Tóm tắt: Mỗi độ tháng Bảy về, sau ba tháng an cư tu tập, chư tang, ni Phật giáo Bắc tông Việt Nam tổ chức lễ tác pháp tự tứ. Nhân ngày Phật Đà hoan hỷ, chư tang, ni được một hạ lạp, y theo pháp kinh Vu Lan tổ chức lễ cúng dường trai tăng để những người con Phật tỏ bày niềm hiếu hạnh của mình đối với hai đấng sinh thành cũng như với thầy Tổ. Đã có rất nhiều tác phẩm và bài viết ca ngợi gương hiếu hạnh, phân tích nguồn gốc và ý nghĩa thiết thực của lễ Vu Lan. Bằng phương pháp nghiên cứu văn bản sử học và logic học, người viết sẽ dẫn chứng, phân tích về nguồn gốc hình thành, nghi thức tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu theo truyền thống Phật giáo Bắc tông đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, đặc biệt mùa báo hiếu trước đại dịch Covid-19 hiện nay.

Từ khóa: đại dịch Covid-19, pháp hội Vu lan, Việt Nam.

Chương trình Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc năm 2023: Kết nối tình thân và tinh thần hiếu hạnh
BTS GHPGVN Quận 8 tặng quà cho các gia đình trong khu vực cách ly tại phường 4. (Ảnh: TTXVN)

1. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Về lịch sử nghiên cứu đề tài, cứ đến ngày tự tứ tháng bảy Âm lịch, Phật giáo Bắc tông Việt Nam đều sử dụng bản kinh Vu Lan Báo Hiếu [1] do Hòa thượng Huệ Đăng dịch theo thể thơ song thất lục bát. Một số tác phẩm xuất bản như Truyện tích Vu lan Phật giáo do Minh Châu sưu tầm (2017), Tình khúc Vu lan của Thích Thiện Đạo (2018), Nghiên cứu về nguồn gốc lễ Vu Lan của Viên Như (2020),… Các bài viết đăng trên tạp chí Viên Âm thời Pháp thuộc như “Chữ hiếu nhà Phật” của Thích Hải Ấn [2], “Vu lan bồn” của Tống Anh Nghị [3], “Vu Lan bồn” của Thích Trí Hà [4], “Chữ hiếu trong đạo Phật” của Thích Minh Châu [5],... Hiện nay, cứ mỗi độ Vu lan về, ngoài các bài viết thông tin về lễ hội của nhiều chùa ở các tỉnh thành, có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí hiện nay như “Kinh Vu Lan – Khảo về nguồn gốc Hán tạng và Nikaya” của Thích Chúc Phú [6], “Nguồn gốc lễ Vu lan báo hiếu” của Thích Thiện Hạnh [7], “Vu Lan trong tinh thần ngày tự tứ” của Thích Huệ Thông [8], “Tuổi trẻ và Vu Lan: góc nhìn từ Phật giáo” của Thích Phước Nghiêm [9], “Lược ý tiết Trung nguyên phổ độ xá tội vong nhân trong đại lễ Vu Lan Phật giáo Bắc truyền” của Thích Tâm Mãn [10], “Vu Lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ” của Phi Thành Phát [11], … Về phương pháp nghiên cứu trong bài viết gồm có nghiên cứu văn bản sử học và logic học. Bằng phương pháp văn bản sử học và so sánh một số bản kinh như Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn, kinh Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, kinh Vu Lan Báo hiếu,…, đồng thời tham khảo một số bài viết trên các trang tạp chí xưa và nay như Viên Âm, Giác Ngộ, Văn Hóa Phật Giáo,… góp phần thu thập nhiều thông tin. Sau đó, tác giả sắp xếp lại một cách trật tự các vấn đề giải quyết trong bài viết như nguồn gốc, một số nghi thức và giá trị truyền thống của lễ hội Vu Lan của Phật giáo Bắc tông Việt Nam đối với đạo pháp và dân tộc.

Tích truyện Mục Liên Thanh Đề. Ảnh: St

2. NGUỒN GỐC LỄ VU LAN CỦA PHẬT GIÁO BẮC TÔNG

Theo kinh điển Phật giáo, một số bản kinh liên quan đến lễ Vu Lan được các vị cao Tăng ở Trung Hoa phiên dịch từ Phạn ngữ như kinh Bát Nê hoàn hậu quán lạp do ngài Trúc Pháp Hộ dịch [12], Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn (không rõ tác giả dịch) [13], Phật thuyết Vu Lan bồn kinh sớ của Đại sư Tông Mật dịch [14], kinh Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên do cư sĩ Chi Khiêm dịch [15],… Trong tác phẩm Mục Kiền Chi minh gian cứu mẫu biến văn kể về câu chuyện La Bốc [16] xuất gia tu tập chứng quả A La Hán (tức tôn giả Mục Kiền Liên), đồng thời được Đức Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ người mẹ Thanh Đề xan tham và hủy báng Tam bảo như sau: “Ông tuy chứng Thánh quả, nhưng một mình thì không thể cứu mẹ được đâu. Nếu như không nương vào ngày giải hạ của mười phương tăng chúng, nhờ sức mạnh chú nguyện của chúng tăng, mới có thể cứu độ mẹ ông. Nhân đó, đức Phật đã từ bi phương tiện khai mở lễ hội này hàng năm. Lễ Vu Lan bồn khởi nguồn từ đây vậy” [17].

Trong bản kinh Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, ngạ quỷ (tức mẹ của Ưu Đa La) đã hướng dẫn tôn giả Ưu Đa La rằng: “Nếu thầy thỉnh đức Phật và chúng tăng cúng dường và sám hối, hồi ướng công đức cho ta, thì chắc chắn ta sẽ thoát khỏi thân ngạ quỷ” [18]. Bản Phật thuyết Vu Lan bồn kinh của ngài Trúc Pháp Hộ cũng cho rằng người mẹ đọa ngạ quỷ như bản Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, chứ không phải đọa địa ngục A Tỳ như bản Mục Kiền Chi minh gian cứu mẫu biến văn.

Theo nghiên cứu của Thích Chúc Phú cho rằng: các bản dịch tiếng Việt như kinh Vu Lan bồn diễn nghĩa nhưng không rõ dịch giả (1962), kinh Vu Lan bồn do Hòa thượng Trí Quang dịch (1971),… đều dựa trên bản Phật thuyết Vu Lan bồn kinh của ngài Trúc Pháp Hộ. Hiện nay, bản kinh Vu Lan Báo Hiếu do Hòa thượng Huệ Đăng phổ thành thơ song thất lục bát được Phật giáo Bắc tông Việt Nam trì tụng trong dịp Vu Lan tháng bảy về. Trong phần đầu tức bản Phật nói kinh Vu Lan bồn kể về sự tích Mục Kiền Liên thực hiện lời Phật dạy về thiết lễ cúng dường trai tăng ngày tự tứ (rằm tháng bảy) ngõ hầu nhờ năng lực thập phương tăng chú nguyện cứu độ thân mẫu Thanh Đề thoát khỏi chốn ngạ quỷ. Phần sau là Phật nói kinh báo đáp công ơn cha mẹ, đức Phật dạy tôn giả A Nan về ân phụ mẫu mà người con phải hiếu hạnh đáp đền.

Theo quan điểm của các vị Tổ sư Phật giáo Trung Hoa, các vị cũng muốn ngày tự tứ vào ngày 15/7 Âm lịch cũng là ngày lễ Trung nguyên “Địa quan xá tội” nên việc chư tăng, ni kiết hạ an cư vào ngày 16/4 Âm lịch. Phật giáo du nhập vào Việt Nam, đồng hành cùng với đất nước trong thời chiến cũng như thời bình. Một trong những pháp hành mà Phật giáo phát triển tại Việt Nam đó chính là tứ ân, trong đó có ân phụ mẫu.

Vu Lan bồn (Sanskrit: Ullambana, Hán: 盂蘭盆) gọi tắt là Vu Lan (盂蘭) dịch là “giải đảo huyền”. Theo Hòa thượng Thiện Hoa dịch nghĩa rằng: “Nghĩa đen là cởi trói người bị treo ngược; nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.” [19]. Qua tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ trong các bản kinh như Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn, Phật thuyết Vu Lan bồn kinh,… hoặc tôn giả Ưu Đa La cứu mẹ qua bản Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên. Là một người con phải luôn thể hiện tinh thần hiếu kính với mẹ cha, hòa thuận anh em, giúp đỡ những người khó khăn,… bởi vì tất cả chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp từng là thân bằng quyến thuộc của ta. Không phải đợi Vu Lan về mới hiếu thảo mà quanh năm suốt tháng phải làm tròn bổn phận của người con lo lắng cho cha mẹ về vật chất và tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm mãi tươi đẹp.

3. MỘT SỐ NGHI THỨC TIÊU BIỂU TRONG NGÀY LỄ VU LAN

Thứ nhất là tác pháp tự tứ, Tự tứ (Sanskrit: Pravāraṇā; Pali: Pavāraṇā; Hán: Bát Hòa La, Bát Lợi Bà Thích Noa) dịch là Mãn túc, Hỷ duyệt, Tùy ý sự; nghĩa là thỉnh ý vị Tỳ kheo khác thấy, nghe, nghi mà nêu lên những lỗi lầm mình đã phạm để từ đó sám hối được thanh tịnh [20]. Trong kinh Tương ưng bộ, tập 1, nhân ngày tự tứ, sau khi Tôn giả Xá Lợi Phất thỉnh chỉ lỗi, đức Phật bảo rằng: “Này Sāriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói. Này Sāriputta, ông là bậc đại trí. Này Sāriputta, ông là bậc quảng trí. Này Sāriputta, ông là bậc tốc trí. Này Sāriputta, ông là bậc tiệp trí. Này Sāriputta, ông là bậc nhuệ trí. Này Sāriputta, ông là bậc thể nhập trí. Này Sāriputta, ví như trưởng tử của vua Chuyển luân vương, chân chính vận chuyển bánh xe pháp đã được vua cha vận chuyển; cũng vậy, này Sāriputta, ông chân chính chuyển vận Pháp luân vô thượng đã được Ta chuyển vận” [21]. Đồng thời, đức Phật cũng không chỉ lỗi của 500 vị Tỳ kheo hiện tiền: “Này Sāriputta, trong khoảng năm trăm Tỳ kheo ở đây, sáu mươi Tỳ kheo là bậc tam minh, sáu mươi Tỳ kheo chứng được sáu thắng trí, sáu mươi Tỳ kheo là bậc câu giải thoát, và các vị còn lại đều là bậc Tuệ giải thoát” [22].

Tùy theo ngày tập trung đối thú an cư tại các điểm kiết hạ mà ngày tự tứ cũng khác nhau ở từng nơi. Nếu tác pháp kiết an cư vào ngày 9 tháng 4 âm lịch thì tự tứ sẽ rơi vào ngày 9 tháng 7 Âm lịch. Nếu đối thú kiết cương giới an cư vào ngày 16 tháng 4 âm lịch thì tự tứ sẽ rơi vào ngày 16 tháng 7 Âm lịch. Trong pháp kinh Vu Lan: “Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ. Mười phương Tăng đều dự lễ này” [23] tức là ngày chư tăng, ni tự tứ mà chư vị Tổ sư Phật giáo Trung Hoa dự tính vào lễ Trung ngươn. Ở Việt Nam, Phật giáo Bắc tông uyển chuyển ngày nhập hạ an cư và giải hạ tự tứ tại các điểm kiết hạ, để chư tăng, ni trở về bổn tự khánh tuế hạ lạp với thầy bổn sư (hay y chỉ sư) và các bậc tôn túc khác, đồng thời phụ chùa tổ chức lễ hội Vu Lan và tiếp đãi phật tử thọ thực.

Thứ hai là nghi thức cài hoa hồng, Hòa thượng Nhất Hạnh đã tiếp thu tục lệ cài hoa trên áo của người Nhật Bản trong Ngày của Mẹ (Mother’s Day) và soạn thành đoản văn “Bông hồng cài áo” vào mùa hè năm 1962 tại tiểu bang New Jersey của Mỹ. Cũng vào năm này, lễ Vu Lan tổ chức tại chùa Phật học Xá Lợi (quận 3, TP.HCM) bằng việc cài lên áo những người con còn mẹ một hoa hồng đỏ thắm, còn những ai mất mẹ thì ngậm ngùi cài cho mình một bông hồng trắng trên áo. Hai năm sau, tác phẩm Bông hồng cài áo của Hòa thượng Nhất Hạnh được phát hành rộng rãi đến nhiều độc giả. Mặc dù trong lễ hội Vu Lan ngày nay có nhiều tiết mục khác nhau nhưng nghi thức cài hoa hồng vẫn được thực hiện khi nhìn thấy chư Tăng Ni cài trên áo hoa hồng màu vàng, còn các quan khách hay Phật tử và những ai tham dự lễ được cài trên áo hoa hồng màu đỏ hoặc màu trắng. Bài hát Bông hồng cài áo và nhiều ca khúc khác nói về tình cha, nghĩa mẹ được hát lên trong lễ hội Vu Lan làm rung động biết bao con tim hiếu hạnh chợt bùi ngùi thổn thức nhớ về sự lao cực, tảo tần sớm hôm của cha và của mẹ.

Thứ ba là tâm tình của người con đối với phụ mẫu, mỗi chùa tổ chức nghi thức khác nhau, tiêu biểu như Thượng tọa Thiện Thuận (Viện Chuyên Tu) tổ chức diễn đàn trò chuyện với các chủ đề như Ta từng quên mẹ (2009), Có cha bên đời (2010), Cánh cò đơn côi (2012), Một đời ru con (2013), Sẽ là mãi mãi (2014),… đã tạo xúc cảm tuôn trào không những cho những khách mời cha mẹ hoặc những đứa con trên sân khấu mà cả hàng ngàn con tim Phật tử vân tập về tham dự. Nhiều nơi tổ chức dâng trà để người con nói lên lời tâm tình của mình đối với mẹ (cha), một số chùa thực hiện nghi thức rửa tay chân,…

Thứ tư là thiết lễ cúng dường, nhân ngày Phật đà hoan hỷ và chư Tăng Ni được một tuổi hạ, nam nữ cư sĩ y theo pháp kinh Vu Lan phát tâm cúng dường pháp y, tịnh tài và một số vật phẩm hỗ trợ đời sống tu học của Tăng Ni. Ngoài ra, trong ba tháng hạ, nhiều chùa tổ chức Phật tử hành hương cúng dường các trường hạ chư tăng và chư ni, tiêu biểu như chùa Minh Đạo (quận 3, Tp.HCM), chùa Giác Ngộ (quận 10, Tp.HCM), Tổ đình Ấn Quang (quận 10, Tp.HCM),…

Thứ năm là từ thiện xã hội, nhiều chùa đã trao tặng phần quà từ thiện như gạo, mì, sữa,… cùng tịnh tài để hỗ trợ đời sống cho nhiều gia đình khó khăn ở địa phương. Tiêu biểu như vào ngày 01/09/2020 (ngày 14/7/Canh Tý), chùa Linh Quang (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) trao 350 phần, Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh, Tp.HCM), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, Tp.HCM) trao 500 phần,… Không những các chùa thể hiện tấm lòng nhân ái mà Hội đoàn người Hoa ở Sóc Trăng cũng thực hiện chương trình xây nhà tình thương, nhà dưỡng lão, hỗ trợ gạo, tập sách học sinh,… Ngoài ra, nhiều nhóm từ thiện hay gia đình Phật tử tổ chức trao phẩm vật (sữa, yến mạch, bánh,…) và tịnh tài trợ giúp một số bệnh nhân nghèo khó khăn ở các bệnh viện.

Thứ sáu là chẩn tế siêu độ vong linh, tiêu biểu như chùa Vĩnh Phúc (Nghệ An) tổ chức trai đàn cầu siêu bạt độ chư vị vong linh tử nạn giao thông, thiên tai lũ lụt,… vào ngày ngày 26-27/8/2017 (ngày 05-06/7/Đinh Dậu); chùa Hiệp Phước (Bình Thuận) tổ chức đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ chư vị cửu huyền thất tổ vào chiều 18/8/2018 (ngày 17/7/Mậu Tuất),…

4. MÙA BÁO HIẾU TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 TẠI VIỆT NAM

Thứ nhất là tụng kinh trực tuyến, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong năm 2020, nhiều tự viện Phật giáo đã áp dụng công nghệ số trong việc tổ chức khóa lễ tụng kinh Vu Lan bằng hình thức trực tuyến như chùa Bằng (Hà Nội), chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, Tp.HCM), chùa Giác Ngộ (quận 10, Tp.HCM),… Năm nay, trước diễn biến đại dịch lây lan mạnh trên toàn quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông bạch số 193/TB-HĐTS đề nghị các chùa và tự viện phát huy hình thức trực tuyến online. Trước khi vào mùa Vu Lan năm 2021 là lễ trì tụng kinh Dược sư trực tuyến nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh và liệt sĩ (27/07/1947-27/07/2021) với sự tham gia của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hướng nguyện đẩy lùi đại dịch Covid-19 và quốc thới dân ân. Ngày 08/08/2021 (01/07/Tân Sửu), chùa Minh Đạo (quận 3, Tp.HCM) do Hòa thượng Thiện Nhơn chủ lễ, Tu viện Tường Vân (huyện Bình Chánh, Tp.HCM) do Thượng tọa Phước Tiến chủ lễ,… khai kinh Vu Lan Báo Hiếu trong nội bộ tự viện. Các thời kinh trực tuyến tạo một năng lượng ấm áp tình người lan tỏa cho người còn và kẻ mất đều được phúc lạc.

Thứ hai là hội thi Vu Lan văn hóa tình người, Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.HCM kết hợp cùng Kênh Thông tin – Tổng hợp Phật sự Online tổ chức Hội thi Vu Lan với chủ đề “Tình người trong đại dịch” tạo nguồn sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19, cầu nguyện quốc thới dân an, thiên hạ thái bình lạc nghiệp.

Thứ ba là tổ chức lễ hội Vu Lan trực tuyến, tăng, ni các tự viện hay các trường Phật học tổ chức nội bộ nhưng bằng hình thức trực tuyến để kết nối với nam nữ phật tử gần xa tham dự nhằm tạo xúc cảm hiếu hạnh đến những con tim hiếu hạnh đối với mẹ cha và thức tỉnh những đứa con bất hiếu mẹ cha. Phật tử tuy không tham gia những cũng gởi những tịnh tài dâng cúng ngày hội Vu Lan và lắng nghe những pháp thoại giảng dạy từ Chư tôn đức tăng, ni để lấy đó làm hành trang tu học, đồng thời cũng hướng dẫn con cháu mình sống tốt và hiếu kính ông bà, cha mẹ.

Thứ tư là thiết lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do Covid-19, Phật giáo Việt Nam thể hiện “hộ quốc an dân” với dân tộc trước sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 như đóng góp tiền vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, hiến máu nhân đạo, tình nguyện viên (tăng, ni và phật tử) trong tuyến đầu chống dịch,… Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn số 194/HĐTS-VP1 vào ngày 09/08/2021 kêu gọi các chùa và cơ sở tự viện Phật giáo thiết lễ trai đàn siêu độ cho các nạn nhân tử vong do dịch bệnh Covid-19 trong mùa Vu Lan này. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.HCM cũng quyết định chọn chùa Long Hoa (quận 10) làm nơi tạm thờ tro cốt cho người dân tử vong do dịch bệnh mà chưa có người thân tiếp nhận hoặc người thân hiện đang ở trong các khu điều trị, cách ly, phong tỏa có nguyện vọng gởi tạm trong chùa. Thật là những việc làm thiết thực ấm áp tình người trong mùa Vu Lan Phật lịch 2565!

5. KẾT LUẬN

Mỗi độ thu về, lễ hội văn hóa tình người “Vu Lan Báo Hiếu” trong ngày tự tứ đã làm thổn thức hàng triệu con tim Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước:

Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục, Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao.

Tâm hiếu hạnh mãi luôn là đạo đức sống của người con Phật nói riêng và cả dân tộc nói chung. Trước hiện trạng đại dịch Covid-19 hiện nay, thực hiện tốt chỉ thị của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi các tự viện Phật giáo hưởng ứng việc trì kinh trực tuyến, tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do mắc phải dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội (phát rau củ, nấu cơm từ thiện),… chung tay nguyện cho đại dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ, người còn sống thì an vui khỏe mạnh, người tử vong do dịch bệnh được sinh về cảnh giới an lành, đất nước được yên bình phát triển, thế giới hòa bình thịnh trị.

Thích Thiện Mãn – Học viên Thạc sĩ khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM.

---------------

Chú thích: [1] Kinh Vu Lan Báo Hiếu: đây là cách gọi tắt từ hai bản kinh: kinh Vu Lan bồn và kinh Báo đáp công ơn cha mẹ. [2] Sa môn Hải Ấn (1938), “Chữ hiếu nhà Phật”, Viên Âm, số 32, Huế, tr.11-16. [3] Tống Anh Nghị (1949), “Vu Lan bồn”, Viên Âm, số 82, Huế, tr.30. [4] Thích Trí Hà (1950), “Vu Lan bồn”, Viên Âm, số 95, Huế, tr.5-6. [5] Thích Minh Châu (1950), “Chữ hiếu trong đạo Phật”, Viên Âm, số 95, Huế, tr. 16-28. [6] Thích Chúc Phú (2015), “Kinh Vu Lan – Khảo về nguồn gốc Hán tạng và Nikaya”, https://giacngo.vn, đăng 17/01/2012, truy cập 04/08/2021. Tham khảo Thích Chúc Phú (2018), Biện chính Phật học, tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.167-190. [7] Thích Thiện Hạnh (2019), “Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu”, https://tapchinghiencuuphathoc.com, đăng 23/9/2019, truy cập 04/8/2021. [7] Thích Huệ Thông (2020), “Vu Lan trong tinh thần ngày tự tứ”, Văn hóa Phật giáo, số 351, TP.HCM, tr.59-61. [8] Thích Phước Nghiêm (2020), “Tuổi trẻ và Vu Lan: góc nhìn từ Phật giáo”, Văn hóa Phật giáo, số 351, TP.HCM, tr.34-36. [9] Thích Tâm Mãn (2020), “Lược ý tiết Trung nguyên phổ độ xá tội vong nhân trong đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền”, Văn hóa Phật giáo, số 351, TP.HCM, tr.20-22. [10] Phi Thành Phát (2020), “Vu Lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ”, Văn hóa Phật giáo, số 351, TP.HCM, tr.50-53. [12] Đại tạng kinh (Hán tạng) , quyển 12, số 391 (Bát nê hoàn hậu quán lạp kinh). [13] Đại tạng kinh (Hán tạng), quyển 85, số 2858 (Đại Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn tinh đồ). [14] Đại chánh tân tu đại tạng kinh (Hán tạng), quyển 39, số 1792 (Phật thuyết Vu Lan bồn kinh). [15] Đại tạng kinh (Hán tạng), quyển 4, số 200, Soạn tập bách duyên kinh, quyển 5 (Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên). [16] La Bốc (羅卜): theo quyển 11 của Đại Trí Độ luận cho rằng đây là con của một nhà chiêm tinh, tên là Câu Luật Đà, họ là Đại Mục Kiền Liên. Đại sư Trí Khải đã dẫn lại lời của ngài Chân Đế trong bản Diệu pháp liên hoa kinh văn cú rằng Đại Mục Kiền Liên còn gọi là Vật Già La (Tham khảo Thích Chúc Phú (2018), Sđd., tr. 174). [17] Thích Chúc Phú (2018), Sđd., tr.173. [18] Thích Chúc Phú (2018), Sđd., tr.177. [19] Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông, quyển 1, khóa II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.207. [20] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 5, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.4955. [21] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương VIII: Tương ưng trưởng lão Vangisa, kinh Tự tứ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.293. [22] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Sđd., tr.293-294. [23] Thích Huệ Đăng (dịch), Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Thích Nhật Từ (biên tập), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr.9.