩ. Chính vì lẽ đó, trong bốn điều nương nhờ, đức Phật có dạy thêm về những trường hợp ngoại lệ mà vị Tỳ-khưu có thể nhận vật thực do thí chủ cúng, y phục do thí chủ cúng… Đối với việc từ chối những yêu cầu của Devadatta, đức Phật khẳng định rằng:

Này Devadatta, thôi đi. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở rừng, vị nào muốn thì hãy cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị khất thực, vị nào muốn thì hãy ưng thuận việc thỉnh mời. Vị nào muốn thì hãy là vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào muốn thì hãy ưng thuận y của gia chủ. Này Devadatta, chỗ trú ngụ là gốc cây trong tám tháng được Ta cho phép, cá thịt thanh tịnh với ba điều kiện: ‘Không thấy, không nghe, không nghi’ được Ta cho phép.[24]

Từ sự việc này, đời sống sinh hoạt của tăng đoàn thời đức Phật, các vị trưởng lão thường sử dụng y phấn tảo nhưng vẫn có nhiều vị Tỳ-khưu thọ nhận và sử dụng y do thí chủ dâng cúng, trú trong các ngôi tự viện… Việc nương nhờ nơi bốn món vật dụng như vậy không phải để hưởng thụ xa hoa như những lời những người dân ủng hộ quan điểm của Devadatta. Họ đã có những lời tán dương nhóm Devadatta và phê phán các Tỳ-khưu như sau: “Các Sa-môn Thích tử này[25] đúng là có sự từ bỏ, có sở hành đoạn trừ; còn Sa-môn Gotama là kẻ xa hoa nên nghĩ đến việc xa hoa”.[26] Đức Phật không bắt buộc các vị đệ tử của mình phải sống với những nguyên tắc khắt khe, cứng ngắt vô ích, không cần thiết như vậy. Nương nhờ các vật dụng để lấy đó làm phương tiện cho đời sống sinh hoạt được dễ dàng, khi việc nuôi mạng được thuận tiện thì mới có thể yên tâm nỗ lực tu tập giới-định-tuệ, tịnh hóa thân tâm được dễ dàng.

Dù là một vị Phật nhưng Ngài vẫn sử dụng y phấn tảo như là một tấm gương sáng cho hàng đệ tử noi theo. Chuyện kể rằng, khi đức Phật đang trú tại ngôi đền Bahuputta, ở giữa đoạn đường từ Rājagaha đến Nālandā (Na-lan-đà). Tôn giả Mahākassapa (Đại Ca-diếp) hoan hỷ đến đảnh lễ đức Phật và được Ngài giáo giới. Sau đó, đức Phật đứng dậy rời đi và đến dưới một gốc cây. Tôn giả Mahākassapa thấy thế liền gấp tư tấm y hai lớp của mình lại để dâng đức Phật làm tọa cụ, đức Phật hoan hỷ với tấm y hai lớp được cắt may của Tôn giả. Rồi Tôn giả Mahākassapa xin dâng cúng tấm y hai lớp ấy đến đức Phật. Khi ấy, đức Phật đã hỏi rằng: “Này Kassapa, ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?” Tôn giả Mahākassapa rất hoan hỷ và được đức Phật ban cho tấm y phấn tảo của Ngài đang sử dụng. Trong hàng thinh văn đệ tử, chưa ai có đủ phước báo để có thể sử dụng được tấm y của đức Phật như Tôn giả Kassapa. Thật là một việc hy hữu. Về việc này, Tôn giả Mahākassapa đã nói như sau: “Này hiền giả, nếu ai có nói về ta một cách chân chính, thời ta là con ruột Phật, sinh ra từ miệng, do pháp sinh, do pháp hóa sinh, thừa tự Chính pháp và đã nhận được tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ”.[27]

Về sau, do số lượng người xuất gia và tín đồ đông đảo, y phục, trú xứ và vật dụng đều phát sinh dồi dào đến tăng chúng. Chư tăng ở tại các tự viện nhiều hơn, được phép thọ nhận y phục do cư sĩ dâng cúng… Từ đó, việc mặc y phấn tảo trở thành một phương pháp tu tập dành cho những vị nào muốn thực hành chứ không bắt buộc tất cả thành viên trong tăng đoàn đều phải thực hành như lời yêu cầu của Devadatta. Mặc dù vậy, trong kho tàng Tam tạng (Tipiṭaka) không thấy đề cập đến cách thực hành như thế nào gọi là tiêu chuẩn. Tuy vậy, trong Thanh tịnh đạo, Luận sư Buddhaghosa giải thích về ba cấp bậc của việc tu tập hạnh đầu-đà (dhutaṅga) mặc y phấn tảo như sau:[28]

- Bậc thượng: vị Tỳ-khưu chỉ mặc y phấn tảo bằng vải nhặt được ở tha ma, mộ địa. Ngày xưa, người Ấn Độ có phong tục dùng vải quấn tử thi xong đem vào rừng quăng bỏ, hoặc nơi tha ma, mộ địa. Sau đó, các vị Tỳ-khưu đến nhặt vải quấn tử thi về may y phấn tảo. Ngày nay, có lẽ sẽ không còn vị Tỳ-khưu nào thực hành được pháp tu bậc thượng này vì không còn chỗ nào để tìm được vải quấn tử thi. Thời đại càng tiến bộ, việc xử lý tử thi càng được quan tâm nhiều về vấn đề vệ sinh và môi trường, do đó, không thể có vị Tỳ-khưu nào thực hành pháp tu đầu-đà mặc y phấn tảo bậc thượng này.

- Bậc trung: vị Tỳ-khưu nhặt vải ở những địa điểm mà dân chúng quăng bỏ vải với ý định là để các Tỳ-khưu đến nhặt. Những đống rác, nơi tập trung vải vụn, những vải không xài nữa và mọi người quăng bỏ nơi đó với ý nghĩ: vị nào đến nhặt, xài được gì thì xài. Do đó, vị Tỳ-khưu nhặt vải bị quăng bỏ ở những nơi như vậy gọi là pháp tu đầu-đà mặc y phấn tảo bậc trung.

- Bậc hạ: vị Tỳ-khưu nhặt vải do dân chúng đem lại và đặt dưới chân. Hình thức này cũng là một hình thức nhặt vải do người khác quăng bỏ nhưng dễ tìm hơn, ít tốn sức và thời gian hơn nên gọi là pháp tu đầu-đà mặc y phấn tảo bậc hạ.

Tư tưởng của người Ấn Độ thời đức Phật ưa chuộng phương pháp tu tập khổ hạnh, cho nên việc chư tăng mặc y phấn tảo cũng trở thành một tiêu chuẩn được ghi lại trong Luật tạng. Tuy nhiên, đức Phật không quy định và bắt buộc các Tỳ-khưu phải mặc y phấn tảo trọn đời. Ngài cho phép các đệ tử của mình tùy duyên trong từng hoàn cảnh và thích nghi với từng môi trường. Hạnh tu mặc y phấn tảo là một nét đặc trưng tiêu biểu của những vị xuất gia với một nội tâm thanh tịnh, không dính mắc và bám chấp vào những vật chất phù phiếm của thế gian. Từ một tấm y phấn tảo không giá trị, bị người đời quăng bỏ, coi khinh và ghê tởm, nhưng đức Phật và chư đệ tử của Ngài khoác lên mình và trở thành biểu tượng đặc trưng của tu sĩ Phật giáo. Hình ảnh tấm y nguyên thủy trở thành biểu tượng của bậc xứng đáng được cúng dường (arahantadhaja).

4. Nghi thức cúng dường y paṃsukūla trong tang lễ ngày nay

Ngày nay, ở các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda như Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, trong lễ tang, có phần nghi thức chư tăng rút y paṃsukūla (gọi là y băng-skul). Đây là một sự thay đổi cho phù hợp với xã hội ngày nay. Bởi lẽ, chư tăng ngày nay không thiếu thốn về y phục nên không cần phải đi tìm kiếm vải để may y và cũng không có nghĩa địa hay những nơi quảng rác để nhặt vải về may y nữa.

Trong tang lễ, ở Việt Nam, gia đình thí chủ sẽ đặt những tấm y đã may sẵn trên nhục thân người chết hoặc để trên nắp quan tài. Chư tăng sẽ đến nhà và nhận những tấm y đó bằng cách kéo và tụng kinh quán tưởng về sự chết. Riêng ở Thái Lan, nghi lễ này được thực hiện trước đài hỏa táng, trước khi quan tài được đưa vào lò hỏa táng, từng vị trong đoàn chư tăng sẽ lần lượt đến trước quan tài, rút và nhận y băng-skul. Sau đó là bắt đầu phần nghi thức hỏa táng. Hình thức của nghi lễ này cũng là sự tiếp chuyển của việc thọ nhận y và sử dụng y paṃsukūla thời xưa. Tuy nhiên, ngày nay, ít có vị Tỳ-khưu nào thực hành hạnh đầu-đà mặc y paṃsukūla nên việc thay đổi cũng là lẽ đương nhiên.

Có nhiều địa phương, Phật tử vẫn còn thói quen dâng cúng tấm vải trắng đến chư tăng trong lễ tang. Tấm vải trắng sẽ được phủ lên trên nhục thân của người chết. Sau đó, chư tăng sẽ đến, tụng kinh và kéo (rút) vải trắng đó. Đây cũng là một nét văn hóa trong việc thực hiện tang lễ của Phật tử theo truyền thống Phật giáo Theravāda. Tấm vải trắng đó vừa là một vật cúng dường đến chư tăng để hồi hướng phước, cầu nguyện đến cho người đã mất mà còn là dịp để chư tăng quán tưởng, thực hành hạnh tu về sử dụng y phấn tảo.

Như vậy, có thể thấy rằng, nghi thức tang lễ tụng kinh và rút paṃsukūla chính là một nét đặc trưng và tiếp biến của phương pháp sử dụng y phấn tảo thuở xưa được ghi lại trong Luật tạng. Tuy có thay đổi về hình thức nhưng vẫn là một pháp tu cao quý, đặc trưng của chư tăng theo truyền thống Theravāda.

Kết luận

Y phấn tảo là tấm y ca-sa nguyên thủy nhất trong Phật giáo, xuất hiện từ thời gian đầu khi đức Phật mới truyền bá Phật giáo. Tuy đây là một hình thức khắc khổ nhưng không phải là một phương pháp tu khổ hạnh ép xác như những pháp tu phổ biến thời bấy giờ. Trái lại, hạnh mặc y phấn tảo là một hạnh tu cao quý, thể hiện một vị tu sĩ có nội tâm kiên cường, vượt ra ngoài những phạm trù vật chất và hưởng thụ của thế gian. Ngày nay, y phấn tảo rất hiếm thấy bởi vì xã hội thay đổi, không còn những nghĩa địa lộ thiên, những tha ma mộ địa công cộng nên việc lượm nhặt vải làm y phấn tảo cũng là hiếm thấy. Tuy vậy, chư tăng Phật giáo Theravāda các nước vẫn gìn giữ nét truyền thống y phấn tảo bằng cách tụng kinh quán tưởng và rút y băng-skol ở tang lễ như là một nghi lễ mang đậm nét văn hóa Phật giáo.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Phúc NCS Tiến sĩ Phật học, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

[1] Bốn vật nương nhờ (cattāronissaya) gọi là tứ sở y, tức là bốn món vật dụng thiết yếu của Tỳ-khưu gồm vật thực do khất thực được (piṇḍiyālopabhojana), y phấn tảo (paṃsukūlacīvara), ngụ nơi gốc cây (rukkhamūlasenāsana) và thuốc trị bệnh từ nước tiểu bò đen (pūtimuttabhesajja). [2] Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 127. [3] Monier-Williams, M. (1899), A Sanskrit - English Dictionary: Etymologically and philologically arranged with special reference to Cognate Indo-European languages, The Clarendon Press, Oxford, p.300, 613. [4] Buddhaghosa (2012), Thanh tịnh đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr. 159. [5] Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 63. [6] Mitsuo Sato (2010), Nghiên cứu giáo đoàn Phật giáo thời nguyên thủy, tập 3, Thích Như Điển (dịch), Nxb. Phương Đông, Tp.HCM, tr. 110. [7] Buddhaghosa (2012), Thanh tịnh đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr. 165. Bửu Chơn (2016), “Pháp Đầu Đà – Dhutaṅgakathā”, trong Thiện Minh (chủ biên) Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Bửu Chơn, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr. 564. [8] Cầu nguyện y là vải lượm được từ nơi tha ma mộ địa rồi đem về chia đến cho các Tỳ-khưu do đã có lời hẹn trước. [9] Thích Đỗng Minh (dịch), Thích Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích) (2019), Luật tứ phần, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1329. [10] Thích Đỗng Minh (dịch), Thích Đức Thắng, Thích Tâm Nhãn (hiệu chính và phụ chú) (2016), Di-sa-tắc bộ hòa hê ngũ phần luật, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.219. [11] Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 362. [12] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.28. [13] Buddhaghosa (2012), Thanh tịnh đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr. 168. [14] Đạo Tuyên (2017), Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tập 2, Ban dịch thuật Luật tạng Giới đài viện (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 147-148. [15] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 152-164. [16] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.580. [17] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p.2. [18] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.113. [19] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p.2. [20] Thích Minh Châu (dịch) (2014), Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.710. [21] Indacanda (dịch) (2009), Tiểu Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.303. [22] Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.225. [23] Indacanda (dịch) (2009), Tiểu Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.299. [24] Indacanda (dịch) (2009), Tiểu Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.301. [25] Ám chỉ đến các Tỳ-khưu đệ tử của Devadatta. [26] Indacanda (dịch) (2009), Tiểu Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.303. [27] Thích Minh Châu (dịch) (2014), Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.564. [28] Buddhaghosa (2012), Thanh tịnh đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr.167.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Buddhaghosa (2012), Thanh tịnh đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. ________ (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. ________ (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. ________ (dịch) (2014), Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. ________ (dịch) (2014), Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. ________ (dịch) (2015), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. Bửu Chơn (2016), “Pháp Đầu Đà – Dhutaṅgakathā”, trong Thiện Minh (chủ biên) Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Bửu Chơn, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, Tp. HCM. Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka. ________ (dịch) (2009), Đại Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka. ________ (dịch) (2009), Tiểu Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka. Thích Đỗng Minh (dịch), Thích Đức Thắng, Thích Tâm Nhãn (hiệu chính và phụ chú) (2016), Di-sa-tắc bộ hòa hê ngũ phần luật, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. Thích Đỗng Minh (dịch), Thích Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích) (2019), Luật tứ phần, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. Mitsuo Sato (2010), Nghiên cứu giáo đoàn Phật giáo thời nguyên thủy, tập 3, Thích Như Điển (dịch), Nxb. Phương Đông, Tp.HCM. Monier-Williams, M. (1899), A Sanskrit - English Dictionary: Etymologically and philologically arranged with special reference to Cognate Indo-European languages, The Clarendon Press, Oxford. Đạo Tuyên (2017), Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tập 2, Ban dịch thuật Luật tạng Giới đài viện (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.