Trang chủ Chuyên đề Văn bia chùa Liên Phái

Văn bia chùa Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

GS.TS.Đinh Khắc Thuân
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
NCS.Chung Kha
Đại học sư phạm Quảng Tây

1. Dẫn nhập

Chùa Liên Phái vốn thuộc phường Bạch Mai, nay nằm ở ngõ phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội có khá nhiều văn bia Hán Nôm. Một số ít văn bia ở đây đã được khai thác tư liệu khi nghiên cứu, giới thiệu về chùa Liên Phái. Đặc biệt là trong sách Tuyển tập Văn bia Hà Nội do Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch, xuất bản năm 1977, đã giới thiệu bản dịch hai văn bia chùa Liên Phái. Hai văn bia này cũng được in lại trong sách Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb Tôn giáo năm 2009, trong khi đó Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm – Tủ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội 2010 cũng chỉ giới thiệu lại một trong hai bản dịch trên  của văn bia chùa Liên Phái.

Xét thấy việc nghiên cứu và giới thiệu về văn bia chùa Liên Phái như vậy là hết sức khiêm tốn so với số lượng lớn của văn bia hiện còn, do vậy tôi xin khái quát ở đây toàn bộ văn bia Hán Nôm ngôi chùa này.

2. Lược thuật văn bia chùa Liên Phái

Bia chùa Liên Phái chủ yếu được gắn lên tường, nên ít bị thất lạc, hư hại. Phần lớn văn bia chùa này đã được Viễn Đông Bác Cổ in thành thác bản, hiện lưu giữ tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Theo tư liệu thác bản này, chúng tôi trước hết giới thiệu tóm tắt nội dung văn bia chùa Liên Phái (theo thứ tự thời gian) như sau đây.

2.1. Hậu Phật bi ký

Bia dựng nhà bia sau Đại điện chùa Liên Phái, ký hiệu thác bản 207. Thác bản văn bia ghi khi sưu tập vào năm 1948 thì bia dựng ở bên phải ngoài Tiền đường chùa Liên Phái. Bia 2 mặt, khá lớn, khổ 40x65cm, 25 dòng, có khoảng 450 chữ Hán, khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1719). Thác bản chỉ có mặt trước mà không in mặt bên với dòng niên đại là Vĩnh Thịnh thập tứ niên tuế thứ Mậu Tuất thập nhất nguyệt cốc nhật. Bản tự tăng Hoằng Tam tự Như Vương tả (Ngày lành tháng 11 năm Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, Sư chùa Hoằng Tam tự Như Vương viết).

Nội dung: Ghi việc vị Thiện sãi Nguyễn Viết Ninh, tự Phúc Khánh và vợ Hà Thị Cao, hiệu Diệu Phương ở giáp Đông, thôn Chiền Cầu, xã Hồng Mai cảm mộ Phật duyên, mong muốn được làm Hậu Phật, nên được dân thôn tôn bầu làm Hậu Phật để thường xuyên được nghe kinh kệ mà tiêu dao hâm hưởng mãi mãi. Ông bà cúng 3 sào ruộng giao nhà chùa cày cấy phụng thờ Phật pháp, cúng 10 quan tiền cổ để quan viên hương lão thụ lộc. Định lệ cúng giỗ hai giỗ ông bà.

2.2. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 221/248. Bia 2 mặt, khổ 40x83cm, 21 dòng, cả thảy 860 chữ Hán, khắc năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742). Văn bia do vị họ Bùi chức Hộ phiên Câu kê Viên ngoại lang ty Thanh Lại soạn. Người dựng bia là bà Trần Thị Khuê, vợ cả ông Tá lý công thần Công bộ Thượng thư Nam Quận công, truy phong Đại vương. Bia khá đẹp, nét chữ khắc sâu, rõ ràng.

Nội dung: Ghi việc con trai thừa tự là Nguyễn Quốc Trường, cùng con gái Nguyễn Thị Đến, Nguyễn Thị Duyên, con dâu Trần Thị Loan, Đặng Thị Quyên, Nguyễn Thị Đoan, Nguyễn Thị Ngoạn, con dể Nguyễn Công Huyên, cháu đích tôn Nguyễn Quốc Thẩm, các cháu Nguyễn Đình Mẫn, Nguyễn Quan Luân, Nguyễn Quốc Kýnh, Nguyễn Đình Lưu, Nguyễn Đình Nhượng, Nguyễn Thị Nẫm, vốn có Hiển khảo chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Phó Đề lãnh Tứ thành, Tri công tượng Cai quan, Tham đốc Thần vũ Tứ vệ quân vụ sự, Thơm Quận công, tặng Bắc quân Đô đốc phủ Đô đốc Đồng tri Nguyễn tướng công, tự là Hiệp Cung, thụy là Phúc Nguyên phủ sinh. Lúc sinh thời ông luôn tôn sùng thiện duyên, nên được định lệ tôn bầu làm Hậu Phật. Nay Nguyễn Quốc Trường cùng toàn họ tộc nhớ lại chí nguyện của cha mà muốn được phụ thờ ở chùa để hưởng hương hỏa mãi mãi. Liền cúng một khu đất, ao ở phường Hồng Mai giáp phía sau chùa Liên Tông (chữ Tông này bị đục phần trên về sau do kiêng húy) làm của Tam bảo. Định lệ lễ giỗ ông vào mồng 5 tháng 10, biện một mâm xôi, hoa quả, giấy tiền một nghìn dâng trước bia cúng lễ.

Mặt sau khắc bài minh 24 câu, cùng lạc khoản.

2.3. Hậu Phật bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 225. Bia 1 mặt, khổ 42x68cm, 14 dòng, cả thảy 320 chữ Hán, khắc năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756). Văn bia do Đệ nhị Khai Sơn Viên Dung Hòa thượng ghi lại.

Nội dung: Ghi vị Hậu Phật là Thị nội cung tần Trưởng cung Dung Hoa, họ Nguyễn, hiệu Diệu Lãng người xã Thượng Quai phát tâm công đức tạo tác bản chùa. Nhân đó tăng trụ trì hàng năm cúng giỗ bà ngày 3 tháng 3. Một vị Hậu Phật nữa là bà Quận phu nhân Lê Thị Cẩm cúng tiền 30 quan và ruộng 3 sào 3 tấc ở xã Thanh Liệt vào chùa Liên Phái để xin làm Hậu Phật. Kê số tiền và số ruộng cung tiến, cùng nghi thức cúng giỗ Hậu.

2.4. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 255/205. Bia 2 mặt, khổ 45x72cm, 23 dòng, cả thảy 700 chữ Hán, khắc năm Gia Long thứ 17 (1818).

Nội dung: Ba chị em con của một vị tướng công họ Tạ quê xã Bội Đầu, huyện Phong Lộc, trú quán tại thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương. Cô ba tên là Hiên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được hai chị nuôi nấng. Khi trưởng thành, cô ba lấy chồng họ Phạm người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào và mất sớm, năm 37 tuổi, không có con cái. Thương em lận đận, hai chị cúng 20 quan tiền và 1 mẫu ruộng vào chùa Liên Phái để đưa hài cốt và gửi giỗ cho cô ba vào chùa. Nhà chùa chấp thuận, tôn làm Hậu Phật, cúng giỗ mãi mãi. Ngày giỗ 18 tháng 4.

Mặt sau khắc bài minh 8 câu 4 chữ nói về người con gái họ Tạ mất sớm, lại không có con cái, cha mẹ đã mất, nên các chị em thương xót dựng bia để tưởng nhớ lâu dài.

2.5. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 222/256. Bia 2 mặt, khổ 40x72cm, 19 dòng, cả thảy 560 chữ Hán, khắc năm Gia Long thứ 17 (1818).

Nội dung: Ghi việc nhà sư trụ trì chùa Liên Phái dựng bia ghi danh các tín đồ nhà Phật như Diệu Bích, Diệu An, Diệu Hợp, Nguyễn Phúc Đảm, Vũ Thị Tập,… ở xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai và ở xã Hòa Xá, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín đã mua ruộng ở xã Thịnh Liệt để gửi giỗ ở chùa Liên Phái. Mặt sau khắc bài minh 16 câu cùng lạc khoản.

2.6. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 249. Bia 1 mặt, khổ 36x59cm, 17 dòng, cả thảy 420 chữ Hán, khắc năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), do Sa môn Thanh Cẩm soạn.

Nội dung: Văn bia viết rằng: ở phía ngoài thành Thăng Long có ngôi chùa tên là Liên Phái tự. Chùa này vốn do Lân Giác Thượng sĩ tổ sư lấy nhà mình mà dựng thành (hóa gia nhi thành) ngôi chùa trang nghiêm, lộng lẫy. Trải qua binh đao, năm Bính Ngọ (1786), nhà cửa đổ nát, chỉ còn lại tấm bia đá. Khi đó có kế đăng làm Hậu tổ là Hưng Chân Thiền sư đứng ra trùng hưng lại chùa mất hơn 20 năm mới hoàn thành. Hết thảy tươi mới, hết thảy quy mô. Trong thời gian trùng tu chùa này có ông La Nguyễn Qu,ý người Bắc quốc trú quán tại thôn Hàng Chài, huyện Thọ Xương cùng vợ là Vũ Thị Mão, người thôn Ngọc Long, xã Gia Quất cúng 300 quan tiền và 5 sào ruộng vào chùa. Nhà chùa cảm phục lòng tốt của hai vị, nên đã tôn bầu họ làm Hậu Phật, phụ thờ ở chùa. Định lệ vè sau ngay húy kỵ 14 tháng 4 dâng cỗ chay 3 mâm trước bia cúng lễ Chúc thực khoa. Có bài minh.

2.7. Hậu Phật bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 223. Bia 1 mặt, khổ 42x64cm, 15 dòng, cả thảy 370 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 4 (1851).

Nội dung: Ghi việc các bà Nguyễn Thị Hào, Nguyễn Thị Hỷ ở phường Bạch Mai thấy tuổi đã già, muốn đáp đền công ơn cha mẹ, nên bỏ ra 80 quan tiền để tu sửa chùa và cúng 2 sào ruộng để gửi giỗ cho cha mẹ. Bà Hào còn cúng thêm 1 sào ruộng để gửi giỗ cho bản thân.

2.8. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 206. Bia 1 mặt, khổ 30x48cm, 13 dòng, cả thảy 300 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 8 (1855).

Nội dung: Ghi việc 6 chị em họ Nguyễn ở phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương cúng 5 sào 6 thước ruộng và 100 quan tiền cho chùa Liên Phái để gửi giỗ cho cha mẹ. Nhà chùa chấp thuận tôn bầu làm Hậu Phật. Định lệ cúng giỗ về sau.

2.9. Ký kỵ bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 250. Bia 1 mặt, khổ 26x48cm, 17 dòng, cả thảy 270 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 9 (1850).

Nội dung: Trong lúc chùa tu sửa, thì có bà thứ thất của ông Cựu Quan huyện, huyện Thọ Xương và hai cô con dâu là vợ của quan Tả vệ tỉnh Bắc Ninh cúng 30 quan tiền và 8 sào ruộng giúp nhà chùa chi phí, để xin gửi giỗ cho bà Chính thất ông Quan huyện là bà họ Nguyễn hiệu Mỹ Lộc và ông Tả vệ họ Nguyễn tự Trung Trực.

2.10. Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần viện ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 202/203. Bia 2 mặt, khổ 95x142cm, 50 dòng, cả thảy 2.000 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 12 (1831). Văn bia do nhà sư pháp danh Thanh Minh soạn, nhà sư pháp danh Văn Đường viết chữ.

Nội dung: Ghi lại lịch sử chùa Liên Phái, vào năm Bính Ngọ (1726) đời vua Bảo Thái có vị sư tổ đời thứ nhất là Cứu Sinh tổ sư nhân ngôi chùa cổ mà tu sửa lại, tạc tượng Như Lai, đúc chuông khánh, vì thấy điềm hoa sen mọc lên mà đặt tên chùa là Liên Tôn và gọi nhà tăng là Viện Ly Trần. Đời thứ hai là Hòa thượng Bảo Sơn, truyền đời thứ ba là Từ Phong hòa thượng, truyền đến đời thứ tư là Thiền sư Chân Như, đời thứ 5 là Thiền sư Từ Hòa, đời thứ 6 là Phổ Hinh. Đến năm Giáp Dần (1854) trải qua cơn loạn lạc, chùa hư hỏng nhiều, được nhà sư trụ trì là Phổ Hinh vì mang bệnh, nên đem toàn bộ ruộng đất, đồ thờ và sổ sách của chùa đến Liên Trì Hải Hội cúng giàng cho Phúc Điền hòa thượng. Phúc Điền hòa thượng cùng đệ tử pháp danh là Thanh Minh xây lại chùa sau 6 năm mới hoàn thành. Văn bia ghi lại công đức to lớn của hai vị quan chức khi đó là Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai và Tham tán đại thần Lê Thuận Chiêu cùng nhiều vị khác công đức xây dựng chùa.

2.11. Ký kỵ Liên Phái bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 218. Bia 1 mặt, khổ 42x54cm, 20 dòng, cả thảy 390 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 18 (1865).

Nội dung: Ghi việc bà Đỗ Thị Căn cùng con gái và hai cháu ngoại ở thôn Trung An, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương gửi giỗ vào chùa Liên Phái cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em tất cả 9 giỗ. Mỗi giỗ đóng 30 quan tiền và 3 sào ruộng, tổng cộng 270 quan tiền và 2 mẫu 7 sào ruộng. Nhà chùa nhận và cam kết cúng giỗ.

2.12. Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần viện biệt chí

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 204. Bia 1 mặt, khổ 76x112cm, 22 dòng, cả thảy 700 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 25 (1872). Văn bia do nhà sư pháp danh Thanh Trang soạn.

Nội dung: Ghi việc năm Giáp Dần (1854) ông Trần Nhật Chương, tự Thanh Minh, hiệu Nhạc Sơn, người xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc được Hòa thượng Phúc Điền ủy thác cho 1.000 quan tiền để lo việc xây dựng chùa, kèm theo lời di chúc của Hòa thượng dặn là dùng một khu đất, ao gồm 2 mẫu 6 sào vốn do Sử tổ để lại để xây dựng ngôi chùa cho bề thế, đặt cốt nhà sư trong tháp. Vào năm Ất Mão (1855) nhà sư Thanh Minh đã đứng ra  quyên tiền tu sửa chùa, xây nhà tổ, tô lại tượng Phật.

Văn bia sau đó chép lại ngày giỗ của 8 vị sư tổ của chùa Liên Phái. Đó là: Tổ đời thứ nhất là Chân Nguyên Tổ sơn được các triều phong tặng là Pháp chủ, truyền pháp cho Khai Sơn tổ sư, giỗ ngày ngày 28 tháng 10. Tổ đời thứ hai là Khai Sơn Tổ sư, tặng phong Thượng sĩ Cao Thiền Hòa thượng kỵ ngày 15 tháng 2. Tổ thứ ba là Bảo Sơn Tổ sư kỵ ngày 15 tháng 6. Tổ thứ tư là Từ Phong Tổ sư kỵ ngày 14 tháng 4. Tổ thứ năm là Chân Như Tổ sư kỵ ngày mồng 3 tháng 10. Tổ thứ sáu là Từ Hòa Tổ sư kỵ ngày 21 tháng Giêng. Tổ thứ bảy là Phúc Điền Hòa thượng kỵ ngày 30 tháng 10. Tòng thất đại (Theo Tổ thứ bảy) là Liên Tử Tâm đầu đà kỵ ngày 10 tháng 9. Tổ thứ tám là Tăng chùa Cổ Bi pháp danh Từ Đức.

2.13. Ký kỵ bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 211. Bia 1 mặt, khổ 34x55cm, 16 dòng, cả thảy 320 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 28 (1875).

Nội dung: Ghi lại việc chùa Liên Phái vào năm Mậu Ngọ (1858) trùng hưng Tiền đường, Thượng điện, Tổ viện, Tăng phòng, tả hữu hành lang, tô tượng Phật các tòa trang nghiêm, lộng lẫy, chi phí vô cùng lớn. Khí đó, có bà Ưu bà di Nguyễn Thị Ngoạn hiệu Diệu Vinh, quê quán xã Yên Sở, huyện Đan Phượng, sống tại phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương cúng 60 quan tiền, cùng 1 đôi câu đối giá 20 quan tiền và tiền gửi giỗ 60 quan. Sư chùa Liên Phái là Tường Vân nhận lời và cam kết cúng giỗ. Bà lại đặt 1 mảnh ao 3 sào 6 thước ở trước chùa để cúng giỗ mãi mãi. Định lệ, trước ngày giỗ một ngày nhà chùa biện lễ, tụng kinh 1 quyển Di Đà, độc chú vãng sinh 21 lần cầu vong siêu sinh tịnh độ. Đến ngày giỗ buổi trưa biện trai bàn 2 mâm, giấy tiền 1 nghìn, cau trầu 10 khẩu. Sau có bài minh.

2.14. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 210. Bia 1 mặt, khổ 37x57cm, 19 dòng, cả thảy 310 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 30 (1877).

Nội dung: Ghi việc Tín chủ Phùng Châu Lan ở phường Diên Hưng, nhân khi nhà sư Tường Vân chùa Liên Phái tu sửa chùa và tô tượng Phật đã cúng 200 quan tiền và 1 thửa ruộng để gửi giỗ cho tổ tiên và cha mẹ. Có bài mình 8 câu, kê tên húy hiệu người được cúng giỗ.

2.15. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 208. Bia 1 mặt, khổ 32x52cm, 18 dòng, cả thảy 480 chữ Hán, khắc năm Tự Đức thứ 30 (1877).

Nội dung: Ghi việc Tín chủ Lư Diệu Lộc ở giáp Mật Thái, phường Hà Khẩu cúng 7 sào ruộng và 200 quan tiền để xin gửi giỗ cho cha mẹ. Nhà chùa ghi nhận, định lệ cúng giỗ về sau.

2.16. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 217. Bia 1 mặt, khổ 36x48cm, 18 dòng, cả thảy 400 chữ Hán, khắc năm Đồng Khánh thứ 1 (1886).

Nội dung: Ghi việc vợ chồng ông Nguyễn Đình Trần ở thôn Cự Đà tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai cúng vào chùa 100 quan tiền để tu bổ chùa Liên Phái, sau đó lại hiến 3 sào 5 thước ruộng, 3 sào vườn để gửi giỗ cho cha mẹ, anh em.

2.17. Liên Phái Hậu kỵ bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 213. Bia 1 mặt, khổ 41x56cm, 18 dòng, cả thảy 500 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 2 (1890).

Nội dung: Ghi việc bà Phan Thị Khang làm dâu họ Hứa người Quảng Đông, trú ở giáp Đông Trung, thôn Nhân Hội, tổng Thuận Mĩ, huyện Thọ Xương cúng vào chùa 400 quan tiền và 6 sào ruộng để gửi giỗ cho chồng, cha mẹ chồng và cha mẹ bà. Nhà chùa ghi nhận, định lệ cúng giỗ.

2.18. Vô đề

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 216. Bia 1 mặt, khổ 32x51cm, 9 dòng, cả thảy 210 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 2 (1890).

Nội dung: Ghi việc bà Vũ Thị Hiên ở giáp Nhiễm Hạ, thôn Dũng Thọ, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương cúng vào chùa 150 quan tiền kẽm và 3 sào ruộng để gửi giỗ cho cha mẹ và chồng của bà.

2.19. Hậu Phật bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 226. Bia 1 mặt, khổ 46x66cm, 20 dòng, cả thảy 320 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 2 (1890).

Nội dung: Ghi lại sự tích chùa Liên Phái vốn là nơi sinh của vị sư tổ thời Lê là Lân Giác thượng sĩ đã lấy nhà ở của mình để xây dựng thành chùa. Nay có bà La Thị Hà người gốc tỉnh Quảng Đông, trú quán tại xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, đã cúng 500 đồng và 6 sào ruộng vào chùa Liên Phái để tu bổ chùa và gửi giỗ cho gia tiên cùng bản thân. Có bài minh 12 câu ca ngợi công đức.

2.20. Hậu Phật bi minh

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 215. Bia 1 mặt, khổ 31x51cm, 9 dòng, cả thảy 200 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 3 (1891).

Nội dung: Ghi việc ông Nguyễn Duy Quang, ở phường Đồng Lạc, huyện Thọ Xương cúng vào chùa 20 đồng tiền để gửi giỗ cho bản thân và phối thời cha mẹ.

2.21. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 209. Bia 1 mặt, khổ 30x53cm, 13 dòng, cả thảy 310 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 6 (1894).

Nội dung: Ghi việc bà Lý Thị Nhẫn ở thôn Xuân Yên, tổng Thuận Mỹ trong huyện cúng cho chùa 40 đồng tiền để làm phúc và mua 5 sào ruộng để gửi giỗ cho ông bà, cha mẹ.

2.22. Hậu Phật bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 224. Bia 1 mặt, khổ 44x68cm, 13 dòng, cả thảy 300 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 6 (1894).

Nội dung: Ghi việc bà Hoàng Thị Thảo ở giáp Nam Thượng, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương lấy chồng là người Hoa, quê tỉnh Quảng Đông đã cúng vào chùa 40 đồng bạc và 5 sào ruộng để gửi giỗ cho cha mẹ chồng và vợ chồng bà.

2.23. Liên Phái Hậu Phật bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 247. Bia 1 mặt, khổ 34x50cm, 10 dòng, cả thảy 300 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 9 (1897).

Nội dung: Ghi việc bà Đặng Thị Sâm người xã Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa cúng vào chùa Liên Phái 36 đồng và 2 sào ruộng để gửi giỗ cho bản thân và con gái của bà đã qua đời.

2.24. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 219. Bia 1 mặt, khổ 41x54cm, 13 dòng, cả thảy 300 chữ Hán, khắc năm Thành Thái thứ 12 (1900).

Nội dung: Ghi việc bà Phan Thị Bắc, người huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, ngụ tại phường Đại Lợi cúng vào chùa 100 quan tiền để gửi giỗ cho ông nội là Lưu Trang, từng làm Án sát sứ Sơn Tây, cùng bà nội, bố mẹ chồng và bản thân.

2.25. Phối hưởng bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 220. Bia 1 mặt, khổ 29x43cm, 11 dòng, cả thảy 400 chữ Hán, khắc năm Kỷ Sửu.

Nội dung: Ghi việc vợ chồng ông Nguyễn Đình Nguyên và bà Nguyễn Thị Tín cúng vào chùa 100 quan tiền kẽm để tô tượng Phật và xin gửi giỗ cho tổ tiên, ông bà và bố mẹ.

2.26. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 256. Bia 1 mặt, khổ 45x75cm, 15 dòng, cả thảy 700 chữ Hán, không ghi niên đại, đơn vị hành chính trên bia thuộc thời Lê.

Nội dung: Có vị Sa di ni hiệu Diệu Tường người xã Nhuế Mai, huyện Thường Tín phủ Từ Liêm cúng 15 quan tiền gửi giỗ cho mẹ Vũ Thị Điều, hiệu Diệu Hợp, giỗ ngày mồng 7 tháng 6; Sa di ni hiệu Diệu Hoàn giỗ ngày mồng 1 tháng 6…

2.27. Hậu Phật bi ký

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 207. Bia 1 mặt, khổ 36x66cm, 11 dòng, cả thảy 300 chữ Hán, không ghi niên đại.

Nội dung: Ghi việc vợ chồng Nguyễn Viết Ninh và Hà Thị Hạo cúng 3 sào ruộng để xin được làm Hậu. Ông bà được chấp thuận, sau lại cúng 10 quan tiền chi phí. Định lệ cúng giỗ về sau.

2.28. Vô đề

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 214. Bia 1 mặt, khổ 16x39cm, 1 dòng, cả thảy 10 chữ Hán, không ghi niên đại.

Nội dung: Đây là bài vị một vị Hậu Phật ở chùa là Phạm Doãn Án, tự Thuần Khánh.

2.29. Ký kỵ Liên Phái tự bi

Bia chùa Liên Phái, thác bản ký hiệu 212. Bia 1 mặt, khổ 37x50cm, 10 dòng, cả thảy 150 chữ Hán, không ghi niên đại.

Nội dung: Ghi việc bà Thái Thị Điều là vợ ông Nguyễn Phúc Chung ở giáp Bát, thôn Đông Thành, huyện Thọ Xương cúng 90 quan tiền để tô tượng Phật và mua 5 sào ruộng gửi giỗ cho chồng đã mất và bản thân về sau. Nhà chùa ghi nhận, định lệ cúng giỗ.

2.30. Gia phổ bi ký

Bia vốn được dựng ở nhà bia trước tòa Đại điện, nay được chuyển về khu nhà bia phía sau tòa Đại điện chùa Liên Phái, chưa có thác bản văn bia. Bia 2 mặt, khá lớn, khổ 76x130cm, 45 dòng, cả thảy khoảng 850 chữ Hán, khắc năm Bảo Đại thứ 3 (1928).

Nội dung: Ghi việc lại lai lịch các thế hệ sư tổ chùa Liên Phái.

Ngoài ra, còn một số văn bia khác được khắc trong hai niên hiệu cuối của triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại, kể cả một số văn bia gửi giỗ viết bằng chữ Việt khác.

3. Thông tin tư liệu

Số thác bản văn bia được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm gồm 29 văn bản, cùng 01 văn bia Gia phả khắc năm Bảo Đại khác tổng cộng 30 văn bia như giới thiệu ở trên, bao gồm những văn bia có niên đại sớm và nội dung tư liệu phong phú. Tuy nhiên, thực tại chùa hiện còn 63 văn bia, trong đó có cả những văn bia gửi giỗ được khắc vào những năm đầu thế kỷ 20 ốp trên tường nhà thờ tổ, giải vũ, cùng trên tháp ở khu mộ tháp chùa. Trong số những văn bia có giá trị tư liệu, có hai văn bia xếp cuối cùng là số 29 và 30 chưa được làm thác bản. Ngoài ra, trong số thác bản bia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, văn bia số 2 khắc năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756) có thác bản, nhưng bia thì hiện không thấy ở chùa. Không rõ bị mất hoặc thất lạc đâu đó.

Văn bia này có tiêu đề là Hậu Phật bi khắc năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756) thời Lê không chỉ là văn bia có niên đại sớm, quý hiếm, mà đặc biệt là vị Hậu Phật được khắc trên bia là Thị nội cung tần Trưởng cung Dung Hoa họ Nguyễn hiệu Diệu Lãng người xã Thượng Quai phát tâm công đức xây chùa. Hơn nữa, người ghi lại văn bia này chính là Đệ nhị Khai Sơn Viên Dung Hòa thượng.

Những thác bản văn bia chùa này tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm khá tốt, chữ rõ ràng, mỗi mặt bia có một ký hiệu. Vì thế có hai bia vốn hai mặt thì thác bản xếp thành 2 bia, đó là bia số 1 khắc năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) và bia số 4 khắc năm Gia Long thứ 17 (1818).

Trong số 30 văn bia Hán Nôm nêu trên, có 3 văn bia thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1719), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1742) và thứ 17 (1756), còn lại là văn bia thời Nguyễn, trong đó niên hiệu Gia Long thứ 17 (1816) có 2 bia, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824) 1 bia, niên hiệu Tự Đức 9 bia, niên hiệu Đồng Khánh thứ 1 (1876), niên hiệu Thành Thái 8 văn bia, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1928) 1 văn bia, cùng  5 văn bia không ghi niên đại.

Văn bia khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1719) hiện dựng trong nhà bia phía sau Đại điện chùa Liên Phái. Văn bia chỉ ghi xã Hồng Mai mà không ghi rõ tên chùa, nên không rõ có phải là chùa Liên Phái này không. Có thể vẫn là văn bia của chùa này, bởi trong văn bia khắc năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) ở chùa Liên phái cũng đề cập đến địa danh Hồng Mai qua đoạn sau “… cúng một khu đất, ao ở phường Hồng Mai giáp phía sau chùa Liên Tông làm của Tam bảo”. Thực tế làng Bạch Mai là được đổi từ tên gọi Hồng Mai dưới đời vua Tự Đức do kiêng húy vua Tự Đức là Hồng Nhiệm. Hơn nữa, Ngài Lân Giác sinh năm 1696, đến năm 1715 khi Ngài tròn 20 tuổi thì dâng sớ xin với chúa Trịnh Cương để được xuất gia đầu Phật. Tài liệu Phật giáo và văn bia cho biết rõ hơn sự kiện xin đầu Phật này, là “một hôm Ngài cải tạo khu đồi Mai làm hồ thả cá trồng sen, gia nhân phát hiện được chiếc ngó sen ẩn hiện trong đó, nên Ngài quyết chí biến đổi tư dinh thành ngôi chùa thờ Phật”. Có nghĩa là chùa này đã được xây dựng từ năm 1715. Do đó văn bia bầu Hậu Phật dựng năm 1719 nêu trên cũng không hề mâu thuẫn. Về nội dung, hầu hết văn bia chùa Liên Phái đều là bia công đức ghi danh người cúng tiền, ruộng cho chùa để được bầu làm Hậu Phật hoặc gửi giỗ ở chùa cho gia tiên và bản thân. Tuy là văn bia ghi việc bầu Hậu và gửi giỗ, nhưng đều đề cập đến những lần xây dựng, tôn tạo, trùng tu chùa, tô tượng Phật, qua đó cho thấy rõ lịch sử xây dựng, quy mô kiến trúc chùa qua các gia đoạn, qua mỗi lần tôn tạo, cùng các danh sư, nhân vật gắn với hoạt động Phật giáo tại chùa này. Đặc biệt là một số văn bia trực tiếp ghi lại lịch sử xây dựng chùa, cũng như các vị sư tổ của chùa. Đây là nguồn tư liệu xác thực, quý giá trực tiếp về ngôi chùa Liên Phái trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là vị sư tổ khai sáng.

Tư liệu văn bia cho biết, chùa này vốn do tổ Như Trừng Lân Giác – Lân Giác Thượng sĩ tổ sư lấy nhà mình mà dựng thành (hóa gia nhi thành) ngôi chùa trang nghiêm, lộng lẫy vào năm Bính Ngọ (1726) đời vua Bảo Thái. Sư tu sửa lại, tạc tượng Như Lai, đúc chuông khánh, vì thấy điềm hoa sen mọc lên mà đặt tên chùa là Liên Tôn và gọi nhà tăng là Viện Ly Trần. Trước khi Sư viên tịch, có dặn lại cho các đệ tử rằng: “Các con ghi nhớ lời di chúc của thày, rồi khắc lên bia, hoặc chép vào phả lục truyền lại cho đời sau. Nếu sau này có vua sáng chúa hiền ở triều đại khác hưng thịnh bình định được bốn bể thì xin mở lòng nhân đức, rộng lượng từ bi, thì xây ngôi chùa ở một khu đất ao 2 mẫu 6 sào ở xứ chùa Liên Phái này, làm cơ sở chủ yếu tôn sùng Phật pháp và đặt tháp am mà chôn cốt di hài để có thể truyền chính phái, sáng tỏ đèn Thiền, hương hỏa dài lâu, lưu truyền mãi mãi”[1]

Văn bia sau đó chép lại ngày giỗ của 8 vị sư tổ của chùa Liên Phái. Đó là: Tổ đời thứ nhất là Chân Nguyên Tổ sơn được các triều phong tặng là Pháp chủ, truyền pháp cho Khai Sơn tổ sư, giỗ ngày ngày 28 tháng 10. Tổ đời thứ hai là Khai Sơn Tổ sư, tặng phong Thượng sĩ Cao Thiền Hòa thượng kỵ ngày 15 tháng 2. Tổ thứ ba là Bảo Sơn Tổ sư kỵ ngày 15 tháng 6. Tổ thứ tư là Từ Phong Tổ sư kỵ ngày 14 tháng 4. Tổ thứ năm là Chân Như Tổ sư kỵ ngày mồng 3 tháng 10. Tổ thứ sáu là Từ Hòa Tổ sư kỵ ngày 21 tháng Giêng. Tổ thứ bảy là Phúc Điền Hòa thượng kỵ ngày 30 tháng 10. Tòng thất đại (Theo Tổ thứ bảy) là Liên Tử Tâm đầu đà kỵ ngày 10 tháng 9. Tổ thứ tám là Tăng chùa Cổ Bi pháp danh Từ Đức.

Như vậy, khai sáng chùa Liên Phái thì Sư Lân Giác là Khai Sơn tổ sư, nhưng sư là đệ tử của Chân Nguyên, nên tôn xưng Chân Nguyên là tổ thứ nhất, còn Sư Khai Sơn là tổ thứ hai. Sau khi Sư Khai Sơn hóa năm 1733, Sư được đệ tử xây tháp thờ tại chùa Liên Phái gọi là tháp Cứu Sinh tổ sư, được triều đình nhà Lê ban phong là Thượng sĩ Cao Thiên Hòa thượng. Thực tế, tính đến thời điểm dựng bia vào đầu thế kỷ 20, chùa Liên Phái có bảy vị Sư tổ đều có tháp dựng ở khu mộ tháp của chùa mà giữa trung tâm là tháp Cứu Sinh, tức Khai Sơn tổ sư.

Chùa Liên Phái được xây dựng vào thời Lê thế kỷ 17, sau đó trải qua nhiều lần tôn tạo xây dựng khá quy mô, nhưng cũng không ít lần bị tàn phá bởi chiến tranh, tiêu biểu là loạn lạc năm Giáp Dần (1854), chùa hư hỏng nhiều, được nhà sư trụ trì là Phổ Hinh vì mang bệnh, nên đem toàn bộ ruộng đất, đồ thờ và sổ sách của chùa đến Liên Trì Hải Hội cúng giàng cho Phúc Điền hòa thượng. Phúc Điền hòa thượng cùng đệ tử pháp danh là Thanh Minh xây lại chùa sau 6 năm mới hoàn thành. Trải qua binh đao năm Bính Ngọ (1786), nhà cửa đổ nát, chỉ còn lại tấm bia đá. Khi đó có kế đăng làm Hậu tổ là Hưng Chân Thiền sư đứng ra trùng hưng lại chùa mất hơn 20 năm mới hoàn thành.

Về Hòa thượng Phúc Điền, tư liệu văn bia cho biết rằng, năm Tự Đức thứ 7 (1854) Hòa thượng nhận lời mời của sư tổ Phổ Minh sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái. Từ đó Hòa thượng đứng ra tổ chức tôn tạo lại chùa, khiến cho chùa được qui mô, khang trang lộng lẫy. Đặc biệt trong lần tôn tạo chùa này có công đức vô cùng to lớn của hai vị quan chức khi đó là Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai và Tham tán đại thần Lê Thuận Chiêu. Vì thế Phúc Điền Hòa thượng trở thành sư tổ thứ 7 chùa Liên Phái. Chính Hòa thượng Phúc Điền tổ chức san khắc kinh Phật, nên chùa Liên Phái hiện lưu giữ khá nhiều mộc bản kinh Phật.

Một điều đặc biệt nữa là, số văn bia Hậu Phật ở chùa khá nhiều. Những bia này thực chất là bia gửi giỗ, bởi nội dung văn bia cho biết vì nhiều lí do mà cúng ruộng, cúng tiền vào chùa để được cúng giỗ về sau. Tuy nhiên, không giống như văn bia gửi giỗ ở các ngôi chùa khác, văn bia gửi giỗ ở chùa Liên Phái đều được lấy tên là Hậu Phật bi, tức văn bia Hậu Phật. Người gửi giỗ ở đây đều được tôn xưng là Hậu Phật và được phụ hưởng phụng thờ sau Phật, như văn bia số 1 Hậu Phật bi đã viết: “ước nguyện được làm Hậu Phật để thường xuyên được nghe kinh kệ mà tiêu dao hâm hưởng mãi mãi”.

Tóm lại, tư liệu văn bia chùa Liên Phái phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại, đặc biệt là hàm chứa nhiều thông tin quý giá xác thực về ngôi chùa Liên Phái và các vị sư tổ dòng Thiền Liên Phái, cũng như hoạt động Phật giáo qua các giai đoạn lịch sử tại ngôi chùa này mà bài viết đã điểm ra đôi điều. Tư liệu hầu hết đã được sưu tập, làm thành thác bản, rất tiện lợi cho việc dịch thuật, khai thác tư liệu này, cần thiết tổ chức dịch toàn bộ nội dung văn bia chữ Hán chùa Liên Phái ra tiếng Việt để đông đảo nhà nghiên cứu, Phật tử dễ dàng sử dụng, tìm hiểu.

GS.TS.Đinh Khắc Thuân
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
NCS.Chung Kha
Đại học sư phạm Quảng Tây

***

[1] Văn bia số 11, khắc năm Tự Đức thứ 25 (1872)

Tài liệu tham khảo
1. Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng Hà thành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2000.
2. Tư liệu Văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm, Nxb Hà Nội, 2010.
3. Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 1977.
4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1993), Di sản Hán Nôm, Thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
5. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (20070, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm, Nxb Văn hóa Thông tin, 2007.

Phụ lục ảnh thác bản văn bia:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Bia Chua Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac 1

Thác bản văn bia khắc năm Cảnh Hưng 17 (1756) do Đệ Nhị Khai Sơn Viên Dung Hòa Thượng viết (Hiện không còn ở chùa)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Bia Chua Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac 2 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Bia Chua Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac 3

Thác bản văn bia Hậu Phật bi ký, năm Cảnh Hưng 3 (1742)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Bia Chua Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac 4

Thác bản văn bia Trùng hưng Liên Phái tự, khắc năm Tự Đức 20 (1867)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường