Những ngày gần đây, dư luận cả nước nói chung, tín đồ Phật giáo nói riêng bức xúc khi phải mua vé vào tham quan các cơ sở thờ tự Phật giáo ở một số địa phương. Cụ thể tại chùa Yên Tử vốn rất nổi tiếng với giá 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em. Lý giải về vấn đề này, các cơ quan chức năng viện dẫn rất nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thu phí để tu bổ, nâng cấp, mở rộng các cơ sở này. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với những lời giải thích như vậy. Cửa chùa luôn rộng mở chờ đón chúng sinh đến tham quan, thưởng lãm, bày tỏ sự ngưỡng vọng tâm linh của mỗi người để hướng đến chân, thiện, mỹ, sống vì mọi người, làm phước, tránh dữ, tốt đời, đẹp đạo; làm nhiều việc thiện… Từ bao đời nay, cửa chùa không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, sang, hèn… và cũng chưa từng có việc vào chùa lễ Phật phải nộp lệ phí. Nhiều người nói đùa nhưng rất thật khi có sự so sánh với thực trạng này thì cửa chùa đã mang dáng dấp trạm thu phí BOT, nghĩa là anh muốn vào thì nộp phí, không nộp thì không vào. Các chùa này còn được Ban quản lý tổ chức bán vé tại nhiều điểm khác nhau không khác chi cách tổ chức của các “Game show” ca nhạc thời @. Vấn đề đặt ra là liệu động thái này đã được lấy ý kiến rộng rãi trong dân, đã được trên 90% đối tượng được lấy ý kiến đồng tình? Đối tượng lấy ý kiến là ai? Số tiền thu được liệu có được dùng vào việc nâng cấp, bảo dưỡng, duy tu như nhiều lãnh đạo có trách nhiệm phát biểu trước báo giới và nhân dân? Càng lo lắng hơn, liệu đây có là tiền lệ để hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cơ sở thờ tự khác không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền sẽ làm theo? Bởi nơi khác làm được thì nơi này cũng sẽ làm được. Lúc này công tác chấn chỉnh, kiểm soát càng trở nên phức tạp hơn, đi kèm với lòng tin của cộng đồng sẽ bị suy giảm rất đáng báo động bởi BOT “tâm linh” đã, đang và sẽ có mặt khắp nơi.

 

   Trương Thanh Liêm Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2018