Buddhist Hybrid Sanskrit (BHS) là ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa. Đây là ngôn ngữ đầu tiên trong các bài kinh là ngôn ngữ mà đức Phật thường sử dụng để thuyết Pháp, vì vậy khi kiết tập lại kinh điển cần có một hệ thống ngôn ngữ chung, cho nên đã có những lý do để xuất hiện BHS.
Tác giả: Thích nữ An Hưng Học viên Cao học khóa VI, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024
Tóm tắt: Văn học Sanskrit là ngôn ngữ phổ biến được dùng trong văn học, kinh điển nhưng lại có rất nhiều tài liệu, nhiều ý kiến khác nhau về ngôn ngữ này. Phật giáo sử dụng các dạng ngôn ngữ khác nhau, trong đó có ngôn ngữ Sanskrit được ghi lại ở nhiều bản kinh sách. Như chúng ta biết, Ấn Độ là một nước đa ngôn ngữ, đa sắc tộc, đa tôn giáo nên sự ghi chép có nhiều khía cạnh trái chiều và khác nhau giữa các phiên bản ngôn ngữ.
Vì thế, để hiểu rõ hơn về văn học Sanskrit qua các nguồn tài liệu cũng như về lịch sử phát triển của ngôn ngữ này, người viết tập trung nghiên cứu dựa trên tài liệu như kinh Tạng Nikaya cũng như các tài liệu liên quan, để tìm hiểu cặn kẽ hơn về ngôn ngữ trong văn học Sanskrit.
Từ khóa: văn học Sanskrit, ngôn ngữ, kinh điển, Ấn Độ, Kinh tạng Nikaya....
Sự hình thành văn học lịch sử đều bắt nguồn từ ngôn ngữ, theo các nhà nghiên cứu để tồn tại được ngôn ngữ trong giao tiếp cộng đồng, con người phải mất năm mươi triệu năm mới có được sự hình thành về ngôn ngữ. Vậy ngôn ngữ được diễn tả một cách đôi khi trừu tượng. Trong bài thơ ‘Tiếng Gọi Mẹ’ của Vũ Hoàng Chương có nói: Ngôn ngữ trần gian là túi rách, Đựng sao đầy hai tiếng “Mẹ ơi!”.
Từ ngôn ngữ mới hình thành được chữ viết nên ngôn ngữ luôn có trước chữ viết. Ở đây ngôn ngữ được hiểu theo văn học Sanskrit có nhiều khía cạnh như sau:
1. Về ngôn ngữ
Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ và truyền sang các nước, khi truyền sang Trung Hoa thì không thể một lần truyền hết được cho nên sẽ không có thứ tự vì vậy mà nhiều học giả đã sắp xếp lại theo tư tưởng Tông phái riêng hay sự truyền thừa riêng của từng tông phái.
Theo Trí Giả Đại Sư phán giáo (Classification) rằng kinh điển đức Phật được sắp xếp bốn mươi chín năm thuyết giáo như sau:
華 嚴 最 初 三 七 日 阿 含 十 二 方 等 八 二 十 二 年 般 若 談 法 華 涅 槃 共 八 年(1)
“Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật, A Hàm, thập nhị, Phương Đẳng bát, Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm, Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên”.
Trong khi đó Pāli được biên tập ở Srilanka còn A Hàm được biên tập ở Đông Nam Á. Vì “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật” kinh Hoa Nghiêm nói “Tối sơ” (đầu tiên) đức Phật nói Kinh này dưới cội Bồ đề cho các vị Bồ tát nghe nhưng trong Đại Tạng Kinh đức Phật nói kinh này ở vườn Cấp Cô độc, vì vậy với sự phán giáo của Trí Giả Đại Sư thì không nhất quán về mặt thời gian và địa điểm?
Bên cạnh đó theo sách sử có chép: “Phật đã nhập hạ hai mươi lăm năm hạ ở đây, trong suốt bốn mươi lăm năm hành đạo. Nơi đây đức Phật đã thuyết kinh Lăng Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh A Di Đà, kinh Vu Lan, kinh Vị Tằng Hữu, kinh Di Lặc, kinh Thượng Sinh…”(2).
Trong Buddhavacana các nhà ngôn ngữ cho rằng Pāli xuất hiện sau thời đức Phật và chưa từng là ngôn ngữ nói. Nhưng Nam truyền lại cho rằng đức Phật nói tiếng Pāli nên đến nay các tranh luận vẫn chưa dừng lại.
Trong khi đó, đức Phật nói tiếng địa phương, Ngài đi đến đâu lại dùng ngôn ngữ ở đấy để thuyết giảng, nhưng có những người ở Ấn Độ họ lại nói tiếng Pāli, bởi Pāli là thủy tổ của ngôn ngữ nói bản địa ở đó, khi đứa bé được sinh ra nó chưa hiểu được ngôn ngữ lại nghe người lớn nói tiếng Pāli dần dần nó hiểu do thói quen, từ đó ngôn ngữ Pāli như vậy mà xuất hiện trong ngôn ngữ nói?
Cũng có lập luận cho rằng, đức Phật không nói tiếng Pāli, Ngài chỉ dùng địa phương ngữ: “khi đức Phật ở Ma Kiệt Đà thì Ngài nói tiếng Magadhi, khi đức Phật ở Kiều Tát La thì Ngài nói tiếng Kosala, khi Ngài ở Tì Xá Ly thì Ngài nói tiếng Kasi…”(3).
Trong Văn Học Sử Phật Giáo của Cao Hữu Đính có nói. Đức Phật đọc một bài kệ cho chư thiên nghe, Ngài nói bốn lần dùng ngôn ngữ khác nhau để họ hiểu: “Ngài dùng tiếng Sanskrit (thánh ngữ) và chỉ có hai trong bốn vị thiên-vương hiểu được. Trong hai vị còn lại thì với một vị, Ngài đã phải dùng tiếng Dāvida tức là tiếng Tamil của miền Nam Ấn Độ. Với vị thứ tư, Ngài phải dùng tiếng Miệt Lệ Sa (Mleecha)”(4). Như thế có nghĩa là không những người mà cho đến chư Thiên họ cũng chỉ hiểu ngôn ngữ họ thường dùng.
Theo quan điểm cá nhân và sự hiểu của người viết, ở đây “địa phương ngữ ” có thể hiểu “ngữ” là lời nói, “địa” là nơi, “phương” là phương tiện dùng để giảng giải. Nghĩa là khi đức Phật đến đâu Ngài không chỉ dùng “khẩu ngữ” mà còn dùng thân và ý để giảng dạy.
Trong kinh đức Phật thường dùng phương tiện như đối với người chăn ngựa, đức Phật dạy cho vị ấy biết cách trị con ngựa theo từng bước, làm quen với nó, cho nó ăn, hướng dẫn cho nó biết cách xông pha khi ra trận v..v, nếu gặp người thợ mộc Ngài dạy họ cách làm khéo léo cho thành sản phẩm như ý. Như vậy đồng nghĩa là Ngài đi đến đâu dùng phương tiện ở đó mà giảng dạy để người nghe hiểu được ấy gọi là địa phương ngữ.
Trước đây, khi chưa có sự giao thoa ngôn ngữ Đông Tây nhưng vào thế kỷ XVII cuộc cách mạng công nghiệp ở Pháp ra đời, nền kinh tế thương nghiệp phát triển, nên sản phẩm dư thừa cần đưa qua các nước để giao thương. Do sự giao lưu buôn bán giữa các vùng lân cận với nhau, lại rất nhiều người ở nhiều địa phương vì vậy họ vẫn có riêng một ngôn ngữ chung để giao tiếp. Chính vì sự tranh cãi về ngôn ngữ mà cuộc kiết tập kinh điển được hình thành bằng chữ viết vào thời kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba.
Nếu ở kỳ kiết tập kinh điển lần ba cho ra đời Bộ Luận Karavathu (Thượng Tọa Bộ) thì ở cuộc kiết tập kinh điển lần thứ tư lại cho ra đời lại cho ra đời bộ Luận Mahā-Vibhāsa Sastra (Nhất Thiết Hữu Bộ hay còn gọi là Tỳ Bà Sa Luận) mà Nam truyền lại không chấp nhận. Cho nên sự tranh luận vẫn còn tiếp tục. Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu khảo cổ học, người ta cho rằng tạng Magadhi có trước tạng Pāli nhưng chưa thành tạng. Chính vì thế mà ngôn ngữ Buddhist Hybrid Sanskrit (BHS) được ra đời để hoàn chỉnh lại về phần ngôn ngữ trong giao tiếp?
2. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Buddhist Hybrid Sanskrit
Khi xuất hiện sự kiện gì cũng đều có nguyên nhân đầu tiên hay lý do mà nó xuất hiện và tồn tại, với Buddhist Hybrid Sanskrit cũng vậy, trước tiên ta cần hiểu về định nghĩa của nó. BHS là một ngôn ngữ cổ đại mà Phật giáo Bắc truyền dùng ngôn ngữ này để biên tập kinh điển, trong đó có chín mươi đến chín mươi lăm phần trăm là kinh điển Đại thừa.
Buddhist Hybrid Sanskrit là ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa, do một Giáo sư nhà ngôn ngữ khảo cổ học tên là Franklin Edgerton đề cập vào năm 1953. Đây là ngôn ngữ đầu tiên trong các bài kinh là ngôn ngữ mà đức Phật thường sử dụng để thuyết Pháp, vì vậy khi kiết tập lại kinh điển cần có một hệ thống ngôn ngữ chung, cho nên đã có những lý do để xuất hiện BHS.
Sau đây là một số nguyên nhân: Theo Luật Tạng, có hai Thầy ở Tascila thuộc Bắc Ấn Độ xin đức Phật chuyển hết ngôn ngữ Thiện Kiến Luật - Samanta pansadoka thành Sanskrit, đức Phật liền nói: “Này các Tỳ Khưu, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật …ta cho phép học … bằng tiếng địa phương của chính bản thân”(5).
Đức Phật muốn lời giảng của Ngài được truyền đến tất cả các đẳng cấp trong xã hội một cách bình đẳng, do đó đã dùng địa phương ngữ để thuyết pháp. Như vậy ngay cả những người có đẳng cấp thấp nhất cũng có thể hiểu được lời dạy và có thể tu tập giải thoát ngay trong đời này và nhiều đời sau nữa cho nên đức Thế Tôn không đồng ý việc chuyển đổi ngôn ngữ.
Bên Nam truyền cho rằng đức Phật nói tiếng Pāli khi giảng dạy vì thế theo Buddha ghosa giải thích, từ thế kỷ thứ V kinh được dịch từ tiếng Sanskrit sang tiếng Pāli. Theo quan điểm Bắc truyền” ‘hãy để các dân tộc học lời dạy của đức Thế Tôn bằng ngôn ngữ của họ’. Theo quan điểm của Phật Minh (Buddhaghosa) giải thích rằng học giáo pháp trong ngôn ngữ của mình, tức là tiếng Ma-kiệt-đà như Đấng Đại-giác đã dùng “....sự thật thì không phải như thế. Danh từ Pāli trong chữ nguyên vốn đồng nghĩa ….Pāli biến thành ngôn ngữ Pāli”.(6)
Đức Phật không dùng tiếng Sanskrit nhưng sau này có tạng Sanskrit. Bởi từ thế kỷ thứ IV (tcn) thì các kinh văn Phật giáo dùng tiếng Sanskrit để thay thế tiếng Prakrit và tiếng Sanskrit - tạp. Tiếng Buddhist Sanskrit được sử dụng trong các Kinh của tông phái Sa-Sarvāstivādin Sect và nhiều Kinh văn Đại thừa. Tiếng Buddhist Sanskrit này rất gần với tiếng Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit). Giờ đây mọi người đều nói tiếng Sanskrit và dùng nó như một phương tiện để truyền bá tư tưởng cho nên Sanskrit không còn là ngôn ngữ giành riêng cho tôn giáo nào.
Vì vậy, đã có sự xuất hiện một học giả người Ấn tên là Pānini (Sanskrit cổ điển glā classical Sanskrit) sắp xếp hệ thống lại gọi là Standard Sanskrit đây gọi là Sanskrit tiêu chuẩn (mới), có tính ưu việt lớn nên được sử dụng rộng rãi trong dân chúng. Các tác phẩm viết bằng Sanskrit kia thì đều chuyển qua Sanskrit tiêu chuẩn và truyền đi khắp Ấn Độ cho nên ảnh hưởng đến Phật giáo như vậy là trái lời Phật dạy vì đã chuyển đổi ngôn ngữ - nếu như theo đoạn trích lược ở trên?
Khi chữ viết (ngôn ngữ) ra đời không sử dụng được, nếu sử dụng thì trái lời Phật dạy nên rất hỗn hợp, phức tạp bởi nó còn vướng địa phương ngữ, cuối cùng những nguyên nhân này dẫn đến sự xuất hiện của ngôn ngữ Sanskrit cổ ngữ Phật giáo. Hiện tại có hai nguồn tư tưởng ở vùng Trung Ấn tràn vào nên xuất hiện Sanskrit Hỗn Chủng Phật Giáo mà trong khi đó Sanskrit tạp chính là Sanskrit Phật giáo.
Những gì đức Phật dùng địa phương ngữ nên những văn bản còn lại mang tính địa phương ngữ, vì thế trong các bài kinh ta thường gặp những chữ Pāli còn nguyên vẹn không được dịch ra như chữ “Setthi, Ullambana …” người ta thường để nguyên chữ Pāli không dịch ra bởi dịch ra không lột tả hết được ý nghĩa của nó.
BHS khi chuyển ngữ nhưng những từ trừu tượng nó không lột tả hết được ý nghĩa nên khiến người ta dễ hiểu sai về đạo Phật, chẳng hạn như khi nói về “Dukkha” có nhiều nghĩa nhưng người ta chỉ hiểu là nghĩa “khổ” nên cho rằng đạo Phật bi quan yếm thế chỉ nói cuộc đời là khổ chẳng có gì đáng sống đáng lưu luyến nên dẫn đến bi quan yếm thế... Vì thế, đức Phật ví người từ bỏ giai cấp giống như người gác cổng mà đi ăn trộm vậy cho nên cần để nguyên bản một số từ nguyên thủy.
3. Cách đặt tên Buddhist Hybrid Sanskrit
Ngôn ngữ Franklin Edgerton được Giáo sư gọi là BHS. Dường như các tác phẩm Phật Giáo Bắc Ấn Độ, Nam truyền và Bắc truyền được viết bằng BHS. Chẳng hạn, toàn bộ các kinh trong bộ Đại Bát Nhã được viết bằng BHS. Ngôn ngữ này phần nhiều là phương ngữ Middle India cổ xưa mà vẫn chưa xác định rõ, đồng thời chứa nhiều tiếng địa phương của các Middle Indic khác. Nhưng BHS cũng chịu ảnh hưởng bởi tiếng Phạn sâu xa khiến cho nhiều tác phẩm viết bằng BHS vẫn được gọi một cách đơn giản là “tiếng Phạn”.
Tiếng Phạn (Sanskrit) không phải là một ngôn ngữ chết, không giống như tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp không còn được sử dụng. Tiếng Sanskrit chỉ dùng để nghiên cứu không phải là ngôn ngữ nói hằng ngày nên rất khó nhớ, lại khó học nên dường như nó là một ngôn ngữ lạ đối với nhiều người cho nên nó thành ra cổ ngữ. Chính vì thế, cũng có một số người họ lại nghi ngờ và cho rằng không biết đây là ngôn ngữ có thật không và họ đâu hiểu rằng đây chính là ngôn ngữ trọng tâm của giới phương Tây, Châu Âu, còn ở Châu Á lại ít dùng.
Riêng ở Ấn Độ thì có một số vùng họ lại sử dụng hằng ngày kể cả trẻ em nên nó không bao giờ mất ở Ấn Độ mà vẫn luôn được tồn tại. Ngài William Jone cho rằng: “Ngôn ngữ này rất là tuyệt vời, ngôn ngữ La Tinh hay ngôn ngữ Hy Lạp có giai đoạn bị diệt vong nhưng ngôn ngữ này chưa từng bị diệt vong”(7).
BHS là tên hiện đại bởi vì do các nhà ngôn ngữ hiện đại đặt tên nên gọi là ngôn ngữ hiện đại. Trong kinh có phần thơ kệ lại thường dùng ngôn ngữ Gātha. Ngữ pháp khác nhau nên gọi là Sanskrit thơ kệ đó là tên thứ nhất. Tên thứ hai là tên của vùng Trung Ấn gọi là Sanskrit pha trộn (Mixed Sanakrit). Tên thứ ba là khi người ta đào lên có các bia ký ghi chữ Sanskrit phổ biến (popular Sanskrit).
Tên thứ tư là khi nhiều Sanskrit ra đời nhưng Phật giáo dùng nhiều nhất là Buddhist Sanskrit để phân biệt với Sanskrit Bà-la-môn. Tên thứ năm là Buddhist Hybrid Sanskrit (BHS) do nhà ngôn ngữ học Hoa Kỳ Frankrin Edzerton đặt tên. Đến năm 1953 ông cho ra đời tác phẩm BHS văn phạm và tự điển 2 tập, nhưng khi sách ra đời thì lại nhiều nhà học giả ngôn ngữ học không chấp nhận, vì thế ông đã viết ra mười bài báo để biện luận cho quan điểm của mình khi ra đời BHS. Mãi cho đến khi ông chết đi thì sách BHS mới được công nhận.
4. Vị trí của Buddhist Hybrid Sanskrit trong nhóm ngôn ngữ Ấn - Âu
BHS là cổ ngữ. Ngôn ngữ này thuộc nhóm ngôn ngữ Ấn - Âu. Gồm có bốn: Indo - European, Indo - Iranian, Indo - Aryan, Sanskrit.
Một nhà quý tộc người Anh Sir William Jonen ông nghiên cứu thời gian cho ra đời cuốn từ điển Anh - Sanskrit. Ông vừa là nhà quý tộc vừa là nhà ngôn ngữ học nên ông đã phát hiện ra sự giống nhau giữa các tiếng Anh, Hi Lạp, Sanskrit và La Tinh. Ví dụ như có hai số ít và nhiều, ngôi có ba ngôi là Nam tánh, Nữ tánh và Trung tánh.
Cũng vậy, trong sách Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ có nói: “Ngôn ngữ Sanskrit so với ngôn ngữ Hy Lạp, La Tinh, Anh, Pháp có nhiều điểm giống nhau, làm cho người ta có cảm tưởng lạ lùng là các ngôn ngữ gần gũi nhau, cùng một nguồn gốc, mặc dù cách xa về thời gian, không gian”(8).
Lần đầu tiên vào năm 1870 ông chia ra thành hai nhóm là Centum và Satum. Trong đó nhóm Centum được chia làm sáu gồm: Greek, Italic, Germanic (nhóm ngôn ngữ vùng Tây Bắc Âu Châu, gồm 3 phân nhóm North, West and East Germanic). Keltic (ngôn ngữ của người Xen-tơ), Jukharan and Hittite (ngôn ngữ vùng Anatolia tiểu Á trong thiên nhiên kỷ thứ hai trước công nguyên).
Nhóm Satum được chia làm năm gồm Banltu (ảnh hưởng đến ngôn ngữ Bỉ và Phần Lan), Albanian (tiếng nước Albanian), Slavic (bao gồm tiếng Nga, Hungari, Tiệp Khắc), Armenians (Tây nam Á Châu, phía Nam Georgia, phía Bắc Iran, phía Đông Bắc Thổ Nhỉ Kỳ, phía Tây Azerbaijan), Indo_Aryan (Ấn Độ và Aryan, Bắc Ấn và Trung Đông).
Trong đó Indo - Aryan lại tiếp tục chia ra làm hai là Avestan: là ngôn ngữ cổ đại của Trung Cận Đông nói tiếng Persian (Ba Tư) ở đó có phái Hỏa Giáo thờ mặt trời. Và Indo - Aryan tác phẩm xưa nhất của nhóm này là Rig-ved 2000 - 1500 BC gồm có 10.000 bài kệ ca ngợi các ngợi các vị thần, trong đó có ba vị thần được tôn vinh nhất là Thần Mặt Trời, Thần Bảo Tồn và Thần Hủy Diệt, bởi đây là ba vị thần cao cấp nhất.
Nhóm Indo - Aryan lại tiếp tục chia ra làm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 là Old Indo Aryan (2000 BC - 500 BC). Trong thời đại này có những tác phẩm Veda, Upanissa… đây là giai đoạn thời kỳ Sanskrit cổ điển. Giai đoạn 2 là Middle Indo Aryan (500 BC - 1000 AĐ _là 1500 năm) thời kỳ này xài Sanskrit Phật giáo. Giai đoạn 3 là Later Indo - Aryan (1000 AD đến hiện đại (ngày nay). Các ngôn ngữ đang sử dụng Hindi, Bengali (Bengang), xứ Pubjabi, Viha.
Trong đó giai đoạn 2 lại tiếp tục chia làm ba là mỗi giai đoạn là 500 năm. Gồm có, giai đoạn 1 là Old Indo Aryan là 500 năm, gồm có các ngôn ngữ Pāli, krakit, magadi và một phần của BHS có Mahavastu và Astasahāssi Prajnā Paramitta, Kinh Bát Thiên Bát Nhã Tụng…Giai đoạn 2 là Middle Indo Aryan (1-500 AD) là phần còn lại của BHS. Giai đoạn 3 là Later Indo - Aryan (500 AD - 1000AD), giai đoạn này không còn nhiều chỉ còn lại mấy kinh Mật giáo biên tập sau, ở giai đoạn này thì kinh Trường Hàng không còn bị pha tạp.
Như vậy, khi nói về ngôn ngữ Buddhist Hybrid Sanskrit là nghĩ đến nét đẹp tinh hoa của ngôn ngữ, cái gì đẹp nhất, tinh túy nhất vừa có tính khoa học, vừa hợp với ngôn ngữ, không bị sai phạm lời Phật dạy, lại phù hợp với quần chúng thì đó chính là BHS.
KẾT LUẬN
Lịch sử Văn học Buddhist Hybrid Sanskrit là một tài sản Pháp bảo vô giá trong Phật giáo Đại Thừa nói riêng và văn học Phật giáo nói chung. Nhờ có BHS mà chúng ta còn lại được những gì nguyên thủy lời Phật dạy. Tuy đây là một loại cổ ngữ, khó học, khó tiếp thu, nhưng ít nhất nó lại là nguồn tài liệu cho những ai có công trình nghiên cứu về ngôn ngữ.
Bên Ấn Độ, đây là loại ngôn ngữ của giới thượng lưu bởi những người dân nghèo khổ không có đủ điều kiện để được học hay tiếp cận. Vì thế nó cũng khó được chấp nhận ở những nơi không thường sử dụng nên nó thuộc về cổ ngữ, lại là điều khó khăn trở ngại cho những ai khi tìm về cội nguồn để học tập và nghiên cứu. Với vai trò trách nhiệm của thế hệ trẻ, là những mầm non tiếp bước cho công việc hoằng dương đạo Pháp.
Chúng ta phải làm sao giữ gìn mạng mạch và liên tục phát triển không để bị lu mờ ở tương lai. Mặc dù khó học khó nhớ nhưng không thể không học được hay nhớ được. Để ủng hộ cho tinh thần học tập của Tăng - ni sinh, hiện nay đã có các học bổng dành cho những sinh viên có ước muốn học cổ ngữ Sanskrit đã được áp dụng tại khoa Sanskrit ở Học viện Phật giáo Việt Nam (Vietnam Buddhist University), là thế hệ tiếp tục cho công việc nghiên cứu và dịch thuật những tác phẩm kinh sách Phật giáo hiện nay.
Tác giả: Thích nữ An Hưng Học viên Cao học khóa VI, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024 ***
Bình luận (0)