Phần I. Hình thức và văn khấn

1. Lễ cúng Giao Thừa (Lễ Trừ Tịch) 

Theo phong tục của người Việt từ cổ xưa đến nay, thời khắc quan trọng nhất của Tết Nguyên Đán là đêm giao thừa với lễ Trừ Tịch. Từ "Trừ Tịch" nghĩa là: "Trừ" là trao lại chức quan, "Tịch" là ban đêm. 

Lễ Trừ Tịch còn mang tên là lễ Giao Thừa, có nghĩa là lễ được tổ chức khi các quan nhà Trời chuyển giao lại nhiệm vụ, diễn ra vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người ta nói đây là lễ tống cựu nghinh tân.

Người xưa cho rằng, có mười hai vị Hành Khiển Đại Vương, và mười hai Phán quan nhà Trời tượng trưng cho mười hai con giáp từ năm Tý (con chuột) đến năm Hợi (con lợn), luân phiên trông coi việc dưới hạ giới. 

Ảnh minh hoạ Bàn thờ Gia tiên cùng mâm cỗ
Ảnh minh hoạ Bàn thờ Gia tiên cùng mâm cỗ cúng lễ

Cứ sau mỗi chu kỳ mười hai năm lại quay trở về vị Hành Khiển đầu tiên. Các quan nhà Trời đều có ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người; còn ông Ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém. Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành Khiển, Ngọc Hoàng dựa trên sớ tấu đó mà ban phúc hay trừng phạt con người. 

Với quan niệm như thế, người xưa làm lễ rất cẩn trọng. Lễ Trừ Tịch cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới; quan đương niên cũ giao lại công việc, quan đương niên mới tiếp nhận. Vào thời điểm này, mọi gia đình đều bày cỗ cúng Tổ tiên ở trong nhà và cỗ cúng ngoài trời để cúng hai đoàn các quan. 

Cúng Giao Thừa trong nhà là lễ cúng Tổ tiên vào chính thời khắc Giao Thừa vừa tới. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn Trời Đất, Tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho toàn bộ các thành viên trong gia đình có sức khỏe tốt và gặp nhiều may mắn trong năm mới. 

Mâm lễ thắp hương

Cỗ mặn gồm có bánh chưng, giò, chả, thịt gà, xôi các loại. Ngoài ra cỗ mặn còn có các món ăn mặn khác tùy theo khẩu vị của từng gia đình.

Hương, hoa, vàng mã, đèn nến. Trầu cau, bánh kẹo, mứt tết. Rượu, bia và các loại thức uống khác.

2. Văn khấn lễ cúng Giao Thừa

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) 

Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật. 

Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. 

Nam mô Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khố chúng sinh. 

Con kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. 

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân cùng các chư vị Tôn thần. 

Con kính lạy các cụ Tổ tiên nội ngoại chư vị Tiên linh. 

Nay phút giao thừa năm cũ.... (tên năm theo Âm lịch) đã tới năm mới.... 

Chúng con là:..... sinh năm: ..., hành canh: ... tuổi...... (đọc tên từng người tiếp theo trong gia đình, theo thứ tự từ lớn đến bé), ngụ tại số nhà..., ấp/khu phố..., xã/phường...., quận/ huyện..., tỉnh/thành phố...... 

Phút Giao Thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con kính cẩn trước linh tọa với hương hoa, đèn nến, vàng bạc, hoa quả, trầu rượu, trà nước và mọi vật phẩm dâng lên cúng Phật - Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. 

Vào đúng thời khắc Giao Thừa, chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa, Hỷ thân, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật. 

Con lại kính mời các cụ Tiên linh, Cao Tằng Tố khảo, Cao Tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, hương linh nội ngoại gia tộc... cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng thụ hưởng lễ vật. 

Toàn gia chúng con lại kính mời các vị vong linh Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này cùng về hâm hưởng. Nguyện cho toàn gia chúng con, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng. 

Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám. 

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Phần II. Giải thích tên gọi theo tín ngưỡng dân gian và sự dung hòa tinh thần Phật giáo

1. Giải thích tên gọi

A Di Đà Phật: Vị Phật chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc trong Phật giáo Đại thừa. Ngài là biểu tượng của từ bi và trí tuệ vô biên, được nhiều người kính ngưỡng và cầu nguyện để được vãng sinh.

Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật: Phật Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai (hạ sinh) khi giáo pháp của Phật Thích Ca không còn trên thế gian. Ngài thường được thờ trong hình tượng vị Phật cười với bụng lớn, biểu trưng cho niềm tin, an vui và thịnh vượng.

Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật: Vị Phật của cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, biểu tượng cho sức khỏe và chữa lành bệnh tật. Ngài được nhiều người cầu nguyện khi mong muốn sức khỏe và bình an.

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm: Một vị Bồ Tát từ bi, cứu khổ cứu nạn, thường nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh mà đến trợ giúp. Ngài là hiện thân của lòng từ bi và sự che chở.

Hoàng Thiên, Hậu Thổ: Trong tín ngưỡng dân gian, Hoàng Thiên tượng trưng cho trời (cha trời), và Hậu Thổ tượng trưng cho đất (mẹ đất), hai thực thể cơ bản điều hòa âm dương trong vũ trụ.

Long Mạch: Thần cai quản các mạch đất linh thiêng, tượng trưng cho dòng năng lượng của đất trời. 

Táo Quân: Thần Bếp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, quản việc bếp núc và đời sống gia đình.

Chư vị Tôn Thần: Bao gồm các vị thần bảo hộ, cai quản vùng đất, nhà cửa và sự bình an của gia đình. 

Thành Hoàng: Vị thần cai quản và bảo hộ một vùng đất hoặc cộng đồng. 

Thổ Địa: Vị thần cai quản đất đai, bảo vệ gia cư và tài sản. 

Ngũ Phương, Ngũ Thổ: Các vị thần cai quản năm phương trời (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm) và đất đai của năm vùng.

Tiên linh, Tổ tiên: Tổ tiên dòng họ trong gia đình, bao gồm ông bà, cha mẹ đã khuất.

Tiền chủ, Hậu chủ: Những người từng sống và cai quản vùng đất trước đây, được mời về để hưởng lễ vật và phù hộ.

2. Nét dung hòa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo

Chúng ta cần biết rằng, trong Phật giáo không có khái niệm cúng Giao Thừa, đây hoàn toàn thuộc về niềm tin, tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, trong văn khấn từ xưa đến nay của người Việt luôn có những câu niệm, hoặc câu gửi tới các vị Phật, Bồ tát quyền năng, điều này thể hiện lòng tín tâm tuyệt đối cũng nhưng "nhờ cậy" của người Việt với các bậc tối thượng. 

Đoạn khấn mở đầu bằng câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” và nhắc đến các vị Phật, Bồ Tát trong Phật giáo như A Di Đà Phật, Di Lặc Tôn Phật, Dược Sư Phật, và Quán Thế Âm Bồ Tát. 

Tinh thần từ bi, cứu độ, cầu nguyện an lành cho chúng sinh thể hiện tư tưởng cốt lõi của Phật giáo.

Văn khấn không tách biệt Phật giáo và tín ngưỡng dân gian mà tích hợp cả hai. Người khấn vừa bày tỏ lòng thành kính đến các vị Phật và Bồ Tát (tôn giáo), vừa không quên cúng bái các vị thần linh và tổ tiên (dân gian).

Mục đích của văn khấn là cầu mong sự an lành, thịnh vượng và hòa hợp cho gia đình trong năm mới. Điều này thể hiện quan niệm sống hài hòa giữa đạo (Phật giáo) và đời (tín ngưỡng dân gian). 

Kết luận

Đoạn khấn thể hiện nét độc đáo trong đời sống tâm linh người Việt, nơi tín ngưỡng dân gian và Phật giáo hòa quyện, bổ sung cho nhau, vừa tôn trọng truyền thống tổ tiên vừa mang đậm tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Phạm Tuấn Minh

Tài liệu tham khảo: Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Cao Hồng Minh (Tổng hợp), Đại đức Thích Đức Tiến (Hiệu đính), NXB Hồng Đức, 2023.