Trang chủ Chuyên đề Vai trò của Giáo hội Phật giáo đối với nữ giới thời chấn hưng nhìn từ Liên Hoa Văn Tập năm Ất Mùi (1955)

Vai trò của Giáo hội Phật giáo đối với nữ giới thời chấn hưng nhìn từ Liên Hoa Văn Tập năm Ất Mùi (1955)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS. Mai Thị Thơm
Viện Trần Nhân Tông – ĐHQG HN
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
“Liên Hoa văn tập” (1955 – 1966) là một trong những tạp chí Phật giáo Việt Nam ra đời vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo. Tờ báo từng thuộc các cơ quan chủ quản Liên Hoa tùng thư, Giáo hội Tăng già Trung phần, Giáo hội Tăng già toàn quốc, Giáo hội Tăng già Việt Nam… Điểm đặc biệt, tờ báo được khởi phát và chủ nhiệm bởi một nữ tu sĩ: Thích Nữ Diệu Không. Mục đích chính: “Đưa người từ đời vào Đạo, lại đưa Đạo tham hiệp cùng đời; làm dây liên lạc giữa đời và Đạo”1. Dẫu thế, riêng năm Ất Mùi, đối tượng chính của tờ báo là nữ giới thuộc mọi thành phần tôn giáo – xã hội, mọi lứa tuổi già trẻ. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong toàn bộ nội dung các mục của tờ báo. Song sau một năm, sư Thích Đôn Hậu giữ chức chủ nhiệm, sư Diệu Không làm quản lý, đối tượng của tờ báo vì thế cũng không còn chuyên biệt là nữ giới nữa. Chính điểm đặc biệt này, chúng tôi muốn giới thiệu vai trò của Giáo hội Phật giáo đối với nữ giới – những người được coi là phái yếu, dễ tổn thương trong thời loạn, từ ba giác độ: Nữ giới nhận diện rõ về bản thân – xã hội và Phật giáo. Nữ giới dự phần vào các hình thức đào tạo của Giáo hội Phật giáo. Nữ giới cống hiến khả năng cho các hoạt động Đạo – Đời.
Từ khóa: Giáo hội Phật giáo, Nữ giới, Liên Hoa văn tập…

***

Chấn hưng Phật giáo có thể nói là hoạt động quan trọng của người học Phật trên thế giới. Hoạt động này kéo dài ngót gần thế kỷ (cuối TK XIX – gần nửa cuối TK XX). Quy mô rộng lớn, hoạt động cụ thể, thành quả đạt được khá rõ ràng. Phật giáo Việt Nam cũng dự phần vào đó. Ba trụ cột chính biểu trưng cho hoạt động chấn hưng Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng là: Hệ thống Giáo hội Phật giáo ra đời, hệ thống báo chí Phật giáo phát triển, hệ thống trường học Phật giáo thịnh hành… Thành quả của hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến những người học Phật, mà còn tác động đến mọi thành phần xã hội, trong đó đặc biệt nhất là nữ giới. Nữ giới dù thuộc tầng lớp nào, lứa tuổi nào ở thời kỳ này có thể nói đều chịu thiệt thòi. Nữ giới phương Đông càng thế. Họ ở trong thời kỳ xã hội Phong kiến cuối thời hoặc vừa diệt vong, xã hội phương Tây đặt ách quản trị chưa lâu, xã hội hiện thời chưa được tự chủ độc lập. Nền văn minh cũ chưa mất hẳn, nền văn minh mới chưa định hình, nữ giới vì thế chưa phải là đối tượng được xã hội quan tâm đúng mức. Sự xuất hiện của Giáo hội Phật giáo với những hoạt động cụ thể dành cho nữ giới lúc này quả thật là giá trị. Liên Hoa Văn tập năm Ất Mùi chuyên biệt thể hiện những giá trị đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro cua Giao hoi Phat giao doi voi nu gioi Lien Hoa Van Tap 1

I. VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI NỮ GIỚI VỀ VIỆC: NHẬN DIỆN RÕ TỰ THÂN – XÃ HỘI VÀ PHẬT GIÁO

Nữ giới trong Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi có thể nói là bao gồm mọi thành phần xã hội. Họ là Nữ tu sĩ – Nữ cư sĩ Phật giáo; họ là những Nữ sĩ thuộc thành phần có địa vị cao trong xã hội; họ là những người thuộc tầng lớp thương gia phú quý hay tiểu thương; họ là những người thuộc tầng lớp nghèo khổ cùng cực của xã hội… Song họ hoặc đã và đang đi trên con đường chân chính, nhận diện rõ bản thân, xã hội trong và ngoài nước, cũng như nhận diện rõ giá trị của Phật giáo đối với nhân sinh vũ trụ trong hiện tại và tương lai. Nhưng cũng có không ít nữ giới thuộc mọi thành phần khác nhau thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau vẫn chưa nhận diện rõ bản thân, hoặc chưa thấy rõ tương lai, hoặc đang đi trên con đường lầm lạc…, khổ đau trong hiện tại và tương lai là điều đang và sẽ diễn ra. Liên Hoa văn tập làm sợi dây nối kết giữa Đạo và đời, giữa những người đã tỏ và những người chưa tỏ, làm cho tất cả đều “Phản quan tự kỷ” để dự phần trong việc kiến thiết và thụ hưởng sự tốt đẹp của nhân loại và Giáo hội Phật giáo hiện thời.

1.1. Nữ giới nhận diện rõ tự thân

Như trên đã nói, người nữ khởi phát tờ Liên Hoa văn tập và giữ chức chủ nhiệm năm Ất mùi chính là sư Thích Nữ Diệu Không (1905 – 1997). Bà tên thật là Hồ Thị Hạnh, Quận chúa của triều nhà Nguyễn. Thân phụ bà là Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung, từng giữ các chức Thượng thư bộ Hộ, Đông các Đại học sĩ… và là Thầy dạy vua Duy Tân nhà Nguyễn. Bà được tiếp thu cả hai nền văn minh Đông – Tây bởi xuất thân của mình từ sớm. Thế nhưng nhà Nguyễn cuối thời, sự bảo hộ của chính phủ phương Tây không những không giúp triều đại này đứng vững bởi cái học thuần Nho hay cái học thuần Âu, mà còn dẫn đến sự diệt vong bởi chưa tìm ra vị trí tương thích cho việc phát huy giá trị của hai nền văn minh Đông – Tây. Thời cuộc thay đổi, thân phận Quận chúa nói riêng, không ít Hoàng thân quốc thích hay quan lại quý tộc… nói chung vì thế cũng bị đổi thay. Việc tìm đến với Phật giáo, giúp an định tự thân, nhận diện rõ tự thân với nhân sinh vũ trụ và phát huy giá trị làm người của mình là việc nhiều người lựa chọn. Quận chúa Hồ Thị Hạnh đã xuất gia đầu Phật từ năm 1932 và đã nỗ lực cống hiến cho công cuộc chấn hưng nữ giới do sư phụ Giác Tiên của bà và các bậc Tôn túc của Giáo hội Phật giáo các miền Việt Nam vận động. Điều này có thể thấy rõ trong hầu hết các mục chính yếu: Phụ nữ với đức dục – Bà Nội tướng – Nhàn đàm – Thư tín – Tin tức Phật giáo… của tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi.

Thế nhưng, không phải ai cũng kịp nhận ra và kịp đi đúng đường, vẫn còn đó không ít nữ giới lao vào vật chất, ăn chơi sa đọa, quên mất tuổi xuân, quên cả khổ nạn của quốc gia dân tộc… mà tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi ghi nhận. Những nhận định của Thu – một thiếu nữ đương thời trong cuộc trò chuyện với má cô và với Mộng Thanh bạn cô sau đây cho thấy điều đó: “Thu nói với má: … Con chả tin có Phật – Bồ tát gì cả, e người ta bịa đặt ra thôi… Làm gì có địa ngục thật… Nhân quả chi mà nhân quả… Thiếu nữ thời đại nguyên tử đi chùa làm quái gì. Chúng mình đi xi nê chẳng thú hơn sao? Mộng Thanh à, theo tôi thiết tưởng trong thời đại văn minh vật chất nầy, sống rày chết mai, không chơi bời ăn diện cũng uổng. Và hơn nữa, trong giờ phút hiện tại, biết bao thanh niên đang lao mình trong các thú vui, chúng mình lại lên chùa thì thật là vô lý quá”.2 Còn đây là nhận định của Mộng Thanh – người nữ đã tìm thấy đường đi: “Nhân dịp lễ Phật thành đạo, chúng ta đi chùa nghe giảng, không phải vô ích đâu Thu a. Không phải tôi lý luận để bảo toàn giá trị cho lý tưởng tôi phụng thờ, nhưng vì nhận thấy cuộc sống của chị hằng ngày quá buông lung theo tà vọng, tôi sợ rằng tương lai chị sẽ phải mịt mù, sa ngã vào cạm bẫy của biển đời ô trược. Tuổi trẻ của chúng ta nhựa sống dâng đầy, rất dễ thành công mà cũng dễ thất bại”3. Cuối cùng, nhờ hoạt động thuyết giảng vào các ngày lễ Phật cho mọi tầng lớp xã hội của Giáo hội Phật giáo, nhờ nghe được hạnh đức và trí tuệ của đức Thích-ca Mâu-ni trong ngày lễ Phật thành đạo hôm đó, có ít nhất 4 người nữ trong câu chuyện trên: Má Thu – Thu – Mộng Thanh bạn Thu – người giúp việc nhà Thu đều nhận rõ tự thân mình, thay đổi cách sống, tìm thấy bến bờ an lạc cho hiện tại và tương lai, đặc biệt là Thu: “Rất tiếc, lâu nay tôi quá ngông cuồng mai mỉa Phật giáo nên đã sống qua bao ngày tăm tối và sai lầm. Lúc này tôi mới nhận rõ Phật giáo quả là đạo cao siêu, mà với hạng người quá bồng bột, chưa suy xét tường tận không bao giờ có thể thấy rõ được”4. Tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của Giáo hội Phật giáo trong việc chuyển hóa rất nhiều nữ giới quay về với chính đạo là vậy…

1.2. Nữ giới nhận diện rõ xã hội

Nữ giới nhận diện rõ xã hội thông qua tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi chủ yếu ở phương diện mặt trái của nền văn minh ưa chuộng vật chất, và điểm khuyết của nền giáo dục chưa coi trọng đức dục. Phương Tây sau thế chiến thứ hai, nền công nghiệp phát triển mạnh, tích lũy tư bản do sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp tăng vọt, rất nhiều người giàu có nhờ hoạt động kinh tế. Quân sự cũng không thua kém, các thiết bị đáp ứng chiến tranh như tàu ngầm, tàu sân bay, xe bọc thép, súng đạn, vũ khí hạt nhân… đều vô cùng hiện đại, sát thương cao, tổn thất lớn, chiến lợi phẩm vì thế khó lường. Chính sự phát triển của kinh tế vật chất và quân sự hiện đại mà nền chính trị xã hội càng bất an, khủng hoảng nhân đạo nhân tâm càng lớn. Tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi ghi nhận: “Xét hiện trạng trên thế giới, phần trí dục thể dục tiến triển rất mạnh mà phần đức dục có phần kém xa. Ngay trong nước ta cũng vậy, đạo đức ngày một suy đồi, con ma vật dục sắp làm chủ toàn quyền thống trị nhân loại. Vì vậy, nỗi khổ của nhân loại ngày một bành trướng. Phải chăng đó là sự phản chiếu do nền giáo dục kém phần quan trọng hóa về đức dục gây nên ư?”5. Xã hội bất an, nữ giới thường là đối tượng thiệt thòi nhất. Vì thế, Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi không quên giúp nữ giới nhận diện và tìm hướng đi: “Nói tóm lại, chị em phụ nữ chúng ta muốn cho giá trị phụ nữ được hoàn toàn, nên để tâm nghiên cứu vấn đề đức dục. Liên Hoa văn tập sẽ xin lần lượt nghiên cứu trình bày các phương thuốc tâm bệnh và đồng thời làm tăng trưởng đức tánh từ bi, lòng hy sinh vì người, tinh thần vô ngã… của Phật dạy. Mong rằng toàn thể chị em nữ Phật tử hoặc là người chưa phải Phật tử mà có tâm hồn nghiên cứu vấn đề đức dục phụ nữ đều nên hưởng ứng và giúp thêm ý kiến, để cùng nhau gây thành một nền tảng đức dục phụ nữ cho nước nhà. Như thế chúng ta đã làm tròn một phận sự đối với gia đình, xã hội trong phần xây dựng kiến thiết quốc gia vậy”6. Chính cách thức sống kết hợp Đạo – Đời song vận một cách chân chính mới là cách sống vững chãi an lạc cho hiện tại và tương lai.

1.3. Nữ giới nhận diện rõ Phật giáo

Ở đây, Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi vừa giúp nữ giới thấy rõ hoạt động của Phật giáo thời Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế với những gương nữ lưu hào tộc đặc biệt: Hoàng hậu Vi Đề Hy, Hoàng hậu của vua Ưu Điền, Hoàng hậu và công chúa của vua Pasenadi…7, vừa giúp họ nhận diện qua hoạt động của Hội Phật giáo Thế giới hiện tại8 nói chung, Phật giáo các nước hiện thời nói riêng có sự tham gia của nữ giới như Nhật Bản – Trung Hoa – Anh Quốc – Miến Điện9… Quan trọng hơn, Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi cũng không quên dẫn kể gương nữ trung hào kiệt của Việt Nam, Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ như Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Nữ sĩ Đạm Phương, Phu nhân của Phan Bội Châu10…, đặc biệt là hoạt động của Giáo hội Phật giáo trong nước hiện tại, thậm chí hẹp hơn là Giáo hội Phật giáo tại cố đô Huế – nơi tờ báo đặt cơ sở11. Nhờ thế, nữ giới đương thời sẽ tin đúng, hiểu đúng, chọn đúng và hành động vững chãi. Điểm thú vị là Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi không chuyển tải ngồn ngộn thông tin ấy trong một mục báo, mà khéo léo gửi gắm qua nhiều mục: Bà Nội tướng, Truyện tích, Thi ca, Tin tức Phật giáo…, qua nhiều hình thức bài viết sống động linh hoạt. Vì thế, nữ giới dù thuộc tầng lớp nào, dù đang ở trong hoàn cảnh nào cũng đều tìm thấy bài học tương thích. Thí dụ: Những ai bị ở trong cảnh tàn sát, bị bắt giam, bị vu oan bởi vợ lớn vợ bé, bị xem thường bởi là nữ thân… thì hãy tìm bài học từ Hoàng hậu Vi Đề Hy, Hoàng hậu vua Ưu Điền, công chúa của vua Pasenadi… Thương mình, thương chồng, thương con, thương kẻ hại mình mà hướng đến Phật, Phật giáo. Nhờ Phật, Thánh chúng dạy pháp “Niệm Phật”, dạy “Từ bi hỷ xả”..., mà không khởi ác niệm oán thù, không đau khổ tuyệt vọng, không tự trách mình hay trách người…, và được thoát khỏi nổi khổ hiện tại, tìm thấy niềm an lạc cho cả tương lai khi được sinh về nước Cực Lạc của đức A Di Đà hay thiện giới…

Có một điều đáng quan tâm nữa là tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi không ngại cho nữ giới thấy những mặt trái của người mượn danh Phật giáo, làm cho người đời nói chung, nữ giới nói riêng nhận lầm Phật giáo: “Vì tôi nhận thấy đạo Phật bên ngoài có nhiều hình thức quá dị đoan… Như bạn thường nói đạo Phật luôn tôn trọng lý trí của con người, Phật tử không bao giờ mê tín, sao tôi thấy có những nơi lên đồng, cốc cốc cheng cheng là gì?… Có những người niệm Phật trước các hình nộm…”12. Điều này có thể nói chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho công cuộc chấn hưng Phật giáo của Giáo hội Phật giáo càng thiết thực và cụ thể hơn.

II. VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI NỮ GIỚI VỀ VIỆC: DỰ PHẦN VÀO CÁC HÌNH THỨC ĐÀO TẠO

Để nữ giới củng cố việc nhận diện rõ và vững tin trong hành trình tự độ độ tha, dâng hiến cho Đạo – Đời giá trị tốt đẹp, Giáo hội Phật giáo ba miền Bắc – Trung – Nam ngay từ đầu sự nghiệp chấn hưng đã không quên xây dựng một chương trình đào tạo nữ giới rất thiết thực. Tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi ghi nhận cụ thể như sau:

2.1. Nữ giới được đào tạo trong hệ thống trường Phật học chuyên biệt

Tuy Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi không ghi rõ chương trình đào tạo trong hệ thống trường Phật học chuyên biệt cho nữ giới, nhưng lại đưa tin khá chi tiết về loại hình đào tạo này ở mục Tin tức Phật giáo. Thí dụ tin: “Giáo hội Tăng già Nam Việt hiện đang lập một trường sư nữ để cho Ni chúng có chỗ tu học ở bên cạnh chùa Dược Sư (xóm Gà) Sài Gòn. Chúng tôi mong hàng tín đồ nữ Phật tử hưởng ứng giúp dùm cho mau thành tựu, để xây dựng một cơ sở đào tạo phái xuất gia bên nữ có đủ học hạnh kiểm ưu, hầu hướng dẫn nữ Phật tử ở miền Nam nước nhà về với chánh đạo…”13; “Tại chùa Dược Sư cũng có trên 40 vị Ni chúng tu học. Ngoài giờ tu học, lại chú trọng đến vấn đề tự túc, nên cũng đã tổ chức làm những công nghệ nhỏ. Ni chúng đều tu hành hoan hỷ và tinh tấn”14; “Hai trường Tăng Ni ở Báo Quốc và Diệu Đức – Huế, sỉ số gần trăm vị, vẫn tinh tấn tu học. Các lớp trên ngoài giờ tu học, cũng làm các công việc Phật sự. Như đi giảng dạy các lớp Phật pháp, dạy giáo lý ở trường Trung học Bồ Đề của Tổng Trị sự hội Việt Nam Phật học, phụ trách làm giáo viên trường Tiểu học Hàm Long do Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Báo Quốc. Một số giúp cho nhà in Liên Hoa và các công việc từ thiện khác”15. Những tin tức này thuộc loại hình thời sự, nên khá chính xác. Quan trọng hơn, qua đây chúng ta cũng thấy rõ phần nào hoạt động đào tạo của Giáo hội Phật giáo đương thời. Phật giáo dự phần vào các loại hình đào tạo cả Thế học và Phật học16. Không chỉ thế, học viên Phật giáo vừa học vừa tham gia mọi hoạt động tự túc về kinh tế, tham gia hoạt động giảng dạy cho những lớp học, chương trình học cấp dưới mà mình đã đi qua, tham gia các hoạt động ích đời lợi Đạo khác nữa. Học đi đôi với hành quả thật rất hài hòa. Tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Thiền tông Phật giáo cũng được vận dụng khéo léo hợp thời.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro cua Giao hoi Phat giao doi voi nu gioi Lien Hoa Van Tap 2

2.2. Nữ giới được đào tạo trong hệ thống trường Bồ đề

Trường Bồ đề của Phật giáo thời chấn hưng bao gồm tất cả các cấp, từ Mầm non đến Đại học, đặc biệt là từ Mầm non đến hết Trung học. Ở đây, mọi thành phần xã hội đều được đi học. Ngoài chương trình của trường Thế học, các trường Bồ đề còn chú trọng dạy kèm chương trình Phật giáo. Vì thế, người học có thể nói là được trang bị đầy đủ ba phương diện: Trí dục – Đức dục – Thể dục mà tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi coi trọng. Nói chung, hệ thống trường Bồ đề rất được xã hội đương thời ủng hộ và đánh giá cao. Quan trọng hơn nữa, chính phủ bảo hộ Pháp – Mỹ đều ủng hộ bằng cả vật chất lẫn chính sách hoạt động. Song, cũng như ý trên, hệ thống trường Bồ đề trong tờ báo này cũng chỉ xuất hiện dưới hình thức tin tức, thậm chí dưới hình thức bút danh của một tác giả: “… dạy giáo lý ở trường Trung học Bồ Đề của Tổng Trị sự hội Việt Nam Phật học, phụ trách làm giáo viên trường Tiểu học Hàm Long do Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Báo Quốc lập”17.

2.3. Nữ giới được đào tạo qua báo chí Phật giáo và qua hoạt động diễn giảng ở tự viện Phật giáo

Mục đích gần gũi nhất cho sự ra đời của tờ Liên Hoa văn tập là: “Muốn phổ biến ánh đạo vàng cho hàng phụ nữ Phật tử, thâm hiểu giáo lý của Phật, và chú trọng nền đức dục cho phụ nữ, Ban quản lý nhà in Liên Hoa đã được phép Giáo hội Tăng già Trung Việt đồng ý cho thành lập một Liên Hoa Tùng Thư, mỗi tháng xuất bản một văn tập. Mong chị em xa gần hưởng ứng cho công việc tự tha lưỡng lợi được tiến triển”18. Có thể nói, chính sự gần gũi và thông dụng của báo chí mà mọi thành phần xã hội, trong đó có nữ giới thuộc mọi tầng lớp mọi lứa tuổi đều có thể được đào tạo. Tri thức ở tất cả các mục trong tờ Liên Hoa văn tập nói riêng, hầu hết các tạp chí, sách vở Phật giáo nói chung đều là tri thức của nhân loại, của Phật giáo dành cho nhân loại. Đặc biệt hơn, tờ Liên Hoa văn tập dành nhiều chương trình cụ thể riêng cho nữ giới. Trong đó có chương trình về thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa tự thân người nữ với gia đình, dòng tộc, các thành phần xã hội khác. Cụ thể: “Chương trình học tập của nữ Phật tử đối với gia đình: 1. Đối với cha mẹ ông bà; 2 đối với vợ chồng anh chị em; 3. Đối với con cháu; 4. Đối với người giúp việc…”.19

Ngoài ra, tờ Liên Hoa văn tập còn đưa rất nhiều thông tin về chương trình học Phật ở các nước trên thế giới. Việc người nữ biết được hoạt động đào tạo của Phật giáo thế giới đương thời vừa giúp họ vững tin với chương trình đào tạo của Giáo hội Phật giáo nước nhà, vừa giúp họ biết nếu có điều kiện thì có thể tham dự hoặc xây dựng kế hoạch cho tương lai của tự thân, con em mình… “Hội Phật giáo Anh nhận được rất nhiều thư từ của dân chúng xin mở lớp Phật pháp mở lòng cho họ theo… Hiện nay Hội đã có những lớp học Phật cho những người am hiểu đạo Phật và lớp học tu Thiền bằng lý thuyết và thực hành”20; “Tổ chức giáo dục của Một trường Đại học Phật giáo kiểu mẫu – Komayawa University gồm: Phật giáo học bộ (4 năm); Văn học bộ (4 năm); Thương kinh học bộ (4 năm); Đoản kỳ Đại học (2 năm); Đại học viện (2 năm)…”21. Tuy chỉ đưa tin giới thiệu, nhưng các phương diện chung của Trường Đại học Phật giáo này gồm Tôn chỉ – Lịch sử – Vị trí – Kiến trúc – Tổ chức giáo dục – Phương pháp giáo dục – Điều kiện nhập học và sỉ số học sinh – Sinh hoạt của học sinh… đều được thông báo một cách rõ ràng thú vị cho những ai quan tâm.

Chương trình giảng pháp Phật vào các ngày lễ Phật như Phật đản vào tháng tư, Phật Xuất gia – Nhập diệt vào tháng hai, Vu lan vào tháng 7, Phật Thành đạo vào tháng 12… tại các tự viện Phật giáo hay tại các trụ sở Hội Phật giáo mà tờ Liên Hoa văn tập ghi nhận cũng là một trong những hoạt động góp phần đào tạo nữ giới thành công của Giáo hội Phật giáo đương thời. Gương đạo bao la của đức Thích Ca Mâu Ni, lòng từ bi nhẫn nhục vô bờ của Bồ tát Quán Thế Âm, hiếu hạnh cao thượng của Tôn giả Mục Kiền Liên… Pháp môn niệm Phật trong Kinh Di Đà, pháp môn sám hối trong Kinh Hồng danh… đều rất cần cho nữ giới hay những người quan tâm khác của xã hội.

III. VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI NỮ GIỚI VỀ VIỆC: CỐNG HIẾN KHẢ NĂNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẠO – ĐỜI

Được đào tạo từ các loại hình chương trình Đạo – Đời mà Giáo hội Phật giáo tổ chức, nữ giới đương thời có thể nói đã xây dựng cho mình một hành trang vững chắc trong cuộc sống. Song, Giáo hội Phật giáo nói chung, tờ Liên Hoa văn tập còn tạo cho nữ giới không gian thuận lợi để cống hiến năng lực của mình, đáp đền ân đức Đạo – Đời. Cụ thể.

3.1. Nữ giới cống hiến năng lực trong hoạt động báo chí

Có thể nói, chưa có tờ báo Phật giáo nào mà đội ngũ tác giả là nữ giới chiếm số đông được ghi nhận rõ ràng như tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi. Họ thuộc mọi thành phần của Đạo và đời: Là nữ tu sĩ, nữ cư sĩ; là nữ sĩ; là giảng viên; là thôn nữ, là người chị người em gái bình phàm… Lĩnh vực họ thể hiện ở báo chí gồm thi ca, văn xuôi lý luận, tự truyện, tiểu truyện, dịch kinh, kịch nghệ, tin tức… Ngôn ngữ họ thể hiện vừa gần gũi vừa thân thiết, có lý hành có sự hành có dụ hành. Nội dung họ đề cập rất phong phú đa dạng nhưng đều hàm chứa đủ cả trí dục thể dục đức dục. Có thể kể một vài điểm sau: Với tư cách là tác giả, gồm: Sư Diệu Không – sư Thể Quán – Thích Nữ Đàm Minh – Tôn nữ Huệ – Sơn Nữ – Nguyễn Thị Thanh – Tín nữ Hàn Thơ – Hồng Mai – đứa em vừa thức tỉnh Hồng Khánh – Nữ sĩ Đạm Phương – Nữ cư sĩ Sài thành Trùng Quang… Thể tài và bài viết cụ thể mà họ đóng góp: “Bài ca Đạo Phật” theo thể thơ song thất lục bát; “Sự tích đức Quán Thế Âm” theo thể tài truyện tích; “Phụ nữ với đức dục” thuộc loại văn xuôi lý luận; “Niềm tin tưởng đầu tiên” thuộc hình thức tự truyện; “Bạn gái” theo hình thức thư tín; “Kịch Ngộ” theo hình thức kịch nghệ… Thật sự rất giá trị…

3.2. Nữ giới cống hiến năng lực trong hoạt động giảng dạy của Phật giáo

“Hai trường Tăng Ni ở Báo Quốc và Diệu Đức – Huế, sỉ số gần trăm vị, vẫn tinh tấn tu học. Các lớp trên ngoài giờ tu học, cũng làm các công việc Phật sự. Như đi giảng dạy các lớp Phật pháp, dạy giáo lý ở trường Trung học Bồ Đề của Tổng Trị sự hội Việt Nam Phật học, phụ trách làm giáo viên trường Tiểu học Hàm Long do Giáo hội Tăng già Trung Việt đặt tại chùa Báo Quốc. Một số giúp cho nhà in Liên Hoa và các công việc từ thiện khác”22. Nữ giới như sư Diệu Không và các đệ tử do bà độ xuất gia hay cho y chỉ… đều dự phần lớn trong việc giảng dạy tại các trường Phật học chuyên biệt của Ni bộ như Ni viện Diệu Đức Huế, Ni viện Diệu Quang Nha Trang, Ni trường Huệ Nghiêm Sài Gòn… Ngoài ra, sư Diệu Không cũng là một trong những giảng viên chính của chương trình “Nữ công gia chánh” mà bà và Nữ sĩ Đạm Phương thành lập… Đối với hệ thống trường Bồ đề, đặc biệt thuộc cấp Mầm non hay cấp cơ sở, nữ tu sĩ, nữ cư sĩ, giảng viên nữ… phụ trách giảng dạy rất đông. Chính họ đã góp công mang đến sự thành công của Giáo hội Phật giáo thời chấn hưng.

3.3. Nữ giới cống hiến năng lực trong hoạt động khác của Phật giáo và xã hội

Nữ giới ở chùa Dược Sư nói riêng, nhiều chùa Ni, hay Ni viện Phật giáo trên cả nước Việt Nam mà tờ Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi ghi nhận đều vừa tu học vừa lao động tự túc. Họ làm hương, thức ăn chay, sản xuất xì dầu, sản xuất bánh đa, bánh trung thu… vừa cung cấp lương thực thực phẩm cho tự thân, vừa giúp cho người đời, nữ cư sĩ tại gia có điều kiện để ăn chay, tham gia hoạt động tín ngưỡng đúng cách… “Tham gia các công việc từ thiện khác”23 cũng là những việc mà nữ giới dù là đệ tử Phật hay người đời có gắn liền với Phật giáo đều tích cực dự phần trong thời chấn hưng Phật giáo. Ở đây, tuy Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi chưa đề cập sâu rộng nhưng một thông tin ngắn đó cũng đã chứng minh điều chúng tôi đề cập. Nữ giới sống và cống hiến rất cụ thể, rất thiết thực năng lực của mình cho Đạo cho đời dưới sự đồng hành chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo đương thời.

IV. KẾT LUẬN

Có thể nói Liên Hoa văn tập với chiều dài lịch sử hoạt động hơn mười năm tuy chỉ là một trong những tờ báo Phật giáo thời chấn hưng nhưng giá trị để lại là không nhỏ. Riêng Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi, tờ báo đã cho thấy khá trọn vẹn bức tranh về nữ giới Việt Nam nói chung, nữ giới học Phật nói riêng. Họ được Giáo hội Phật giáo quan tâm, xem là đối tượng chính ngay từ đầu công cuộc chấn hưng. Vì thế, họ được hỗ trợ, giúp đỡ để nhận rõ về tự thân, về xã hội và về Phật giáo trong nước – thế giới từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Họ được đào tạo một cách chân chính từ nhiều góc độ, theo nhiều hình thức. Họ cũng được tạo cơ hội, tạo không gian để cống hiến năng lực của mình. Họ nhờ vậy mà sống rất đắc dụng, khá chân chính, trọn vẹn con đường tự độ độ tha cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian. Nhân chuẩn bị “Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (tháng 11/1981), và đang lúc người Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung nỗ lực trong việc phòng chống dịch bệnh Covid 19, bài viết xin góp tiếng nói để chúng ta thêm cơ hội nhìn lại vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với mọi thành phần của xã hội và nhân loại, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp.

TS. Mai Thị Thơm
Viện Trần Nhân Tông – ĐHQG HN
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Dẫn từ mục Lá thư chung, Liên Hoa văn tập, tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
2 Dẫn từ bài Niềm tin tưởng đầu tiên, Liên Hoa văn tập, tháng hai năm Ất Mùi (1955).
3 Sđd.
4 Sđd.
5 Dẫn từ mục Phụ nữ với đức dục, Liên Hoa văn tập tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
6 Sđd.
7 Xem cụ thể từ các bài: Hoàng hậu Vi Đề Hy với pháp môn Tịnh độ, Vua Ưu Điền với pháp ly dục, Liên Hoa văn tập tháng năm năm Ất Mùi (1955), Pháp môn niệm Phật, Liên Hoa văn tập tháng tám năm Ất Mùi (1955).
8 Xem cụ thể từ bài Tư cách bà nội tướng, Liên Hoa văn tập tháng giêng năm Ất Mùi (1955).
9 Xem cụ thể mục Tin tức Phật giáo, Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi (1955).
10 Sđd, Liên Hoa văn tập tháng giêng năm Ất Mùi (1955).
11 Sđd, Liên Hoa văn tập năm Ất Mùi (1955).
12 Dẫn từ bài Niềm tin tưởng đầu tiên, Liên Hoa văn tập, tháng hai năm Ất Mùi (1955)
13 Mục Tin tức Phật giáo, Liên Hoa văn tập, tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
14 Sđd.
15 Sđd.
16 Có thể xác minh những hoạt động này trong các loại hình tạp chí Phật học khác, và trong nhiều tác phẩm của Phật giáo… như Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (tập 3).
17 Mục Tin tức Phật giáo, Liên Hoa văn tập, tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
18 Sđd.
19 Mục Chương trình học tập…, Liên Hoa văn tập, tháng tám năm Ất Mùi (1955).
20 Mục Tin tức Phật giáo, Liên Hoa văn tập, tháng tư năm Ất Mùi (1955).
21 Sđd.
22 Mục Tin tức Phật giáo, Liên Hoa văn tập, tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
23 Sđd.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Thích Đồng Bổn (biên soạn) (2017), Tiểu sử danh tăng Việt nam thế kỷ XX, Nxb Tôn giáo.
Thích Quảng Độ (dịch) (2000), Phật Quang đại từ điển, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn – Đài Bắc xuất bản.
Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội.
Thư Viện Huệ Quang (2015), Liên Hoa văn tập, Huệ Quang ấn hành.
Thư Viện Huệ Quang (2014), Tư tưởng, Huệ Quang ấn hành.
Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb TP. HCM, các tập 1, 2, 3.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường