Thực trạng đáng báo động về bạo hành gia đình trong xã hội hiện đại
Dù xã hội ngày càng phát triển, nhận thức về quyền con người và bình đẳng giới đã được nâng cao, thế nhưng bạo hành gia đình vẫn âm thầm tồn tại, thậm chí có xu hướng gia tăng phức tạp hơn. Nhiều vụ việc bạo hành gia đình xảy ra không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà còn ngay trong những đô thị lớn, nơi được tiếp xúc hàng ngày với nền văn minh đô thị.
Phụ nữ vẫn là nạn nhân chủ yếu, đặc biệt là những người vợ nội trợ ít có điều kiện tự bảo vệ bản thân.
Bạo hành gia đình ngày nay không chỉ dừng lại ở hành vi bạo hành thể chất, mà còn mở rộng sang các hình thức tinh vi hơn như bạo hành tinh thần, bạo hành kinh tế và thậm chí là bạo hành tình cảm. Nhiều người vợ sống trong sợ hãi thường trực, bị kiểm soát tài chính, cô lập khỏi các mối quan hệ xã hội và chịu đựng những lời nói độc hại hằng ngày. Điều này càng khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bế tắc, khó tìm được lối thoát cho chính mình và con cái.
Phật giáo chỉ rõ rằng, mọi đau khổ trong thế gian đều xuất phát từ vô minh. Khi không hiểu rõ bản chất nhân quả, người ta dễ sa vào vòng luẩn quẩn của sân hận, ích kỷ và chiếm hữu.
Gia đình vốn là nơi yên ấm, là nơi bão dừng sau cánh cửa vậy mà lại trở thành chiến trường bạo lực không chỉ phá vỡ hạnh phúc mà còn làm hoen ố đạo lý làm người.
Nguyên nhân sâu xa của bạo hành dưới góc nhìn Phật giáo
Nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo hành gia đình thoạt nhìn chỉ xuất phát từ các mâu thuẫn trong cuộc sống giữa người vợ và người chồng. Nhiều vụ người chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ chỉ là nguyên nhân rất nhỏ như vợ chưa kịp nấu cơm, hay trong bữa cơm vợ cho ăn chỉ có rau mà không có thịt cá… Hay như có vụ, chỉ vì người vợ giặt quần áo mà người chồng cho là không được sạch nên có lời qua tiếng lại, dẫn tới vợ chồng nói nhau, cãi nhau, rồi chị vợ cũng phải “chịu trận” đòn chí tử vì người chồng vũ phu…
Còn nhớ cách đây mấy năm, vụ chồng bạo hành vợ gây bức xúc trong dư luận, khi clip ghi lại hình ảnh người chồng đánh vợ, đẩy xuống hồ bơi, dùng tay bóp cổ, ghì mạnh xuống nước nhiều lần. Khi người vợ leo lên bờ chạy thoát, người chồng tiếp tục chửi bới rồi đuổi theo đánh cho kỳ được. Hay như trên mạng xã hội cũng từng xuất hiện một clip ghi lại cảnh người vợ bế con nhỏ trên tay và không có bất kỳ sự phòng vệ nào, đã bị người chồng là một võ sư hành hung dã man khiến người vợ phải nhập viện. Vào thời điểm đó, vụ bạo hành khác với một phụ nữ cũng được mọi người chia sẻ rộng rãi, lên án kịch liệt.
Từ góc nhìn Phật giáo, những hành động ấy là biểu hiện rõ rệt của “tam độc” trong tâm thức con người: tham lam, sân hận và si mê.
Tham lam khiến con người muốn chiếm hữu đối phương như tài sản cá nhân, sân hận biến tình yêu thương thành công cụ áp chế, còn si mê khiến họ không nhận thức được hậu quả của những hành vi tàn nhẫn ấy. Khi những độc tố này lây lan trong gia đình, nó không chỉ phá hoại mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, mà còn gieo nghiệp xấu, kéo dài đau khổ trong nhiều đời sống.
Phật giáo dạy rằng: “Không có kẻ thù nào nguy hiểm bằng tâm sân hận của chính mình.”
Nghiệp từ những hành động bạo hành không chỉ giới hạn trong hiện tại mà còn tiếp tục lưu chuyển trong dòng luân hồi, làm trầm trọng thêm khổ đau của bao thế hệ.
Thực chất, bạo lực gia đình không đơn giản chỉ nảy sinh từ những sự kiện bên ngoài như cơm không ngon hay lời nói sơ suất, mà những điều đó chỉ là “duyên” kích hoạt, trong khi “nhân” sâu xa là tâm sân hận đã âm ỉ cháy từ lâu trong nội tâm người gây bạo lực, tâm sân hận ấy có thể đến từ nhiều yếu tố trong cuộc sống, đôi khi không phải chính người nhà gây nên. Khi nội tâm bất an, vọng tưởng chi phối, thì mọi việc nhỏ nhặt cũng bị thổi phồng thành nguyên nhân của xung đột.
Tâm sân hận giống như đốm than hồng được che phủ bởi lớp tro lạnh, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ bùng phát thành ngọn lửa dữ dội, thiêu rụi mọi giá trị yêu thương trong gia đình.
Phật giáo chỉ rõ, nguyên nhân sâu xa nhất của mọi hành động ác chính là sự vô minh, không nhận thức được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của nó. Người chồng bạo lực tưởng rằng hành vi đe dọa sẽ khiến vợ phục tùng, nhưng thực chất, họ đang tạo nghiệp ác và chuốc lấy khổ đau cho cả hai.
“Người nổi giận trước hết tự đốt cháy phước đức của mình, giống như lửa đốt cháy rừng công đức”.
Nếu không thực hành chính niệm, quán chiếu sâu sắc về hậu quả của hành động, người ta dễ bị cuốn trôi bởi lửa sân hận. Sự thiếu kiểm soát này không chỉ làm tổn thương người thân yêu mà còn mở rộng vòng xoáy khổ đau, kéo dài từ đời này sang đời khác.
Việc tu dưỡng tâm từ bi, nuôi dưỡng lòng hỷ xả, chính là con đường duy nhất để chuyển hóa những độc tố trong tâm, chấm dứt vòng lặp bạo hành.
Kinh Pháp Cú khẳng định chân lý bất biến: “Hận thù diệt hận thù, đời này không thể được; Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”
Thông điệp này không chỉ dành cho người trong cuộc, mà còn là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho toàn xã hội. Muốn xây dựng mái ấm bình an, không chỉ dừng lại ở giải quyết hậu quả, mà cần chạm tới gốc rễ tâm thức mỗi người. Đó là sự tỉnh thức trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động; là sự thực hành từ bi mỗi ngày, để ánh sáng của hiểu biết và yêu thương có thể soi rọi và dập tắt ngọn lửa sân hận trước khi nó bùng cháy.

Hệ quả nặng nề của bạo hành trong gia đình đối với con trẻ
Nhìn vấn đề ở góc độ tâm lý, đứa trẻ có thể buồn, xót mẹ bị bố chửi bới và hành hung. Vậy nhưng hậu quả không dừng lại ở đó, bởi những đứa trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ mặc định hằn sâu trong đầu rằng, đàn ông có thể bạo hành phụ nữ, bố được quyền đánh mẹ… Lớn lên, con gái có thể bị ám ảnh khi nghĩ đến chuyện lập gia đình; con trai có thể bạo lực và đánh những phụ nữ làm trái ý... Đó là hậu quả của việc chúng chứng kiến cảnh bố đánh mẹ lặp đi lặp lại mỗi ngày trong cuộc sống.
Trước đây, gần chỗ tôi ở, có một thanh niên đánh vợ thương tích nặng phải nhập viện điều trị, mẹ vợ thấy con gái bị hành hung dã man nên tố cáo sự việc. Bị mời lên công an khu vực giải trình, thanh niên này cho biết, lúc đó vì quá nóng giận và không nghĩ sự việc lại trầm trọng như vậy. Anh ta cho hay lúc nhỏ nhiều lần thấy cảnh bố “nóng” lên cũng đánh mẹ. Hay như cháu gái của bạn tôi từng bị trầm cảm từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, 40 tuổi vẫn chưa muốn lấy chồng. Hỏi ra mới biết rằng, cô gái này bị ám ảnh bởi cảnh nhiều lần bố đánh mẹ nên sợ khi lấy chồng bị rơi vào hoàn cảnh như vậy nên... muốn ở một mình!
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bạo lực phải chứng kiến cảnh mẹ bị cha bạo hành, sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Không khí gia đình nặng nề như gông cùm vô hình bóp nghẹt tuổi thơ của trẻ. Những tiếng quát tháo, những cú đánh đập không chỉ gây tổn thương thể xác cho người mẹ mà còn để lại vết thương sâu kín trong tâm hồn con trẻ. Theo tâm lý học hiện đại, trẻ sống trong môi trường bạo lực dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc học theo hành vi bạo lực khi trưởng thành. Cái vòng luẩn quẩn này khiến bạo lực gia đình không chỉ là nỗi đau của một thế hệ mà còn có nguy cơ trở thành nghiệp quả truyền đời.
Theo Duy thức học, sự tích tụ của những chủng tử nghiệp xấu trong A-lại-da thức, kho tàng tàng thức lưu giữ mọi hạt giống thiện ác. Khi trẻ liên tục chứng kiến và chịu đựng bạo lực, những hạt giống sợ hãi, oán hận, hoặc thậm chí xu hướng bạo lực bị gieo vào tàng thức, trở thành nghiệp lực dẫn dắt đời sống tương lai. Khó mà hóa giải nếu không có sự chuyển hóa sâu sắc từ chính nội tâm con trẻ.
Nếu gia đình là cái nôi của yêu thương, thì bạo lực là bàn tay phá nát cái nôi đó. Một đứa trẻ sinh ra vốn dĩ như tờ giấy trắng, cần được viết lên bằng những nét chữ yêu thương, hiểu biết và từ tâm. Trẻ cần được nuôi dưỡng bằng sự hiểu biết và tình thương, để lớn lên với tâm hồn trong sáng, giàu lòng từ bi. Giáo dục con trẻ là trách nhiệm lớn lao của bậc làm cha mẹ. Một gia đình biết tu dưỡng tâm, thực hành chính niệm và từ bi, không những giúp con trẻ tránh được bóng tối của bạo lực, mà còn gieo vào lòng trẻ những hạt giống thiện lành, giúp chúng phát triển thành những con người có trí tuệ và từ tâm.
Nếu không gieo trồng hạt giống lành từ sớm, thì mai này, những hạt mầm bất thiện sẽ mọc lên thay thế, như cây độc mọc từ đất nhiễm độc, không thể cho quả ngọt. Ngược lại, khi hạt giống từ bi được vun bồi mỗi ngày, trẻ sẽ lớn lên với tâm hồn rộng mở, biết yêu thương và trân trọng sự sống của muôn loài.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ (AN 5.39), có nội dung về bổn phận của cha mẹ: "Nuôi dưỡng con cái, giữ gìn con khỏi điều ác, hướng dẫn con làm nghề thích hợp, tác thành hôn nhân đúng thời, trao truyền gia tài đúng thời."
Hoặc trong Kinh Thiện Sanh (Sigālaka Sutta - Digha Nikāya 31) dạy về mối quan hệ cha mẹ và con cái: "Cha mẹ là bậc sinh thành, dưỡng dục con cái, hướng dẫn con cái tránh điều ác, khuyến khích làm điều thiện, dạy dỗ nghề nghiệp, cưới gả đúng thời".
Như vậy, con cái là sự tiếp nối sự sống của cha mẹ, cần được dưỡng nuôi bằng chính pháp.

Kết: Vòng lặp luân hồi của bạo lực
Chúng ta biết rằng chồng đánh vợ là bạo lực gia đình, tuy nhiên nó không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn an ninh trật tự xã hội. Tác hại nghiêm trọng như thế nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong các gia đình trẻ của thời hiện đại ngày nay. Có một nghịch lý là xã hội ngày càng văn minh, vấn nạn đàn ông bạo hành phụ nữ lại trở nên nhức nhối và phổ biến, với các vụ chồng đánh vợ ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy, phụ nữ ở nước ta vẫn chưa được bảo vệ một cách đúng mức, lắm khi còn phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực, khó lường. Không hiếm các vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương nơi nạn nhân đang cư trú chưa có sự can thiệp kịp thời.
Nước ta có nhiều quy định được luật hóa nhằm bảo vệ an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, nhưng những điều luật trên chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ. Nhiều tổ chức được cho là có chức năng bảo vệ chống bạo hành phụ nữ nhưng còn mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả. Một chị phụ nữ trẻ sinh sống trong khu dân cư của tôi từng chia sẻ:
“Tôi hay bị chồng đánh, chẳng vì lý do gì cụ thể. Nhiều khi là con khóc quá to, con đang chơi bị trượt ngã, hay là cãi lại chồng khi anh ta to tiếng... Lắm khi, tôi ăn tát hay vài cú đá chỉ vì lườm nguýt anh ta. Nhiều trận đòn vô cơ khiến tôi trầm cảm thực sự. Người thân khuyên tôi báo với chính quyền, và cán bộ phụ nữ địa phương nhưng tôi xấu hổ quá. Sống ngần này tuổi mà không tự bảo vệ được mình, mang tiếng bị chồng bạo hành sao dám ra đường..(?!), và đó là một sai lầm… Đến một ngày, tôi thấy ánh mắt sợ hãi của con gái mình khi thấy bố đánh mẹ, tôi quyết định báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Nay, tôi và anh ta chia tay hẳn, tôi nhẹ nhõm và vui mừng vì con mình không phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ”.
Trong cuộc sống có một thực tế là không ít phụ nữ ở nước ta, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, không dám cho người xung quanh biết mình đang bị bạo hành, vì xấu hổ, vì sợ chồng hành hạ còn nhiều hơn. Không mấy ai đủ can đảm chọn lựa báo chính quyền, hay chia tay…, chí ít là vì những đứa con. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, trẻ em trên danh nghĩa luôn được ưu tiên chăm sóc, dành cho những gì tốt đẹp nhất.
Dưới góc nhìn Phật giáo, nhân quả không phải là lời hăm dọa mà là quy luật vận hành khách quan của vũ trụ. Người gây ra bạo lực trong gia đình hôm nay sẽ không thoát khỏi quả báo khổ đau trong tương lai. Cái nghiệp xấu ấy không chỉ khiến họ đọa lạc trong đời này mà còn dẫn dắt họ vào những cõi dữ trong vòng luân hồi. Mỗi cái nhìn đầy sân hận, mỗi lời nói thô bạo, mỗi hành động làm tổn thương người thân đều là sự gieo trồng của những hạt giống bất thiện trong tâm thức. Những hạt giống ấy sẽ nảy mầm trong tương lai, dù người gây ra có ý thức hay không, bởi "nhân quả như bóng với hình, không thể rời nhau." (Kinh Pháp Cú)
Không chỉ vậy, hậu quả của bạo lực gia đình còn vượt khỏi phạm vi cá nhân. Trẻ em lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ bị ám ảnh sâu sắc bởi những hình ảnh đau thương và cảm xúc tiêu cực. Những vết thương tâm lý âm ỉ ấy dễ dàng biến thành hạt giống của sân hận và bạo lực khi các em bước vào đời, lập gia đình mới. Vòng lặp ấy tạo thành nghiệp cộng đồng, khiến xã hội ngập chìm trong sự thù hận, bất an và bạo lực nối tiếp. Giống như ngọn lửa lan từ đám cháy nhỏ, sự vô minh và sân hận sẽ thiêu rụi nền tảng yêu thương của biết bao gia đình nếu không được dập tắt kịp thời.
Chỉ khi nào mỗi cá nhân trong xã hội nhận thức sâu sắc về hậu quả của bạo lực và luật nhân quả, mỗi người mới có thể chủ động tu tập, chuyển hóa tâm mình. Từ đó, sân hận được hóa giải thành từ bi, bạo lực được thay thế bằng sự bao dung và hiểu biết. Gia đình khi ấy mới thực sự trở thành chốn an trú bình yên, là nơi nương tựa cho các thành viên trở về, tìm thấy sự ấm áp và an lạc chân thật.
Như lời dạy của Phật giáo: "Gieo nhân nào, gặt quả nấy, không ai thay thế cho ai được.” Lời dạy không chỉ là sự nhắc nhở mà còn là ngọn đèn soi đường, giúp chúng ta thấy rõ trách nhiệm và quyền năng chuyển hóa của chính mình trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động hằng ngày.
Điều tốt đẹp thường được hun đúc từ cá nhân rồi lan tỏa từ gia đình, cộng đồng, xã hội. Một tấm gương tốt làm nên nhân cách con người phải được bắt đầu từ việc đối xử tử tế với người thân, vợ con trong gia đình. Và làm cha mẹ, đừng bao giờ để con mình chứng kiến bạo lực trong gia đình, hậu quả từ việc đó là không thể đo lường được.
Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương
Địa chỉ: Đội 6, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Bình luận (0)