Đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt vào dịp đầu xuân, nhằm cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc cho gia đình.
Đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt vào dịp đầu xuân, nhằm cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc cho gia đình. Nhưng trong thực tế không hiếm gặp hình ảnh có một số bạn trẻ đến chùa trong những bộ trang phục chưa phù hợp như áo hai dây, quần ngắn, váy ren trong…
Điều này đã gây nên sự tranh luận trong dư luận, chia thành hai luồng ý kiến: Một bên đề nghị chính quyền ban hành những quy tắc, quy định nghiêm khắc, hoặc xử phạt, nghiêm cấm người hành hương và khách du lịch ăn mặc phản cảm khi đến nơi thờ tự. Ý kiến khác đề nghị các cơ quan quản lý tại nơi thờ tự như đền chùa,…cần nhắc nhở, góp ý và hỗ trợ về mặt trang phục bằng những hành động cụ thể như phát áo choàng miễn phí hoặc cho thuê đối với khách hành hương hoặc người nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
Thiết nghĩ, chúng ta không nên tranh cãi về việc cấm hay không cấm, bởi đó là sự khắt khe, nặng nề, mang tính chế tài không cần thiết. Mọi việc chỉ đạt được hiệu quả tốt nhất khi nó phát xuất từ sự tự nguyện của từng cá nhân. Một người công chức khi đi làm phải mặc đồng phục và họ không thể quay về nhà để thay quần áo phù hợp đi lễ chùa vì giao thông đi lại khó khăn, thời gian không cho phép. Chúng ta cũng không thể cấm khách du lịch với nhu cầu tìm hiểu vể văn hóa chùa chiền, không được vào những nơi thờ tự vì trang phục của họ.
Bởi mỗi người đều có quyền tự do, bình đẳng trong việc lựa chọn trang phục, nếu như điều đó pháp luật không cấm. Còn về mặt ý thức thì trang phục ấy không được trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không tạo nên sự phản cảm trong cộng đồng.
Dù là ai thì khi đến những nơi thờ tự, cửa chùa, đền miếu cũng nên ăn mặc trang nhã và phù hợp với truyền thống văn hóa đạo Phật, nơi chốn thiền môn thanh tịnh. Cách ăn mặc thanh lịch, giản dị cũng tạo nên sự hài hòa ở nơi không gian tâm linh thiêng liêng và hòa hợp với mọi người xung quanh.
Để đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính và cũng không ảnh hưởng đến những người hành hương khác, mỗi ngôi chùa nên chuẩn bị trang phục và tạo điều kiện cho phật tử mượn để khi đến cổng chùa có thể khoác vào. Đặc biệt, với những ngôi chùa có đông du khách thập phương, đa số là các trung tâm du lịch, thắng cảnh, cần có bộ phận hướng dẫn đại chúng.
Không chỉ có công chức, nam thanh, nữ tú viếng chùa mà du khách nước ngoài khi tới Việt Nam, thăm thú đền chùa, nhưng chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa tâm linh nơi họ đến nên sẽ có lúc, có khi ăn mặc chưa phù hợp. Cho nên, vấn đề về phục trang cũng không nên quá khắt khe và cứng nhắc. Việc phát áo choàng miễn phí cho du khách cũng là một giải pháp hay để giúp họ “nhập gia tùy tục”, vừa kích thích phát triển du lịch, vừa gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đây, họ cũng phần nào hiểu được khi đến những nơi thờ tự cần ăn mặc kín đáo để thể hiện sự tôn trọng, sự thành kính.
Tiếp thu văn hóa và cách ứng xử văn minh tại những nơi linh thiêng ở các quốc gia khác không xa Việt Nam như ở Thái Lan, Lào, Malaysia, Campuchia, Singapore chúng ta sẽ thấy: Ngay tại cổng chùa, người dân luôn đặt những tấm biển lớn minh họa về quy định trang phục cho du khách khi vào chùa. Họ cũng có nhân viên phụ trách giúp đỡ và yêu cầu khách hành hương, tham quan chùa phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về trang phục. Ngoài ra, nơi thờ tự ở những quốc gia này luôn có dịch vụ cho thuê, mượn trang phục cho những người mặc trang phục chưa phù hợp khi tới chùa.
Khi có sự hướng dẫn cùng với thời gian, mọi người sẽ tự giác, tạo nên văn hóa phục trang khi lễ chùa, góp phần trang nghiêm cho ngôi chùa nói riêng và Phật giáo nước nhà nói chung.
Ở Việt Nam, một số chùa đã thực hiện cách này như: chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), đền Ngọc Sơn (Hà Nội), Tháp Bà Ponagar (Tp.Nha Trang), đền Cửa Ông (tỉnh Quảng Ninh),… khi triển khai việc phát đồ choàng miễn phí cho người dân. Việc làm này đã nhận được những tín hiệu, phản hồi tích cực và sự ủng hộ từ đông đảo người dân trong nước và khách du lịch.
Đi chùa là truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Mục đích của việc đi chùa là sự trải nghiệm đời sống văn hóa cũng như sự thăng hoa về mặt tâm hồn. Khi trang nghiêm trước Tam bảo, chắp tay trước ngực, mỗi người sẽ lắng đọng tâm tưởng và tìm về với bản nguyên thanh tịnh của chính mình. Khi đời sống tâm linh được chăm sóc và vun đắp thì đời sống xã hội cũng được cải thiện và nâng cao. Như vậy, cách ứng xử văn minh nơi cửa chùa sẽ thể hiện được trình độ văn hóa của mỗi người. Phong cách ăn mặc và hành xử nói năng sẽ phản ánh chiều sâu tâm hồn cũng như sự nhận thức của mỗi người.
Một năm mới lại tới trong sắc xuân ấm áp, ngập tràn niềm vui, dòng người nô nức cùng nhau đến chùa lễ Phật cầu chúc những điều bình an và tốt lành.
Nương theo hạnh nguyện độ sinh của đức Phật, hi vọng mỗi người sẽ luôn giữ trong tâm mình sự thanh tịnh và an lạc nhất, sống tỉnh thức và không chìm đắm trong những dục lạc của thế gian.
Tết về xây mộng Xuân thắm tươi
Rộn ràng du Xuân tiếng nói cười
An vui chào đón Mậu Tuất đến
Nguyên Đán mừng Xuân hạnh phúc đời
(Thích Trí Giải)
Tác giả: Nguyễn Thu HuyềnTạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2018
Thực hành ăn uống chính niệm giúp chúng ta nhận thấy cảm xúc và suy nghĩ liên quan đến thực phẩm, cho phép chúng ta chuyển đổi những hành vi tự động hoặc phán đoán tiêu cực thành cơ hội để vun đắp tình yêu thương cho bản thân và người khác.
Kinh khuyên chúng sinh nên nỗ lực nương theo pháp môn Dược Sư, học hạnh bố thí, gìn giữ Bát Quan trai, tán thán, xưng tụng đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang để tự tăng trưởng thiện căn mình mà vượt qua mọi khổ nạn, bệnh tật, điều ác.
Pháp Hoa cổ tự được xem là ngôi già lam có vị trí đắc địa tại số 870 đường Trường Sa, phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ven kênh Nhiêu Lộc uốn lượn mềm mại, thơ mộng.
Đi qua nhiều chốn, trụ trì ở nhiều chùa: Thiên Phúc, Đại Dương Sùng Phúc (Sủi), Sùng Phúc (Hội Xá), những cống hiến của Hòa thượng Thông Tiến với thiền môn, với nhân dân còn mãi trong tâm khảm nhân dân khắp chốn này.
Ngài đồng thời ở ngôi đường chủ nhiều năm của Hạ trường Mai Xá (Hà Nam), Hội Xá (Hà Nội), Mỗ Lao (Hà Nội) cùng nhiều trường hạ khác trong và ngoài địa giới Hà Nội, làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Chùa Huy Văn còn gọi là chùa Dục Khánh được xây dựng trên đất thôn Huy Văn, huyện Thọ Xương, Thăng Long xưa (nay là ngõ Huy Văn, phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Thiên Mụ không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là trung tâm tâm linh đối với người dân Huế và du khách, phật tử. Hàng năm, chùa thu hút hàng ngàn phật tử và du khách tại gia tới tham quan và cầu nguyện.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống Phật giáo và nghệ thuật hiện đại.
Bình luận (0)