Tác giả: Thích Từ Minh Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
I. DẪN NHẬP
Đối với Việt Nam, không phải hiển nhiên Phật giáo tồn tại cùng với dân tộc mà là cả một quá trình lịch sử xây dựng và giữ gìn các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Bởi qua các triều đại, Phật giáo luôn thể hiện tinh thần từ bi và trí tuệ đối với đời sống của người dân; đặc biệt triều đại Lý-Trần, tinh thần ấy được phát huy một cách triệt để và uyển chuyển: nhà sư vừa là nhà giáo, vừa là chiến sĩ dẫn quân dẹp loạn bảo vệ đất nước; nhà chùa trở thành trường học và căn cứ địa chống ngoại xâm,… Những đóng góp đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người dân. Hơn thế nữa, tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật rất phù hợp với tinh thần yêu nước và đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Nổi bậc nhất là triều đại nhà Trần, các vị vua đời đầu đều hướng về Phật pháp; việc đưa giáo lý Phật giáo vào đời sống nhân dân một cách hài hòa và dường như không thể phân biệt đâu là giáo lý, đâu là nếp sống văn hóa của người Việt. Từ đó, con người sống một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu “Ảnh hưởng của Phật giáo đối với triều Trần trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước”, để thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Phật giáo vẫn luôn sát cánh với dân tộc và không thể nào phủ nhận những giá trị mà Phật giáo mang lại cho đất nước suốt ngần ấy năm.
II. NỘI DUNG
1. Khái quát Phật giáo thời Trần
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận[1], vào đời nhà Trần, Phật giáo hưng thịnh nhất, thành lập nên “Giáo hội Trúc Lâm” được triều đình bảo trợ, với các thiền sư đứng đầu như: Viên Chứng, Đại Đăng, Tông Cảnh, Bão Phác, Phù Vân, Vô Trước, Quốc Nhất, Nhất Tông, Liễu Minh, Đạo Nhất. Vào thời vua Trần Anh Tông, tăng sĩ được cấp độ điệp (giấy chứng nhận tăng ni hay tăng tịch ngày nay); có giấy này, tăng sĩ được phép lưu trú tại các chùa trong nước mà không bị trở ngại nào. Mỗi năm Đại giới đàn mở, có hơn 15.000 giới tử tập trung về thọ giới pháp. Đồng thời, các quan trong triều cũng được nhận lãnh giới pháp tại gia để tu tập. Tổng số tăng sĩ ước tính ít nhất trên 30.000 vị. Chùa chiền cũng được xây dựng lên rất nhiều: 15 ngôi chùa do vua ủng hộ, 330 ngôi chùa do các quan và gia đình giàu tạo dựng, 9.000 ngôi chùa do nhân dân đóng góp lập nên. Trong đó, chùa Quỳnh Lâm có ruộng đất nhiều nhất với 1.000 mẫu đất do triều đình cấp và 1.000 người được cử làm ruộng thay cho các vị tu sĩ. Đặc biệt, nhà vua (Anh Tông) hỗ trợ hoàn toàn công trình biên tập Đại tạng kinh suốt 24 năm (1295-1319), nhưng nay đã không còn nữa. Phải nói, đó là một thành tựu lớn của Phật giáo đời Trần, mà Phật giáo ngày nay chưa sánh kịp, vì Đại tạng kinh vẫn chưa biên tập đầy đủ.
2. Tư tưởng chính trị của Phật giáo đối với nhà Trần
Phật giáo chủ trương từ bi và trí tuệ. Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét nhất vào thời nhà Trần, qua việc phụng sự cho đạo pháp và dân tộc, đem giáo lý nhà Phật đến gần với vua quan và quần chúng nhân dân. Tuy các vị tăng sĩ không trực tiếp tham gia triều chính nhưng những lời cố vấn của các vị thiền sư giúp ích rất nhiều cho tư tưởng chính trị của vua quan. Như Quốc sư Viên Chứng từng khuyên dạy cách trị nước yên dân của một vị lãnh đạo một đất nước như sau: “Ðã làm người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm của mình, phải lấy ý của dân làm của mình”. Nhờ đó, các vị vua thời Trần đã áp dụng lời dạy đó nên nước nhà tồn tại gần 200 năm.
2.1. Ảnh hưởng trực tiếp đến vua quan
Một hôm, vua Thái Tông ban xoài cho các quan cận thần, vì Hoàng Cự Đà không được ăn, nên ông ta sinh lòng đố kỵ. Khi quân Nguyên đánh chiếm nước ta, Cự Đà không chịu ra trận, lại chèo thuyền bỏ trốn. Sau sự việc đó, thái tử lấy làm tức giận, nhất quyết trừng trị kẻ bề tôi không trung thành như thế. Nhưng vua nói rằng: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cực Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”[2]. Đây thể hiện lòng khoan dung, độ lượng của vua một bậc minh quân.
Năm 1280, Trịnh Giác Mật tạo phản ở Đà Giang nhưng vua Trần Nhân Tông chỉ sai Nhật Duật đến khuyên hàng chứ không tiêu diệt. Vâng lời vua, Nhật Duật đi đến doanh trại của Mật. Đến nơi, ông ung dung bước thẳng vào gặp Mật, trong khi đó, lớp lớp người Man đang cầm đao kiếm hướng vào trong trại. Với tài trí của ông, Trịnh Giác Mật đã quy hàng. Nhật Duật lại còn xin nhà vua phong chức phẩm cao cho con của Mật[3]. Kẻ phản tặc ắt phải trùng trị, nhưng vua không làm thế; trái lại, vua thấu tình đạt lý cùng triều thần chiêu mộ người tài. Vua có đạo đức, bề tôi lấy đó làm tấm gương noi theo vậy.
Năm 1283, Trần Lão cùng với nô bộc của mình lên kế hoạch gởi thư giấu tên tuổi để chỉ trích chính quyền. Tuy nhiên, vua không xử tội nặng mà chỉ phạt tiền (phạt hành chính)[4].
Tháng 01/1286, vua Nhân Tông ra lệnh thả những tù nhân quân Nguyên về nước[5]. Quân lính bại trận, bị bắt tùy vua xử trí. Thiết nghĩ, quân lính vốn dĩ cũng làm theo mệnh lệnh cấp trên và họ cũng có gia đình, nên vua mới ân xá cho họ. Đây là đức của bậc quân vương vậy.
Tháng 06/1286, vua hỏi ý kiến Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn về thế trận của quân giặc, cũng như chiến lược chiến đấu để chuẩn bị cho lần phản công tiếp theo[6]. Việc lắng nghe những lời đóng góp ý kiến, khuyên can của quần thần là một trong mười điều[7] giúp cho đất nước trường tồn.
Năm 1287, khi thượng hoàng Thánh Tông hay tin Nhân Huệ Vương Khánh Dư đã để cho đoàn thủy binh quân Nguyên tiến vào Vạn Kiếp. Vua sai người bắt Khánh Dư về triều định đoạt, nhưng Khánh Dư cầu xin lấy công chuộc tội. Vua bèn đồng ý. Quả thật, Khánh Dư đã bắt được binh đoàn chở lương thực của quân Nguyên vào chi viện cho chúng[8].
Sau khi đánh tan giặc Nguyên lần thứ hai, vua theo công mà ban thương, có tội thì trị phạt. Vua phong tước cho Hưng Đạo Vương, Hưng Vũ Vương, Hưng Nhượng Vương, Khắc Chung, Đỗ Hành nhưng vẫn có một số người chưa bằng lòng. Thượng hoàng hiểu được ý mọi người, bèn nói: “Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”[9]. Với tâm thái bình thản, Thánh Tông đáp trả lại điều bất mãn đó, ai nấy đều cho là phải và phụng mệnh. Việc xử phạt những kẻ phản nghịch cũng theo tội nặng hay nhẹ nhưng không đến nỗi phải chết[10]. Còn như hoàng thân, quốc thích, các quan đầu hàng quân giặc thì tước bỏ thân vị, thay tên đổi họ, tịch thu tài sản sung vào công quỹ nhà nước[11].
Năm 1290, vua Anh Tông bỏ bê việc triều chính, chỉ biết rượu chè ở phủ Thiên Trường. Thượng hoàng Nhân Tông hay tin, rất không hài lòng, gọi vua đến và nhắc nhở: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”[12]. Vua vâng lời khuyên dạy của thượng hoàng không dám trái phạm và từ đây trở thành bậc minh quân, yêu nước thương dân. Cũng vào năm này, sách Pháp sự Phật giáo được ban hành rộng rãi toàn đất nước.
Ngày 24/06/1300, Hưng Đạo Đại Vương bị bệnh, vua đến thăm ông. Lúc đó, ông chợt nhớ lại lời dạy của cha – Yên Sinh vương. Trước khi mất, cha ông trân trối bằng mọi cách phải chiếm được thiên hạ, nếu không, dưới cửu tuyền ông cũng không yên lòng. Nghe vậy, Quốc Tuấn không xem lời đó là đúng và luôn trung thành với vua, dù ốm đau nhưng ông vẫn hiến kế sách đánh giặc phương Bắc cho vua. Ông chưa bao giờ có ý nghĩ phản vua, thay ngôi đổi chủ, mặc dù ông được phong làm Thượng quốc công[13]. Ông dùng tất cả tài trí của minh để ích nước, lợi dân, không mưu cầu danh lợi riêng. Những gì ông làm hoàn toàn đúng với giáo lý Phật giáo về bổn phận của một vị cấp dưới đối với cấp trên của mình, được ghi lại trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt[14].
Năm 1317, trộm cướp dấy lên, đứng đầu là Văn Khánh. Một ngày nọ, có người đến bẩm báo tên cướp đầu não đã bị bắt, nay giải lên quan, khai hắn là Văn Khanh. Hắn liền nhận tội, mọi người ai cũng nghĩ việc đó thật, chỉ có Phí Trực là không tin, vì hắn thú tội một cách dễ dàng như thế, khi chưa có bất kì hình phạt nào dành cho hắn. Cho nên, Trực không dám kết án, sợ lạm sát người vô tội. Quả thật, một tháng sau đó, Văn Khanh thật đã bị bắt. Việc xử phạt của Phí Trực cho thấy đức tính của một vị quan liêm chính cần có, suy xét tường tận vấn đề, không làm hại người không có tội[15]. Đặc biệt, “chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện”[16], đây là một trong mười điều không nên vội tin mà đức Phật đã dạy.
Có lần, Anh Tông đích thân đi tiêu diệt Ngưu Hống và Đạo Mật ở Đà Giang, vì chúng tạo phản, đánh cướp tài sản của dân, lại định mưu kế chiếm đoạt Hoài Trung. Nhưng Trần Khắc Chung can ngăn, nói rằng, nơi đó có rất nhiều nguy hiểm, không nên đến. Anh Tông bảo: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?”[17]. Điều đó thể hiện lòng từ bi của Phật giáo, vua thương yêu con dân của mình như Phật thương hết thảy chúng sinh như con đỏ vậy.
2.2. Ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách đối với dân
Các vị vua đã thấm nhuần tinh thần từ bi của đạo Phật nên những chính sách ưu việt cho nhân dân cũng được ban hành, khước từ những ý kiến bất lợi cho dân chúng.
Vào năm 1248, vua Thái Tông ra lệnh đắp đê điều phòng tránh lũ lụt, lập hẳn chức quan để trông coi về vấn đề này. Nếu việc đắp đê chiếm mất một phần đất ruộng của nhân dân thì vua sẽ bồi thường tiền tương ứng[18]. Năm 1255, vua lệnh cho Lưu Miễn đắp đê các sông ở Thanh Hóa cùng với quân lính đào kênh rạch để ngăn chặn lũ lụt và hạn hán[19]. Còn những vị lão làng được thượng hoàng Thái Tông ban thưởng, đàn ông thì phong quan chức tước, còn đàn bà thì vải vóc, lụa là. Việc làm như thế cũng giúp một phần nào đó tạo niềm vui cho họ khi già[20].
Năm 1266, vua Thánh Tông tạo công ăn việc làm cho những người dân thất nghiệp, bằng cách ra chiếu chỉ cho hoàng thân thâu nhận những người đó làm nô dịch, để họ canh tác ruộng đất bị bỏ phế, lập ra trại ruộng[21].
Vào năm 1284, quân Nguyên mượn cớ đi đánh Chiêm Thành để xâm lược nước ta. Lúc đó, thượng hoàng Thánh Tông triệu tập các bô lão trong cả nước, mở ra “Hội nghị Diên Hồng” để biểu quyết về việc có nên đánh hay không đánh. Cả hội chúng đều tán thành nên đánh[22]. Cách thức của cuộc họp này giống với pháp Yết-ma của đạo Phật; một ý kiến đưa ra, nếu sự đồng thuận hoàn toàn của đại chúng thì ý kiến đó được thông qua và nếu có một người phản đối thì pháp đó không thành tựu. Có phải Thánh Tông đã áp dụng giáo lý đó của nhà Phật chăng?
Năm 1285, vua Nhân Tông hạ lệnh định danh hộ khẩu trong nước để dễ dàng hỗ trợ cho người dân về những thiệt hại do quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất. Nhưng các quan đại thần ngăn cản, vua nói rằng: “Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét [tình trạng] hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?”[23].
Năm 1290-1291, nạn đói hoành hành, khắp nơi nhiều người chết, vua “xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh”[24], “những người mua dân lương thiện làm nô tỳ thì phải cho chuộc lại”[25].
Vào ngày mùng 03/11/1308, thượng hoàng Nhân Tông băng hà ở núi Yên Tử. Ngày 16/09/1310, linh cữu của Nhân Tông được hoàn tại lăng Quy Đức. Tuy thượng hoàng băng hà được hai năm nhưng dân chúng vẫn tụ họp rất đông để đưa tiễn linh cữu của Nhân Tông, đó là vì ân đức của thượng hoàng[26].
Tháng 05/1315, vua Minh Tông “xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau”[27]. Bởi vì vua là người trung hiếu và nhân hậu. Cha với con cùng một dòng máu, cớ sao lại đấu đá lẫn nhau; vợ và chồng cùng nhau có khoảng thời chia ngọt, sẻ bùi, sát cánh bên nhau, nguyện một lòng sống chung với nhau, há kiện tụng lẫn nhau; gia nô, cùng là phận tôi tớ nên giúp đỡ nhau trong công việc, làm cho gia chủ vui lòng, sao nỡ tranh chấp, tố giác nhau. Người với người sao không thông cảm cho nhau, hãy còn hơn thua với nhau làm gì. Chiếu này ban hành hẳn là vì cũng cố đạo nghĩa làm người chăng?
Một lần nọ, có người dâng sớ tâu trình với vua Minh Tông về việc dân chúng có nhiều người cơ nhỡ, đến tuổi xế chiều mà vẫn không có tên trong sổ bộ, không chịu nộp thuế, sai đi phục dịch cũng không đi. Vua liền nói: “Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?”[28]. Vua luôn thấu hiểu cho cuộc sống của dân chúng.
Năm 1362, vua Dụ Tông ra lệnh nhà giàu có lúa thì phải nộp cho nhà nước để phân phát cho người nghèo, đổi lại, họ sẽ được nhà vua ban thưởng chức tước. Những ai đau ốm sẽ được nhà nước trợ cấp tiền và thuốc men[29].
Trên đây là những chính sách của các vị vua nhà Trần được ghi chép đầy đủ trong Đại Việt sử ký toàn thư.
III. KẾT LUẬN
Tinh thần nhập thế của đạo Phật được thể hiện qua việc “hộ quốc an dân”, “hòa quang đồng trần” và thời đại nhà Trần là một minh chứng. Các vị vua với tấm lòng nhân từ, khoan dung, độ lượng (từ bi); sự khéo léo, uyển chuyển trong mọi tình huống để đưa ra những chính sách phù hợp, hiệu quả thiết thực, (trí tuệ). Nhờ đó, vua quan cùng với nhân dân đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Đây quả thật là một nhà nước “của dân, do dân và vì dân. Vua cấp ruộng đất, tạo công ăn việc làm cho người dân; trưng cầu ý dân qua Hội nghị Diên Hồng; làm tất cả việc phúc lợi cho dân. Qua đây, chúng ta thấy được rằng sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với triều đại nhà Trần không phải bằng những triết lý sâu xa mà là đạo lý làm người.
Tác giả: Thích Từ Minh Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
***CHÚ THÍCH [1] Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Hà Nội, NXB. Văn Học, tr. 322-325. [2] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 29. [3] Sđd, tr. 46. [4] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 49. [5] Sđd, tr. 58. [6] Sđd. [7] Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tập 9, Bộ A-Hàm IX, Số 125(tt)->151, Kinh Tăng Nhất A- Hàm, quyển 42, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 284. [8] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 60. [9] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 64. [10] Sđd, tr. 65. [11] Sđd. [12] Sđd, tr. 77. [13] Sđd. [14] HT. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường Bộ, 31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, tr. 629. [15] Sđd, tr. 102. [16] HT. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Chương Ba: Ba pháp, VII. Phẩm Lớn, 65. Các vị ở Kesaputta, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, tr. 219. [17] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 116. [18] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 21. [19] Sđd, tr. 26. [20] Sđd, tr. 33. [21] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 36. [22] Sđd, tr. 50. [23] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 58. [24] Sđd, tr. 67. [25] Sđd, tr. 68. [26] Sđd, tr. 95. [27] Sđd, tr. 100. [28] Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, tr. 138. [29] Sđd, tr. 142.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu (dịch) (2013), Hà Nội, NXB. Tôn Giáo. 2. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch) (2015), Hà Nội: NXB. Tôn Giáo. 3. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tập 9, Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc. 4. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Hà Nội, NXB. Văn Học. 5. Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính) (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2, Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội.
Bình luận (0)