Trang chủ Lịch sử - Triết học Giáo dục Ni giới trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Giáo dục Ni giới trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Huệ Lợi
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

MỞ ĐẦU

 Đạo Phật được du nhập vào nước ta từ rất sớm, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên. Với tư tưởng từ bi, bình đẳng và dung hợp, Phật giáo đã sớm hòa nhập, bén rễ nơi đất Việt. Thế nhưng vào khoảng cuối thời Trần đến thời Lê Sơ, Phật giáo bị mất vị thế, nhường chỗ cho Nho giáo. Mặc dù được phục hưng vào thế kỷ XVII-XVIII nhưng sang đến triều Nguyễn, đặc biệt là dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Phật giáo dần bị suy thoái và trở thành đối tượng bị lên án. Chính tình hình đó đã thôi thúc chư tăng cùng các vị cư sĩ có đạo tâm chủ trương chấn hưng đạo Phật. Trong phong trào chấn hưng, vấn đề ni giới đã được chú ý, thể hiện qua việc xây chùa, thành lập trường Phật học, đào tạo ni tài.

Tag: Đạo Phật, chấn hưng, phật giáo, nửa đầu thể kỷ XX, Nho giáo, thời Trần, thời Lê Sơ, triều Nguyễn, đào tạo tăng tài…

NỘI DUNG

Thực trạng ni giới trước phong trào chấn hưng

Hiện nay, có rất ít tư liệu cho biết thực trạng ni giới giai đoạn Pháp thuộc. Học viên may mắn được tiếp cận với một vài thông tin khai thác từ tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa cũng như một số bài viết của ni sư trên các tờ tạp chí Phật giáo như Viên Âm và Từ Bi Âm, nhờ vậy có được đôi chút thông tin về thực trạng của ni giới. Về cơ bản, các nguồn tài liệu đều thống nhất rằng vào thời Pháp thuộc trình độ học vấn và mức độ am hiểu Phật pháp của ni giới rất hạn chế, không có chùa riêng, phải nương theo tu học với chư Tăng. Theo một hồ sơ lưu trữ được giới thiệu trong bài “Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX” học viên được tiếp cận với thông tin quan trọng về học vấn cũng như trình độ Phật pháp của ni sư ở Bắc kỳ. Hồ sơ này gồm hơn 500 trang, là kết quả của một cuộc điều tra “chuyên sâu”“bí mật” về trụ trì các chùa ở Bắc kỳ. Phân tích hồ sơ, tác giả bài nghiên cứu cho biết: “Có tất cả 92 ni sư được điều tra trong tổng số 360 vị tăng ni, chiếm 25,55%. Trong số 92 vị, có 66 vị tham gia Hội Phật giáo, chiếm 71,7%. Phân tích số liệu, có 3/66 ni sư biết cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán, chiếm 4,5%; 36/66 sư ni biết chữ Hán, chiếm 54,5%; và 14/66 vị không biết chữ, chiếm 21,2%; 13 vị còn lại không có thông tin. Riêng về trình độ Phật học, kết quả điều tra cũng cho thấy, số ni giới được đánh giá là uyên thâm Phật pháp rất ít ỏi (4/66), đa số ở mức độ sơ đẳng, cá biệt có người chỉ biết các khoa cúng hay thuộc lòng một vài bài kinh”[1].

Ngoài tài liệu kể trên, tư liệu báo chí Phật giáo thời đó cũng có những bài viết phản ánh địa vị thấp kém của ni giới. Bài viết “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”[2] trên tạp chí Viên Âm phản ánh rõ thực trạng này. “Ni lưu xuất gia rất nhiều, nhưng không có chùa để mà ở và chị em phải nương ở các chùa sư nam. Mà phải chi quí sư nam họ từ tâm chiếu cố cho chúng ta tu học còn khá, phần nhiều họ chỉ phân phú cho chúng ta cái trách nhiệm ở chốn vân trù, không bao giờ được thong thả tu học như nam giới. Thành thử chị em chúng ta chịu phần ngu dốt trót đời; nào có hiểu biết nghĩa lý, câu kinh lời luật, hầu thúc liễm thân tâm, diệt trừ nghiệp chướng. Vì vậy mới có cái nạn tồi tệ xảy ra trong nhà chùa từ bấy lâu nay”[3].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ni truong Dieu KHong

Một bài viết khác trên tạp chí Từ Bi Âm cũng phản ánh tình trạng phân biệt giữa ni giới và tăng giới “Đàn bà cô vãi mà học hỏi làm chi; các cô cứ lo làm công quả cho chùa cũng tốt mà”[4].

Trong khi điều kiện tu học còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều tấm gương ni giới tiêu biểu, tiến bộ chẳng hạn như sư cô Diệu Không, sư cô Huệ Tâm: “hiện nay, trong báo giới của Phật giáo vẫn thường thấy nói Ni cô đi thuyết pháp và đăng bài trên Phật học như Sư cô Diệu Không, Cô Huệ Tâm chẳng hạn xét thế đủ biết là nếu ni giới mà được học tập như Tăng thì có kém gì cho lắm”[5]. Trên diễn đàn báo chí, các ni sư Diệu Không, Huệ Tâm, Diệu Tịnh v.v..là những vị đóng góp nhiều bài vở quan trọng, hay như ni sư Diệu Viên, Ni cô Tâm Nguyệt là những tấm gương ni sư đăng đàn thuyết pháp. Tuy vậy con số ấy hãy còn rất khiêm tốn.

Nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của ni sư

Nhận thức được địa vị thấp kém, lại được khích lệ bởi những tấm gương tiêu biểu, chư ni đã bày tỏ nguyện vọng mở trường cho hàng ni trẻ. Nguyện vọng này được thể hiện qua các bài viết đăng trên tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ. Một trong số đó là bài viết của Ni cô Tâm Nguyệt, khi đó mới chỉ là một vị Sa di ni, là một người ít học, cô thấu hiểu được hoàn cảnh, tâm tư của hàng ni trẻ với mong muốn được học hành đến nơi đến chốn, nên đã “đánh bạo viết bài này, mong rằng các vị có lòng nghĩ đến Phật pháp, đoàn thể, giơ tay mở mang trí thức cho chị em, không nên thiên vị bên nào, khinh thường chị em ni giới”[6]. Qua đó, cô bày tỏ nguyện vọng “tôi mong rằng các trường phật học về bên ni giới mau chóng mở cửa để chị em nữ niên thiếu có nơi học hành, có thầy dậy bảo, mong một ngày kia cũng xin đương vai gánh vác Phật pháp tuyên dương giáo hóa cho nhân dân…”[7]. Một bài viết khác cũng thể hiện nhận thức và nhu cần học tập nâng cao trình độ của chư ni: “Sự học thức là gậy là đuốc, có thông hiểu mới biết lối tu hành”[8]. Chính vì vậy, mà vị ni sư này đã khẩn thiết đề xuất “mỗi vị cao tăng đại đức nên chú trọng về sự giáo hóa cho chị em chúng tôi mau thành tài đạt đức, thì có ngày cũng khua chuông cảnh tỉnh và đánh trống pháp âm, đặng giúp ích cho phái tăng già lo việc trùng hưng Phật pháp”[9].

Không những kêu gọi mở trường cho ni chúng, các vị ni còn khuyến khích hàng ni trẻ cần tu học và dấn thân phục vụ cho công cuộc chấn hưng đạo pháp. Trong bài viết “Ý kiến của Ni lưu”, sư bà Thích nữ Diệu Hương đã nêu rõ hiện trạng “…thì trong một khoảng thời gian khá dài, phần lớn chư ni chỉ biết xuất gia là xa nhà, ẩn chốn thiền môn, chuông chiều, mỏ sớm. Họ không hề bận tâm đến sự thịnh suy của Đạo pháp”[10]. Do đó, “chỉ có học mới hiểu được giáo lí và từ đó mới tuân thủ được giới luật. Nếu như đã quyết chí xuất gia mà chư ni không nắm vững giáo lí, đụng đâu tin đó, nhận giả làm thật thì sẽ không bao giờ thoát được khỏi cảnh giới luân hồi, sinh tử”[11]. Để có được một tương lai tươi sáng, để hoàn thiện được các mục tiêu, yêu cầu của công cuộc chấn hưng thì “chư ni cần phải xây dựng tổ chức, phải thắt chặt tinh thần đoàn kết để cùng nhau tinh tấn tu học”[12]. Hay trong bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học Ni trưởng Diệu Tịnh khẳng định rằng trong hàng ni chúng tại Nam kỳ cũng có những vị thông minh xuất chúng, xuất thân hào kiệt chứ cũng chẳng phải là quá yếu kém, nghèo hèn. Nhưng cớ sao lại bị nam giới khinh chê. Đó chính là sự tự ti, rụt rè, không dám dấn thân, là do sự tính ích kỷ của ni giới, không chịu tu học, an phận thấp bé. Vậy nên, Ni trưởng khuyên bảo “Chư ni cần phải hiểu rằng, kiếp tu của mỗi cá nhân chẳng những phải làm một người phật tử chân chính mà còn phải trở thành những người hữu ích trong xã hội. Cho nên đã là đệ tử của đức Phật thì hãy một lòng vị pháp quên thân, không phải vì phiền não mà tìm chốn an yên một mình. Phải noi gương “bạt khổ dữ lạt” (cứu khổ ban vui) của chư Phật để tiếp độ chúng sinh chứ không nên mưu cầu danh lợi, tự độ, tự tha. Chư ni cần phải cố gắng học tập, thấu hiểu giáo lí để sau này có thể gánh vác trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh. Như vậy mới không uổng phí chí nguyện xuất gia, lại đúng với tinh thần của ni giới học Phật”[13].

Trong bài viết “Luận về chấn hưng Phật giáo nước ta” tác giả Thích Tử Thiện Quả cũng nêu lên chương trình chấn hưng cần phải chú trọng đến yếu tố đào tạo tăng tài. Không chỉ đào tạo cho chư Tăng mà nữ giới nói chung và ni giới nói riêng cũng cần được học hành một cách bài bản. Tác giả viết: “Còn nữ học sinh, bên ni cô cũng để hai phần: 1. Chuyên về Phật học đến đậu bằng phật học tốt nghiệp, còn một phần tín đồ nữ học lấy bằng trung học, ni cô chuyên về y học, còn tín đồ nữ thi xây về nữ công, học đến đậu bằng nữ công tốt nghiệp. Làm vậy thì phụ nữ cũng đặng rõ đạo lý, đặng trọn công dung ngôn hạnh, trở nên một người phụ nữ có đủ chức nghiệp”[14].

Để những ước nguyện ấy sớm được các vị Tôn túc lưu tâm và chú ý thực hiện ngoài việc thuyết phục, các bài viết còn đưa ra những dẫn chứng cụ thể ở nước bạn: “Hiện nay ở bên Ấn Độ, thậm chí đàn bà còn lập trường Phật học mà thuyết pháp giảng kinh, để tuyên trền giáo nghĩa cho hạng phụ nữ quần xoa trong nước”[15].

Xây dựng những ngôi chùa ni đầu tiên

Nhờ những lời khẩn thiết này nên việc giáo dục, xây dựng chùa ni đã được các vị bên Tăng giới lưu tâm.

Bên cạnh việc tự mình vận động để xây dựng chùa thì một số chư tăng và Phật tử hữu tâm cũng đã ủng hộ và chuyển giao các cơ sở thờ tự lại cho chư ni, chẳng hạn như chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến tặng cho ni sư Diệu Tấn từ năm 1939; chùa Huê Lâm do ông bà Nguyễn Kì Sắc phát tâm cúng dường lại cho Sư trưởng Như Thanh từ năm 1945; chùa Phước Huệ ở Sa Đéc được Hòa thượng Chánh Quả giao lại cho Ni sư Như Hoa; chùa Dược Sư do Hòa thượng Chánh Tạo khai sơn năm 1931[19].

Tại miền Trung, năm 1924 Sư bà Diệu Viên, được sự khuyến khích của Ni Trưởng Đàm Soạn, cộng thêm sự hỗ trợ của cụ Hồ Thị Thể Anh, Sư bà bắt đầu khởi dựng một ngôi ni tự đơn sơ tại vùng núi Ngũ Phong – Hương Thủy. Đến năm 1928 cơ bản hoàn thành và thỉnh Sư bà Diệu Hương về làm bậc tọa chủ giảng dạy[20].

Tiếp theo là sự hình thành chùa Diệu Đức do sư bà Diệu Không thành lập, cùng các chùa như: Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; Bảo Thắng – Hội An, Bảo Quang – Đà Nẵng, Tịnh Nghiệm – Quảng Ngãi, Ni viện Diệu Quang – Nha Trang lần lượt được vận động xây dựng. Phần lớn các ngôi chùa này cũng đồng thời là những trường học ni lúc bấy giờ.

Thành lập Ni trường Phật học đào tạo ni tài

Để ni giới có điều kiện phụng sự đạo pháp, cần phải mở mang trí tuệ cho ni giới. Cách hiệu quả nhất là mở trường Phật học. Từ nguồn sử liệu cho thấy, hầu hết ni chúng lúc này chưa có những cơ sở học Ni riêng biệt mà phải học chung với chúng Tăng. Chính vì thế, qua những bài viết được đăng tải trên nguyệt san Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Duy Tâm, chư Ni phần nào bày tỏ nguyện vọng được mở trường cho hàng ni trẻ.

Sau một thời gian kêu gọi, thuyết phục thì các cơ sở Phật học ni đầu tiên được thành lập dưới sự chứng minh và bảo trợ của Tăng già.

Ở miền Nam, người có công lao đầu tiên trong lập trường lớp là Sư bà Hồng Nga – Diệu Ngọc (1885-1951) qua việc mở lớp học ni giới ở chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) năm 1929. Lớp học được lập nên bằng chính gia sản của bà: “Xét ngay về xứ Nam Kỳ, bởi thấy sự học rất cần thiết cho chị em ni lưu, nên năm 1929, tôi đã vâng lời các vị Đại đức mà lập một năm trường Gia giáo tại Giác Hoa, tự Bạc Liêu”[21]. Ni chúng được đài thọ ăn, mặc, ở đầy đủ. Kinh sách học thiếu chùa cho mượn. Cuối năm ôn bài, ai đọc suông, cắt nghĩa được bộ kinh nào thì được tặng bộ kinh ấy. Đây là trường Phật học ni đầu tiên và đẹp nhất của miền Tây Nam Bộ[22]. Từ đó, trường không chỉ là nơi khởi đầu cho một quá trình tu học và hành đạo của ni giới, mà còn thu hút đông đảo ni giới theo học, khi đông nhất lên đến hàng trăm người.

Ngoài ra còn có trường hương Giác Hoàng (Bà Điểm) thành lập năm 1933- là trường hương đầu tiên cho phép Ni tham dự; trường hương Thiên Bửu (Lái Thiêu) thành lập năm 1934, là trường hương đầu tiên do Ni chúng tổ chức, một bước dò dẫm trong việc tự mình phát triển; trường ni Tân Hòa (trường cô Ba Xàng) năm 1937 tập hợp ni chúng hai miền Nam – Trung tựu học trên 100 vị; trường ni Vạn An thành lập năm 1940; trường ni Linh Phước, Phước Huệ đồng thành lập năm 1941; trường Kim Sơn mở tại Sài Gòn – Gia Định, trường Huê Lâm, Từ Nghiêm, Dược Sư, Trà Vinh…Đặc biệt lúc này nơi chùa Kim Huê (Sa Đéc) đã mở lớp dạy đầu tiên cho chư Ni về nghi thức truyền giới, đào tạo các vị Giới sư Ni trong Ni bộ Bắc Tông v.v[23]….

Ở miền Trung, người giữ vai trò tiên phong trong công tác giáo dục Ni chúng là Sư bà Diệu Hương. Ni trưởng huý Nguyễn Thị Kiều, sinh năm Giáp Thân (1884). Nguyên quán Giạ Lê Hạ, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên. Thân sinh của Ni trưởng là cụ ông Nguyễn Công Chí và cụ bà Nguyễn Thị Cảnh. Năm 16 tuổi, nhập cung và được phong làm Mỵ Tân. Khi vua Thành Thái bị đày và sau đó con gái bị chết, Ni trưởng cảm thấy đời vô thường, khổ đau; nên năm 1915 xin phép xuất gia và xin thọ giáo với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ ở chùa Tường Vân và được Hòa thượng cho thọ giới và ban Pháp danh là Trừng Ninh, Pháp hiệu là Diệu Hương. Năm 1924, thọ đại giới tại giới đàn Từ Hiếu. Sau đó Ni trưởng lên ở tại chùa Trúc Lâm, cùng với các Pháp lữ Chơn Hương, Giác Huệ, y chỉ với Ni trưởng Diên Trường[24].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hai nhan to quan tron trong qua trinh thong nhat Phat giao lan thu nhat 1

Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế

Năm 1928, chùa Diệu Viên được thành lập, Sư bà được cung thỉnh về lãnh đạo và dạy kinh luật cho ni chúng. Năm 1932, trường học Ni khai giảng đầu tiên tại chùa Từ Đàm, Sư bà giữ chức vụ Giám đốc, làm chỗ nương tựa và nêu cao đèn tuệ cho ni chúng trong buổi khởi đầu[25]. Hai năm sau, khi Ni trưởng Diệu Không mua được cơ sở mới và lập nên chùa Diệu Đức, đã thỉnh Ni trưởng về làm Toạ chủ khai sơn và lớp học cho quý ni cũng được chuyển về đây. Cơ sở mới được Hoà thượng Phước Huệ đặt tên là “Diệu Đức Ni Trường (cơ sở tu tập riêng của Ni chúng miền Trung)”[26]. Từ đó, Sư bà lãnh đạo tùng lâm ni chúng, chỉ dạy trao truyền, là cội đại thọ cho hàng Ni chúng nương tựa suốt 37 năm. Ni trường này là nơi đã đào tạo được nhiều vị ni tài ba, đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trong nhiều lĩnh vực, như quý Ni trưởng: Thể Yến, Diệu Trí, Đàm Minh, Thể Quán, Thể Thanh, Cát Tường, Tịnh Nguyện…là những vị đóng góp rất nhiều cho phong trào chấn hưng giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX và cho sự phát triển của Ni giới và giáo hội về sau.

Ở miền Bắc, người có vai trò nổi trội trong việc giảng dạy cho ni chúng ở thời kỳ này là Ni trưởng Đàm Soạn (?-1968). Ni trưởng sinh ở làng Cự Đà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), xuất gia từ nhỏ, theo học với thiền sư Đông Đồ tại sơn môn Trung Hậu, Phúc Yên. Ni trưởng là một vị danh ni được nhiều người mến mộ, đã từng trụ trì các chùa Thanh Nhàn, Từ Hàng và Đức Viên. Năm 1928, Ni trưởng dự vào việc xây cất chùa Diệu Viên (Huế). Thông thường, mỗi năm Ni trưởng có 3 tháng vào Huế để làm Phật sự. Ni trưởng cũng là vị  ni đầu tiên được mời vào nội cung thuyết giảng cho hoàng hậu, phi tần, các nữ quan nhà Nguyễn[27].

Đến năm 1938, tại miền Bắc đã bắt đầu có một lớp trung và tiểu học dành cho Ni giới, đặt tại chùa Bút Tháp[28] và cho đến năm 1942 có tổng số hơn một trăm tăng ni sinh theo học.

KẾT LUẬN

Đầu thế kỷ XX, khi việc vận động chấn hưng, quá trình thành lập Hội và chương trình đào tạo tăng tài còn gặp khá nhiều khó khăn thì việc xây chùa, lập trường cho ni giới quả là một hành trình đầy gian lao, chướng ngại. Thế mà, quý Ni trưởng với một tấm lòng quả cảm, tinh thần hi sinh, nỗi trăn trở cho hàng hậu học và Phật giáo thế hệ mai sau đã không ngại gian khó, vận động, khuyến tấn hàng chị em cần phải dõng mãnh tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là dấn thân phục vụ vào công cuộc chấn hưng Phật giáo. Nhờ vậy nhiều ngôi chùa ni được xây dựng, vấn đề học tập của ni giới cũng được chú ý. Đó là một bước tiến không nhỏ của ni giới trên con đường tu học và chia sẻ trách nhiệm gánh vác tiền đồ đạo Phật đối với tăng giới. Tiếp nối tinh thần của các vị, ngày nay, hàng trăm trường học cho ni giới được mở ra với một quy mô khang trang, bài bản. Ni giới ngày nay được thụ hưởng những cơ sở vật chất, được học hành không thua kém gì so với chư Tăng ấy chính là nhờ công sức của chư vị tiền bối từ trong phong trào chấn hưng.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Lợi
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Ninh Thị Sinh (2019), “Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu tôn giáo, số 4/2019, tr. 97-98.
[2] Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”, Viên Âm, số 17, tr.19-24.
[3] Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”, Viên Âm, số 17, tr.19.
[4] Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.20.
[5] Sa di ni Tâm Nguyệt (1937), “Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt”, Đuốc Tuệ, số 60, tr.5.
[6] Sa di ni Tâm Nguyệt (1937), “Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt”, Đuốc Tuệ, số 60, tr. 4.
[7] Sa di ni Tâm Nguyệt (1937), “Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt”, Đuốc Tuệ, số 60, tr. 5.
[8] Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.19.
[9] Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.22.
[10] Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 29, tr.243.
[11]Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 29, tr.245.
[12] Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 30, tr.274-276.
[13] Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, tr.37-43.
[14] Thích Tử Thiện Quả – Takeo (1936), “Luận về chấn hưng phật giáo nước ta”, Tạp chí Duy Tâm, số 07, Lưỡng xuyên Phật học Trà Vinh, tr.409-410.
[15] Duy tâm Phật học số 19 năm 1937, tr.308.
[17] Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”, Viên Âm, số 17, tr.22.
[18] Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”, Viên Âm, số 17, tr.22.
[19] Dương Thanh Mừng (2021), “Đóng góp của Ni giới trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam”. https://phatgiao.org.vn/dong-gop-cua-ni-gioi-trong-cong-cuoc-chan-hung-phat-giao-o-mien-nam-viet-nam-d47706.html. Truy cập ngày 30/7/2021.
[20] Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.27-28.
[21] Tỳ Kheo ni Tâm Ngọc (1939), “Cùng chị em ni chúng Việt Nam”, Tạp chí Duy Tâm, số 36, Lưỡng xuyên Phật học Trà Vinh, tr.569.
[22] Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.55.
[23] Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.57-80.
[24] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn biên soạn (2011), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.602-603.
[25] Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.25.
[26] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn biên soạn (2011), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.679.
[27] Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.17-18.
[28] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 207.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Thanh Mừng (2021), “Đóng góp của Ni giới trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam”. https://phatgiao.org.vn/dong-gop-cua-ni-gioi-trong-cong-cuoc-chan-hung-phat-giao-o-mien-nam-viet-nam-d47706.html. Truy cập ngày 30/8/2021.
2. Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79.
3. Duy tâm Phật học số 19 năm 1937.
4. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 207.
5. Ninh Thị Sinh (2019), “Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu tôn giáo, số 4/2019, tr. 97-98.
6. Sa di ni Tâm Nguyệt (1937), “Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt”, Đuốc Tuệ, số 60.
7. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn biên soạn (2011), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.679.
8. Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.20
9. Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu”, Viên Âm, số 17, tr.19-24.
10. Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
11. Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 29.
12. Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 30.
13. Thích Tử Thiện Quả – Takeo (1936), “Luận về chấn hưng phật giáo nước ta”, Tạp chí Duy tâm, số 07, Lưỡng xuyên Phật học Trà Vinh.
14. Tỳ Kheo ni Tâm Ngọc (1939), “Cùng chị em ni chúng Việt Nam”, Tạp chí Duy Tâm, số 36, Lưỡng xuyên Phật học Trà Vinh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường